Trang

Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 8 - Cuộc Khổ Nạn Của Chúa Giêsu (Trình bày : Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm)



Bài 8 - CUỘC KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

I. CHÚA GIÊSU VÀ ISRAEL
1. Chúa Giêsu và Lề luật
- Bản văn Kinh Thánh: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Lề luật Môsê hoặc lời các tiên tri. Thầy đến không phải để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17).
- Trước mắt người Do thái, Chúa Giêsu xuất hiện như một kinh sư giải thích Lề luật. Đồng thời Chúa Giêsu tranh luận với những tiến sĩ Luật về nhiều điều trong Lề luật, ví dụ Luật về sự thanh sạch (Mc 7,18-21), về ngày Sabát (Mc 2,25-27). Người không bãi bỏ nhưng kiện toàn Lề luật bằng cách đưa ra lời giải thích tối hậu với uy quyền thần linh : “Còn Thầy, Thầy bảo anh em” (Mt 5,34) và phủ nhận những “truyền thống của người phàm” (Mc 7,8).
2.Chúa Giêsu và Đền thờ
- Bản văn Kinh Thánh:
“Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán. Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh : Vì nhiệt tâm lo việc Nhà Chúa mà con phải thiệt thân” (Ga 2,16-17).
- Chúa Giêsu có lòng tôn kính sâu xa với Đền thờ : Người được dâng trong Đền thờ (Lc 2,22-39); lúc 12 tuổi, Người quyết định ở lại trong Đền thờ khi cha mẹ đã về (Lc 2,46-49); trong sứ vụ công khai, nhiều lần Người hành hương lên Đền thờ (x.Ga 2,13-14; 10,22-23).
- Với Chúa Giêsu, Đền thờ là Nhà của Chúa Cha, Nhà cầu nguyện, vì thế Người phẫn nộ khi Đền thờ bị biến thành nơi buôn bán. Trước cuộc khổ nạn, Người tiên báo sự sụp đổ của Đền thờ như dấu chỉ của thời đại sau cùng. Tuy nhiên người ta đã bóp méo lời tiên báo này và dùng nó để tố cáo Chúa Giêsu.
3. Chúa Giêsu và niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất
-Bản văn Kinh Thánh:
“Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (Mc 2,7)
“Trước khi có ông Abraham, thì Tôi, Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,58)
“Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10,30)
- Chúa Giêsu đã gây cớ vấp phạm cho người Do thái trong cách Người ứng xử với tội nhân: “Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5,32). Người cũng chỉ cho mọi người thấy tất cả mọi người đều có tội. Hơn nữa, Chúa Giêsu khẳng định Người có quyền tha tội, và người Do thái coi đó là phạm thượng. Cuối cùng Chúa Giêsu đã bị Thượng Hội Đồng phán quyết là phải chết vì tội nói phạm thượng (Mt 26,64-66).

II. VỤ ÁN CHÚA GIÊSU
1. Sự đối kháng giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo và Chúa Giêsu
- Bản văn Kinh Thánh:
“Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49-50).
“Máu hắn cứ đổ xuống trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25).
-Thánh Gioan ghi nhận: “Ngay cả trong giới lãnh đạo Do thái, cũng có nhiều người tin vào Chúa Giêsu. Nhưng họ không dám xưng ra vì sợ bị nhóm Pharisêu khai trừ khỏi Hội đường” (Ga 12,42). Như thế, các nhà cầm quyền tôn giáo ở Giêrusalem đã không nhất trí với nhau về cách xử sự đối với Chúa Giêsu. Cuối cùng, Thượng Hội Đồng tuyên bố Chúa Giêsu phải chết vì tội nói phạm thượng, nhưng vì đã mất quyền tuyên án tử hình, nên họ nộp Chúa Giêsu cho người Rôma và tố cáo Người về tội nổi loạn chính trị (x. Lc 23,2).
2. Phải hiểu thế nào về trách nhiệm của người Do thái?
-“Máu hắn cứ đổ xuống đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Mt 27,25). Đây chỉ là công thức thừa nhận bản án, nên không thể dựa vào lời này để quy gán trách nhiệm cho mọi người Do thái ở mọi thời đại.
-Tuyên bố của Công Đồng Vatican II: “Không thể quy trách nhiệm một cách không phân biệt về những tội ác người ta đã phạm trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho mọi người Do thái thời đó, cũng như cho người Do thái thời nay” (Nostra Aetate, số 4).
3.Trách nhiệm của mỗi Kitô hữu
“Tội lỗi của chúng ta đã làm cho Chúa Kitô phải chịu khổ hình thập giá. Chính những ai chìm đắm trong gian tà và tội ác, là những người đã tự tay đóng đinh Con Thiên Chúa vào thập giá một lần nữa, và đã công khai sỉ nhục Người”.

Phút hồi tâm
“Và ma quỷ cũng không đóng đinh Người vào thập giá, nhưng chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Người, và bạn còn đóng đinh Người bằng cách hưởng lạc thú trong các nết xấu và tội lỗi” (Thánh Phanxicô Assisi).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét