Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 8, 2010

Phúc âm lễ Chúa Nhật XXI Q.N (22/08/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Bước Vào Cửa Hẹp" qua Linh Mục Phêrô Bùi Quang Tuấn, C.Ss.R Mời nghe bài giảng chủ đề "Đường Hẹp" qua Linh Mục Micae Giuse Nguyễn Trường Luân, C.Ss.R TẦU KÉO HAY THUYỀN BUỒM? Cha Mark Link, S.J. Chủ đề: "Mỗi người chúng ta phải tự quyết định xem mình là loại Kitô Hữu tầu kéo, thuyền buồm hay bè trôi sông" Một thanh niên viết thư cho một linh mục. Anh nói vị linh mục có thể tự do xử dụng lá thư của anh. Ngoại trừ một vài sửa đổi, sau đây là nguyên văn lá thư anh viết: "Con là một trong những tay bơi lội có hạng ở Gia Nã Đại. Một ngày kia, con để chúng bạn lôi con vào đường ma tuý. "Con bị nghiện, và không lâu sau đó, sức khỏe tâm trí, thể xác và tinh thần đều xuống dốc cách thảm hại... Đời con đảo lộn tất cả. Con trở nên cô đơn và lo sợ khủng khiếp. Con không thể nói chuyện được với ai. "Tệ hơn nữa, con vẫn mắc nợ các tay đầu nậu trên $3,000. Con nghĩ, cách duy nhất để thoát khỏi là tự tử, do đó con về nhà và viết lá thư sau: "Cha mẹ yêu dấu, "'Con xin lỗi đã làm cha mẹ đau lòng... Xin cha mẹ đừng buồn. Nếu con sống, con sẽ gây thêm nhiều đau buồn hơn là điều con vừa mới thi hành... Con thương cha mẹ và cả gia đình. [ký tên] Kiệt' "Con uống rượu để khỏi sợ hãi khi chuẩn bị kết liễu cuộc đời. Và rồi, vào giây phút sau cùng, điều gì đó đã khiến con ngừng lại. Con lấy điện thoại và gọi cho trung tâm giúp đỡ khủng hoảng. "Lúc bấy giờ con không biết là mẹ con cầu nguyện cho con một cách cuồng nhiệt. Một vài ngày sau, con nhập viện cai trừ ma tuý. Không bao lâu con phục hồi sức khỏe thể xác cũng như tâm thần. "Chính lúc bấy giờ con mới bắt đầu đọc Kinh Thánh. Càng đọc con càng cảm thấy bình an và niềm vui. Điều đó khiến con càng tin tưởng vào Chúa hơn nữa. "Trong khi đó, con càng khao khát được biết Chúa Giêsu hơn. "Thật buồn cười. Con từng quỳ gối cầu nguyện tối thiểu trên mười lần-để xin Chúa đến trong đời con--trước khi con nhận ra rằng Người đã ở trong cuộc đời con từ lúc nào... "Tất cả những điều này xảy ra cách đây chừng năm năm. Kể từ đó, Thiên Chúa đã chúc phúc nhiều cho con. Con dạy học trong một trường Công Giáo và tích cực hoạt động trong giáo xứ... "Con cũng cố gắng mở lòng mình hơn nữa để đón nhận lòng thương xót và tình yêu của Chúa là Cha chúng ta. Kính chào Cha Kiệt" Lá thư trên cho thấy một trong những điểm của bài phúc âm hôm nay: Cửa vào nước Chúa thì quả thật chật hẹp. Trong trường hợp của anh Kiệt, dường như cửa ấy thật là hẹp. Nhưng điều đó không làm anh nản lòng. Anh đã cố gắng và cố gắng cho đến khi vào được. Tôi tự hỏi, không biết có bao nhiêu người cũng có can đảm để cố gắng như anh Kiệt. Có người nói rằng, Kitô Hữu có ba loại người: loại tầu kéo, loại thuyền buồm và loại bè trôi sông. Kitô Hữu tầu kéo là những người theo Chúa Giêsu không chỉ khi trời nắng đẹp nhưng cả khi trời giông bão. Họ là những người theo Chúa Giêsu không chỉ khi thuận chèo xuôi mái nhưng còn khi gió cả sóng to. Họ là những người tham dự Thánh Lễ không vì bó buộc nhưng vì Đức Giêsu đã nói trong bữa Tiệc Ly, "Hãy làm việc này để nhớ đến Thầy" Luca 22:19. Họ là những người giúp đỡ người khác không chỉ vì cảm tình mà vì Đức Giêsu đã nói, "Hãy thương yêu nhau, cũng như Thầy yêu thương anh em" Gioan 15:22 Nói tóm, họ là loại người mà bài phúc âm hôm nay khuyến khích chúng ta hãy trở thành. Kitô Hữu thuyền buồm, ngược lại, là những người theo Chúa Giêsu khi thuận buồm xuôi gió. Nhưng khi gió ngược họ lại để xuôi theo chiều gió. Họ là những người tham dự Thánh Lễ khi gia đình và bạn hữu cùng đi. Nhưng để họ tự do thì thường họ quên lãng. Họ là những người hay thắc mắc, "Tới mức nào thì được coi là tội?" thay vì "Tôi có thể làm gì vì yêu thương Thiên Chúa và tha nhân?" Nói tóm, họ là những người theo Chúa Giêsu qua cánh cửa rộng nhưng lại do dự theo Người qua cánh cửa hẹp. Họ là những người theo đám đông hơn là theo Phúc Âm. Sau cùng, có loại Kitô Hữu bè lênh đênh. Họ là Kitô Hữu chỉ có tên mà thôi. Họ không thực sự theo Chúa Giêsu, ngay cả khi thuận chèo xuôi mái. Nếu họ đi theo đường hướng của Người đó là vì có ai lôi kéo hay xô đẩy họ. Họ là những người thực hành đạo không phải vì họ muốn mà là vì ép buộc. Nói tóm, họ là Kitô Hữu chỉ có danh mà không có thực. Điều này đưa chúng ta về với các bài đọc hôm nay. Vấn đề được nêu ra cho chúng ta là: Chúng ta là Kitô Hữu tầu kéo, Kitô Hữu thuyền buồm, hay Kitô Hữu bè lênh đênh? Có phải chúng ta là Kitô hữu tầu kéo không? Chúng ta có theo Chúa khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan không? Chúng ta có đi với Người không chỉ qua cửa rộng mà còn qua cửa hẹp không? Hay chúng ta là Kitô Hữu thuyền buồm? Có phải chúng ta chỉ theo Chúa khi thịnh vượng thôi? Có phải chúng ta chỉ theo Người qua cửa rộng? Có những câu hỏi mà các bài đọc hôm nay đặt ra cho chúng ta. Không ai có thể trả lời thay cho chúng ta mà chúng ta phải tự trả lời. Các bài đọc hôm nay mời chúng ta đối diện với các câu hỏi này với cùng một can đảm mà anh Kiệt đã có được khi đối diện với các khó khăn của anh. Nếu chúng ta đối diện với các vấn đề giống như anh, chắc chắn chúng ta sẽ có sự trợ giúp của Thiên Chúa như anh đã nhận được. Hãy chấm dứt với bài thơ của thi sĩ John Oxenham: "Mỗi người đều có một con đường trước mặt: đường cao, đường giữa và đường thấp. "Một linh hồn cao quý đi theo con đường cao; và linh hồn thấp hèn đi theo con đường thấp; phần còn lại trôi dạt đây đó trên con đường giữa mù mờ. "Mỗi một người đều có một con đường trước mặt: đường cao, đường giữa và đường thấp. Và mỗi một người phải quyết định cho mình một con đường để linh hồn đi theo." "HÃY CỐ GẮNG QUA CỬA HẸP ĐỂ VÀO NƯỚC TRỜI" (Lc 13, 24) Lm. Carolô Hồ Bạc Xái * 1. "Phải chăng số người được cứu thoát thì ít?" Hôm đó có người hỏi Chúa Giêsu: "Phải chăng số người được cứu thoát thì ít?" Người hỏi câu này là một người Do Thái. Khi hỏi thế, người Do Thái này mong nhận được câu trả lời là "đúng thế". Sở dĩ người này mong như vậy là vì dân Do Thái nghĩ rằng ơn cứu rỗi được dành riêng cho dân tộc họ mà thôi. Một câu hỏi sai phát xuất từ một quan niệm sai. Cho nên Chúa Giêsu không trả lời. Những điều Ngài nói sau đó cho ta thấy Ngài muốn đặt lại câu hỏi cho đúng: "Ai sẽ được cứu rỗi?" và "Muốn được cứu rỗi thì phải làm gì?" "Ai sẽ được cứu rỗi?" Thưa: tất cả mọi người: "Thiên hạ sẽ từ Đông Tây Nam Bắc sẽ đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa". Vì thế, đừng ai nghĩ rằng bởi vì mình thuộc thành phần ưu tiên nên chắc chắn sẽ được cứu rỗi, bởi vì rất có thể khi đó họ phải ngỡ ngàng nghe Chúa nói "Ta không biết các ngươi từ đâu tới. Hãy cút đi cho khỏi mắt Ta". "Muốn được cứu rỗi thì phải làm gì?" Thưa "hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mười vào". "Qua cửa hẹp" nghĩa là phải sám hối, phải uốn nắn đời sống theo những giáo huấn của Tin Mừng, "ai muốn theo Ta, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá hằng ngày mà theo Ta" * 2. Ai sẽ được cứu rỗi? Thời Chúa Giêsu nhiều người Do Thái tưởng rằng ơn cứu rỗi chỉ dành riêng cho dân tộc họ mà thôi. Vì thế khi họ hỏi Chúa Giêsu "Thưa Thầy, phải chăng chỉ có một số ít người sẽ được cứu rỗi?" thì họ thầm mong Chúa Giêsu sẽ trả lời "Phải" để xác nhận quan điểm của họ. Nhưng Chúa Giêsu đâu có muốn xác nhận một quan điểm hẹp hòi như vậy, và Chúa Giêsu cũng không muốn trả lời thẳng câu hỏi của họ. Nếu Chúa đáp "Phải" chỉ có một ít người sẽ được cứu rỗi" thì sẽ sinh hậu quả là những người Do Thái thành ra kiêu căng tự mãn vì nắm chắc phần rỗi: vì tự mãn như thế họ không cần cố gắng gì thêm nữa. Và những người khác không phải là Do Thái thì sẽ nản lòng, tự nhủ "Ơn cứu rỗi không thuộc về mình, thôi thì cố gắng làm chi cũng vô ích". Ngược lại nếu Chúa Giêsu đáp "Ơn cứu rỗi được ban cho số đông" thì cũng làm cho mọi người ỷ lại, không cố gắng, bởi vì cố gắng làm chi vì mình chắc chắn sẽ được rồi mà. Chính vì những lý do nêu trên mà Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi dựa trên số lượng, Chúa nhắm đến phẩm chất: Ơn cứu rỗi không phải là đặc quyền của một số người nào, của một dân tộc nào, của một phe nhóm nào cả, mà thuộc về bất cứ ai biết sống theo Lời Chúa dạy. Vì thế mà sẽ có những cảnh trớ trêu: Những kẻ trước hết sẽ có thể nên sau hết; ngược lại những kẻ sau hết có thể thành trước hết. Dân tộc Do Thái dù được biết Chúa sớm hơn hết nhưng nếu không sống theo Lời Chúa thì có thể đi sau các dân khác tuy biết Chúa muộn hơn nhưng đã biết sống theo Lời Chúa. Chúa còn nói:"Nhiều người từ đông sang tây nam bắc sẽ được mời vào nước Chúa đang khi con cái trong nhà bị đuổi ra", nghĩa là có thể các dân tộc khác sẽ vào chiếm chỗ dân Do Thái vì các dân tộc ấy đã biết sống theo Lời Chúa. Trên đây là ý nghĩa trực tiếp của đoạn Tin mừng, áp dụng cho dân Do Thái và các dân khác thời Chúa Giêsu. Còn ý nghĩa hiện thực áp dụng cho thời đại chúng ta ngày nay là: không phải hễ có rửa tội, có đạo, có dự lễ, rước lễ, xưng tội, đọc kinh, nghe giảng, v.v. thì đương nhiên sẽ được cứu rỗi đâu. Nhưng ơn cứu rỗi được ban cho bất cứ kẻ nào sống theo Lời Chúa, cho dù người đó có đạo hay là không có đạo. Thực vậy, có đạo mà không sống theo Lời Chúa thì không bằng người tuy không có đạo, không biết Chúa nhưng cuộc sống của họ lại theo đúng những điều Chúa dạy. Giáo thuyết này đưa đến 2 quan niệm mới trong nền thần học ngày nay: thứ nhất là quan niệm về những người Kitô hữu vô danh: đó là những người tuy không có đạo, nhưng vì cuộc sống của họ phù hợp với tinh thần Tin mừng nên vẫn được cái là Kitô hữu mặc dù họ không có danh hiệu Kitô hữu. Còn quan niệm thứ hai là về những người "Kitô hữu ngoại đao", nghĩa là những người tuy có đạo nhưng lại không sống theo tinh thần Tin mừng nên bị coi là ngoại đạo mặc dù họ có danh hiệu Kitô hữu. Nếu danh hiệu không làm nên thực chất của người Kitô hữu, thì là cái gì? Thưa là cuộc sống được thể hiện qua những phản ứng của mình trước mọi tình huống trong đời. Một nữ tu già ngồi sau một chiếc xe đạp, rồi có một chiếc xe hơi trên đó có một số cán bộ chạy lướt qua. Chiếc he hơi lái hơi ẩu nên chạm chiếc xe đạp làm cho bà sơ già té ngửa xuống, dập đầu xuống đường. Những cán bộ trên xe hơi vội vả xuống đỡ bà dậy. Mặc dầu đau lắm nhưng bà cố gắng nói "Không sao đâu các con, xin Chúa chúc lành cho các con". Câu nói đột ngột đó làm cho các ông cán bộ kia vừa tức cười vừa nghĩ ngợi: tức cười vì các ông ấy đâu có tin Chúa mà cần tới phúc lành của Chúa, nhưng các ông phải nghĩ ngợi vì phản ứng đầy bác ái và đầy đức tin của bà sơ: chỉ có kẻ nào quá quen với tha thứ và lúc nào cũng luôn nhớ tới Chúa mới có thể thốt ra một câu như vậy". Và sau đó những ông cán bộ ấy hay tới lui chăm sóc và thăm viếng vị nữ tu ấy, lòng rất mến phục. Đó là những phản ứng, phản ứng thì lẹ làng, bất ngờ nhưng rất trung thực. Trước một tình huống xảy ra, trong lòng mình thế nào thì mình sẽ phản ứng đúng như vậy. Người nào chỉ có đạo trên danh nghĩa nhưng không quen sống theo Lời Chúa thì không thể nào có được phản ứng mang tính chất Kitô giáo đích thực. Như thế, thước đo của lòng đạo chúng ta chính là những phản ứng của chúng ta. Thí dụ như khi bị trộm mất đồ, không ít người có đạo đã đi coi thầy bói để đoán xem ai đã lấy đồ của mình. Đây rõ ràng là phản ứng của người không đạo. Còn ông Gióp khi dồn dập nhà cửa bị cháy rụi, các vật bị cướp đi, con cháu bị chết hết, bản thân mang chứng phong cùi gớm ghiếc đã biết nói "Xưa Chúa đã ban, nay Chúa lấy lại, xin ngợi khen Chúa". Ông còn khuyên người khác "Mình biết lãnh nhận những ơn lành của Chúa thì sao không biết chịu đựng những thử thách của Chúa, . Đó mới là phản ứng của người có lòng đạo thực. Thế nhưng không thiếu người cho rằng: sống giữa một xã hội đầy tráo trở mà phản ứng theo tinh thần Tin mừng thì là khờ dại quá. Xin hỏi lại: Thế thì đạo không có ăn nhập gì với cuộc đời sao? Con người chúng ta phải chia ra làm hai sao: một con người hiền lành lúc ở nhà thờ đọc kinh dự lễ và một con người tráo trở gian manh khi cư xử với người đời sao! Không được, con người chúng ta phải là một ở nhà thờ cũng vậy mà ở giữa chợ đời cũng vậy. Đạo chúng ta là đạo nhập thể vào đời chứ không phải chỉ là đạo ở nhà thờ. Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn nói rằng không phải hể mang danh nghĩa là người Do thái ngày xưa, hay người Công giáo ngày nay là đương nhiên được ơn cứu rỗi; không phải hể có rửa tội, hễ có thường xuyên đọc kinh rước lễ là đương nhiên được ơn cứu rỗi. Nhưng ơn cứu rỗi là dành cho bất cứ ai biết sống theo Lời Chúa và có những phản ứng hợp với tinh thần Tin mừng trong mọi tình huống cuộc đời. Xin Chúa giúp chúng ta không chỉ là những người Kitô hữu trên danh nghĩa nhưng thấm nhuần tinh thần Kitô hữu trong cả cuộc sống, trong mọi cách suy nghĩ, lời nói, việc làm của mình. * 3. Cửa nào Chúa đã đi qua? Một buổi sáng náo nhiệt, người đàn bà sang trọng đi chiếc xe hơi bóng láng, lóng lánh như kim cương tới cửa thiên đàng. Nghe tiếng còi điện lừng vang, thánh Phêrô vội vã mở cửa dẫn vào. Khi vị thánh giữ cửa thiên đàng chỉ cho bác tài xế của bà một toà nhà đồ sộ, thì bà sung sướng nghĩ thầm: "Bác tài mà còn được ở một toà nhà nguy nga tốt đẹp như thế! Còn tôi chắc phải được một dinh thự sang trọng lộng lẫy đến chừng nào!" Và bà ta xoa tay vui sướng. Ngờ đâu khi bác tài đi rồi, thánh Phêrô lại chỉ vào một túp lều lụp xụp ở góc vườn và nói: - Đó là nhà của bà. Người nhà giàu hốt hoảng, choáng váng đầu óc: - Nhà của tôi đó thật sao? Không, tôi không thể nào sống trong một căn lều tồi tàn xấu xí như thế được? Thánh Phêrô vân vê chòm râu bạc, trả lời giữa hai cái nháy mắt: - Thưa bà, với vật liệu bà đã gởi lên cho tôi xưa nay, tôi chỉ làm được có ngần ấy thôi! * "Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót" (Lc 13, 30). Đó là bất ngờ đau đớn cho "những kẻ đứng đầu". Họ là những người được Chúa ban cho giàu có nhưng lại sống trong ích kỷ, chỉ biết thu vén cho mình những của cải đời này, mà không biết chia sẻ trao ban như luật yêu thương Chúa dạy. Chính tài sản đã làm họ vướng víu nên không thể qua "cửa hẹp" mà vào được Nước Trời. "Những kẻ đứng đầu" có thể là những ai được Chúa ban cho địa vị, chức quyền, khôn ngoan, nhưng lại sống trong huênh hoang tự đắc. Thay vì dùng ơn lành Chúa ban để nâng đỡ anh em, phục vụ cộng đoàn, họ lại nuôi dưỡng tham vọng cá nhân. Chính cái tôi cồng kềnh đã làm họ vướng víu nên không thể qua "cửa hẹp" mà vào được Nước Trời. "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào" (Lc 13, 24). Nếu Chúa đã bảo hãy "chiến đấu" tức là phải nỗ lực cố gắng thật nhiều, phải vất vả gian nan thật lâu, thì mới vượt qua được "cửa hẹp". Nếu Chúa đã nhắc đến "cửa hẹp" thì phải hiểu là chỉ có những người bé nhỏ mới lách qua được, chỉ có những trẻ thơ mới vào được dễ dàng. Chúa phán: "Ai không tiếp nhận Nước Trời như một trẻ nhỏ thì không được vào" (Lc 18, 17). "Cửa hẹp dẫn đến sự sống" (Mt 7, 14), cửa hẹp đưa vào bàn tiệc Nước Trời, nhưng không phải lúc nào cửa cũng mở: Sẽ đến giờ "chủ nhà đứng dậy và khoá cửa lại" (Lc 13, 25) thì không cách gì, không lý lẽ chi để cửa mở ra lại. Đó chính là lúc vô cùng bất hạnh cho những kẻ đến trễ: những kẻ mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng; những kẻ cậy dựa vào đạo dòng, vào các việc lành đã làm, vào tài đức đã đắc thủ mà quên đi Đấng mà họ phải kiếm tìm, để sống thân mật, để dâng hiến và để yêu mến Người với tất cả trái tim. Ước gì chúng ta đừng đến lầm cửa, đó là cửa rộng thênh thang; cửa tiền tài, sắc dục, hư danh; cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Cũng đừng đến mà cửa đã đóng kín để không phải nghe Chúa nói: "Ta không biết các anh từ đâu đến" (Lc 13, 27) (TP) * 4. Thử thách giúp nên người Ở một số bộ lạc da đỏ, có tục lệ sau đây: khi một trẻ trai đến tuổi thành niên, người cha của nó sẽ dẫn nó vào rừng, giao cho nó một cây giáo, sau đó người cha rút lui để lại nó một mình trong rừng suốt đêm hôm ấy. Trong đêm đó, nó sẽ phải một mình ở trong rừng, đối diện với nhiều nỗi sợ hãi: sợ cô đơn, sợ bóng tối, sợ thú dữ... Nếu nó hèn nhát đòi theo cha về nhà thì nó vẫn bị coi là trẻ con. Nhưng nếu nó chịu đựng được tất cả và sáng hôm sau rời khỏi khu rừng trở về với gia đình thì nó được chính thức công nhận là người một trưởng thành. Nếu nói theo bài Tin Mừng hôm nay thì cái đêm khó khăn trong rừng ấy là cái "cửa hẹp"; còn nếu nói theo bài đọc II thì đó là "thử thách". Có qua thử thách hay cửa hẹp đó thì chàng thiếu niên mới trở thành người. Tại sao gian nan cực khổ giúp ta nên người? Vì nó thanh luyện tâm hồn Vì nó rèn luyện đức tính Và vì nó sinh nhiều hoa trái tốt Chẳng những giúp ra nên người, gian nan cực khổ còn giúp ta nên người kitô hữu tốt: Sở dĩ Chúa cho phép gian nan cực khổ xảy đến với ta là vì Chúa biết nó có thể làm ích cho chúng ta. Nói ngược lại, nếu nó chỉ có hại thì Chúa đã không cho nó xảy đến với ta. Nó khiến ta tìm đến Chúa Nó giúp ta cảm nghiệm được quyền phép Chúa Nó giúp ta cảm nhận được tình thương của Chúa Và nó khiến ta biết thương xót những người gặp hoàn cảnh gian nan cực khổ như ta. Chúng ta sắp trở lại với cuộc sống hằng ngày với biết bao cực nhọc và đau khổ. Nhưng Lời Chúa hôm nay đã cho chúng ta biết đó chính là những thử thách mà vì yêu thương chúng ta nên Chúa mới gởi đến cho chúng ta. Đó chính là cái cửa hẹp mà chúng ta cần phải qua đó mới vào được Nước Trời. Vậy chúng ta hãy vui lòng đón nhận tất cả những cực nhọc và đau khổ ấy với lòng yếu mến.Amen. CỬA HẸP (Lc 13:22-30) Fr. Jude Siciliano,OP. Thưa qúi vị, Nội dung bài tin mừng Chúa nhật hôm nay chứa đầy những đòi hỏi và lời cảnh cáo đối với các người tự mãn. Nếu như tôi được đồng hành với Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài lên Giêrusalem, tôi sẽ tự hỏi Ngài xem đích xác có bao nhiêu người được cứu rỗi. Có lẽ tôi cũng được chứng kiến số người thay đổi cuộc sống của mình theo lời mời gọi của Chúa Giêsu để được vào Nước Trời, và những người sau lúc hồ hởi ban đầu, đã từ chối tiếng gọi của Chúa, trở lại nếp sống cũ đầy tự mãn và kiêu ngạo ! Kết quả sẽ làm tôi rất buồn và kêu lên: "Lạy Chúa sao mà ít qúa vậy ! Chúa rất nhọc công , mà người được cứu chẳng là bao nhiêu !" Tôi mong đợi Chúa thông cảm với tôi, quan tâm đến câu hỏi của tôi và cũng buồn như tôi. Nhưng không, Ngài chẳng để ý chi hết, ngược lại câu trả lời của Ngài thật nghiêm nghị: "Hãy tranh thủ mà vào Nước Trời qua của hẹp. Thầy bảo thật anh em, nhiều kẻ tìm vào nhưng không đủ sức"(Lc.13,22). Làm thế nào giải thích cho câu trả lời đó? Xem ra nó cứng cỏi như một câu khiển trách !Tôi trộm nghĩ có lẽ khi đặt câu hỏi tôi đã không thành thực quan tâm đến vấn đề cho đủ hoặc là thiếu cảm thương thiên hạ hay tôi hơi tự phụ kể mình như đã có tên trong danh sách những người được cứu rỗi, còn những người khác thì chưa. Nếu đúng như vậy, tôi thật có lỗi và Chúa sửa lưng tôi, nói :"Này đừng nên xét đoán người khác, ngưng ngay thái độ tự mãn, coi lại xem đã thực sự là người môn đệ tốt của ta chưa ! Ngươi đã sống xứng đáng ơn gọi của ta chưa !"Tiếng Ngài nghiêm nghị, nhưng chủ ý của Ngài là ngăn chặn lòng tự mãn, tự phụ của chúng ta. Bởi chúng ta thường hay sa ngã vào cạm bẫy xét đoán người chung quanh. Ðối với môn đệ Chúa, xét đoán người khác là một thói xấu, vi phạm giới răn thương yêu. Tự mãn cũng là thói xấu, vi phạm thái độ khiêm tốn, cho nên xét đoán và tự mãn là bắt đầu xa cách Chúa, là tự nắm vận mệnh trong tay, rút lui không muốn làm môn sinh của Ngài nữa. Lúc ấy chúng ta đã mất dần Thần khí Chúa, thần khí nuôi dưỡng và thúc đẩy chúng ta nhập cuộc vào công trình cứu độ của Ngài : "Ta không biết các ngươi từ đâu tới", mặc dù"chúng ta đã từng ăn uống với Ngài". Biển Thước là một thầy lang giỏi của Trung quốc thời cổ,trông người biết bệnh. Hoàng Hầu là một ông vua keo kiệt, một hôm Biển Thước vào thăm nhà vua, trong nhà vua, Biển Thườc đề nghị bốc thuốc. Hoàng Hầu cho là Biển Thước muốn làm tiền, nhà vua khoẻ mạnh đâu cần thuốc thang, nên đuổi ra. Ít lâu sau, nghe tin nhà vua cảm nhẹ, Biển Thước vào chầu và đề nghị bốc thuốc. Hoàng Hầu nghĩ bệnh nhẹ vài hôm là khỏi, hà tất phải bốc thuốc, rồi lại đuổi Biển Thước đi. Mười ngày sau Biển Thước lại vào thăm vua, trông thấy nhà vua Biển Thuốc ù té chạy. Hoàng Hầu lấy làm lạ, sai lính đuổi theo bắt lại hỏi rõ nguyên do. Biển Thước tâu: Thần với nhà vua là chỗ thân tình, lần đầu trông thấy vua, bệnh còn ở ngoài da, chữa được, nhưng vua không nghe, lần thứ hai, bệnh đã vào đến ruột gan, nhưng vẫn còn chữa được, đề nghị bốc thuốc, nhà vua vẫn không nghe. Lần này bệnh đã vào đến xương tủy, không chữa được nữa nên thần ra về. Quả thật mấy tháng sau Hoàng Hầu ngã bệnh nặng, sai đi tìm Biển Thước. Nhưng ông đã lánh sang nước Tần (truyện cổ Trung Hoa). Tự mãn là bệnh ở ngoài da, kiêu ngạo là bệnh ở phèo phổi và tham lam là bệnh tại xương tủy. Tự mãn về lối sống của mình là chúng ta mắc bệnh ngoài da. Chẳng mấy hồi nó sẽ tiến vào các cơ quan bên trong, rồi đến xương cốt. Lúc đó thì vô phương cứu chữa. Kinh nghiệm đã cho hay như thế đó. Trái lại những linh hồn nhạy cảm việc nhà Chúa, luôn luôn quan tâm đến tha nhân vì được thần khí Chúa Giêsu thúc đẩy, tiếp sức, sẵn sàng xắn tay nhập cuộc trong các chương trình bác ái và những công việc thường nhật, có khi là trần tục. Nhưng họ ý thức được đó chính là ơn gọi của mình. Họ tiếp cận những biến cố xẩy đến hằng ngày trong cuộc đời với nhiệt tâm và hy vọng. Họ biết họ phải làm gì trước nhan Chúa và trên hết mọi sự họ ý thức họ đang đồng hành với Ai trên trái đất này. Có thể bạn gọi họ là các tín hữu "công giáo tiến hành". Vậy chính vì họ cố gắng sống ơn gọi của mình cho nên tôi gọi họ là "qua cửa hẹp mà vào nước trời". Không phải họ cảm thấy cần phải làm đẹp lòng Thiên Chúa, mà qua Chúa Giêsu, họ đã cảm nghiệm được họ đang làm vui lòng Thiên Chúa, Thiên Chúa đang được tôn vinh nơi họ. Chúa là nguồn mạch ơn gọi của họ. Thần khí Chúa Giêsu ban nghị lực cho họ để cố gắng vào nước trời qua cửa hẹp. Xin nhớ rằng bằng cách này hay cách khác Chúa Giêsu luôn nhắc nhở :"Hỡi đoàn chiên bé nhỏ, đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban vương quốc cho anh em"(Lc.12,32), trong suốt các sách tin mừng ! Những linh hồn nhận được ân huệ này của Thiên Chúa, luôn luôn tỏ vẻ vui mừng, họ thực sự được hạnh phúc và bình an. Chúng ta còn bồn chồn lo âu, là bởi chưa nhận được ân huệ đó . Tôi chẳng có ý nói công việc của họ là dễ dàng, thoải mái. Thánh Luca dùng từ Hy lạp "Agonizesthe" để mô tả thực tại cố gắng vào nước trời. Từ này đồng nghĩa với từ hấp hối (agony) của tiếng Anh ngày nay. Phiên dịch rộng ra, chúng ta dùng từ "cố gắng, tranh thủ, phấn đấu". Theo ngôn ngữ đầy hình ảnh và cũng là một dụ ngôn, Chúa Giêsu mô tả Nước Trời như một bữa tiệc đầy dẫy thức ăn, của uống, sơn hào hải vị, phòng ăn thì rộng rải thênh thang. Nhưng chỉ những người công chính mới được vào. Họ ngồi đồng bàn với nhau không phân biệt người sang kẻ hèn, người giàu kẻ nghèo. Nhưng những ai nghĩ mình là quan trọng, là nhất, lại được đối xử như người rốt hết, và người rốt hết lên chỗ cao nhất. Không ai phải mua vé vào cửa, nhưng cửa thì hẹp, người đến dự tiệc phải bỏ lại những thứ lỉnh kỉnh, cồng kềnh mang theo mình ngoài cửa để có thể bước vào, tức phải thay đổi cuộc sống, đơn sơ, nhẹ nhàng, phải thay đổi những ưu tiên, lo lắng trong cuộc đời thường nhật. Những ai tưởng mình quan trọng, phải ăn ở khiêm nhường, những ngươì nhát đảm, hèn yếu phải được nâng đỡ. Những kẻ bị vùi dập, sống ngoài lề xã hội phải được chăm sóc. Nhưng xin hãy nhớ, chúng ta chẳng thể thi hành những thay đổi đó nguyên chỉ bằng sức lực loài người, bằng quyết tâm và cố gắng riêng phần chúng ta. Bài tin mừng tuần trước Chúa Giêsu đã tuyên bố chính Ngài mới là Ðấng mang lửa xuống đốt cháy thế gian, đốt cháy những tâm hồn thành kính, yêu thương. Ðó là ngọn lửa soi đường cho nhân loại bước vào cửa hẹp, và cũng là ngọn lửa thúc đẩy chúng ta qua cửa đó. Cửa đó chính là các giới răn và lời giảng dậy của Ngài. Chẳng phải rằng chúng ta bắt buộc làm những gì to lớn mới được gọi là "phấn đấu". Phấn đấu là sống hoàn hảo công việc hằng ngày, quét phòng, sơn nhà, chăm sóc con cái, dọn vườn, tưới hoa, cầy cấy.hằng trăm công việc lặt vặt, không tên, hàng ngàn công việc sản suất, thăng tiến cuộc sống, đều đòi hỏi phấn đấu. Người môn đệ Chúa phải biến chúng thành những "cố gắng" để vào nước trời,đáp ứng tốt đẹp dụ ngôn của Chúa Giêsu . Chẳng có gì trong thế gian này là vĩnh viễn, ai ai cũng thuộc lòng câu thơ của tuổi thiếu thời : "Life is short,death is sure, the hour of death remains obscure."(đời sống thì ngắn, sự chết là chắc chắn, nhưng giờ chết chưa ai biết.) cơ hội làm việc lành một khi đã qua đi, chẳng bao giờ trở lại. Cửa sẽ đóng lại vĩnh viễn, kêu gào cũng bằng vô ích."Ta chẳng hề biết các ngươi là ai !". Lúc ấy những người ngoài từ đông sang tây, từ nam chí bắc sẽ được vào hưởng tiệc vui Nước Trời cùng với Abraham, Isaac, Jacob. Nhưng con cái trong nhà thì lại bị đuổi ra ! Chúng ta nghĩ sao về lời cảnh cáo đó ? Tự mãn về nền sống "đạo đức" của mình, thật là tai hại . Amen. Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét