Ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bị đề nghị kỷ luật đảng vì "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Quyết định này được đưa ra trong kỳ họp lần thứ 32 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa kết thúc cuối tuần rồi.
Thông báo của ủy ban viết đã kiểm tra dấu hiệu vi phạm của ông Bình trong việc "huy động, quản lý, sử dụng tiền vốn Nhà nước" và thấy ông đã thiếu trách nhiệm "gây hậu quả nghiêm trọng khiến Vinashin bên bờ vực phá sản".
Một trong các sai phạm lớn nhất của ông Phạm Thanh Bình và ban lãnh đạo Vinashin là "đã báo cáo không trung thực với Chính phủ tình hình tài chính của doanh nghiệp".
Cơ quan kiểm tra của Đảng Cộng sản cũng nói năng lực quản lý tại nhiều đơn vị trong số 200 công ty con của Vinashin "yếu kém".
Ông Bình bị cho là "cố ý làm trái và có biểu hiện vụ lợi cá nhân".
Thông báo trên viết ngoài quyết định thực hiện quy trình kiểm điểm, xử lý kỷ luật đảng đối với ông Bình, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng còn yêu cầu Chính phủ xem xét thanh tra lại toàn diện hoạt động của Vinashin cũng như các cơ quan tổ chức bộ ngành liên quan để rút kinh nghiệm cho các tập đoàn khác.
Thua lỗ nặng
Những ngày này, báo chí trong nước đồng loạt đăng tải nhiều bài vở phê phán việc quản lý và hoạt động của tập đoàn Vinashin. Tập đoàn này từ ngày 01/07 đã trở thành Công ty TNHH Một thành viên với số vốn điều lệ 14.655 tỷ đồng. Và 12 công ty con của Vinashin cũng sẽ được chuyển sang các Tập đoàn Dầu khí (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).
Các báo tập trung nhiều vào tổng số nợ quá lớn của Vinashin, lên tới hơn 80.000 tỷ đồng. Nguyên nhân kinh doanh thua lỗ là do Vinashin đầu tư dàn trải, việc quản lý dự án, công nợ, dòng tiền... còn nhiều hạn chế, yếu kém.
Hiện Chính phủ đã cho phép lùi cuộc thanh tra toàn bộ Vinashin, đáng lẽ được tiến hành trong tháng 6, tới một thời điểm chưa xác định để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.
Lãnh đạo Vinashin đã lên các phương tiện truyền thông để "xin lỗi người dân".
Tuy nhiên dư luận đang trông chờ không phải lời xin lỗi, mà xem các biện pháp kỷ luật đối với những sai phạm là như thế nào.
Giới kinh tế gia cũng khuyến cáo xem lại quản lý nhà nước với các tổng công ty, tập đoàn mũi nhọn.
Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành chia sẻ một số nhận định về các bài học trong quản lý kinh doanh cấp nhà nước tại Việt Nam hiện nay.
Theo BBC.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét