Trang

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 27 MTN A (02/10/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 27 MTN (A) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Thập Giá Cuộc Đời " của Linh Mục Nguyễn Phi Long.



VƯỜN NHO CỦA CHÚA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Những ngôn sứ của Người Con thừa Tự

Chúa ơi
Lịch sử phải chăng chỉ là một sự tái diễn khôn ngoan
Là tấn thảm kịch được diễn tả lại mãi mãi muôn đời?
Ðây vườn nho của Chúa,
Mảnh đất này Chúa đã trao cho con.
Ðây vườn nho của Chúa,
Lòng, trí con và tự do này
Tất cả đều do Người ban tặng.
Con lại chiếm cho mình mà không biết thẹn;
Và để chiếm trọn gia tài,
Con lại quyết không nhìn Người Con thừa tự,
Dồn Người vào ngục tối sử xanh.
Thế là Chúa đã chết rồi!
Hoan hô con người!
Một mình sở hữu mọi của cải trần gian!
Vạn tuế con người,
Chỉ mình làm chủ kiếp người và lịch sử!
Chúa liền sai bao sứ giả đến
Ðể thu phần hoa lợi của tình yêu,
Ðem chia sẻ, an bình và công lý.
Thế mà tất cả lại bị đánh đập tơi bời,
Hoặc bị tống giam vào nơi ngục thất,
Hoặc bị tù đày hay là bị giết.
Giêrêmia bị ném đá, Isaia bị xé xác tan tành,
Roméro Giám mục bị bắn gục trước bàn thờ,
Cha Popieluko bị đánh nhừ tử và trấn sâu dưới nước,
Thân thể Cha Jarland đạn ghim lỗ chỗ như tổ ong bầu.
Ôi lạy Ðức Kitô!
Sao Người luôn bị ghét bỏ khinh khi,
Bị miệt thị và đóng đinh vào thập giá!
Xin ban cho con tâm hồn hiểu biết
Gương mù này của thập giá tình yêu.
Hiểu biết hơn sự ngoan cố của con người
Không cộng tác làm vườn nho của Chúa;
Xin cho con luôn nghiệm ra rằng:
Mọi viên đá nào bị loại bỏ
Ðều trở nên viên đá góc tường,
Cho thế nhân hưởng nguồn ơn cứu độ.
Ôi lạy Ðức Kitô phục sinh!
Ngài là Con Thừa Tự của Trời, Ðất mới
Xin mở mắt con để con thấy rõ
Qua gian lao của những bậc tôi trung,
Qua cái chết của các ngôn sứ,
Chúa đang thực hiện công trình của Chúa,
Công trình kỳ diệu còn khuất mắt chúng con.

(M. Hubaut, trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 313-315)

2. "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?"

Trong thư gởi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã đặt một câu hỏi rất cơ bản khiến mọi người chúng ta phải suy nghĩ: "Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?" (1 Cr 4,7)

•Sự sống: do Chúa trực tiếp ban
•Sức khoẻ: cũng thế
•trí khôn, một số khả năng: cũng thế
•tiền bạc, tài sản: do Chúa ban qua trung gian cha mẹ, thân nhân.

Tóm lại, tất cả đều do Chúa ban. Ta đúng là một vườn nho được Chúa chăm sóc chu đáo ân cần.

Chúa chờ gì nơi ta?

- Chúa muốn ta nhận biết tất cả là bởi Ngài - Thế mà rất thường xuyên chúng ta coi những thứ đó là của riêng của chúng ta. Như thế, chúng ta cũng giống như những tá điền kia muốn chiếm đoạt vườn nho của chủ.

- Chúa cho chúng ta hưởng dùng tất cả những thứ đó, miễn là ta góp lại một phần nhỏ cho Chúa như là phần hoa lợi - Nhưng chúng ta chỉ biết xử dụng tất cả những thứ đó cho riêng mình. Không có phần nào cho tha nhân, không có phần nào cho Hội Thánh, không có phần nào cho xã hội.

3. "Xin cho con biết nhận mà cũng biết cho"

"Xin cho con biết nhận mà cũng biết cho", một câu hát rất hay. Nó vừa là một lời cầu nguyện mà cũng vừa là một lời nhắc nhở.

"Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh?" (1 Cr 4,7). Phải, tất cả những gì ta đang có đều là do ta lãnh nhận từ tay Chúa, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhưng không chỉ nhận, ta còn phải biết cho, bởi vì, trên căn bản, ta nhận không phải chỉ cho riêng mình mà còn cho người khác nữa.

Thảm cảnh ngày nay là có nhiều người túng thiếu bên cạnh những người dư thừa, nhiều người kém cỏi bên cạnh những người giỏi giang.

Phải chi những người thừa thải và những người giỏi giang đó ý thức rằng những gì họ nhận lãnh cũng là nhận lãnh cho những người khác, và từ đó họ biết chia sẻ cho những người khác, thì thảm cảnh kia đâu còn.

Nhận lãnh cho nhiều người mà chỉ xử dụng cho riêng mình, đó là gian lận, là trộm cắp, là biển thủ, là tội!

4. Cảm thụ của người bị vô ơn

Bài đọc I hôm nay có một câu than rất chua xót của Chúa: "Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho của Ta mà Ta đã không làm!"

Câu chuyện có thực sau đây giúp ta phần nào hiểu được cảm thụ của Chúa:

Hai vợ chồng kia có 4 đứa con và hết mực yêu thương chăm sóc chúng. Dù không giàu có, nhưng vì muốn con cái mình có được tất cả những gì tốt nhất, họ đã làm tất cả những gì họ làm được: ngoài giờ làm việc chính thức ở sở làm, họ còn đi làm thêm vào ngày Chúa nhật và các buổi tối; vay tiền để mua một ngôi nhà rộng rãi để mỗi đứa có một phòng riêng tiện cho việc học; không ngại gởi con vào những trường tốt nhất mặc dù học phí rất cao; không bao giờ dám bỏ tiền đi du lịch, thậm chí không dám đi ăn cơm tiệm và đến các rạp hát để giải trí...

Thế rồi các đứa con dần dần lớn lên, đỗ đạt, lập gia đình, có việc làm tốt. Nhưng cũng dần dần từng đứa từng đứa ra riêng. Ðứa nào cũng chỉ lo cho cuộc sống riêng của gia đình chúng, không hề nhớ đến mẹ cha. Bây giờ hai vợ chồng già sống hiu quạnh trong căn nhà cũ. Họ đã than thở với một người đến thăm:

- Chẳng có việc gì có thể làm cho chúng nó mà chúng tôi đã không làm. Thế mà bây giờ chẳng có việc gì chúng nó phải làm cho chúng tôi mà chúng nó chịu làm!

5. Chuyện minh họa

Ngày xưa có một cô gái bị nhốt trong một cái chai, rất khổ sở. Một hôm có một vị thần tình cờ đi ngang qua, nghe tiếng than của cô: "Thật là khổ sở và nhục nhã phải sống trong cái chai này. Ước gì mình được sống trong một túp lều". Vị thần động lòng, hóa phép cho cô ra khỏi cái chai và được sống trong một túp lều. Rồi vị thần ra đi. Cô gái mừng quá quên cám ơn vị thần.

Năm sau, vị thần trở lại để xem cô sống ra sao. Cô than: "Thật là khổ sở và nhục nhã phải sống trong cái túp lều này. Ước gì mình được sống trong một biệt thự rộng rãi". Vị thần động lòng, hóa phép cho cô sống trong một biệt thự. Rồi vị thần ra đi. Cô gái mừng quá quên cám ơn vị thần.

Năm sau nữa, vị thần trở lại để xem cô sống ra sao. Cô than: "Thật là khổ sở và nhục nhã phải sống trong cái biệt thự này. Ước gì mình được làm một công nương có kẻ hầu người hạ". Vị thần động lòng, hóa phép biến cô thành một công nương. Rồi vị thần ra đi. Cô gái mừng quá quên cám ơn vị thần.

Năm sau nữa, vị thần trở lại để xem cô sống ra sao. Cô than: "Thật là khổ sở và nhục nhã vì chỉ là một công nương. Ước gì mình được trở thành hoàng hậu được thần dân cả nước tôn thờ". Vị thần bảo cô cứ yên tâm đi ngủ, sáng hôm sau sẽ được như ý. Sáng hôm sau, khi thức dậy, cô gái thấy mình bị nhốt ở trong cái chai như trước!

Chúng ta cũng giống như cô gái này. Nhưng rất may là Thiên Chúa không giống như vị Thần trong câu chuyện.

Thiên Chúa đã lấy vườn nho yêu quý của Ngài từ tay dân Do Thái bất trung để trao lại cho Hội Thánh, với hy vọng Hội Thánh sẽ làm cho nó sinh nhiều hoa trái. Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khiển trách dân Do Thái đã lãnh nhận vườn nho của Chúa nhưng không chịu nộp phần hoa lợi. Hội Thánh chúng con ngày nay cũng đang quản lý vườn nho Chúa và cũng chưa nộp hoa lợi cho đúng mức. Xin Chúa đừng trừng phạt Hội Thánh, nhưng xin giúp mọi thành phần Hội Thánh ý thức thiếu sót của mình để từ nay tích cực hơn trong bổn phận của mình. Amen.

Thánh Ca : Lời Vọng Tình Yêu


PHƯƠNG DIỆN KHẮT KHE CỦA THIÊN CHÚA
Cha Mark Link, S.J.

Bảy trăm năm trước khi Đức Giêsu giáng sinh, ở Hy Lạp có một ông thầy nổi tiếng là Aesop. Một lý do khiến ông nổi tiếng là vì ông dùng nhiều câu chuyện để dậy bảo. Ông kể một câu chuyện và từ đó rút ra một chân lý quan trọng.

Thí dụ, một trong những câu chuyện của ông là về sự tranh luận giữa con sư tử và con người về vấn đề ai mạnh hơn ai.

Con người quả quyết rằng loài người thì mạnh hơn. Để minh hoạ điểm này, hắn đưa con sư tử ra một công viên và chỉ cho nó thấy bức tượng của một người đàn ông dùng đôi tay giang rộng hàm của con sư tử.

Con sư tử nhìn bức tượng và nói, “Điều đó chẳng có nghĩa gì cả! Bức tượng này là do con người làm ra.”

Điểm mà ông Aesop muốn nói là: Loài người chúng ta có khuynh hướng miêu tả sự vật không đúng với bản chất của nó, nhưng theo ý thích của mình. Nói cách khác, chúng ta thường bóp méo sự thật để nó trở thành điều mà chúng ta muốn, thay vì những gì đúng như vậy.

Một số thần học gia lo rằng các Kitô Hữu ngày nay cũng đang thi hành điều đó khi đề cập đến Thiên Chúa. Họ lo rằng chúng ta đang bóp méo ý tưởng về Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Đó là họ lo rằng chúng ta đang biến Thiên Chúa thành một vị chúa mà chúng ta muốn.

Chúng ta thi hành điều này bằng cách chú trọng đến những đặc tính của Thiên Chúa mà chúng ta muốn trong khi lại coi thường những đặc tính mà chúng ta không thích.

Thí dụ, chúng ta nhấn mạnh đến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa và coi thường sự thật rằng Thiên Chúa còn là một thẩm phán chính trực mà một ngày nào đó chúng ta phải trả lời với Người về đời sống của chúng ta.

Điều này đưa chúng ta đến dụ ngôn đáng kể của Đức Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay. Tôi nói “đáng kể” vì chỉ có một vài dụ ngôn có tính cách dậy bảo như vậy.

Trước hết, nó tóm lược toàn thể câu chuyện cứu độ trong Kinh Thánh. Để tôi minh hoạ thêm.

Vườn nho tượng trưng cho dân Israel, như bài đọc một hôm nay nói rõ.

Chủ vườn nho tượng trưng cho Thiên Chúa.

Các tá điền tượng trưng cho các Thượng Tế và người Biệt Phái, là những người mà Thiên Chúa giao cho trách nhiệm với dân của Chúa.

Các đầy tớ trong nhóm thứ nhất, những người mà chủ vườn sai đến gặp các tá điền để thu hoa lợi, là các ngôn sứ thời tiên khởi mà Thiên Chúa đã sai đến với dân Israel.

Các đầy tớ trong nhóm thứ hai là các ngôn sứ thời sau này.

Con của chủ vườn, bị các tá điền giết chết, chính là Đức Giêsu.

Các tá điền mới, những người mà chủ vườn cho thuê vườn nho, là các Tông Đồ của Đức Giêsu. Họ thế cho các Thượng Tế và Biệt Phái làm người lãnh đạo mới của dân Chúa.

Sau cùng, sự thuê mướn vườn nho lúc đầu tiên ám chỉ giao ước cũ. Và sự thuê mướn vườn nho lần thứ hai ám chỉ giao ước mới.

Và vì thế dụ ngôn này là một tóm lược mỹ miều về toàn thể câu chuyện cứu độ trong Kinh Thánh. Đó là một cuốn Kinh Thánh thu nhỏ trong bộ Kinh Thánh.

Ngoài việc đem cho chúng ta một tóm lược về câu chuyện cứu độ, dụ ngôn này còn đem cho chúng ta một cái nhìn tóm lược trong Kinh Thánh về Thiên Chúa.

Nó cho chúng ta thấy cả hai diện của Thiên Chúa: Thiên Chúa như một cha mẹ kiên nhẫn và Thiên Chúa là một thẩm phán chính trực.

Cũng như chủ vườn nho trong dụ ngôn, Thiên Chúa cho thấy sự kiên nhẫn vô bờ với các người lãnh đạo Israel. Người đã cho họ cơ hội này đến cơ hội khác để thay đổi đường lối của mình. Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với họ.

Tuy nhiên, khi hiển nhiên thấy rằng sự kiên nhẫn đều vô hiệu, Thiên Chúa đã xét xử họ. Thiên Chúa buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Trong bài đọc một chúng ta cũng thấy như vậy. Bài này cho thấy Thiên Chúa rất kiên nhẫn với dân của Người. Nhưng khi thấy rằng sự kiên nhẫn này vô hiệu, Thiên Chúa đã xét xử họ. Thiên Chúa buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Và vì vậy, các bài đọc hôm nay cho chúng ta thấy rằng Thiên Chúa thì không chỉ như một người cha kiên nhẫn, luôn luôn yêu thương chúng ta, nhưng Người còn là một thẩm phán, buộc chúng ta phải chịu trách nhiệm về hành động của chúng ta.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, phản ánh hai chiều kích này của Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta quên rằng Đức Giêsu, cũng như Thiên Chúa, cũng có một “phương diện khắt khe”.

Chính Đức Giêsu đầy lòng thương xót, là người từng nói với dân chúng, “Hãy đến với ta, tất cả những ai gánh nặng, và ta sẽ cho các ngươi nghỉ ngơi” (Mt 11:28) thì cũng nói với những ai không đếm xỉa đến người nghèo, “Hãy xa khỏi ta, hỡi những người bị Thiên Chúa nguyền rủa! Hãy đi vào lửa đời đời” (Mt 25:41).

Và cũng chính Đức Giêsu nhân từ, là người từng nói với dân chúng, “Hãy học nơi ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29) thì cũng “lấy dây kết thành roi” (Gioan 2:15) và xua đuổi những người đổi tiền ra khỏi Đền Thờ.

Và cũng chính Đức Giêsu dễ thương, là người nói rằng “Những ai công khai tuyên bố thuộc về ta, ta cũng sẽ thi hành như vậy cho họ trước mặt Cha ta ở trên trời. Nhưng ai công khai chối bỏ ta, ta sẽ chối bỏ họ trước Cha ta ở trên trời” (Mt 10:32-33).

Và vì vậy chúng ta thấy Đức Giêsu phản ánh hai chiều kích như Thiên Chúa.

Sự áp dụng những điều này vào đời sống chúng ta thì hiển nhiên. Chúng ta cần biết rằng Thiên Chúa là một cha mẹ nhân từ. Vì quá nhiều năm Thiên Chúa bị coi là người thích trừng phạt hơn là yêu thương.

Tuy nhiên, giờ đây, quả lắc đang nguy hiểm vung về phía trái ngược và đem cho chúng ta một hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa. Tuy nhiên, những hình ảnh sai lầm này không phải là những gì chúng ta cần trong giây phút này của lịch sử. Điều chúng ta cần là sự thật.

Và đó là điều chúng ta tìm thấy trong các bài đọc hôm nay: phúc âm chân lý về Thiên Chúa. Thiên Chúa vừa là một cha mẹ kiên nhẫn và là một thẩm phán chính trực.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu của ĐGH Clement XI. Lời này có cả hai khía cạnh của Thiên Chúa:

Lậy Chúa, con tin ở Chúa; xin ban cho con đức tin vững vàng.
Con hy vọng nơi Chúa; xin ban cho con niềm hy vọng chắc chắn.
Con yêu mến Chúa; hãy giúp con yêu Chúa nhiều hơn.

Con tôn thờ Chúa như Khởi Đầu của con,
và con khao khát Chúa như Cùng Đích của con.
Con ngợi khen Chúa như Ân Nhân bất biến của con,
và con kêu cầu Chúa như Đấng Bảo Vệ độ lượng của con.

Xin hãy hướng dẫn con trong sự khôn ngoan của Chúa,
hãy cản trở con bởi sự công chính của Ngài,
hãy an ủi con bằng sự thương xót của Ngài,
hãy bảo vệ con bằng sức mạnh của Ngài.

Con dâng lên Chúa
các ý nghĩ của con, chỉ để hướng đến Chúa;
các lời nói của con, để Chúa là chủ đề các lời ấy;
hành động của con, để thi hành theo thánh ý của Ngài.

Thánh Ca : Tình Trời Thập Tự


TÔN TRỌNG SỰ SỐNG
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Một cậu bé mười tuổi có con mèo và cậu rất thương mến nó, chăm sóc cho nó trong năm hoặc sáu năm, từ khi cậu còn là một đứa trẻ. Cậu cho con mèo ăn, chơi với nó, và con mèo thường ngồi trên lòng của cậu. Tối đến cậu đưa con mèo ra ngoài chuẩn bị trước khi đến giờ đi ngủ và khi con mèo trở lại, cậu bé và con mèo lên lầu vào phòng đi ngủ. Cậu thương mến con mèo. Một hôm cậu đưa con mèo ra ngoài trước giờ đi ngủ và con mèo không quay trở lại. Cậu rất buồn bực và đã đi tìm con mèo, cậu gọi nó, cậu gọi hoài và con mèo đã không trở về. Chờ đến ngày hôm sau và ngày hôm sau nữa cũng không thấy con mèo trở về. Cậu bé đã thật đau buồn, hối hận, cảm thấy khó chịu không thể nở được nụ cười. Sau ba tuần thì ba của cậu nói, “Cưng à! Ba nghĩ là con mèo đã chết rồi. Có thể nó bị xe cán hay cái gì tương tự như thế; do đó chúng ta hãy tổ chức nghi thức tưởng nhớ cho con mèo. Con có thể mời các bạn của con tới dự; chúng ta sẽ có người làm trò vui và có bong bóng và kem lạnh, bánh và ba sẽ cho con một trái banh. Ngày hơm sau chúng ta sẽ đưa cả nhóm đi đến Kings Dominion và sẽ có một buổi giải trí tốt.” Khuôn mặt cậu bé chợt bừng sáng lên và cậu không còn buồn chán nữa. Và ngay lúc đó thì con mèo bước vào nhà. Nó nhảy vào lòng cậu bé, và khi nhìn thấy con mèo thì cậu đã nghĩ, “không tiệc tùng, không kem bánh, không người mua vui, không Kings Dominion.” Cậu đã quay lại phía ba của cậu và nói, “Ba, chúng ta hãy giết con mèo đi.”

Một Chút Lợi Nhuận

Bài Tin Mừng hôm nay có câu truyện tương tự như thế. Những người làm công, để thu hoạch được thêm một số trái nho nữa, một chút lợi nhuận thêm, đã giết những người đầy tớ của chủ vườn, giết người con của chủ, giết bất cứ ai có liên hệ với chủ để họ không còn phải chia mất chút lợi nhuận đó. Họ không muốn bỏ chút của cải đó; họ không có lòng kính trọng sự sống, họ chỉ quý chuộng quyền nắm giữ cái họ có thể có.

Chúng ta cũng đang sống ở thời điểm có rất ít sự kính trọng hay quí chuộng sự sống. Sự sống bị coi rẻ. Bạn nhìn thấy như thế hằng ngày. Hãy mở truyền hình lên, lắng nghe đài phát thanh, đọc báo chí, con người bị giết hại khắp nơi trong đất nước và trên thế giới. Một người trẻ giết một người trẻ chỉ để lấy một đôi giầy. Cha mẹ có thể giết con chỉ vì chúng gây nên phiền hà. Mưu sát và hành hung xẩy ra ở khắp nơi. Vì sự thiếu tôn trọng và quan tâm này mà Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã lấy tháng Mười làm tháng Tôn Trọng Sự Sống. Đặc biệt hơn, Chúa Nhật đầu tháng Mười là Chúa Nhật Tôn Trọng Sự Sống. Các Giám Mục muốn nhấn mạnh cho mọi người hiểu sự sống quan trọng như thế nào ở mọi thời điểm và dưới mọi hình thức. Đức Thánh Cha (Gioan Phao-lô II) vào mùa Xuân năm 1995 đã viết một tông huấn, “Tin Mừng Sự Sống,” và trong tông huấn ngài đã than lên sự thật là chúng ta đang sống trong nền văn hóa sự chết. Sự chết đang được tôn vinh trong xã hội và sự chết càng được tôn vinh thì Thiên Chúa càng ít được kính tôn; Thiên Chúa càng ít được kính tôn thì Thiên Chúa càng ít được nhớ đến hay được quan tâm đến.

Chút Lợi Nhuận Thời Nay

Chúng ta loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống và luân lý sẽ đi xuống. Người ta chống lại sự sống, dùng ngừa thai, đó là ngăn cản sự sống. Có sự kinh tởm của phá thai đó là phá hủy sự sống. Có hành động phá thai theo thời kỳ, chẳng khác hơn là giết hài nhi, những đứa trẻ đã đủ tháng để được sinh ra chào đời, và chỉ trước khi chúng chào đời thì chúng bị thủ tiêu. Bây giờ lại có mụ bà được gọi là “Bác Sỹ Sự Chết” giúp giết người và được để tự do.

Tối Cao Pháp Viện, chính phủ, và nhiều người khác nói là khi sự sống không còn hiệu qủa nữa thì giết chết đi cũng được. Chúng ta đồng thuận trong hôn nhân đồng phái tính, chấp nhận sống chung ngoài hôn nhân, không có sự tương kính lẫn nhau, chỉ có tôi, của tôi và cái thuộc về tôi. Từ tổng thống cho đến vị hạ nghị sĩ thấp nhất, đến chính phủ địa phương, người ta tỏ ra chẳng coi sự sống ra gì. Họ càng coi thường sự sống thì họ càng đuổi Thiên Chúa ra ngoài cuộc sống của mọi người. Nhiều người Công Giáo cũng tham gia vào những hoàn cảnh tương tự như thế. Có ngay cả đến các tu sỹ, các nữ tu nói là họ ủng hộ phá thai, những người Công Giáo phò phá thai. Đó chính là ngôn từ phản nghịch. Bạn không thể là một người Công Giáo mà lại ủng hộ phá thai. Có vị linh mục ở Georgetown đã gởi thư chúc mừng tổng thống khi tổng thống bác bỏ dự luật về “phá thai theo định kỳ.” Linh mục đã viết là, “Chúc mừng!’ Chúng ta đã nghe như thế và Đức Thánh Cha nói với chúng ta rằng sự sống đang bị chà đạp, bị coi thường, bị phá hủy, mà không có cảm nhận hối tiếc. Người ta đang tham gia và đồng hành với lối suy nghĩ theo văn hóa sự chết. Các bạn thấy nó có ngay trong khối người Công Giáo.

Chúng ta đang chuẩn bị để bầu cho các người lãnh đạo quốc gia, và người ta sẽ bầu cho những người phò phá thai, phò trợ tử, phò lối sống đồng phái tính, phò những lối tha hóa luân lý đang có mặt trên toàn thế giới. Họ sẽ bầu cho các ứng cử viên đó. Tại sao? Bởi vì ứng cử viên đó bảo đảm cái lối sống của tôi, họ sẽ bảo đảm là tôi sẽ có trợ cấp sức khỏe liên bang và tiểu bang, họ sẽ tăng mức định tiền lương tối thiểu, và tôi sẽ được lãnh những ưu bổng về sức khỏe, và tất cả những điều này họ sẽ cho tôi nếu tôi coi thường và chà đạp sự sống.” Do đó cử tri sẽ nhận được tất cả những thứ nhỏ nhặt ở đời này, thêm vài “trái nho,” chút lợi nhuận nhỏ nhoi được cho đi do cái được gọi là “sự quảng đại” của chính phủ, và sự mưu sát, bạo hành, vô luân được thay vào chỗ của Thiên Chúa.

Trách Nhiệm Người Công Giáo

Các bạn có trách nhiệm là những người Công Giáo đã được lãnh nhận ơn sủng của Thiên Chúa, những người được ban cho kiến thức về giáo huấn của Chúa Kitô và của Giáo Hội. Các bạn có trách nhiệm tôn trọng sự sống từ lúc mới bắt đầu cho tới phúc chót, từ lúc thụ thai cho tới giờ chết, cái chết tự nhiên. Các bạn có trách nhiệm hướng dẫn xã hội đi theo đường hướng đó. Các bạn có trách nhiệm bầu cho việc phò sự sống, các bạn có trách nhiệm bầu cho việc tôn trọng sự sống; các bạn có trách nhiệm đứng lên và nói cho sự sống. Các bạn có trách nhiệm bày tỏ rằng các bạn tin sự sống là thánh thiêng, trao ban cho chúng ta từ Thiên Chúa, và các bạn chấp nhận bản tin của Thiên Chúa. Các bạn có trách nhiệm mang Thiên Chúa trở lại trong xã hội. Bất cứ bằng cách nào có thể làm được, hãy đưa Thiên Chúa trở lại trong xã hội, để nhờ đó các bạn và tất cả mọi người có thể nhận thức rằng Thiên Chúa phải là phần thân mật trong đời sống của các bạn mỗi ngày và mọi ngày. Và nếu điều gì gây trở ngại với tình yêu của Thiên Chúa, với ân sủng của Chúa, và với sự hiện diện của Ngài trong đời sống của bạn, thì nó phải được gạt bỏ đi. Chắc chắn việc thiếu tôn trọng sự sống giúp loại Thiên Chúa ra khỏi đời sống của chúng ta.

Tôi đề nghị các bạn suy nghĩ về những lời này của thánh Phao-lô, tuần này, tuần sau, và cho đến khi bầu cử xong. “Sau hết, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.”

Hãy sống theo những quy luật này, gạt bỏ những gì làm cho bạn xa Thiên Chúa và các giáo huấn của Ngài và Thiên Chúa của sự bình an sẽ ở với bạn mãi mãi. Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

Thánh Ca : Cát Bụi Hư Vô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét