Bắt đầu từ năm 1980, cứ hai năm một lần tại Dieppe, thành phố nhỏ bên bờ biển Manche, thuộc vùng Haute Normandie của nước Pháp lại diễn ra Liên hoan diều quốc tế lớn nhất thế giới. Năm nay từ ngày 11 đến 19 tháng chín, Liên hoan diều quốc tế Dieppe lại quy tụ về đây hàng nghìn nghệ nhân diều đến từ khắp năm châu.
Nghe bài viết trên đài RFI
Liên hoan diều quốc tế Dieppe năm nay thu hút 40 nước tham gia cùng với những hoạt động trao đổi giao lưu văn hóa truyền thống phong phú và rất đa đạng. Chưa đến ngày bế mạc nhưng Festival diều Diaeppe đã thu hút được cả triệu lượt du khách đến chiêm ngưỡng, thưởng thức nghệ thuật chơi diều của các dân tộc khác nhau trên thế giới.
Từ năm 1994 những cánh diều Huế của Việt Nam lần đầu được mời tham dự Liên hoan Diều Quốc tế và ngay lập tức đã chinh phục được khán giả và những nghệ nhân diều của thế giới. Từ đó đến nay cứ đến hẹn lại lên, hai năm một lần diều Huế lại đến và bay lượn trên bầu trời Normandie trong sự tán thưởng ngạc nhiên của công chúng. Không chỉ ở Dieppe, thế giờ đây những cánh diều Huế đã được biết đến qua những lần tham dự các cuộc triển lãm và trình diễn nghệ thuật thả diều ở nhiều nước từ châu Mỹ đến Á châu.
Một cảnh thả diều tại Việt Nam
Tham gia Festival diều tại Dieppe lần thứ 15 này, là những cánh diều Huế do ông Lê Phùng giám đốc Nhà Văn hóa Huế và nghệ nhân diều còn trẻ tuổi nhưng đã rất nổi tiếng Nguyễn Đăng Hoàng. Trong lúc Festival diều Dieppe đang diễn ra chúng tôi đã có cuộc trao đổi với hai thành viên của đoàn thả diều Việt Nam. Ông Lê Phùng cho biết.
Lê Phùng 01
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng đã đem đến liên hoan lần này hơn 40 con diều với nhiều loại như: diều rồng, diều phụng, diều hạc, diều nữ hoàng cắp công chúa, diều cá ... Sự đa dạng và phong phú về mẫu mã của diều Huế đã nhận được lời tán thưởng của ban tổ chức và sự thích thú từ phía khán giả.
Trong suốt những ngày diễn ra Festival vừa qua, diều Huế liên tục được chọn thả trên bầu trời vùng Normandie. Ðiểm đặc biệt của diều Huế là nó được làm thủ công rất công phu và mô phỏng gần giống với thực tế mang tính nghệ thuật cao.
Không chỉ những cánh diều đa dạng nhiều màu sắc, mà ngay cả những nét văn hóa truyền thống trang phục áo dài khăn đóng của các thành viên đoàn thả diều Việt nam cũng đã để lại ấn tượng cho bạn bè quốc tế trong ở những hoạt động văn hóa bên cạnh Festival. Cảm động nhất là những người Việt sống trên đất Pháp đã đến Festival diều rất đông cốt chỉ để được xem những con diều xứ Huế. Ai cũng rất tự hào khi thấy diều Việt Nam bay lượn trên đất Pháp. Ông Lê Phùng kể lại :
Lê Phùng 02
Với sắc màu thật rực rỡ, hình ảnh sống động những con diều Huế đã gây một ấn tượng thật mạnh không chỉ với khán giả mà ngay với cả ban tổ chức.
Diều Huế đã có trên trăm năm tuổi. Vùng đất cố đô Huế ngày trước vốn là nơi hội tụ nhiều nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo ,và trong đó có một trò chơi dân gian đã được nâng lên tầm nghệ thuật - nghệ thuật làm diều và thả diều. Mới chỉ ít năm trở lại đây những cánh diều Huế mới có dịp được bay cao, bay xa phát triển mạnh nhờ có nhiều hoạt động giao lưu văn hóa.
Ngày nay ở Huế, những ngày hội thả diều truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày 26.3. Tên tuổi của các nghệ nhân nổi tiếng như: Ưng Sùng, Ưng Bàng, Nguyễn Văn Bê, Nguyễn Văn Ry, Nguyễn Đăng Hoàng.. đã được rất nhiều người biết đến. Thả diều nay đã thành một nét sinh hoạt văn hóa rất đặc trưng của người dân thành phố Huế.
Lê Phùng 03
Ðể duy trì và gìn giữ nghệ thuật thả diều truyền thống, các nghệ nhân Huế còn thường xuyên mở các lớp dạy làm diều, thả diều cho thanh, thiếu niên. Trong hội thi thả diều, màn biểu diễn thả diều đầu tiên bao giờ cũng do các em thiếu nhi ở Huế đảm nhiệm, sau đó mới đến phần thi biểu diễn của nghệ nhân. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng cho biết.
Nguyễn Đăng Hoàng 01
Có lẽ cũng nên có đôi lời về nghệ nhân Nguyễn Đăng Hoàng. Mới ngoài ba mươi tuổi, theo lời anh kể thì anh đã có 22 năm say mê sáng tạo với những cánh diều. Đã không ít lần anh mang những cánh diều của mình đến giới thiệu ở nhiều miền đất trên thế giới và diều của anh làm đã được những người chơi diều trên thế giới biết đến và tìm mua.
Nguyễn Đăng Hoàng 02
Đến giờ thì làm diều nghệ thuật không còn là trò chơi thời trẻ con nữa mà nó đã là cái nghiệp, những con diều của anh làm ra đã gắn với cái thương hiệu « Diều Hoàng » đầy kiêu hãnh. Đã có hàng nghìn cánh diều Hoàng được xuất khẩu sang Úc, sang Mỹ và sang Canada.
Được hỏi về dự định sắp tới của mình, với suy nghĩ của một nghệ nhân đã xác định gắn với cái nghiệp làm diều, dù còn trẻ nhưng Hoàng đã nghĩ tới việc đào tạo một đội ngũ kế nghiệp duy trì cái nét văn hóa truyền thống của xứ Huế này.
Nguyễn Đăng Hoàng 03
Giờ đây nhắc đến Huế, người ta không chỉ còn nhớ đến đó là một vùng đất thanh bình vẻ đẹp thơ mộng của Sông Hương, núi Ngự, sự duyên dáng của những tà áo dài và vành nón Huế hay những lăng tẩm thành quách cổ xưa mà còn nhớ đến những cánh diều Huế chao lượn trên bầu trời, một nét văn hóa của Huế đã in dấu ấn trên những bầu trời rất xa.
Mời xem thêm clip về nghệ thuật thả diều quốc tế
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét