Chào mừng bạn đến với Gia Đình Duy Duy - Chúc bạn vui vẻ và hạnh phúc !

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 16 MTN A (17/07/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 16 MTN (A) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Cỏ Lùng" của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn.



CHÚA KIÊN NHẪN VÀ KHOAN DUNG
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Khuynh hướng bất bao dung

Có lần Liên Hợp Quốc đã chọn nguyên một năm làm "năm quốc tế về lòng khoan dung" để giảm thiểu khuynh hướng bất bao dung ngày càng gia tăng trong nhân loại.

Bao dung là nhân từ, kiên nhẫn chịu đựng những điều xấu của người khác để dần dần tìm cách hoán cải họ. Bất bao dung là đòi trừng trị ngay những người xấu: một người làm gì đó có hại cho ta, ta trả đũa ngay. Do nóng vội, có khi ta không suy nghĩ kỹ xem biết đâu chính ta có gì sai lỗi nên người kia mới cư xử với ta như vậy. Khi người kia bị ta tấn công, họ cũng có thể cho là bị tấn công oan ức nên lại trả đũa ta. Thế là hai bên cứ leo thang. Thực ra có mấy ai hoàn toàn tốt, cũng như có mấy ai hoàn toàn xấu. Thái độ bất bao dung phát sinh từ suy nghĩ cho mình là tốt, hoàn toàn đúng và người ta là xấu, hoàn toàn sai.

Trên bình diện cá nhân và khu xóm, bất bao dung khiến người ta khó sống chung hòa thuận với nhau. Trên bình diện quốc tế, bất bao dung dẫn đến những cuộc chiến tranh khu vực. Mà xung đột và chiến tranh chẳng mang lại ích lợi gì, chỉ toàn gây hại. Chính vì trên thế giới có quá nhiều cuộc chiến tranh khu vực cho nên Liên Hợp Quốc mới thấy cần đề ra một năm quốc tế về lòng bao dung.

Muốn bao dung thì phải biết mình và biết người: biết mình cũng có lỗi lầm, và biết người cũng có những điều tốt. Muốn lấy cái rác trong mắt người ra thì trước hết phải lấy cái xà trong mắt mình đã.

2. Cái nhìn thiển cận

Thiển cận là chỉ thấy gần chứ không thấy xa, chỉ thấy bề ngoài mà không thấy bề trong. Do thiển cận nên người ta bất bao dung, mất kiên nhẫn.

Thiên Chúa có thể bao dung và kiên nhẫn vì Ngài vừa thấy hiện tại vừa thấy tương lai, vừa thấy bề ngoài vừa thấy bề trong.

3. Lành dữ cộng sinh

Nghe bài dụ ngôn "cỏ lùng" hôm nay, có người sẽ lấy làm lạ. Trong cuộc sống, làm gì có một nhà nông nào lại để lúa và cỏ lùng cùng tồn tại trong ruộng mình! Nhưng dụ ngôn là dụ ngôn, nghĩa là một cách nói ví von bóng gió để làm sáng tỏ một vấn đề.

Vấn đề của dụ ngôn là lành dữ cộng sinh và lòng nhân từ cũng như sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Kinh xưa có câu: "Hỏi kẻ lành là ai, kẻ dữ là ai?" Chúng ta ưa thích phân biệt lành dữ, chánh tà, trắng đen rõ rệt. Chánh phải loại trừ tà, lúa tốt phải được chăm sóc, cỏ dại phải nhổ đi. Cái lý đo nhiên là vậy. Rất đơn giản. Nhưng cuộc sống không đơn giản như vậy.

Trong cuộc sống, có những lúc chánh tà không phân biệt rõ rệt. Cỏ lùng mọc chung với lúa tốt. Vả lại, cái mà ta gọi là kẻ dữ không giống như cỏ lùng. Cỏ lùng không thể biến thành lúa nhưng kẻ dữ có thể cải tà quy chánh, có thể hoán cải thành người tốt, nếu xã hội biết kiên nhẫn chờ đợi và tạo những điều kiện cho họ. Vả lại, kẻ lành, nếu không giữ mình, không liên tục làm điều lành, cũng có thể trở thành kẻ dữ. Vậy chẳng ai nên tự phong là lúa tốt, rồi loại trừ, lên án anh em là cỏ lùng. Có lần Chúa đã nói thẳng với những người tự phụ: "Tôi nói thật, bọn thu thuế, bọn gái điếm sẽ vào thiên đường trước các ông kia đấy!"

Qua bài dụ ngôn, Chúa dạy chúng ta lòng nhân từ, kiên nhẫn, và tin tưởng vào sự lành. Hãy tin rằng sự lành sẽ tuần tự triển khai tốt đẹp, mặc dầu có sự dữ kè bên. Sự lành thậm chí còn có sức cảm hóa được sự dữ. "Kẻ lành" Monica đã cảm hóa được "kẻ dữ" Augustinô và cả hai mẹ con cùng trở nên những vị thánh lớn trong Hội Thánh. (Trích số đặc biệt báo Công giáo và Dân tộc, năm 1998, trang 223-224)

4. Người đảng viên quốc xã Schindler

Những ai đã từng xem cuốn phim Schindler's List hẳn đều ghê tởm vai chính của phim đó, tên là Oskar Schindler, một đảng viên Ðức quốc xã, đã từng giết hại rất nhiều người.

Thế nhưng nhiều người đã từng biết ông thì lại ca tụng ông như một ân nhân cứu mạng cho hàng ngàn người khỏi bị Ðức quốc xã giết. Thậm chí có người còn nói: "Ông ta là cha, là mẹ và là niềm hy vọng độc nhất của chúng tôi".

Sự thật là thế nào? Sự thật, Oskar Schindler không phải là một vị thánh, mà là một con người với nhiều dằng co mâu thuẫn: trước hết ông là một người chồng bất trung đã bỏ vợ và chạy theo một cuộc sống ăn chơi thác loại; ông cũng là một người công giáo nhưng lại không sống đạo; ông là đảng viên đảng Quốc xã Ðức từng tích cực ủng hộ cuộc chiến tranh do đảng này phát động; chính ông đã thú nhận rằng ông hy vọng khi chiến tranh thắng lợi thì ông sẽ có hai cái rương đầy vàng; ông còn hành hạ nhiều người Do Thái...

Nhưng bên trong ông lại có một con người khác. Ðó là một người tốt. Nhiều lần đang cư xử như một người xấu, ông lại hướng về bên trong con người tốt ấy. Thấy những từ nhân bị hành hạ tàn nhẫn, ông không chịu nổi và nhiều lần dám đứng lên bênh vực họ. Hai lần ông đã bị bỏ tù vì những hành động như thế.

Sự thật về Oskar Schindler là như thế: vừa là quỷ dữ vừa là thiên thần, trong lòng ông vừa có cỏ lùng vừa có lúa tốt.

5. Trái tim phân chia

Sau nhiều năm phải sống trong trại tập trung, văn hào Alexandre Solzhenitsyn đã nghiệm ra được những ý tưởng sau:

Tôi đã học được một bài học lớn nhờ những năm bị giam trong tù.

Tôi đã hiểu một người trở thành xấu như thế nào và một người trở nên tốt như thế nào.

Tôi đã dần dần nhận ra rằng đường biên giới phân chia giữa tốt và xấu không nằm giữa các nước hay các giai cấp hay các đảng phái chính trị, mà nằm ngay trong lòng mỗi người.

Ngay trong những trái tim ngập tràn sự ác vẫn còn sót lại một đầu cầu nhỏ nối với sự thiện.

Và ngay trong trái tim tốt nhất của các trái tim vẫn còn tồn tại gốc rễ sự ác.

6. Lời cầu nguyện khi đến mùa gặt

Khi đến mùa gặt, rơm rạ bị để qua một bên, trấu bị gió thổi đi, cỏ dại bị quăng vào lửa, và lúa tốt được cất vào kho.

Lạy Chúa, khi đến ngày chết của con, mùa gặt của đời con cũng diễn ra trước mặt Chúa.

Xin bàn tay khôn ngoan của Chúa hãy sàng sẩy và chọn ra những gì đáng giữ lại; nhưng đối với những gì không đáng giữ lại, xin hãy thổi đi bằng hơi thở nhân từ của Chúa.

Thiên Chúa là Ðấng từ bi nhân hậu, chậm bất bình và giàu lòng khoan dung. Người luôn kiên nhẫn đợi trông kẻ có tội ăn năn trở lại.Lạy Chúa, chúng con thường hay xét đoán người khác rất khắc khe mà hầu như quên xét lại chính bản thân mình. Xin giúp chúng con biết can đảm dứt khoác với tật xấu này, để chúng con có thể noi gương Chúa mà sống nhân từ với mọi người hơn.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa


HAI TAY CHẠY ÐUA CAN ÐẢM
Cha Mark Link, S.J.

Cách đây vài năm người ta thấy một loại bích chương phổ biến dán nơi các rạp hát lớn với những chữ sau: "Hãy dừng thế giới lại! Tôi muốn ra khỏi thế giới này!". Biểu ngữ trên nhằm phản đối tất cả sự điên rồ đang gia tăng trên thế giới. Sự điên rồ trên bình diện rộng lớn đang xảy ra, chẳng hạn như sự gia tăng chế tạo vũ khí hạt nhân và 44 cuộc chiến tranh là bằng chứng đã đành, mà cũng có những điên rồ trên bình diện nhỏ chẳng hạn như ở sở thú Detroit người ta phải thuê đem 4 nhân viên nữa mới bảo vệ được thú vật khỏi bị người ta quấy phá. Một con Kanguru Úc còn nhỏ trong lúc đi lạc mẹ đã bị đám con nít ném đá chết. Và rồi tại hồ nuôi cá sấu, nhiều người lớn ném cả tàn xì-gà đang còn lửa xuống những chú cá sấu đang tắm nắng và thích nhìn tro lửa làm phỏng làn da những con vật bò sát này; và phá lên cười khi thấy chúng quằn quại đau đớn.

Những điên rồ như thế khiến chúng ta phải tự đặt cho mình hai câu hỏi gây nhức nhối. Trước hết tại sao tội lỗi vẫn còn lan tràn như thế sau khi Chúa Giêsu thiết lập Nước Chúa đã 2000 năm nay? Phải chăng sau mấy chục thế kỷ, Nước Chúa đã bị tan thành hư không rồi sao? Và Nước Chúa hiện ở đâu? Thứ đến chúng ta nên có thái độ gì đối với sự dữ hiện đang bành trướng trong thế giới hôm nay? Chúng ta có thể làm được gì?

Chúa Giêsu có đề cập đến cả hai vấn nạn này trong bài Phúc Âm hôm nay. Câu trả lời cho vấn nạn thứ nhất là Nước Chúa đã được thiết lập và hiện đang ở trong thế giới chúng ta, giống như cây lúa mì được gieo vào lòng đất và đang lớn lên trong đồng lúa, nhưng cây lúa ấy chưa đến lúc chín, chưa mang lại hoa quả theo như dự định. Hiện nay điều tốt và điều xấu vẫn cùng hiện hữu bên nhau trong thế giới giống như lúa và cỏ lùng hiện hữu bên nhau trong cùng một cánh đồng.

Ðiều này dẫn chúng ta đến vấn nạn thứ hai. Chúng ta phải có thái độ nào đối với những điều xấu đang xảy ra chung quanh chúng ta? Chúng ta có thể làm gì đối với những điều xấu đang gia tăng chung quanh chúng ta giống như cỏ lùng trong đồng lúa? Một cách căn bản, chúng ta chỉ có hai chọn lựa: Chọn lựa thứ nhất là la toáng lên một cách tuyệt vọng: "Hãy dừng thế giới lại! Tôi muốn ra khỏi thế giới này!". Nói cách khác, chúng ta có thể nguyền rủa bóng tối và nói: "Chết tiệt cái thế giới này đi! Nếu thiên hạ cứ muốn đâm đầu vào hố thẳm điên rồ thì cứ mặc xác họ! Tôi sẽ đi tìm một chốn thiên thai an toàn để sống và mặc cho cái thế giới này biến thành địa ngục!".

Khi đối diện với quan niệm này, chúng ta liền nghĩ đến cuốn sách tựa đề Rascals in Paradise (Những đứa con hoang trên thiên đường). Trong phần dẫn nhập cuốn sách này, James Michener và A. Grove Day kể lại một nhà trí thức người Úc đã làm gì khi anh thấy thế chiến thứ hai sắp xảy ra vào cuối thập niên 1930. Anh ta giở cuốn địa dư thế giới ra và tìm kiếm chỗ nào an toàn nhất để trú ẩn khi chiến tranh xảy ập tới. Anh ta quyết định đến trú ẩn ở một hòn đảo ít người biết đến ở Nam Thái Bình Dương. Một tuần trước khi Hitler xâm lăng Ba Lan, anh chàng người Úc ấy di chuyển đến "hòn đảo trú ẩn" an toàn của anh ta. Hòn đảo này tên là Guadalcanal. Không may, hòn đảo này về sau trở nên một trong những bãi chiến trường đẫm máu nhất trong thế chiến thứ hai. Ðiều này cho thấy rõ ngày nay không còn chốn nào trên thế gian có thể dùng làm chỗ ẩn náu, ngày nay không còn những "bến cảng" an toàn trên trái đất nữa. Ngày nay không còn chỗ nào là chốn thiên thai trên trái đất nữa!

Ðiều này dẫn chúng ta đến lựa chọn thứ hai tức là không ngồi đó nguyền rủa bóng tối, mà chấp nhận nó, đồng thời cố gắng thắp lên một ngọn nến. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "Các con là ánh sáng cho cả thế gian, không ai đốt đèn rồi đặt dưới đáy thùng, ngược lại người ấy sẽ đặt trên giá đèn để soi sáng cho mọi người trong nhà. Ánh sáng các con cũng phải tỏa sáng trước thiên hạ như thế" (Mt 5:14-16).

Nhưng, một cách thực tế, làm sao chúng ta có thể thắp lên một ngọn nến giữa đêm đen tăm tối của thế giới hôm nay? Trước hết, chúng ta có thể cầu nguyện. Một thi sĩ đã nói: "Lời cầu nguyện mang lại nhiều điều hơn những điều thế giới dám mơ ước". Thứ đến và tích cực hơn, chúng ta có thể xắn tay áo lên làm một điều gì đó chống lại sự dữ trong thế giới chúng ta. Tôi xin kể cho anh chị em điều mà một người có thể làm được.

Có một sinh viên 22 tuổi học tại đại học Simon Fraser ở Canada. Tên cậu ấy là Terry Fox. Năm 1977, cậu bị ung thư và bị cưa chân phải. Huấn luyện viên bóng rổ ở trường trung học mà trước đây cậu đã học khi hay tin buồn này, ông liền gởi cho Terry bài báo nói về một người bị cưa chân đã thi chạy giải Marathon Nữu Ước. Bài báo gây hưng phấn cho trí tưởng tượng của Terry. Cậu biết mình chỉ còn sống thêm một vài năm nữa, vì thế cậu muốn được làm một điều gì cho có ý nghĩa với những năm còn lại này. Cậu bèn quyết định cố gắng chạy băng ngang qua cầu Canada từ Newfoundland đến British Columbia với khoảng cách là 5000 dặm (khoảng 9000 km). Cậu yêu cầu người ta bảo trợ cho cậu và cậu sẽ cho mọi người biết mọi diễn tiến về bệnh của cậu để họ nghiên cứu bệnh ung thư. Suốt 18 tháng, Terry đã tập chạy trên chiếc chân giả.

Cuối cùng, ngày 12/4/1980, Terry bắt đầu chạy. Cậu nhúng chiếc chân giả của cậu vào Ðại Tây Dương và bắt đầu chạy băng ngang qua Canada. Trong túi cậu có toàn bộ giấy tờ hứa bảo trợ lên tới một triệu đô la. Sau 114 ngày và 3000 dặm đường: bất thình lình Terry ngã gục xuống. Căn bệnh ung thư đã lan đến buồng phổi cậu. Cậu không thể hoàn thành cuộc chạy. Khi nghe tin báo Terry bị quỵ xuống, dân chúng khắp nơi ở Canada liền gởi đến nhiều tặng vật bào trợ cho cậu ở bệnh viện. Trong nhiều tiếng đồng hồ, số tiền bảo trợ cho cậu lên tới 24 triệu đôla. Vài ngày sau đó, Terry qua đời.

Nếu như kẻ nào đó có quyền nguyền rủa bóng tối thì kẻ ấy phải là Terry. Tuy nhiên cậu ta rất cao thượng nên đã không làm thế. Cậu đã quyết định thắp lên một ngọn nến. Và ánh sáng ấy từ đó sẽ mãi mãi tỏa chiếu ra. Một cuốn phim đã dựng lại cuộc đời cậu. Một con tem đã phát hành để ca ngợi cậu. Và cậu là nhân vật trẻ nhất đã từng nhận được vinh dự cao nhất của quốc gia tức huân chương Canada. Mãi đến hôm nay, Terry vẫn còn khích động trí tưởng tượng của nhiều người.

Câu chuyện của Terry vẫn được tiếp nối. Donald Marrs, một người đưa thư 44 tuổi, sống ở Cincinnati, cùng bị bệnh ung thư giống Terry. Quá xúc động vì câu chuyện của Terry, ông bèn hoàn tất cuộc chạy cho cậu. Ông khởi sự từ phía dưới Chicago và trong 3 tháng đã tới được cầu Golden Gate Bridge. Khi ông chạy xuyên qua chiếc cầu này thì một cơn mưa phùn rơi xuống nhưng ông vẫn tiếp tục chạy. Và khi ông nhúng tay vào Thái Bình Dương hoàn tất cuộc chạy của Terry thì một chiếc cầu vồng khổng lồ đã bắc ngang qua bầu trời. Ðó là một kết thúc phi thường cho một cuộc chạy phi thường.

Có một dụ ngôn cho chúng ta trong việc tiếp diễn trên. Chúa Giêsu đã thiết lập vương quốc Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chết trước khi vương quốc ấy đạt đến viên mãn, y hệt như Terry đã chết trước khi có thể hoàn tất cuộc chạy.

Chúng ta đều phải giống như Donald Marrs. Chúng ta được mời gọi nắm lấy chiếc gậy từ tay Chúa Giêsu và hoàn tất công việc của Ngài. Ðây là một thách thức từ bài Phúc Âm hôm nay. Ðây cũng là lời mời gọi chúng ta.

Có thể chúng ta không làm được điều mà Terry và Donald Marrs đã làm. Có thể chúng ta không làm được điều mà người bên cạnh chúng ta đã làm được. Nhưng chúng ta cũng vẫn có thể làm được một điều gì đó. Mỗi người chúng ta hãy tự hỏi lương tâm mình và quyết định xem chúng ta có thể làm cách nào tốt nhất để có thể thắp lên ngọn nến và đặt nó lên trên giá đèn như Terry Fox đã làm./.

Thánh Ca : Chúa Thương Con


LÚA MIẾN và CỎ LÙNG
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Tôi không hài lòng với cách chuyển dịch trong bài đọc các ngày Chúa Nhật. Nó không luôn luôn diễn tả ý nghĩa trung thực của nhiều phần trong Thánh Kinh, và bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ điển hình. Trong bản văn gốc Latin cũ, sách Tin Mừng dịch chính xác ý nghĩa của “lúa miến và cỏ.” Nó không nói là “lúa miến và cỏ,” nhưng là “lúa miến và cỏ lùng.” Khi tôi nghĩ đến cỏ thì tôi liên tưởng đến cỏ gà hay cỏ bông anh hoặc những thứ cỏ tương tự, nhưng cỏ lùng là loại cỏ đặc biệt. Trong bài Tin Mừng hôm nay, dụ ngôn nói rằng lúa miến và cỏ lùng lớn. Thực ra nó không có nghĩa là như thế, nó không nói là “lớn.” Nó có nghĩa là mọc ra và cao lên. Cỏ lùng là thứ cỏ trông rất giống với lúa miến. Tôi tin là các bạn đã có lần trông thấy nó mà có thể là không nhận ra nó là loại cỏ gì. Nhưng khi nó mọc trong ruộng thì trông giống như cây lúa, và nếu các bạn để cỏ lùng và lúa miến mọc lên với nhau trong ruộng, trừ khi là nhà chuyên môn, bạn sẽ không thể phân biệt chúng ra với nhau. Khi chúng lớn lên cùng với nhau, bạn không phân biệt được trừ khi bạn là người rất thành thạo. Do đó nó rất dễ bị lầm lẫn khi chúng mọc chung với nhau. Sẽ không thể phân biệt được cho đến khi chúng trổ bông, khi ngọn lúa miến trổ ra và ngọn của cỏ lùng lộ diện, bạn sẽ thấy sự khác biệt. Lúc đó là thời điểm, như dụ ngôn nói, “thợ gặt sẽ phân cách lúa miến ra khỏi cỏ lùng.”

Sự Thật và Dối Trá

Trong hoàn cảnh xã hội của chúng ta ngày nay chúng ta ở trong một tình cảnh rất tương tự. Sự thật của lời Chúa trở nên lẫn lộn với sai lầm của thế gian. Sự tốt lành của Thiên Chúa và các giáo huấn của Chúa, những sự tốt lành đó lớn lên với những thứ xấu xa và đôi khi rất khó phân biệt cái nào ra cái nào. Bởi vì sự yếu đuối mỏng dòn của chúng ta, đôi khi chúng ta không thể phân biệt sự thật và giả trá.

Các bạn thường bị tràn ngập trong đời sống với truyền hình, báo chí và những phương tiện truyền thông khác, cho nên các bạn rất dễ bị lầm lạc.

Biến Hóa

Một thí dụ điển hình rất thông dụng, hầu như được mọi người chấp nhận. Ai cũng chấp nhận thuyết biến hóa, dường như là vậy. Giống như là thứ cỏ dại mọc lên. Các bạn nói, “Ừ, nó nghe có vẻ hay.” Chúng ta có những thuyết và chương trình khảo cứu trình bày trên truyền hình nói cho chúng ta về cách con người biến hóa từ thứ này và thứ kia. Trẻ em học ở nhà trường và ai cũng nói về thuyết biến hóa. Nếu biến hóa là thật, và như thế tức là Thiên Chúa đã không dựng nên con người. Thiên Chúa đã không dựng nên A-dong và E-và, và họ đã không phạm tội đầu tiên, tội tổ tông. Và nếu không có tội tổ tông thì không cần có sự cứu độ. Một cái tin thuyết nhỏ sai lầm đó truyền đi chối bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nó có vẻ thật đơn giản, không nguy hiểm, tuy vậy người ta lại tin nó. Và nó chắc chắn là điều sai trái. Con người không biến hóa. Con người được tạo dựng. Tin khác đi là nghịch lại với các giáo huấn của Chúa Kitô và của Giáo Hội.

Dạy Phái Tính Dục

Có nhiều những tin thuyết sai lạc khác đang đánh lừa, bao vây các bạn, những tin thuyết không luôn luôn đúng. Thí dụ, ít năm về trước, người ta quan tâm lo ngại về trẻ vị thành niên mang thai và sống buông thả. Họ nói, “Chúng ta có thể giải quyết điều đó bằng cách dạy giáo dục phái tính dục trong các trường học và huấn luyện cho các trẻ em và chúng sẽ biết cái này là cái gì, và cái kia là cái gì.” Do đó họ đã bắt đầu huấn luyện người ta ở nhà trường, cho họ học phái tính dục, và trong vài năm số vị thành niên mang thai tăng gấp đôi. Nó chẳng chữa trị được cái gì. Nó nghe thì có vẻ hay, nhưng sai lầm. Một trong những lý do sai lầm là bởi vì họ đã không bao giờ dạy những giá trị luân lý cùng với chương trình đó; không bao giờ nói về cái đúng và cái sai; cái gì là giáo huấn của Chúa Kitô và cái gì không phải là giáo huấn của Chúa Kitô. Kết qủa là chúng ta thấy những người này lớn lên với một lầm tưởng đây là một phương cách chữa trị cho một cái gì đó. Và nó chẳng chữa trị gì cả. Thực ra nó đã làm cho vấn đề nên tồi tệ hơn. Nếu các bạn đọc nhật báo buổi sáng mới đây, tôi đọc như là việc đền tội, các bạn có thể đã đọc thấy bài trên trang đầu nói về ba người trẻ bàn luận về việc họ cố gắng quyết đoán xem họ có nên là những người đồng tình luyến ái hay không. Lý do đưa họ đến cuộc bàn luận xung khắc như thế bởi vì họ đã học mọi cái ở nhà trường về phái tính dục. Họ đã bị lừa dối nghĩ đây là một kiểu khác trong lối sống. Chúng ta đang bị dồn dập từ nhiều nguồn, truyền hình, báo chí, và các nhà lãnh đạo quốc gia, để chấp nhận đồng tình luyến ái. Họ không bao giờ nói đó là vô luân lý. Nếu bạn không chấp nhận, bạn là người không nhân nhượng, và không nhân nhượng là cái gì rất ghê tởm, theo như những nguồn này. Chúng ta không thể nhân nhượng với sự xấu. Chúng ta không thể nhân nhượng tội lỗi. Chúng ta có thể nhân nhượng với tội nhân, nhưng không nhân nhượng với tội.

Có nhiều những vấn đề khác nữa. Thí dụ, chúng ta có ứng viên làm bộ trưởng y tế của Hoa Kỳ. Bà đã có chủ trương rất rõ là không muốn dạy cho các thiếu niên mười sáu mười bảy tuổi về phái tính dục. Bà muốn bắt đầu dạy cho học sinh từ cấp mẫu giáo. Bà muốn điều khiển trí khôn của trẻ em và uốn nắn trí khôn của chúng qua hệ thống giao dục công để chúng hoàn toàn được tắm gội trong não trạng buông thả trần tục. Bà muốn biết chắc là bảy mươi lăm phần trăm các em thụ thai sẽ được phá thai. Rồi bạn nghe thấy người ta nói là chúng ta phải biết thương cảm. Chúng ta tăng gấp đôi mức độ buông thả trong giới thanh thiếu niên, trẻ em và người lớn và nói chúng ta không thể để cho các em này mang thai, chúng ta phải khuyến khích phá thai, chúng ta phải tỏ ra thương cảm. Họ đã để cái dối trá này vào hầu che giấu sự thật. Tất cả những thứ này luôn tiếp tục quấy phá các bạn. Tôi có thể tiếp tục một danh sách dài cả thước về những cái khác mà các bạn phải đối phó trong đời sống. Nó trở nên thật khó khăn.

Thần Chân Lý

Làm thế nào để chúng ta biết sự thật? Một người đã kể với tôi là ông đi dự Lễ ở một nhà thờ khác ngoài giáo phận nhà và cha giảng thuyết đã nói là các bạn không cần phải tin vào đức Thánh Cha, các bạn không phải chấp nhận ngài. Chung qui thì các bạn là những người Công Giáo suy nghĩ đúng, các bạn có thể tự quyết định cho mình. Thử nghĩ xem, một người nghĩ gì khi họ nghe nói từ tòa giảng là các bạn có thể phủ nhận quyền của Đức Thánh Cha? Do đó bạn bị rối trí. Tôi có thể bị rối trí. Và giải quyết ra sao? Nếu để bị tùy thuộc theo tính yếu đuối riêng, sự tối tăm của lý trí và yếu nhược của ý chí, chúng ta sẽ bị nguy to.

Nhưng Thánh Phao-lô nói với chúng ta trong bài đọc thứ hai, “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.”

Tôi muốn cho các bạn một bài về nhà làm, như là một điều thật. Tôi đề nghị các bạn về nhà và đọc hết thư của Thánh Phao-lô gởi các tín hữu Rô-ma, có rất nhiều thần học hay ở trong thư đó. Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc ngắn hôm nay là chúng ta có Thánh Thần soi sáng cho chúng ta, cầu nguyện cho chúng ta. Các bạn đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu phép rửa. Các bạn tiếp nhận Chúa Thánh Thần lần nữa khi lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Các bạn nhận lãnh Chúa Thánh Thần mỗi lần đi xưng tội, mỗi lần rước lễ trong tình trạng ơn thánh. Hãy cầu nguyện để Chúa Thánh Thần tiếp tục soi sáng cho các bạn để các bạn có thể trở thành lúa miến cho Chúa Kitô gặt hái trong nước của Ngài vào ngày tận thế. Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

Thánh Ca : Dấu Ấn Tình Yêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét