Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Phúc Âm Lễ Chúa Nhật Thứ II Mùa Chay (ngày 04/03/2012)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ II Mùa Chay:


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng "Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay " của Linh Mục Phanxicô Đào Trung Hiệu.



CHỈ VÌ THƯƠNG NÊN THIÊN CHÚA BAN ĐỨC GIÊ SU CHO CON NGƯỜI
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Món quà ngoài sức tưởng tượng

Các bài đọc hôm nay nói về những món quà vượt sức tưởng tượng.

Abraham là một người sẵn lòng với Thiên Chúa. Ngài bảo ông bỏ quê hương xứ sở mà ra đi đến một nơi vô định. Ông mau mắn làm theo. Thiên Chúa thấy lòng quảng đại của ông, Ngài bảo ông dâng Isaac cho Ngài. Món quà này chắc chắn Abraham không ngờ tới, vì đó không phải là một đồ vật hoặc một con vật mà là một con người. Con người ấy lại là đứa con duy nhất của ông. Hơn nữa nó còn là tất cả hy vọng của ông vì ông sinh ra nó trong lúc tuổi đã già, và ông nghĩ chỉ có nó mới thực hiện được mong ước của ông là có một dòng dõi. Dâng nó đi là dâng tất cả. Thế mà Abraham đã dâng. Một món quà ngoài sức tưởng tượng (bài đọc I).

Nhưng món quà mà Thiên Chúa ban cho loài người còn ngoài sức tưởng tượng hơn nữa. Ðó là ban Ðức Giêsu, Người Con độc nhất, Người Con thân yêu vô cùng. Hơn nữa, Thiên Chúa ban Người Con ấy để Người Con ấy chịu chết vì tội lỗi loài người, chết thay cho loài người (bài Tin Mừng). Thật chẳng có tấm lòng nào bằng như thế. Chẳng có tình yêu nào cao cả như thế (bài đọc II).

* 2. "Hãy vâng nghe lời Người"

Một hôm nhà vua triệu tập các cận thần. Vua đưa cho quan Tể Tướng một viên ngọc trai lóng lánh và hỏi:
- Ông hãy nói viên ngọc này đáng giá bao nhiêu?
- Muôn tâu, nó đáng giá còn hơn số lượng vàng khối mà 100 con lừa có thể chở.
- Ông hãy đẫp vỡ nó ra!
- Muôn tâu Bệ Hạ, làm sao hạ thần có thể phung phá một báu vật như thế ạ!

Nhà vua thưởng cho quan Tể Tướng một chiếc áo danh dự và lấy lại viên ngọc.

Kế đó vua đưa viên ngọc cho quan Thị Vệ, cũng hỏi:
- Theo ông, nó đáng giá bao nhiêu?
- Bằng nửa vương quốc.
- Hãy đập vỡ nó ra!
- Ðập vỡ viên ngọc này ư? Muôn tâu Bệ Hạ, tay thần không thể nào làm được việc đó.

Nhà vua cũng thưởng cho ông này một chiếc áo danh dự, lại còn tăng lương cho ông.

Sau cùng nhà vua đưa viên ngọc cho Abdul:
- Ngươi có biết viên ngọc này đẹp đến mức nào không?
- Muôn tâu, đẹp không thể nói được.
- Hãy đập nát nó đi.

Lập tức Abdul lấy hai viên đá đập vỡ viên ngọc ra và nghiền nó thành bụi. Quần thần thét lên sợ hãi vì sự táo bạo của Abdul. Họ hỏi:
- Tại sao nhà ngươi dám làm thế chứ?

Abdul bình tỉnh đáp:
- Lệnh của Hoàng Thượng đáng giá hơn bất kỳ viên ngọc quý nào. Tôi tôn kính Hoàng Thượng chứ không tôn kính viên ngọc.

Nhà vua khen ngợi thái độ của Abdul và thưởng chàng trọng hậu hơn cả hai vị quan kia.

Câu chuyện giúp chúng ta hiểu tại sao khi Ðức Giêsu biến hình, tiếng Chúa Cha từ trời đã phán: "Ðây là Con Ta yêu dấu. Hãy vâng lời Ngài".

* 3. Con yêu dấu

Khi đọc bài Tin Mừng hôm nay về việc Ðức Giêsu biến hình, tôi chẳng có chút cảm xúc nào cả. Ðọc thêm bài đọc I về chuyện Abraham tế sát Isaac, tôi khám phá rằng Isaac là hình bóng của Ðức Giêsu, và người cha già Abraham là hình bóng của Thiên Chúa. Và tôi rất xúc động vì tiếng gọi "Con yêu dấu".

Abraham yêu dấu Isaac biết chừng nào vì đó là đứa con duy nhất ông sinh ra được trong lúc tuổi đã già. Chúa Cha cũng yêu dấu Ðức Giêsu biết chừng nào vì đó chẳng những là Người Con duy nhất mà còn là Người Con tuyệt hảo của Ngài.

Có người cha nào không tan nát cõi lòng khi đứa con yêu dấu duy nhất của mình phải chết? Chúa Cha hiểu được tâm trạng này nên Ngài chỉ thử lòng Abraham thôi chứ không nỡ để Isaac phải chết. Thế mà Chúa Cha lại cho Ðức Giêsu Con Yếu Dấu của Ngài phải chết thật! Ôi tình Chúa Cha thương loài người chúng ta bao la và vĩ đại biết chừng nào!

Chúa Cha chỉ mong nơi loài người chúng ta một điều duy nhất là "Hãy vâng nghe Lời Ðức Giêsu" thôi. Nếu điều duy nhất ấy mà chúng ta cũng không đáp ứng thì thật là phụ bạc biết chừng nào!

4. Thử thách và biến hình

Bài đọc I nói về thử thách (Thiên Chúa bảo Abraham tế sát Isaac), còn bài Tin Mừng nói về biến hình. Hai khía cạnh này liên kết với nhau và bổ sung cho nhau như hai mặt của một đồng tiền.

•Khi Thiên Chúa mới gọi Abraham, Ngài đã thử thách ông: Ông phải từ bỏ quê hương xứ sở để đi đến một nơi vô định. Vì Abraham trung thành trong thử thách nên Thiên Chúa đã cho ông có con. Trước khi dẫn đời ông sang một biến đổi nữa, Thiên Chúa lại thử thách ông: đứa con duy nhất ấy, Ngài muốn ông giết đi để làm lễ tế cho Ngài. Một lần nữa Abraham đã vâng lời và một lần nữa ông được biến đổi: Isaac vẫn sống và sinh con cháu, nhờ đó Abraham thực sự có một dòng dõi.

•Chúa nhật tuần trước, chúng ta thấy Ðức Giêsu chịu thử thách trong sa mạc. Hôm nay chúng ta chứng kiến Ngài biến hình trên núi.

•Học sinh cũng phải thường xuyên trải qua thử thách là các kỳ thi. Nhưng có như thế thì học sinh mới được chuyển cấp, càng ngày càng cao hơn, giỏi hơn...

5. Biến đổi là Quy luật

Hãy nhìn chung quanh, chúng ta sẽ thấy mọi sự luôn biến đổi. Thí dụ nhìn một cái cây. Tuy nó vẫn là cái cây đó nhưng bên trong nó có biết bao biến đổi: có những chiếc lá tháng trước nay không còn; nhiều chiếc lá mới mọc ra; và nhiều chiếc lá hiện nay tháng sau sẽ không còn. Nếu cái cây vẫn y như thế từ tháng này sang tháng khác, từ năm này qua năm khác thì đó không còn là một cái cây sống nữa mà là một khúc gỗ.

Hãy nhìn lên trời, chúng ta cũng thấy quy luật biến đổi ấy: bầu trời hôm qua với bầu trời hôm nay đâu có hoàn toàn giống nhau mặc dù cũng vẫn là một bầu trời.

Hãy nhìn xuống nước. Một triết gia đã nói "Không ai tắm hai lần trong một dòng sông".

Và nhìn vào bản thân: các nhà khoa học nói rằng các tế bào luôn thay đổi, cái này chết, cái kia sinh ra. Sau 7 năm thì không còn tế bào nào là tế bào cũ của 7 năm trước nữa.

Không biến đổi cũng đồng nghĩa với chết. Ðối với cuộc sống thân xác thì như thế. Ðối với cuộc sống thiêng liêng cũng như thế.

Bởi thế trong Mùa Chay chúng ta cần biến đổi. Cứ sống y như cũ có nghĩa là chết.

6. Từ Tabor đến Golgotha

Một Linh mục qua nhiều năm coi xứ đã kể một câu chuyện khá dí dỏm và cũng rất sâu sắc như sau:

Có một đôi vợ chồng trẻ rất xinh đẹp và sống với nhau cũng rất khéo. Ðúng là một cặp "trai tài gái sắc". Có lẽ chính nét trẻ trung xinh xắn của vợ chồng đã cho họ một mùa xuân cuộc đời thật nồng cháy tình yêu và hạnh phúc.

Một ngày nọ, người vợ ăn một nửa trái táo, rồi tặng chồng phần kia. Người chồng vui vẻ đón nhận:
- Ôi nửa trái táo ân tình, công chúa của lòng anh!

Hai mươi năm sau. Cũng đôi vợ chồng ấy, cộng thêm những nét tàn tạ của thời gian. Cũng một trái táo, vợ ăn một nửa, mời chồng phần còn lại. Nhưng người chồng nhăn mặt:
- Sao lại cho nửa trái táo ăn thừa?

Tất cả nguyên trạng chỉ khác có nhan sắc. Cũng nửa trái táo dâng tặng nhưng hai mươi năm trước nhận từ tay "người đẹp" là trái táo ân tình. Hai mươi năm sau từ tay "nàng già" là trái táo ăn thừa. Nên chỉ dựa vào nhan sắc người ta sẽ mất hết tất cả với thời gian.

*

Cuộc biến hình trên núi Tabor được xếp đặt trước việc tiên báo khổ nạn. Nếu người ta làm cho an toàn những viên thuốc đắng bằng một lớp vỏ bọc đường, thì Ðức Giêsu cũng hóa giải tin khổ nạn bằng cuộc biến hình rực rỡ. Bọc đường chứ không bọc thuốc ngủ. Hoá giải chứ không gây mê.

Nhưng có lẽ cuộc biến hình đã phản tác dụng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê và một cho Elia" (Mc.9,5). Vậy là Phêrô, Giacôbê và Gioan muốn đăng ký thường trú trên đỉnh núi Tabor. Họ đòi ngủ yên trong hào quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn, các cuộc truyền giáo. Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa.

Các ông đâu biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát, rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên đồi Canvê. Theo Thầy không phải là lên cao hưởng thụ, nhưng là xuống thấp và leo lên thập giá với Thầy.

Cũng như ba môn đệ, đôi vợ chồng trong câu chuyện kể trên chỉ muốn dừng lại ở vẻ đẹp. Nhưng vẻ đẹp đâu tồn tại mãi. Chúa chỉ mặc "tấm áo trắng như tuyết" trong chốc lát vì niềm hy vọng Phục sinh. Cuộc đời cần hạnh phúc chứ không phải vẻ đẹp. Vẻ đẹp là một ân huệ của trời, nhưng cũng có thể là cạm bẫy cướp đi hạnh phúc.

Giá trị đích thực chính là tình yêu, chính do tình yêu mà đôi vợ chồng mới giữ được lòng thủy chung, chính do tình yêu mà các Kitô hữu mới trở nên bóng hình xinh đẹp rực rỡ của Chúa. Chính do tình yêu mà chúng ta phải biến hình đổi dạng mỗi ngày để phản ánh vinh quang ngời sáng của Người.

Ðức Kitô vinh quang của Tabor cũng chính là Ðức Kitô rong ruỗi trên các đường phố Palestina rao giảng chữa bệnh và làm các phép lạ.

Ðức Kitô sáng láng của Tabor cũng chính là Ðức Kitô thấm đẫm mồ hôi trong vườn Giêtsêmani.

Ðức Kitô rực rỡ của Tabor cũng chính là Ðức Kitô treo trên thập giá đỉnh Golgotha.

Hai đỉnh núi Tabor và Golgotha cách nhau không xa, nhưng lại là con đường vạn lý, con đường đau khổ, con đường vượt qua: Ðường tình yêu. Theo Thánh Têrêxa thành Lisieux: "Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor, mà là cùng với Giêsu ta trèo lên đồi Canvê". Thánh Bernadette cầu nguyện: "Con không xin cho mình khỏi phải đau khổ, nhưng chỉ xin Người đừng bỏ con trong khổ đau".

Ðức Giêsu đã biến hình cho các môn đệ thấy vinh quang của Người, để củng cố đức tin cho các ông, và chuẩn bị các ông đón nhận cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa, Lạy Ðức Giêsu, Chúa đã tỏ vinh quang để củng cố đức tin cho các môn đệ khi họ gặp gian truân thử thách. Xin Chúa cũng nâng đỡ đức tin còn non yếu của chúng con để chúng con tin tưởng rằng: nếu cùng với Chúa vượt qua mọi khó khăn hôm nay thì cũng chắc chắn được chung phần vinh quang phục sinh với Chúa mai sau.Amen.

Thánh Ca : Sám Hối


LÊN NÚI XUỐNG ĐỒI
Cha Mark Link, S.J.

John Updike có viết một truyện ngắn nhan đề "Lông Chim Câu" (Pigeon Feathers). Câu chuyện nói về một cậu bé tên là David, cậu bắt đầu biết nghi ngờ về niềm tin của mình. Một buổi tối nằm trên giường, David đang suy tư về vấn đề của mình, thì đột nhiên cậu quyết định làm một thí nghiệm táo bạo. Cậu để hai bàn tay ở trên khăn trải giường, rồi nâng hai tay lên khỏi đầu, và xin Đức Giêsu đụng tới chúng. Trong khi David nín thở chờ đợi, thì cậu nghĩ rằng cậu đang cảm thấy có một cái gì đó đụng vào bàn tay cậu, nhưng cậu không chắc lắm. Một lúc sau, cậu đưa tay trở về chỗ cũ mà không dám chắc chắn là có ai đụng vào tay cậu hay không.

Tất cả chúng ta đều có thể có những kinh nghiệm tương tự như David trong câu chuyện trên. Chúng ta cũng kinh nghiệm được những lần chúng ta dường như bị mất niềm tin hay niềm tin bị ẩn khuất sau một đám mây. Lúc đó chúng ta trông đợi một cách thất vọng có một dấu hiệu nào đó chứng tỏ Thiên Chúa có thực và Đức Giêsu chính là Con Thiên Chúa. Hay nói cách khác, chúng ta nóng lòng được thấy một dấu hiệu vinh quang của Đức Giêsu giống như dấu hiệu mà Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được thấy như trong bài Tin Mừng hôm nay.

***

Điều đó khiến chúng ta tự hỏi: Tại sao Phêrô, Giacôbê và Gioan lại nhận được một dấu hiệu đặc biệt về vinh quang của Đức Giêsu như thế? Có thể là do những gì đã xảy ra trước đó một vài ngày lúc Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng Ngài sắp phải chịu đau khổ và chết tại Giêrusalem. Matthêu nói rằng khi Phêrô nghe những lời ấy, ông kêu lên: "Lạy Thầy, không thể được! chuyện ấy không thể xảy ra cho Thầy được!". Chúa Giêsu bèn nói với Phêrô: "Hỡi Satan, hãy xéo khỏi mắt Ta! Con chỉ làm cản trở con đường của Thầy thôi: vì những tư tưởng ấy của con không phải xuất phát từ Thiên Chúa mà là từ con người" (Mt 16: 22-25)

Sau cái kinh nghiệm khó chấp nhận ấy, chắc hẳn Phêrô, Giacôbê và Gioan cần liều thuốc bổ tinh thần. Có lẽ đó cũng là lý do khiến Hội Thánh đem bài Tin Mừng hôm nay vào số bài đọc trong các Chúa Nhật mùa chay. Giáo hội muốn cho chúng ta một liều thuốc bổ tinh thần trước khi hướng toàn bộ chú tâm của chúng ta vào cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu tại Giêrusalem hôm Thứ Sáu Tuần Thánh.

Điều này đưa chúng ta đến một điểm quan trọng về đức tin. Đức tin của chúng ta giống như một chiếc thuyền đi trên sóng. Có lúc được nâng cao lên, có lúc bị hạ thấp xuống. Nó có những điểm cao và điểm thấp của nó. Có lúc nó lên núi có lúc xuống đồi. Nói cách khác, có những lúc đức tin chúng ta cháy sáng rực. Nhưng cũng có những lúc leo lét dường như muốn tắt hẳn.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, đức tin của Phêrô, Giacôbê và Gioan sáng rực mạnh mẽ. Nhưng chỉ một vài tháng nữa, đức tin của các ông leo lét hầu như muốn tắt luôn. Điều đó sẽ xẩy ra trong một vườn gọi là Giệtsêmani, trên một ngọn núi khác, núi Cây Dầu Matthêu đã mô tả sự việc đó như sau:

"Đức Giêsu cùng với các môn đệ đến một chỗ kia gọi là Giệtsêmani, rồi Ngài nói với họ: 'Hãy ngồi đây trong khi Thầy lại đằng kia cầu nguyện'. Ngài đem theo Phêrô và hai người con của Giêbêđê, (tức Gioan và Giacôbê). Ngài trở nên buồn phiền và căng thẳng, nên Ngài nói với họ: 'Tâm hồn Thầy buồn sầu đến chết được'"(Mt 26, 36-38). Chẳng mấy chốc "một đám rất đông đem gíao mác gậy gộc" tới tìm Đức Giêsu. Ba môn đệ có đức tin thật mạnh mẽ trong bài Tin Mừng hôm nay thấy thế bèn hoảng sợ chạy thoát thân. Tệ hơn nữa, Phêrô còn chối không nhận mình biết Ngài.

Đức tin của chúng ta cũng có lúc cao có lúc thấp như thế đấy; khi lên tinh thần, đức tin của chúng ta cũng vững mạnh và sáng lạn như đức tin của các tông đồ trong bài Tin Mừng hôm nay. Khi đức tin ở đỉnh cao, chúng ta cảm thấy gần gũi Đức Giêsu đến độ chúng ta tưởng rằng có thể đụng rờ được Ngài. Chúng ta cảm thấy gần gũi với Thiên Chúa Cha đến độ dường như đôi tay của Ngài đang bao bọc chung quanh ta. Trái lại, khi xuống điểm thấp, đức tin của chúng ta yếu ớt như muốn mất hẳn, giống như đức tin của các môn đệ trong vườn Giêtsêmani. Suốt thời gian đức tin ở điểm thấp như thế, chúng ta cảm thấy Đức Giêsu dường như không còn ban sức mạnh cho ta để chiến đấu với Satan nữa, Thiên Chúa Cha dường như đã bỏ chúng ta mồ côi. Còn Chúa Thánh Linh thì xa xôi như ở đâu đâu.

Tác giả còn so sánh những điểm cao và thấp của đức tin với chính cuộc sống ở những điểm cao, đời sống thật tươi đẹp. Chúng ta yêu thương hết mọi người. Chúng ta thắm thiết với bạn bè, và chúng ta tha thứ cho tất cả mọi thù địch. Vào những ngày như thế, chúng ta không thể hiểu được tại sao chúng ta đã từng cho rằng cuộc đời là khó khăn. Nhưng khi ở những điểm thấp, không có gì là trôi chảy cả "chúng ta cảm thấy bị đè nén và đáng thương, bị hiểu lầm, chán nản, bị mất mát thiệt thòi. Đó là lúc chúng ta thấy mình có nhiều kẻ thù hơn là thực tế, và thấy người bạn nào của mình cũng đều có lỗi với mình cả. Vào những ngày như vậy, chúng ta khó mà biết được tại sao có những lúc chúng ta lại nghĩ rằng cuộc đời này là dễ dàng vui tươi" (Anthony Padovano)

Đức tin cũng giống như thế, cũng theo nhịp điệu lên xuống, vui buồn, sáng tối, mạnh yếu...

Khi gặp những giây phút đen tối, chúng ta hãy bắt chước gương của Abraham trong bài đọc I hôm nay. Niềm tin của Abraham yếu ớt và dường như phai mờ khi ông nghĩ rằng Thiên Chúa đòi hỏi ông phải hy tế con trai của ông là Isaac. Điều đó làm tâm hồn ông đau khổ và bối rối. Nhưng Abraham vẫn tin cậy vào Chúa, và Thiên Chúa không để ông thất vọng. Thiên Chúa đã chúc phúc và ban ơn cho ông hơn cả những ước mơ của ông. Thiên Chúa cũng thử thách niềm tin của chúng ta tương tự như thế, khi bị thử thách tâm hồn chúng ta đau khổ và bối rối. Nhưng nếu chúng ta tin cậy vào Thiên Chúa giống như Abraham, thì Thiên Chúa sẽ không để chúng ta thất vọng. Và cuối cùng Thiên Chúa cũng sẽ chúc phúc và ban ân huệ cho ta nhiều hơn những gì chúng ta mơ ước.

Thánh Giacôbê tông đồ đã nói về vấn đề đó: "Phúc cho ai bị thử thách mà vẫn trung thành, bởi vì khi thành công trong cơn thử thách như thế, người đó sẽ được Thiên Chúa ân thưởng bằng sự sống mà Thiên Chúa đã hứa cho những ai yêu mến Ngài" (Gc 1: 12)

Đó là Tin Mừng từ những bài đọc hôm nay. Nó cho ta thấy đức tin cũng giống hết như đời sống, cũng có những lúc lên núi, có những lúc xuống đồi. Khi lên núi chúng ta dễ dàng tin và yêu Chúa. Nhưng khi xuống đồi, chúng ta cảm thấy khó mà tin và yêu Ngài được. Nếu chúng ta vẫn trung thành trong những thử thách ấy. Thiên Chúa sẽ thưởng chúng ta ban cho chúng ta đời sống mà Ngài hứa cho những ai yêu mến Ngài.Amen.

Thánh Ca : Con Nay Trở Về


BIẾN HÌNH
Linh Mục Phan Văn Phương, OP.

Trong Mùa Chay, Giáo hội đặt trước mắt chúng ta những mầu nhiệm có vẻ rất tương phản nhau : một bên là Chúa Kitô đau khổ và chịu đóng đinh, một bên là Chúa Kitô vinh quang và phục sinh, để chúng ta suy niệm và khám phá ra hai chân lý hay hai thực tại khác không kém phần tương phản, đó là tội lỗi trầm trọng của nhân loại và lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa, hiểu được hai thực tại này thì chúng ta sẽ hiểu được phần nào hai mầu nhiệm đau khổ và vinh quang. Cũng chính trong ý hướng đó Chúa Giêsu đã chuẩn bị tinh thần và củng cố niềm tin cho các môn đệ bằng việc Ngài tỏ lộ cho các ông thấy phần nào vinh quang của Ngài mà chúng ta gọi là Chúa biến hình.

Biến hình là thế nào ? có phải là một chuyện thần thoại không ? Cách đây ít lâu, trên đài truyền hình thành phố, chúng ta rất thích thú được xem các trò biến hình của Tôn Ngộ Không, một kẻ có 72 phép thần thông biến hóa, chỉ cần một cái lắc mình, họ Tôn có thể biến thành một con vật, một cô thiếu nữ hay một trái bí…đó là những chuyện thần thoại, không có thực, còn việc Chúa Giêsu biến hình, không phải là một chuyện thần thoại mà là một chuyện có thực.

Biến hình, theo nghĩa thông thường người ta thường hiểu là thay đổi một hình dạng khác với hình dạng bình thường. Các môn đệ đã sống với Chúa Giêsu ba năm rồi, các ông thấy Chúa chỉ là một người có xương có thịt, có hình dạng như mọi người, dù các ông đã được nghe những lời giảng dạy hay ho, cao siêu của Chúa, dù các ông đã được chứng kiến những phép lạ Chúa làm, nhưng các ông chưa thấy chân tướng đích thực của Ngài, bây giờ Chúa biến hình cho các ông thấy, Ngài thay đổi hình dạng “con người” cho các ông thấy hình dạng “Thiên Chúa” của Ngài.

Nói rõ hơn, Chúa Giêsu biến hình là Chúa bày tỏ cho các môn đệ biết thân thế đích thực của Ngài : Ngài chính là Con yêu dấu của Chúa Cha, Ngài là Đấng làm đẹp lòng Chúa Cha và là Đấng mà người ta phải nghe lời. Nhưng làm sao có thể nhận ra thần tính trên khuôn mặt nhân tính của Chúa ? đó là thắc mắc lớn của các môn đệ trên đường theo Chúa, và cũng là mối bận tâm của Chúa trong công cuộc giáo huấn của Ngài, thế nên mới có biến hình, đó cũng là mục đích của việc Chúa biến hình.

Ngoài mục đích bày tỏ, bộc lộ chân tướng đích thực là Con Thiên Chúa của mình, Chúa Giêsu còn nhằm một mục đích khác nữa, Ngài muốn khích lệ, động viên các môn đệ để các ông vững lòng trước mầu nhiệm thập giá, nghĩa là sau khi loan báo về cuộc khổ nạn Ngài sẽ phải trải qua, làm các ông khiếp sợ, Chúa lật cho các ông thấy đàng sau cây thập giá có gì, đó là sự phục sinh vinh quang, giống như Ngài biến hình trước mắt các ông lúc này. Qua đó, Chúa cũng muốn nhắn nhủ các ông : cuộc đời của các ông cũng thế, sẽ phải trải qua đau khổ rồi mới bước vào chốn vinh quang, vì vậy, hãy tin tưởng, can đảm và kiên nhẫn chịu đựng, Chúa luôn ở bên để hỗ trợ các ông.

Có một câu chuyện kể rằng : một người đàn bà giàu có đang hấp hối trên giường bệnh, trong tờ chúc thư để lại, bà kể tên của tất cả mọi người thân thuộc và xa gần sẽ hưởng gia tài của bà, tuyệt nhiên bà không hề đá động đến cô gái nghèo và trung thành hầu hạ bà bấy lâu nay, quà tặng duy nhất mà bà để lại cho cô là một thánh giá làm bằng thạch cao. Cô gái nhận lấy món quà nhưng lòng đầy cay đắng buồn phiền, cô tự nghĩ : mình đã trung thành phục vụ, hầu hạ sớm hôm để rồi chỉ được một món quà không ra gì, không còn đủ bình tĩnh để nuốt lấy từng giọt đắng cay, cô đã kéo thập giá xuống khỏi tường và ném mạnh trên nền nhà, cây thập giá vỡ tung, và kìa, trước sự ngạc nhiên của cô, tất cả những mảnh vụn thoát ra khỏi lớp vỏ thạch cao đều là những viên kim cương óng ánh. Cô gái chỉ có thể hiểu được lòng tốt của người chủ khi cô nhận ra giá trị của món quà. Lắm khi Thiên Chúa cũng gửi đến cho chúng ta những món quà được bao bọc bằng hình thù của thập giá, sự sần sùi và dáng vẻ thê thảm của thập giá làm chúng ta không thể hiểu được lòng tốt của Thiên Chúa, Ngài yêu thương chúng ta, Ngài không bao giờ muốn điều dữ cho chúng ta, bởi vì tất cả mọi sự xảy đến cho chúng ta đều nhằm dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc cao cả hơn.

Quả thực, ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá, đã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá. Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ, Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề, trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá, và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. “Hãy vác lấy thập giá và theo Ta”, đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống, mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy tình yêu mạnh hơn sự chết, mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng. Tóm lại, không chối bỏ thực tại của khổ đau, chết chóc, nhưng chúng ta luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt, bởi vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết mà là sự sống, bên kia khổ đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

Đây cũng là điều nhắc nhở chúng ta : đàng sau mọi gian nan thử thách, đàng sau mọi đau khổ của cuộc đời, luôn có Thiên Chúa hiện diện để bảo vệ và nâng đỡ, để an ủi và khích lệ, và nếu chúng ta chẳng nhận được gì ở đời này, chúng ta vẫn tin rằng : Thiên Chúa sẽ thưởng công cho chúng ta ở đời sau. Amen.

Thánh Ca : Dòng Đời Ngược Xuôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét