Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2011

Phúc âm Chúa Nhật - Lễ Chúa Ba Ngôi ( ngày 19/06/2011 )


Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Ba Ngôi Thiên Chúa:


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi"



THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi có gì hay?

Có lẽ từ trước tới nay, chúng ta nghĩ tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi quá khô khan, như một công thức toán: một Chúa ba Ngôi, ba Ngôi một Chúa!

Nhưng có đi sâu vào nội dung tín điều này thì chúng ta mới thấy chúng ta thật hạnh phúc khi Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi:

Ngài là Cha chứ không phải là một vị thần độc đoán.

Chúng ta thờ Ngài, nhưng không phải trong tâm tình sợ sệt, mà trong tâm tình yêu mến như Ðức Giêsu, Con của Ngài.

Ngài không ở xa chúng ta, nhưng ở ngay trong lòng chúng ta, bằng Chúa Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.

Ngài là ba Ngôi, nghĩa là Ngài sống tập thể, yêu thương nhau, kết hợp với nhau và luôn trao ban cho nhau.

Do đó Ngài không phải là một mẫu khô cứng để ta tôn thờ, nhưng là một cuộc sống để chúng ta sống theo.

2. Sửa lại hình ảnh lệch lạc về Thiên Chúa

Lời Chúa hôm nay vẽ lên một hình ảnh Thiên Chúa rất dễ thương, có lẽ khác hẳn hình ảnh méo mó lệch lạc trong đầu chúng ta bấy lâu nay: Ngài là Thiên Chúa yêu thương, với những biểu hiện rất cụ thể của tình yêu

Yêu thương là Cho: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian"

Yêu thương là làm cho Sống và sống dồi dào: "... để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời".

Yêu thương là Tha thứ: Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết Ngài là "Thiên Chúa từ bi, nhân hậu, nhẫn nại, giàu ân nghĩa và thành tín".

Yêu thương là ở chung, sống chung, đi chung: Môsê đã nài xin và được Thiên Chúa chấp nhận "Dám xin Chúa cùng đi đường với chúng tôi". Thánh Phaolô cũng cho tín hữu Côrintô biết Thiên Chúa "sẽ ở cùng anh em".

3. Mầu nhiệm Ba Ngôi

Ai trong chúng ta cũng biết cầu chuyện về Thánh Augustinô ngày kia gặp một cậu bé đang cố sức lấy một chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang. Thánh nhân đã chê cười cậu bé. Nhưng cậu đã đáp lại: việc tôi làm không đáng chê cười bằng việc Ngài muốn dùng trí khôn loài người để tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Mầu nhiệm là sự thật vượt quá tầm hiểu của trí khôn loài người. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng ta không thể biết tí gì về mầu nhiệm ấy. Mặc dù Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm, nhưng Thiên Chúa cũng cho chúng ta hiểu biết đôi điều về mầu nhiệm ấy:

Ngài đã ban rất nhiều dấu chỉ trong vũ trụ thiên nhiên. Voltaire đã nói: "Chỉ cần mở mắt ra là ta nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa". Abraham Lincoln giải thích rõ hơn: "Tôi không hiểu làm sao người ta có thể là người vô thần được khi nhìn xuống mặt đất. Tôi cũng không thể hình dung được một người nào đó nhìn lên trời mà nói rằng không có Thiên Chúa".

Qua những trang Sách Thánh, Thiên Chúa còn cho ta biết thêm rằng Ngài có Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần; rằng Ngài yêu thương loài người đến nỗi ban chính Con Một của Ngài cho chúng ta; rằng chúng ta được Ngài nhận làm con và có quyền gọi Ngài là Cha; rằng chúng ta có thể nói chuyện thân mật với Ngài khi cầu nguyện; rằng Ngài để dành sẵn hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta trong nhà Ngài... Tóm lại là Ngài yêu thương chúng ta vô cùng.

4. "Hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện"

Nụ hôn bình an trong Thánh lễ đã có từ thời Thánh Phaolô. Sau đó nó bị bỏ đi một thời gian. Rồi từ việc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, nó lại được tái lập.

Tại sao Hội Thánh tái lập nụ hôn bình an? Vì đó là một cử chỉ yêu thương, đoàn kết, thông hiệp. Cử chỉ này vừa biểu lộ niềm tin của chúng ta vào một Thiên Chúa Ba Ngôi yêu thương nhau, vừa nhắc nhở chúng ta phải sống yêu thương như Thiên Chúa chúng ta tôn thờ.

Khi hôn bình an trong Thánh lễ, chúng ta đừng thờ ơ chỉ làm cho xong một chi tiết lễ nghi phụng vụ, cũng đừng hôn nhau mà lòng còn đố kỵ nhau. Hãy hôn nhau "một cách thánh thiện" với nguyện ước sẽ hết lòng yêu thương người mình hôn theo gương mẫu tình yêu của chính Thiên Chúa.

5. Chuyện minh họa

a/ Thiên Chúa mời gọi

Một tu sĩ tên là Rublev đã vẽ một bức tranh rất đặc biệt về Ba Ngôi Thiên Chúa. Ba Ngôi ngồi quanh một cái bàn, và trên bàn có một đĩa thức ăn. Nhưng nét đặc biệt là có một chiếc ghế trống. Chiếc ghế trống ấy ngụ ý một sự mời mọc, một sự sẵn sàng. Bàn ăn của Ba Ngôi còn một chiếc ghế trống nghĩa là Ba Ngôi sẵn sàng đón tiếp bất cứ ai đến thông chia sự thân mật và tình yêu thương của các Ngài.

b/ Thiên Chúa ở trong ta

Một người dân gypsy đứng gần một cái giếng uống rượu. Chốc chốc ông lại nhìn xuống giếng như nhìn một người nào đó. Một cậu bé nảy giờ quan sát người gypsy này, ngạc nhiên hỏi:

- Ai ở dưới đó vậy?
- Thiên Chúa.
- Vậy cháu có thể nhìn Chúa không?
- Ðương nhiên rồi.

Thế rồi người gypsy bế cậu bé lên để cậu nhìn xuống giếng. Cậu bé:

- Nhưng cháu chỉ thấy mặt cháu thôi.
- Ðó cũng là mặt Chúa. Chúa ở trong chúng ta mà!

Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm của tình yêu: một tình yêu sáng tạo, một tình yêu cứu độ và một tình yêu thánh hóa. Lạy Chúa Giêsu, trong bữa Tiệc ly, Chúa đã để lại cho chúng con một điều răn mới: "Anh em hãy thương yêu nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em". Xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn vẹn điều răn mới này.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa



BA NGÔI THIÊN CHÚA
Cha Mark Link, S.J.

Một cô giáo lớp giáo lý giải thích cho học sinh về Thiên Chúa Ba Ngôi. Sau phần trình bầy, cô nói học sinh hãy viết bài trả lời cho câu hỏi này: “Trong Ba Ngôi, em thấy có liên hệ tốt đẹp nhất với Ngôi nào trong thời gian này?”

Tôi muốn chia sẻ với quý vị câu trả lời của ba học sinh. Một em trai viết:
Cha em và em không có sự tương quan gì hết. Em cần một người cha, và vì em không thể nói chuyện với cha em, em quay về với Chúa Cha trên trời. Nhiều khi em nói chuyện với Người về các vấn đề của em theo cùng một kiểu cách mà em muốn nói với cha em.

Một em gái viết:

Anh trai của em sống với cha em, còn em sống với mẹ. Từ khi cha mẹ em ly dị hai năm trước đây, chúng em không còn gặp nhau như trước. Không bao giờ em nghĩ rằng sẽ phải xa anh mình, nhưng sự thật là như vậy. Vì vậy, bây giờ, em muốn chấp nhận Đức Giêsu như một người anh.

Sau cùng, một em trai viết: Mới gần đây em cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Em sẽ lên đại học vào năm tới, và em không biết sẽ lấy môn gì. Em hy vọng Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho em. Dầu gì đi nữa, em cầu xin Người hướng dẫn em.

Tôi thấy những nhận xét này rất thành khẩn. Tôi cũng nhận thấy rằng điều đó khiến tôi tự hỏi mình, “Trong Ba Ngôi, tôi thấy có liên hệ tốt đẹp nhất với Ngôi nào?”

Vì vậy, trong ngày lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, thật xứng hợp để chúng ta suy nghĩ về mầu nhiệm này và về học thuyết Thiên Chúa Ba Ngôi.

Một cách cô đọng, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi nói rằng trong sự hiệp nhất của Thiên Chúa, có ba ngôi riêng biệt: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần.

Ngôi Cha là Thiên Chúa, Ngôi Con là Thiên Chúa, và Ngôi Thánh Thần là Thiên Chúa. Tuy nhiên không phải ba chúa, nhưng chỉ có một Chúa.

Để giúp dân chúng có một ý niệm về Ba Ngôi, Thánh Y Nhã dùng thí dụ của một hợp âm. Nó tạo bởi vài nốt nhạc nhưng chỉ có một âm thanh.

Một văn sĩ tân thời dùng thí dụ nước. Nó hiện diện trong ba thể khác nhau – hơi, nước đá và mưa, đó là thể hơi, thể đặc, và thể lỏng – nhưng mỗi thể thì giống nhau về phương diện hoá học.

Nhớ rằng, đây chỉ là những so sánh mờ nhạt, nhưng chúng có thể giúp chúng ta biết quý trọng mầu nhiệm vô cùng cao cả của Ba Ngôi.

Trong Kinh Thánh, sự nhắc đến Ba Ngôi hiển nhiên nhất là trong câu sau cùng của Phúc Âm Mátthêu, khi Đức Giêsu dậy bảo các môn đệ:

“Hãy ra đi… đến với mọi người ở khắp nơi và hãy làm cho họ trở thành môn đệ của Thầy: hãy rửa tội cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”

Hình ảnh nhiều ấn tượng nhất trong Kinh Thánh về Ba Ngôi là khi Đức Giêsu chịu thanh tẩy. Thánh Luca viết:

Khi Đức Giêsu đang cầu nguyện, các tầng trời mở ra, và Chúa Thánh Thần ngự trên người dưới hình dạng chim bồ câu. Và từ trời có tiếng phát ra, “Con là con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về con.” (Luca 3:21-22)

Ba Ngôi thường được nhắc đến trong Phúc Âm Gioan. Thí dụ, Đức Giêsu nói về Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong các đoạn như đoạn này:
“Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, Người sẽ ở với các con mãi mãi. Người là Thánh Thần, sẽ tiết lộ chân lý về Thiên Chúa” (Gioan 14:16-17)

Những câu nói như vậy làm giới cầm quyền Do Thái rất tức giận đến độ họ quyết định giết Đức Giêsu bởi vì “hắn nói rằng Thiên Chúa là Cha của hắn và như vậy coi mình ngang hàng với Thiên Chúa” (Gioan 5:18)

Hiểu biết thần học hấp dẫn nhất về Ba Ngôi thì được thấy trong Luca. Trong Phúc Âm Luca và trong sách Công Vụ Tông Đồ, hiển nhiên rằng thánh sử nhìn thấy lịch sử cứu độ trong viễn cảnh ba ngôi.

Với Luca, thời kỳ Cựu Ước là “thời của Chúa Cha.” Thời Phúc Âm là “thời của Chúa Con.” Và giai đoạn hậu Phúc Âm, được bắt đầu với lễ Pentecost, là “thời của Chúa Thánh Thần.”

Và sau cùng, chúng ta thấy rất nhiều ám chỉ về Ba Ngôi trong các thư của Thánh Phaolô. Tiêu biểu là lời chúc lành của thánh nhân trong bài đọc hai hôm nay. Thư viết:

Nguyện xin ơn sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. 2 Cor. 13:13

Điều này đưa chúng ta đến phụng vụ. Trong đó có vô số đề cập đến Ba Ngôi. Hãy suy nghĩ một vài điểm.

Chúng ta rửa tội và thêm sức “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”

Hội Thánh cũng xức dầu bệnh nhân và tha tội cho hối nhân, “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”

Tuy nhiên, trong Thánh Lễ, Ba Ngôi thường được nhắc đến nhiều nhất. Ngoài lúc bắt đầu và kết thúc “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.”, Thánh Lễ thì đầy dẫy những lời cầu xin với Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.

Tiêu biểu là kinh Tin Kính, mà chúng ta sẽ tuyên xưng trong giây lát. Kinh này có cơ cấu ba ngôi. Kinh khởi đầu với Thiên Chúa Cha là Đấng Tạo Hoá, đi sang Chúa Con và Đấng Cứu Thế, và chấm dứt với Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống.

Điều này đưa chúng ta trở về với câu hỏi mà cô giáo đã hỏi học sinh: “Trong Ba Ngôi, quý vị thấy có liên hệ tốt đẹp nhất với Ngôi nào trong thời gian này?”

Có phải chúng ta thấy liên hệ tốt đẹp nhất với Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta và yêu thương chúng ta hơn cả chính chúng ta yêu mình?

Hoặc chúng ta có liên hệ tốt đẹp nhất với Chúa Con, Người đã sống giữa chúng ta và đã chứng tỏ tình yêu dành cho chúng ta bằng cái chết trên thập giá?

Hoặc chúng ta thấy liên hệ tốt đẹp nhất với Chúa Thánh Thần, Đấng mà Chúa Cha và Chúa Con đã sai đến để hướng dẫn chúng ta đến đường chân lý và sự thánh thiện?

Hay chúng ta thấy liên hệ với cả Ba Ngôi trong một phương cách chung dưới danh hiệu là Thiên Chúa?

Hãy kết thúc với đoạn trích từ kinh Tin Kính Athanasia, có từ thế kỷ thứ tư:

Đây là đức tin Công Giáo…
Chúng ta thời phượng một Thiên Chúa trong ba ngôi
và ba ngôi trong một Thiên Chúa,
mà không lẫn lộn các ngôi
cũng không chia cách thần tính.
Vì Chúa Cha là một ngôi,
Chúa Con là một ngôi khác,
và Chúa Thánh Thần lại là một ngôi khác nữa.
Nhưng chỉ có một Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần,
cả ba cùng ngang bằng vinh quang và uy nghi vĩnh viễn…
Đây là đức tin thực sự mà chúng ta tin…
Đây là đức tin Công Giáo.

Thánh Ca : Chúa Thương Con



CHÚA BA NGÔI, LỜI CÔNG BỐ CỦA LÒNG TIN
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Mở mạng lưới và bạn có www.comdashslash-pdq. Tôi nghĩ là một số trong quí vị hiểu chút ít về cái đó. Tôi chẳng hiểu tí nào về nó, thực sự hoàn toàn không hiểu. Tôi chẳng biết mạng lưới là cái gì. Tôi cũng chẳng biết tại sao họ lại để những dấu chấm hay những chữ viết com và pdq ở đó. Tôi chẳng có ý niệm gì. Đối với tôi nó là một huyền nhiệm. Nhưng bởi vì tôi không hiểu không có nghĩa là nó không có thật. Tôi tin chắc một cách nào đó nó có ảnh hưởng đến đời sống của tôi. Một người nào đó là www.pdqing ở nơi nào đó và nó sẽ ảnh hưởng đến việc chuyển thư tín hay một cái gì đó của tôi. Đối với tôi nó là một huyền nhiệm, nhưng chỉ vì nó huyền nhiệm không có nghĩa là nó không có thật, và chỉ vì tôi không hiểu không có nghĩa là nó sẽ biến đi.

Mầu Nhiệm Sự Thật

Hôm nay chúng ta nói về Chúa Ba Ngôi. Nó không phải là một ngày mừng lễ. Chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Sống Lại, là một biến cố đã xẩy ra. Chúng ta mừng lễ Chúa Kitô Lên Trời, một biến cố đã xẩy ra. Nhưng Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi không phải là mừng một biến cố. Nó là một công bố của niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Chúng ta tin có Một Thiên Chúa và trong Một Thiên Chúa đó có Ba Ngôi, Cha, Con và Thánh Thần. Ngôi Cha là Thiên Chúa, Ngôi Con là Thiên Chúa và Ngôi Thánh Thần là Thiên Chúa. Tuy nhiên không phải là có ba Thiên Chúa, nhưng chỉ có Một Thiên Chúa. Các bạn có thể dành cả cuộc đời học hỏi mà chẳng bao giờ hiểu được. Tôi có một tập sách to dầy tám trăm trang để ở nhà, bằng tiếng La-tinh tất cả bàn về Chúa Ba Ngôi. Sách bắt đầu bằng câu “Ba Ngôi Thiên Chúa là một mầu nhiệm.” Đọc hết 800 trang và trang cuối cùng công bố, “Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm.” Có rất nhiều bàn luận, suy đoán thần học về vấn đề này và tất cả đều đưa đến kết luận “Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm.” Nó mầu nhiệm đối với việc nó xẩy ra như thế nào, nhưng nó lại không mầu nhiệm về sự thật; Chúa Ba Ngôi là một sự thật.

Đôi khi có thể dễ dàng để nói về cái không phải là Chúa Ba Ngôi hơn là nói về cái thuộc Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi không phải là ba Thiên Chúa. Nó không phải thứ nhất là Chúa Cha, rồi Chúa Con và đến Chúa Thánh Thần, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa. Chúa Ba Ngôi không có nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra ở ba cách khác nhau, thứ nhất là Cha, thứ đến là Con, rồi đến Thánh Thần. Không phải là như thế. Nó có nghĩa là Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần có từ đời đời, không tận cùng, thông biết mọi sự và toàn năng. Thiên Chúa Ba Ngôi tạo thành vũ trụ và chúng ta chẳng thể hiểu vũ tụ bao la như thế nào. Nhưng bởi việc làm của Thiên Chúa, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần bạn và tôi được tạo thành. Và bởi hành vi của Bí Tích Hoà Giải, Thiên Chúa Ba Ngôi được đưa vào trong tâm hồn chúng ta, và bởi thế niềm tin căn bản là chúng ta có Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là một niềm tin sâu xa và quan trọng chúng ta có trong đời sống, và chúng ta bày tỏ niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi mỗi khi chúng ta đọc kinh Tin Kính.

Ba Ngôi Hiện Diện

Ngay lúc khởi đầu trong mọi Thánh Lễ chúng ta bày tỏ điều Thánh Phao-lô nói trong bài đọc thứ nhất hôm nay: “Nguyện xin ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em.”

Đó chính là điều chúng ta phải suy niệm, sự thật là Chúa Ba Ngôi ở trong chúng ta. Đôi khi chúng ta nghĩ Thiên Chúa thật là xa vời ở ngoài. Thiên Chúa Ngôi Con đang ngự bên hữu Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần thỉnh thoảng hiện đến như là chim bồ câu hay lưỡi lửa. Không phải vậy. Thiên Chúa Ba Ngôi ở trong chúng ta. Mỗi người chúng ta đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đón nhận Thiên Chúa Ba Ngôi vào tâm hồn và vào toàn thể bản tính của chúng ta. Đó là niềm tin sâu xa nhất và do đó chúng ta phải uốn mình theo Thiên Chúa. Chúng ta không để Thiên Chúa phải uốn theo điều chúng ta nghĩ hay điều chúng ta muốn, hay điều chúng ta hiểu, nhưng chúng ta uốn mình theo Thiên Chúa và chu toàn ý của Thiên Chúa trong mọi sự, bởi vì Ngài là cùng đích cho sự hiện hữu của chúng ta.

Mỗi người chúng ta hiện diện cách riêng biệt trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện trong mỗi người chúng ta. Ngài không phải là một đấng quyền phép vu vơ ở ngoài kia. Ngài ở đây trong chúng ta. Nó không phải là điều quan trọng để biết ngài là ai, là gì và ngài như thế nào bởi vì chúng ta chẳng bao giờ biết được.

Nhưng thật quan trọng để biết Ngài ở đâu. Ngài ở trong mỗi người chúng ta. Ngài đồng hành với chúng ta trong mọi bước đường của cuộc sống và như lời Tin Mừng, “Ai tin vào Ngài thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Gio 3:18). Tất cả đời sống của chúng ta phải được đào tạo chung quanh sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta. Chúng ta uốn mình theo Ngài.

Liên Kết với Chúa Ba Ngôi

Chúng ta nghe nói nhiều về việc bất đồng trong thời đại ngày nay. Người nào đó không hiểu điều này nên họ chối bỏ không chấp nhận. Người kia không thích luật lệ đó cho nên chối và không chấp nhận tất cả mọi chính sách khác. Chúng ta phải quan tâm đến việc chúng ta có uốn mình theo Thiên Chúa, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần hay không. Nếu chúng ta uốn trí khôn và lòng muốn theo Ngài, chúng ta có sự bảo đảm rằng chúng ta sẽ được ơn cứu rỗi. Chúng ta sẽ được kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi vĩnh viễn muôn đời trên trời bởi vì chúng ta kết hiệp với Chúa Ba Ngôi lúc này trên dương thế. Sự hiệp nhất đó sẽ tiếp tục đến cõi hằng sống đời đời mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta.

Khi chúng ta suy tưởng về Thiên Chúa Ba Ngôi và mỗi khi chúng ta tuyên xưng đức tin trong Thánh Lễ, hãy nhớ là chúng ta đang bày tỏ niềm tin của mình. Chúng ta tuyên xưng đức tin trong mọi Thánh Lễ. Chúng ta tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi và bày tỏ lòng ước ao muốn uốn mình theo ý của Thiên Chúa, Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần trong mọi sự. Do đó tất cả mọi ngày trong đời sống chúng ta nên bắt đầu như khi chúng ta làm dấu thánh giá để cầu nguyện: Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần. Mọi lời cầu nguyện và mọi công việc của chúng ta cũng nên kết thúc với Ngôi Thánh Thần, Ngôi Con và Ngôi Cha. Hãy nhớ Thiên Chúa ở trong chúng ta và chúng ta cần bày tỏ Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cho mọi người chúng ta gặp gỡ. Xin Chúa chúc làn cho các bạn.

Thánh Ca : Dấu Ấn Tình Yêu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét