Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Sáu, 5 tháng 3, 2010

Nghi Lâm - Giọt nước mắt giữa trang kinh

Do đang đăng tải bộ truyện audio kiếm hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ của tiểu thuyết gia KIm Dung , có rất nhiều nhân vật trong bộ truyện đã đi vào lòng người một cách ấn tượng ! Và cũng sắp đến ngày 8/3- ngày Quốc Tế Phụ Nữ , cũng nên nhắc đến một số nhân vật nữ trong tác phẩm này như : Nhậm Doanh Doanh , Lam Phượng Hoàng ,Nhạc Linh San , Ninh Trung tắc , Định Nhàn Sư Thái , Định Dật Sư Thái ... và Nghi Lâm . Ở đây , nhân vật Nghi Lâm thì ... quả là đáng thương hơn hết ! Nghi Lâm là pháp danh một nhân vật nữ, một nữ ni cô nhỏ tuổi thuộc phái Hằng Sơn . Nhân vật ấy là biểu tượng của những bi kịch cuộc đời và bởi vì cô quá trẻ, quá trong sáng cho nên bi kịch ngày càng tăng thêm chất ngậm ngùi, đau đớn. Cho đến năm 18 tuổi, Nghi Lâm trở thành một nữ ni xinh đẹp nhất của phái Hằng Sơn. Trong lớp áp nâu sồng của đời nữ ni, cô vẫn có một khuôn mặt trái xoan sáng như trăng rằm, một đôi mắt xanh như nước hồ thu. Nghi Lâm chỉ biết cha mình là một hoà thượng - Bất Giới đại sư; còn mẹ mình là ai thì điều đó cô không hề biết. Thật sự, mẹ cô vẫn hằng ngày sống bên cạnh cô. Giận cha cô khen một người khác xinh đẹp, mẹ cô lặng lẽ bỏ đi, vào chùa Hằng Sơn làm một Á bà bà (bà già câm điếc), chuyên lau tượng quét chùa. Bà vẫn theo dõi những bước tiến của Nghi Lâm trên con đường phật học cũng như đời sống nhưng bà không hề mở miệng nói với Nghi Lâm một lời. Nghi Lâm lớn lên trong chùa Hằng Sơn, thuộc làu kinh điển, học được một chút kiếm pháp. Trong lòng cô chỉ biết có Đức Bồ Tát và các thanh quy giới luật nhà Phật. Lớn lên đến 18 tuổi, cô chưa hề gặp một người đàn ông ngoài cha cô; chưa biết mùi phấn son, chưa nhìn thấy màu áo đẹp; chưa có một nụ cười... Cả tai hoạ và hạnh phúc đến với cô nữ ni xinh đẹp ấy trong một lần cô xuống núi Hằng Sơn, cùng sư phụ và các bạn đồng môn đi dự lễ rửa tay gác kiếm của Lưu Chính Phong phái Hành Sơn. Sau một lần trượt chân vì đường trơn, Nghi Lâm dừng lại bên suối rửa tay. Cô đã bị tên dâm tặc Điền Bá Quang bắt giữ và đưa vào hang động định giở trò cưỡng bức. Không nỡ để cho một nữ ni trong sáng như ngọc bị phá hoại danh tiết, tác giả Kim Dung đã để cho Lệnh Hồ Xung, đại sư huynh của phái Hoa Sơn, xuất hiện cứu Nghi Lâm. Kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung hoàn toàn không địch nổi phép khoái đao của Điền Bá Quang. Lệnh Hồ Xung bị đâm cả một chục vết thương, người không còn một chút huyết sắc. Nhưng vốn là người mau chân lẹ miệng, hắn đã đánh võ miệng với Điền Bá Quang và cuối cùng đạt được chiến thắng, buộc Điền Bá Quang nhục nhã bỏ đi; Lệnh Hồ Xung bị bọn La Nhân Kiệt phái Thanh Thành đâm một nhát kiếm chí mạng. Nghi Lâm lạc mất Lệnh Hồ Xung từ đó. Để cứu Nghi Lâm, Lệnh Hồ Xung đã đặt chuyện nói những điều vu khoát: gặp ni cô là xúi quẩy, đánh bạc tất phải thua, uống rượu cũng chẳng thú vị gì. Cô bé nhẹ dạ vốn tin những điều vớ vẩn đó nhưng tự thâm tâm, cô đã mơ hồ nhân ra một điều: trên đời này người mà cô mong gặp nhất vẫn là gã lãng tử Lệnh Hồ Xung của phái Hoa Sơn. Cô mắc nợ anh một món ơn cứu tử và giá như cô có thể chết đi để Lệnh Hồ Xung sống sót trở về, cô cũng sẵn sàng xả thân. Cho nên khi Khúc Phi Yên báo tin Lệnh Hồ Xung còn sống và đưa Nghi Lâm vào động điếm dưới núi Hành Sơn thì cô nữ ni trong như ngọc đã sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ môn quy, cùng đi với Khúc Phi Yên. Cuộc sống oái oăm đã đưa cô nữ ni dấn thân vào động điếm, nằm trên chiếc giường xa hoa tráng lệ mà khách làng chơi vẫn hay đến nằm với các cô kỹ nữ. Nhưng cũng chính vì vậy mà Nghi Lâm đã cứu được ân nhân Lệnh Hồ Xung, cõng anh ra giữa vùng hoang sơn dã lĩnh không có một vết chân người, chăm sóc cho anh chữa lành vết thương. Qua câu chuyện Lệnh Hồ Xung, Nghi Lâm biết rằng anh đang quyến luyến cô tiểu sư muội Nhạc Linh San. Thế nhưng, trong tâm hồn cô nữ ni 18 tuổi này đã nảy sinh một rình cảm mới lạ, vừa có vẻ tội lỗi với Đức Bồ Tát, lại vừa gây cho cô những xúc cảm dịu dàng. Nghi Lâm hoảng sợ trước tình cảm mới lạ ấy. Trong đêm sao sáng, nhìn những ánh sao băng, cô cởi dải áo ra và cột lại dải áo để mong hoàn thành ước nguyện để rồi sợ hãi ngay chính lời ước nguyện của mình. Trọn đời Nghi Lâm chưa hề ăn cắp của ai một vật gì. Thế nhưng, vì tính mạng của Lệnh Hồ Xung, cô đã hai lần đi ăn cắp dưa và mỗi lần như vậy, trong cô lại nổi lên trận bão lòng dữ dội. Cô biết rằng vì Lệnh Hồ Xung, cô có thể làm tất cả mọi sự trên đời. Vâng, cô đã yêu chàng Lệnh Hồ Xung, một tình yêu ban đầu nồng nàn đau đớn, một tình yêu không nói được lên lời vì lời khấn trọn đời hiến dâng cho đường tu, một tình yêu vô vọng vì Lệnh Hồ Xung đã có Nhạc Linh San. Họ đã xa nhau từ đó, Nghi Lâm trở về Hằng Sơn, ngày đêm tụng kinh niệm Phật, mong sao Phật pháp có thể hoá giải được ma chướng trong lòng mình. Nhưng càng tu niệm, thể xác cô càng võ vàng. Bất Giới hoà thượng nhận ra tấm lòng đau khổ của con gái. Ông buộc Điền Bá Quang bằng mọi cách phải lên núi Hoa Sơn bắt cho được Lệnh Hồ Xung về thành hôn với Nghi Lâm. Điền Bá Quang không làm được điều ấy, ông đích thân ra đi, cũng không được nốt. Lệnh Hồ Xung bị Nhạc Linh San phụ bạc, bỏ đi lưu lạc giang hồ. Trong ngõ Lục Trúc thành Lạc Dương, anh tình cờ kể cho Nhậm Doanh Doanh nghe về mối tình si của mình và những đau thương oan ức mà anh phải gánh chịu vì những hẹp hòi, ích kỉ. Nhậm Doanh Doanh chính là Thánh cô của Triêu dương thần giáo. Cô nhận ra nới chàng trai một tình yêu mãnh liệt. Và cô si tình chàng trai Lệnh Hồ Xung dưới mắt cô, một chàng trai không chung tình với quá khứ thì cũng chẳng có thể chung tình với tương lai. Họ trở thành đôi bạn bôn tẩu giang hồ, thương yêu say đắm và trao cho nhau những lời hẹn thề kết tóc se tơ. Ở một nơi lặng lẽ trong chùa Hằng Sơn, Nghi Lâm nhận được những thông tin đó. Nàng thường dắt tay Á bà bà dẫn ra chỗ kín đáo của Hằng Sơn biệt viện tâm sự; và, mỗi lần như thế, nàng thường gọi khẽ tên Lệnh Hồ Xung. Nàng chẳng hay đâu Á bà bà là mẹ ruột của mình. Lệnh Hồ Xung trở về Hằng Sơn và nhận trách nhiệm làm chưởng môn phái Hằng Sơn. Nghi Lâm trở thành đệ tử của anh. Anh lấy làm lạ vì cô thường ít nhìn mặt anh, thường tỏ ra lạnh nhạt khi anh hỏi han đến. Anh có biết đâu trong cái vỏ lạnh lùng kia là cả một trời yêu say đắm; mà tiếng kinh cầu Đức Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn cho anh ngày xưa do Nghi Lâm niệm lên cầu nguyện cho anh thoát qua những cơn nguy hiểm chính là biểu hiện của tình yêu ấy. Anh nhận ra vẻ tiều tuỵ võ vàng của tiểu sư muội Nghi Lâm. Nhưng trước Nghi Lâm anh có Nhạc Linh San; sau Nhạc Linh San anh có Nhậm Doanh Doanh. Anh chỉ xem Nghi Lâm như người bạn, người em nhỏ bé mà anh phải có bổn phận bảo vệ, che chở, dạy dỗ. Nhưng chẳng có nghĩa gì khi tình yêu không nói được thành lời. Tác giả Kim Dung đã tạo cơ hội cho Lệnh Hồ Xung nghe được tiếng lòng trung thực của Nghi Lâm. Một lần, anh hoá trang thành Á bà bà và Nghi Lâm đến nắm tay anh, kéo anh đi lên Hằng Sơn biệt viện. Nơi đây, cô ngắc lại những hình bóng cũ, những kỉ niệm xưa giữa cô và Lệnh Hồ Xung cho "Á bà bà" nghe và cuối cùng, cô gọi khẽ tên anh. Mối tình câm của cô tiểu sư muội khiến Lệnh Hồ Xung choáng váng, vừa thương cảm, vừa hổ thẹn. Trong đêm thanh vắng, anh nhận ra tất cả sự thật; lòng đau thương vì thấy Nghi Lâm võ vàng, tiều tuỵ trong mối tình si hoàn toàn không có đoạn kết. Nghi Lâm đi đâu, về đâu? Trong khúc cuối của Tiếu ngạo giang hồ, chính tác giả Kim Dung cũng chẳng dám nói đến kết thúc của mối tình si ấy. Ông bỏ lửng số phận của Nghi Lâm, giả vờ như không biết đến nữa khi để cho Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh cưới nhau, cùng hợp tấu cầm - tiêu khúc nhạc Tiếu ngạo giang hồ. Tiểu sư muội Nghi Lâm với mối tình đơn phương rạt rào như sóng Trường Giang chẳng được ai nhắc đến nữa. Nhưng tôi biết những giọt nước mắt lặng lẽ ấy của người ni cô thánh thiện đêm đêm vẫn rơi trên gối trong căn phòng nhỏ của chùa Hằng Sơn. Ôi, giá như Nghi Lâm bé bỏng được nắm tay Lệnh Hồ Xung một lần để bày tỏ tình yêu của mình vì lòng kính sợ Đức Bồ Tát đã không cho phép cô được nói gì với anh; giá như cô được nói với anh một lời chia tay, một câu chúc hạnh phúc thì tâm hồn cô đã khá hơn một chút. Đằng này, suột đời cô mang nặng mối tình câm và tàn úa dung nhan xuân thì lặng lẽ trong chùa Hằng Sơn! Khi xây dựng nhân vật Nghi Lâm, Kim Dung đã xây dựng một nhân vật bi kịch ấy nằm ngay trong tuổi trẻ, tuổi mới biết yêu. Ông có bất công khi đem toàn bộ bi kịch trút lên đôi vai bé nhỏ và tâm hồn trong sáng của Nghi Lâm tiểu sư muội? Có đấy. Có người cho Nghi Lâm là vang bóng của Hạ Mộng, một mối tình u uẩn trong đời Kim Dung. Điều đó chỉ đơn giản là một suy luận. Tôi chỉ mong một điều: nếu có những Nghi Lâm đích thực trên đời thì hãy đẻ cho họ được khóc lên, khóc to một lần. Hạnh phúc ở một chừng mực nào đó, nằm trong tiếng khóc, trong giọt nước mắt tuôn rơi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét