Trang

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 11 - Phục Sinh và Tôn Vinh (Trình bày ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 11 : PHỤC SINH VÀ TÔN VINH

I. Ý NGHĨA MẦU NHIỆM PHỤC SINH
1. Sự phục sinh của Đức Kitô hoàn thành những hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Nhiều văn bản Tân Ước dùng kiểu nói “đúng như lời Thánh Kinh” để làm nổi bật điều này (Đọc lại Luca 24,13-35).
2. Sự phục sinh xác nhận chân lý về thần tính của Đức Kitô. Người là Đấng Hằng Hữu: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Người là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa.
3. Vì thế, sự phục sinh cũng xác nhận tất cả những gì Đức Kitô đã làm và giảng dạy đều là chân lý do thẩm quyền thần linh của Người.
4. Sự phục sinh của Đức Kitô là nguyên lý và nguồn mạch cho sự sống lại của chúng ta: “Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cor 15,20-22).

II.TÔN VINH
1. Biến cố Chúa Giêsu lên trời vừa có tính lịch sử vừa siêu việt lịch sử. Thân thể Đức Kitô đã được vinh hiển ngay khi Người từ cõi chết sống lại, nhưng trong 40 ngày sau đó, vinh quang của Người vẫn còn được che giấu dưới những nét của nhân tính thông thường (trong hình dạng một khách bộ hành, người làm vườn…). Lần hiện ra cuối cùng được kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần linh cách vĩnh viễn. Vinh quang này được diễn tả bằng hình ảnh đám mây (Cv 1,9; Lc 9,34-35; Xh 13,22) và trời (Lc 24,51)
2. ”Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Chúa Giêsu lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng ta, nhưng để chúng ta là những chi thể của Chúa, tin tưởng được theo Chúa đến nơi mà Chúa đã đến (x. Kinh Tiền tụng Lễ Thăng Thiên). Bằng khả năng tự nhiên của mình, con người không thể đạt tới sự sống và vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào.
3. ”Đức Kitô ngự bên hữu Chúa Cha” nghĩa là Người tràn đầy danh dự và vinh quang của thần tính: “Người được trao cho quyền thống trị, vinh quang và Vương quốc; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Nước Người sẽ chẳng hề suy vong” (Daniel 7,14).

Phút hồi tâm
“Anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Col 3,1).

Cầu nguyện
Hát “Trên đường Emmaus” (Thành Tâm)

Mời nghe audio theo sự trình bày của Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm

1. Ý nghĩa mầu nhiệm phục sinh

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 10 - Sự Kiện Phục Sinh (Trình bày : ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



“Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng,
 và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15,14).

Bài 10 - SỰ KIỆN PHỤC SINH

I. PHỤC SINH, SỰ KIỆN LỊCH SỬ
1. Ngôi mộ trống
- Kinh Thánh: Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-10; Ga 20,1-10
- Tự nó, ngôi mộ trống không phải là bằng chứng trực tiếp, vì sự kiện này có thể được giải thích bằng nhiều cách. Tuy nhiên, đây vẫn là dấu chỉ căn bản, là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận sự phục sinh của Đức Kitô.
2. Những lần hiện ra của Đấng Phục sinh
- Kinh Thánh: Mt 28,9-20; Mc 16,14-18; Lc 24,36-39; Ga 20,19-23
- Các phụ nữ là những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh và trở thành sứ giả loan báo sự sống lại của Đức Kitô cho chính các Tông đồ. Sau đó Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, trước hết là Phêrô, sau đó với Nhóm Mười Hai, với hai môn đệ trên đường Emmaus. Thánh Phaolô còn nói đến hơn 500 người đã được Chúa Giêsu hiện ra một lượt (x. 1Cor 15,4-8).
3. Chứng từ của các Tông đồ
- Kinh Thánh: Cv 1,22 “Những chứng nhân về cuộc phục sinh của Đức Kitô”.
- Với tư cách là những chứng nhân của Đấng Phục sinh, các Tông đồ mãi mãi là những tảng đá nền móng của Hội Thánh. Đức tin của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được xây dựng trên lời chứng của các Tông đồ, những con người cụ thể mà họ quen biết và còn sống giữa họ.

II. PHỤC SINH, BIẾN CỐ SIÊU VIỆT
1. Sự sống lại của Đức Kitô là một biến cố siêu việt
- Sự sống lại của Đức Kitô là sự kiện lịch sử, được xác nhận bằng những dấu chỉ là ngôi mộ trống và những lần hiện ra của Đấng Phục sinh.
- Tuy nhiên, không ai chứng kiến tận mắt chính biến cố phục sinh; cũng không có thánh sử nào mô tả biến cố đó. Cho nên không ai có thể nói sự sống lại của Chúa đã diễn ra thế nào về mặt thể lý.
- Sự phục sinh của Chúa là một biến cố vượt trên lịch sử, và mãi mãi là trung tâm của mầu nhiệm đức tin.
2. Nhân tính của Đấng Phục sinh
- Qua những lần hiện ra, Đấng Phục sinh tỏ cho các môn đệ thấy: (1) Thân thể phục sinh của Người là thân thể đã chịu đau khổ, vẫn còn mang thương tích trong cuộc khổ nạn; (2) Người không phải là ma (Lc 24,39).
- Tuy nhiên thân thể ấy là thân thể vinh hiển, có những đặc tính mới: không còn bị ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa, Người tự do hiện diện nơi nào và lúc nào Người muốn, cũng như Người có thể hiện diện dưới nhiều hình dạng (Mc 16,12).
- Như thế, Phục sinh của Đức Kitô không có nghĩa là trở về cuộc sống trần thế như cũ, nhưng là một sự sống mới, hoàn toàn khác, vượt trên không gian và thời gian. Thân thể của Đấng Phục sinh là thân thể vinh quang, tràn đầy quyền năng của Thánh Thần, và thánh Phaolô gọi Đức Kitô là người thuộc thiên giới (x. 1Cor 15,35-50).

Phút hồi tâm
Lời thân thưa của hai môn đệ trên đường Emmaus: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24,29).

Cầu nguyện
“Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện,
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng,
để con khỏi quỵ ngã.
Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời đang qua đi và vĩnh cửu đến gần.
Con cần được thêm sức mạnh,
để khỏi ngưng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Chúa hiện diện.
Xin ở lại với con,
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa,
và không đòi phần thưởng nào khác,
ngoài việc được yêu Chúa hơn.

Trình bày : ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 9 - Mầu Nhiệm Cứu Chuộc (Trình bày : Giám Mục Phê Rô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 9 : MÀU NHIỆM CỨU CHUỘC

I. SỰ CHẾT CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ VÀ Ý NGHĨA CỨU ĐỘ
1. Kinh Thánh trình bày cái chết của Chúa Giêsu là:
- Hy lễ đền tội, mang lấy tội lỗi muôn người và làm cho họ nên công chính khi gánh lấy tội lỗi của họ: “Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, Tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (Is 53,10-12);
- Chết thay cho mọi người: “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ” (2Cor 5,15);
- Chiên xóa tội trần gian: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29.36);
- Giá chuộc muôn người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mc 10,45);
- Đền bù tội lỗi cả thế gian: “Chính Đức Giêsu Kitô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (1Ga 2,2).
2. Giáo lý: Tại sao cái chết của Chúa Giêsu có giá trị cứu độ?
-Cái chết của Chúa Giêsu có giá trị cứu độ vì là hy lễ tình yêu. Chúa Giêsu đến trần gian là để làm theo ý Đấng đã sai Người (Ga 4,34), và ý của Đấng đã sai Người là kế hoạch cứu độ nhân loại. Suốt cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu gắn bó với kế hoạch yêu thương, cứu chuộc của Chúa Cha, và tình yêu ấy đạt đến đỉnh cao nơi cái chết thập giá.
-Cái chết của Chúa Giêsu có giá trị cứu độ vì là hy lễ tình yêu của Con Thiên Chúa làm người. Không một ai, dù là người thánh thiện nhất, có thể mang trên mình tội lỗi của mọi người và hiến mình làm hy lễ vì mọi người. Chỉ có Chúa Giêsu Kitô mới thực hiện được điều ấy, vì Ngôi vị Thiên Chúa nơi Người vừa siêu việt vừa bao gồm tất cả các nhân vị; do đó Người là Đầu của toàn thể nhân loại và hy tế của Người có giá trị cứu chuộc cho tất cả mọi người.
-Cũng vì thế, hy tế của Chúa Giêsu là hy tế duy nhất, hoàn hảo và vượt hơn hẳn mọi hy tế.

II. CỬ HÀNH MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ TRONG TUẦN THÁNH
1. Thứ Năm Tuần Thánh
- Chúa Giêsu đã biến Bữa Tiệc Ly thành lễ tưởng niệm việc Người dâng hiến chính mình cho Chúa Cha để cứu độ nhân loại: “Đây là Mình Thầy, bị nộp vì anh em” (Lc 22,19); “Đây là Máu Thầy, Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Như thế, bí tích Thánh Thể là sự tưởng niệm hy tế của Chúa, và các Tông đồ là tư tế của Giao Ước mới.
- Cơn hấp hối trong vườn Ghetsêmani: Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu diễn tả nỗi khiếp sợ của bản tính nhân loại trước cái chết: “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi phải uống chén này” (Mt 26,39). Khi chấp nhận thánh ý Chúa Cha bằng ý chí nhân loại của mình, Chúa Giêsu mang đến cho cái chết của Người một giá trị cứu độ: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin theo ý Cha” (Mt 26,42).
2. Thứ Sáu Tuần Thánh
- Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là dấu chứng của tình yêu đi đến tận cùng. Người đã biết và yêu thương tất cả chúng ta khi Người hiến dâng mạng sống. Vì thế chúng ta hát mừng Thánh Giá: “Kính chào Thánh Giá, niềm hy vọng duy nhất của chúng con”.
- Mẹ Maria đã kết hợp với mầu nhiệm khổ nạn của Chúa Giêsu cách mật thiết hơn bất cứ ai khác. Chúng ta cũng được mời gọi kết hợp vào cuộc khổ nạn cứu độ của Chúa Giêsu bằng cách “vác thập giá mình mà theo Chúa”.
3. Thứ Bảy Tuần Thánh
- Con Thiên Chúa làm người đã chết thật sự và được mai táng trong mồ, nhưng thân thể của Người “không bị hư nát” (Cv 13,37).
- Chúa Giêsu đã chết giống như mọi người. Linh hồn Người đã xuống tận nơi ở của những người đã chết mà Kinh Thánh gọi là âm phủ (Sheol). Nhưng Người xuống đó với tư cách là Đấng Cứu độ, để loan báo Tin Mừng cho các vong linh bị cầm giữ ở đó. Đây là sự hoàn thánh cách trọn vẹn sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ. Đây cũng là ý nghĩa của lời tuyên tín về Chúa Giêsu Kitô “xuống ngục tổ tông”.

Phút hồi tâm
Hãy đặt mình vào cuộc khổ nạn của Chúa và tự hỏi: Qua cách sống hiện nay của tôi, tôi đang đóng vai trò nào trong cuộc khổ nạn của Chúa: Giuđa bán Thầy? Phêrô chối Thầy? Gioan đứng bên Thánh giá? Đức Maria cùng chịu đau khổ với Chúa?

Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu rất nhân từ,
trên Thánh giá, Chúa hấp hối thảm thương,
không một lời than van, oán hận và cay đắng.
Chúa đã yêu con vô cùng, đã tự nguyện chịu hành hạ và đau khổ vì con.
Và mỗi ngày, con vẫn làm Chúa đau đớn,
nhưng Chúa đã không kết tội và từ bỏ con.
Tất cả chỉ vì Chúa yêu con.

Con đã đóng đinh Chúa vào thập giá,
khi không chú tâm đến Lời Chúa,
khi không sống theo Thánh ý Chúa, và không giữ điều răn Chúa.
Con xin hối lỗi vì tất cả những điều đó.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu con biết bao.
Chúa đã chịu đóng đinh vì yêu con.
Chúa đã chịu khổ nạn để đưa con trở về.
Xin Chúa tha thứ cho con.
Xin cho con biết xoa dịu nỗi đau của Chúa
bằng việc căm ghét tội lỗi và tránh xa sự dữ.
Lạy Chúa Giêsu, con xin hứa sẽ trung thành phụng sự Chúa,
bây giờ và mãi mãi. Amen.


Trình bày : Giám Mục Phê Rô Nguyễn Văn Khảm

1. Thời sự Giáo hội Công giáo & thông báo sinh hoạt của lớp GLTK

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 8 - Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu (Trình bày : Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm)



Bài 8 - CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

I. CHÚA GIÊSU VÀ ISRAEL
1. Chúa Giêsu và Lề luật
- Bản văn Kinh Thánh: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề luật Môsê hoặc lời các tiên tri. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
- Trước mắt người Do thái, Chúa Giêsu xuất hiện như một kinh sư giải thích Lề luật. Đồng thời Chúa Giêsu tranh luận với những tiến sĩ Luật về nhiều điều trong Lề luật, ví dụ Luật về sự thanh sạch (Mc 7,18-21), về ngày Sabát (Mc 2,25-27). Người không bãi bỏ nhưng kiện toàn Lề luật bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu với uy quyền thần linh : “Còn Thầy, Thầy bảo anh em” (Mt 5,34) và phủ nhận những “truyền thống của người phàm” (Mc 7,8).
2.Chúa Giêsu và Đền thờ
- Bản văn Kinh Thánh:
“Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa mà con phải thiệt thân” (Ga 2,16-17).
- Chúa Giêsu có lòng tôn kính sâu xa với Đền thờ : Người được dâng trong Đền thờ (Lc 2,22-39); lúc 12 tuổi, Người quyết định ở lại trong Đền thờ khi cha mẹ đã về (Lc 2,46-49); trong sứ vụ công khai, nhiều lần Người hành hương lên Đền thờ (x.Ga 2,13-14; 10,22-23).
- Với Chúa Giêsu, Đền thờ là Nhà của Chúa Cha, Nhà cầu nguyện, vì thế Người phẫn nộ khi Đền thờ bị biến thành nơi buôn bán. Trước cuộc khổ nạn, Người tiên báo sự sụp đổ của Đền thờ như dấu chỉ của thời đại sau cùng. Tuy nhiên người ta đã bóp méo lời tiên báo này và dùng nó để tố cáo Chúa Giêsu.
3. Chúa Giêsu và niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất
-Bản văn Kinh Thánh:
“Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7)
“Trước khi có ông Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,58)
“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30)
- Chúa Giêsu đã gây cớ vấp phạm cho người Do thái trong cách Người ứng xử với tội nhân: “Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Người cũng chỉ cho mọi người thấy tất cả mọi người đều có tội. Hơn nữa, Chúa Giêsu khẳng định Người có quyền tha tội, và người Do thái coi đó là phạm thượng. Cuối cùng Chúa Giêsu đã bị Thượng Hội Đồng phán quyết là phải chết vì tội nói phạm thượng (Mt 26,64-66).

II. VỤ ÁN CHÚA GIÊSU
1. Sự đối kháng giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và Chúa Giêsu
- Bản văn Kinh Thánh:
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49-50).
“Máu hắn cứ đổ xuống trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25).
-Thánh Gioan ghi nhận: “Ngay cả trong giới lãnh đạo Do thái, cũng có nhiều người tin vào Chúa Giêsu. Nhưng họ không dám xưng ra vì sợ bị nhóm Pharisêu khai trừ khỏi Hội đường” (Ga 12,42). Như thế, các nhà cầm quyền tôn giáo ở Giêrusalem đã không nhất trí với nhau về cách xử sự đối với Chúa Giêsu. Cuối cùng, Thượng Hội Đồng tuyên bố Chúa Giêsu phải chết vì tội nói phạm thượng, nhưng vì đã mất quyền tuyên án tử hình, nên họ nộp Chúa Giêsu cho người Rôma và tố cáo Người về tội nổi loạn chính trị (x. Lc 23,2).
2. Phải hiểu thế nào về trách nhiệm của người Do thái?
-“Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25). Đây chỉ là công thức thừa nhận bản án, nên không thể dựa vào lời này để quy gán trách nhiệm cho mọi người Do thái ở mọi thời đại.
-Tuyên bố của Công Đồng Vatican II: “Không thể quy trách nhiệm một cách không phân biệt về những tội ác người ta đã phạm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho mọi người Do thái thời đó, cũng như cho người Do thái thời nay” (Nostra Aetate, số 4).
3.Trách nhiệm của mỗi Kitô hữu
“Tội lỗi của chúng ta đã làm cho Chúa Kitô phải chịu khổ hình thập giá. Chính những ai chìm đắm trong gian tà và tội ác, là những người đã tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa, và đã công khai sỉ nhục Người”.

Phút hồi tâm
“Và ma quỷ cũng không đóng đinh Người vào thập giá, nhưng chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người, và bạn còn đóng đinh Người bằng cách hưởng lạc thú trong các nết xấu và tội lỗi” (Thánh Phanxicô Assisi).