Nguồn : www.40giayloichua.net
NHÂN TÌNH THẾ THÁI
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Trong bài thơ “Thói đời”, Nguyễn Bỉnh Khiêm có một vần thơ lột tả sự tráo trở trong thái độ sống của con người:
“Được thời thân thích chen chân đến.
Thất thế hương lân ngoảnh mặt đi”.
Suy niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su càng thấy rõ nhân tình thế thái, thấy sự tráo trở, đổi trắng thay đen của lòng dạ con người.
1. Đám đông dân chúng
Dân thành Giê-ru-sa-lem nô nức phấn khởi, trải áo choàng, chặt những nhánh lá cây rải trên đường để Chúa đi qua, tay cầm cành lá, miệng reo hò tung hô Chúa, họ dành cho Chúa một nghi lễ đón rước như cho một vị vua của họ. Họ vừa đi vừa tung hô: “Hoan hô con vua Đa-vít”, “Vạn tuế Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến”. Thế mà sau đó không lâu, nghe lời xúi giục của tư tế, kinh sư, Pha-ri-sêu, họ lại biểu tình đả đảo, chống đối, hò la, gào thét đòi “đóng đinh nó đi !” Hai thái độ trái ngược nhau của dân chúng: hoan hô và đả đảo, đưa Chúa lên ngai vua và hạ bệ Chúa trên thập giá. Đám đông thường nông nổi nhẹ dạ, vô ý thức và do đó vô trách nhiệm. Đám đông thường dễ bị lôi cuốn: người ta hoan hô, mình hoan hô, người ta đả đảo mình đả đảo, người ta làm gì mình làm nấy mà nhiều khi chẳng biết tại sao.
2. Giu-đa It-ca-ri-ốt
Trong Ki-tô Giáo, Giu-đa phản bội Thầy là một sự kiện nổi tiếng. Nổi tiếng vì bán Thầy với giá ba mươi đồng bạc ( Mt 27, 3 ). Một môn đệ được tuyển chọn, được huấn luyện, Giu-đa vinh dự thuộc về nhóm 12, được giao trọng trách quản lý. Nhưng lòng tham lam của cải vật chất đã đẩy Giu-đa đến chỗ phản bội. Giu-đa đi gặp các thượng tế và nói: "Tôi sẽ được gì nếu tôi nộp Ngài cho các ông ?” Họ đã trả cho hắn ba mươi đồng bạc, và từ đó hắn tìm dịp để nộp Chúa Giê-su cho họ” ( Mt 26, 16 ). Một cuộc buôn bán lớn nhất trong mọi thời đại nhưng chỉ được ba mươi đồng bạc là giá của một nô lệ vào thời đó ! Khi giá cả đã thoả thuận, các thượng tế mang ba mươi đồng bạc và đặt vào tay Giu-đa.
Tám trăm năm trước, Gia-ca-ri-a đã nói tiên tri: “Nếu các ông thấy là được thì trả công cho tôi; nếu không thì thôi. Và họ đã trả công cho tôi là ba mươi đồng bạc” ( Dcr 11, 12 ). Trong bữa tối vào ngày hôm sau, Chúa Giê-su tỏ ra buồn phiền: “Có người trong các con sắp phản Thầy” ( Mt 26, 21 ). Các môn đệ nhìn nhau và hỏi: “Có phải con không, Thưa Thầy ?” Giu-đa cũng hỏi: Thưa Thầy, có phải con không ? Chúa trả lời: “Con nói đúng đó !” Giu-đa đi ra, “lúc đó là đêm tối”...
Bằng nụ hôn giả dối, Giu-đa chỉ điểm để quân lính bắt Chúa Giê-su trong vườn Cây Dầu ( Lc 22, 50 ). Giu-đa có quyền dự tiệc bê béo, nhưng lại chọn thờ lạy bò vàng. Chứng kiến cuộc khổ nạn của Thầy, lòng Giu-đa đầy hối hận ( Mt 27, 3 ). Tội ác vừa phạm xong, Giu-đa đã thấy chán chường. Hối hận tận đáy thâm sâu của tâm hồn, Giu-đa đem mối sầu ấy đi gởi chỗ không đáng gởi “Giu-đa ném các đồng bạc trả lại vào mặt các thượng tế và nói: Tôi đã phản bội, nộp máu người vô tội". ( Mt 27, 4 ).
Trước sự tráo trở của các thượng tế và kỳ lão: “Can chi đến chúng tôi, mặc kệ anh” ( Mt 27, 4 ), Giu-đa ném những đồng bạc đó vào Đền Thờ và ra đi xuống thung lũng Hin-nom, thung lũng đầy kỷ kiệm khủng khiếp của âm ty. Giu-đa bước đi trên đất lạnh cát sỏi, giữa những tảng đá nhọn sắc, những cây cối cong queo gầy guộc như tâm hồn trĩu nặng nỗi đớn đau. Giu-đa cởi dây lưng quăng một đầu dây vào vào một cành cây to, đầu dây kia quàng quanh cổ. Tiếng gió rì rào như thầm nhắc lời mà Giu-đa đã từng nghe: “Hỡi những ai khó nhọc gánh nặng, hãy đến cùng Ta, tâm hồn các con sẽ được bình an”.
Than ôi ! Giu-đa hối hận vì chính mình nên chọn cái chết để kết liễu lầm lạc. Mặt trời nghiêng bóng tối dần. Ở Si-on, từ hai phía đối diện, có hai cây đi vào lịch sử, một cây ở núi sọ: cây hy vọng, một cây ở Hinmon: cây thất vọng. Trên cây hy vọng, Đấng Chịu Đóng Đinh liên kết đất trời; trên cây thất vọng, người bị treo xa đất xa trời. Hối hận của Giu-đa không đúng nghĩa hối hận. Chán chường tội lỗi không đủ mà cần phải ăn năn thống hối nữa. Tỉnh ngộ và chán chường mới chỉ là bước đầu, cần phải sám hối trở về đón nhận ơn tha thứ, tìm lại sự sống.
3. Giới lãnh đạo Do-thái
Vì ghen ghét mà giới lãnh đạo tôn giáo Do-thái đã chủ mưu trong vụ án giết Chúa Giê-su ( Mt 27, 18 ). Dân chúng mến phục ủng hộ, nhiều người tin vào Chúa Giê-su. Ảnh hưởng của Người ngày càng lớn trên dân chúng. Cuộc xung đột không những về quan niệm tôn giáo mà còn liên quan đến quyền lợi vật chất của giới lãnh đạo nên họ quyết tâm giết Chúa Giê-su. Đạo Do-thái là đạo của đền thờ, đạo của lễ tế. Dịch vụ lễ tế là một dịch vụ quan trọng về phương diện tôn giáo và cả về kinh tế. Hàng tư tế sống nhờ vào lễ tế. Lễ tế của dân, dịch vụ cung cấp những phương tiện lễ tế như bán chiên bò cừu bồ câu hương hoa và cả dịch vụ đổi tiền. Gia đình các tư tế, con dâu con rễ của họ độc quyền khai thác dịch vụ này.
Vậy mà Chúa Giê-su lại dám xua đuổi họ không cho buôn bán trong khuôn viên Đền Thờ. Người còn thách thức: “Cứ phá huỷ Đền Thờ này đi, nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Theo Gio-an, lời thách thức quyền bính của Chúa Giê-su có ý ám chỉ đến cái chết và sự phục sinh của Người ( Ga 2, 21 – 22 ). Nhưng giới lãnh đạo hiểu là đền thờ Giê-ru-sa-lem nên họ coi là sự xúc phạm Đền Thờ. Thách thức phá huỷ Đền Thờ, dẹp bỏ những phương tiện của lễ tế, quả thật là tội không thể tha thứ. Vì thế mà họ căm thù và tìm cách giết Người cho bằng được. Những người Pha-ri-sêu sống trong thế giới tách biệt, không chấp nhận dân ngoại, loại trừ người tội lỗi, giữ luật cách máy móc nô lệ. Còn Chúa Giê-su thì sống hoà mình giữa những người tội lỗi, đồng hành, đồng bàn ăn uống với họ, đến với dân ngoại. Người phê bình sự giả hình của người Pha-ri-siêu. Người lại còn không giữ luật ngày Sa-bát, vì đối với Người “Ngày Sa-bát đựoc lập ra vì con người, chứ không phải con người vì ngày Sa-bát” ( Mt 2, 27 ). Người còn xưng mình là Con Thiên Chúa ( Mt 26, 61; Mc 14, 58 ).
Trước bao nhiêu là “tội trạng” của Chúa Giê-su, Thượng Hội Đồng đã tuyên án. Nhưng họ không còn quyền lên án và xử tử bất cứ ai vì quyền đó thuộc quyền của toà án chính quyền bảo hộ. Vì thế họ phải nộp Chúa Giê-su cho Tổng Trấn Phi-la-tô. Theo Mác-cô và Mát-thêu thì Chúa Giê-su bị thẩm vấn về hai tội danh: một là Người đã xúc phạm đến Đền Thờ khi tuyên bố “Tôi sẽ phá huỷ Đền Thờ này, rồi nội trong ba ngày sẽ xây dựng lại” ( Mt 26, 61; Mc 14, 58 ); hai là tự xưng mình là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa ( Mt 26, 63; Mc 14, 61 ). Trong Tin Mừng theo Lu-ca chỉ thấy nói nói đến tội danh thứ hai ( Lc 22, 67 ).
Trong Tin Mừng theo Gio-an nói tới việc thượng tế hỏi Chúa Giê-su về các môn đệ và giáo huấn của Người ( Ga 18, 19 ). Họ tài tình khéo léo khi biến tội danh tôn giáo thành tội danh chính trị “Chúng tôi phát giác ra tên này xách động dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Xê-da, lại còn xưng mình là Mê-si-a, là vua nữa” ( Lc 23, 2 ). Tội xúi giục nổi loạn, tội ngăn cản dân nộp thuế cho nhà vua, tội xưng mình là vua. Cả ba tội đều đáng chết, không một chính quyền nào có thể dung tha. Vụ án Chúa Giê-su rõ ràng là vụ án tôn giáo chứ không phải là một vụ án chính trị, mặc dầu hình thức xử tử và tội danh được ghi trên đầu Chúa Giê-su là như thế. Người bị đóng đinh, theo luật Rô-ma và với tội danh là “Vua dân Do-thái” chứ không bị ném đá theo luật Do-thái và với tội danh Con Thiên Chúa. Chủ mưu trong vụ án là dân Do-thái, nhất là những người lãnh đạo của họ, Thượng Hội Đồng. Họ đã thành công, sung sướng mãn nguyện khi dẹp yên một chướng ngại lớn lao.
4. Tổng Trấn Phi-la-tô
Vì hèn nhát mà Phi-la-tô đã đổ máu người vô tội. Trách nhiệm chính trong cuộc xét xử đứng về mặt pháp lý là Phi-la-tô, ông ta ý thức rõ điều đó ( x. Ga 19, 10 ). Biết Chúa Giê-su vô tội mà vẫn kết án ( x. Ga 18, 38; 19, 4.6 ). Kẻ đại diện cho công lý lại chà đạp công lý. Phi-la-tô hèn nhát không dám tha vì sợ quần chúng đang cuồng nộ. Lo sợ nguy hiểm cho chức quyền của mình nên chủ trương thà bảo vệ chức quyền hơn bảo vệ công lý. Trước áp lực ghê ghớm của đám đông đang bị hàng tư tế xách động, Phi-la-tô đã chiều theo ý họ để giữ lấy cái ghế Tổng Trấn của mình. Ong đã kết án tử hình cho Chúa Giê-su, trao Người cho dân Do thái điệu lên đồi Gôngôtha để đóng đinh. Phi-la-tô rữa tay phân bua mình vô tội trong vụ án này ( Mt 27, 24 ).
5. Xin được sống yêu thương
Suy nghĩ về vài nhân vật, ít sự kiện trong cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, cũng đủ thấy con người hay thay lòng đổi dạ, đổi trắng thay đen dễ như trở bàn tay. Vì tham lam, vì bổng lộc cá nhân, vì lợi lộc đảng phái, vì quyền lợi giai cấp, con người ta không từ một thủ đoạn nào. Có khi còn bán rẻ lương tri để mua một chút vinh hoa trần thế.
Giữa Chúa Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh có thể phản chiếu cả cuộc đời của người tín hữu. Hôm nay hoan hô, chúc tụng Chúa: vạn tuế, vạn tuế. Có thể ngày mai gào thét: đả đảo, hãy đóng đinh, hãy đóng đinh nó vào thập giá. Hôm nay yêu thương, ngày mai oán ghét. Hôm nay hân hoan, ngày mai buồn sầu. Hôm nay hiền hòa, ngày mai hung dữ. Hôm nay tin tưởng, ngày mai hoài nghi. Danh sách các mâu thuẫn giữa thiện và ác còn có thể tiếp tục nối dài.
Cuộc sống có nhiều tiêu cực hơn tích cực ? Con người làm khổ nhau nhiều hơn là làm đẹp lòng nhau ? Người ta xích mích, gây chia rẽ bất hòa nhiều hơn là xây dựng, yêu thương ? Tôn vinh Chúa ở trong Nhà Thờ nhưng có sống Tin Mừng trong cuộc đời không ?
Chúa Giê-su bị phản bội, bị hiểu lầm, bị ghen ghét, chịu kết án cách bất công để cứu nhân loại khỏi án phạt đời đời. Người đã chết để đền tội, để chuộc tội, để gánh tội, để cứu độ con người. Người cho chúng ta được thông phần cuộc sống của Đấng “là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống”, cho chúng ta “được sống dồi dào”.
Con người được dựng nên để sống và sống để yêu Chúa và để yêu nhau. Thiên Chúa là tình yêu nên đã sáng tạo muôn loài, đã tạo dựng và cứu chuộc con người. Nhập Thể và Cứu Chuộc là mầu nhiệm của tình yêu. Chúa Giê-su đã chấp nhận đau thương để đem lại yêu thương cho con người. Người đã biến đổi viên mãn của đau thương thành viên mãn của yêu thương qua cuộc khổ nạn ( x. 1 Cr 15, 26 . 54; Dt 2, 14 ), để từ trong cái chết vì tình yêu, sự sống vươn lên tươi đẹp như một mùa lúa mới ( Ga 12, 24 ).
Xin Chúa cho chúng con luôn sống yêu thương, biết đem Tin Mừng bình an đi xây dựng cuộc đời.
VĂN HÓA & NIỀM TIN: MỘT THẾ GIỚI MỚI ĐANG ĐỢI SINH RA
Lm. Trần Cao Tường
Vào thời “quá độ”, thiên hạ đã từng bị nghe những khẩu hiệu báng bổ hãi hùng nghe rợn tóc gáy. Con người muốn giơ gậy lên “chọc” Trời, giơ chân lên đạp vào mặt Trời, ngay bằng những tên gọi những nhà cao trên một trăm tầng như Nhà Tháp Đôi Twin Towers ở New York, gọi là nhà “gãi thần kinh” trời = skyscraper.
THỜI ĐIỂM NHỔ BẢNG STOP
Ở một vùng quê bang Florida, một bọn choai choai rửng mỡ bày ra một trò lạ là đi nhổ tất cả các bảng "stop" nhằm lúc vắng người. Thế là chiều hôm đó tai nạn xẩy ra: bốn người chết. Máu me và nước mắt, còi hụ cứu cấp hối hả.
Cảnh sát đã điều tra và bắt được bọn rửng mỡ trên và đưa ra tòa. Cả bọn đã bị kết án tội giết người.
Ở Johnsboro bang Arkansas lại xẩy ra chuyện quái đản hơn nữa: hai đứa bé mới 11 tuổi và 13 tuổi mang súng vào nhà trường bắn chết bốn đứa con gái cùng tuổi cùng lớp 7, lớp 8, và làm trọng thương nhiều học sinh khác. Lý do thật lãng xẹc liên hệ tới chuyện bồ bịch ở cái tuổi vắt mũi chưa sạch: muốn giết chết tất cả những đứa con gái nghỉ chơi với chúng.
Mấy nhà chức trách thì lại đổ tội thuộc lòng "sao y bổn chánh" rằng vì chúng bị bỏ rơi hoặc bị lạm dụng trong gia đình. Điều này đôi khi cũng đúng một chút. Nhưng thực ra thì cái bầu khí buông thả hiện tại có cái gì bất ổn. Không còn một bầu khí giáo dục luân lý về ý thức tội lỗi, không còn một kỷ luật sửa phạt tối thiểu. Ai động vào con cái một chút là pháp luật làm khó dễ. Mà chúng có phạm pháp dưới 18 tuổi cũng được giấu tên. Đời sống không có một lý tưởng gì tối thiểu cao hơn đôi giầy Nike. Không còn ý hướng "ngày nay học tập ngày mai giúp đời", mà chỉ còn biết làm sao có tiền để ăn sài mua sắm và hưởng thụ. Tất cả mục đích cuộc đời sinh ra trên mặt đất này xem ra chỉ có vậy.
Cách đây mấy năm, tên choai choai Michael Fay sang Tân Gia Ba du lịch, cũng mang theo thói "nhổ bảng stop" sống phóng túng bừa bãi vô kỷ luật của Âu Mỹ mà đi lấy sơn xịt vào xe thiên hạ. Quá dư mỡ nên ngứa ngáy chân tay mà. Thế là lập tức Michael bị cảnh sát bắt nhốt. Và sau đó là bản án đến nơi đến chốn: bị đánh đòn do một võ sư, với lệnh rõ ràng là phải để vết thương trên mông phạm nhân. Một chuyện như vậy đáng lẽ phải là điều sỉ nhục cho người Âu Mỹ, thì ngược lại chính tổng thống Mỹ đã đứng ra xin tha cho can phạm. Mà chuyện cũng thật lố bịch: một đứa mất dạy phạm pháp thì phải sửa phạt để dạy dỗ chứ sao một ông tổng thống lại đi can thiệp kiểu ỷ thế nhà giầu! Chính quyền Tân Gia Ba chẳng thèm để ý lời năn nỉ vớ vẩn, và vẫn tiến hành việc đánh thằng Michael như luật định: bọn trẻ chưa biết dùng đầu nhiều để suy nghĩ chín chắn thì không có gì hữu hiệu bằng cho ăn roi là nhớ tới già. Họ có ý nói: các anh không biết dạy thì để chúng tôi dạy vào mặt cho, chứ để bừa thì sẽ loạn như các anh đang lãnh đủ.
Đúng cái kiểu "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" của người Việt mình. Cứ xem thành phố Tân Gia Ba thì phục dân này sạch sẽ và trật tự tới cỡ nào. Dĩ nhiên cái gì mà chả có những lạm dụng. Nhưng không chịu sửa phạt mà để con cái buông thả phóng túng thì chắc chắn là sinh ra những lạm dụng tàn tệ hơn nhiều như đang thấy trước mắt.
MỘT THẾ GIỚI MỚI ĐANG ĐỢI SINH RA
Bác sĩ M. Scott Peck, một nhà tâm lý nổi tiếng với cuốn “Con Đường Ít Người Đi” (The Road Less Traveled) bán chạy “bestseller” cả mấy chục năm nay, đã tung ra cuốn “Một thế giới mới đang đợi sinh ra” (A World Waiting To Be Born), gây chấn động nền văn minh Âu Mỹ.
Mở đầu sách là một quảng cáo cho hãng điều hợp tài chánh với đầy đủ hình ảnh trên tờ USA Today, lời rao đại khái:
“Tôi đang ngồi cạnh một người, định làm quen mua cho anh ta một lon nước. Nhưng trước hết tôi phải đi gọi điện thoại. Tôi gọi ngay cho cơ quan D&B để xem anh ta thuộc loại lương cao bao nhiêu. Ba phút sau tôi trở lại chỗ ngồi, mua một chai bia cho người bạn mới thật tốt của tôi.”
Quảng cáo có ý nói: hãng D&B hết xảy, chỉ trong ba phút là biết được chính xác số tiền một người có trong ngân hàng, để đánh giá trị người đó ngầu hay dổm. Rồi Scott Peck kêu lên: “Có điều gì sai trệch trầm trọng!” Một nền văn minh đang bị bệnh nặng. Ở chỗ người ta đã bỏ ra bao nhiêu tiền để quảng cáo như thế một cách nghiễm nhiên. Mà xã hội cũng như người xem đều chấp nhận như vậy là tự nhiên thôi.
Người ta đánh giá trị tình người bằng đồng tiền. Văn minh chỉ còn nghĩa lợi dụng được nhau, mất nhân tính mà theo bản năng súc vật chỉ biết tìm mồi và tìm lợi. Thế thôi. Và ông nhận xét: đây là dấu con người đang mọi rợ đi, vì nền văn hóa này đang sản xuất ra những quảng cáo cỡ như vậy. Mất nhân phẩm rồi. “Chúng ta cần chữa bệnh!” Bất ổn từ trong hệ thống, từ cách suy nghĩ và lối sống. Cái máy đã đến lúc rã! Scott Peck và nhiều người đang chờ một thế giới mới, một nền văn minh mới được sinh ra.
ĐIỀM THỜI MÁY RÃ
Sau mấy chục năm hồ hởi với ông thần đô-la của văn minh duy vật tưởng chừng đã tìm thấy thiên đàng tại thế, người Âu Mỹ bây giờ khám phá ra rằng: “thấy vậy mà chẳng phải vậy”. Ở thập kỷ 60’ và 70’ khi mà vẻ hồ hởi của nền văn minh co-ca lên cao độ, thì những sách bán chạy nhất là những gì liên hệ tới “làm sao để hưởng thú” (how to enjoy). Bước sang thập kỷ 80’ và 90’ cho đến bây giờ thì tự nhiên xuất hiện một dấu hiệu khác là thấy nhan nhản sách viết về “làm thế nào để chữa bệnh” (how to heal), từ gia đình, xã hội, đến đời sống cá nhân. Đã đến lúc các “anh hùng” cảm thấy thấm mệt!
Điều lạ là một nhà tâm lý như Scott Peck mà lại tìm ra lý do từ những gì linh thiêng. Kinh nghiệm của ông như một bác sĩ với cơ thể: mọi cơ năng và tế bào đều liên hệ mật thiết với nhau; khi một tế bào phát triển quá lố thì bệnh ung thư phát khởi. Sức sống gì gắn liền những bộ phận ấy? Bởi vì khi “bộ máy” đã rã thì chữa được chỗ này sẽ phát bệnh ở chỗ khác. Mất sức rồi thì mọi sự sẽ tự nhiên sập.
Cũng thế, trời đất giống như một “bộ máy”, liên hệ với nhau. Scott Peck nói thẳng rằng cái sức nối kết các phần tử của “bộ máy” là chính Thần Lực từ Trời. Một nền văn minh mà bỏ Trời và lương tâm luân lý ra ngoài, và không còn cảm thấy phải có một kỷ cương tối thiểu để liên hệ với nhau, thì hậu quả tất nhiên là có thể làm những chuyện điên khùng một cách thản nhiên như trường hợp hai đứa bé ở Arkansas. Có thể nói đây là quái thai của nếp sống duy con vật, phản ứng hoàn toàn theo bản năng động vật tính đòi hỏi tại chỗ mà không cần nhìn tới hậu quả hay đời sau.
TIN VUI DỰNG LẠI BẢNG STOP CHO MỘT NỀN VĂN MINH CHẾT CHÓC
Một nền văn minh là một lối sống làm cho con người lên cao, sống thảnh thơi hạnh phúc hơn. Mỗi nền văn minh có một số tiêu chuẩn để đo giá trị thành một nếp sống, một con đường. Nay là lúc định giá lại đường nào là đường văn minh thật.
Văn minh Babylon, Ai Cập, Hy Lạp, Roma, huy hoàng như vậy mà cũng đã sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn lại những đền đài cũ nát. Âu Châu đã từng mở đường văn minh mới đi chiếm đoạt thuộc địa bên Á, Phi và Nam Mỹ, thì nay lại đi cay cú với anh chàng mới lớn là “Chú Sam” lấn lướt. Thế còn văn hóa đô-la sẽ kéo dài bao lâu?
Trên thực tế, nét tiêu biểu của nền văn hóa duy vật đang đưa đến chết chóc này là chỉ cần "ngày nay học tập ngày mai kiếm tiền", càng nhiều càng có giá, để có nhà cao, xe láng, ăn ngon, mặc đẹp, có tiếng gáy to hơn kẻ khác. Bên cạnh là cả một bầu khí buông thả tình dục bồ bịch ngay khi mới lớp 8, cổ võ tự do phóng túng, bản năng súc vật được bơm đẩy cho lên cơn không còn cương tỏa, không cần phải có lý tưởng gì cao hơn về tâm linh hay giúp đời. Đây là gốc rễ phát sinh tâm bệnh và những hiện tượng quái gở.
Hậu quả của việc nhổ bảng Stop là tai nạn, là chết chóc, là hỗn loạn. Không ngờ mà việc bọn trẻ nhổ bảng Stop lại là dấu chỉ thời đại, một điềm báo cho chủng loại người trước bờ vực thẳm tự hủy diệt, khi con người muốn gạt sang bên những chuẩn mức về lương tâm, về luân lý, và muốn thách thức Chúa Trời khi cả dám ngạo mạn gọi là “thằng Trời”.
Cũng thế, nếp sống ở thế kỷ này xem chừng không muốn để lại một bảng stop nào nữa. Người ta có thể gạt tâm linh sang một bên để có thể phạm bất cứ một trọng tội nào một cách thản nhiên. Cùng lắm là lại bảo vì bị bệnh tâm trí. Nhưng cũng đến lúc con người phải trả giá cho việc mình làm. Thánh Phaolô cũng nói rõ: Hậu quả của tội là cái chết. Chưa nói tới hậu quả đời sau, ngay ở đời này, loài người đang tạo hỏa ngục có đầy đủ lễ bộ "giòi bọ rúc rỉa, khóc lóc nghiến răng và lửa không hề tắt" cho mình và cho nhau, đôi khi ở ngay trong nhà mình. Con người sinh ra đó, lớn lên đó, ăn, ngủ, đi làm, bon chen, giẫy giụa, nhớn nhác, lắng lo, muộn phiền... rồi già đi lúc nào không hay, rồi lăn ra chết. Đời sống chả lẽ chỉ có vậy?! Nhìn vào thực trạng mình chỉ thấy:
Mặt mũi thì ngơ ngác
Râu ria thì phờ phạc
Tình người thì đen bạc
Miệng đời thì bôi bác
Gia đình thì xơ xác
Xã hội thì nhớn nhác...
PHÚT TỊNH TÂM
Cao điểm của năm phụng vụ trong Đạo Chúa là tuần lễ gọi là Tuần Thánh, khởi đầu bằng Lễ Lá, tái diễn khung cảnh người Do Thái nô nức bẻ những cành lá cây bên đường để đón mừng Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Người Do Thái cũng cảm thấy thực trạng bi thảm ở thời điểm đó. Họ bị người Roma thống trị đàn áp, đời sống cũng ngột ngạt như đi vào đường cùng: từ bên trong vẫn thấy có một lực gì chế ngự khiến phải trăn trở đi tìm lối giải thoát. Họ đã tìm đủ cách nhưng vẫn mù mịt, như Anrê và Gioan đi tìm ở bờ sông Gio-đan trong sa mạc phía đông. Họ đang cảm thấy rõ: Đời sống không có Chúa là một đêm dài không ánh sáng. Chính giây phút này, hai môn đệ được chỉ cho thấy Chúa Giêsu: "Đây là chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian."
Tiến vào Giêrusalem, Chúa Giêsu không cỡi ngựa chiến hay xe tăng, mà ngồi trên mình con lừa là con vật chỉ biết chở đồ nặng, như con chiên gánh tội trần gian. Đây mới là con đường giải thoát: Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi đã trao người Con duy nhất của mình, bằng lòng gánh lấy mọi tội lỗi trần gian, nhận lấy mọi thương đau là hậu quả của tội trên thân mình.
“Chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta… Chính Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Isaia 53:4-5)
Tôi đang kiếm tìm gì nhỉ? Tôi có bằng lòng trao phó đời tôi cho Chúa để Ngài gánh chịu thay không hay cứ tiếp tục giữ ghì lại mà tự hành hạ? Tôi đã sẵn sàng đón Ngài bước vào tâm hồn tôi để trở thành Đấng giải thoát cho tôi chưa hãy vẫn để Trời “hãy đứng một bên”? Và tôi xin nói lên phút giây hồi tỉnh với thánh vịnh 51:
Lạy Thiên Chúa,
Xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
Mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
Tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
Đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Xin ban lại cho con
Niềm vui vì được Ngài cứu độ.
Và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.
CHIÊM NGẮM ĐƯỜNG THƯƠNG KHÓ CHÚA
Tác giả: Lm. Jos Phạm Ngọc Ngôn
Cùng với Giáo hội, chúng ta đang sống trong những ngày trọng đại nhất của năm Phụng vụ. Với Chúa nhật hôm nay, Giáo hội mời gọi con cái mình chiêm ngắm những giờ phút cuối cùng trong cuộc đời trần thế của Chúa Giêsu từ bàn tiệc Ly đến nơi huyệt mộ. Đặc biệt hơn, với thánh sử Luca- vốn được mệnh danh là “Ký giả của lòng Chúa nhân hậu”- chúng ta còn được chiêm ngưỡng hình ảnh Chúa Giêsu trên đường Thương khó dưới cách nhìn rất độc đáo và tấm lòng trân quý về người Thầy Chí Thánh của mình.
1. Chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu Khổ hình vì nhân loại
Có thể thấy điểm khác biệt rõ nhất nơi Tin mừng Luca so với các Tin mừng khác là ông luôn dành cho Chúa Giêsu một tình cảm đặc biệt. Chính vì thế, rất nhiều lần nếu như Máccô trình bày cuộc Thương khó cách trần trụi và bi đát, “có sao nói vậy” thì Luca, trái lại, trình bày cuộc Thương khó của Chúa Giêsu như một bài suy niệm để các môn đệ có dịp chiêm ngắm hình ảnh Thầy mình chịu Khổ hình vì tình yêu nhân loại. Vì thế, trong trình thuật Thương khó, Luca đã giảm nhẹ hầu hết những gì quá bi đát như không quá nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Giêsu bị bắt; không trích những lời sỉ vả hay xúc phạm đến thân thể Người của quân lính Rôma;…
Vì là bài suy niệm dành cho các môn đệ, nên Luca cách nào đó đã lồng vào trình thuật Thương khó những sự kiện rất riêng của mình như lời giáo huấn của Chúa Giêsu trước và sau việc lập Bí tích Thánh Thể; trên núi Ôliu, Thiên sứ hiện ra để tăng sức cho Người hay sự kiện mồ hôi máu rơi xuống đất; chữa tai tên đầy tớ thầy thượng tế; ánh mắt đầy yêu thương của Chúa khiến cho Phêrô bừng tỉnh trong sự khóc lóc ăn năn; ba lần Philatô tuyên bố Chúa Giêsu vô tội; trên Thập giá, Chúa Giêsu xin Cha tha tội cho những kẻ hành quyết Người; lời đối thoại với anh trộm lành và lời sau hết được xem như lời kinh chiều Người cầu nguyện với Cha trước khi trút hơi thở cuối cùng. Cho hay, khi chiêm ngắm đường Thương khó của Thầy, người môn đệ phải chân nhận, con đường đi qua của Thầy rồi đây cũng sẽ là con đường gắn bó với mình trong suốt cuộc đời bước theo Thầy Chí Thánh.
2. Chiêm ngắm Chúa Giêsu là Đấng vô tội
Luca đã không quá tốn công để bào chữa cho những lời kết án mà thủ lãnh Dothái cố tình gán ghép cho Chúa Giêsu hòng kết án Người; trái lại thánh sử đã để cho những con người từ những nhà lãnh đạo quyền thế, những ông quan toà cho đến quân lính và dân chúng tự nói lên, tự tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng vô tội, là Đấng công chính. Thật thế, chúng ta thấy, trong phiên toà xét xử Chúa Giêsu, vua Hêrôđê không thấy có bằng chứng gì để tố cáo Người nên mới trả về cho Philatô tiếp tục xét xử. Về phần mình, có đến ba lần Philatô công khai tuyên bố rằng ông không thấy Chúa Giêsu có tội gì (23,4.14.22). Rồi viên đại đội trưởng khi nhìn thấy toàn bộ sự việc đã phải thốt lên : “Người này quả thật là công chính”, đám đông thay vì biểu tình hò hét, giờ đây lại đấm ngực, lầm lũi trở về.
3. Chiêm ngắm Chúa Giêsu là Đấng nhân từ và tha thứ
Đường Thương khó của Chúa Giêsu còn là dịp để chúng ta chiêm ngắm lòng nhân ái bao dung và tha thứ của Người. Hãy xem ánh mắt đầy tình yêu thương của Chúa khi quay lại nhìn Phêrô trong khi ông vẫn đang “hăng hái” chối bỏ mối quan hệ giữa mình với Thầy chỉ vì một tên tớ gái vô danh nào đấy. Aùnh mắt của Chúa đã kịp thời uốn nắn con người ông – một con người mà chỉ mới đây thôi còn vỗ ngực vênh váo trước mặt Thầy cũng như đồng môn : “Với Chúa, con sẵn sàng vào tù và có chết cũng cam”, giờ đây phải khóc lóc thảm thiết, ăn năn về lầm lỗi của mình. Còn đối với Giuđa, dù biết rằng anh ta phản bội, dùng cái hôn để bán đứng Thầy, nhưng không vì thế Chúa Giêsu trách mắng, trái lại Người dùng những lời lẽ nhân từ để trao đổi với anh : “Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao!”.
Còn với người trôm lành, Chúa Giêsu cho thấy việc anh nhận ra lầm lỗi của mình, nhận ra người đang cùng chịu treo với mình là “người không làm điều gì sai trái” đủ để anh được cùng Người hưởng phúc vinh quang. Ngay như tội tày đình của thủ lãnh Dothái, của dân chúng và tất cả những ai tham dự vào vụ án này cũng được đón nhận sự tha thứ rất chân thành của Chúa khi Người cầu xin Cha đừng chấp tội lỗi của họ. Rõ ràng là, làm sao Chúa Giêsu có thể chấp nhất tội lỗi của con người, có thể quy kết tội lỗi của họ khi mà Máu Người đổ ra để cứu rỗi cho muôn người.
Thập giá của Người chính là Tình yêu, chính là lòng nhân từ, sự tha thứ và cứu rỗi chứ không phải lòng oán thù, lên án và khinh khi.
Chiêm ngắm đường Thương khó Chúa là dịp để mỗi người chúng ta đồng hành và chia sẻ những đớn đau mà Chúa phải trải qua trên đường Thập giá; là dịp để chúng ta nhận ra tình yêu, lòng bao dung và sự tha thứ Chúa dành cho con người. Chúng ta cũng được mời gọi bước theo Thầy Chí Thánh trong vâng phục và yêu thương để rao giảng và làm chứng cho thế giới này biết thế nào là tình yêu đích thực, tình yêu tự hiến mà Thiên Chúa ưu ái dành cho nhân loại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét