Chỉ là một giây thôi
Giữa muôn nghìn giây trôi
Vô thường thành vĩnh cửu
Tạ ơn Trời, ơn đời.
(Thơ Trầm Tĩnh Nguyện, Vô Thường và Vĩnh Cửu)
Kính thưa quí bạn, cuộc sống con người vốn ngắn ngủi nhưng thật nhiều biến động thay đổi. Sự sống của mỗi con người chỉ kéo dài nhiều nhất khoảng chừng 100 năm; đa số con người chỉ sống được 70 năm là hết. Nhưng dù sự sống con người vắn vỏi như vậy, nhưng khát vọng của họ thì vô cùng. Ai ai cũng trải qua những năm tháng khắc khoải kiếm tìm cái gọi là “hạnh phúc, bình an, êm đềm.” Dù những tên gọi có thể khác nhau, nhưng xem chừng như bao lâu trái tim con người còn đập, thì khát vọng mong được lấp đầy, mong được no thỏa vẫn là một điều gì đó mà con người luôn mong ước, hoài vọng.
Vậy thời gian nào là thời gian hạnh phúc nhất của một đời người? Có người cho là tuổi thơ là thời đẹp nhất của đời người. Có người cho là thời thanh niên khi biết yêu, hẹn hò là thời gian đẹp nhất, hạnh phúc nhất. Và cũng nhiều người cho là khi người ta bắt đầu nghỉ hưu nhìn con cháu xum họp vây quanh mình thì đó là lúc bình an đẹp nhất. Vậy theo bạn, lúc nào là đẹp nhất, hạnh phúc nhất, hoàn mỹ nhất trong đời bạn?
Hôm nay, kính mời quí bạn chuyển qua một đề tài mới - Sống Hiện Tại , một đề tài xem chừng như khô khan, không hấp dẫn, nhưng nó thực sự thiết thực và hữu ích cho cái mà chúng ta dành cả đời mình để kiếm tìm và lấp đầy. Thực ra cái mà chúng ta khát vọng mong được lấp đầy không gì khác hơn chính là “hạnh phúc, bình an” cho cuộc đời của mình.
* * *
Anthony de Mello kể rằng, có hai người làm nghề đánh cá. Một người làm việc rất cực nhọc cả ngày đêm; anh mong ước kiếp thật nhiều tiền để có một cuộc sống sung sướng và thoải mái. Ngược lại, người kia làm việc chăm chỉ, nhưng chừng mực; anh hy vọng việc đánh bắt cá sẽ giúp anh có một cuộc sống ổn định và bình an.
Một ngày nọ, người mong kiếm được nhiều tiền qua việc đánh bắt cá thấy người kia đang nằm ung dung hút xì-gà trên bến thuyền, anh ta liền hỏi: “Này bạn, sao bạn không lo đánh cá mà nằm thoái mái như vậy?” Anh hút thuốc trả lời, “Đánh bắt cá nhiều để làm gì?” Người kia đáp, “Để có thêm nhiều tiền.” Người hút thuốc hỏi tiếp, “Thêm nhiều tiền để làm gì?” “Để tôi mua thêm tàu lớn.” Anh làm việc vất vả trả lời. Nhưng người hút thuốc hỏi tiếp, “Anh mua thêm tàu lớn để làm gi?” Người kia đáp, “Thì tôi sẽ đi xa bờ và đánh bắt thêm nhiều cá.” Anh hút thuốc tiếp tục, “Sau khi bắt được nhiều cá anh làm gì?” “Thì tôi sẽ có thêm tiền.” “Rồi anh sẽ làm gì với số tiền ấy?” Anh hút thuốc hỏi. Người kia đáp, “Sau khi có nhiều tiền tôi sẽ nghỉ ngơi thoái mái.” Người hút thuốc với điếu xì gà trên tay phì phà nói, “Cần gì phải đợi đến lúc đó. Những gì mà anh đang mệt nhoài để mong thưc hiện được trong tương lai thì tôi đang làm một cách dễ dàng ngay bây giờ.”
* * *
Quí bạn thân mến, câu chuyện trên minh họa cho chúng ta thấy rằng giá trị của giây phút hiện tại thật cao quí. Hiện tại mới quyết định giá trị đời người và khả năng làm người của chúng ta chứ không phải tương lai hay quá khứ. Thật buồn thay, những toan tính, âu lo cho tương lai là một căn bịnh của nhiều người trong thời đại chúng ta. Con người thời đại văn minh ngày nay xem chừng như biểu lộ sự “chao đảo, lo lắng” cho tương lai hơn là thời đại trước. Những gia đình sống tại Việt Nam chỉ là những nông dân cày cấy chỉ đủ miếng ăn, nhưng xem chừng như tinh thần họ mạnh mẽ hơn những người có bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ tại Âu Mỹ. Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng, có tiền chưa chắc đã là “ổn định, bình an, hạnh phúc.” Hóa ra, mối nguy hiểm không phải là ở chỗ có tiền hay không có tiền, nhưng mối nguy hiểm nằm ở chỗ lo sợ về cuộc đời của mình đang ở phía trước. Lo cho sự an toàn, ổn định là nổi lo đáng sợ nhất của con người thời nay. Cái “ngày mai ấy, năm tới ấy, tuổi già ấy” trở thành một thứ ám ảnh và lo âu cho nhiều người vốn đã có đầy đủ bảo hiểm. Cũng vì tương lai mà hôm nay tôi phải “cày” hai ba việc; chỉ vì tương lai mà tôi phải làm cả ngày Chúa nhật. Chỉ vì tương lai mà tôi làm việc đến nổi tôi quên mất những người thân, gia đình và bạn hữu của tôi.
Quí bạn thân mến, ai sẽ bảo đảm là những vun đắp thiếu trách nhiệm của bạn hôm nay sẽ cho bạn một tương lai ổn định? Nếu hôm nay bạn không sống đủ trách nhiệm cho sức khỏe mình, cho gia đình mình, cho người thân mình, thì liệu rằng trong tương lai bạn sẽ sống có trách nhiệm cho mình và cho họ?
Br. Huynhquảng
Vào đầu tháng 5/2010, Cục Xuất bản - Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đã ra lệnh cho các tỉnh, thành phố tiếp tục thu hồi toàn bộ cuốn sách “ Dại tình” còn lưu hành trên thị trường nhằm “ngăn chận kịp thời ảnh hưởng xấu đến người đọc, đặc biệt là giới trẻ”. Tác phẩm này của tác giả Bùi Đình Thi đã bị ngưng phát hành và thu hồi từ ngày 31/3 theo quyết định của Nhà xuất bản Phụ nữ.
Bìa tiểu thuyết "Dại Tình" bị thu hồi
Vì sao “Dại tình” bị xem là có nội dung “không lành mạnh”? Đơn giản chỉ là vì Bùi Đình Thi đã đưa tình dục vào trong tác phẩm này, trong khi ở Việt Nam, đây vẫn còn là vấn đề nhạy cảm, tế nhị.
Cũng giống như trường hợp của cuốn sách “ Sợi xích” của ca sĩ Lê Kiều Như, nói về đời sống tình dục của một cặp vợ chồng trẻ, vừa mới xuất bản đã bị cấm và bị thu hồi.
Như vậy, phải chăng không được đụng đến tình dục khi sáng tác và nếu được thì nên đề cập đến như thế nào để bị coi là “ không lành mạnh”, thậm chí bị xem là văn chương khiêu dâm rẻ tiền đề câu khách ?
Xin mời các bạn nghe thêm nhận định của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Thanh Phương (RFI)
Tôi cam đoan bạn sẽ nhớ được câu chuyện của cái bát gỗ này vào ngày mai, tuần tới, tháng tới hay năm tới nữa.
Một ông già gầy yếu phải dọn đến ở chung với con trai, con dâu và một đứa cháu nội lên 4 tuổi. Ông già hai tay run rẩy, mắt đã mờ, chân bước không vững. Cả gia đình ngồi ăn chung nơi bàn ăn.
Nhưng người ông lớn tuổi với hai tay lụng cụng và đôi mắt kèm nhèm khiến cho việc ăn uống rất khó khăn. Những hạt đậu rớt từ muỗng xuống sàn nhà. Khi ông với tay lấy ly sữa thì sữa đổ tóe ra khăn bàn.
Người con trai và con dâu rất bực mình vì phải lau chùi dọn dẹp cho ông. Người con trai nói: “Chúng mình phải làm một cái gì để giải quyết vấn đề này. Anh chán ngấy cái vụ ông đánh đổ sữa, ăn uống nhồm nhoàm, và đánh đổ thức ăn trên sàn nhà.”
Do đó hay vợ chồng bàn nhau đặt một cái bàn trong góc phòng. Ở đó, người ông phải ngồi ăn một mình trong khi cả gia đình ăn uống vui vẻ. Vì ông cụ đã đánh vỡ mấy cái đĩa, thức ăn của ông được bỏ vào một cái bát gỗ.
Khi cả gia đình liếc nhìn về phiá ông cụ, đôi khi thấy ông chẩy nước mắt khi phải ngồi một mình. Vậy mà, mỗi khi ông đánh rơi muỗng nĩa hay đánh đổ thức ăn, hai vợ chồng vẫn còn la rầy ông.
Đứa cháu 4 tuổi quan sát mọi sự trong thinh lặng.
Một tối kia, ngay trước bữa ăn, người cha thấy đứa con nghịch với mấy khúc gỗ vụn trên sàn. Anh ta dịu dàng hỏi: “Con đang làm gì vậy?”
Đứa bé cũng trả lời diụ dàng không kém: “Ồ con đang làm một cái bát nhỏ cho ba và mẹ ăn khi con lớn lên.” Nó cười và tiếp tục làm việc.
Những lời nói của đứa trẻ làm cho cặp vợ chồng sững sờ không nói nên lời. Rồi những giọt nước mắt tuôn rơi trên mặt họ. Dù không nói ra lời, cả hai đều hiểu phải làm cái gì.
Tối hôm ấy, người con trai, cầm tay bố và dịu dàng dắt ông cụ trở về bàn ăn của gia đình. Và trong suốt những ngày còn lại của cuộc đời ông cụ được ngồi ăn chung với gia đình. Và từ đó cả chồng lẫn vợ dường như không còn chú ý đến những lúc muỗng nĩa rơi, sữa bị đổ tràn hay khăn bàn bị dính bẩn.
Điểm son của bài học này là, dù bất cứ cái gì xẩy ra hôm nay có tệ đến đâu, đới sống vẫn tiếp diễn, và ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.
Tôi cũng học được rằng chúng ta có thể biết nhiều về một con người qua phản ứng của người này trước bốn điều này: một ngày mưa buồn, người già yếu, mất hành lý, và những giây đèn Giáng Sinh bị vướng mắc.
Tôi đã học được rằng, dù cho bạn có thương yêu hay không thương yêu cha mẹ bạn, bạn cũng sẽ nhớ tiếc họ, khi họ đã đi ra khỏi cuộc đời của bạn.
Tôi đã học được rằng: kiếm sống trong đời không giống như là tạo dựng một cuộc đời.
Tôi cũng học được rằng, đời sống đôi khi ban cho ta một cơ may thứ hai.
Tôi cũng học được rằng chúng ta không thể nào chỉ biết tìm cách ôm bắt tất cả mọi sự trong đời. Chúng ta cũng phải có thể ném ra và cho đi.
Tôi đã học được rằng: nếu chúng ta theo đuổi hạnh phúc, nó sẽ lẫn tránh ta. Nhưng nếu chúng ta tập trung vào gia đình, bạn bè, vào nhu cầu của người khác, vào công việc của mình và cố gắng làm mọi sự tốt đẹp nhất, thì hạnh phúc sẽ tìm đến với ta.
Tôi đã học được rằng mỗi khi tôi quyết định một điều gì với một trái tim rộng mở, thì tôi thường quyết định đúng đắn.
Tôi đã học được rằng ngay cả khi tôi đang đau đớn, tôi không phải là nỗi đau cho kẻ khác.
Tôi đã học được rằng mỗi ngày qua tôi phải vươn ra và chạm đến một người khác.
Người ta thích những cử chỉ thân thiện - cầm tay, ôm chặt hay chỉ cần một cái vỗ tay vào vai.
Tôi đã học được rằng tôi còn phải học hỏi rất nhiều hơn nữa!
Bùi Hữu Thư dịch
Thời gian gần đây, các trung tâm sản xuất âm nhạc cả trong nước lẫn hải ngoại không ngừng gióng lên hồi chuông báo động về khả năng các hoạt động sản xuất băng đĩa âm nhạc của họ có thể bị xóa sổ, do nạn vi phạm bản quyền lan tràn khắp nơi. Đối với các nhạc sĩ và ca sĩ thì tình hình cũng chẳng có gì sáng sủa, có lẽ họ chẳng còn mảy may dám kì vọng nhận được những khoản thù lao chính đáng đem lại nhờ vào việc phát hành băng đĩa.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (Ảnh: DR)
Đôi khi, việc duy trì phát hành các album nhạc của đại đa số các ca sĩ trong bối cảnh hiện nay gần như chỉ nhằm mục đích để cho công chúng khỏi quên mình. Việc ý thức áp dụng và thực hiện nghĩa vụ tác quyền dường như thực sự trở thành một vấn đề cấp thiết đặt ra cho giới chức quản lý văn hóa nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng tại Việt Nam.
Muộn còn hơn không, việc trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ra đời và hoạt động từ hơn 8 năm qua, liệu đã phần nào làm yên lòng giới lao động nghệ thuật ? Trong chuyên mục tuần này, góc vườn âm nhạc của đài RFI tiếp tục có cuộc trao đổi với nhạc sĩ Phó Đức Phương, hiện đang là giám đốc của Trung Tâm.
Đối với người nhạc sĩ này, việc ông dấn thân tích cực trong công tác bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tại Việt Nam cũng chẳng kém gì công việc sáng tác, nó cũng sôi động, phong phú đa dạng và đầy kịch tính. Để làm được việc này, Phó Đức Phương thấy mình như đang viết được một tác phẩm lớn.
Mời nghe bài viết trên đài RFI
Đức Bình (RFI)
Life is Beautiful , của nhạc sĩ Ý Nicola Piovani, là bản nhạc chính trong phim La Vita è Bella . Bản nhạc này đoạt giải Oscar năm 1998. Đến năm 2000, bản nhạc lại được đề nghị cho giải âm nhạc Grammy, nhưng không thắng.
Lời bài hát theo tiếng Anh như sau :
Life is beautiful
Smile, without a reason why
Love, as if you were a child,
Smile, no matter what they tell you
Don’t listen to a word they say
‘Cause life is beautiful that way.
Tears, a tidal wave of tears
Light, that slowly disappears
Wait, before you close the curtain
There is still another game to play
And life is beautiful that way
Here with his eyes forevermore
I will always be as close as you
remember from before
Now that you’re out there on your own
Remember what is real and
what we dream is love alone
Keep the laughter in your eyes
Soon your long awaited prize
We’ll forget about our sorrows
And think about a brighter day
Cause life is beautiful that way.
We’ll forget about our sorrows
And think about a brighter day,
Cause life is beautiful that way
There’s still another game to play
And life is beautiful that way.
Mời các bạn thưởng thức bản nhạc này qua clip sau đây :
Lời bài hát được dịch bằng tiếng Việt của Trần Đình Hoành như sau :
Đời rất đẹp
Hãy cười, không cần lý do
Hãy yêu, như là thơ trẻ
Hãy cười, dù thiên hạ nhỏ to
Đừng nghe lời họ
Vì đời đẹp như thế đó
Nước mắt, sóng triều dâng
Ánh sáng, đang mờ dần
Hãy đợi, màn khoan khép
Hãy chơi thêm điểm nữa
Và đời đẹp như thế đó
Vĩnh viễn với đôi mắt anh
Em luôn ở bên cạnh anh
Như anh nhớ mình thuở trước.
Anh một mình ngoài kia
hãy nhớ điều rất thật
và điều ta mơ ước
đó chỉ là tình yêu.
Giữ nụ cười trong mắt anh
Bao chờ mong rồi sẽ đến
Ta sẽ quên hết muộn phiền
Và nghĩ đến ngày sáng tươi
Vì đời đẹp như thế đó
Ta sẽ quên hết muộn phiền
Và nghĩ đến ngày sáng tươi
Hãy chơi thêm điểm nữa
Vì đời đẹp như thế đó
Sưu tầm
Nguồn : www.40giayloichua.netMời nghe bài giảng chủ đề "Sự chọn lựa" qua Linh Mục Giuse Nguyễn Đình Trung, C.Ss.R NGƯỜI KHÔNG NHÌN LẠI
Cha Mark Link, S.J.
Chủ đề: "Bí quyết để không nhìn lại là hướng về Đức Giêsu"
Vào năm 1924, ông Eric Liddell là lực sĩ chạy bộ 100 thước nhanh nhất nước Anh. Ai ai cũng tin rằng ông sẽ giựt huy chương vàng Thế Vận Hội ở Balê vào năm đó. Nhưng đột nhiên có vấn đề làm xôn xao dư luận.
Khi chương trình Thế Vận Hội được quảng bá, cuộc chạy đua 100 thước lại xảy ra vào ngày Chúa Nhật. Với ông Eric, giới răn "giữ ngày Chúa Nhật thánh thiện" có nghĩa ông không được chạy đua vào ngày Chúa Nhật. Ông thật buồn.
Khi tin đồn khắp nơi là ông Eric sẽ không dự cuộc đua 100 thước, bao nhiêu áp lực đổ lên ông. Ngay cả Hoàng Tử xứ Wales cũng cố can thiệp vào lương tâm của ông. Khi ông quyết định từ chối tham dự cuộc đua, báo chí Anh quốc gọi ông là kẻ phản quốc. Nhưng ông Eric vẫn từ chối không muốn đi ngược với điều ông tin tưởng.
Ông gặp các huấn luyện viên và đề nghị một toán lực sĩ sẽ thay ông chạy đua 100 thước. Còn ông sẽ tham dự cuộc đua 400 thước, dù rằng chưa bao giờ trong đời ông tham dự loại này.
Để rút ngắn câu chuyện, không những ông Eric đã đoạt huy chương vàng cuộc đua 400 thước mà toàn đội của ông cũng đoạt huy chương vàng cuộc đua 100 thước. Thay vì chỉ được một huy chương vàng, các lực sĩ chạy đua của nước Anh đã đoạt được hai huy chương vàng.
Một vài năm sau Thế Vận Hội, ông Erich làm thế giới ngạc nhiên khi ông tình nguyện sang Trung Quốc truyền giáo. Sau đó, người yêu của ông cùng tham gia với ông. Họ kết hôn và có được ba người con xinh đẹp.
Sau đó Thế Chiến II xảy ra, khi nước Nhật tham dự cuộc chiến, ông Eric đưa gia đình sang Gia Nã Đại. Sau đó không lâu, Nhật xâm lăng Trung Quốc. Ông Eric bị bắt và bị đưa vào trại tập trung của Nhật. Ở đây ông tiếp tục sứ vụ, làm việc với các tù binh khác.
Một vài năm sau, ông từ trần một cách anh hùng trong trại tù.
Sau cái chết của ông, vợ ông nhận được rất nhiều lá thư nói về cử chỉ anh hùng của ông Eric khi ở trong trại. Trong các thư khác, có hai người viết là nhờ ông Eric mà họ đã không tự tử.
Vào năm 1980 có người muốn thực hiện cuốn phim về ông Eric và Thế Vận Hội 1924. Khi vợ ông nghe được, lúc ấy bà đang sống ở Toronto, bà nói, "Có ai để ý đến một biến cố xảy ra đã quá lâu về một người không muốn chạy đua vào ngày Chúa Nhật chỉ vì đức tin Kitô Giáo?"
Kết quả không ngờ là cả hàng triệu người muốn lưu ý. Cuốn phim, được gọi là Chariots of Fire, không chỉ phá kỷ lục số vé bán mà còn chiếm Giải Academy năm 1982.
Câu chuyện của ông Eric Liddell cho thấy khía cạnh tích cực của lời Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay. Chúa Giêsu nói:
"Ai bắt đầu cầy cấy mà còn nhìn lại thì không phục vụ cho Nước Trời."
Ông Eric Liddel không bao giờ nhìn lại. Một khi ông đã quyết định theo Chúa Giêsu, ông luôn nhìn tới trước. Ông không bao giờ nhìn lại, ngay cả khi phải đương đầu với áp lực của quần chúng. Ông không bao giờ nhìn lại ngay cả khi bị gọi là kẻ phản quốc.
Bí quyết nào giúp ông Eric can đảm không bao giờ nhìn lại?
Bí quyết nào giúp ông trung thành với Chúa Giêsu, ngay cả khi phải đương đầu với sự chống đối trùm lấp?
Bí quyết này nằm trong sự nhận xét của bà quả phụ Eric khi được tờ Toronto Star phỏng vấn. Nói về ông Erich, bà cho biết, "Ông ta luôn luôn dùng giờ phút đầu tiên, thật sớm của một ngày để đọc Kinh Thánh, cầu nguyện và hoạch định chương trình trong ngày."
Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự can đảm của ông Eric. Đó, chúng ta đã có bí quyết đằng sau sự trung thành của ông đối với Chúa Giêsu. Ông Erich Liddell là một người siêng cầu nguyện. Ông đã có thể luôn cầm lấy cái cầy và không nhìn lại đằng sau vì mỗi sáng ông đều gặp Chúa Giêsu trong sự cầu nguyện.
Vào năm 1982, cùng năm cuốn phim Chariots of Fire được Giải Academy, có một bài báo đăng trong tờ Reader's Digest. Bài này nói về một giám đốc quảng cáo người Công Giáo, dù rất thành công, bà vẫn cảm thấy cuộc đời trống rỗng.
Một sáng kia, trong cuộc họp với ông cố vấn về tiếp thị, bà đề cập đến sự trống rỗng này.
Ông cố vấn hỏi, "Bà có muốn lấp đầy nó không?" "Dĩ nhiên là có," bà trả lời. Ông nhìn thẳng vào mắt bà và nói, "Hãy bắt đầu mỗi ngày với một giờ cầu nguyện."
Bà nhìn ông và nói, "Này ông Don, ông không đùa đấy chứ. Nếu tôi làm như vậy thì còn thời giờ đâu để nghỉ ngơi." Ông mỉm cười và nói, "Đó cũng là điều mà tôi đã nói cách đây 20 năm." Sau đó ông nói thêm vài điều khiến bà phải suy nghĩ. Ông nói, "Bà chỉ muốn Thiên Chúa phải phù hợp với chương trình của bà. Thật ra, bà phải thay đổi cuộc đời bà theo chương trình của Thiên Chúa."
Bà rời cuộc họp trong sự bối rối. Mỗi sáng bắt đầu bằng sự cầu nguyện sao? Mỗi sáng bắt đầu bằng một giờ đồng hồ cầu nguyện sao? Tuyệt đối không thắc mắc!
Dù vậy, vào sáng hôm sau bà đã thi hành đúng như vậy. Và kể từ đó trở đi bà luôn luôn cầu nguyện vào sáng sớm.
Bà thú nhận là lúc đầu điều đó không dễ. Có những sáng bà cảm thấy bình an và vui sướng. Nhưng cũng có những sáng bà chẳng thấy gì ngoài sự buồn chán. Và chính những sáng mệt mỏi này bà nhớ lại những điều mà ông cố vấn tiếp thị đã nói: "Có những lần khi tâm trí bà không muốn đi vào cung thánh của Thiên Chúa. Đó là khi bà phí một giờ đồng hồ trong phòng chờ đợi Thiên Chúa. Tuy nhiên, bà vẫn cố ở đó, và Thiên Chúa quý trọng sự cố gắng của bà. Điều quan trọng là lời hứa."
Câu chuyện của ông Eric Liddell và bà giám đốc quảng cáo đã thách đố chúng ta. Chúng ta không thể chỉ nghe qua những câu chuyện này và không cảm thấy một tiếng nói bên trong mời gọi chúng ta thi hành điều gì đó tương tự trong đời sống chúng ta.
Nếu chúng ta có khó khăn khi phải để ý đến Chúa Giêsu, nếu chúng ta có khó khăn nắm chặt cái cầy và đừng nhìn lại đằng sau, nếu chúng ta cảm thấy cuộc đời trống rỗng, có lẽ chúng ta phải nghĩ đến lời hứa hằng ngày với Chúa Giêsu.
Lời hứa đó phải là gì? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó cho chúng ta. Chúng ta phải tự trả lời. Nhưng chúng ta phải thi hành điều gì đó. Như ông cố vấn tiếp thị đã nói, "Điều quan trọng là lời hứa."
Hãy kết thúc bằng lời cầu nguyện:
"Lạy Chúa, xin dạy con biết quảng đại.
Xin dạy con biết phục vụ Chúa cách xứng đáng;
biết cho đi mà không quan tâm đến giá cả;
biết tranh đấu mà không để ý đến thương tích;
biết cần cù mà không tìm sự an nhàn;
biết lao nhọc và không tìm phần thưởng,
ngoại trừ được biết là con đang thi hành thánh ý Chúa."
HY VỌNG & QUYẾT TÂM
Pt. Giuse Trần Văn Nhật
Nghe bài giảng này
Có hai thanh niên đi xem đá banh và ngồi đằng sau hai nữ tu. Hai anh cảm thấy khó chịu về sự hiện diện của hai chị và họ than phiền vì bị cản trở bởi khăn chụp đầu của hai chị. Một anh lớn tiếng nói, "Tớ sẽ sang Phoenix. Ở đó chỉ có 15% người Công Giáo."
Anh kia nói, "Còn tớ sẽ sang Dallas. Ở đó chỉ có 5% người Công Giáo."
Một trong hai chị quay lại, nhỏ nhẹ nói, "Sao các anh không xuống hỏa ngục đi--ở đó không có người Công Giáo nào cả!"
Có lẽ mọi người chúng ta đều ao ước lời nhận xét của nữ tu ấy là sự thật. Và chắc chắn sẽ là như vậy - sẽ không có người Công Giáo nào trong hỏa ngục - nếu chúng ta trung thành tuân giữ lời Chúa Giêsu đã nói trong bài Phúc Âm hôm nay, "Ai đã tra tay cầm cầy và còn nhìn lại những gì sau lưng thì không xứng với vương quốc Thiên Chúa" (Lc 9:62). Chúa Giêsu muốn mọi người chúng ta lên thiên đàng! Chúa muốn mọi người chúng ta là tín hữu Kitô gương mẫu, những người sống với một mục đích duy nhất, đó là xây dựng vương quốc Thiên Chúa ngay tại đây và ngay tự bây giờ. Dĩ nhiên, sứ vụ đó không dễ. Nhưng Chúa Giêsu muốn chúng ta thấy được tầm quan trọng của sự quyết tâm. Bài phúc âm hôm nay còn cho chúng ta một cái nhìn rõ rệt về sự quyết tâm và sự hy vọng.
Chúng ta trở nên người Công Giáo với hy vọng được cứu độ. Chúng ta đọc Kinh Thánh để tìm kiếm một Thiên Chúa thật. Chúng ta suy gẫm lời Chúa để tìm hiểu ý nghĩa đối với chúng ta. Và thật hạnh phúc dường nào khi chúng ta được rửa tội làm con cái Chúa. Chúng ta cảm thấy ngập tràn ơn sủng với dầu Thêm Sức trên đầu. Chúng ta như ngất ngây khi được rước Mình và Máu Thánh Chúa. Trong những giây phút đó, chúng ta cảm thấy mình giống như một người trong bài phúc âm hôm nay nói với Chúa Giêsu "Con sẽ đi theo Thầy bất cứ đâu" (Lc 9:57). Chúng ta hy vọng rằng Chúa sẽ chào đón chúng ta, ôm lấy chúng ta và cảm ơn thiện chí của chúng ta, nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu trong bài phúc âm hôm nay đem lại cho chúng ta một điều quan trọng hơn nữa: Người không muốn chúng ta sống trong ảo tưởng. Chúa nói, "Con chồn có hang và chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ gối đầu." Chúa muốn chúng ta phải cẩn thận nếu chúng ta muốn theo Chúa để được giầu có, hay tiếng tăm, hay quyền bính, bởi vì một khi chúng ta tìm kiếm các giá trị trần tục, chúng ta sẽ mất mục tiêu là vương quốc Thiên Chúa mà nó quá quan trọng đến độ Chúa Giêsu đã nhắc nhở đến hơn một trăm lần trong các phúc âm.
Vương quốc Thiên Chúa hay nước trời là một điều rất khó hiểu nên Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để diễn tả nước trời, tỉ như dụ ngôn Kho Tàng chôn giấu trong thửa ruộng, dụ ngôn Hạt Ngọc Quý, dụ ngôn Người Gieo Giống và Hạt Giống, dụ ngôn Men Bột (x. Mt. 13) , dụ ngôn Hạt Cải (x. Mc 4:30-32). Theo các dụ ngôn này, Nước Trời là điều gì đó đã khởi sự ngay trong đời này và sẽ tiếp tục cho đến đời sau, và thật may mắn, Thánh Phaolô đã diễn tả các đặc tính Nước Trời cho chúng ta. Ngài nói với tín hữu Rôma, "Nước Trời không phải là vấn đề ăn uống, nhưng là sự công chính, bình an và niềm vui trong Thánh Thần" (Rom. 14:17).
Sự công chính theo tiếng Hy Lạp là "dikaios" và nó có nhiều ý nghĩa, nhưng bây giờ chúng ta chỉ chú ý đến ba đặc tính của nó là sự tương giao, sự trong trắng và sự thánh thiện. Chúng ta phải có sự tương giao tốt đẹp với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta phải sống không tì ố xứng với phẩm giá là con cái Thiên Chúa, và chúng ta phải trở nên thánh thiện.
Khi cố gắng đạt được sự công chính, chúng ta có sự bình an, là đặc tính thứ hai của Nước Trời. Bình an không phải là thiếu vắng chiến tranh, nhưng bình an là "shalom" theo tiếng cổ Do Thái, nó có nghĩa sự no thỏa của linh hồn, tâm trí và thể xác. Khi chúng ta bình an, chúng ta sống hài hòa với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta không còn ao ước gì khác hơn là Thiên Chúa. Bình an tuyệt đối chỉ có ở thiên đàng. Ở đời này, ai có được sự bình an thì không còn nô lệ cho vật chất vì họ đã được no thỏa về linh hồn, tâm trí và thể xác—tuy không tuyệt đối nhưng phần nào họ đã chế ngự được lòng ham muốn vật chất của mình. Khi làm chủ được con người, đó là niềm vui trong Thánh Thần.
Niềm vui trong Thánh Thần không phải là một ảo tưởng, hay thuần túy tâm lý. Chúng ta biết được điều này là nhờ các nhà truyền giáo. Họ phiêu lưu đến các quốc gia xa xôi, dù biết trước là sẽ có nhiều gian khổ đang chờ đợi họ, nhưng họ vẫn cứ đi. Làm thế nào họ có thể sống như vậy? Dĩ nhiên, họ là người can đảm, nhưng trên thực tế, không ai có thể sống mà không có niềm vui, dù là vật chất hay tinh thần, và chắc chắn rằng niềm vui của các nhà truyền giáo không bởi sự tiện nghi vật chất, vậy từ đâu? Câu trả lời duy nhất là từ việc làm chủ được con người của mình, đó là một niềm vui rất thật và rất có giá trị mà Thánh Phaolô nói trong bài đọc hai hôm nay: "Vì sự tự do mà Đức Ki-tô đã giải thoát chúng ta; vậy hãy đứng vững và đừng mang lấy ách nô lệ một lần nữa. Vì anh chị em đã được mời gọi để hưởng sự tự do. Nhưng đừng lợi dụng tự do để sống theo tính xác thịt, nhưng hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau" (Gal 5:1, 13).
Chúng ta theo Chúa Giêsu với hy vọng được ơn cứu độ, nhưng sự hy vọng đó không lấy đi trách nhiệm của chúng ta. Để chu toàn bổn phận, chúng ta cần sự quyết tâm, và giữa sự quyết tâm và hy vọng có sự khác biệt lớn lao. Chúng ta sẽ minh họa sự khác biệt này bằng câu chuyện có thật của những người đã sống sót trong một tai nạn phi cơ xảy ra vào tháng Mười năm 1972 trong rặng núi Andes —đó là các cầu thủ trung học người Uruguay sang tham dự trận đấu banh bầu dục (rugby) ở Chí Lợi.
Chiếc máy bay mang tên là Fairchild và bị rớt vì các phi công đã báo cáo sai vị trí. Họ tưởng đã bay được sang bên kia rặng núi nhưng thực sự thì máy bay vẫn còn ở bên này triền núi, nên thay vì đáp xuống phi đạo, họ đã đâm vào sườn núi đầy tuyết.
Chỉ có ba mươi hai người sống sót. Tất cả đều không chuẩn bị cho cao độ này. Ban đêm, nhiệt độ xuống dưới mức đông đá mà quần áo của họ là để dùng cho mùa thu. Chiếc máy bay lại bị đứt đuôi, để hở một khoảng trống thật lớn nên dù ở bên trong lòng phi cơ họ vẫn lạnh cóng. Tuy vậy, họ yên tâm chờ đợi được cấp cứu vì nghĩ rằng đã báo cáo đúng vị trí.
Họ tìm được một chiếc rađiô nhỏ để lắng nghe tin tức, và khi biết rằng công cuộc cấp cứu đã bắt đầu, họ hy vọng từng ngày một.
Sau mười một ngày, tin tức từ rađiô cho biết việc cấp cứu đã bị chấm dứt vì nhóm cấp cứu không tìm thấy vết tích gì cả. Tất cả nhóm sống sót khi nghe tin này họ đã thực sự tuyệt vọng, ngoại trừ một người là Nando Parrado, 23 tuổi, anh nhất quyết tìm đường trở về.
Anh không biết chỗ rớt máy bay là ở đâu, cách thành phố bao xa, hoặc nằm về hướng nào. Anh biết Chí Lợi là ở hướng tây, nhưng giờ đây núi chắn chập chùng. Anh ở một cao độ thường xuyên tuyết phủ và quần áo của anh thật mỏng manh so với giá rét.
Ngay sau khi được biết cuộc cấp cứu bị cắt đứt, Nando nói, "Đây là một tin tốt cho chúng ta". Tại sao tốt? Là vì anh không còn trông chờ vào toán cấp cứu mà tập trung vào việc tự cứu lấy mình. Nhưng nhiều người đã thực sự tuyệt vọng, họ không muốn vượt qua đồi núi chập chùng tuyết trắng để đi tìm sự sống.
Nando rủ thêm một người bạn nữa là Roberto Canessa, 19 tuổi, lên đường tìm về đồng bằng. Động lực chính thúc đẩy Nando là tình yêu của anh dành cho người cha, đang ở nhà ngóng đợi, vì mẹ và em của anh đã chết trong tai nạn này. Anh biết cha anh cần đến anh.
Sau chín ngày, Nando và Roberto đã đến chân núi và họ gặp được một nông dân Chí Lợi, và sau đó họ đã được cấp cứu.
Kể từ khi chiếc máy bay gặp nạn cho đến lúc được cấp cứu, những người sống sốt đã phải trải qua 72 ngày kinh hoàng, thiếu thốn đủ mọi thứ. Tất cả là 45 người, bây giờ chỉ còn 16 người sống sót nhờ sự quyết tâm của Nando.
Sau này, Nando cho biết, "Khi tôi đứng trên đỉnh núi cao 12,000 bộ với Roberto Canessa, nhìn xuống các ngọn núi trắng xoá đầy tuyết ở chung quanh, tôi biết chúng tôi sẽ chết. Tuyệt đối không còn cách nào khác. Và rồi chúng tôi quyết định phải chết như thế nào: chúng tôi sẽ tiến về phía mặt trời ở phương tây."
Hai năm sau, câu chuyện anh hùng của hai người đã được viết thành sách lấy tên là Alive, và vào năm 1994, một cuốn phim được thực hiện với cùng một tên này.
Sự quyết tâm thì khác với sự hy vọng. Nó không xinh đẹp. Nó không dễ chịu. Nhưng nó hữu hiệu hơn sự hy vọng.
Đó là điểm mà Chúa Giêsu muốn nói trong bài đọc hôm nay. Người không muốn chúng ta chết trong sự hy vọng cứu độ, nhưng phải quyết tâm đạt được điều đó.
TINH THẦN SIÊU THOÁT
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
(Suy niệm Tin Mừng Lu-ca (Lc 9, 51-62) trích đọc vào Chúa Nhật 13 thường niên)
Một vị linh sư Ấn-độ đang ngồi tịnh niệm bên bờ sông thì có một thanh niên giàu sang đến xin làm đệ tử. Anh ta tiến đến và cung kính đặt dưới chân vị linh sư hai viên ngọc quý như một lễ vật nhập môn. Vị linh sư mở mắt, thấy hai viên ngọc long lanh dưới chân mình, chẳng nói một lời, cầm lấy một viên ném thẳng xuống sông.
Hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối, chàng thanh niên vội nhảy xuống sông và lặn xuống đáy cố tìm cho bằng được viên ngọc quý nhưng suốt cả ngày hì hụp ngoi lên lặn xuống hao hơi nhọc công, viên ngọc vẫn biệt tăm.
Chiều đến, với vẻ mặt thất vọng, chàng đến gặp vị linh sư để xin chỉ đích xác nơi mà ngài đã ném ngọc xuống để may ra tìm lại dễ hơn.
Bấy giờ vị linh sư cầm lấy viên ngọc thứ hai ném thẳng xuống sông và nói: “Ta đã ném nó vào đúng chỗ nầy.” (dựa theo Cha Anthony)
Bấy giờ chàng thanh niên chợt hiểu ra rằng bài học đầu tiên mà vị linh sư dạy anh là: muốn trở thành môn đệ của ngài thì điều kiện tiên quyết là phải có tinh thần siêu thoát, phải sẵn sàng dứt bỏ mọi dính bén với của cải thế gian.
Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng dạy cho những ai muốn trở thành môn đệ của Người cũng phải có một tinh thần siêu thoát tương tự, chủ yếu là siêu thoát đối với ba sự việc sau đây:
Thứ nhất: siêu thoát đối với những tiện nghi và của cải
“Đang khi Thầy trò đi đường thì có kẻ thưa Chúa Giê-su: "Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo." Người trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."
Với những lời nầy, Chúa Giê-su cảnh báo rằng: ai muốn theo Người thì trước hết phải lượng sức mình: Có đủ siêu thoát để chấp nhận cuộc sống thiếu thốn như Người, ngay cả chỗ tựa đầu cũng chẳng có chăng?
Thứ hai: siêu thoát đối với những trói buộc trần thế để ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng.
Rồi Chúa Giê-su lại gặp một người khác và cất tiếng mời gọi: "Anh hãy theo tôi. Người ấy thưa: "Thưa Thầy, xin cho phép tôi về chôn cất cha tôi trước đã."
Đức Giê-su muốn anh siêu thoát khỏi trói buộc nầy nên bảo: "Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo Triều Đại Thiên Chúa."
Tất nhiên Chúa Giê-su vẫn đề cao việc thờ cha kính mẹ (Mc 7,10), nhưng qua lời dạy nầy, Người đòi hỏi ai muốn trở thành môn đệ của Người phải dành ưu tiên tuyệt đối cho việc loan báo Tin Mừng, còn việc chăm sóc phụng dưỡng ông bà, mai táng cha mẹ tất nhiên đã có anh em họ hàng ở nhà chung lo.
Thứ ba: siêu thoát khỏi những tình cảm riêng tư để dốc hết tâm lực cho việc loan báo Tin Mừng.
Đi thêm chặng nữa, Chúa Giê-su gặp một người khác tình nguyện theo Người: "Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình trước đã." Đức Giê-su bảo: "Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đàng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa."
Với người nầy, Chúa Giê-su kêu gọi phải siêu thoát khỏi những mối tình cảm gia đình để thảnh thơi lo việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Đã xông pha lên đường phụng sự Nước Trời mà còn vấn vương những mối tình cảm riêng tư thì chẳng khác chi “đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau”.
***
Những mối ràng buộc do của cải tiền tài, do những mối tình cảm riêng tư… như những chiếc vòi của con bạch tuộc khổng lồ huyền thoại, cuốn chặt lấy những chiến sĩ của Tin Mừng, không để cho họ xông pha lên đường phụng sự lý tưởng cao đẹp.
Khi kêu gọi người môn đệ siêu thoát đối với của cải tiện nghi và những ràng buộc của những mối tình cảm hẹp hòi, Chúa Giê-su mong muốn những ai dấn thân phụng sự Nước Trời hãy can trường chặt đứt những chiếc vòi quỷ quái đó hầu có thể thảnh thơi thi hành sứ vụ.
Cần thật nhiều ơn Chúa, cần có nhiều bản lãnh và nghị lực bản thân mới có thể thực hiện được những đòi hỏi khó khăn nầy.
Lạy Chúa, xin luôn ở bên chúng con, đồng hành với chúng con và cùng chiến đấu với chúng con. Amen.
HẠNH PHÚC CỦA TỪ BỎ
L.m Giuse Hoàng Kim Toan
Chắc chắn khi Chúa Giêsu đề nghị những người theo Chúa:” Từ bỏ mọi sự để theo Thầy” là một đề nghị để đi tìm hạnh phúc. Con người muốn sống hạnh phúc nhưng lại tự đeo vào mình quá nhiều ràng buộc làm mất đi hạnh phúc. Hạnh phúc là kết quả của con đường từ bỏ.
Trong tâm khảm của con người ước muốn sống hạnh phúc luôn bị những cản trở của cái xấu ràng buộc: “Vải liệm bao thân tôi là khăn liệm bụi bậm và chết chóc, tôi ghét vô cùng, ấy thế mà vẫn cứ yêu thương ôm vào lòng” (28, Lời dâng, R. Tagore).
Hạnh phúc ở đâu khi con người đeo đầy trang sức quý mà không gặp được những tình người đích thực, những tình thân không hề tính toán? Hạnh phúc ở đâu khi ngồi trong những nơi sang trọng mà lòng dạ đang tối đen vì những vụ lợi? Những ràng buộc của vật chất ngày càng dầy lên làm teo tóp đi tâm hồn quảng đại. Hạnh phúc của tâm hồn không có ở nơi vật chất chiếm hữu, hạnh phúc chỉ xuất hiện khi đem vật chất phục vụ cho anh chị em mình, những người lầm lũi, nghèo khó. “Suốt ngày vì sống trong chợ đời đông đúc, hai tay tôi đầy lợi tức bán buôn, xin cho tôi luôn luôn cảm thấy là chưa kiếm được gì” (79, Lời dâng, R.Tagore). Hạnh phúc không có, lợi lộc, tay đầy mà làm gì?. Hanh phúc đích thật là khi trao đi. “Vì thương yêu, Người đã trao tôi hết cả thân mình, rồi từ đó trong tôi Người cảm thấy hương ngào ngạt tuyệt vời” (65, Lời dâng, R. Tagore).
Hạnh phúc không có ở tâm hồn của những con người chất đầy sầu hận, ghen tuông, ác ý. Hạnh phúc không có ở những nơi cửa miệng ngon ngọt, lòng đầy gian dối; không có trong những lời nói nịnh thần, ton hót. Hạnh phúc xa tầm tay với những người chất đầy điêu ngoa. Hạnh phúc sẽ đến khi “Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi mọi biển lận tầm thường… Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai để nâng tâm hồn lên khỏi những ty tiện hàng ngày” (36, Lời dâng, R.Tagore). Hạnh phúc cận kề ngay khi dẹp bỏ những nhỏ nhen. Hạnh phúc, thật đơn giản khi với tâm hồn bình an chiêm ngắm: “ngày lại ngày Người làm cho tôi xứng đáng với tặng vật lớn lao đơn giản. Người ban mà chẳng cần để tôi xin hỏi. Này bầu trời, này ánh sáng, này xác thân, này trí tuệ, này cuộc đời. Cứu tôi khỏi những hiểm nguy của vũng lầy ước muốn” (14, Lời dâng, R. Tagore). Hạnh phúc thật khi lòng không còn gian dối.
Hanh phúc không có ở nơi lý trí u mê vì dục vọng, chẳng có ở những lý trí mù quáng, lầm lạc, cũng không có ở nơi lý trí của kẻ kiêu căng. Hạnh phúc trong lý trí tự do của những con người hướng về Thiên Chúa. “Nơi ấy suối lý trí trong veo lượn khúc không lạc lối vào bãi cát ủ dột, hoang vu của tập quán khô cằn, cứng nhắc. Nơi ấy, Cha dẫn tâm trí con vào hành động, vào suy tư mở rộng” (35, Lời dâng, R.Tagore). Hạnh phúc khi lý trí vượt khỏi giới hạn của trần thế để vào trong ý muốn của Thiên Chúa.
Hạnh phúc qúa khi hôm nay tôi bắt đầu con đường từ bỏ, từ bỏ như vứt khỏi nơi mình cành cây bị sâu đục không kết trái, hạnh phúc quá khi từ bỏ những ty tiện hằng ngày để gọi những người chung quanh là anh chị em thân tình. Hạnh phúc tràn ngập ngay khi ra khỏi căn nhà tù tráng lệ của mình để đi đến với anh chị em nghèo khó. Hạnh phúc ngay bên mình khi tâm hồn không còn chai cứng, không còn tất bật giữa chợ đời, lấm lét thỏa đầy túi tham. Hạnh phúc khi biết sống đích thực giữa cuộc đời này, mỗi người được là “cây sáo rỗng để Thiên Chúa thổi vào đó giai khúc dịu êm của Người” (R. Tagore) .
Tận hưởng hạnh phúc ngay khi từ bỏ.
Xin cho con biết từ bỏ mỗi ngày để theo Chúa là nguồn cội mọi bình an và hạnh phúc.
“Chỉ mong tôi chẳng còn gì để gọi Người là tất cả của tôi. Chỉ mong ràng buộc trong tôi chẳng còn gì, nhờ thế trói buộc thân mình vào ý muốn của Người” (34, Lời dâng, R. Tagore). Mong Người lấy đi và mong chẳng còn gì là của con. Amen.
XÁC THỊT-THẦN KHÍ
Lm. Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R.
Trong một cuốn sách nói về tu thiền tại Nhật, có thuật lại câu truyện sau:
Một sư phụ dạy thiền có rất nhiều đồ đệ. Một lần kia, trong một cuộc tụ tập an cư nhập định, một anh đệ tử đã bị bắt quả tang về tội ăn cắp. Việc này được trình lên cho sư phụ với lời yêu cầu trục xuất tên tội phạm. Nhưng vị sư phụ lờ đi, làm như không có gì sảy ra. Mấy hôm sau, người đệ tử kia lại bị bắt tại trận đang khi giở trò chôm chỉa đồ vật của người khác. Vụ việc lại được trình lên, nhưng dường như sư phụ cũng chẳng bận tâm. Điều này làm cho các đệ tử nổi nóng. Họ họp nhau lại, cùng soạn ra một tờ kiến nghị, trình bày hành động xấu xa của tên ăn cắp, và tuyên bố rằng nếu sư phụ không xử tội hắn thì bọn họ sẽ bỏ theo thầy khác hết.
Đọc qua tờ kiến nghị, vị sư phụ cho gọi tất cả mọi người đến và nói:”Các anh là những người khôn ngoan. Các anh biết việc nào nên làm và việc nào không nên làm. Các anh có thể đi học với bất cứ vị thầy nào các anh muốn. Còn người anh em đáng thương này, anh ta u mê lầm lạc và thiếu can đảm tránh xa điều xấu. Nếu tôi không dạy thì ai sẽ là người dạy anh ta đây? Nếu tôi từ chối thì ai sẽ là người đón nhận anh ấy? Thế cho nên, tôi sẽ giữ người anh em này lại cho dù tất cả các anh có bỏ đi hết.”
Một dòng nước mắt tuôn xuống trên khuôn mặt của người đệ tử ăn cắp. Tất cả lòng tham muốn của cải người ta tự dưng biến mất khỏi lòng anh.
Nhờ cảm được tấm lòng xót thương mà dòng nước mắt thống hối đã tuôn trào. Thế ra tiến trình hoán đổi con người không nhất thiết là cứ phải kết án, khước từ, hay trục xuất. Sức mạnh có khả năng tái sinh và thăng tiến tâm hồn nhất chính là sức mạnh của tình thương. Chỉ có tình thương, với lòng quảng đại bao dung, cùng sự cảm thông nhân ái mới làm tái sinh và phục hồi những nét đẹp cao quí của tâm hồn con người.
“Tình thương thì hết lòng bao dung, hết lòng kính tin, hết lòng trông cậy, hết lòng kiên nhẫn” (1 Cr 13:7). Đó chính là giáo lý của Đức Kitô. Yêu thương là thứ lửa Ngài mang xuống từ trời cao để đốt lên trong tâm hồn mọi người dương thế, chứ không phải thứ lửa của hận thù trả đũa. Giáo lý thương yêu này bàn bạc nhiều nơi trong Tân Ước, từ dụ ngôn Tình Cha (Lc 15) cho đến Hiến Chương Nước Trời (Mt 5), từ Bài Ca Đức Mến của Thánh Phaolô cho đến lời khuyên muôn thuở của Thánh Gioan. Nhưng nổi bật nhất vẫn là câu chuyện sảy ra nơi một thành dân ngoại.
Số là khi biết gần đến ngày rời khỏi thế gian, Đức Giêsu đã quyết định lên đường đi Giêrusalem. Con đường thẳng từ Galilê đến Giuđêa băng ngang thành Samari, nơi những người Do thái tạp chủng cư ngụ. Mối bất hoà giữa người Samari và dân Do thái đã kéo dài từ bao thế kỷ, không chỉ vì lý do đồng chủng, nhưng còn vì quan niệm về nơi thờ phượng: một bên thì bảo chỉ có Giêrusalem mới là nơi thờ phượng chính đáng, bên kia lại cho rằng trên núi Samari cũng là nơi thờ phượng chân thật. Không ai chịu thua ai.
Rốt cuộc, người Samari đã tìm mọi cách ngăn cản, có khi còn đã thương những người hành hương đi ngang lãnh thổ của họ. Thế nên chẳng lạ gì khi dân thành Samari “không đón tiếp Đức Giêsu, vì Ngài hướng tới Giêrusalem” (Lc 9:53). Nhưng điều hơi lạ là hai môn đệ thân cận của Chúa Giêsu là Giacôbê và Gioan đã nổi nóng khi bắt gặp thái độ “vô lễ và ngoại đạo” của dân Samari: họ xin Chúa cho phép khiến lửa từ trời xuống tiêu diệt cả thành.
Chắc hẳn hai ông đã tức giận vì Chúa. Họ nhớ lại hình ảnh của ngôn sứ Êlia trong cuộc biến hình trên núi Tabor ít ngày trước đó, nên muốn bắt chước ngài xin lửa từ trời thiêu sạch những kẻ thù nghịch.
Nhưng Đức Giêsu đã quở trách: “Không biết thần khí nào đã xúi dục các ngươi? Vì Con Người đến không phải để huỷ diệt, nhưng là để cứu sống” (Lc 9:55-56). Chúa Giêsu không đến để kết án, sát phạt, hay loại bỏ, nhưng để tha thứ, chữa lành, và giải thoát.
Thái độ của Giacôbê và Gioan có lẽ cũng là thái độ của một vài Kitô hữu, khi vì quá “sốt sắng việc đạo” mà sẵn sàng bất khoan dung với những kẻ chống đối hay trái nghịch lập trường. Họ muốn có biện pháp mạnh, thậm chí cả bạo lực để giải quyết những rào cản bước chân. Nhưng đó không phải là thái độ của Tin mừng. Thái độ của Tin mừng chính là thái độ cao thượng của Đức Giêsu đối với dân thành Samari: nhân hậu với mọi người, ai chưa hiểu mình thì vẫn khoan dung và đối xử tử tế.
Đường lên Giêrusalem của Chúa Giêsu là đường tiến đến đỉnh cao của yêu thương cứu độ. Nhưng yêu là khổ và cứu độ tất phải bỏ mình. Từ bỏ cách dứt khoát và quyết liệt là điều kiện rất yếu dành cho những ai muốn trở nên đồ đệ chân chính của Đức Kitô. Chấp nhận số phận bị khước từ đến nỗi không có nơi gối đầu, hết lòng lo việc Nước Trời đến nỗi hy sinh những liên hệ tình cảm gia đình, và can đảm từ bỏ mọi sự để tiến vào con đường thánh giá, hầu mang lại ơn tha thứ và giải thoát, chính là nẻo đường Thầy trò Đức Giêsu đang đi qua.
Ngày xưa, khi được ngôn sứ Êlia kêu gọi đang lúc cày ruộng, Êlisê đã lấy ngay chiếc cày của mình để đốt lửa thui các con bò làm bữa tiệc lên đường. Hành động tiêu huỷ tất cả những phương tiện làm ăn sinh sống chứng tỏ một thái độ từ bỏ dứt khoát: quyết không vướng bận để từ nay chỉ sống cho lý tưởng. Đây phải là mẫu gương cho người theo Chúa.
Không có sự từ bỏ nào lớn lao và khó khăn cho bằng sự từ bỏ chính mình cũng có nghĩa là tháo cởi những đam mê xác thịt và mặc lấy thần khí mới của tình yêu.
Tôi nhớ đến lời nhắc nhở của Thánh Phaolô: “Anh em đừng thoả mãn các đam mê xác thịt… như dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, ma thuật, hằn thù, kình địch, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè đảng, ganh tị, say sưa, chè chén… Nhưng hãy sống theo thần khí với những gì là mến yêu, vui mừng, bình an, rộng rãi, tốt lành, lương thiện, tín trực, hiền từ, tiết độ” (Gl 5:19-23).
Nhìn tới trước và bước đi trên nẻo đường do Thần khí dẫn lối là ta đang đắp xây cho đời nền an bình và tình hiệp nhất mà Đức Kitô hằng mong ước. Amen.
Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca
Tại sao người Maya biến mất?
Nền văn minh Maya cổ đại đã biến mất 500 năm trước khi người châu Âu khám phá ra châu Mỹ. Hiện nay tồn tại hai giả thuyết về sự biến mất của dân tộc này:
Giả thuyết thứ nhất mang tính hoang đường cho rằng, sau khi đã sử dụng hết những kiến thức độc nhất vô nhị của mình, người Maya đã chuyển sang một dạng tồn tại khác.
Bộ lịch khắc trên đá của người Maya
Những công trình vĩ đại của người Maya vẫn còn mãi với thời gian
Giả thuyết thứ hai mang tính khoa học, các nhà khoa học tin rằng, người Maya đã tự gây ra ngày tận thế cho chính mình. Họ đã làm kiệt quệ vùng đất mà họ sử dụng để làm hệ thống nông nghiệp, nên họ buộc phải rời bỏ thành phố của mình và di tản ra khắp nơi trên thế giới để tìm kiếm những vùng đất màu mỡ hơn.
Liệu ngày tận thế có xảy ra?
Vậy khoa học hiện đại nghiên cứu những lời tiên đoán của người Maya để làm gì? Đó là nhằm để dự đoán những thảm họa có thể xảy ra, vả lại những thảm họa ấy có thể sẽ rơi vào đúng thời điểm mà dân tộc cổ đại này đã chỉ ra. Hiện tồn tại một số viễn cảnh về thảm họa đối với hành tinh của chúng ta sau:
Viễn cảnh thứ nhất : một tiểu hành tinh nào đó lao vào Trái đất, thậm chí chỉ cần một hành tinh rất nhỏ, làm tiêu tan mọi sự sống trên trái đất.
Viễn cảnh thứ hai : do hậu quả của động đất, từ dưới lòng đại dương xuất hiện sóng thần gây lên lũ lụt toàn cầu. Điều này đã từng xảy ra nhiều nghìn năm về trước.
Viễn cảnh thứ ba : các nhà khoa học vị lai lại ngả về ý tưởng cho rằng, loài người sẽ bị diệt vong do hậu quả của sự tiến bộ phát triển nhanh chóng. Đó chính là công nghệ hạt nhân.
Kim tự tháp của người Maya
Như đã biết, ở độ sâu 100m dưới lòng đất, tại khu vực biên giới giữa Pháp và Thụy Sĩ, trên vùng lãnh thổ có diện tích 27km2, người ta đã xây dựng một máy gia tốc hạt cơ bản. Có quan điểm cho rằng, khi những hạt này đạt được tốc độ chui qua lỗ đen, thì chúng có thể hấp thụ được không chỉ trái đất mà còn cả Thái Dương hệ. Thời gian các hạt cơ bản thoát ra bề mặt là vào đúng năm 2012 (phải chăng người Maya nói đúng?). Vấn đề không phải ở chỗ liệu điều đó có xảy ra hay không, mà đơn giản là khi nào nó sẽ xảy ra mà thôi.
Các nhà khoa học vị lai cũng có tư tưởng cho rằng, lỗ đen chẳng là gì khác ngoài là một đường hầm giao thông để di chuyển giữa các dạng tồn tại khác nhau. Trong vũ trụ tồn tại 11 dạng tồn tại khác nhau. Người Maya cổ đại cũng đã nắm được những kiến thức này.
Chữ khắc và bích họa Maya
Hiện có ba cách giải thích về thời điểm có thể mà người Maya đã tiên đoán vào năm 2012: 1 - “ban ngày sẽ kết thúc” – tức là ánh sáng sẽ tắt, bóng đêm sẽ bao trùm Trái đất; 2 - nền văn minh của chúng ta sẽ liên lạc được với đại diện của những nền văn minh ngoài Trái đất; 3 - loài người sẽ bắt đầu một thời kỳ phát triển mới. Những khả năng chưa từng có (như siêu năng, thần giao cách cảm…) sẽ phát triển. Bởi như đã biết, chúng ta chỉ đang sử dụng 10% não và 8% DNA của mình. 92% DNA còn lại bị bỏ phí. Một bước nhảy vọt về tiến hóa sẽ diễn ra. Con người hiện đại sẽ trở thành con người hiện đại khôn ngoan.
Tượng chúa Maya
Hình khắc Maya
Nhà vật lý Fernando Malkul ủng hộ giả thuyết sau cùng này. Ông nói: “Hiện chúng ta đang sống ở thời kỳ non ấu trong sự phát triển tiến hóa của nhân loại. Đối với loài người, năm 2012 sẽ là thời điểm đột phá về thông tin vũ trụ, chúng ta sẽ tiếp cận được những kiến thức tận cùng. Điều này sẽ trở thành bước đầu của quá trình can thiệp vào vũ trụ và trí tuệ vũ trụ”.
Chúng ta không nên có thái độ thiếu nghiêm túc đối với những tiên đoán của người Maya, nhưng có thể lý giải chúng theo cách khác. Trong những bức thông điệp của nền văn minh này, chúng ta gặp quan điểm cho rằng, kết thúc đơn giản chỉ là sự khởi đầu. Kết thúc của kỷ nguyên cũ là khởi đầu của kỷ nguyên mới. Chu kỳ lịch này kết thúc thì chu kỳ lịch mới sẽ đến. Chúng ta cần phải đón năm 2012 với niềm hi vọng lớn lao và cần phải chuẩn bị một cái gì đó cho điều này.
Hãy sống theo nguyên tắc của người Maya cổ đại
1 - Biết sống và tận hưởng cuộc sống; 2 - Sống hài hòa với thiên nhiên; 3 - Sống trong bầu không khí yêu thương, luôn mỉm cười; 4 - Không lo lắng, không kết tội, không nghe những điều đơm đặt; 5 - Biết lắng nghe tiếng nói của con tim mình.
Tin vào ngày tận thế hay không đó là tùy vào mỗi người. Có thể người Maya đã cố gắng nói với chúng ta rằng, phải tận dụng mọi cơ hội để trở nên tốt hơn và hiền hậu hơn. Biết đâu đàn con của Báo đã được sinh ra và rất có thể họ lại là ai đó trong số chính chúng ta. Và liệu có ngày tận thế hay không? Chúng ta hãy cùng sống và chứng kiến !
Theo Sự Thật (24H.com.vn)
Tiểu sử Như Thương:
Như Thương tên thật là Phạm Kim Hương sinh năm 1956
Đến với Ban mê Thuột từ năm 1962 và rời xa năm 1975
Yêu thơ, nhạc và nhiếp ảnh
Tác phẩm đã xuất bản:
Thơ: Thơ Như Thương (2004)
Thơ: Đàn Cho Biển Hát (2005)
Thơ: Tháng Sáu, Yêu Em (2006)
CD Nhạc: Dấu Chữ Tình (2006) - Nhạc sĩ Nguyễn Tất Vịnh phổ thơ Như Thương
Thơ: Đa Tình Khúc (2009)
Mời nghe bài viết này trên đài VOATrầu ơi, xanh lá cho mau
cho duyên con gái thắm màu vôi yêu
Nghe câu lục bát ấy, nghe lời tỏ bày ẩn chứa những tình ý yêu đương ấy, chúng ta dễ dàng đoán biết được, đấy phải là thơ của một nhà thơ nữ.
Bên dưới câu lục bát đầy nữ tính ấy, người ta đọc thấy tên Như Thương.
Thơ em là giọt nắng
của chiều hoàng hôn rơi
Thơ em là giọt mưa
của đêm buồn rưng rức
Nàng thơ Như Thương từng giới thiệu về thơ mình như vậy. Những giọt nắng vàng phai của buổi chiều tàn và những giọt mưa đêm lặng lẽ rơi xuống thành phố nhỏ êm đềm ở Florida–quê hương thứ hai của nhà thơ–cũng đánh thức những nhớ thương dịu dàng về thành phố nào xa xôi trong trí tưởng ở chốn quê nhà. Ban-mê-thuột, với biệt danh “Buồn-muôn-thuở” nghe thật là… buồn, và với vẻ đẹp của những bông dã quỳ hoang dại mọc lên khắp miền đồi núi, như tấm áo màu vàng rực khoác lên thành phố miền cao nguyên đất đỏ ấy, từ thuở nhà thơ còn là cô nữ sinh hay mơ hay mộng và… chớm biết yêu.
Hôn em, vàng nụ dã quỳ
Nụ tình thơ, độ xuân thì năm xưa
Sân trường áo trắng sớm trưa
Lối mòn đất đỏ, cho vừa yêu em
Ngoan ngoan cặp sách êm đềm
Trang thơ tình bỗng… chợt mềm trái tim
Chân ai cuống quýt đi tìm
Một thời hoa bướm đã chìm nơi nao
Cô bé “ngoan ngoan cặp sách êm đềm” ấy, cô nữ sinh áo trắng Như Thương ấy từng sống những tháng năm tươi đẹp nhất của một đời người.
Dường như cô bé rất hiền
Tay ngoan cặp sách, mắt viền ngây thơ
Dường như ai đó tình cờ
Theo chân guốc nhỏ bất ngờ sau lưng
Thế rồi…, một ngày kia cô bỏ trường bỏ lớp, bỏ lại sau lưng thành phố đầy ắp những kỷ niệm, bỏ lại sau lưng những cánh đồng dã quỳ màu vàng rực hoang dại. Cô đã đi biệt, đi mãi không về, để… một người mỏi mắt trông chờ.
Thôi ta như cánh hoa vàng
đợi em về lại ngắm hoàng hoa xưa
Nhiều lắm, những câu lục bát đẹp như thế, mượt mà như thế người đọc dễ dàng bắt gặp đâu đó trong những trang thơ của Như Thương.
Dường như em áo quỳ vàng
Kiêu sa, góc phố rộn ràng theo em…
Hình như ngày tháng mượt xanh
Hình như em lại... nhớ anh vô cùng
Những… “hình như, có lẽ, chắc là, dường như” ấy là những bày tỏ thầm kín, và cũng là ngôn ngữ của tình yêu trong thơ Như Thương. Vẫn chưa hết, ta còn gặp những “phải chi”, “giả dụ”, “giá mà”…
Phải chi mưa chẳng là mưa
chỉ phơn phớt nhẹ cho vừa nhớ nhau…
Phải chi lá chẳng nhuộm vàng
mùa đông quên bẵng dịu dàng môi em…
Phải chi quá khứ về gần
tháng năm đã chẳng bâng khuâng bốn mùa
Thơ tình Như Thương vẽ lên những khuôn mặt khác nhau của tình yêu. Dẫu là khuôn mặt nào, người ta vẫn nhận ra thơ Như Thương, vẫn nghe ra lời mời gọi thật quyến rũ của tình yêu.
Có khi là thầm lặng, là khép kín như tình riêng:
Lạ chưa ánh mắt vô cùng
Lặng im, nhưng đã nghìn trùng có nhau
Nên duyên e ấp má đào
Gót chân em chợt lao đao hồn người
Có khi là bâng khuâng, là vấn vương như tình đầu:
Em, hồn cánh mỏng. Lòng ta
men theo lối cỏ một tà áo vương
Có khi là đằm thắm, là dịu dàng như tình cuối:
Thôi như chiếc lá vàng rơi
Áo bay theo gió hát lời bình yên
Lại có khi là háo hức, là giục giã như nhắc ta phải gấp gáp, phải vội vàng lên để mà chạy đua với chiếc kim thời khắc của tình yêu. Lại có khi là mê đắm, là cuồng nhiệt như bàng hoàng khám phá được bộ mặt khác của tình yêu:
Anh đôi mắt tình mù
rẽ tìm đường hoan lạc
Xác thân em ngơ ngác
khi chợt biết thiên đàng
Liệu đấy có phải là khuôn mặt đích thực và trọn vẹn nhất của tình yêu? Liệu loài người có tìm đến tình yêu như tìm đến những thiên đàng ái ân, như tìm đến những hoan lạc của cuộc sống? Chắc không ai biết rõ câu trả lời hơn nàng thơ của chúng ta.
Trong những trang thơ của Như Thương, ta còn gặp những câu thơ liêu trai, những câu thơ chập chờn giữa mộng và thực, như tình yêu vẫn luôn luôn là điều gì bí ẩn.
Tưởng em ở chốn này
ngờ đâu là kiếp trước
để áo em tha thướt
về gối mộng đêm nay
Những câu thơ như được phủ lên một lớp sương mù huyền hoặc. Huyền hoặc tựa hồ những bông hoa hạnh phúc mà ta chỉ có thể ngắm nhìn từ xa chứ không sao lại gần được. Huyền hoặc tựa hồ những kẻ yêu nhau có vươn tay về phía nhau nhưng không sao chạm tay vào nhau được.
Thật kỳ lạ, tình yêu dường như không bao giờ cũ, không bao giờ già, không bao giờ có tuổi. Sau bao mùa tang thương dâu bể, sau bao nhiêu giông tố dập vùi, người ta vẫn luôn luôn muốn được đi lại từ đầu, muốn được sống thêm một lần nữa “một thời để yêu”, muốn được yêu thêm một lần nữa bóng hình nào đã đi qua đời mình. Như là câu hát trong một tình khúc nào, “Tôi sẽ về lại để yêu em thêm một lần nữa”...
* * *
Thôi thì, anh – cánh chim bay
Em tà áo mỏng theo mây nghìn trùng
Ngắm trong gương lược ngỡ ngàng
Nhìn theo mây tóc vội vàng chia xa…
Cho em giữ tóc tơ mềm
buộc tình xưa ấy êm đềm bên anh
Biết đâu vạt cỏ thiên thanh
mai kia lặng lẽ hoá thành vàng thu
Những câu lục bát ấy ở trong bài “Vàng thu” của Như Thương. Nghe những tình ý và âm điệu của bài thơ, chúng ta như nghe đọng lại một chút vấn vương, một thoáng ngậm ngùi. Ngậm ngùi như cánh chim đã bay mất, như ngày vui qua mau, như những khoảnh khắc hạnh phúc thật ngắn ngủi. Dẫu sao cũng cám ơn Như Thương, cám ơn những câu thơ tựa hồ những khúc nhạc êm dịu làm lay động những trái tim, làm đẹp thêm cho những mối tình.
Cầu cho tình yêu không còn là nỗi cách chia, để cho những đôi tình nhân trên đời này có đủ bốn mùa yêu nhau, và mãi mãi được gần bên nhau…
(Lê Hữu)