Trang

Thứ Tư, 22 tháng 5, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 10 - Sự Kiện Phục Sinh (Trình bày : ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



“Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng,
 và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cor 15,14).

Bài 10 - SỰ KIỆN PHỤC SINH

I. PHỤC SINH, SỰ KIỆN LỊCH SỬ
1. Ngôi mộ trống
- Kinh Thánh: Mt 28,1-8; Mc 16,1-8; Lc 24,1-10; Ga 20,1-10
- Tự nó, ngôi mộ trống không phải là bằng chứng trực tiếp, vì sự kiện này có thể được giải thích bằng nhiều cách. Tuy nhiên, đây vẫn là dấu chỉ căn bản, là bước đầu dẫn các môn đệ đến việc nhìn nhận sự phục sinh của Đức Kitô.
2. Những lần hiện ra của Đấng Phục sinh
- Kinh Thánh: Mt 28,9-20; Mc 16,14-18; Lc 24,36-39; Ga 20,19-23
- Các phụ nữ là những người đầu tiên được gặp Đấng Phục Sinh và trở thành sứ giả loan báo sự sống lại của Đức Kitô cho chính các Tông đồ. Sau đó Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, trước hết là Phêrô, sau đó với Nhóm Mười Hai, với hai môn đệ trên đường Emmaus. Thánh Phaolô còn nói đến hơn 500 người đã được Chúa Giêsu hiện ra một lượt (x. 1Cor 15,4-8).
3. Chứng từ của các Tông đồ
- Kinh Thánh: Cv 1,22 “Những chứng nhân về cuộc phục sinh của Đức Kitô”.
- Với tư cách là những chứng nhân của Đấng Phục sinh, các Tông đồ mãi mãi là những tảng đá nền móng của Hội Thánh. Đức tin của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được xây dựng trên lời chứng của các Tông đồ, những con người cụ thể mà họ quen biết và còn sống giữa họ.

II. PHỤC SINH, BIẾN CỐ SIÊU VIỆT
1. Sự sống lại của Đức Kitô là một biến cố siêu việt
- Sự sống lại của Đức Kitô là sự kiện lịch sử, được xác nhận bằng những dấu chỉ là ngôi mộ trống và những lần hiện ra của Đấng Phục sinh.
- Tuy nhiên, không ai chứng kiến tận mắt chính biến cố phục sinh; cũng không có thánh sử nào mô tả biến cố đó. Cho nên không ai có thể nói sự sống lại của Chúa đã diễn ra thế nào về mặt thể lý.
- Sự phục sinh của Chúa là một biến cố vượt trên lịch sử, và mãi mãi là trung tâm của mầu nhiệm đức tin.
2. Nhân tính của Đấng Phục sinh
- Qua những lần hiện ra, Đấng Phục sinh tỏ cho các môn đệ thấy: (1) Thân thể phục sinh của Người là thân thể đã chịu đau khổ, vẫn còn mang thương tích trong cuộc khổ nạn; (2) Người không phải là ma (Lc 24,39).
- Tuy nhiên thân thể ấy là thân thể vinh hiển, có những đặc tính mới: không còn bị ràng buộc bởi không gian và thời gian nữa, Người tự do hiện diện nơi nào và lúc nào Người muốn, cũng như Người có thể hiện diện dưới nhiều hình dạng (Mc 16,12).
- Như thế, Phục sinh của Đức Kitô không có nghĩa là trở về cuộc sống trần thế như cũ, nhưng là một sự sống mới, hoàn toàn khác, vượt trên không gian và thời gian. Thân thể của Đấng Phục sinh là thân thể vinh quang, tràn đầy quyền năng của Thánh Thần, và thánh Phaolô gọi Đức Kitô là người thuộc thiên giới (x. 1Cor 15,35-50).

Phút hồi tâm
Lời thân thưa của hai môn đệ trên đường Emmaus: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24,29).

Cầu nguyện
“Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con cần có Chúa hiện diện,
để con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì con yếu đuối,
con cần Chúa đỡ nâng,
để con khỏi quỵ ngã.
Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc đời đang qua đi và vĩnh cửu đến gần.
Con cần được thêm sức mạnh,
để khỏi ngưng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa, vì con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ xin ơn được Chúa hiện diện.
Xin ở lại với con,
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa,
và không đòi phần thưởng nào khác,
ngoài việc được yêu Chúa hơn.

Trình bày : ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét