Nguồn : www.40giayloichua.net
Mời nghe bài giảng với chủ đề " "LUẬT CŨ & LUẬT MỚI" của Linh Mục Đa Minh Nguyễn Phi Long, CSsR
SỐNG THEO LUẬT CHÚA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái
1/Con đường sống
Trong bài đọc I, Ben Sira nói đến 2 con đường : con đường được vạch ra bởi các giới răn là con đường sống, con đường nước, con đường sự lành ; con đường thứ hai thực ra không phải là đường mà là muốn đi đâu thì đi, không có chỉ dẫn, không có định hướng, không có ngăn cản… đó là con đường lửa, con đường sự dữ, con đường sự chết.
Chỉ cần một thí dụ nhỏ cũng đủ để nhất trí với Ben Sira : lái xe trên xa lộ. Muốn an toàn, hay nói cách khác là muốn sống, người lái xe phải tuân thủ rất nhiều luật : đoạn nào phải chạy với tốc độ nào, chỗ nào được quẹo, chỗ nào phải dừng lại, muốn vượt thì phải làm sao v.v. và v.v.
Người lái xe nào nghĩ rằng tất cả những luật ấy là bó buộc, là bóp chết sự tự do của mình, rồi bất chấp tất cả. Kết quả sẽ thế nào ? Người đó chết. Chẳng những thế, có thể làm cho nhiều người khác chết theo.
Đi trên một đoạn đường xa lộ mà đã thế. Huống chi trọn cuộc hành trình của đường đời.
2/Luật là luật !
Nhiều người nói "luật là luật". Những người này bám sát mặt chữ của các khoản luật và buộc người ta tuân thủ một cách nô lệ từng chữ ấy. Lúc đó, luật trở thành chủ, và con người trở thành nô lệ. Cuộc sống quá nặng nề, không chịu nổi. Luật của pharisêu là như thế đó. Ngày sabát, nếu có người bệnh cũng không được chữa, bởi vì "luật" cấm không được làm việc gì trong ngày đó.
Nếu chú ý đọc hết bài giảng trên núi rất dài của Đức Giêsu (từ đầu chương 5 đến hết chương 7 Tin Mừng Mátthêu), chúng ta sẽ ngạc nhiên là tuy Ngài nói đến luật cũ và luật mới, nhưng Ngài chỉ giải thích những khoản luật cũ chứ không đưa thêm khoản luật nào "mới" của Ngài cả. Đức Giêsu không thêm luật, nhưng Ngài chỉ cho thấy tinh thần của luật. Vì thế ta có thể nói : luật của Chúa Giêsu không phải là luật, mà là tinh thần. Tinh thần là sự sống của luật. Đã có quá nhiều khoản luật, chỉ thiếu tinh thần và sự sống thôi.
Sau này, trong một cuộc đối thoại với một luật sĩ, Đức Giêsu có nói tới hai khoản "luật" quan trọng nhất là mến Chúa và yêu người. Nhưng thực ra hai khoản đó cũng đã có sẵn trong bộ luật cũ Cựu Ước. Khoản luật thì vẫn cũ, cái mới là tinh thần : tinh thần "yêu" và tinh thần "mến".
Tín hữu chúng ta đang cố gắng tuân giữ rất nhiều luật : Luật Chúa và luật Giáo Hội. Nhưng hãy lưu ý kỹ điều này : nếu chỉ giữ "luật" mà không giữ đúng "tinh thần" của luật thì ta sẽ thành nô lệ, sẽ thành pharisêu.
3/Luật gia đình : Cha con, anh em
Tinh thần bao trùm tất cả mọi khoản luật là tinh thần gia đình : đối xử với Thiên Chúa bằng tình hiếu thảo cha con và đối xử với người khác bằng tình huynh đệ anh em.
Đọc lại Bài giảng trên núi rất dài từ chương 5 đến hết chương 7 Tin Mừng Mt, ta thấy mỗi lần nói đến Thiên Chúa thì Đức Giêsu đều nhắc ta nhớ Ngài là Cha, và mỗi lần nói đến người khác thì Đức Giêsu cũng nhắc ta nhớ họ là anh em của ta.
Thí dụ như về luật đối xử với người khác (Mt 5,21-26) : "Ai giận anh em mình… Ai mắng anh em mình… Ai chửi anh em mình… Khi con sắp dâng lễ vật trước bàn thờ mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với con…"
Thí dụ về những việc đạo đức (Mt 6,1-18) : "Khi bố thí thì đừng có khua chiêng đánh trống… Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh… Khi cầu nguyện… Hãy cầu nguyện với Cha của anh, Đấng thấu suốt những điều kín đáo… Còn khi ăn chay… Cha của anh Đấng thấu suốt những gì kín đáo…"
Thánh Kinh thường gọi Luật là "ách" và "gánh". Nhưng luật của Chúa Giêsu là luật gia đình. Luật gia đình tuy cũng là "ách" và "gánh" nhưng rất nhẹ nhàng, êm ái : "Ách Ta êm ái, gánh ta nhẹ nhàng".
4/"Đừng nổi giận với anh em mình"
Đức Giêsu không bảo "Đừng nổi giận", mà bảo "Đừng nổi giận với anh em mình". Nhận xét này có nhiều ý nghĩa.
Xét về mặt tâm lý, giận là một trong "thất tình", nghĩa là một trong 7 thứ tình cảm tự nhiên mà người lành mạnh nào cũng có. Nếu ta biết yêu ta và tự trọng ta thì khi ai đó đối xử bất công với ta thì tự nhiên ta nổi giận. Khoa tâm bệnh học còn cho biết rằng cứ đè nén cơn giận mãi còn có thể gây hại cho tâm thần và cả sức khoẻ nữa. Tự nó, tình cảm giận không có gì xấu. Chính Đức Giêsu cũng từng nổi giận khi thấy người ta buôn bán trong sân Đền thờ Giêrusalem.
Chỉ xấu khi "nổi giận với anh em mình", nghĩa là vì giận quá mà không còn coi người anh em mình như anh em nữa, trái lại coi họ là người dưng, thậm chí là kẻ thù. Nói tóm lại là giận đến nỗi mất tình huynh đệ. Trong trường hợp này "giận" đồng nghĩa với "giết" : không phải giết chết một mạng sống mà giết chết một mối tình, vì người trước đây là anh em nay không còn là anh em nữa.
5/Chuyện minh họa
a/ Giận dữ
Khi R. Weaver còn làm công nhân hầm mỏ, có lần anh vô tình chọc giận một công nhân khác. Anh này gầm lên :
- Chắc tao phải cho mày mấy bạt tai quá !
- Nếu anh thấy cần thì cứ làm đi.
Người ấy tát Weaver một cái. Anh đưa má kia, tát nữa. Tất cả là 5 lần. Đến lần thứ 6, người kia hậm hực bỏ đi. Weaver còn nói theo : "Chúa tha thứ cho anh. Tôi cũng thế. Xin Chúa cứu anh."
Sáng hôm sau khi xuống mỏ, người đầu tiên mà Weaver gặp là người tát mình. Anh mỉm cười lại gần. Người ấy chợt bật khóc : "Ôi anh Richard. anh thực sự tha thứ cho tôi chứ ?"
Cả hai ôm chầm lấy nhau. Rồi người ấy nhập đạo.
b/ Tha thứ
Dick và Dorothy là hai chú bé luôn bị một chú nọ to con bắt nạt. Hai chú tức mà không làm gì được. Ngày nọ, hai chú đọc đoạn Tin Mừng kể chuyện Phêrô hỏi Chúa : "Khi anh em xúc phạm đến con, thì con phải tha bao nhiêu lần ? Có phải 7 lần không ?"- "... Không phải 7 lần, mà là 70 lần 7." Dick làm tính nhẩm : "Vậy là Chúa bảo tha 490 lần." Hai đứa thinh lặng một lúc, rồi Dorothy nói : "Ta hãy mua một cuốn vở, mỗi khi tha cho hắn, mình ghi vào." Và Dick reo lên : "Sau lần thứ 490, tụi mình sẽ cho hắn biết tay !"
Lạy Chúa là Thiên Chúa trung thành, xin ban ơn trợ giúp để chúng con hiểu rằng nếu muốn đứng vững giữa muôn ngàn thử thách trên đường đời, cũng như muốn khỏi sa vào hố diệt vong, chúng con cần phải giữ trọn lề luật Chúa. Amen.
TUYÊN NGÔN KITÔ HỮU
Lm. Hông Phúc, C.Ss.R.
Sau khi mô tả lý tưởng của Đạo mới trong tám mối phúc thật, Chúa Giêsu đem đối chiếu với Đạo cũ và lề luật Moisê.
Ngài đến không phải để phá đổ lề luật Đạo cũ mà để làm cho nên trọn. Ngài phán: “Cho dù trời đất có qua đi thì một chấm, một phảy trong lề luật cũng không bỏ sót cho đến khi mọi sự hoàn thành”.
Ngài hoàn thành cách nào? Lề luật Moisê có 3 khuyết điểm quan trọng:
Một là lề luật nhắm vào hạnh phúc của một xã hội hơn là những phần thưởng vật chất và trần thế;
Hai là Lề luật nhắm vào công tác bên ngoài và không chú trọng mấy đến ý ngay lành bên trong;
Ba là Lề luật chỉ ra những chỉ thị bắt buộc, không có những điều chỉ bảo nhắm đến sự trọng lành.
Đạo mới đến, không phải chỉ là một sự tiếp tục mà là một sự đổi mới làm cho Lề luật nên trọn hảo, vạch ra con đường trọn lành.
Để chứng minh điều ấy, Chúa Giêsu đưa ra 5 điểm, trong đó Lề luật Phúc Âm thắng vượt rõ ràng Lề luật cũ. Đó là những chỉ thị về việc sát nhân, ngoại tình, việc làm chứng dối, oán thù và cách cư xử với anh em.
Chúa phán: “Các con đã nghe người xưa dạy rằng…Còn Ta, Ta bảo các con… Các con đã nghe người xưa dạy rằng: không được giết người. Ai giết người sẽ bị luận phạt nơi tòa án. Còn Ta, Ta bảo các con: bất cứ ai phẩn nộ với anh em mình thì sẽ bị tòa án luận phạt…ai rủa anh em mình là khùng thì sẽ bị lửa địa ngục”.
Người Do thái thông thạo Lề luật Maisen, vì họ nghe đọc và giải thích mỗi ngày thứ bảy (ngày Sabbat) trong Hội trường, nhất là 10 điều răn, thì Chúa Giêsu lấy đó làm căn bản để xây dựng Lề luật mới. Và Người giảng dạy như người có quyền trên cả Moisê nữa.
Ví dụ giải thích rõ rệt hơn: Lề luật phạt tử hình những ai phạm tội cố ý giết người (Ex 20, 13; Deut 5, 17: Lev 24, 17). Phúc Âm đi xa hơn và coi như phạm tội giết người những ai phẫn nộ với anh em. Thánh Gioan Tông đồ nói: “Ai thù ghét anh em là phạm tội sát nhân trong lòng”.
Bổn phận bác ái đối với anh em còn trọng hơn mọi bổn phận khác, kể cả bổn phận đạo đức. Chúa phán: “Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ có sự bất bình nơi anh em thì hãy đễ của lễ đó, đi làm hòa với anh em rồi trở lại dâng của lễ”. Đó là lý tưởng của Phúc Âm.
Về luân lý hôn nhân thì Phúc Âm vượt hẳn Lề luật cũ. Lề luật cũ cấm sự ngoại tình và phạt tử hình đôi dâm phu gian phụ. Nhưng lề luật không nói gì về những ý tưởng ngang trái tà bạy. Phúc Âm cấm cả ý tưởng ngang trái, vì ý tưởng đưa tới hành động và tự bản chất đã là xấu. Vì thế, Chúa phán: “Ai nhìn xem phụ nữ mà ước ao phạm tội với họ, thì đã ngoại tình với họ trong lòng rồi”.
Chúng ta thấy Chúa đòi hỏi rất nhiều, có người cho là quá nhiều, đòi hỏi cả sự khó thực hiện nữa. Nhưng đây là bản tuyên ngôn của Kitô hữu, của những người muốn theo Chúa mà cốt tủy ấy là Tình yêu. Bản tuyên ngôn đến từ Thiên Chúa mà Thiên Chúa là Tình yêu. Chúa tỏ ra đòi hỏi nhiều vì với tình yêu, người tín hữu có thể làm hết mọi sự. Sự gì không làm được, ơn Chúa sẽ hộ giúp, có Chúa ta sẽ làm được tất cả. Thánh Phaolô nói: “Tôi làm được hết mọi sự trong Đức Kitô”.
GIẢNG DẬY BẰNG GƯƠNG MẪU
Lm. Mark Link, S.J.
Có lẽ nhiều người không biết đến tên Juan Romero, nhưng hàng triệu người còn nhớ tấm hình của anh được xuất hiện trên hàng ngàn tờ tuần san, nhật báo và các đoạn phim ngắn trên toàn thế giới.
Juan Romero là một chú bồi phòng 17 tuổi trong y phục trắng quỳ trên sàn nhà, tay đỡ lấy đầu của TNS Robert Kennedy ngay sau khi ông bị ám sát vào năm 1968.
Trong lòng bàn tay của TNS Kennedy người ta thấy có chuỗi Mai Khôi. Đó là xâu chuỗi mà Juan đã lấy trong túi và đặt vào tay thượng nghị sĩ khi anh quỳ bên cạnh ông.
Ba mươi năm sau, nhân ngày giỗ TNS Kennedy vào năm 1998, cả hai tuần báo Times và Newsweek đều in lại tấm hình này và kể lại câu chuyện của anh Juan.
Buổi tối hôm trước, Juan thu dọn các khay thực phẩm còn sót lại từ đêm qua vì anh được vinh dự phục vụ căn phòng mà TNS Kennedy ở trong khách sạn.
Khi Juan bước vào phòng, TNS Kennedy bắt tay anh một cách thân mật. Sau này Juan kể lại, “Lúc ấy tôi không còn cảm thấy mình là một chú bồi phòng… Tôi cũng không thấy mình chỉ là một thiếu niên 17 tuổi. Tôi thấy mình là một con người.” Juan rất ngưỡng mộ TNS Kennedy đến độ anh ghim tấm hình của thượng nghị sĩ ngay bên cạnh tượng thánh giá ở trên tường. Juan ngưỡng mộ TNS Kennedy vì ông là một người Công Giáo, một người lưu tâm đến gia đình, và là người đã khen ngợi các người Mễ chăm chỉ làm việc.
Làm thế nào Juan lại ở bên cạnh TNS Kennedy khi ông ta bị bắn?
Khi Juan được biết sau cuộc vận động tranh cử tổng thống ở mặt tiền khách sạn chấm dứt, TNS Kennedy và bà vợ Ethel cùng với các thân hữu và các vệ sĩ sẽ đi ra khỏi khách sạn bằng lối nhà bếp.
Với hy vọng sẽ được bắt tay vị anh hùng một lần nữa, Juan đứng đợi trên đường đến nhà bếp. Khi TNS Kennedy đi ngang qua, Juan đã bắt tay ông một lần nữa. Ngay khi đó, Juan cảm thấy một luồng khí nóng sát ngay cạnh đầu. Đó là từ cây súng đã giết chết TNS Kennedy.
Ngày hôm sau, tấm hình anh Juan quỳ trên sàn, tay đỡ lấy đầu TNS Kennedy xuất hiện trong các đoạn phim và có thể nói trên mọi tờ báo lớn ở trong nước.
Độc giả ở khắp nơi đều xúc động trước hình ảnh này. Các thông tín viên săn đuổi anh Juan và viết bài phỏng vấn. Ngay cả có người đề nghị cấp học bổng đại học cho anh để đổi lấy câu chuyện độc đáo cho riêng mình.
Nhưng Juan từ chối. Anh nói rằng, cha anh từng bảo với anh rằng thật chẳng vinh dự gì khi được lợi ích từ sự đau khổ của người khác. Do đó Juan từ bỏ cơ hội để được nổi tiếng và quyết định noi gương vị anh hùng của mình bằng sự chăm chỉ làm việc, vinh danh Thiên Chúa, và lo lắng cho gia đình.
Ngày nay, Juan có bốn người con và bốn đứa cháu. Ông làm việc trong một công ty làm lề đường, lái xe tải và rải nhựa đường.
Ông và gia đình sẵn sàng chia sẻ căn nhà của họ cho những người di dân từ Mễ Tây Cơ, là những người cần sự giúp đỡ ban đầu.
Điều này đưa chúng ta trở về với bài Phúc Âm hôm nay và lời hứa của Chúa Giêsu: Ai giữ và dậy người khác tuân giữ các giới răn của Ta, họ sẽ nên cao trọng trong Nước Thiên Chúa.
Juan Romero đã giữ các giới răn và, qua đời sống gương mẫu, ông đã cũng đã dậy người khác làm như vậy.
Trước khi minh hoạ cách ông thi hành điều này, chúng ta cần biết về TNS Kennedy. Cũng giống như mọi người chúng ta, ông cũng có ưu và khuyết điểm trong đời sống.
Một trong những ưu điểm của thượng nghị sĩ Kennedy là ông có thể khích lệ và linh hứng giới trẻ thuộc mọi thành phần.
Thí dụ, trước khi ông bị ám sát, TNS Kennedy đã đến nói chuyện với các học sinh trung học ở trung tâm Pine Ridge Reservation ở South Dakota. Sau cuộc thăm viếng này, một thiếu nữ da đỏ cho biết: Ông đã làm chúng tôi cảm thấy hãnh diện về dòng giống chúng tôi, chứ không phải xấu hổ. Trong ánh nhìn xa xăm của các học sinh chung quanh tôi, một số đứa nhìn ông thấy kính sợ, đứa khác thấy hy vọng, đứa khác thấy đức tin… Chúng tôi biết rằng ông để ý đến chúng tôi.
Đó là ưu điểm của TNS Kennedy mà nó đã linh hứng ông Juan.
Chúng ta hãy thử nhìn xem làm thế nào qua gương mẫu đời sống, bây giờ đến lượt ông Juan linh hứng người khác.
Một trong những nguồn linh hứng người khác là tượng thánh giá và tấm ảnh của TNS Kennedy treo trên tường phòng ngủ của Juan.
Có bao nhiêu người Công Giáo ngày nay treo tượng thánh giá ở trong phòng để nhớ đến những gì Chúa Giêsu đã làm cho họ?
Tôi biết có lẽ sẽ nhiều người nói rằng, “Ba mươi năm trước thì người Công Giáo còn làm như vậy, chứ ngày nay thì có ai?”
Một năm trước đây, tôi cũng nói như vậy, nhưng một ngày kia, có một người cha cô độc đến với tôi và nói, “Thưa cha, con có câu chuyện muốn chia sẻ với cha. Tuần qua con đến thăm thằng con trai. Như cha biết, nó được học bổng đầy đủ của một trường đại học nổi tiếng ngoài đời ở miền đông. Con cũng hãnh diện là nó được bầu làm chủ tịch của lớp. Nhưng điều làm con thực sự xúc động, và hãnh diện hơn nữa về nó là khi con bước vào phòng của nó. Ở trên tường ngay trên đầu giường là một tượng thánh giá. Cạnh đó là tấm hình của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mà nó đã cắt từ tờ báo.”
Khi người cha kể cho tôi nghe câu chuyện này, tôi nghĩ ngay đến tấm gương của Juan Romero. Nhưng chúng ta hãy đi sang các tấm gương khác.
Nhiều người tín hữu Kitô ngày nay mang tràng hạt trong túi áo, cũng giống như ông Juan. Nhưng có bao nhiêu người sáng suốt đủ để đặt xâu chuỗi ấy vào tay của một người đang hấp hối vì đó là lúc họ cần đến nhất?
Có bao nhiêu tín hữu Kitô dám từ bỏ những cơ hội để được nổi tiếng và có tiền, như ông Juan đã làm, chỉ vì họ không muốn lợi dụng sự đau khổ của người khác?
Sau cùng, có bao nhiêu tín hữu Kitô dám chia sẻ mái nhà của mình cho những người di dân là những người cần được giúp đỡ ngay tự ban đầu, như ông Juan đang thi hành ngày hôm nay? Tôi nghĩ điều đó rõ ràng cho thấy cách ông Juan dậy người khác bằng gương mẫu của mình.
Chúng ta hãy kết thúc với những lời của một thi sĩ. Bài thơ vô danh này giải thích cách chúng ta áp dụng những điểm này vào đời sống của mình.
Tất cả sẽ vô hiệu khi giảng dậy về chân lý, cho những đôi tai của các thiếu niên… Lời lẽ hay ho sẽ đánh bóng cho lời bạn khuyên bảo, nhưng thanh thiếu niên sẽ học hỏi từ cách bạn sống.
NHÌN NGƯỜI NỮ..., NHÌN NGƯỜI NAM...
Lm. Minh Anh (Gp.Huế)
Sống là chọn lựa. Chọn lựa là hy sinh. Hy sinh là chết đi. Chết cho điều này để sống cho điều kia. Bài đọc thứ nhất sách Huấn Ca hôm nay nói đến việc chọn lựa, “Trước mặt con, Người đã đặt lửa và nước; con muốn gì, hãy đưa tay ra mà lấy. Trước mặt con là cửa sinh cửa tử; ai thích gì, sẽ được cái đó”.
Tin Mừng hôm nay cũng nói đến việc chọn lựa, “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra toà”. “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình; còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, bất cứ ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”.
Nếu có những lối đi yên tĩnh thì cũng có những ngõ vắng xôn xao;
Nếu có những đường làng quạnh hiu thì cũng có những đại lộ rộn rã.
Tương tự như thế, trong tình yêu,
Tình yêu có cả những đại lộ thênh thang,
Cả những lối mòn chật hẹp.
Các bạn trẻ thân mến,
Luật cũ dạy: chớ giết người, chớ ngoại tình… đó là những đại lộ tình yêu, ai cũng thấy, ai cũng biết và dễ chấp nhận. Nhưng ai giận anh em mình, ai bảo anh em mình là “bờm”, thì đáng bị toà án luận phạt… đó là những lối hẹp tình yêu mà ai ai cũng dễ va vấp và khó chấp nhận. Cũng như, “Ai nhìn người nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” lại là một lối mòn chật hẹp hơn. Phải chăng đây chính là điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người mà thánh Phaolô nói tới trong bài đọc thứ hai hôm nay?
Có người nói, lạy Chúa, Chúa quá quắt, “Chúa đi guốc trong bụng đàn ông…”; nhưng cũng không ít người tạ ơn Chúa vì Chúa quá tế nhị, quá nhân ái khi không dám nói thêm “Ai nhìn người nam…”.
Thưa các bạn, có lẽ đây là đoạn Tin Mừng mà mỗi khi đọc hoặc nghe nói đến là chúng ta nhăn mặt, một đoạn Tin Mừng hiếm khi được chọn để suy niệm trong các buổi chia sẻ.
Vậy hôm nay, chúng ta thử nhìn thẳng vấn đề. Đức Giêsu muốn nói gì ở đây? Phải chăng Ngài muốn nói đến đức ái trọn hảo? Phải chăng Ngài muốn nói đến sự thanh khiết hồn nhiên của những ai theo Ngài? Hoặc Ngài muốn nói đến những đòi buộc triệt để giúp chúng ta tiến “nhanh hơn, cao hơn và xa hơn” trong đời sống làm con Chúa? Có lẽ tất cả đó đều là câu trả lời.
Đức Giêsu, Đấng ba lần thánh, dẫu hoàn toàn vô tội… nhưng không vì thế mà những gì xảy ra nơi con người lại xa lạ với Ngài. Ngài biết đến những xung năng vật vã, biết cả những cuồng si ươn hèn, hay những cám dỗ chết người nơi thân phận bọt bèo của kiếp nhân sinh. Ngài biết nam cũng như nữ, trẻ cũng như già, khoẻ cũng như ốm, người sống đời dâng hiến cũng như kẻ ở bậc vợ chồng.
Trong cuốn sách của mình, một bác sĩ tâm lý thổ lộ: “Tôi thiết nghĩ, trong đời sống vợ chồng, việc giữ đức khiết tịnh còn khó hơn gấp bội so với những người sống đời độc thân. Tôi không nói đến ngoại tình, nhưng tôi muốn nói đến sự kiêng khem”. Vậy thì tại sao phải kiêng khem trong bậc vợ chồng cũng như phải dè giữ ngũ quan trong đời dâng hiến? Câu trả lời hẳn phải có một mẫu số chung: tất cả chỉ vì tình yêu.
Người ta sẽ không biết từ chối những điều cấm nếu đã không biết chối từ những điều được phép. Sẽ không biết yêu thương nếu người ta đã không biết hy sinh cả những gì có thể làm. Vì không phải điều ta dâng Chúa mới đáng giá, nhưng sẽ đáng giá hơn, cả những điều ta từ chối vì Người. Tất cả phải phát xuất từ tình yêu, chỉ vì tình yêu. Tất cả gỗ của muôn cánh rừng sẽ thật vô dụng nếu không có lấy một ngọn lửa, “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy những ước mong cho lửa này bùng cháy lên”. Lửa ở đây, chính là lửa yêu thương.
Kitô hữu là những người lội ngược… mà dừng lại là thua cuộc, là trôi theo dòng đời.
Đừng ngần ngại tìm sự cô tịch cho tâm hồn ở những lối đi chật hẹp!
Đừng do dự trổ hoa giữa những sa mạc cằn khô!
Cũng đừng băn khoăn khi phải chắt chiu niềm vui nơi những lối đi gập ghềnh.
Ngài có đó, Giêsu có đó… sẵn sàng dẫn dắt, bổ sức và chữa lành bạn; ở đó, niềm vui dâng hiến sẽ là những bông hoa hiếm hoi trổ nụ trên những que cọng tình yêu. Hãy cầu xin cho bạn đủ sáng, đủ hấp dẫn để các tâm hồn được gần Chúa hơn; cũng hãy cầu xin cho đủ lu mờ để không ai gắn bó với bạn mà xa dần Thiên Chúa. Chúc bạn mạnh mẽ để can trường đi vào những lối nhỏ yêu thương đó!
Xin cùng cầu nguyện với 3 phút bằng thánh vịnh đáp ca
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét