Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Tư, 5 tháng 1, 2011

Xem phim và nghe truyện: "Tuổi thơ dữ dội" - Phùng Quán



"... Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời..." - Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

"... Tôi đọc vào năm đầu Tuổi thơ dữ dội thập kỷ 60, từ những trang tư liệu của Phùng Quán. Suốt nghìn trang sách, khắc sâu vào lòng tôi hai chữ Trung Hiếu. Một nỗi đau xé lòng khi ta đọc đến lới trăng trối của Mừng, nhân vật trong truyện, trước lúc em đi vào cõi vĩnh hằng..." - Nhà văn Việt Linh.

"... Tuổi thơ dữ dội không phải là một câu chuyện cổ tích, mà là một câu chuyện có thật ở chốn trần gian, ở đó những con người tuổi nhỏ đã tham gia vào cuộc kháng chiến chống xâm lược bảo vệ Tổ quốc với một chuỗi những chiến công đầy ắp ly kỳ và hấp dẫn. Đọc Tuổi thơ dữ dội chính là đọc lại một phần lịch sử tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào..." - Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Tiểu sử tác giả

Họ tên khai sinh đồng thời là bút danh văn học: Phùng Quán. Tuổi nhỏ ở làng thường được gọi là Bê. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thế hệ đầu tiên 1956. Năm 1958, tham gia Nhân văn-Giai phẩm, bị kỷ luật. Đến ngày 3-2-1988, Phùng Quán được Hội Nhà văn Việt Nam ra văn bản “phục hồi Hội tịch”. Sinh: Tháng 1 năm 1932 (Tân Mùi), tại làng Thanh Thủy Thượng, tổng Dạ Lê, nay là xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Tham gia Vệ quốc Đoàn tháng 1-1946 tại một đơn vị trinh sát thuộc Trung đoàn 101 Trần Cao Vân, tỉnh Thừa Thiên. Tham gia nhiều trận đánh ác liệt ở địa phương. Sau đó gia nhập thiếu sinh quân Liên khu IV, đoàn Văn công Liên khu IV, giữ chân hậu cần, bếp núc, kéo phông màn và đọc thơ diễn tấu cho bộ đội nghe. Thời gian này Phùng Quán được đi học thiếu sinh quân và Trường Quân chính, tham gia đoàn phóng viên quân đội về Sầm Sơn, Thanh Hóa để thông tin về sự kiện trao trả từ binh. Nhờ chuyến đi này, Phùng Quán có tư liệu quý để viết tiểu thuyết đầu tay Vượt Côn Đảo và Trường ca Võ Thị Sáu. Năm 1954, được điều về cơ quan sinh hoạt Văn nghệ Quân đội, thuộc Tổng cục Chính trị, tiền thân của tạp chí Văn nghệ Quân đội, 4 Lý Nam Đế, Hà Nội.

Sau vụ Nhân văn, Phùng Quán bị kỷ luật, ra ngoài biên chế nhà nước, bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, rời tạp chí Văn nghệ Quân đội, đi lao động cải tạo tại các nông trường, công trường và địa phương ở Thái Bình, Nam Hà, Thanh Hóa, Việt Trì... Năm 1964, Phùng Quán được chuyển về công tác tại Phòng Tuyên truyền (Bộ Thủy lợi), Vụ Văn hóa Quần chúng (Bộ Văn hóa), Nhà Văn hóa Trung ương. Ở Bộ Văn hóa, nhiều năm anh được phân công đi tăng gia sản xuất tại rừng núi Bắc Thái.

Về hưu 1985. Nhà văn Phùng Quán mất lúc 16 giờ 50 ngày 22 tháng 1 năm 1995 (giờ Canh Thân), tức ngày 22 Tháng Chạp (ngày Quý Sửu) năm Giáp Tuất tại nhà riêng với căn bệnh hiểm nghèo xơ gan cổ trướng, thọ 64 tuổi. Mộ của anh nằm tại quê vợ, thôn Kiều Mai, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Tác phẩm chính đã xuất bản

1. Vượt Côn Đảo. Tiểu thuyết, 1954: Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân 1954, tái bản 4 lần; Nhà xuất bản văn học Thiếu nhi Liên Xô dịch 1956; Nhà xuất bản Thuận Hóa tái bản lần thứ 5, 1987, in 50.200 bản; Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1954- 1955).

2. Võ Thị Sáu. Trường ca, 1955. Tái bản 3 lần. Giải nhất cuộc thi sáng tác hưởng ứng Đại hội Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới ở Warszawa (Ba Lan). Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam 1955.

3. Tôi muốn mời đến Tổ quốc tôi. Thơ, 1955. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 1955; Báo Phụ nữ Liên Xô dịch và in, 1957.

4. Cuộc đời một đôi dép cao su. Truyện thiếu nhi, NXB Thanh niên, 1956.

5. Thạch Sanh cháu Bác Hồ. Truyện thiếu nhi, NXB Thanh niên, 1955; Nhà xuất bản Thượng Hải (Trung Quốc) dịch và in năm 1956.

6. Bên bờ Hiền Lương. Bút ký, Nhà xuất bản Văn nghệ, 1955; Nhà xuất bản Thượng Hải (Trung Quốc) dịch và in năm 1956.

7. Như con cò vàng trong cổ tích. Tập truyện thiếu nhi, (tác phẩm ký bút danh Vũ Quang Khải, em trai vợ, lúc đang làm cán bộ ở Diễn Châu, Nghệ An); Giải nhất cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật kỷ niệm 100 năm ngày sinh Lenin do hãng Thông tấn Nôvôxti (Liên Xô) tổ chức năm 1970; Sở Văn hóa Thông tin Bình Trị Thiên xuất bản, 1987.

8. Em gái nhỏ và chim bồ câu. Truyện thơ

9. Vĩnh Linh, lịch sử văn hóa (ký tên tác giả là Nguyễn Huy). Nhà xuất bản Văn hóa, năm 1982. In 6.100 bản.

10. Dũng sĩ chép còm. Truyện thiếu nhi; Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, đang in với bút danh Trần Vỹ Dạ (do nhà thơ Thanh Tịnh chuyển). Khi Phùng Quán được phục hồi hội tịch mới đổi lại tên Phùng Quán (in 40.000 cuốn), tái bản tại NXB Kim Đồng.

11. Tuổi thơ dữ dội. Tiểu thuyết; Nhà xuất bản Thuận Hóa in lần đầu 1983, với tên sách Buổi đầu thử thách, tập 1 (ký tên Đào Phương), in 5.150 bản. In lần thứ 2 năm 1988 đổi lại tên Tuổi thơ dữ dội thành 3 tập, 800 trang, số lượng in mỗi tập 20.000 bản. Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản lần thứ nhất năm 1997, thành 6 tập khổ 10,2 x15,2 cm. Nhà xuất bản Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh tái bản lần 2. Đến nay bộ tiểu thuyết này đã được tái bản 5 lần. Giải thưởng (giải A) Hội Nhà văn Việt Nam 1987; Xưởng phim Giải phóng dựng thành phim Tuổi thơ dữ dội do đạo diễn Vinh Sơn thực hiện. Phim được Huy chương Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam tại Nha Trang, năm 1990 và được Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng tặng giải thưởng nhân kỷ niệm 50 năm ngày Thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 1994.

12. Người du kích hói đầu. Truyện thiếu nhi, 1990.

13. Tiếng đàn trong rừng thẳm. Truyện thiếu nhi, 1991.

14. Đôi bạn tật nguyền kỳ lạ. Truyện thiếu nhi, NXB Thuận Hóa, 1991, in 4000 cuốn.

15. Trăng Hoàng cung, tiểu thuyết thơ, Thanh Vân xuất bản, California, 1993.

16. Bản hùng ca về 17 Vệ quốc Đoàn. Tủ sách Tuổi hồng, NXB Trẻ, 1993.

17. Thơ Phùng Quán. Tập thơ, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1995. Tái bản có bổ sung phần di cảo (300 trang), NXB Văn học, năm 2003 do vợ nhà thơ bỏ vốn ra in.

18. Ngàn cánh hạc giấy. Truyện tranh, lời Phùng Quán, tranh màu Lê Anh Vân, NXB Văn hóa Dân tộc in 10.000 bản năm 1992, được sự tài trợ của tổ chức The Japan Foundation. Đây là truyện tranh duy nhất Phùng Quán ký tên mình.

19. Chiếc cối giã trầu bằng thép. Truyện tranh, 1984, tranh Huy Toàn, truyện Phùng Quán, ký tên Thanh Tịnh, NXB Văn hóa Dân tộc 1988.

20. Thần hổ Chăm Pa. Truyện tranh, ký tên Thanh Tịnh, tranh Trương Hiếu, NXB Văn hóa Dân tộc 1986.

21. Tượng A Vooc Hồ bằng gỗ trầm hương. Truyện tranh, ký tên Thanh Tịnh, tranh Đỗ Xuân Doãn. NXB Văn hoá Dân tộc 1986.

22. Tiếng đàn đá. Truyện tranh, ký tên Thanh Tịnh, tranh Huy Toàn, NXB Văn hoá Dân tộc 1986.

23. Chuyện Tây Nguyên bên bờ Đanuyp xanh. Truyện tranh, ký tên Thanh Tịnh, tranh Huy Toàn, NXB Văn hóa 1986.

24. Pắc Bó đón Bác về. Truyện tranh. Ký tên Thanh Tịnh, tranh Nguyễn Bích, NXB Văn hóa Dân tộc.

25. Ba phút sự thật. Ký, NXB Văn nghệ, 5-2006, sách dày 280 trang, ịn 2000 cuốn.

Ngoài các tác phẩm nêu trên, Phùng Quán còn có khoảng 60 truyện tranh ký tên khác, trong đó có các tên sách như sau:

Ông già giết voi dữ, NXB Văn hóa 1982;
Chiếc thuyền buồm bay, NXB Văn hóa 1984;
Siêu Ly trở về, NXB Văn hóa 1984;
Dòng suối mang tên em, NXB Văn hóa 1982;
Tiếng đàn trong đêm khuya, NXB Văn hóa 1984;
Người phụ nữ Tày dũng cảm, NXB Văn hóa 1978;
Vàng A Sìn kể chuyện đánh giặc, NXB Văn hóa 1978;
Tòng Văn Kim và đồng đội, NXB Văn hóa 1978;
Thiên tình sử Điện Biên, NXB Văn hóa 1984;
Dòng sông mất tích, NXB Văn hóa 1986;
Hạt muối đỏ, NXB Văn hóa 1985;
Như những dũng sĩ trong truyền thuyết, NXB Văn hóa 1980;
Tiếng chuông Thiên Mụ, NXB Văn hóa Dân tộc 1987;
Tên thám báo và hai em bé, NXB Văn hóa 1981;
Từ cõi chết trở về, NXB Văn hóa 1986;
Người cầm cờ lệnh của Vua Quang Trung, NXB Văn hóa 1986;
Bức chân dung Lenin, NXB Văn hóa Dân tộc 1987;
Một mình vào hang cọp, NXB Văn hóa 1986;
Ngày gặp gỡ, NXB Văn hóa 1985;
Chàng Ná, NXB Văn hóa 1980;
Bốn anh em tài giỏi, NXB Văn hóa 1988,
v.v…

Truyện dạng Text Ebook

Mời các bạn xem truyện "Tuổi Thơ Dữ Dội" tại đây, nghe theo Sách Nói tại đây

Mời nghe theo YouTube tại đây



Mời xem phim tại đây


6 nhận xét:

  1. Truyện được kể với một giọng rất truyền cảm làm cho người nghe càng thêm cảm phục những chiến sĩ vệ quốc quân nhỏ tuổi.Cảm ơn chị Hướng Dương, cảm ơn Duy Duy!

    Trả lờiXóa
  2. Bác ơi tập sao cháu lại không nghe được vậy ạ






    Trả lờiXóa
  3. Vẫn nghe bình thường cháu ạ ! Cháu thử lại xem nhé .

    Trả lờiXóa
  4. truyện cảm động quá! Cám ơn anh Duy Duy nhiều lắm!

    Trả lờiXóa
  5. Anh Duy Duy thân mến, em tình cờ đọc đc trang blog này của anh. Quả thực đây là 1 thư viện phong phú và đầy màu sắc, rất giàu tri thức, nhất là những kiến thức, và những bài học làm người. Điều đó chứng tỏ, anh có 1 mơ ước rất đẹp khi dày công xây dựng trang blog này. Anh với tâm hồn 1 người thầy, và tha thiết với đời, cùng những điều tốt đẹp đã mang đến cho cộng đồng mạng những kiến thức quý. Em như đc lọt vào 1 mê cung tri thức mà ngăn nào cũng hấp dẫn. chẳng muốn bước ra khỏi nó. Em trân trọng tấm lòng của anh. Cám ơn anh Duy nhiều lắm. Em chúc anh và gia đình luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.!!!

    Trả lờiXóa
  6. A oi sao kho ke het phan luom tron khoi tu roi sao nua

    Trả lờiXóa