Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2024

Sách Công Giáo: Kinh nguyện gia đình va Gia lễ Công Giáo - Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh

Đưa Tin Mừng vào văn hóa, để vừa diễn tả đức tin bằng những nét đẹp văn hóa vừa biến đổi và thăng hoa văn hóa lên đến tầm cao của Tin Mừng.


Tác giả: Lm. Gioan Phêrô Võ Tá Khánh
Xem và tải sách PDF tại đây 

LỜI GIỚI THIỆU
của Đức cha Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin
 
Giữa một thế giới được coi là trên đường tục hóa, chạy theo vật chất và lãng quên Thiên Chúa, thì trong đời sống Hội thánh xuất hiện một tín hiệu vui mừng, đó là ngày càng có nhiều người quan tâm và yêu thích đời sống cầu nguyện. Thiên Chúa là Sự Sống và là Tất Cả, nên cần cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống, để thánh hiến thế giới cho Thiên Chúa, để đón nhận năng lực cho hoạt động tông đồ và truyền giáo. 

Cầu nguyện là sự sống của một trái tim mới. Cầu nguyện phải làm cho chúng ta được sống động mọi lúc. Tuy nhiên, chúng ta lại quên Đấng là Sự Sống và là Tất Cả của chúng ta. Vì thế, các bậc thầy linh đạo, theo truyền thống của Đệ Nhị Luật và của các tiên tri, đều nhấn mạnh đến việc cầu nguyện như là “nhớ đến Thiên Chúa”, là thường xuyên đánh thức “ký ức của trái tim”. “Chúng ta phải nhớ đến Thiên Chúa thường xuyên hơn là chúng ta hít thở”. Nhưng chúng ta không thể cầu nguyện “trong mọi lúc”, nếu không có những thời điểm chủ ý dành để cầu nguyện: Đây là những nhịp mạnh của kinh nguyện Kitô giáo, chuyên chú và kéo dài hơn. (Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 2697).

Phần đông các tín hữu Công giáo Việt Nam yêu thích cầu nguyện, nhưng nhiều lúc không biết cầu nguyện thế nào, vì thế, cần một sự hỗ trợ để giúp cầu nguyện.  Quyển “Kinh nguyện gia đình và Gia lễ Công giáo” của linh mục Gioan Phêrô Võ Tá Khánh là một cố gắng tổng hợp các lời cầu nguyện trong Hội thánh, với những lời kinh, thánh ca và thánh vịnh quen thuộc, để giúp anh chị em giáo dân sống trong gia đình biết cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh và biến cố của đời sống cá nhân, gia đình và xã hội.

Nếu biết cầu nguyện với đức tin vững mạnh và lòng mến nồng nàn, các cá nhân cũng như gia đình Kitô hữu chắc chắn sẽ được biến đổi và thánh hóa, được sống bình an và hạnh phúc đích thực. Cách riêng trong bối cảnh của chương trình mục vụ “Tân Phúc âm hóa đời sống xã hội” đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam đề ra cho năm 2016, những lời cầu nguyện của Kitô hữu trong đời sống xã hội và cho xã hội chính là một cách thế quan trọng để thánh hóa xã hội và đưa thế giới này về cùng Thiên Chúa là Cội Nguồn tối hậu.

Độc giả sẽ thấy trong tập sách này các lời cầu nguyện trong những dịp đặc biệt theo phong tục và truyền thống văn hóa Việt Nam, như ma chay, cưới hỏi... Thật khó mà xác định những gì là truyền thống văn hóa đích thực và những gì do người ta thêm thắt theo cảm tính chủ quan. Có những điều trái nghịch đức tin Công giáo, các Kitô hữu không được theo. Ngược lại, có những yếu tố chân thiện mỹ trong văn hóa đã được Hội thánh chấp nhận, nhưng nhiều Kitô hữu lại không dám thực hành. Tác giả đã thận trọng phân biệt: Đâu là phong tục của người Việt, những gì người Công giáo được phép hay không được phép làm. Vì không nắm vững đạo lý đức tin và giáo huấn Hội thánh, nhiều anh chị em Kitô hữu cảm thấy lúng túng không biết xử sự thế nào khi dự các nghi thức kính nhớ tổ tiên. Điều này đôi lúc đã tạo nên những ấn tượng không đẹp về những người con, người cháu trong gia đình và dòng tộc, về đạo Công giáo, và từ đó làm ảnh hưởng không nhỏ đối với công cuộc loan báo Tin Mừng.

Tác giả đã mạnh dạn đưa ra những mẫu hướng dẫn người Công giáo cầu nguyện thế nào để vừa trung thành với đức tin Công giáo vừa giữ bản sắc văn hóa Việt Nam. Đây cũng là một nỗ lực hội nhập văn hóa theo nghĩa đầy đủ trong tương quan hai chiều: Đưa Tin Mừng vào văn hóa, để vừa diễn tả đức tin bằng những nét đẹp văn hóa vừa biến đổi và thăng hoa văn hóa lên đến tầm cao của Tin Mừng.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày công bố sắc lệnh về Truyền giáo của Công đồng Vaticanô II (1965-2015), tập sách này là một đóng góp có ý nghĩa vào công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam. Quả thực, như lời của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, “đức tin mà không trở thành văn hóa là đức tin chưa được chấp nhận hoàn toàn, chưa được suy cho thấu và chưa được sống tới cùng”. (Thư thành lập Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa, ngày 20-5-1982).

Xin trân trọng giới thiệu tập sách cầu nguyện này, đặc biệt với các gia đình Công giáo. Nguyện xin Chúa chúc lành cho công trình của tác giả được trổ sinh nhiều hoa trái trong Hội thánh và nơi anh chị em lương dân.

Phát Diệm, ngày 22-10-2015
Giuse Nguyễn Năng
Giám mục Phát Diệm
Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin trực thuộc HĐGMVN



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét