Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 12 tháng 3, 2011

Phúc âm Lễ Chúa Nhật I Mùa Chay (13/03/2011)


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng với chủ đề " "CÁM DỖ" của Linh Mục Micae Nguyễn Trường Luân, CSsR



Mời nghe bài giảng tĩnh tâm mùa chay với chủ đề " "THA THỨ TỘI LỖI" của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn, CSsR



CHỚ THỬ THÁCH THIÊN CHÚA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Chọn lựa

Một tục lệ: ngày thôi nôi của một đứa bé, người ta quen đặt trước mặt nó nhiều món đồ (thí dụ một cây viết, một cái cày nhỏ, một cây súng v.v.). Người ta hồi hộp xem nó chọn món nào và từ đó suy đoán về tương lai của nó (chọn cây viết: sẽ là nhà trí thức; chọn cái cày: sẽ làm ruộng; chọn cây súng: sẽ đi lính). Tuy hơi dị đoan, nhưng tục lệ này nói lên hai ý tưởng khá sâu sắc:

a/ con người luôn phải lựa chọn;
b/ đã quen chọn thế nào thì sẽ tiếp tục chọn thế ấy. Người ta nói "cuộc sống là một chuỗi của lựa chọn". Quen chọn đúng thì sống tốt, quen chọn sai thì sống xấu.

2. Nhìn thẳng vào thực tại cám dỗ

Chúng ta đừng nuôi ảo tưởng về một thế giới mà mọi sự đều tốt lành. Thân phận con người là sống giữa thế gian mà trong đó thiện ác, lành dữ lẫn lộn.

Chính vì thế, khi Con Thiên Chúa xuống thế làm người, chính Chúa Thánh Thần đã dẫn Người vào sa mạc để đối diện với các cơn cám dỗ.

Người ta sống tốt không phải bằng cách che mắt giấu mặt để khỏi nhìn thấy điều xấu, mà trái lại bằng cách nhìn thẳng vào điều xấu và chiến đấu để chiến thắng nó.

Trong Mùa Chay, mỗi người hãy nhìn thẳng vào nội tâm mình. Không phải chỉ nhìn những mặt tốt, mà nhất là phải nhìn thẳng vào những mặt xấu, những thứ "tham, sân, si" đang âm thầm nhưng mãnh liệt khống chế mình.

Và hãy nhìn vào cuộc chiến đấu của Ðức Giêsu. Người đã thắng nhờ đâu? Nhờ làm theo Lời Thiên Chúa và thực hiện thánh ý Thiên Chúa.

3. Tái lập bậc thang các giá trị

"Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh...": Qua lời này, Chúa không bảo chúng ta đừng tìm cơm bánh, nhưng Ngài nhắc chúng ta đừng chỉ tìm cơm bánh.

Bị quay cuồng trong cuộc sống vật chất, con người dễ bị cuốn hút theo vật chất: từ tình trạng quân bình dành mối quan tâm đồng đều cho những nhu cầu tinh thần và vật chất, chúng ta dần dần bị cám dỗ xén bớt phần tinh thần để vun đắp thêm cho phần vật chất, và cuối cùng chỉ còn có vật chất và vật chất.

Mùa chay là khoảng thời gian thích hợp cho chúng ta lùi lại để có một khoảng cách sáng suốt mà nhận định lại các bậc thang giá trị đời mình, theo tiêu chuẩn mà Ðức Giêsu đưa ra: "Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh mà còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra".

Những việc làm được Giáo Hội khuyến khích trong Mùa Chay cũng nhằm giúp chúng ta tái lập lại các bậc thang giá trị: tự ý giảm bớt ăn uống, làm chủ những khuynh hướng của mình, quan tâm tìm hiểu ý Chúa và lắng nghe Lời Chúa hơn v.v.

4. Ý muốn hướng dẫn hành động

Ý muốn là động cơ và là sức mạnh. Bởi đó người ta nói "Ý lực". Không có những hành động ngẫu nhiên vô tình. Mọi hành động đều đi theo sau một ý muốn dẫn dắt.

Muốn điều đúng và tốt thì sẽ hành động đúng và cuộc đời sẽ tốt.

Nhưng ý muốn riêng không hẳn là luôn luôn đúng và tốt. Bởi thế con cái còn khờ dại thì nên làm theo ý muốn của cha mẹ, học trò còn non kém thì tốt nhất nên theo ý hướng dẫn của thầy cô. Trong những trường hợp này, vâng lời trở thành con đường khôn ngoan nhất và tốt đẹp nhất.

Ađam Evà đã theo ý của ma quỷ và theo ý riêng dẫn đến kết quả bi thảm cho cả loài người. Ngược lại Ðức Giêsu dù là Con Thiên Chúa nhưng đã quyết luôn làm theo ý muốn của Chúa Cha và đã cứu chuộc loài người: "Chỉ vì một người không vâng lời Thiên Chúa mà muôn người bị liệt vào hạng tội nhân, thì nhờ một người đã vâng lời Thiên Chúa mà muôn người cũng sẽ được kể là công chính".

5. Cám dỗ của Ðức Giêsu và của chúng ta

Một cuốn phim đã làm xôn xao dư luận một thời (khoảng năm 1989) là phim "Cơn cám dỗ cuối cùng của Ðức Kitô" (The Last Temptation of Christ), phỏng theo quyển tiểu thuyết cùng tên của nhà văn hy lạp Nikos Kazantzakis. Cuốn phim và quyển tiểu thuyết mô tả lúc Ðức Giêsu bị treo trên thập giá. Ngài đã ngất đi và thấy mình rời bỏ thập giá để trở lại cuộc sống bình thường. Ngài đi tìm lại nàng Mađalêna, cưới nàng làm vợ. Sau đó Ngài lại tìm đến với hai chị em Matta và Maria và cũng cưới luôn hai người này. Ngài có rất nhiều con và sống rất hạnh phúc.

Báo chí và các đài phát thanh đưa tin rằng khi cuốn phim được trình chiếu lần đầu, những người có đạo đã đập phá rạp chiếu bóng tan tành, đến nỗi lần chiếu sau phải chiếu ở một rạp đặc biệt được cô lập bởi chung quanh toàn là nước để khỏi bị đập phá lần nữa.

Thực ra cốt chuyện cũng chẳng có gì xúc phạm cho lắm. Tuy tác giả có nói Ðức Giêsu rời khỏi thập giá và cưới 3 người vợ, có nhiều con, nhưng đó chỉ là một cơn cám dỗ của Ngài mà thôi. Cuối cùng Ngài đã lắc đầu không theo cơn cám dỗ đó. Sau đó Ngài tỉnh lại vẫn thấy mình đang bị treo trên thập giá, và Ngài hô lớn một tiếng kêu chiến thắng "Thế là đã hoàn tất", rồi Ngài tắt thở, hoàn tất đời mình trong tâm tình luôn trung thành với Chúa Cha.

Trong đoạn mở đầu quyển tiểu thuyết của mình, Nikos Kazantzakis đã trình bày rõ ý hướng của ông: Ông tin Ðức Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Và ông muốn nhìn Ngài dưới khía cạnh làm người, vì thế ông đã tưởng tượng những cơn cám dỗ và những cuộc chiến đấu vô cùng cam go mà con người Giêsu đã phải đương đầu và đã anh dũng chiến đấu như thế nào. Mục đích là để càng thấy rõ hơn Ðức Giêsu chính là mẫu mực cho con người chúng ta, để chúng ta cảm phục Ngài hơn và để khuyến khích chúng ta can đảm hơn trong khi chiến đấu với những cơn cám dỗ của chính chúng ta. Tác giả đã thổ lộ: "Trong khi viết, tôi đã cảm động đến phát khóc. Tôi chưa bao giờ cảm thấy máu của Chúa rơi từng giọt vào tim tôi với sự ngọt ngào như vậy, với nỗi đớn đau như vậy".

6. Chuyện minh họa

Có 3 người mục tử, mỗi người coi sóc một đàn chiên. Một đêm mùa đông vừa gió vừa mưa. Khi 3 người đang ngủ thì nghe có tiếng chó sói.

Người thứ nhất tung chăn thức dậy định ra ngoài xem xét tình hình. Nhưng nghe tiếng mưa rơi gió rít, anh ngại ngùng và trở vào giường ngủ tiếp.

Người thứ hai cũng thức dậy, mặc thêm quần áo mở cửa đi ra. Nhưng một đợt nước mưa quất ngay vào mặt anh làm anh bỏ ngay ý định ra ngoài. Anh cũng trở vào giường nằm xuống, kéo chăn đắp kín và ngủ tiếp.

Người thứ ba cũng thức dậy, cũng mặc quần áo, và cũng ra ngoài. Dù gió lạnh, dù mưa ướt, anh vẫn cố chịu đựng, đi đến tận chỗ đàn chiên của anh để xem. Khi đã thấy chiên mình an toàn, anh mới trở vào nhà ngủ tiếp.

Trong 3 người đó, ai là người hiểu biết rõ nhất về sự khắt nghiệt của gió và mưa? Dĩ nhiên là người thứ ba.

Cũng thế, người hiểu rõ nhất về cám dỗ là người đã chiến đấu và chiến thắng nó.

Vì vậy, nếu ta muốn học cách đương đầu với cám dỗ, đừng học với những kẻ tội lỗi, mà hãy học với những vị thánh.

Như trong các bài đọc hôm nay, chúng ta đừng học với dân Israel trong thời xuất hành ở sa mạc, mà hãy học với Ðức Giêsu.

Thánh Ca : Sám Hối


TRÔNG BẠN KHÁC QUÁ!
Lm Mark Link, S.J.

Cách đây một số năm, Doug Alderson có viết một bài rất hay trong tạp chí Campus Life mô tả cuộc đi bộ suốt hai ngàn dặm xuống dãy núi Appalachi (Appalachian Trail) của ông.

Lúc đó Doug vừa mới tốt nghiệp trung học thôi nhưng đã tự đặt cho mình một số câu hỏi chưa được ai trả lời cho, chẳng hạn: Có Thiên Chúa hay không? Mục đích cuộc sống là gì?

Khi bình luận về tất cả những vấn nạn này, Doug viết: "Phải có cái gì đó đáng sống hơn là tiền bạc, truyền hình, tiệc tùng và đua tranh... Cuộc đi bộ lâu ngày của tôi chuyến này là một cuộc đi tìm an bình nội tâm, là một cuộc hành trình khám phá chính mình".

Cuộc hành trình gian khổ hơn Doug dự tính. Có đôi chỗ, đường dốc đứng rất là nguy hiểm. Ban ngày lại thường hay mưa. Áo quần Doug bị sũng ướt nước, chân cẳng thì ướt át, thân thể thì rét run và đau nhức vào ban đêm. Nhưng Doug đã không đầu hàng. Những giờ phút đi bộ và leo trèo giúp Doug có cơ hội suy nghĩ, đồng thời nhờ đó cậu hiểu mình hơn, vì chung quanh chẳng có ai tác động lên cậu hết.

Năm tháng sau, Doug về đến nhà. Cậu đã trở thành một người thay đổi khác. Ngay chính con chó của cậu cũng lạ lùng ngó cậu như muốn nói rằng: "Cậu đã đi đâu và đã làm gì thế? Trông cậu khác quá!".

Doug quả là có khác trước. Cậu đã gặp được điều cậu kiếm tìm, đó là có một vị Thiên Chúa: đời sống có mục đích và cậu có vai trò trong cuộc sống ấy. Doug tóm tắt kinh nghiệm của mình bằng giòng chữ sau: "Tôi không còn là tôi như trước đây nữa, tôi yêu thích cái mà tôi nhìn thấy được trong chính tôi".

Doug Alderson thuộc về số người trong lịch sử đã từng đi tìm cô tịch để suy tư về ý nghĩa và mục đích của đời sống. Môisê đã từng làm thế. Các tiên tri từng làm thế. Gioan Tẩy Giả từng làm thế, và trong Phúc âm hôm nay, Ðức Giêsu cũng làm thế. Suốt bốn mươi ngày dài trong cô tịch, Chúa Giêsu đã trải qua bao cơn cám dỗ dữ dội. Chúng ta có thể so sánh ba cơn cám dỗ với đoạn duyệt ở đầu một cuốn phim. Ðoạn duyệt này trình bày cho chúng ta khá đầy đủ về cuốn phim khiến chúng ta chú ý vào phim ấy mà vẫn không làm cho chuyện phim sau đó bị mất hay đi.

Cơn cám dỗ Chúa Giêsu đã trải qua cũng tương tự như thế. Chúng kể cho chúng ta khá đủ về Chúa Giêsu để khiến chúng ta chú ý đến Ngài mà không làm cho câu chuyện Phúc âm nhạt nhẽo đi. Chẳng hạn, các cơn cám dỗ ấy giúp chúng ta biết sơ qua bản thân Chúa Giêsu và công việc mà Ngài đến để chu toàn.

Chúng ta hãy xem điểm thứ nhất liên quan đến bản thân Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là ai?

Thoạt tiên, các cơn cám dỗ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã cảm nghịêm trận chiến nội tâm giữa điều thiện và điều ác giống hệt chúng ta. Ngài cũng cảm thấy cuộc tranh chấp bên trong giữa điều phải và điều trái giống hệt chúng ta. Ðiều này cho thấy Chúa Giêsu cũng là con người như chúng ta.

Nhưng các cơn cám dỗ không chỉ nói lên điều đó. vì dù bị cám dỗ giống hệt chúng ta nhưng Chúa Giêsu đã phản ứng lại cơn cám dỗ khác với chúng ta. Ngài không hề giao động hay do dự khi đương đầu với cám dỗ. Ngài không nhượng bộ cám dỗ một chút nào hết. Ðiều này cho thấy điểm đặc biệt nơi con người Chúa Giêsu. Ðiểm đặc biệt ấy là gì?

Chính ma quỉ đã cho chúng ta thấy một mối khi nó nói với Chúa Giêsu: "Nếu ngươi là Con Thiên Chúa..." ma quỉ gợi cho chúng ta biết Chúa Giêsu không chỉ là một con người, mà Ngài còn là Con Thiên Chúa đến sống giữa chúng ta. Nhiều năm sau đó, trong thư gởi tín hữu Philipphê, Thánh Phaolô đã cắt nghĩa bản tính của Chúa Giêsu như sau: "Chúa Giêsu vốn bản tính là Thiên Chúa, nhưng Ngài... Ðã trở nên giống như loài người và đã xuất hiện như một con người" (Pl 2: 6-7). Như vậy các cơn cám dỗ Chúa Giêsu đã trải qua giúp chúng ta nhìn thấy trước câu trả lời cho vấn nạn "Chúa Giêsu là ai?" hay nói cách khác, Chúa Giêsu có sứ mệnh gì trên trần gian?

Các cơn cám dỗ ấy cũng giúp ta thấy trước câu trả lời cho vấn nạn vày. Ðể thấy rõ điểm này, chúng ta cần nhớ lại bài đọc thứ nhất hôm nay. Ngày sau khi Adam được Chúa tạo dựng, ma quỉ liền cám dỗ ông ta và Adam đã sa ngã. Kể từ lúc đó, tất cả mọi người đều làm nô lệ cho ma quỉ. Giờ đây ma quỉ lại cám dỗ Chúa Giêsu. Tuy nhiên, không như Adam sa ngã, Chúa Giêsu đã đứng vững. Ðiều này cho thấy Chúa Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi vòng nô lệ, Ngài đã đến để điều chỉnh sai lầm nơi tội lỗi đầu tiên của Adam.

Trong bài đọc thứ hai hôm nay, Thánh Phaolô đã bình luận về sứ vụ này của Chúa Giêsu như sau: "Cũng như tội lỗi của một người đã kết án toàn thể nhân loại thế nào, thì hành vi công chính của một người cũng giải thoát và đem lại nguồn sống cho nhân loại như thế ấy. Nói cách khác, Chúa Giêsu là "Adam thứ hai". Ngài đã đến để sửa lại lầm lỗi cho "Adam thứ nhất". Ðó chính là cách thức Thánh Phaolô giải thích về sứ mệnh của Chúa Giêsu trong thư gởi tín hữu Corintô: "Cũng như mọi người phải chết vì liên kết với Adam thế nào, thì mọi người cũng được sống nhờ kết hiệp với Chúa Giêsu như thế... Adam thứ nhất bởi đất, Adam thứ hai bởi trời.. Như chúng ta đã mặc lấy hình tượng con người bởi đất thế nào thì chúng ta cũng sẽ mặc lấy hình tượng của CON NGƯỜI đến từ trời như thế" (1 Cr 15,22.47-49).

Nói cách khác, Chúa Giêsu đã đến trần gian để trở thành "Adam mới" của một nhân loại mới.

***

Như thế, để kết luận, chúng ta thấy rằng các cơn cám dỗ trong hoang địa Chúa Giêsu trải qua cho chúng ta thấy trước hai sự kiện quan trọng về Chúa Giêsu:

Thứ nhất, Chúa Giêsu là con Thiên Chúa làm người. Thứ đến Ngài là Adam mới mang sứ mệnh phục hồi sự sống mới cho nhân loại. Các bài đọc hôm nay thật thích hợp để dẫn nhập chúng ta vào mùa chay. Chúng làm nổi bật được nội dung của Mùa chay. Mùa chay giúp ta sống lại kinh nghiệm trong hoang địa của Chúa Giêsu xưa kia về việc chống lại ma quỉ cám dỗ.

Nhưng không chỉ có thế, mùa chay còn cử hành mừng chiến thắng của Chúa Giêsu trên ma quỉ. Và bao lâu chúng ta biết kết hợp với Chúa Giêsu trong trận chiến chống quỉ thì chúng ta cũng sẽ chia xẻ niềm vui chiến thắng của Ngài.

Lạy Chúa Giêsu,
Chúa là con Thiên Chúa làm người
Chúa đã vào hoang mạc để chịu ma quỉ cám dỗ
Và để bắt đầu sứ mệnh như một Adam mới.
Xin giúp chúng con cùng đi vào hoang mạc với Chúa.
xin gíup chúng con biết chia sẻ trận chiến mùa chay với Chúa
ngõ hầu chúng con cũng được chia sẻ chiến thắng Phục sinh với Chúa.

Thánh Ca : Con Đường Chúa Đã Đi Qua


Xin cùng cầu nguyện với 3 phút bằng thánh vịnh đáp ca



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét