Nguồn : www.40giayloichua.net
Mời nghe bài giảng với chủ đề " "VÂNG LỜI VÀ TỰ DO" của Linh Mục Đa Minh Nguyễn Phi Long, CSsR
Mời nghe bài giảng với chủ đề " "VÂNG THEO Ý CHÚA" của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn, CSsR
THỰC HIỆN ĐIỀU CHÚA DẠY
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái
1. Nền nào vững chắc?
Theo cách diễn tả của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này thì sống đạo cũng giống như xây nhà. Có người xây nhà trên nền bằng cát không vững, có người xây nhà trên nền bằng đá tảng rất vững vàng.
Chúng ta hãy suy nghĩ về một số cách sống đạo, để xem đó có phải là xây nhà trên nền đá vững chắc không.
- Sống đạo bằng cách đọc kinh, dự lễ rất đầy đủ và chuyên cần. Có lẽ đa số giáo dân chúng ta theo cách này. Ngày Chúa nhựt và những ngày lễ, nhà thờ chật ních. Nhiều nơi xây thêm nhà thờ mới. Nhiều nhà thờ ngày càng trở nên chật hẹp, phải nới rộng thêm. Đây cũng là cách của những người biệt phái và luật sĩ thời Đức Giêsu. Nhưng Đức Giêsu đã nói "Không phải những ai thưa 'Lạy Chúa lạy Chúa' mà được vào Nước Trời". Đọc kinh dự lễ rất nhiều mà rốt cuộc không được vào Nước Trời. Đó là xây nhà trên cát.
- Sống đạo bằng cách chọn Chúa là Đấng bảo vệ che chở cho đời mình: người ta có kẻ thờ Quan Công, có người thờ thần tài, có người thờ Phật Bà Quan Âm. Nhưng tôi nhất quyết chọn Chúa vì tin rằng Ngài quyền phép hơn tất cả những thần thánh kia. Bởi thế, khi bắt đầu làm ăn, tôi cầu xin Chúa giúp; khi gặp trục trặc, tôi xin Ngài giải quyết; khi thành công, tôi dâng lễ vật tạ ơn Ngài; cho đến khi sắp chết, tôi xin Ngài rước tôi lên thiên đường với Ngài. Thiên Chúa trở thành ô dù, là nhà tài trợ, là mạnh thường quân, là lá bùa hộ mệnh. Những người này có phần "khôn khéo" vì biết chọn theo Thiên Chúa mạnh thế hơn, nhưng xét cho cùng thì cách sống đạo của họ cũng không khác gì những người thờ các thần khác. Cũng là xây nhà trên cát.
- Có những người bệnh tật không đến nhà thờ được, hoặc ở nơi không có nhà thờ. Họ không dự lễ nhiều, nhưng họ luôn cố gắng thực hành những điều Chúa dạy trong Tin Mừng, họ quan tâm tìm hiểu ý Chúa và làm theo ý Chúa. Chúng ta hãy nghe Chúa Giêsu nói về họ: "Ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành, thì giống như người khôn ngoan, đã xây nhà mình trên đá".
2. Mưa tuôn, sóng vỗ…
Nhiều kitô hữu nghĩ rằng khi họ đặt niềm tin vào Chúa thì giống như họ xây ngôi nhà của mình trên đá. Cuộc đời của họ sẽ an toàn. Nhưng rồi mọi chuyện không xảy ra như vậy: họ phải gặp hết khó khăn này đến đau khổ khác. Họ thất vọng. Ngôi nhà của họ đã được xây trên "đá" đức tin, nhưng tại sao nó vẫn sụp đổ?
Thực ra, những người đó đã hiểu sai, ít là ở hai điểm:
1/ Cái nền đá vững chắc mà Chúa nói không phải là tin suông mà là một đức tin thể hiện ra bằng việc làm. Đây ta hãy nghe lại cho kỹ lời Ngài nói: "Không phải những ai nói với Ta 'lạy Chúa, lạy Chúa' mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ có người nào thực hiện ý Cha Ta trên trời, kẻ ấy mới được vào Nước Trời", "Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây và đem ra thực hành thì giống như người không ngoan đã xây nhà mình trên đá".
2/ Chúa không hề hứa là ngôi nhà trên đá đó sẽ không bị mưa tuôn, sóng vỗ. Điều Chúa hứa là cho dù ngôi nhà đó có bị bao nhiêu mưa tuôn và sóng vỗ đi nữa thì nó vẫn đứng vững. Nhờ đâu mà đứng vững? Nhờ sống thực hành Lời Chúa.
Việc tìm hiểu kỹ lời Chúa như trên giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cuộc sống kitô hữu:
Kitô hữu không phải chỉ là người tin Chúa. Ma quỷ còn tin Chúa hơn ta nữa, nhưng ma quỷ đâu có được vào Nước Trời!
Là kitô hữu không phải là được bảo hiểm khỏi mọi khó khăn gian khổ - có khi còn gặp khó khăn gian khổ hơn nhiều người khác nữa. Nhưng Chúa hứa họ sẽ đứng vững trước mọi khó khăn gian khổ ấy, nếu họ sống thực hành Lời Chúa.
3. Hai con đường
Người ta thường nói "Chúa phạt xuống hỏa ngục". Có người hiểu giáo lý hơn nên cãi lại: "Thiên Chúa nhân từ vô cùng, không thể nào phạt ai xuống hỏa ngục được".
Đúng vậy, Thiên Chúa nhân từ chẳng phạt ai cả. Sở dĩ có người xuống hỏa ngục là vì người đó đã dùng tự do của mình mà chọn sai con đường thôi.
Như Ông Môsê đã nói với dân do thái: "Đây ta đặt trước mặt các ngươi sự chúc lành và sự chúc dữ: nếu các ngươi tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi… thì các ngươi được chúc phúc; còn nếu các ngươi không tuân giữ các giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi… thì sẽ bị chúc dữ".
Cũng như cha mẹ nói với đứa con đã trưởng thành: "Cha mẹ sẵn sàng lo cho con học hành đến nơi đến chốn. Nếu con chịu khó học hành thì sẽ có một tương lai tươi sáng. Còn nếu con cứ chơi bời lêu lỏng như hiện nay thì tương lai rất đáng lo ngại".
Vì chúng ta có tự do nên Thiên Chúa và cha mẹ không thể ép buộc ta được, nhưng các Ngài sẵn sàng giúp đỡ nếu ta chọn con đường tốt.
4. Chuyện minh họa
a/ Đức tin và việc làm
Tâm là một người cứng cỏi. Khi trận lụt xảy đến trong vùng, anh trèo lên mái nhà. Một chiếc tàu đến cứu nhưng anh từ chối: "Không, cám ơn. Tôi tin vào Thiên Chúa, Ngài sẽ cứu tôi".
Sóng nước dâng cao hơn và Tâm đã trườn lên tận nóc nhà. Một chiếc tàu khác đến cứu anh nhưng anh xua đi. Anh tin là Thiên Chúa sẽ cứu anh. Khi nước chạm đến chân anh, anh lại trèo lên đỉnh ống khói. Một chiếc trực thăng xà xuống cứu, nhưng anh vẫn dựa vào Thiên Chúa. Bạn đoán xem điều gì xảy ra? Tâm chết đuối.
Trước mặt Chúa, anh phàn nàn: "Lạy Chúa, con có đức tin mạnh như thế, tại sao Ngài không cứu con?" Chúa trả lời: " Con còn muốn Ta làm gì cho con nữa? Ta đã gởi tới con hai chiếc tàu và một chiếc máy bay!"
b/ Làm và hưởng thiên đường
Truyện kể: một nông dân nghèo Nhật bản vào thiên đường và điều đầu tiên ông nhìn thấy là một kệ dài với những vật rất kỳ lạ. Ông hỏi:
- Cái gì thế? Có phải để nấu xúp?
- Không, đó là những cái tai. Chúng là của những người khi sống ở đời nghe được những điều tốt, nhưng họ không làm. Nên khi chết, tai họ vào thiên đường, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.
Một lát sau, ông lại thấy một kệ khác với những vật kỳ quái. Ông hỏi:
- Cái gì thế? Có phải để nấu xúp?
- Không, đó là những cái lưỡi. Chúng là của những người sống ở đời bảo người khác làm điều tốt và sống tốt, nhưng chính họ không làm hoặc không sống điều đó. Nên khi chết, lưỡi họ vào thiên đường, nhưng các phần khác của cơ thể thì không.
Lạy Chúa là Cha nhân lành, Chúa chỉ muốn chúng con sống tốt để được hạnh phúc đời này và đời sau. Xin giúp chúng con biết dùng quyền tự do của mình để chọn Chúa và luôn làm theo thánh ý Chúa.
Thánh Ca : Xin Vâng
TÌM THÁNH Ý CHÚA
Lm Mark Link, S.J.
Gordon Liddy là một trong những người bị kết án trong vụ Watergate mà đã khiến Tổng Thống Nixon phải từ chức năm 1973.
Nhận xét về vai trò của Liddy trong vụ Watergate, nhà bình luận nổi tiếng Stewart Alsop viết:
Thật lạ kỳ, trong những thời điểm khác, G. Gordon Liddy sẽ được coi là một trong những người can đảm nhất và giỏi nhất… Trong thời kỳ chiến tranh, G. Gordon Liddy sẽ được ban cho đầy huy chương chứ không phải sự sỉ nhục tù tội.
Nói cách khác, Liddy đã đóng vai trò của ông trong vụ này đúng như ông đã được dậy—là một nhân viên bí mật của chính phủ.
Sau khi ra khỏi tù năm 1977, Liddy nói về vai trò của ông trong vụ Watergate trong cuốn tự thuật, mang tựa đề Will.
Đó là một tựa đề phù hợp với tự thuật của ông, vì ngay từ thời niên thiếu Liddy đã là một người đầy sức mạnh ý chí. Ông cho biết, lần đầu tiên ông cảm kích sức mạnh của ý chí là "bởi nghe các linh mục trong Thánh Lễ Chúa Nhật."
Trong sách, ông diễn tả cách ông biểu diễn những hành động đau đớn và ghê tởm để kiên cường sức mạnh ý chí. Tỉ như, khi còn trẻ ông ăn một phần con chuột. Trong các dịp khác, ông đút tay trong ngọn lửa mà không nao núng.
Vào thập niên 1960, Liddy từ bỏ đức tin Công Giáo. Nhưng 20 năm sau, trong thập niên 1980, ông cảm nghiệm sự hoán cải đức tin.
Sự kiện ấy xảy đến như một kết quả của việc học hỏi Kinh Thánh với một đồng nghiệp cũ trong FBI.
Nhận xét về cảm nghiệm học hỏi Kinh Thánh này, Liddy nói, sau cùng ông nhận ra rằng Kinh Thánh không chỉ là một cuốn sách khôn ngoan của loài người. Nó là cuộc đối thoại của một người Cha nhân từ với các con cái tội lỗi.
Ông nói tiếp là ông nhất định dành cả cuộc đời để tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa.
Charles Colson, một bị cáo khác trong vụ Watergate, nêu ra ông Liddy khi nói về sự hoán cải của chính mình:
Điều khó khăn nhất tôi phải thi hành bây giờ, mỗi ngày, là quyết định xem điều gì là thánh ý Chúa thay vì ý muốn của tôi. Điều gì Chúa Giêsu muốn, không phải Gordon muốn. Do đó lời cầu nguyện tôi thường nói là, trước hết, "Lậy Chúa, vui lòng cho con biết Ngài muốn gì…" Và kế đó, "Xin ban cho con sức mạnh để thi hành thánh ý Chúa."
Colson nói tiếp:
Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra cho Gordon—tôi cầu nguyện cho ông ta thường xuyên. Nhưng bất cứ gì khác, ông đã đem cho chúng ta một định nghĩa cổ điển về sự sám hối—từ bỏ ý riêng của mình cho thánh ý Chúa.
Câu chuyện của Liddy là một giới thiệu và nhận xét thích hợp cho bài phúc âm hôm nay. Trong đó, Chúa Giêsu nói với chúng ta: "Không phải bất cứ ai kêu cầu Ta 'Lậy Chúa, lậy Chúa' thì sẽ được vào Thiên Đàng, nhưng chỉ những người thi hành thánh ý của Cha Ta ở trên trời."
Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc thi hành thánh ý Thiên Chúa trong lời cầu nguyện duy nhất mà Người đã dậy các môn đệ.
Người dậy các môn đệ ngỏ lời với Chúa Cha bằng những lời sau:
"Xin cho Nước Cha trị đến; ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời" Mt 6:10.
Sự giảng dậy của Chúa Giêsu về thánh ý Thiên Chúa chỉ là một phản ánh chính thái độ của Người đối với Thiên Chúa. Chính Người nói về lý do mà Người đến thế gian:
"Ta đến từ trời không để thi hành ý Ta nhưng ý của Đấng đã sai Ta" Gioan 6:38.
Và trong vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha bằng những lời sau:
"Xin không theo ý con, nhưng theo ý Cha" Luca 22:42.
Điều này đưa chúng ta trở về với lời cầu mà G. Gordon Liddy thường đọc:
Lậy Chúa, xin cho con biết Ngài muốn con làm gì.
Và Thiên Chúa muốn chúng ta làm gì?
Chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó theo hai phương cách.
Trước nhất và trên hết, Thiên Chúa muốn chúng ta theo lời dậy bảo của Con của Người, là Chúa Giêsu.
Trong những dậy bảo này là Bài Giảng Trên Núi, ở đây Chúa Giêsu dậy chúng ta:
"Hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm điều tốt cho những kẻ ghét các con, hãy chúc phúc những ai nguyền rủa các con, và cầu nguyện cho những ai ngược đãi các con" Luca 6:27-28.
Cũng trong những dậy bảo của Chúa Giêsu là bài giảng về Ngày Phán Xét, ở đây Chúa dậy chúng ta cho kẻ đói ăn, cho người khát uống, chào đón khách lạ, cho kẻ trần truồng mặc (Mt 25:31-46).
Thứ hai, Thiên Chúa muốn chúng ta sống theo hoạch định mà Người đã có cho chúng ta khi tạo nên chúng ta.
Và hoạch định đó là gì?
Đó là hãy dùng tài năng mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, không để tìm kiếm những lợi ích và khoái lạc ích kỷ, nhưng để thể hiện Nước Trời ở trần thế.
Nếu chúng ta muốn thi hành điều này với sự quyết tâm mà G. Gordon Liddy giờ đây đang thi hành, chúng ta phải thi hành điều mà ông ta đang làm.
Và đó là gì?
Chúng ta phải coi lời cầu của ông là lời cầu của chúng ta. Chúng ta phải cầu nguyện hằng ngày để xin sự sáng và sức mạnh để nhận biết và đảm đương hoạch định của Thiên Chúa--hoạch định mà Thiên Chúa đã có trong đầu khi Người dựng nên chúng ta.
Và nếu chúng ta thi hành điều này, chắc chắn rằng Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta nhận biết và thi hành những gì Người muốn chúng ta làm trong đời sống hàng ngày.
Hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện nổi tiếng của Thánh Y Nhã. Nó có liên can đến thánh ý Thiên Chúa.
Lậy Chúa, xin hãy lấy đi và chấp nhận mọi sự tự do của con, trí nhớ của con, sự hiểu biết của con, và toàn thể ý muốn con - tất cả những gì con có và gọi là của con. Ngài đã ban tất cả chúng cho con. Lậy Chúa, con xin trả lại cho Ngài. Mọi sự là của Ngài; xin hãy thi hành những gì Ngài muốn. Xin chỉ ban cho con tình yêu và ơn sủng của Ngài. Điều đó đã đủ cho con.
Thánh Ca : Tình Ngài Thương Con
Xin cùng cầu nguyện với 3 phút bằng thánh vịnh đáp ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét