Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Phục Sinh ( ngày 24/04/2011 )



Lời Chúa trong Thánh Lễ tối thứ bảy Vọng Phục Sinh :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Lời Chúa trong Thánh Lễ sáng ngày Chúa Nhật Phục Sinh :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Lời Chúa trong Thánh Lễ chiều ngày Chúa Nhật Phục Sinh :


Nguồn : www.40giayloichua.net

CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT RỒI
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Tin là thế nào?

Ðức tin của các tín hữu thường chỉ có một chiều kích, đó là chiều kích của trí óc : tin có Thiên Chúa ; tin rằng Ngài đã tạo dựng mọi sự, Ngài biết mọi sự và điều hành mọi sự...

Ðức tin của các tín hữu thường hướng tới đời sau: tin rằng mình sẽ được ở với Thiên Chúa sau khi từ giã cõi đời này.

Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay buộc ta phải điều chỉnh lại đức tin ấy: phải có thêm chiều kích hiện sinh nữa: Không chỉ tin bằng trí óc mà còn bằng cả cuộc sống. Không chỉ nhắm tới cuộc sống mai sau, mà phải nghĩ tới cuộc sống hiện tại. Thánh Phaolô dạy: "Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Ðức Kitô".

2. Làm chứng là thế nào?

Chỉ có các tông đồ là những "chứng nhân" đúng nghĩa : các ngài đã cùng sống với Ðức Giêsu, đã thấy Ngài chết và thấy Ngài sống lại. Việc làm chứng của các ngài dựa trên điều các ngài đã thấy.

Nhưng lời chứng xuất phát từ cảm nghiệm cũng có giá trị, nhiều khi lại còn có sức thuyết phục hơn. Chúng ta có thể làm chứng cho Ðức Giêsu phục sinh theo cách thứ hai này: sống làm sao cho người ta biết chúng ta đang sống một cuộc sống mới, chúng ta hạnh phúc, chúng ta tự do, chúng ta vui mừng trong cuộc sống mới đó, và trong bất cứ hoàn cảnh nào lòng chúng ta cũng tràn trề hy vọng.

3. Tâm thức kiêu căng của kẻ chiến thắng

Nhiều người trách rằng những người công giáo có tâm thức kiêu căng vì nghĩ rằng mình là kẻ chiến thắng, kẻ mạnh, kẻ giỏi hơn người... Tiếng pháp là "triomphalisme". Thực ra, chúng ta có tâm thức đó không ? Và xét cho cùng, nên có tâm thức đó không ?

Chúng ta xác tín rằng chúng ta có một chỗ dựa vô cùng vững chắc là Ðức Giêsu phục sinh, và cũng xác tín rằng nếu có Ngài phù trợ thì chúng ta sẽ vượt thắng tất cả. Những câu đáp ca hôm nay trích từ Thánh vịnh 117 tuyên bố niềm xác tín đó: "Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa cao cả vô song. Tôi không phải chết nhưng còn sống mãi, để tường thuật những kỳ công Chúa làm".

Thế nhưng, chúng ta không nên kiêu căng, cũng không nên khinh chê những người khác không có được niềm xác tín của chúng ta. Ðúng hơn, chúng ta cần làm chứng cho họ và chia sẻ với họ niềm xác tín ấy, một niềm xác tín vẫn giúp con người lạc quan hy vọng cho dù đang ở giữa bao khổ đau, thất bại, bệnh tật và thậm chí sắp chết.

4. Mộ mở toang

Gioan "cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó... Ông đã thấy và đã tin.

Nhưng ông thấy gì ? Chẳng thấy gì hết. Có gì đâu mà thấy. Tuy vậy điều ông thấy đã dẫn ông tới chỗ tin.

Ta hãy nghiêng mình xuống như Gioan. Ta thấy gì ? Một hố sâu thăm thẳm, đầy màu trắng. Một sự trống rỗng mênh mông dâng đầy mầm sống. Cờ tang khăn tang chuyển biến thành y phục ánh sáng. Một sự vắng mặt vang dội sự có mặt. Một sự im lặng của nấm mồ nói nhiều hơn mọi bài diễn văn. Một bức tường mà ta chỉ thấy được phần bị khoét lỗ. Một kết quả của tất cả mang dáng dấp khởi đầu. Một cái chết có bộ mặt một cuộc giáng sinh. Mầu nhiệm mà ta khám phá ra bí mật.

Vậy ai đã tạo ra ngôi mộ trống. Ngôi mộ đâu có trống. Vì Gioan đã thấy chân dung thực sự của Ðức Giêsu, bạn ngài.

Ngôi mộ không trống, không sâu, không câm nín, không vương mùi chết chóc. Ngôi mộ nói. Nó sẽ nói. Hôm nay nó còn nói với ta. Ta có bị cụt hứng không ? Vì sự vắng mặt này, lớn như một nấm mồ, chính là một sự hiện diện, vĩ đại như một phép lạ.

Dưới nhãn quan của não trạng hiện đại, đã thấm nhiễm vào ta, chết là hết. Chấm hết. Chết rồi chẳng còn gì ráo. Chẳng còn gì ngoài đêm đen. Chẳng còn gì ngoài trống rỗng và hư vô. Cái chết khép lại tất cả. Cái chết chôn kín đời ta.

Nhưng ở đây cái chết mở ra. Ngôi mộ của Người đã mở ra. Mở ra một mầu nhiệm lớn lao. Một mầu nhiệm loan báo sự sống. Mầu nhiệm mang tên chỗi dậy. Phục sinh.

Ngôi mộ mở lòng mở trí ta. Ký ức sống và sống lại. Ta mở hồn ra với đức tin. Sau cùng ta hiểu rằng Ðức Giêsu đã vượt qua bức tường sự chết, đã nâng phiến đá che mộ, đã hoàn thành Phục sinh báo trước. (G. Boucher, "Le ciel sur terre", được trích dịch trong Fiches dominicales, năm A, trang 122-123).

5. "Sao lại tìm người sống nơi chỗ kẻ chết ?"

Một vài tuần trước lễ Phục sinh, người chồng đã chết vì một tai nạn đột ngột : đang khi ông đốt các nhánh cây vụn trong khu vườn của gia đình, ông đã sơ ý để lửa bắt vào mình.

Tai nạn đã làm cho bà vợ trở nên như người mất trí, một đàng vì nó đột ngột quá, đàng khác vì nó xảy ra tại chính khu vườn của gia đình. Bà không dám bước chân ra vườn. Thậm chí không dám nhìn về hướng đó nữa.

Rồi tới ngày lễ Phục sinh. Hai người hàng xóm đến thăm bà và rủ bà đi ra vườn. Mới nghe tới đó, bà co rúm người lại. Nhưng các bà hàng xóm tin rằng việc này sẽ có ích cho bà nên cứ khuyến khích. Thế là cả 3 ra vườn, đến chính nơi xảy ra tại nạn. Ngài vợ muốn quay lưng bỏ vào nhà. Nhưng đúng lúc ấy, một lời trong Tin Mừng bỗng loé lên trong đầu bà : "Sao lại tìm người sống nơi chỗ kẻ chết ? Ngài không còn ở đây nữa. Ngài đã sống lại rồi." Bà nghĩ lời đó nói về chính người chồng của bà.

Thế là nỗi buồn sầu bấy lâu nay chắp cánh bay mất. Bà tìm lại được niềm vui. (Flor McCarthy)

Lạy Chúa, Ðức Giêsu Kitô Con Chúa đã trải qua bao đau thương và chịu khổ hình Thập giá rồi mới bước vào vinh quang thiên quốc. Xin cho tất cả chúng con được chia sẻ đau thương, được chết với Người, để cùng được phục sinh vinh hiển với Người .Amen.

Thánh Ca : Niềm Vui Phục Sinh


TÔI ÐÃ TRỖI DẬY CÙNG VỚI MẶT TRỜI
Cha Mark Link, S.J.

Trong chiếc phi cơ đang bay từ Chicago đến Providence thuộc tiểu bang Rohde Island có một nữ sinh viên đại học. Từ cửa sổ phi cơ, cô nhìn xuống cảnh đồng quê màu xanh lá phía dưới, trái tim cô bỗng thấy nặng trĩu và mắt cô bỗng nhoà lệ. Cô là một sinh viên tại Ðại học Loyola đang trên đường về nhà để nghỉ lễ Phục sinh. Năm đầu tiên ở đai học sắp chấm dứt nhưng đây là một năm thảm bại đối với cô. Cô thấy cuộc sống đối với cô chẳng có một ý nghĩa thực sự nào nữa. Chỉ còn niềm hy vọng duy nhất tồn tại đó là lát nữa đây cô được trông thấy đại dương mà cô rất yêu thích.

Khi chiếc phi cơ đáp xuống phi đạo tại Providence, cô tự hỏi làm sao cô có thể mừng lễ Phục Sinh được trong tình cảnh hiện tại của cô như thế.

Bà nội ra cổng đón cô và cả hai bà cháu lái xe về trong một bầu khí im lặng nặng trĩu. Ngay khi hai người vừa lui xe vào con đường hẻm cạnh nhà, trong đầu cô chỉ có một ý nghĩa là leo lên chiếc xe hơi của mình và phóng thẳng ra bãi biển.

Cô gái đến biển vào qúa nửa đêm. Những gì xảy ra sau đó được cô mô tả tuyệt diệu như sau. Cô nói: "Tôi chỉ ngồi đó dưới ánh trăng ngắm nhìn sóng dạt vào bờ. Năm đầu tiên đầy thảm hại ở đại học từ từ xuất hiện trước mặt tôi ngày này qua ngày nọ, tuần này sang tuần khác, tháng nọ kế tháng kia. Thế rồi bỗng nhiên tất cả mọi cảm nghiệm đều lắng xuống đâu vào đấy. Tất cả đều đã xong và đã qua rồi. Tôi có thể vĩnh viễn quên nó đi nhưng đồng thời cũng lại không muốn quên.

Ðiều tiếp theo mà tôi biết chắc chắn là mặt trời lại sắp sửa mọc lên ở phương đông. Và khi mặt trời lên, tôi thấy các xúc cảm của mình cũng bắt đầu lên giống như những ngọn sóng dâng cao lên trước khi tan vỡ ra. Tâm trí và xác thân tôi như hút được sức mạnh từ đại dương. Tất cả mọi dự định và nhiệt tình trước kia ồ ạt trở về mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cùng với mặt trời lên, tôi chỗi dậy nhảy vào xe hơi lái thẳng về nhà."

Sau kỳ nghỉ lễ Phục Sinh, cô gái trở lại đại học Loyola, nhặt những mảnh vỡ của năm trước và ráp lại với nhau. Trong thời gian ngắn ngủi là kỳ nghỉ Phục Sinh, cô ta đã chết rồi sống lại. Lần đầu tiên trong đời, cô hiểu được ý nghĩa thực tiễn của sự Phục Sinh.

Trong đời sống thực tế hằng ngày của chúng ta, Phục Sinh có nghĩa là cảm nghiệm được quyền năng của Chúa Giêsu đang biến đổi tấn đại bi kịch trong đời chúng ta thành một khởi đầu vinh quang đầy mới mẻ. Hãy lấy trường hợp môn đệ Chúa Giêsu: "Trước khi đại bi kịch thứ Sáu tuần thánh xẩy ra, Chúa Giêsu đã mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ, các môn đệ đã thề nguyện dâng cuộc sống cho Chúa, đã đặt mọi ước mơ nơi Chúa, đã gắn chặt mọi hy vọng vào Chúa, thế nhưng, khi biến cố thứ Sáu tuần thánh xảy ra, mọi thề ước, mọi mộng mơ, mọi hy vọng của họ đều vỡ tan thành triệu mảnh vụn. Cùng với chiếc đòng quái ác mà tên lính đâm vào người Chúa Giêsu, mọi thề ước, mộng mơ và hy vọng của họ cũng tiêu tan trên thập gía theo cái chết của Chúa Giêsu. Cùng với mũi đòng quái ác tên lính đâm vào người Chúa Giêsu, cuộc sống của các môn đệ cũng tiêu tan trên thập giá theo cái chết của Chúa Giêsu. Khi mặt trời lặn chiều thứ Sáu tuần thánh, họ cũng bị chôn luôn theo Chúa Giêsu vào mồ. Mọi sự thế là xong xuôi cả rồi!

Thế nhưng sự việc đã xảy ra!

Ngay khi mặt trời mọc lên vào sáng Chủ Nhật Phục Sinh, Chúa Giêsu đã sống lại và hiện ra với các môn đệ. Ngài còn rạng rỡ và sống động hơn những gì họ đã từng thấy ở Ngài trước kia. Vào lúc đó, quyền năng Phục Sinh bắt đầu hoạt động trong đời sống các môn đệ. Bỗng nhiên, họ được biến đổi: từ một nhóm người tuyệt vọng trở thành một binh đoàn thừa sai gan dạ. Theo lệnh Chúa Giêsu, họ bắt tay loan báo Tin Mừng Phục Sinh khắp bốn phương trên khắp mặt đất. Bất cứ nơi nào các môn đệ rao giảng Tin Mừng, quyền năng Phục Sinh cũng đều hoạt động trong mọi người như đã từng họat động trong chính họ. Những điều kỳ diệu bắt đầu xảy ra. Tuyệt vọng đã nhường bước cho hy vọng, bóng tối đã lùi bước trước ánh sáng.hận thù đã nhường chỗ cho tình thương, khổ đau đã thay thế bằng vui mừng.

Tóm lại, bất cứ nơi nào các môn đệ rao giảng, quyền năng Phục sinh cũng thực hiện những phép lạ trong cuộc sống mọi người. Những phép lạ này vẫn chưa kết thúc. Chúng vẫn còn tiếp tục trong thời đại chúng ta.

Phục Sinh được thể hiện nơi cô nữ sinh đại học tan nát cõi lòng đang lau khô dòng lệ đã khởi sự trở lại. Phục Sinh được thể hiện nơi nhóm môn đệ thảm bại đã được biến đổi thành một đạo quân thừa sai gan dạ. Phục Sinh được biểu hiện khi thế giới tăm tối phá tan được xiềng xích tuyệt vọng để bước vào ánh sáng hy vọng.

Sự việc ấy đã khiến chúng ta tụ họp tại giáo đường này vào buổi sáng Phục Sinh hôm nay. Vậy thì lễ Phục Sinh kêu gọi chúng ta làm gì đây?

Trước hết Lễ Phục Sinh kêu gọi chúng ta mở lòng mình ra cho Chúa Giêsu Phục Sinh, để Ngài làm cho chúng ta điều Ngài đã làm cho các môn đệ cũng như cho những người nghe lời họ giảng sau ngày lễ Phục Sinh đầu tiên.

Lễ Phục Sinh kêu gọi chúng ta hãy để Chúa Giêsu giúp chúng ta biết yêu thương trở lại sau khi tình yêu của chúng ta đã bị ai đó từ chối.

Lễ Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy để Chúa Giêsu giúp chúng ta tin tưởng trở lại sau khi niềm tin của chúng ta đã bị kẻ khác phản bội.

Lễ Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy để Chúa Giêsu giúp chúng ta hy vọng trở lại sau khi chúng ta đã thấy niềm hy vọng của mình bị lung lay và tàn lụi.

Lễ Phục Sinh mời gọi chúng ta hãy để Chúa Giêsu giúp chúng ta lau khô dòng lệ, nhặt lên những mảnh vụn và khởi sự trở lại sau một tấn đại bị kịch nào đó.

Ðó là tất cả ý nghĩa của ngày lễ Phục sinh. Ðó là Tin Mừng loan báo Chúa Giêsu đã phục sinh hiện đang ngự giữa chúng ta và sẵn sàng làm nơi chúng ta những phép lạ nếu chúng ta đồng ý. Ðó là Tin Mừng loan báo rằng sẽ không còn gì có thể đánh ngã chúng ta được nữa dù là sự thất vọng đau đớn, bất hạnh và cả sự chết. Ðó là Tin Mừng loan báo cho Chúa Giêsu đã khải hoàn và chúng ta cũng sẽ khải hoàn với Ngài nếu chúng ta biết mở rộng lòng ra đối với Ngài.

Ðó là tất cả ý nghĩa của lễ Phục sinh, đó là điều chúng ta mừng kính trong khi chuẩn bị cùng bẻ bánh nhân ngày khai sinh trọng đại của Ðức Kỉtô chúng ta.Amen.

Thánh Ca : Ánh Lửa Phục Sinh


ƠN PHỤC SINH
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tảng đá to đã niêm phong cửa mồ, các thượng tế và những người Pharisiêu xin Tổng trấn Philatô cắt đặt một tiểu đội binh sĩ đến canh ngôi mồ (Mt 27,62), và “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá, rồi cắt lính canh mồ” (Mt 27,66). Giêsu người thành Nagiarét đã "mồ yên mả đẹp". Hãy yên nghỉ và quên đi những đau khổ. Hãy quên đi những oan kiên và tất tưởi của phận người. Hãy quên đi những tiếng la ó, những lời thóa mạ và bản án bất công. Hãy quên đi những tiếng búa nặng nề trên những đinh nhọn xuyên thấu tay chân. Hãy quên đi cơn hấp hối kinh hoàng. Và hãy quên đi đồi Golgotha loang máu chiều tử nạn.

Câu chuyện tưởng đã ngũ yên, người đời sẽ mau quên lãng, chẳng còn ai nhắc tới Giêsu Nazareth nữa…

Nhưng sáng nay, tinh mơ ngày thứ nhất trong tuần, khi ánh bình minh vừa ló rạng, Maria Mađalêna và một số phụ nữ đang âm thầm lặng lẽ dưới sương mai, gió sớm se lạnh, hối hả bước đi, lòng trí chỉ còn những kỷ niệm xót xa chua chát. Đến cửa mồ, họ phát hiện ngôi mộ mở toang, trống rỗng, và thân xác Thầy yêu quý đã không còn trong đó nữa. Họ xúc động và âu lo: "Chúa đã bị mang ra khỏi mồ. Chúng tôi không biết họ để Người ở đâu".

Các môn đệ đã hoang mang sợ hãi, nay càng thêm hốt hoảng khi nghe tin này. Phêrô và Gioan cũng bị lôi cuốn và muốn tìm ra sự thật. Cả hai bắt đầu chạy ra mồ. Họ cùng chạy bên nhau, nhưng Gioan chạy nhanh hơn và đến mồ trước. Ông không vào trong nhưng cúi xuống nhìn vào và thấy những khăn liệm ở trên đất. Gioan “đã thấy và đã tin”. Gioan thấy gì ? Thấy các dấu chỉ lạ lùng của Ngôi Mộ Trống, khăn liệm và các thứ dây được xếp gọn gàng. Chính bởi Gioan đã chứng kiến dấu lạ Chúa Giêsu cho Lazarô sống lại. Khi Lazarô được Chúa cho sống lại, ông ngồi dậy, nhưng thân mình còn quấn chặt các thứ khăn liệm, còn ở đây, mọi thứ được xếp gọn gàng. Gioan nhớ lại lời Chúa Giêsu: Ngài phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang. Ngay giây phút thấy cũng là lúc Gioan nhớ lại lời nói của Chúa Giêsu sau khi đuổi phường buôn bán ra khỏi đền thờ: "Hãy phá đền thờ này đi, và trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại" (Ga 2,19). Gioan còn nhớ điềm lạ của Giona với lời khẳng định của Chúa Giêsu: "Như Giona ở trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày đêm như vậy" (Mt 12,40). Gioan vẫn nhớ như in, trên núi Tabor, Chúa hiển dung và căn dặn các ông không được nói lại với ai về chuyện đó, cho đến khi Ngài sống lại từ cõi chết (Mc 9,9). Gioan luôn nhớ, trước lúc lên đường về Giêrusalem để dự lễ Vượt qua, Thầy cũng đã nói với 12 môn đệ thân tín: "Này, chúng ta lên Giêrusalem và sẽ hoàn tất cho Con Người mọi điều các tiên tri đã viết. Vì chưng Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại, sẽ bị nhạo báng, hành hạ, khạc nhổ, và sau khi đã đánh đòn Ngài, người ta sẽ giết Ngài, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại" (Lc 18,31-33). Gioan ghi tạc vào lòng lời tâm sự của Thầy trong buổi tiệc ly: "Hết thảy các ngươi sẽ vấp ngã vì Ta trong đêm nay... Nhưng sau khi Ta sống lại, Ta sẽ đi trước các ngươi tới Galilê" (Mt 26,31-32)…Nhờ ghi nhớ lời Chúa mà đức tin đã đến với Gioan sớm hơn Phêrô.

Chúa đã sống lại thật! Allêluia! Đó là niềm vui và tuyên tín của các Tông đồ. Niềm vui và tuyên tín đó đã được loan truyền cho tới ngày nay và mãi cho tới ngày tận cùng của nhân loại.

Phục Sinh là biến cố lạ thường, chưa từng có. Các môn đệ, bằng các cảm nghiệm bản thân đã tin vào sự Phục Sinh của Thầy mình. Cảm nghiệm thì mỗi người mỗi cách. Như Phêrô và Gioan trước ngôi mộ trống. Như Tôma được mời thọc tay vào cạnh sườn và lỗ đinh. Như hai môn đệ trên đường Emmau…Điều chung nơi các môn đệ là một khi họ đã tin thì lòng tin đó không hề thay đổi và họ nhiệt thành loan báo lòng tin đó cho người khác. Những người này, một khi đã tin cũng trở nên kiên định như các môn đệ trong xác tín của mình và sẵn sàng bảo vệ làm chứng cho xác tín đó bằng chính mạng sống của mình.

Chúa Giêsu Phục Sinh. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã trở thành niềm tin và sức sống mãnh liệt cho nhân loại hơn hai ngàn năm qua. Hàng triệu triệu người đã sống với niềm tin Phục Sinh và hàng triệu triệu người đã chết để bảo vệ niềm tin Phục Sinh.

Hàng năm Giáo Hội long trọng mừng đại lễ Phục Sinh. Chúa Giêsu Kitô sống lại để phục hồi chúng ta trong ơn nghĩa tử. Đây là dịp thuận lợi để suy niệm về ơn phục sinh của người Kitô hữu.

1. Phục sinh trong Bí Tích Rửa Tội.

Khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta được phục hồi ơn làm con Thiên Chúa, được quyền hưởng gia nghiệp nước trời, được sống lại trong ơn nghĩa Chúa. Ơn Phục sinh này là cửa ngõ đón nhận chúng ta vào nhà Giáo hội, được làm con Thiên Chúa, được gọi Chúa là Cha và được toàn thể các thánh trên trời và mọi phần tử Giáo hội trần gian là anh chị em. Cũng qua Bí tích này chúng ta được thông hiệp với mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô, được thừa hưởng kho tàng ơn thánh mà Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, được có khả năng làm việc lành và có một cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần (GlCG #1262).

2. Phục sinh trong Bí Tích Hòa Giải

Qua Bí tích Hòa Giải, chúng ta được ơn trở về mỗi khi sa ngã, phạm tội mất lòng Chúa. Nhờ Bí Tích này, chúng ta không những được làm hòa với Thiên Chúa, mà còn được thêm ơn thánh để bền lòng chiến đấu với những cơn thử thách mới. Như thế mỗi lần lãnh nhận Bí tích Hòa Giải là một lần chúng ta cử hành lễ Phục sinh, tái diễn việc sống lại từ cõi chết tinh thần.

3. Phục sinh trong ngày tận thế.

Trong kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng vững vàng "xác loài người sống lại để vui hưởngsự sống đời sau". Điều này chứng tỏ chúng ta đang mong đợi một cuộc sống mới vĩnh cửu.Thiên Chúa ban cho chúng ta sự phục sinh bất diệt của thân xác, một cuộc sống lại kỳ diệu giống như cuộc sống lại với thân xác vinh quang của Đức Kitô, một thân xác linh thánh vượt trên cả vật chất.

Lễ Phục sinh thật là một cơ hội quí báu và thích hợp để cùng nhau hướng về gia đình thiên quốc, hướng về sự sống vĩnh cửu quê trời. Khi nhắc lại niềm hạnh phúc ấy để nhớ về trách nhiệm, làm sao sống xứng đáng làm con Thiên Chúa ?

4. Tình yêu bừng lên sự sống.

Nhờ tình yêu nồng nàn dành cho Thầy Giêsu mà Maria Magđalêna đã thắng được nữ tính nhút nhát, dám đi ra mồ mả lúc trời còn tranh sáng tranh tối để trở thành người nữ đầu tiên loan báo tin mừng Phục sinh.

Nhờ tình yêu chân thành dành cho Thầy mà Gioan đã trở nên người nam đầu tiên, bằng niềm tin, khám phá ra tính chất bất diệt của tình yêu. Tình yêu không thể bị chôn vùi trong huyệt mồ của khổ đau, u sầu, thất vọng, nhưng sẽ chảy tràn niềm vui, vinh quang, và sự sống. Tình yêu không thể chết với cái chết mục nát trong huyệt sâu tăm tối. Tình yêu làm sống lại những gì tan vỡ. Chính Tình yêu Thiên Chúa đã phục sinh Đức Giêsu Kitô tử nạn. Và chính Đức Giêsu Phục sinh đã mang lại niềm hy vọng chiến thắng trên mọi khổ đau, chết chóc, thất vọng của con người.

Mừng Chúa Phục Sinh, xin tình yêu của Ngài tác động và dẫn lối con người trong mọi quan hệ hàng ngày, từ vợ chồng con cái đến bạn bè thân nghĩa, từ gia đình làng xóm đến cộng đoàn xứ đạo. Để rồi như ánh lửa được đốt lên và chuyền thắp đến mọi ngọn nến trong đêm vọng Phục sinh thế nào, người tin vào Chúa Kitô cũng sẽ là ánh sáng do tình yêu Thiên Chúa đốt cháy và thắp lên nơi tâm hồn mọi người như vậy.

Lạy Chúa Giêsu, xin tỏ mình ra cho chúng con thấy Chúa mỗi ngày trong ơn phục sinh qua các bí tích để chúng con tin là Chúa đang sống, đang đến, và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Thánh Ca : Nếu Người Không Sống Lại


Mời các bạn nghe Giám Mục Nguyễn Khảm thuyết giảng với chủ đề "Cội Rễ Chúa Giê Su" trong thánh lễ Chúa Nhật Lễ Lá ngày 17/04/2011 dịp Đại Hội Giới Trẻ .



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét