Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 29 tháng 1, 2011

Phúc âm Chúa Nhật 4 TN (30/01/2011)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe chương trình tĩnh tâm và bài giảng với chủ đề " "TÁM MỐI PHÚC THẬT" của Linh Mục Micae Giuse Nguyễn Trường Luân, CSsR NƯỚC TRỜI DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI BÉ MỌN Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái 1. Những lời chúc mừng Tám lời "phúc thay" trong đoạn Tin Mừng này không phải là những lời hứa (Đức Giêsu hứa rằng những ai nghèo khổ, đói khát, hiền lành… sẽ được hạnh phúc). Tám lời này cũng không phải là những chỉ dẫn để được hạnh phúc (nếu muốn hạnh phúc thì phải có tâm hồn nghèo, phải hiền lành v.v.), mà trước hết đó là những lời chúc mừng : Đức Giêsu nói với những người nghèo, đói, bị ức hiếp v.v. rằng họ đừng buồn rầu nữa, đừng thất vọng nữa. Trái lại họ hãy ý thức rằng họ đang rất hạnh phúc, bởi vì cho dù người đời bỏ rơi họ, nhưng họ được một Đấng rất quyền phép luôn yêu thương họ, đó chính là Thiên Chúa ; cho dù họ thiếu thốn nhiều điều mà người đời tìm kiếm, nhưng họ có được một kho tàng không gì quý bằng, đó là Nước Trời. Họ hãy vui mừng vì Đức Giêsu đến trần gian để lập một nước hạnh phúc, mà nước đó Ngài ưu tiên dành cho họ. 2. Một chương trình hành động Bài giảng trên núi mở đầu bằng những lời chúc phúc. Nghĩa là sứ điệp của Đức Giêsu chủ yếu là loan báo hạnh phúc. Nhưng loan báo cho ai, và như thế nào ? Phải đau đớn nhận rằng các lời chúc phúc ấy đã bị hiểu sai và bị lợi dụng làm một thứ thuốc phiện nhằm ru ngủ nỗi khổ đau và sự nổi loạn của những người nghèo. Người ta muốn hiểu chúng như sau : "Hỡi những người nghèo, các người hạnh phúc lắm vì các người được Thiên Chúa yêu thương... vậy cứ tiếp tục nghèo đi ! Hãy chấp nhận thân phận của các người, rồi một nào đó ở trên trời các người sẽ được hạnh phúc". Nhưng thực ra Đức Giêsu nói ngược hẳn lại : "Hỡi những người nghèo, chúng con hạnh phúc, vì từ nay chúng con không còn nghèo nữa, vì triều đại của Thiên Chúa đã đến". Một vấn nạn : nếu thực sự ý nghĩa lời chúc phúc của Đức Giêsu như thế thì... Ngài đã lầm, vì vẫn luôn còn những người nghèo, và bất công vẫn còn đấy ! Nhưng đặt câu hỏi như vậy thì hỡi ôi, những người Kitô hữu chúng ta đã không làm tròn bổn phận của mình. Chúng ta chỉ chờ một mình Đấng Messia thành lập triều đại Thiên Chúa. Đúng ra Đức Giêsu là người khánh thành nước Thiên Chúa và giao trách nhiệm cho chúng ta là các môn đệ của Ngài phải hoàn thành. Những Kitô hữu đầu tiên đã hiểu rõ điều ấy : họ để tài sản của họ thành của chung và không có người nghèo giữa họ (Cv 4,34). Không thể chỉ công bố suông những lời chúc phúc mà chẳng làm gì cả theo khả năng mình để cho sự nghèo khổ dưới mọi hình thức bị biến mất. Công việc của Đức Giêsu là khánh thành Nước Thiên Chúa. Nếu thế thì các lời chúc phúc (và những giáo huấn triển khai các mối phúc ấy) đối với các Kitô hữu là một chương trình hành động trong sinh hoạt cụ thể của họ về chính trị, kinh tế, gia đình... Chúng nhắc chúng ta nhớ rằng động cơ hành động của chúng ta chỉ là phục vụ tha nhân và trước tiên là những người nghèo, chứ không bao giờ được là tiền bạc hoặc quyền lực. Chúng còn ban một ý nghĩa sâu sắc cho những việc người Kitô hữu làm : một y sĩ chiến đấu với bệnh tật, một công nhân đem sản phẩm của mình làm cho đời sung túc hơn, một giáo viên cố gắng giúp giới trẻ nên người... tất cả những người ấy đều có quyền nghĩ rằng mình đang thực hiện Nước Chúa. (Etienne Charpentier) 3. Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó Phật Thích Ca mở đầu bài thuyết pháp đầu tiên tại Bênarét bằng câu : "Vạn sự sự vô thường, vạn sự khổ", nghĩa là mọi sự đổi thay không ngừng nên mọi sự chỉ là khổ. Sinh, lão, bệnh, tử : con người sinh ra, để rồi già yếu bệnh tật, và cuối cùng phải chết. Rõ thật cuộc đời chỉ là bể khổ. Năm trăm năm sau, Đức Kitô xuất hiện bên đất Pa-lét-tin, dõng dạc tuyên bố trong bài giảng đầu tiên : "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ !" (Mt 5,3) Một người mang tiếng là bi quan yếm thế, người kia lại bị coi như không tưởng, lạc quan quá cỡ. Một bên coi đời là bể khổ, còn một bên lại nhìn thấy màu hồng trong cái thanh bạch trống trơn. Người ta đã tốn khá nhiều giấy mực và thời giờ sức lực để nghiên cứu, suy tư, bàn cãi về hai bài giảng đầu tiên của Đức Phật và của Đức Giêsu. Đã có những luận án trình bày và so sánh hai bài giảng đó. Tuy nhiên có lẽ chẳng mấy ai hiểu được chính xác nội dung ý nghĩa của hai bài giảng có tính cách ngôn sứ ấy. Vì thực ra, cả Đức Phật lẫn Đức Giêsu đều không có chủ ý đề ra một lý thuyết về vấn đề hạnh phúc và đau khổ, mà chỉ chia sẻ cho anh em nhân loại của các Ngài chính kinh nghiệm sống của mình. Kinh nghiệm của Đức Phật là kinh nghiệm của một người đã đạt tới Chân Như, vượt ra ngoài thế giới vô thường của những đam mê mù quáng, của sự phân chia đối kháng ; còn kinh nghiệm của Đức Kitô là kinh nghiệm của một người thấy được sự tồn tại trong cái mất (x. Mt 10,39) và sự sống trong cái chết (x. Ga 12,24-25) Đức Phật chỉ nói lên cái lý do, cái nguyên nhân làm cho người ta khổ, nhưng Người không bao giờ lên án cuộc đời, cho nó chỉ là bể khổ. Đức Kitô cũng không bảo rằng muốn hạnh phúc thì phải là kẻ khố rách áo ôm. Do đó Mát-thêu đã có lý khi thêm ba chữ "có tâm hồn" vào trong câu nói của Chúa, để xác định cho rõ cái nghèo nàn nào mới thực sự đem lại hạnh phúc cho con người. Trong cuộc đời, xưa cũng như ngày nay, vào thời con người còn ăn lông ở lỗ, cũng như trong thời ở khách sạn 5 sao, vẫn luôn luôn diễn ra những cảnh trái khuấy : nhiều người có đủ mọi điều kiện để hạnh phúc, mà thực tế lại đau khổ khôn lường, còn những kẻ xem ra bần cùng tối tăm, lại tràn trề hạnh phúc. Thật ra ai cũng biết rằng nghèo khó không đương nhiên là khổ, đã đành rằng nghèo và khổ thường đi đôi với nhau. Trái lại giàu có cũng không tất nhiên đem lại hạnh phúc cho con người. Vấn đề hạnh phúc chủ yếu ở cái TÂM. Bởi thế các bậc thánh hiền, bằng những ngôn ngữ khác nhau, nhưng hầu như đều luôn luôn nhất trí trong việc đề cao đời sống tâm linh. Chính đó là lý do tại sao Đức Giêsu đề cao tâm hồn nghèo khó, hiền hậu, dám chấp nhận khổ đau, yêu thích sự chính trực, thương xót đồng loại, trong sạch, và biết xây dựng hòa bình. Thực ra tất cả những đức tính trên đây là những đức tính của "người nghèo của Thiên Chúa", của một anawim theo truyền thống Kinh Thánh. Người nghèo của Thiên Chúa không phải là người có đời sống vật chất khó khăn túng quẫn, mà là kẻ trước hết hoàn toàn tin tưởng phó thác cậy trông nơi Chúa, biết sống cho Người và cho anh em đồng loại của mình, lấy Chúa làm gia nghiệp, và luôn luôn sống trong tình lien đới với anh em đồng loại, thực thi điều răn trọng nhất là mến Chúa yêu người. Nói theo Đông phương chúng ta, thì hạnh phúc chủ yếu ở chỗ thực hiện được sự hòa điệu giữa lòng mình với lòng Trời, giữa lòng mình với lòng người, nghĩa là sống sao cho hợp lòng Trời và lấy lòng của trăm họ làm lòng mình, "dĩ bách tánh tâm vi tâm" (ĐĐK XLIX, 1) Theo truyền thống Ấn độ nói chung và Phật giáo nói riêng, hạnh phúc là sukha, đó là tình trạng giống như tình trạng của một bánh xe mà trong đó mọi sự ăn khớp với nhau : vành xe, ổ trục và các đũa xe đều tốt và nằm đúng vị trí, hòa hợp với các thành phần khác, do đó mà bánh xe chạy trơn tru. Còn đau khổ là dukha, đó là tình trạng một bánh xe trục trặc, vì có những thành phần hư hỏng hay không ăn khớp với những thành phần khác. Nói tóm lại, không ai sướng khổ một mình hay chỉ tại mình, mà tất cả chúng ta liên đới và chịu trách nhiệm về hạnh phúc cũng như đau khổ của nhau. Vì thế mà trong Tám mối phúc thật, Đức Giêsu cho thấy hạnh phúc của chúng ta tuỳ thuộc vào mối tương quan ba chiều giữa chúng ta với Thiên Chúa, và giữa chúng ta với anh em đồng loại. (Lm Thiện Cẩm, OP, Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt Giáng sinh 1995) 4. Chuyện minh họa a/ Bài học của chó Ngày nọ, W. Scott ném hòn đá vào một con chó lạc để đuổi nó đi. Nhưng ông hơi mạnh tay, nên con chó bị gãy chân. Thay vì chạy đi, con chó khập khiễng chạy lại bên ông và liếm lên bàn tay vừa ném nó. W. Scott bảo rằng ông không bao giờ quên chuyện đó, vì nó nhắc ông nhớ đến Bài giảng Trên núi. b/ Người hạnh phúc nhất Nhà vua bị bệnh nặng. Quan ngự y lo lắng, nhưng đành bó tay. Một nhà chiêm tinh đến bảo vua chỉ khỏi bệnh khi nào được mặc chiếc áo của một người hạnh phúc nhất. Quan quân đổ xô đi khắp nước để tìm người hạnh phúc nhất. Cuối cùng thì họ cũng tìm được một người hạnh phúc thực sự. Nhưng khổ thay, người ấy quá nghèo, chẳng có lấy một chiếc áo ! Lạy Chúa Giêsu, ai ai cũng đều mong muốn được hạnh phúc lâu dài. Nhưng trong thực tế, hạnh phúc mà chúng con đang có rất mong manh. Vậy, xin Chúa cho chúng con hiểu rằng hạnh phúc chỉ thực sự bền vững khi chúng con sống theo Lời Chúa dạy, đặc biệt Lời Chúa trong Bài giảng trên núi. PHÚC THẬT-PHÚC GIẢ Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R. “Bài Giảng Trên Núi” hay “Hiến Chương Nước Trời” là bản tổng hợp xúc tích nhất của Tin mừng Đức Kitô. Và “Tám Mối Phúc Thật” chính là nền tảng căn bản nhất của “Bài Giảng Trên Núi” đó. Thế nhưng không tránh khỏi một câu hỏi đầy tính hiện sinh: làm sao nghèo hèn, hiền từ, ưu phiền, đói khát, bị bắt bớ… mà lại là có phúc khốn khó, như Marx có lần tuyên bố: “Kitô giáo biện chứng cho sự nghèo đói của nhân loại và làm lụn bại tinh thần đấu tranh vượt thoát áp bức”. Phải chăng là như thế? Dựa vào đâu để khẳng định nghèo khó, ưu phiền, đau khổ là có phúc, đang khi thực tế lại như những “vô phúc” đáng loại trừ? Một nhà tư tưởng đã có lý khi nhận định: ấy là dựa vào con người Đức Giêsu, vì Ngài chính là hiện thân của khó nghèo, hiền lành, lắng lo, khát khao, thương xót, tinh tuyền, hoà bình, và khốn khổ vì công chính. Không phải bởi lâm vào tình cảnh bế tắc nên Ngài phải chịu vậy, song đây là sự tự nguyện chọn lựa để làm nên mẫu gương ân phúc cho con người. Ví dụ, có lần ma quỉ đến nói với Đức Giêsu: “Nếu ông cúi mình bái lạy tôi thì tất cả vinh quang giàu sang của thế gian sẽ thuộc về ông”. Như vậy Chúa Giêsu có khả năng để nên giàu có, và giàu có lắm, vì được cả thế gian chứ không phải thường. Nhưng Ngài từ chối bái lạy “cha của bọn dối trá”. Hay sau khi hoá bánh cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu được người ta tôn vinh làm vua. Khi làm vua, chắc sẽ sung sướng và cao sang hơn người. Ấy thế mà Kinh thánh lại nói: “Ngài trốn lên núi”. Tại sao trốn? Phải chăng Đức Giêsu muốn khẳng định một điều: giá trị cao quí và cần thiết vô cùng không ở nơi của cải, cao sang, sức mạnh, chức quyền nhưng là nơi Thiên Chúa. Ai chọn lựa Thiên Chúa, ai đặt trọn niềm tin tưởng nơi Ngài chính là người có phúc nhất. Thánh vịnh đã xác nhận điều đó khi nói: “Phúc thay người đặt niềm tin tưởng nơi Chúa”. Vì sao? Vì khi đặt niềm tin tưởng như thế: “Họ như cây trồng bên suối nước, Trổ sinh hoa trái đúng mùa Lá cây không bao giờ tàn uá Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt”. Thịnh đạt trong mọi công việc chính là phần phúc dành cho những ai chọn Thiên Chúa làm lẽ sống và con đường ngay thẳng của Tin mừng để bước đi, dù rằng nẻo đường đó không thiếu chật hẹp, gian nan, đau khổ và rướm máu. Thế nhưng có bước theo Chúa và gắng nên giống Ngài mới là phúc thật, còn ngược lại, thì dù được xem như thành công, giàu có, hạnh phúc, an lành, người ta vẫn là những kẻ vô phúc trong thiên hạ. Mới đây, làng điện ảnh Hollywood thường đề cập đến nữ minh tinh Demi Moore, người rất được khán giả Hoa kỳ ái mộ, và cũng từng là vợ của Bruce Willis, một tài tử danh tiếng khác. Nổi tiếng và giàu có, nhưng Demi lại đang sống trong tình trạng mặc cảm, lo sợ, hối hận dày vò. Số là trước khi bước chân vào nghề điện ảnh, Demi đã làm một nghề tồi bại: cho chụp hình playboy thân xác của mình. Mặc dầu đã tốn khá nhiều tiền mua lại các phim gốc, hầu xoá bỏ dấu tích của một thời thiếu đoan trang, Demi vẫn mang trong mình nỗi bất an lo sợ. Vì hiện nay đang có dấu hiệu xuất hiện các hình ảnh xấu xa của cô trên internet. Demi lo cho danh dự của mình một phần, nhưng nguy hiểm hơn, cô đang sợ một ngày kia, ba đứa con gái bé bỏng của cô là Rumer, Scout, và Tallulah sẽ nhìn thấy các hình ảnh “không nết na” của mẹ chúng trên internet, hoặc bị bạn bè bắt gặp và đem ra trêu chọc. Demi không muốn chứng kiến cảnh các con ngây thơ vô tội phải xấu hổ đau khổ vì mình. Cô tâm sự: “Giấc mơ lớn lao nhất của tôi là tìm mọi cách thu hồi những tấm ảnh playboy đó và ném vào một đống lửa cho cháy tiêu tan”. Demi cũng cho hay cô không kiêu hãnh chút nào khi có người khen cô đẹp vẹn toàn, bởi vì cô đã phạm một lỗi lầm rất lớn là để cho người ta chụp hình khoả thân hầu sớm nổi danh và giàu có. Thế đó, cứ tưởng vừa giàu có sang trọng, vừa xinh đẹp và được mến mộ thì hạnh phúc lắm. Nhưng sung sướng gì khi thâm tâm cứ bị dày xéo cắn rứt không nguôi. Thử hỏi sống như thế là có phúc hay vô phúc? Thành ra có nhiều điều người ta tưởng “sướng lắm” hay “phúc lắm”, nhưng khi đạt được rồi mới thấy bứt rứt, hụt hẫng, dày vò, dơ nhớp… bởi vì nỗi đam mê háo hức không công chính và thẳng ngay. Như vậy, con người chỉ có phúc thật khi khao khát Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Con người chỉ có bình an và thoả lòng thật khi bước đi trên nẻo đường thập giá của Phúc âm. Và con người chỉ có thể hân hoan đích thực khi can đảm chiến đấu và chiến thắng bao dục vọng đam mê thế trần. Một ngụ ngôn kia nói rằng khi thấy Chúa Giêsu đưa ra Tám Mối Phúc Thật và thấy nhiều người vào thiên đàng quá, nên Satan mới bày mưu tính kế, và cuối cùng cũng đem ra 8 “phúc” của nó để chiêu dụ. “Phúc” của Satan như sau: Thứ nhất, “phúc” cho ai chỉ biết đam mê làm giàu, bất chấp công bình bác ái, vì nước của ta đang chờ đợi nó. Thứ hai, “phúc” cho ai hận thù chia rẽ, biết bày điều đặt chuyện sỉ nhục người khác, vì chúng đang làm hiển danh ta. Thứ ba, “phúc” cho những ai không có giờ cầu nguyện hy sinh vì chúng là miếng mồi ngon của hoả ngục. Thứ bốn, “phúc” cho ai chán ngán việc lành, tránh né nhân đức, ngại ngùng nhận các bí tích, vì chưng thất vọng là phần riêng của chúng vậy. Thứ năm, “phúc” cho ai không biết rung cảm hay cứu giúp người hoạn nạn khổ đau vì chúng sẽ được gọi là môn đệ của ta. Thứ sáu, “phúc” cho ai ăn chơi phóng túng, bê tha trác táng, ngoại tình ly dị, vì chúng sắp được nhìn thấy hiện mạo của ta. Thứ bảy, “phúc” cho ai hay gây gỗ bất hoà, ghen ghét tha nhân, vì chúng sẽ được gọi là con của ta. Thứ tám, “phúc” cho ai tham gia vào việc huỷ hoại các bào thai vì hoả ngục là phần gia nghiệp của nó. Để có được phúc giả của Satan bao giờ cũng dễ dàng hơn phúc thật của Chúa Giêsu. Đường lên thiên đàng khi nào cũng nhỏ hẹp và vất vả hơn đường xuống hoả ngục đầy bóng mát thênh thang. Nhưng can đảm chọn lựa bước theo Giêsu là đón nhận cho mình chính nguồn hạnh phúc chân thật và sự sống phong phú dồi dào. Mời các bạn cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét