Niềm vui của Đức - liên tục dư thừa cán cân thương mại - lại trở thành nỗi bực mình của Pháp. Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde, đã ba lần chỉ trích Đức một mình chạy trước, không quan tâm đến những thành viên khác trong khối sử dụng đồng tiền chung. Vấn đề mấu chốt là khu vực đồng Euro thiếu vắng sự phối hợp chính sách kinh tế giữa các nước thành viên.
Vào lúc châu Âu chưa đạt được đồng thuận về cách thức giúp đỡ Hy Lạp thoát ra khỏi những khó khăn chồng chất về tài chính, thì Pháp và Đức lại xẩy ra những bất đồng, làm lộ rõ một thực tế : Đó là các nước trong khối sử dụng đồng Euro không có sự phối hợp trong chính sách phát triển. Nói một cách khác, cho dù sử dụng chung một đồng tiền, nhưng các thành viên chỉ quan tâm đến quyền lợi kinh tế của mình, theo kiểu mạnh ai người ấy làm.
Cuộc tranh cãi giữa Berlin và Paris đã nổ ra sau khi các số liệu thống kê cho thấy, trong tháng giêng năm nay, Đức có dư thừa cán cân thương mại là 8 tỷ euro. Tháng 12 năm ngoái, xuất siêu của Đức là 13,4 tỷ euro.
Niềm vui của Đức cũng chính là nỗi bực mình của Pháp. Trong tuần này, bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde, đã ba lần chỉ trích Đức một mình chạy trước, không quan tâm đến những thành viên khác trong khối sử dụng đồng tiền chung. Paris phê phán Berlin áp dụng chính sách kìm hãm mức lương của người lao động, giảm được giá thành sản phẩm, qua đó nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu và có được dư thừa cán cân thương mại. Theo bộ trưởng Tài chính Pháp, về lâu dài, mô hình của Đức không thể tiếp tục tồn tại và các nước thành viên khác không thể đi theo được. Do vậy, Berlin nên khuyến khích tiêu dùng nội địa bằng cách giảm thuế, nhờ đó mà xuất khẩu của Pháp sang Đức sẽ tăng lên.
Giới chuyên gia cho rằng, những gợi ý của Paris không hoàn toàn là vô tư và vì quyền lợi chung của khối, bởi vì cán cân thương mại của Pháp thương xuyên bị thâm hụt.
Ngay lập tức, Đức đã đáp trả rằng không bao giờ lại đòi hỏi các học sinh giỏi phải tự hạ thấp trình độ cho bằng các học sinh kém.
Ngay các kinh tế gia Pháp cũng không tán đồng những chỉ trích của bà Lagarde. Ông Philippe Martin, giáo sư thuộc Viện Khoa Học Chính Trị Paris, được AFP trích dẫn khẳng định : « Về những cải cách được thực hiện để nâng cao sức cạnh tranh, Pháp là nước cần phải tiếp thu những bài học của Đức ». Theo vị giáo sư này, thì Pháp cần phải có những nỗ lực trong lĩnh vực phát minh, phát triển các doanh nghiệp có quy mô trung bình và cải cách thị trường lao động để nâng cao sức cạnh tranh.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đều có cùng nhận định là dư thừa thương mại của Đức thể hiện sự mất cân đối nghiêm trọng giữa sản xuất và tiêu dùng và gây ra hậu quả tiêu cực cho toàn khối sử dụng đồng tiền chung.
Theo ông Giancarlo Corsetti, thuộc Học Viện Châu Âu, ở Firenze, Ý thì nếu như có một sự phối hợp tối thiểu giữa các chính sách kinh tế, nước Đức có thể sẽ hỗ trợ nhiều hơn thị trường nội địa, giống như Pháp ; so với các nước khác, Đức lại có nhiều khả năng hơn trong việc dùng ngân sách để làm việc này ».
Phối hợp các chính sách, đó là mấu chốt của vấn đề, vào lúc khu vực đồng euro, tuy có một chính sách tiền tệ duy nhất, nhưng vẫn chưa thể xác định được chức năng quyền hạn một cơ chế điều hành, quản lý theo mô hình một chính phủ kinh tế chung.
Do không có phối hợp giữa các chính sách kinh tế, chênh lệch mức tăng chi phí sản xuất lên tới khoảng 40% và tạo ra những mất cân đối nghiêm trọng. Hậu quả là trong những năm vừa qua, khả năng cạnh tranh của Đức tăng 15%, trong khi đó, tỷ lệ này tại Tây Ban Nha chỉ là 7%.
Về phần mình, Đức giải thích là để nâng cao sức cạnh tranh, thì phải quản lý tốt ngân sách. Nhân danh bảo vệ khu vực đồng euro, Berlin thậm chí còn chấp nhận để cho Hy Lạp cầu cứu Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế và nêu ra khả năng trục xuất những thành viên không tuân thủ những kỷ luật về ngân sách.
Sau 10 năm tồn tại, khu vực đồng euro đang đứng trước nhiều thách thức. Khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn tài chính của Hy Lạp cho thấy là khối Euro chưa có được một sự phối hợp các chính sách giữa những nước thành viên.
Đầu tuần, ông Jean Claude Junker, chủ tịch Eurogroup thừa nhận là sự chênh lệch về khả năng cạnh tranh giữa các nước thành viên ngày càng lớn. Ông kêu gọi các nước trong khối cùng thảo luận tìm biện pháp khắc phục tình trạng này bởi vì đây làm một vấn đề nghiêm trọng.
Đức Tâm ( RFI )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét