Một tạp chí về trẻ em của Canada vừa công bố kết quả điều tra để tìm hiểu những ảnh hưởng của TV đối với các em nhỏ từ 2 đến 4 tuổi.
Trẻ em xem TV trong một lớp học mẫu giáo
Nghe bài viết của Việt Hà-phóng viên RFA
Những tác hại cho trẻ
Kết quả cho thấy việc xem TV nhiều có tác động tiêu cực đến kết quả học tập của các em. Vấn đề xem TV của trẻ nhỏ ở Việt nam trong thời gian gần đây cũng đang được nhiều phụ huynh chú ý tới vì cả những tác dụng lẫn tác hại của nó.
Những năm gần đây, kinh tế phát triển đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình ở Việt nam mua được những tiện nghi hiện đại đắt tiền, trong đó phải kể đến TV và máy tính. Những gia đình giàu có còn có thể trang bị TV và máy tính vào tận phòng ngủ cho con, điều mà theo nhiều chuyên gia là không nên vì những tác hại của nó đến sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần của các em, ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ nhỏ.
Trong một nghiên cứu gần đây được tiến hành trên 1.314 em nhỏ ở tỉnh Quebec, Canada, các nhà khoa học nhận thấy trung bình các em 2 tuổi xem TV từ hơn 8 tiếng một tuần và các em 4 tuổi xem gần 15 tiếng một tuần.
Nghiên cứu này cũng cho thấy, các em bé 2 tuổi cứ xem TV thêm một tiếng một tuần thì thành tích học tập môn toán giảm 6%, việc đi học đầy đủ giảm 7% và việc bị các bạn đồng trang lứa bắt nạn như trêu trọc, hắt hủi và hành hung tăng 10%.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác của tiến sĩ Joey Eisenmann của đại học Michigan cho thấy ngồi một chỗ quá nhiều sẽ dẫn tới béo phì và béo phì gây ra chứng cao huyết áp. Theo thư của tiến sĩ Eisenmann viết cho hãng tin Reuters thì đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu phát hiện việc ngồi quá lâu trước màn hình TV hoặc vi tính sẽ gây bệnh huyết áp cao.
Kết quả phân tích của các chuyên gia đại học Otago, New Zealand cho thấy xem TV nhiều hơn hai giờ một ngày khi còn bé làm tăng nguy cơ béo phì 17%, hút thuốc 17%, hoạt động hệ tim mạch gặp vấn đề, tăng cholesterol trong máu.
Theo bác sĩ tâm lý Lê Khanh thuộc trường quản trị cuộc đời Lima ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ở Việt nam đang phổ biến tình trạng vừa cho trẻ ăn, vừa cho xem TV. Theo ông điều này có những ảnh hướng xấu đến khả năng giao tiếp của trẻ.
Trách nhiệm của người lớn
Trẻ em tiếp xúc với vi tính sớm có hại cho mắt. Photo
Những phụ huynh ở các thành phố lớn của Việt nam giờ đây cũng ý thức được việc cho trẻ xem TV quá nhiều gây tác hại, nhưng lại gặp khó khăn trong việc kiểm soát thời gian xem của trẻ vì bận bịu công việc. Chị Lê Thị Huyền, 36 tuổi, ở Hà nội, người có 2 con trai nhỏ từ 2 đến 4 tuổi thì không kiểm soát được giờ giấc xem TV của con do gửi con cho ông bà,“ông bà muốn cho cháu ngồi yên thì phải cho nó xem TV.”
Hoàn cảnh của chị Huyền cũng là hoàn cảnh phổ biến của rất nhiều phụ huynh ở các thành phố lớn bây giờ, khi cả bố và mẹ đều bận rộn đi làm và phải để con nhỏ lại cho ông bà trông. Ngay cả khi gửi con ở nhà trẻ, chị Huyền cho biết các cô giữ trẻ cũng cho các cháu xem TV thoải mái để các cô nói chuyện. Theo chị thì hệ thống nhà trẻ Việt Nam không đáp ứng được đầy đủ. Con chị trước đây không xem TV nhiều, nhưng đến khi đi nhà trẻ thì “cô giáo nói chuyện ngoài hành lang còn bọn con xem TV trong lớp.”
Một số phụ huynh cố gắng hạn chế giờ xem TV của trẻ và kiểm soát chương trình xem của trẻ, nhưng thường là khi trẻ còn nhỏ khoảng 1 đến 3 tuổi. Sau đó cha mẹ thường bỏ lơ và để các em xem thoải mái hơn. Chị Vũ Khánh Tâm, 46 tuổi, có một con gái 6 tuổi, ở Hà nội cố gắng kiểm soát thời gian xem Tv của con, nhưng “nhiều khi mình cũng nhãng đi. Nhỏ thì hầu như mẹ phải xem cùng, còn giờ thì chỉ một tiếng đến tiếng rưỡi một ngày thôi nhưng nhiều lúc mẹ phải làm cái gì cũng quên không để ý, có lúc nó cũng xem quá đi.”
Không những thế, mỗi dịp hè về lại là dịp để các phụ huynh thêm lo lắng vì trẻ em không đến trường thì càng có thời gian nhiều hơn để xem TV ở nhà, khi bố mẹ đi làm. Thêm vào đó, các chị em phụ nữ rất lo lắng khi để con ở nhà với bố vào dịp hè vì cho rằng các ông bố không biết kiểm soát việc xem TV của con cái.
Chị Tâm đang lo lắng vì dịp“hè mà mẹ không ở nhà được, bố quản lý bố chả để ý gì hết. Có khi bố lại rất tích cực mua đĩa về cho con nữa. Bố có nhà thì bố cũng để cho xem để bố khỏi phải trông, khỏi phải quản.”
Thiếu chương trình phù hợp cho trẻ
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh thì các bậc phụ huynh nên chủ động kiểm soát chỉ để cho trẻ nhỏ xem TV không quá 2 tiếng một ngày và chỉ xem các chương trình phù hợp với lứa tuổi. Thế nhưng trên thực tế các bậc làm cha mẹ gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề này.
Hiện ở Việt nam các kênh truyền hình nở rộ với nhiều chương trình cho trẻ nhỏ, trong đó có cả các kênh họat hình nước ngoài như Cartoon Network hay Disney. Theo nhiều phụ huynh thì nhiều phim họat hình có những cảnh bạo lực, còn các chương trình của Việt nam thì chưa phong phú.
Chị Tâm nói rằng “đài phát nó cũng có chương trình cho trẻ con, chương trình của truyền hình cáp, rồi đài Hà nội cũng có. Nhưng bây giờ những cái hát hò chúng nó chả xem mấy đâu, nó toàn xem các loại hoạt hình của kênh Disney. Nói chung cũng có phim xem được, nhưng chị thấy nhiều phim đánh nhau lắm mà thấy các con cũng say mê, đánh nhau hơi nhiều.”
Hình minh hoạ.
Cũng vì thiếu chương trình phù hợp cho trẻ nên trẻ em Việt nam bây giờ thường hay được xem các chương trình người lớn, các đoạn quảng cáo không phù hợp với lứa tuổi. Có không ít bậc phụ huynh còn tự hào khoe cậu con trai hay cô con gái nhỏ của mình mới 4 hay 5 tuổi mà đã có thể nhắc lại nguyên si một đoạn quảng cáo băng vệ sinh trên truyền hình, hay tên các phim truyền hình Hàn quốc đang được chiếu.
Chị Lê Thị Huyền cho biết các kênh học bổ ích cho trẻ ở Việt nam hiện tại chủ yếu là kênh nước ngoài. Các kênh dậy nói trên truyền hình Việt nam lại chủ yếu lấy từ kênh nước ngoài nên cũng không hữu ích cho trẻ vì chỉ dạy tiếng Anh trong khi trẻ nhỏ 2 đến 3 tuổi cần phải học tiếng mẹ đẻ là tiếng Việt. Mặt khác cũng có những chương trình phim hoạt hình có thể gây hại cho mắt của trẻ vì tốc độ nhảy hình lớn.
Theo chị Huyền thì “kênh của Úc có mấy kênh học mà chơi thì em thấy hay, còn mấy kênh hoạt hình thì nhiều khi em không thích lắm. Nó đánh nhau, hoặc là những cái hình tốc độ nhảy hình lớn, tia chớp các thứ thì nó sẽ ảnh hưởng đến mắt của trẻ.”
Tất nhiên việc xem TV cũng có những tác dụng nhất định đối với trẻ. Tuy nhiên, theo các bậc phụ huynh Việt nam thì tác hại nhiều hơn. Chị Huyền cho rằng “tác hại của TV nhiều hơn là tác dụng. Thứ nhất là ảnh hưởng đến mắt, tần suất hình ảnh lớn thì nó hại mắt. Thứ hai là về mặt nhận thức vì nó không có hai chiều. Em thấy người ta nói trẻ con dưới 2 tuổi phải có giao tiếp hai chiều mà TV chỉ có một chiều thôi.”
Theo một phụ huynh khác là chị Tâm thì mặc dù cho đến giờ con gái chị đang được xem TV tương đối thoải mái, nhưng chị không thấy rõ những tác hại cũng như tác dụng của TV đối với con mình.
Các chuyên gia tâm lý khuyên các bậc phụ huynh nên bố trí thời gian xem TV cho cả gia đình cùng nhau là tốt nhất. Không nên đặt TV ở phòng riêng cho trẻ. Tránh cho trẻ xem các phim họat hình có đánh nhau, bạo lực, hoặc học hát những giai điệu cho tuổi teen quá sớm dễ gây ảnh hưởng không tốt về mặt tình cảm và nhận thức.
Tất nhiên khuyên thì là vậy, nhưng rõ ràng các bậc phụ huynh Việt nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát việc xem TV của con mình, bởi vì không phải họ không nhận thấy tác hại và tác dụng của nó, mà bởi các chương trình truyền hình cho con trẻ còn chưa phong phú và cũng bởi công việc bận rộn thường ngày của đời sống công nghiệp hiện đại đã khiến các mẹ không còn nhiều thời gian cho con.
Theo RFA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét