Trang

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 11 - Phục Sinh và Tôn Vinh (Trình bày ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 11 : PHỤC SINH VÀ TÔN VINH

I. Ý NGHĨA MẦU NHIỆM PHỤC SINH
1. Sự phục sinh của Đức Kitô hoàn thành những hứa của Thiên Chúa trong Cựu Ước. Nhiều văn bản Tân Ước dùng kiểu nói “đúng như lời Thánh Kinh” để làm nổi bật điều này (Đọc lại Luca 24,13-35).
2. Sự phục sinh xác nhận chân lý về thần tính của Đức Kitô. Người là Đấng Hằng Hữu: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Người là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa.
3. Vì thế, sự phục sinh cũng xác nhận tất cả những gì Đức Kitô đã làm và giảng dạy đều là chân lý do thẩm quyền thần linh của Người.
4. Sự phục sinh của Đức Kitô là nguyên lý và nguồn mạch cho sự sống lại của chúng ta: “Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống” (1Cor 15,20-22).

II.TÔN VINH
1. Biến cố Chúa Giêsu lên trời vừa có tính lịch sử vừa siêu việt lịch sử. Thân thể Đức Kitô đã được vinh hiển ngay khi Người từ cõi chết sống lại, nhưng trong 40 ngày sau đó, vinh quang của Người vẫn còn được che giấu dưới những nét của nhân tính thông thường (trong hình dạng một khách bộ hành, người làm vườn…). Lần hiện ra cuối cùng được kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần linh cách vĩnh viễn. Vinh quang này được diễn tả bằng hình ảnh đám mây (Cv 1,9; Lc 9,34-35; Xh 13,22) và trời (Lc 24,51)
2. ”Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Chúa Giêsu lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng ta, nhưng để chúng ta là những chi thể của Chúa, tin tưởng được theo Chúa đến nơi mà Chúa đã đến (x. Kinh Tiền tụng Lễ Thăng Thiên). Bằng khả năng tự nhiên của mình, con người không thể đạt tới sự sống và vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào.
3. ”Đức Kitô ngự bên hữu Chúa Cha” nghĩa là Người tràn đầy danh dự và vinh quang của thần tính: “Người được trao cho quyền thống trị, vinh quang và Vương quốc; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người. Quyền thống trị của Người là quyền vĩnh cửu, không bao giờ mai một; Nước Người sẽ chẳng hề suy vong” (Daniel 7,14).

Phút hồi tâm
“Anh em đã được sống lại cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Col 3,1).

Cầu nguyện
Hát “Trên đường Emmaus” (Thành Tâm)

Mời nghe audio theo sự trình bày của Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm

1. Ý nghĩa mầu nhiệm phục sinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét