Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Năm Dần nói chuyện về cọp

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa, Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già, Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi, Với khi thét khúc trường ca dữ dội, Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng, Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng, Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc, Trong hang tối mắt thần khi đã quắc, Là khiến cho mọi vật đều im hơi. Ta biết ta chúa tể cả muôn loài, Giữa chốn thảo hoa không tên không tuổi…. ” Thi sĩ Thê Lữ nổi tiếng với bài thơ “Hổ Nhớ Rừng” mà nhiều người cho là ông viết để tặng chí sĩ Phan bội Châu bị Pháp đầy an trí tại Bến Ngự – ám chỉ người anh hùng sa cơ lỡ vận, năm tháng nằm dài trong tù, nhớ tiếc một thời vẫy vùng ngang dọc – như chúa sơn lâm luyến tiếc rừng xanh.. Đối với văn thơ, truỵện tích … , đôi điều liên quan về Cọp hầu Qúi Vị mua vui trong dịp Xuân Canh Dần. Trong 12 Con Giáp, Dần được xếp hạng 3 qua cuộc đua việt dã do Ngọc Hoàng Thượng Đế tổ chức. Dân ta gọi Dần là Hổ, Hùm, Cọp, Hạm, Hầm, Khái; đôi lúc vì kính sợ kêu là Ông Ba Mươi hay Ông Kễnh. Vì Hổ có sức mạnh vô địch trong các loài thú nên được phong là Chúa Sơn Lâm. Chắc bạn đã có dịp nhìn trên truyền hình hay đọc báo National Geographic, những con mãnh hổ đuổi theo đàn trâu nước, bò mộng, hươu nai…như gíó cuốn tàn khốc. Chính vì thế Hổ đựoc ghép với một từ khác biểu hiệu sức mạnh uy dũng như như môn võ Hổ quyền-chó sói Hổ lang-rắn độc Hổ lửa, Hổ mang-tướng trăm trận trăm thắng Hổ tướng- phù hiệu hành quân cắt đôi, vua giũ một nửa, một nửa ban cho tướng chỉ huy là Hổ phù-cửa ra vào dinh tướng Hổ môn, hang hổ gọi Hổ huyệt-, bản doanh đóng quân của tướng lãnh Hổ trướng-xương Cọp nấu thành cao chữa bá bệnh là Hổ cốt-trong bát trân (8 món ăn) của các hoàng đế Nhà Đường Trung Hoa món bao tử cọp cũng được kể tên… Nơi đền miếu ta thường thấy tranh Ngũ Hổ: hổ vàng ngồi giữa 2 bên là tứ hổ trắng, đỏ, xanh, đen. Trung Hoa tự hào có Ngũ hổ tướng thời Tam Quốc: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung. Cha mẹ Việt Nam mong con trai mạnh mẽ can đảm thường đặt tên Hổ, Hùm, Cọp. Nhiều nhân vật lịch sử mang tên ‘Hổ’ như: Nguyễn huy Hổ nhà thơ với thi tập ‘Mai đình mộng ký’, Phạm đình Hổ đối thủ sáng giá trên trường bút chiến cùng nữ sĩ Hồ xuân Hương. Lê như Hô ăn khoẻ bằng mấy chục người, đậu tiến sĩ năm 30 tuổi, làm quan đến thượng thư, được phong Thiếu bảo Lữ quận công, về trí sĩ 72 tuổi. Phan bạch Hổ 1 trong 12 sứ quân khi nhà Ngô suy vong, sau qui phục nhà Đinh lãnh phong Thân vệ đại tướng quân, khi chết truy phong Thượng đẳng phúc thần. - Phan văn Hùm nhà ái quốc chống Pháp viết bản cáo trạng nhà tù hà khắc thực dân ‘ Ngồi tù khám lớn ‘. Hoàng hoa Thám hùng cứ núi rừng Yên Thế, chiêu mộ quân binh kháng Pháp tiếng đồn vang xa, dân chúng tặng ông danh hiệu ‘Hùm thiêng Yên thế’ Nguyễ hữu Cảnh danh tướng thòi Nguyễn phúc Chu tinh thần can đảm dũng mãnh dân tặng biệt hiệu Hắc Hổ. Theo gương Việt nam, anh chàng vô địch môn chơi Golf qúi tộc cũng lấy tên Tiger Wood, nhưng anh chàng ‘Cọp gỗ’ này phải tuyên bố hy sinh sự nghiệp để bảo toàn hạnh phục gia đình sau khi vướng vào vòng tình ái- Những người danh thơm thì ít, ‘hổ danh’ lại nhiều như trùm Bình Xuyên Bảy Viễn tự xưng là Hắc Hổ tướng quân hay Hổ xám Rừng Sát. -Độc ác như Nguyễn văn Tâm thời Pháp làm quận trưởng Cái Lậy, dân tặng xú danh Cọp Cái Lậy. Nhưng đừng tưởng Cọp luôn ám chỉ phái mày râu mà lầm. Đôi khi nữ giới đòi quyền sống oai phong sẽ biến thành ‘ Cọp cái, Cọp gầm ‘. Thân mình uyển chuyển nhẹ nhàng nhưng chớ dại vuốt móng Cọp. Da Cọp êm như nhung rất qúi mịn màng như da dẻ quí bà quí cô hay đi thẩm mỹ viện. Tuy thế ‘bệnh quỉ ắt có thuốc tiên’, xin quí ông đừng sợ lấy vợ tuổi Dần, cứ giao mọi việc cửa nhà tiền nong cho qúi bà là trong ấm ngoài êm. Lịch sử khẩn hoang Nam bộ xưa, dân sống xa phố thị thường thuê những gánh hát bộ, cải lương để giải buồn trên những sân khấu bồng bềnh sông nước, thuyền bè vây quanh. Nghe vọng từ xa tiếng trống bập bùng, tiếng hò hát, những chú Cọp mò đến tìm mồi đành thất vọng ngồi hai bên bờ chờ thời ‘xem cọp’giải sầu. Có lẽ từ đó, những’ diệu thủ thư sinh’ dùng mánh khoé chui vào rạp xem phim, xem tuồng khỏi mua vé gọi là ‘xem cọp, coi cọp’hay những người thích sao chép tài liệu của người khác không xin phép nhận là của mình cũng gọi là ‘sao cọp, chép cọp’. Trong sách Giáo khoa xưa có truyện tích dạy đời ‘Trí khôn loài người’. Một hôm, có chú Cọp mò về làng rình bắt trâu bò, nhìn thấy trong ruộng bùn 1 con trâu lớn ì ạch kéo cày dưới làn roi điều khiển của bác nông phu. Nó lấy làm lạ tại sao con trâu to lón lại nghe lời con người nhỏ bé kia, liền cất tiếng hỏi: - Thưa tại sao ông nhỏ bé thế mà con trâu to lớn phải nghe lời ông? - Vì ta có trí khôn. - Người nông phu đáp. - Ông có thể cho tôi xem trí khôn của ông được không? - Tao để quên ở nhà. - Ông có thể về lấy cho tôi xem được chứ? - Dễ thôi, nhưng với điều kiện ta phải trói ngươi lại để khi ta về lấy ‘trí khôn’ ngươi không thể ăn thịt trâu ta. Cọp đồng ý. Thế là bác nông phu lấy giây thừng trói chặt Cọp vào gốc cây rồi châm lửa đốt. Cọp biết bị lừa cố vùng vẫy thoát thân chạy vào rừng, còn nghe tiếng gọi lớn đàng xa vọng lại “ Trí không ta đây!Trí khôn ta đây! “. Tuy thoát chết, nhưng trên da Cọp còn lưu lại vết cháy rằn ri muôn đời không xóa sạch.. Trong sách Thuyết Phù Trung Hoa, kể lại câu truyện Khổng Tử sai học trò Tử Lộ xuống suối lấy nước, nơi có Cọp thường ẩn núp vồ người. Tử Lộ đánh nhau với Cọp túm được đuôi giấu trong áo, về hỏi thày: - Thưa thày, kẻ thượng sĩ giết Cọp như thế nào? - Nắm đầu Cọp mà giết – Khổng Tử đáp. - Kẻ trung sĩ giết Cọp như thế nào? - Nắm tai Cọp mà giết. - Kẻ hạ sĩ giết Cọp như thế nào? - Nắm đuôi Cọp mà giết. Tử Lộ nghĩ thày muốn hại mình, giấu cục đá định giết thày và hỏi: - Thưa thày, kẻ thượng sĩ giết người như thế nào? - Bằng ngòi bút. - Kẻ trung sĩ giết người như thế nào? - Bằng cái lưỡi. - Kẻ hạ sĩ giết người như thế nào? - Bằng ném đá giấu tay. Từ ngày đó Tử Lộ bỏ ý định giết thày. Khu vực thắng cảnh Hương Sơn, Hà Tây có đền thờ Thần Hổ. Tục truyền vợ Hùng An thuộc giòng dõi thần. Một ngày kia vào rừng kiếm củi bị hổ bắt đi sau biến thành hổ cái, để lại cho Hùng An một cậu con trai đặt tên là Hùng Lang. Lớn lên Hùng Lang văn võ song toàn, gíúp vua đánh đuổi giặc Ân. Sau khi chết được dân phong làm phúc thần làng Yến Vỹ và lập đền thờ ghi công mang hình Thần hổ. Tiếp truyện Thần Hổ của nhà văn Đào đức Tuấn – Ngũ hổ bình Liêu của Đào Tấn – Truyện Tàu Ngũ hổ bình Tây do Nguyễn chánh Sắt dịch hay Đái đức Tuấn bút hiệu Tychya với truyện kinh dị Thần Hổ- Trong Nhị Thập Tứ Hiếu ghi lại lòng chí hiếu của Dương Hương, tuy mới 14 tuổi đã xả thân đả hổ cứu cha… Cọp oai phong nhảy cả vào lãnh vực điện ảnh hoàn vũ. -Tài tử nổi tiếng Kiều Chinh bước vào làng điện ảnh thế giới với phim Năm Dần 1963, cùng tài tử gạo cỗi Mỹ Marshall Thompson. -Tài tử hàng đầu Trung Quốc Châu nhuận Phát đóng nhiều phim mang tên ‘hổ’: Long hổ phong vân, Giang Hổ tinh, Giang hổ long hổ đấu. Đặc biệt phim Ngọa hổ tàng long, anh đóng cùng nữ tài tử trẻ đẹp đang lên Chương Tử Di, đã giành được 4 giải Oscar. - Rồi hàng loạt phim Mỹ: Tiger Warsaw, Tiger and the Snow, Go Tiggers, Eyes of Tiger, Dragon Tiger Gate…Cũng xin nhắc nhở mấy cậu bé Việt Nam, mê chơi Game không chịu học tiếng Việt, đừng lẫn lộn ‘Cọp’ với ‘C. O. P’ trong một loạt Game tên là C. O. P The Recruit. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ tới nếu TT Barack Obama bị mất tín nhiệm, dân Mỹ nên chuẩn bị bầu nữ tài tử xinh đẹp khả ái Angelina Jolie – người có nhiều con nuôi bốn phương và là đại sứ thiện chí Cao ủy Liên hiệp Quốc về tỵ nạn vào chiếc ghế Tổng Thống Hoa Kỳ. Bà này đã trình bày thẳng thắn và độc đáo lập trường mình: “ Con vật yêu thích của tôi là Cọp. Tôi thích chúng vì đó là nhừng tạo vật độc lập, chúng oai vệ và luôn tiến về phía trước. Sách lược của chúng là chỉ tấn công, không cần phòng thủ. Tôi không bận tâm, nếu được so sánh với một con Cọp, tôi sẵn sàng đón nhận và vinh hạnh. Ngoài ra mỗi phụ nữ còn có 1 con Cọp tiềm ẩn bên trong và tôi cũng thế. ” Nếu đúng như dư luận đang đồn thổi, nữ tài tử này muốn giã từ điện ảnh để bước vào chiến trường chính trị thì Mỹ Quốc sẽ ‘Trăm hoa đua nở’ nay mai. Hổ còn xuất hịện qua Tục ngữ, Ca dao: kẻ thô lỗ dữ dằn sánh ‘dữ như Cọp’. -Sức mạnh phi thường ‘khoẻ như Hùm’. -Nói năng độc ác ‘miệng Hùm nọc Rắn’. -Thật là liều lĩnh không sợ ‘vuốt râu Hùm’. -Ở vào thế không thể lui ‘cỡi lưng Cọp. ’-Coi chừng mang họa vào thân như nuôi ong tay áo nếu ‘thả Cọp về rừng’-Ghét ai thường nguyền rùa là đồ ‘Cọp tha ma bắt’- Kẻ bần tiện thật uổng công vì ‘Ký cóp cho Cọp nó tha’-Mưu mẹo làm kẻ thù suy yếu ‘ Điệu Hổ ly sơn’-Mượn oai danh kẻ quyền thế để ức hiếp người ‘Mượn hơi Hùm, rung nhát khỉ’-. Phải vào lòng địch mới hạ được kẻ thù như ‘không vào hang Cọp sao bắt được Cọp’- Phong thái nam nữ ăn uống ngày này không biết còn thích hợp như xưa các cụ dạy: ‘ Nam thực như hổ, nữ thực như miêu’ không nhỉ?-Cha giỏi ắt sinh con qúi ‘Hổ phụ sinh hổ tử’. Bài học kinh nghiệm người thợ săn cho biết ‘Rừng già lắm voi, rừng còi nhiều Hổ’- Sống làm sao để lưu danh thơm cho đời ‘Cọp chết để da, người ta chểt để tiếng’…. Ca dao phản ảnh triết lý đạo đức sống ở đời: - Cáo bắt gà, cả nhà ra đuổi Cọp bắt bò, cả nhà hốt hoảng chạy mau. - Mèo tha miếng thịt xôn xao, Kễnh tha con lợn thì nào thấy ai? - Hùm giết người, hùm ngủ, Người giết người, thức đủ năm canh. Hiện tượng xã hội không thể đảo ngược: - Trời sanh Hùm chẳng có vây, Hùm mà có cánh, Hùm bay lên trời. - Bao giờ cho đến tháng ba, Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng, Hùm nằm cho lợn liếm lông, Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi…. Tình yêu giả dối thường kèm theo những lời thề thốt khó xảy ra: - Nếu em còn ngần ngại, Anh xin thề lại cho tường, Đứa nào được Tấn quên Tần, Xuống sông Cọp ních, lên rừng sấu tha. - Bộ nút hổ, ông Hùm cũng hổ, Củ khoai tây, ông sứ cũng Tây, Phải chi anh biết em chốn này, Đường cao sơn vạn thủy, ngàn ngày cũng đi. Ca dao, đồng dao xuất hiện thời khẩn hoang Nam bộ: - Đồng nai xứ sở lạ lung, Dưới sông sấu lội, trên rừng Cọp um. - Cà mau lúc trước thấy mà ghê, Ai muốn làm ăn đến phải về, Dưới nước đỉa lềnh, sấu lểnh nghểnh, Trên bờ Cọp rống, muỗi vo ve. - Cọp rừng Sát moi ốc bắt cua, Cọp rừng thưa săn rùa ví thỏ, Cọp đồng cỏ đuổi chó rình chim, Cọp rừng sim ăn ong hút mật. Theo nhà nghiên cứu Bùi ngọc Diệp, hiện nay vẫn còn nhiều địa danh Miền Nam mang đấu tích về Cọp xưa còn ghi lại như: tổng An thịt, Cần giờ, nơi nhiều Cọp ăn thịt người – Đìa cứt Cọp, Giồng trôm, chỗ Cọp về nghỉ ngơi, phóng uế sau khi săn mồi – Đồn Cọp, Chợ lách, Cọp thường về phá hoại, dân làng lấy thân cau làm hàng rào vây hãm, rồi báo lên tỉnh đem súng về bấn chết-. Mỏ Cày, Bến tre, dân đi cày mang mõ theo, thấy Cọp về khua mõ báo động, sau dân chúng đọc trại theo phát âm Miền Nam là mỏ- Hổ châu hay cù lao ông Hổ, tức cù lao Sông hậu, Sa đéc- Hà tiên có đồi Ngũ Hổ-Bến tre có Giồng ông Hổ, Giồng Rọ (rọ bất Hổ), Bưng Hổ, Miếu ông Hổ… Đại thi hào Nguyễn Du lưu lại cho đời trường thi bất hủ ‘Truyện Kiều’, cụ vẫn không quên đưa Hổ vào thi tập với 1 từ duy nhất ‘Hùm’. Hãy đọc để thấy sự ghen tương ác độc của Hoạn Thư đối với nàng Kiều: - Giận dầu ra dạ thế thường, Cười này mới thực khôn lường hiểm sâu. Thân ta, ta phải lo âu, Miệng Hùm nọc rắn ở đâu chốn này Tả tướng mạo đường bệ anh hùng Từ Hải: - Râu Hùm, hàm én, mày ngài, Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao, Đường đường một đấng anh hào, Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài. Dưới trướng ba quân Từ Hải, Kiều ân đền oán trả: - Trướng Hùm mở giữa trung quân, Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi, Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi, Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa hiên, Từ rằng:”Ân oán hai bên, Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh”. Từ Hải vì nghe nàng Kiều qui hàng bị Hồ tôn Hiến phục binh: - Đang khi bất ý chẳng ngờ, Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn! Từ sinh liều giữa trận tiền, Dạn dày cho biết gan liền tướng quân. Khí thiêng khi đã về thần, Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng. Lời sư bà Tam Hợp nói về cuộc đời hồng nhan đa truân của Kiều: - Hết nạn ấy, đến nạn kia, Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, Trong vòng giáo dựng gươm trần, Kề răng Hùm sói, gửi thân tôi đòi, Giữa dòng nước dẫy, sóng dồi, Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh, Oan kia theo mãi với tình, Một mình mình biết, một mình mình hay Làm cho sống đọa thác đầy, Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi! Đối với tử vi tướng số , tuổi cọp được diễn giải như sau :
Cọp có thể chẳng là chúa sơn lâm nhưng mấy con mèo rằn nầy cũng không dễ bị ăn hiếp ! Tuổi Cọp sanh ra đã là lãnh đạo , quyến rũ và kiêu hảnh . Tuổi nầy có tướng mạo oai phong khiến người khác phải tuân phục , đúng như tuổi nầy muốn . Hơn thế nữa , tuổi cọp thích kiếm ăn một mình , thích chính tay rình chụp con mồi . Rất nóng này ! Thời gian là điều cốt yếu cho tuổi Cọp , thà tới trước ngồi đợi chớ không chịu trể tràng . Gan dạ thì không ai sánh lại . Tuổi Cọp thường tiên phuông trong chiến trận , không kể trong phòng họp hay trên giường ngủ . Ở khu vực của phái đẹp hoặc chổ riêng tư thì tuổi Cọp tuyệt nhiên là Vua ! Quí phái và săn đón . Tuổi Cọp khiến cho người khác phái phải mê mệt tức khắc . Thấy chuyện trái tai chướng mắt , Tuổi nầy đổ máu cho lẻ phải tới cùng . Ðịch thủ chỉ nghe thấy Tuổi nầy thôi , cũng đã sợ trước . Gần tuổi Cọp cũng phải cẩn thận một tí , bởi vì Tuổi nầy chụp bất tử đở không kịp . Tuổi Cọp thường thay đổi tánh khí bất thường , lại thêm tánh căng thẳng hơn người khác nên có khi tốt , có khi xấu . Cũng vì thế nên nếu bị áp lực , Tuổi nầy lại đáp ứng không hữu hiệu nên dễ để lộ cảm xúc mãnh liệt cho người khác biết . Chính các tật hơi hàm hồ nầy làm cho bạn cũng như thù đều phải né xa ra . Tuổi Cọp nên tập tánh "điều hòa hóa" mọi chuyện . Nếu tuổi Cọp tập trung làm chủ chính mình và hướng năng lực dồi dào của mình vào những việc xứng đáng (thay vì phải chạy trong suốt cuộc sống) thì sẽ làm nên việc lớn . Tam Hạp : Tuổi Cọp hạp với tuổi Ngọ (con Ngựa) và tuổi Tuất (con Chó). Tứ Xung : Tuổi Cọp khắc/kỵ tuổi Tỵ (con Rắn) , tuổi Thân (con Khỉ) và tuổi Hợi (con Heo).
Nói về Hổ đã nhiều, đến đây xin được nối tiếp những vần thơ Hổ nhớ rừng của Thế Lữ để kết thúc bài viết về Hổ trong năm Dần: Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan, Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn, Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới, Đâu những bình minh cây xanh nắng gội, Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng, Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng, Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt, Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật, Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!… Một số hình ảnh biểu tượng cho năm Canh Dần 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét