Hôm 8/7 vừa qua, vụ cô dâu Thạch Thị Hồng Ngọc bị chồng sát hại chỉ sau một tuần đặt chân về nhà chồng ở Hàn Quốc đã làm rúng động dư luận ở Việt Nam cũng như ở Hàn Quốc. Có điều đáng buồn đó không phải là bi kịch duy nhất của các cô dâu Việt đã tìm đường thoát cảnh nghèo khó bằng cách kết hôn với người nước ngoài.
Tranh đấu bảo vệ quyền lợi cho các cô dâu và công nhân Việt Nam tại Đài Bắc, do Văn phòng Trợ giúp Pháp lý Công nhân và Cô dâu Việt Nam tại Đài Loan tổ chức.
Nguồn: vietcatholic.net
Nghe bài viết trên đài RFI
Trước đó báo chí vẫn thường xuyên đưa tin về những cảnh ngộ đau lòng của các cô gái Việt trên đất khách quê người sau các cuộc hôn nhân chóng vánh qua môi giới với đàn ông Hàn Quốc hay Đài Loan.
Trong bối cảnh mở cửa hiện nay thì việc hôn nhân xuyên quốc gia đối với người Việt Nam không còn là chuyện gì mới lạ. Chuyện cuộc sống sau hôn nhân của các cặp kết hôn đó cũng sẽ là bình thường nếu như việc kết hôn với người nước ngoài (chủ yếu là giữa các cô gái Việt Nam với đàn ông Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc) không ồ ạt trở thành một trào lưu để rồi dẫn tới những hệ lụy , xúc phạm nhân phẩm của nhiều phụ nữ và thậm chí dẫn đến bi kịch đau thương khiến dư luận bất bình.
Để tìm hiểu vì sao nhiều cô gái Việt Nam bị cuốn vào các cuộc hôn nhân đầy rủi ro với đàn ông ngoại quốc và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trước phong trào kết hôn với người Đài Loan và Hàn Quốc ở một số tỉnh đồng bằng sống Cửu Long hiện nay, RFI đã có cuộc phỏng vấn với PGS – Tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Văn Tiệp, chủ nhiệm khoa Nhân học Đại học Khoa học xã hội Nhân văn , thành phố Hồ Chí Minh.
Xin chào tiến sĩ Nguyễn Văn Tiệp, gần đây các cuộc kết hôn của các cô gái Việt Nam với đàn ông Hàn Quốc, Đài Loan, đang trở thành một làn sóng ồ ạt, đặc biệt là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Là một nhà nghiên cứu về dân tộc học và có những nghiên cứu về vấn đề hôn nhân xuyên quốc gia, ông có nhận thấy điều gì bất bình thường trong các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia đó ?
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay thì tôi nghĩ việc hôn nhân với người nước ngoài là bình thường, nhưng ở đây tôi thấy cũng có những cái bất thường. Trước hết đó là hoạt động trục lợi trong môi giới hôn nhân, cho nên các tổ chức môi giới hôn nhân hoạt động lén lút nhưng khá đông. Chính đó là một trong những ngoại lực để kích thích thêm tâm lý lấy chồng nước ngoài. Nếu mà quản lý nhà nước tốt thì có lẽ các hoạt động của các tổ chức này sẽ giảm thiểu đi.
Một yếu tố nữa là phải nói rằng có một cái lực đẩy để cho các cô dâu đồng bằng sông cửu Long lấy chồng nước ngoài, nói thực, phần lớn các cô dâu đều có học vấn thấp, chỉ mới học hết cấp 1 cấp 2, nghề nghiệp không ổn định, rồi nông thôn như đồng bằng sông Cửu Long hiện nay công nghiệp hóa nên dư thừa lao động khá nhiều, trong lúc đó thu nhập của lao động nữ rất là thấp. Trong bối cảnh khó khăn như vậy thì một trong những cách để thoát khỏi cảnh nghèo khó, mà cũng mong muốn có một cuộc sống tốt hơn. Theo tôi đấy cũng là một nguyện vọng chính đáng thôi. Vấn đề làm sao phải có những chương trình phát triển nông thôn, rồi phát triển về ý tế giáo dục để làm sao để thay đổi điều kiện sống, nâng cao chất lượng sống của bộ phận dân nghèo đồng bằng sông Cửu Long, thì theo tôi nghĩ nó sẽ giảm thiểu đi thôi.
Tôi cũng thấy rằng, trước đây phụ nữ Philipines, Malaisia cũng lấy chồng Hàn Quốc hay Đài Loan nhiều, nhưng mà bây giờ họ đã giảm đi rất nhiều rồi. Tỷ lệ số lượng rất ít không đáng kể gì so với Việt Nam vì hiện nay đời sống của họ khá cao. Tôi nghĩ đây là một cái nguyên nhân cũng rất quan trọng mà phía Việt Nam cũng phải quan tâm. Nếu không làm được vấn đề giảm nghèo, không giải quyết được các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề giới chị em phụ nữ gặp những khó khăn về kinh tế về học vấn, nghề nghiệp đi lấy chồng nước ngoài theo tôi thì cũng như là một lối thoát, mặc dù chưa phải là cái lựa chọn hay lắm, nhưng mà ít ra cũng là một lối thoát.
Với tư cách là nhà nghiên cứu thì tôi nhìn vấn đề có khác hơn so với các nhà quản lý.
Nhưng thực tế lại chứng minh ngược lại, các cuộc kết hôn này thường lại dẫn đến nhiều rủi ro cho các cô dâu Việt, kết cục thương tâm đến với cô dâu Thạch Hồng Ngọc bị chồng sát hại sau một tuần chung sống với chồng là một thí dụ. Vậy nguyên nhân nào khiến cho các cuộc hôn nhân này dẫn đến rủi ro và bất trắc như vậy, thưa ông?
Quả là vấn đề hôn nhân xuyên quốc gia ở Việt Nam hiện nay diễn ra khá sôi động. Nó có nhiều nguyên nhân. Theo tôi những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng rủi ro thường do môi giới. Việc kết hôn này thường thông qua các tổ chức môi giới, kể cả ở phía Hàn Quốc và phía Việt Nam. Thì anh biết đấy, luật pháp Việt Nam không cho phép các tổ chức môi giới hôn nhân hoạt động một cách công khai và cấm. Một thời gian khá lâu rồi có được thừa nhận, nhưng cách đây mấy năm thì lại cấm do cái việc quản lý không được thì cấm, nhưng mà trên thực tế thì họ vẫn lén lút hoạt động.
Tuy nhiên thì do nhu cầu từ hai phía là việc đàn ông Đài Loan, Hàn Quốc muốn lấy vợ ở các nước đang phát triển như Việt Nam hay một số nước ở Đông Nam Á, cũng như là phụ nữ ở nông thôn Việt Nam mà phần lớn là phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long thì cũng có như cầu kết hôn với đàn ông nước ngoài. Trên thực tế đó cho nên các tổ chức môi giới kết hôn nó vẫn lén lút hoạt động, và có thời điểm trở nên rất nóng. Chính vì qua các tổ chức môi giới kết hôn mà nhà nước không có sự quản lý chặt, không có sự phối hợp từ hai phía, Việt Nam Hàn Quốc hay là Việt Nam Đài Loan, cho nên cái rủi ro trong hôn nhân nó diễn ra. Vì cấm nên người ta lén lút hoạt động cho nên quản lý không tốt, vì thế mới dẫn đến tình trạng như vừa rồi mà chúng ta thấy. Không chỉ có những vụ như vừa rồi mà còn nhiều vụ khác mà tôi đã đi khảo sát từ bên Hàn Quốc cũng như từ phía cộng đồng của người Việt Nam thì nó không chỉ có những vụ việc như vậy đâu mà còn nhiều sự kiện, nó cũng đau lòng nhưng không đến mức đau thương như sự kiện vừa rồi.
Đây là cái việc không chỉ thuần túy là của đôi vợ chồng mà nó liên quan đến cả hai nước, vì vậy, theo tôi, trách nhiệm của quản lý nhà nước là rất quan trọng. Nhất là các bộ phận quản lý liên quan như là công an, luật pháp. Phải có sự tăng cường quản lý phối hợp giữa hai phía.
Ông nói đến vai trò quản lý nhà nước, vậy cụ thể các cơ quan hữu trách của Việt Nam ở đây phải can thiệp vào các cuộc hôn nhân này ở mức độ như thế nào ?
Cách đây hai năm thì cũng có mấy vụ liền thì cũng đã dấy lên rồi. Thực ra về phía Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, rồi đoàn Thanh niên các tổ chức luật pháp cũng lên tiếng phát biểu thế này thế kia, cũng có một số động thái nhưng mà hình như chỉ lúc đó thôi rồi sau đó quên lãng và không tiếp tục các việc làm tiếp theo. Đặc biệt là việc phối hợp với các phía Hàn Quốc với phía Đài Loan để kết nối phối hợp hai bên giải quyết các vấn đề thực tế nó đặt ra. Nên cuối cùng hiệu quả về quản lý nhà nước và để có tác động về mặt chính sách thực ra mà nói là thấp. Trước hết là quản lý về luật pháp. Phải có sự bàn thảo hai bên thống nhất một số văn bản luật pháp. Nếu mà mình không giải quyết được các vấn đề luật pháp một cách thỏa đáng, những văn bản pháp lý đó nó giải quyết được các vấn đề của thực tế chứ không phải những văn bản có tính chất chung chung. Tôi nghĩ phải có những cuộc trao đổi song phương về mặt luật pháp cũng như về mặt quản lý nhà nước giữa Việt Nam và Hàn Quốc hay Đài Loan, như vậy hai bên có cái phối hợp không chỉ là văn bản luật pháp phối hợp tổ chức quản lý mà theo tôi còn phải xây dựng các chương trình để hỗ trợ các cô dâu cũng như các chàng rể nước ngoài để hội nhập văn hóa, để có sự hiểu biết, có sự chuẩn bị và còn có trách nhiệm để, không chỉ trong việc hôn nhân trước mắt mà lâu dài hơn là để họ chung sống hạnh phúc lâu dài, rồi những vấn đề hậu hôn nhân, vấn đề con lai, quyền công dân để đảm bảo quyền lợi phụ nữ Việt Nam để họ có công ăn việc làm để trở thành công dân chính thức của Hàn Quốc, thì còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Cũng như vấn đề con lai, rõ ràng đây là vấn đề rất nhạy cảm, cần phải có phối hợp hai bên để quản lý. Tôi đã thấy có trường hợp một số cô dâu bỏ về Việt Nam, mang con về Việt Nam, rồi chồng sang yêu cầu lại bắt về. Những vấn đề như thế, bây giờ thì ít nhưng mà sau này nó sẽ nhiều thêm. Thì rõ ràng phải có những cái văn bản pháp lý, thống nhất quản lý nhà nước thì mới giải quyest được, không thể tùy tiện được.
Về phía Việt Nam, theo tôi hiện nay sự quan tâm chưa đáp ứng được cái nhu cầu mong đợi của xã hội cũng như của các cô dâu lấy chồng nước ngoài. Nếu tiếp tục như thế này thì tình trạng đó vẫn cứ tiếp diễn thôi. Về cái này, chức năng quản lý nhà nước rất quan trọng, không ai thay thế được.
Theo tôi, riêng về phía Việt Nam phải đưa ra những văn bản về mặt quản lý nhà nước rất rõ ràng đối với tổ chức môi giới kết hôn. Cách đây hai năm tôi đã có ý kiến rồi, tức là nên cho phép tổ chức môi giới kết hôn một cách công khai, có địa chỉ, có e-mail... để mà liên kết với phía bên kia và có sự giám sát và quản lý của nhà nước. Cùng với nó là sự phối hợp với các tổ chức quần chúng tổ chức phi chính phủ, để hỗ trợ các cô dâu. Thí dụ như học tiếng Trung Quốc, học tiếng Hàn Quốc rồi học văn hóa của họ để có ít nhiều cái vốn văn hóa trước khi đi làm dâu xứ người. Tôi nghĩ rằng cái này rất quan trọng, nhưng mà hiện nay thì chưa làm được.
Công việc này thì nhà nước lại giao cho Hội Phụ nữ đứng ra hỗ trợ các phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, hỗ trợ tức là tư vấn về mặt pháp lý, nhưng mà thực ra mà nói thì hiệu quả nó thấp do cái khả năng tác nghiệp của họ không tốt lắm. Thành phố Hồ Chí Minh cũng có một trung tâm nhưng mà hiệu quả hoạt động không cao lắm. Vì vậy nó không đáp ứng được cái như cầu thực tế, vì thế mà các tổ chức môi giới kết hôn chui nó vẫn cứ hoạt động lén lút, nhưng lại khá rầm rộ. Họ có chân rết từ thành phố, từ phía Hàn Quốc, Đài Loan cho đến các mạng lưới ở vùng nông thôn. Từ vùng sâu vùng xa đều có mạng lưới của họ hoạt động cả, thành ra vì cái lợi nhuận cho nên các tổ chức môi giới kết hôn này đã trục lợi cả hai phía, phía Hàn Quốc cũng như phía chị em chúng ta đi lấy chồng. Cho nên không ngăn chặn được hiện tượng này tôi nghĩ rằng những hiện tượng rủi ro nó vẫn còn tiếp diễn, có khi nó còn xấu hơn tình hiện nay.
Để giảm bớt rủi ro tránh những bi kịch đáng tiếc xảy ra cho các cô dâu sau hôn nhân thì có một yếu tố không kém quan trọng đó là khả năng thích nghi và hội nhập vào xã hội sở tại của các cô dâu Việt. Qua nghiên cứu và khảo sát thực tế, ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Tôi cũng rất quan tâm đến vấn đề này, bởi vì cái gia đình khi người phụ nữa Việt Nam lấy chồng nước ngoài thì nó sẽ dẫn đến loại hình gia đình đa văn hóa, tức là có pha trộn yếu tố văn hóa của hai dân tộc, vừa Hàn vừa Việt hay là vừa Đài Loan vừa Việt. Cho nên một trong những vấn đề để đảm bảo hạnh phúc trước mắt cũng như lâu dài là phải làm sao giúp cho chị em được một số cái vốn văn hóa ban đầu hiểu biết về đất nước văn hóa, ngôn ngữ của họ.
Theo tôi nghĩ trước khi đi lấy chồng ít nhất phải có một hành trang tối thiểu để sang đó có thể thích nghi hội nhập dần dần. Cái này rất quan trọng, tôi biết là các tổ chức Hàn Quốc rất quan tâm. Rất tiếc là phía Việt Nam chúng ta làm chưa tốt vấn đề này, chưa hỗ trợ tích cực cho các cô dâu khi mà đi lấy chồng nước ngoài. Thứ hai là các cô dâu của chúng ta do học vấn thấp, là con em nhà nghèo, nghề nghiệp những cái cần thiết tối thiểu vẫn chưa được trang bị đầy đủ, cho nên cái khả năng thích nghi, khả năng hội nhập khi đi lấy chồng là thấp. Chính đó cũng là cái nguyên nhân dẫn đến xung đột văn hóa trong một cái gia đình đa văn hóa. Đây là vấn đề, theo tôi nghĩ là cần phải có sự nghiên cứu, cần phải có chính sách để hỗ trợ.
Riêng về phía Hàn Quốc, tôi biết là họ có cố gắng rất lớn trong việc thành lập hội những phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, rồi họ đã tiến hành tổ chức các lớp học về tiếng Hàn cho các cô dâu Việt, rồi dạy văn hóa Hàn Quốc từ nấu ăn cho đến cách thức ứng xử trong gia đình v.v..Tuy nhiên việc là này ở thành phố thì tốt chứ còn ở những vùng sâu vùng xa, thậm chí có những cô gái do môi giới kết hôn chui lên họ không nắm được hết tất cả số cô dâu để mà có thể giúp đỡ. Nhưng rất tiếc, cố gắng của họ chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay, khi mà số lượng cô dâu, anh biết là riêng cô dâu ở Hàn Quốc hiện nay đã là 35 ngàn rồi.
Cái thứ hai là sự phối hợp giữa hai phía Việt Nam và Hàn Quốc chưa được tốt. Việt Nam chưa có chủ động trong việc này, nếu Việt Nam chủ động tốt hơn thì rõ ràng khả năng thích nghi và hội nhập với văn hóa Hàn Quốc nó sẽ tốt hơn. Tôi cũng có phát biểu với một số tổ chức Hàn Quốc, ở đây không chỉ có các cô dâu Việt Nam phải học và thích nghi với văn hóa Hàn Quốc mà ngược lại thì người Hàn Quốc, gia đình, rồi chồng cũng phải hiểu văn hóa Việt Nam. Theo tôi một trong những nguyên nhân dẫn đến bất hòa trong quan hệ gia đình, thậm chí dẫn đến rủi ro trong hôn nhân là xung đột văn hóa, tạo ra các cái sốc văn hóa do quá trình thích nghi hội nhập văn hóa chậm của các cô dâu Việt. Trong lúc đó thì người Hàn Quốc lại không cố gắng tìm hiểu văn hóa Việt Nam để chia sẻ hoặc cảm thông nên nó dẫn đến những việc không hay và đặc biệt bất đồng ngôn ngữ. Khi mà các cô dâu chưa được trang bị ngôn ngữ tối thiểu thì sự giao tiếp, chia sẻ sẽ rất là khó khăn.
RFI, xin cảm ơn tiến sĩ Nguyễn Văn Tiệp.
Anh Vũ (RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét