Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Thứ IV Phục Sinh ( ngày 15/05/2010 )



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ IV Phục Sinh :


Nguồn : www.40giayloichua.net

SỐNG THEO SỰ DẪN DẮT CỦA ÐỨC GIÊSU LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Ðừng lầm tưởng

Mặc dù con người ai cũng muốn được độc lập, thế nhưng trong thâm tâm sâu xa ai cũng có nhu cầu cần được dẫn dắt đến hạnh phúc, đến một cuộc sống tròn đầy. Như thế ai cũng là con chiên và cần mục tử. Vấn đề là chọn ai làm mục tử cho mình thôi.

Những kẻ dẫn mình tới những cánh đồng hoang, những khu rừng rậm đầy thú dữ (cuộc sống buông thả, những ý hệ lệch lạc, những cách sống thời trang, hưởng thụ v.v.) thực ra chỉ là những tên trộm cướp làm hại con chiên.

Mục tử thật phải dẫn con chiên tới nơi nào có suối nước, bóng mát, cỏ non nuôi dưỡng cuộc sống của chiên; phải cực nhọc tìm dẫn về những con chiên đi lạc; phải gian lao chiến đấu với sói dữ và kẻ cướp. Mục tử như thế chỉ có thể là Ðức Giêsu mà thôi.

Nghĩa là có hai lầm tưởng tai hại: 1/ Tưởng mình là con chiên độc lập không cần ai dẫn dắt; 2/ Tưởng đi theo những "mục tử" dễ dãi là đời mình sẽ sung sướng.

2. Liên hệ giữa Ðức Giêsu và chiên của Ngài

Chúa biết rõ từng người của mình, từng người một. Ngài không đẩy họ đi trước mình, nhưng Ngài đi trước họ, dẫn đường cho họ, nói với từng người, thu hút họ hơn là hướng dẫn họ.

Tuy nhiên, sói không ngừng lảng vảng quanh đoàn chiên, rình bắt những con chiên bất cẩn xa đàn. Vị mục tử đích thực sẵn sàng đương đầu với sói vì mỗi con chiên đều quý giá vô ngần. Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên.

Mối tương giao giữa họ hệt như giữa Chúa Cha và Chúa Con. Mối tương giao ấy dựa trên sự hiểu biết riêng tư về nhau, nghĩa là trên tình yêu. Cha biết Con sẵn sàng tự hiến trọn vẹn cho những người bước theo và sẽ bước theo mình. (J. Potin, "Ðức Giêsu lịch sử đích thực", trích dịch trong Fiches dominicales, năm A, trang 138).

3. Không còn là con số vô danh nữa

Con người thời nay rất ghét phải sống như một con người vô danh giữa một đám đông, như một con số âm thầm giữa lòng tập thể. Mỗi người như một bộ phận nhỏ trong guồng máy khổng lồ, âm thầm và cô đơn làm cho xong phần việc của mình. Tại sao có những người cố tình có những hành vi ngênh ngang, ăn mặc lố lăng, nếp sống lập dị...? Vì đó là cách để cho người khác chú ý tới họ.

Ðức Giêsu đối với chúng ta thì khác hẳn. Ngài không vơ đũa cả nắm coi hết mọi người y như nhau. Trái lại Ngài biết rõ từng người một với cá tính riêng, hoàn cảnh riêng, chỗ mạnh chỗ yếu riêng. Nhất là Ngài yêu thương mỗi người một cách riêng. "Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta, như Chúa Cha biết Ta và Ta biết Chúa Cha".

4. Tâm sự của người đồng hành bị quên lãng

1. Sáng nay khi bạn vừa thức dậy, tôi nhìn bạn và chờ đợi bạn nói với tôi đôi lời: để cám ơn về những điều tốt lành bạn đã gặp được ngày hôm qua, hoặc để hỏi xem tôi có ý kiến gì với bạn cho ngày hôm nay... Ðôi lời ngắn ngủi thôi. ...Nhưng bạn mãi lo tìm chọn quần áo giày dép... Nên tôi phải chờ.

2. Bạn đã mặc quần áo xong, bạn còn 15 phút rảnh rỗi. Tôi hy vọng bạn sẽ lên tiếng chào tôi. ...Nhưng không, bạn ngồi xuống ghế sofa, im lặng, thanh thản. Tôi vẫn chờ.

3. Chợt bạn đứng lên. ...Tôi tưởng bạn sẽ đến với tôi nói đôi lời gì đó. Thế nhưng bạn đến máy điện thoại, quay số đến một người bạn thân, hai người đấu láo với nhau một hồi. Và tôi tiếp tục chờ.

4. Rồi đến giờ bạn ra xe. Bạn đến chỗ làm. Tôi chờ bạn suốt buổi sáng.

5. Ðã đến giờ ăn trưa. Bạn ngồi vào bàn, rảo mắt nhìn quanh. Bạn thấy vài người ở những bàn bên cạnh cúi đầu thầm thì nói với tôi đôi lời trước khi ăn. Tôi tưởng bạn cũng sẽ làm thế. Nhưng không! Và tôi tiếp tục chờ.

6. Ăn xong, bạn còn một khoảng thời giờ thảnh thơi. Tôi thầm mong bạn sắp nói với tôi. Nhưng chẳng có một lời nào cả. Tôi vẫn chờ.

7. Buổi chiều, tan sở. Bạn lên xe về nhà. Chắc hẳn có biết bao điều bạn sẽ kể cho tôi nghe. Tôi chờ. Nhưng bạn chạy thẳng một mạch tới nhà. Về tới nhà, bạn lao ngay vào phòng tắm... Và tôi vẫn chờ.

8. Bạn đã cảm thấy mát mẻ và thoải mái. Nhưng bạn không thấy tôi đang chờ. Bạn chỉ nhìn thấy cái TV. Bạn mở máy, để mặc tôi tiếp tục chờ.

9. Rồi bạn lên giường, suy nghĩ mông lung trong khi chờ giấc ngủ đến. Bạn nhớ lại đủ thứ chuyện, đủ thứ người, chỉ trừ tôi. Có lẽ vì bạn không biết tôi vẫn luôn ở bên cạnh bạn. Bạn không thấy tôi, nhưng tôi vẫn luôn ở kề bên bạn, yêu thương bạn, rất muốn nói chuyện với bạn, để an ủi, để chia xẻ, để góp ý, để động viên... Bạn không biết, không để ý gì cả. Và bạn thiếp dần vào giấc ngủ. Tôi vẫn chờ.

10. Một ngày mới lại bắt đầu. Bạn thức dậy. Tôi hy vọng hôm nay bạn sẽ dành ra đôi phút để nói với tôi. Tôi vẫn chờ bạn đấy. Chúc bạn một ngày tốt đẹp.

5. Chuyện minh họa

a/ "Ta là cửa chuồng chiên"

Từ lâu, tôi vẫn cứ ấm ức không hiểu tại sao khi minh họa chân dung mình trong dụ ngôn Mục tử tốt lành, Chúa Giêsu lúc thì ví mình như Mục tử, lúc lại ví mình như cửa chuồng chiên. Gần đây, một cuốn sách đã giải tỏa cho tôi thắc mắc đó. Sách viết: một du khách đến Palestin, gặp được một mục tử đang làm việc tại một trại cừu. Người đó chỉ cho du khách thấy cảnh vật biến ảo của cánh rừng. Thấy thế, du khách hỏi: "Ðó là trại cừu, kia là bấy cừu, đây là lối vào. Vậy còn cửa đâu?" Người mục tử hỏi lại: "Cửa hả? Chính tôi là cửa. Ban đêm tôi nằm giữa lối đi này. Không một con cừu nào bước ra hay một con sói nào bước vào mà không phải qua xác tôi." Thế đó, Ðức Giêsu đâu có lẫn lộn khi trình bày chân dung mình: Ngài vừa là mục tử vừa là cửa vào.

b/ "Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào"

Người Tây Ban Nha có câu chuyện sau đây:

Khi có người đến cửa thiên đường, Thánh Phêrô đặt cho mỗi người một câu hỏi rất lạ: "Lúc còn ở trần thế, bạn đã biết nếm mùi những vui thú mà Chúa nhân lành ban cho bạn không?"

Nếu người đó đáp "Thưa không" thì Thánh nhân nói: "Bạn chưa biết nếm những vui thú nhỏ dưới thế thì làm sao có thể nếm những vui thú lớn lao trên thiên đường được! Xin lỗi, Ta chưa cho bạn vào được."

Ðức Kitô là Vị Mục Tử nhân hậu. Người đã hy sinh mạng sống để cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Lạy Chúa Giêsu, không gì bất hạnh cho một cộng đoàn bằng thiếu vắng bóng dáng Linh mục. Vì thế xin Chúa ban cho chúng con các Linh mục mà mọi người đều cần đến: đó là những mục tử vừa sốt sắng phục vụ bàn thờ, vừa hăng say rao giảng Tin Mừng cứu độ.Amen.

Thánh Ca : Chúa Chăn Nuôi Tôi


CỬA CHUỒNG Ở ÐÂU?
Cha Mark Link, S.J.

Vào thời Chúa Giêsu, khi màn đêm buông xuống, các mục tử lùa đàn chiên của họ vào chuồng. Nếu ở gần làng, họ sẽ lùa chúng vào cái chuồng công cộng, còn nếu ở xa làng, thì họ sẽ lùa chúng vào một cái chuồng ở ngoài đồng hoặc đôi khi trong một cái hang. Các mục tử làm thế là để che chở bầy chiên khỏi sương đêm lạnh lẽo và khỏi lũ thú rừng. Trong bài Phúc âm hôm nay Chúa Giêsu ám chỉ đến cả hai loại chuồng trên.

Phần đầu bài Phúc âm, Ngài ám chỉ đến loại chuồng làng công cộng, đặc biệt nhắc đến lúc sáng sớm, khi người mục tử đến chuồng làng công cộng nhận bầy của mình để dẫn chúng đi ăn cỏ suốt ngày, Chúa Giêsu nói: "Người giữ cửa sẽ mở cửa cho anh ta; chiên anh sẽ nghe tiếng anh khi anh gọi tên từng con một và dẫn chúng ra. Khi mang chúng ra rồi, anh đi phía trước, lũ chiên đi theo anh vì chúng nhận biết giọng nói của anh"

Phần sau của bài Phúc âm, Chúa Giêsu ám chỉ đến loại chuồng ở ngoài đồng đặc biệt Ngài nói đến lối vào chật hẹp trong chồng mà bầy chiên phải đi qua. Chúa Giêsu nói: "Ta là cửa chuồng chiên... Ai bước qua Ta mà vào thì sẽ được cứu: người ấy sẽ vào, và ra, rồi tìm được đồng cỏ" Trong cuốn sách nhan đề The Holy Land (đất thánh). John Kellman mô tả một cái chuồng chiên ngoài đồng như sau: nó có một bức từơng bằng đá chung quanh cao khoảng bốn bộ (cỡ 1m4) và một lối vào. Kellman kể rằng ngày nọ một du khách Thánh Ðịa đã trông thấy một cái chuồng chiên ngòai đồng gần Hebron. Anh du khách hỏi người mục tử đang ngồi cạnh đó: "Cửa chuồng của anh ở đâu? Người mục tử liền đáp: "Tôi chính là cửa chuồng". Ðoạn người mục tử kể cho du khách nghe anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp đó. không có chú chiên nào có thể bỏ chuồng đi ra, và cũng chẳng có con thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua mình anh ta.

Có hai điều nổi bật trong câu chuyện dễ thương này. Thứ nhất là tính cách duy nhất ngày càng tăng lên giữa người mục tử và bầy súc vật của anh. Phần lớn đàn chiên được nuôi để lấy len. Một mục tử phải hiện diện với bầy chiên của mình 365 ngày một năm, và thường là đủ 24 giờ một ngày. Người mục tử phải biết rõ chiên mình đến mức phải biết con nào có móng mềm, con nào đau vì ăn bậy, con nào hay bỏ bầy chạy rông... Thứ hai là sự hiến thân sâu sắc của người mục tử cho bầy chiên, thậm chí liều mạng sống cho chúng.

Chính trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn điều Chúa Giêsu mường tượng trong tâm trí khi Ngài nói: "Ta là mục tử nhân lành" (Ga 10: 11). Chúa Giêsu muốn nói rằng, mối tương giao và sự hiến thân của Ngài cho chúng ta tương tự như mối tương giao và sự hiến thân của người mục tử cho bầy chiên mình. giống như người mục tử. Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta 365 ngày mỗi năm, 24 giờ mỗi ngày. Ngài đã từng nói với các môn đệ: "Ta sẽ luôn ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28: 20).

Giống như người mục tử, Chúa Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách thân mật sâu xa. Ngài biết ai trong chúng ta yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường dễ ngã lòng, ai trong chúng ta thường hay bỏ bầy đi rông. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài luôn luôn ở đó để giúp đỡ chúng ta. Và nếu lỡ chúng ta bỏ bầy đi rông thì Ngài sẽ bỏ lại 99 con chiên để đi kiếm chúng ta. Ðiều Thiên Chúa nói với dân riêng Ngài qua miệng tiên tri Isaia, cũng chính là điều Chúa Giêsu đích thân nói với mỗi người chúng ta : "Ðừng sợ, Ta gọi ngươi bằng tên... Người rất quí báu đối với Ta... Ðừng sợ! này đây Ta ở với ngươi" (Isaac newton 43: 1, 4-5).

Bài Phúc âm hôm nay đặc biệt thích hợp cho ngày các bà mẹ. Giống như người mục tử, giống như Chúa Giêsu, một bà mẹ luôn có mối tương giao gần gũi sâu sắc với bầy con hoặc gia đình mình. Không có gì mà bà mẹ không làm để bảo vệ cho bầy con khỏi cơn nguy hiểm. Và bà sẵn sàng đi đến bất cứ nơi nào để tìm kiếm đứa con lầm đường lạc lối. Tình yêu của một bà mẹ dành cho gia đình vẫn hoạt động ngay cả khi tự thân bà không thể bảo vệ cho bầy con của bà nữa.

Có câu chuyện thật dễ thương trong cuốn tự thuật của Jimmy Cagney, nam diễn viên nổi tiếng ở HollyWood. Câu chuyện xảy ra vào thời tuổi trẻ của Cagney khi mẹ ông đang nằm trên giường chờ chết. Chung quanh giường có 4 cậu con trai đều mang tên Cagney và cô em gái duy nhất của họ là Jeannie. Vì bị nhồi máu cơ tim, bà Cagney không nói được nữa. Sau khi lần lượt bá cổ cả năm đứa con, bà liền giơ cánh tay phải, cánh tay duy nhất còn hoạt động đựơc lên. Jimmy mô tả những gì xảy ra sau đó:

"Mẹ tôi dùng ngón tay chỉ Harry rồi chỉ vào ngón trỏ của bàn tay vô dụng của bà, sau đó chỉ tôi rồi chỉ vào ngón giữa, rồi chỉ Eddie rồi chỉ vào ngón áp út, chỉ Bill rồi chỉ vào ngón út, chỉ Jeannien rồi chỉ vào ngón cái. Ðoạn bà cầm ngón cái để vào giữa lòng bàn tay, rồi áp chặt ngón cái dưới bốn ngón kia tụm lại. Sau đó bà dùng bàn tay còn khỏe vỗ nhẹ lên nắm đấm bàn tay trái" (James Cagney).

Jimmy nói rằng cử chỉ của mẹ ông thật tuyệt vời. Mọi người đều biết ý nghĩa của cử chỉ ấy tức bốn anh em có bổn phận che chở cho bé Jeannie sau khi mẹ họ qua đời. đó là một cử chỉ đẹp và đầy ý nghĩa mà không lời nào có thể diễn tả hay hơn.

Tôi vui mừng vì chúng ta có ngày dành riêng cho các bà mẹ để nhắc nhở chúng ta về bản chất của người mẹ và để nhắc nhở các bà mẹ về sứ vụ mà Chúa kêu gọi họ.

Tôi vui mừng vì ngày các bà mẹ trùng hợp với Chúa nhật hôm nay với những lời Chúa Giêsu nói về người mục tử. Bởi vì sự thân mật và sự hiến thân trọn vẹn của một bà mẹ cho gia đình mình là một phản ảnh hoàn hảo sự thân mật và hiến thân trọn vẹn của người mục tử cho bầy súc vật của anh. Và hơn tất cả, tình thân và sự hiến thân cho gia đình của một bà mẹ phản ảnh hoàn hảo tình thân mà Chúa Giêsu dành cho chúng ta.

Vì thế, chúng ta hãy hân hoan vui mừng và cầu xin cho ngày hôm nay sẽ kéo các thành viên trong gia đình gần lại với nhau hơn, đồng thời quí chuộng lẫn nhau hơn, đặc biệt đối với bà mẹ của họ.Amen.

Thánh Ca : Chúa là mục tử


HÃY NGHE TIẾNG CỦA TA
Msgr. Edward Peter Browne
L.M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Có thể là tôi đã kể câu truyện về ông Joe chơi golf cho các bạn nghe rồi. Ông Joe đánh golf lanh lẹ và ông không để lỡ bất cứ cơ hội hội nào để đánh golf, nhưng thật đáng tiếc là mắt của ông đang bị dần dần lòa đi. Ông không thể trông thấy trái banh sau khi đã được quất đi; do đó ông đến với người hướng dẫn ngay khi bắt đầu cuộc chơi để giải thích về vấn đề mờ mắt của ông. Người hướng dẫn nói, “Tôi có người giúp ông, là ông George đây. Ông George tuy già nhưng mắt ông còn sáng như mắt đại bàng.” Ông Joe đồng ý. Ông đi đến chiếc kim chân để trái bóng và quất trái bóng nhưng không nhìn thấy trái bọng bay đi đâu. Ông nói, “George, ông có nhìn thấy không?”
Ông George trả lời, “Có, tôi đã nhìn thấy rất rõ.”
“Nó bay đi đâu rồi?” Ông Joe hỏi.
Ông George trả lời, “Tôi quên mất rồi.”

Quên

Chúng ta thường cho là việc lú lẫn mất trí nhớ đi theo với tuổi già và nghĩ là khi người ta càng già thì càng dễ bị mất trí nhớ. Tôi không nghĩ đìều đó là đúng. Tôi tin là họ có nhiều thứ để nhớ trong nhiều tháng năm và nhận ra rằng có nhiều cái tầm thường không cần thiết. Nhiều người hay quên. Nếu bạn đến nhà thờ sau các Lễ Chúa Nhật, bạn có thể thấy những cuốn sổ nằm ở chỗ này, bao tay ở chỗ kia, kiếng đeo và chìa khóa. Ai cũng quên. Trẻ hay là già đều quên cái này hoặc cái kia. Chúng ta có cái yếu điểm là tính quên sót.

Tôi không biết là các bạn có nhớ Aleksandr Solzhenitsyn, một tác giả người Nga đã nhiều năm sống trong một trại giam ở Liên Bang Sô Viết. Ông đã viết một tập lịch sử về Liên Bang Sô Viết, nhìn về các khía cạnh sai trái của Sô Viết. Thí dụ, sáu chục triệu người đã bị giết bởi chính quyền Liên Bang Sô Viết. Một người hỏi Solzhenitsyn, “Ông có thể cho tôi một tóm lược về lý do đã gây nên điều này không?” Và câu trả lời của Solzhenitsyn là, “Con người đã quên Thiên Chúa và đó là lý do tại sao những cuộc thảm sát đã xảy ra. Họ đã quên Thiên Chúa và trở nên một quốc gia vô thần, vô luân lý, phi luân lý và mất ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống. “

Quên Thiên Chúa

Chúng ta có thể nói giống như thế đối với quốc gia của chúng ta ngày nay. Người ta đang bắt đầu quên Thiên Chúa, thay thế một cái khác cho Thiên Chúa, do đó chúng ta có nhiều chủ thuyết trung dung và ngụy biện. Nói dối không còn là nói dối mà chỉ là xoay quanh sự thật. Chúng ta có sự phân cách Giáo Hội và Nhà Nước là một điều thật hay. Và chung quy nó chỉ là việc đuổi Thiên Chúa ra và đưa trần tục vào. Người ta nói là họ có tự do lựa chọn và do đó có thể làm cái họ thích. Chúng ta có một đất nước điên rồ về tính dục và chủ trương “hãy làm cái riêng của bạn.” Bất cứ cái gì cũng được chấp nhận giữa hai người trưởng thành và danh sách có thể tiếp tục liệt kê. Các bạn đã nghe và nhìn thấy. Và nhiều người tự hỏi cái gì đã làm cho đất nước chúng ta hư hỏng, đâu là các gía trị của quốc gia chúng ta ngày nay? Chúng ta tự hỏi tại sao lại có qúa nhiều tội phạm, hung bạo và các thứ xấu xa cứ tiếp tục khiến cho chúng ta sợ khi bước ra đường. Tại sao điều đó lại xẩy ra? Lý do là chúng ta bị tấn công bởi truyền thông, máy truyền hình, truyền thanh, báo chí, sách vở và những thứ khác, luôn luôn muốn chúng ta chú ý, và khi chúng càng chiếm đoạt sự chú ý của chúng ta bao nhiêu thì trí nhớ về Thiên Chúa càng biến mất đi và người ta càng không nghĩ đến Thiên Chúa bấy nhiêu. Họ đi lễ ngày Chúa Nhật, họ đọc kinh cầu nguyện thường xuyên và còn đọc cả Thánh Kinh nữa. Nhưng họ bị chi phối bởi đầu óc thế tục và quên mất Thiên Chúa. Trí nhớ về Thiên Chúa dường như đã biến mất khỏi đời sống của họ. Trường hợp như người ta đang nghe thấy những tiếng nói và những điều mọi người bàn luận về quyền lợi của họ. Chúng ta có cả một nhóm người tuyên xưng là người Công Giáo nhưng tuyên bố là họ sẽ thay đổi Giáo Hội, làm cho Giáo Hội hòa hợp với thời đại. Và họ càng cố gắng làm cho nó hòa hợp với thời đại bao nhiêu thì quan niệm ấy lại càng trở nên xấu xa hơn bấy nhiêu.

Tiếng Nói của Chúa Kitô

Chúng ta được nhắc nhở từ tất cả các bài đọc hôm nay Chúa Giêsu Kitô là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành. Tiếng nói của Ngài mời gọi chúng ta đến ơn cứu rỗi. Bài đọc thứ nhất từ sách Công Vụ Tông Đồ, Phêrô đã đứng lên nói, “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” (CV 2:40). Điều này cũng có thể được nói với đất nước của chúng ta ngày nay, “Hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” Chúng ta cần nghe tiếng nói của Thiên Chúa kêu mời chúng ta. Đức Giêsu Kitô là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành mời gọi chúng ta bước theo Ngài, nghe tiếng của Ngài, và chú ý để nhờ đó chúng ta có đời sống sung mãn và tràn đầy chân lý. Nhưng qúa nhiều người bị phân tâm bởi những thú vui thế tục và bắt đầu chấp nhận não trạng không Thiên Chúa đang phát triển trong đất nước của chúng ta. Sau khi Quốc Hội, Thượng Viện, và Hạ Viện thông trình dự luật cấm phá thai ở một định kỳ, người ta chẳng thèm đáp ứng khi Tổng Thống Mỹ tuyên bố, “Tôi đã cầu nguyện và do đó tôi bác bỏ dự luật này.” Đó chính là cái không Thiên Chúa.

Tuy nhiên, các bạn có cơ hội nghe tiếng của Thiên Chúa, lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô. Hãy giữ Thiên Chúa trong trí lòng của các bạn. Hãy có trí nhớ vững mạnh để biết là các bạn có thể chống lại được.

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phêrô nói, “Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban” (1 Phêrô 2:20). Thế gian sẽ bắt bớ các bạn vì các bạn làm điều phải lẽ chỉ vì nó không thuận lý chính trị, đó không phải là cách mà những vấn đề ngày nay được hành xử. Chúa Giêsu Kitô truyền là “Hãy nghe tiếng Ta.” Chỉ khi nghe tiếng của Chúa Giêsu Kitô nói với chúng ta qua Giáo Hội trong thời đại ngày nay mới cho chúng ta sự vững tin trong việc học biết chân lý, biết sự thật, đi theo giáo huấn của Chúa Kitô, đến với kiến thức về chân lý của Ngài và được cứu rỗi. Chúa Kitô nói, “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ” (Gioan 10:8). Chúa Giêsu Kitô đang kêu mời chúng ta tin vào lời của Ngài, tin tiếng gọi của Ngài. Hãy lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và quên thế gian và những vui thú của thế gian, cho dù nó có hấp dẫn đến chừng nào. Để rồi chúng ta có thể có được sự bảo đảm của ơn cứu độ. Xin Chúa chúc lành cho các bạn.Amen.

Thánh Ca : Chúa Chăn Nuôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét