Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Phúc âm lễ Chúa Nhật XIX Q.N (08/08/2010)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng chủ đề "Tỉnh Thức Chờ Chúa" qua Linh Mục Đominic Nguyễn Phi Long, C.Ss.R Mời nghe bài giảng chủ đề "Thái độ sống" qua Linh Mục Micae Giuse Nguyễn Trường Luân, C.Ss.R Chủ Ðề: Tỉnh thức trong đêm tối "Anh em hãy sẵn sàng" (Lc 12 40) Lm. Carolô Hồ Bạc Xái * 1. Sống với sự bấp bênh Trong tất cả mọi chuyến bay, khi máy bay vừa cất cánh và đã ổn định đường bay, các tiếp viên hàng không đều chi dẫn cho hành khách phải làm những gì khi rủi mà máy bay gặp tai nạn. Sự việc này có nghĩa là mặc dù chuyến bay đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, nhưng người ta vẫn chưa dám chắc là sẽ an toàn 100 %, do đó phải chuẩn bị đối phó với điều bất ngờ. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng ban cho chúng ta những chỉ dẫn cho chuyến bay cuộc đời. Ngài bảo chúng ta phải luôn tỉnh thức sẵn sàng, như một người đầy tớ chuẩn bị sẵn mọi thứ để chờ chủ về bất cứ lúc nào. Lời dạy của Chúa rất hợp lý, bởi vì cuộc sống con người rất bấp bênh. Càng sống nhiều năm, con người càng cảm nhận sự bấp bênh của cuộc sống: người ta có thể chết ở bất cứ tuổi nào, bất cứ ở đâu và chết vì đủ thứ lý do. Ở những vùng thường bị lũ lụt, người ta luôn chuẩn bị sẵn sàng để nếu có lũ thì tài sản không bị hư hao. Vào mùa hè thường xảy ra hỏa hoạn, người ta cũng nhắc nhau lúc nào cũng chuẩn bị sẵn sàng. Đối với nhà cửa và tài sản, chúng ta biết chuẩn bị sẵn sàng, vậy tại sao không biết chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc sống đời đời? * 2. Chuẩn bị thế nào? Chuẩn bị sẵn sàng không có nghĩa là đã hoàn thành hết mọi việc phải làm (được như vậy thì càng tốt, nhưng ít ai được như vậy), mà là lúc nào cũng đang làm tốt việc bổn phận. Một tu sĩ kia đang quét nhà trong tu viện. Chợt một người đến hỏi "Nếu một giờ nữa anh phải chết thì anh sẽ làm gì?" Vị tu sĩ trả lời "Tôi cứ tiếp tục quét nhà cho xong". Làm tốt việc bổn phận không phải chỉ là làm cho xong việc bổn phận đó, mà còn là làm cách vui vẻ và với lòng yêu mến. Cựu Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc, ông Dag Hammarskjold đã để lại câu sau đây: "Có ngày nào mà niềm vui thì lớn còn nỗi buồn thì nhỏ không?" Và chính ông trả lời: "Thưa có, ngày nào chúng ta biết sống với bổn phận và chu toàn bổn phận thì ngày đó chúng ta sẽ thấy niềm vui thật lớn và thấy những nỗi buồn thật nhỏ nhoi". Thi hào Tagore cũng có một câu tương tự: "Tôi ngủ mơ thấy đời sống là vui. Tôi thức giấc thấy đời sống là bổn phận. Tôi làm việc và thấy bổn phận là niềm vui". Cách đây vài năm, một thầy dòng Phanxicô kia phụ trách một trường giáo dục các trẻ em hư hỏng. Trong một chuyến đi vận động các nhà hảo tâm trợ giúp tài chánh cho trường, Thầy đã bị tai nạn xe và chết. Nhiều người tội nghiệp cho Thầy vì chết đột ngột quá. Nhưng cũng có nhiều người khác cho rằng Thầy đã chết một cách tuyệt đẹp, bởi vì chết đang khi thi hành bổn phận mình. (FM) * 3. Sẵn sàng chết Tại chùa Tô Châu, có một nhà sư tên Viên Thủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp mở ra đóng vào được. Khách đến chơi trông thấy cười nhạo nói rằng: - Ngài chế ra cái này dùng để làm gì? Nhà sư trả lời: - Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Tôi thực lấy làm lạ, người đời ai cũng chỉ biết phú quí, công danh, tài sắc, thị hiếu, lo buồn, vất vả suốt đời chẳng biết đến cái chết là gì. . . Mỗi khi có việc không vừa ý, tôi cầm lấy cái quan tài mà ngắm, tức khắc tôi cảm thấy được yên tâm trong tâm hồn ngay. Thật là hiếm, những con người luôn ngẫm suy về cái chết của chính mình, và còn hiếm hơn nữa, những con người xem cái chết như người bạn đồng hành, giúp họ vượt qua những nỗi chán chường trong cuộc sống như nhà sư Viên Thủ Trung trong câu chuyện trên đây. Phần nhiều, người ta bôn ba để kiếm sống, họ lo thu tích cho nhiều của cải, vội vã thụ hưởng những thú vui trần tục, họ sống như thể sẽ không bao giờ phải chết. (TP) * 4. Hành trình trong đức tin Trong một bài đăng trên báo The Tablet (Ngày 1 tháng 4 năm 2000), Pastor Ignotus viết rằng có hai cách để sống cuộc đời mình: một là làm như một người lập chương trình, hai là làm như một kẻ hành hương. Người lập chương trình muốn kiểm soát toàn bộ đời mình và đặt chương trình cho từng giai đoạn cuộc đời theo những mục tiêu định sẵn, đó là những thứ mà xã hội coi là thành đạt. Người lập chương trình tốn rất nhiều thời giờ để bắt chước kiểu sống của những khác và theo đuổi những giá trị của những người khác. Thế nhưng nếu không đạt được những mục tiêu ấy thì họ sẽ thất vọng ê chề. Còn người hành hương thì trái lại. Đó là người đón nhận cuôc sống như một quà tặng bao gồm cả mặt phải và mặt trái của nó. Người hành hương không thể kiểm soát tất cả những gì xảy đến trong đời mình, nhưng biết thưởng thức tất cả những điều ấy, xem tất cả là những cơ hội cho mình lớn lên. Không như người lập chương trình, người hành hương không bao giờ cảm thấy dễ chịu hay khó chịu với những giá trị mà những người khác trong xã hội nhắm tới. Nói tóm lại, người lập chương trình không biết sống theo đức tin. Còn người hành hương thì luôn sống theo đức tin. Người hành hương ý thức rằng cuộc đời có nhiều việc khó lường nhưng biết chấp nhận chúng. Người hành hương đặt mình trong bàn tay Thiên Chúa, phó thác đời mình cho Thiên Chúa chở che. Vì biết sống giây phút hiện tại nên người hành hương có thể sống tròn đầy cả cuộc đời mình. * 5. Chuyện minh họa a/ Được chọn cách chết Một tên hề kia chuyên làm trò cho nhà vua vui. Nhưng một hôm hắn lở nói một câu xúc phạm khiến nhà vua nổi giận truyền xử tử hắn. Tuy nhiên vì những công lao bấy lâu nay của hắn nên nhà vua cho hắn được chọn cách chết. Sau một hồi suy nghĩ, hắn tâu: "Xin cho hạ thần được chết già!" . Lời bàn: Tên hề này là một người may mắn vì được chọn cách chết và lúc chết của mình. Chúng ta không được may mắn như hắn đâu. Cho nên phải luôn sẵn sàng. b/ Ở với con Một bà mẹ kể: tối đó, khi tôi đang dọn giường cho đứa con nhỏ, nó thỏ thẻ: "Mẹ ơi, mẹ ở với con khi con ngủ nhé!" Nghĩ đến bao việc nhà chưa làm sau một ngày ở sở, tôi đã tính ra ngoài để nó ngủ một mình. Chợt một ý tưởng nảy ra trong trí, tôi đến nằm bên con, đặt tay con trong tay mình. Và trong lúc đứa con chìm vào giấc mộng, ý tưởng đó biến thành lời nguyện: "Lạy Chúa, xin giúp son sống thế nào để khi bước vào hoàng hôn cuộc đời, con có thể âu yếm nói với Cha trên trời: "Cha ơi, Cha ở với con khi con ngủ nhé!" Anh chị em thân mến, trung thành làm tròn mọi bổn phận đối với Chúa và tha nhân là phương thế tốt nhất để đón chờ Chúa trở lại trong vinh quang. Với quyết tâm luôn tỉnh thức và chờ đợi Chúa đến, chúng ta cùng dâng lời cầu xin: 1. Hội thánh không ngừng kêu gọi con cái mình tỉnh thức và cầu nguyện / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử / biết tìm mọi phương thế thích hợp / để giúp các tín hữu luôn luôn tỉnh thức và cầu nguyện không ngừng. 2. Trong đời sống thường ngày / có lắm người sống như mình không bao giờ chết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi người hiểu rằng / cái chết không buông tha bất cứ một ai / và nhiều khi xảy đến hết sức bất ngờ. 3. Tận tụy phục vụ tha nhân / là một trong những cách tỉnh thức đón mừng Chúa đến / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Kitô hữu / biết hết lòng phục vụ Chúa nơi những người đói khổ nghèo nàn. 4. Siêng năng lãnh nhận các bí tích / và tích cực sống lời Chúa dạy trong Tin mừng / là sẵn sàng / là tỉnh thức như Chúa dạy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn chuẩn bị thật tất tâm hồn / để khi Chúa gọi trở về với Chúa / không ai bị Người khiển trách bất cứ điều gì. Lạy Chúa, giữa bao sóng gió của cuộc đời, chúng con dễ ngã lòng nản chí và lơ là trong việc chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ quyết định với Chúa là vị Thẩm phán công minh. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp cho chúng con. Amen. Tỉnh thức(Lc 12, 32-48) Giacôbê Phạm Văn Phượng op Cô Ác-ni-ét-ca, 24 tuổi, người mẫu nổi tiếng của Hà Lan, một lần kia đã đăng ký giữ chỗ trong chuyến bay TWA 800, nhưng vào phút chót, một trở ngại khiến cô phải đình lại chuyến đi, lúc ấy cô rất buồn vì phải lỡ dở công việc, nhưng sau đó chắc hẳn cô đã không ngừng cảm tạ ơn thoát chết, vì máy bay đó đã nổ tung sau khi rời sân bay và rơi xuống biển, toàn bộ phi hành đoàn và hành khách không một ai sống sót. Nhưng thoát cái chết đó cô lại rơi vào một cái chết không kém tang thương. Không đầy một tháng sau, đang lúc trình diễn giữa những tiếng reo hò ca ngợi của đám đông ngưỡng mộ, thình lình cô bị đâm túi bụi và đã tắt thở sau đó trước sự kinh ngạc của mọi người, họ là những người mến mộ cô nhưng đã bất lực không thể cứu sống được cô. Cái chết bất ngờ của cô người mẫu nổi tiếng Ác-ni-ét-ca là một bằng chứng cho chúng ta thấy : dù tin hay không tin, sự sống của cô đang có một bàn tay siêu việt điều khiển, cô không thể giữ nổi sự sống của mình. Cô đâu có ngờ cái may thoát nạn vừa được hưởng cũng chính là tiếng chuông cảnh báo giờ ra đi của đời cô, cô đâu có ngờ buổi trình diễn hôm đó là lần trình diễn cuối cùng của mình. Đúng vậy, không ai có thể nắm chắc sự sống của mình, kể cả vua chúa quyền uy cho đến thứ dân hèn mọn. Chỉ có Thiên Chúa là Đấng toàn năng mới có quyền quyết định sự sống con người và Ngài muốn gọi ai khi nào là tùy ý Ngài, vì thế tiếng gọi ấy thường là bất ngờ. Quả thực, Kinh Thánh và giáo lý cho chúng ta biết : mỗi người có hai kiếp được sống và phải sống : một đời sống tạm bợ và một đời sống vĩnh cửu, một đời sống hiện tại và một đời sống tương lai, một đời sống hành hương và một đời sống quê thật, một đời sống trần gian và một đời sống thiên đàng hay hỏa ngục. Từ kiếp sống này qua kiếp sống kia, mỗi người phải qua sự chết duy có một lần, bởi vì kiếp sống tạm bợ ở trần gian chỉ diễn ra có một lần. Sự chết xảy đến cho mỗi người được Kinh Thánh gọi là Chúa đến, và việc Chúa đến này thường xảy ra bất ngờ, bí mật, trừ một vài trường hợp họa hiếm được Chúa cho biết trước ngày chết, còn hầu hết đều không biết trước. Chúng ta không biết trước ngày giờ mình chết, chẳng ai có thể phỏng định được tuổi nào mình sẽ từ biệt cõi đời, và cũng chẳng ai biết mình sẽ chết thế nào : chết từ từ hay chết bất thình lình, chết vì bệnh tật hay tai nạn, chết ở đâu : trên cạn hay dưới nước, ở nhà hay ngoài đường, chết trong tình trạng ơn nghĩa hay tội lỗi, mê man hay tỉnh táo, có kịp chịu các phép sau cùng hay không. Tóm lại, Chúa có thể đến gọi chúng ta khi chúng ta đang làm việc, đang khi chúng ta ngon giấc hay trong lúc chúng ta đang vui chơi giải trí… chúng ta hoàn toàn không hay biết gì về ngày giờ Chúa đến và Chúa gọi chúng ta ở chỗ nào. Chính tính cách bất ngờ đó nhắc nhở chúng ta hãy luôn sẵn sàng và do đó luôn cố gắng sống tốt lành. Cũng vậy, tính cách bất ngờ ấy cũng là điều tốt cho chúng ta, bởi vì nếu biết thời điểm đích xác, chúng ta có thể bị cám dỗ ỷ lại, lười biếng, hoặc tệ hại hơn, tự ru ngủ mình để rồi tiếp tục ngồi lì trong con đường tội lỗi với hy vọng sẽ trở lại với Chúa trong giờ phút cuối cùng. Chính vì tính cách bất ngờ ấy mà nhiều lần Chúa bảo chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Chẳng hạn như bài Tin Mừng hôm nay, Chúa bảo chúng ta : bao lâu sống ở đời này, tư thế của chúng ta lúc nào cũng phải sẵn sàng giống như người đầy tớ trung tín chờ đợi chủ về. Chủ có thể về bất cứ lúc nào, điều làm cho chủ hài lòng là khi trở về thấy người đầy tớ hoàn toàn sẵn sàng, khi ông gõ cửa là mở ngay. Rồi Chúa còn đưa ra một thí dụ nữa để nhấn mạnh thêm về sự khẩn trương phải sẵn sàng, cũng như chủ nhà không biết khi nào kẻ trộm đến viếng nhà mình, nên ông luôn canh chừng để khỏi mất mát. Thì việc Chúa đến cũng bất ngờ như vậy, nên chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng để bất cứ lúc nào Chúa đến gọi chúng ta ra khỏi đời này, dù có bất ngờ và đột ngột, chúng ta vẫn không lo sợ. Trái lại, chỉ những ai không tỉnh thức và không sẵn sàng mới đáng lo sợ mà thôi. Nói khác đi, sự chết bất ngờ như vậy có thể là hoàn toàn tự nhiên, bình thường, không phải là số mệnh, không phải Chúa định, cũng không phải Chúa có ý chơi xấu chúng ta, chỉ nhằm nhè lúc chúng ta lơ là thì Ngài đến. Thật ra tính cách bất ngờ đó có lợi cho chúng ta : đừng miệt mài trong cõi đời tạm mà quên đi cõi phúc trường sinh, đừng mê mải thú vui trần gian mà quên đi hạnh phúc nước trời. Vậy tỉnh thức là thế nào ? Tỉnh thức không phải là không ngủ, mà là ngủ trong tỉnh thức, tỉnh thức không phải là ngồi không mà chờ đợi, nhưng vẫn làm việc như thường và trong tư thế chờ đợi. Có những người tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Tỉnh thức cũng không phải là suốt ngày đọc lời Chúa, nhưng là để lời Chúa chi phối đời sống của mình. Như vậy, thái độ tỉnh thức của chúng ta không phải là một thái độ tiêu cực, chạy trốn, tranh né bổn phận, không dấn thân trong hiện tại, nhưng ngược lại, vẫn sống tích cực, vẫn chu toàn bổn phận hằng ngày, vẫn liên đới với mọi người, nhưng sống và làm việc một cách tốt đẹp. Tóm lại, sự tỉnh thức của chúng ta là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục vụ, đây chính là ý nghĩa đích thực của sự tỉnh thức mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong Tin Mừng hôm nay.Amen. TỈNH THỨC LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà (Suy niệm Tin Mừng Luca (Lc 12, 32-48) trích đọc vào Chúa nhật 19 thường niên.) Một cô vợ trẻ có quá khứ xấu xa, đã từng là gái bao, gái gọi suốt nhiều năm; vậy mà vì quá yêu thương cô, một chàng trai cao thượng chẳng màng đến quá khứ đen tối ấy, chấp nhận cưới cô làm vợ, với hy vọng tình yêu tha thiết của chàng sẽ cải thiện cuộc đời cô. Cưới nhau chưa được bao lâu thì vì kế sinh nhai, người chồng phải buồn sầu giã biệt người vợ yêu quý, ra đi lao động dài hạn ở nước ngoài, chưa biết đến bao giờ mới thấy ngày đoàn tụ. Mặc dù đã thề nguyền trọn đời yêu thương và chung thủy với chồng, nhưng khi chồng xa nhà chưa được bao lâu, người vợ quên phắt lời thề hứa chung thủy hôm nào, quay trở lại cuộc đời trăng hoa trác táng như cũ. Cô nghĩ rằng ít nữa vài ba năm sau chồng mới trở về, vậy thì đến cuối thời gian đó mình sẽ tu tỉnh lại và sửa soạn đón chồng về thì cũng chẳng sao. Suy nghĩ của người vợ bất trung trên đây chẳng khác gì suy tính của người tôi tớ xấu trong Tin Mừng (Lc 12, 32-48) hôm nay: “Chủ ta còn lâu mới về" và y bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa…” Thế rồi hậu quả đau thương sẽ đến: “chủ của tên đầy tớ ấy đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.” Nhiều khi chúng ta cũng suy nghĩ và hành động như người vợ bất trung hay như tên tôi tớ thiếu tỉnh thức trên đây: “Mình còn lâu mới chết, ngày giờ Chúa gọi còn xa. Ít ra mình cũng còn sống được vài ba chục năm nữa. Vậy thì tha hồ sống buông tuồng theo đam mê dục vọng, ăn chơi thoả thích, chờ đến khi được bảy, tám chục tuổi rồi ăn năn sám hối cũng chẳng muộn gì. Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và tha thứ, Người chẳng nỡ bắt tội đã qua!” Nhưng thử nghĩ lại xem: Một người vợ lợi dụng thời gian vắng chồng để làm điều vô luân bất chính như trên có xứng đáng với tình yêu của chồng không? Có xứng đáng chung hưởng hạnh phúc với chồng trong ngày đoàn tụ không? Và tôi, người học theo sách của con người bất trung ấy, chờ khi nào sắp chết mới chịu tu thân sửa mình và mới sống trung thành với Chúa, có xứng đáng chường mặt ra chào đón Chúa trong ngày Người đến gõ cửa nhà mình không? Có xứng đáng bước vào Ngôi Nhà hoan lạc mà Người đã dành sẵn cho những tôi tớ trung thành trên quê trời không? Vậy thì khi lên tiếng mời gọi: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay”, Chúa Giê-su mong muốn chúng ta luôn luôn “chung thủy” với Chúa và sẵn sàng đón Chúa trở lại như người tôi tớ chờ đợi chủ về giữa đêm khuya hay như người vợ hiền dành trọn con tim và lòng chung thủy cho người chồng đi xa không biết đến bao giờ mới trở lại.Amen. THẾ GIỚI BÊN KIA Pt Giuse Trần Văn Nhật Cách đây hơn năm năm, lúc ấy tôi bị thất nghiệp nên hùn hạp với một người bạn để mở tiệm in. Tôi không biết gì về ngành in, nhưng vì lúc bấy giờ có một ông chủ tiệm in, người Hoa Kỳ khoảng 60 tuổi, bị ung thư phổi đến thời kỳ cuối cùng—các bác sĩ đã “chê” và không nhà thương nào muốn nhận—nên ông ta ngỏ ý muốn bán lại cơ sở này cho người bạn tôi với giá rẻ. Chúng tôi đặt cọc một số tiền để ông huấn luyện cách điều hành cơ sở cho chúng tôi trước khi thực sự làm chủ. Sau khi học nghề và đứng tiệm được chừng một tháng, chúng tôi thấy kết quả khả quan, và trước khi trả hết số tiền còn lại để lấy tiệm, chúng tôi đòi ông phải cho biết chủ đất là ai để sang tên, nhưng ông nhất định không chịu. Sự giằng co này kéo dài khoảng hai tuần, sau đó, chúng tôi thấy có những người đến xem tiệm, và vào cuối tuần đó, tất cả máy móc trong tiệm được dọn sạch vì đã ông bán cho người khác, và ông còn thay các ổ khoá ở trong tiệm. Khoảng một tháng sau tôi được tin ông từ trần. Và người mua tất cả các máy móc của ông cũng trả cho ông một chi phiếu “ma”, không có tiền bảo chứng. Ông đi vào thế giới bên kia với hai bàn tay trắng trong hoàn cảnh cô đơn vì ly dị và không có con. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng bị mất tất cả. Qua kinh nghiệm này, điều tôi ngạc nhiên và muốn nhấn mạnh ở đây là trong hoàn cảnh bệnh tật—dù nặng đến đâu đi nữa—người ta không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ chết. Bố tôi cũng vậy, ông từ trần vì thận yếu phải đi lọc máu hàng tuần, lúc đó ông đã 93 tuổi nhưng ông vẫn nghĩ rằng sẽ sống đến 100 tuổi! Một cách bình thường, có lẽ không ai muốn chết. Vì nói đến sự chết là nói đến sự chia lìa, xa cách mãi mãi những người thân yêu. Dù một người cô độc đi nữa cũng không muốn chết bởi vì họ sẽ mất mát tất cả của cải, tài sản họ có trong tay. Chúng ta vào đời với hai bàn tay trắng thì chúng ta cũng ra khỏi cuộc đời với hai bàn tay trắng. Có lẽ sự tiếc nuối là điều đau khổ ghê gớm cho một người hấp hối. Càng già thì càng tiếc nuối bởi vì càng sống lâu thì càng tốn nhiều mồ hôi nước mắt đổ ra để gầy dựng sự nghiệp mà giờ đây phải bỏ lại tất cả. Ngoài sự tiếc nuối, điều làm cho người ta lo sợ khi đối diện với sự chết là họ không biết sẽ có những gì ở thế giới bên kia. Người vô thần, không có đức tin, thì lo sợ vì họ không biết có Thượng Đế hay không, nếu có Thượng Đế mà cả một cuộc đời của họ đã sống như không có thì tương lai của họ sẽ như thế nào? Người ta thường nói đến Thượng Đế vô cùng công bằng, bởi vậy, nếu họ ăn ngay ở lành, có lẽ họ đỡ lo sợ đỡ hơn là một cuộc đời dành giật, lừa đảo, nhất là những bất công họ đã gây ra cho người khác. Người có đức tin, khi sắp sửa lìa trần, cũng lo sợ nhìn lại đời sống của mình, không biết đời sống ấy có thực sự bác ái, thực sự phản ảnh tinh thần “mến Chúa yêu người” như Chúa đã dậy trong phúc âm hay không? Cả hai tâm trạng này được thấy phần nào trong bài phúc âm hôm nay. Trong phần đầu, sau khi Chúa kêu gọi các môn đệ hãy sống bác ái để tích trữ công đức trên trời, dường như Chúa Giêsu muốn trả lời cho những người vô thần rằng, ở đời sau không chỉ là một thực tại mà còn là sự gặp gỡ với Chủ Nhân của sự sống. Điều cần lưu ý là họ sẽ gặp Chủ Nhân một cách không ngờ, như kẻ trộm vào nhà. Nhưng nếu họ luôn chuẩn bị để gặp Vị Chủ Nhân thì điều không ngờ là chính Chủ Nhân này lại là người phục vụ họ ở đời sau. Nhưng nếu ngay tự bây giờ họ đã không muốn gặp Chủ Nhân ấy thì ở đời sau họ cũng được một chỗ dành riêng cho họ, xa cách với Chủ Nhân này. Sau khi nghe Chúa Giêsu nói như vậy, ông Phêrô, với tâm trạng của một người có đức tin vào Thiên Chúa, đã cất tiếng hỏi, “Thưa Chúa, dụ ngôn này dành cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Ông Phêrô cảm thấy dụ ngôn này thích hợp hơn với những người không tin vào Đức Giêsu là Kitô, là Mêsia, trong khi ông đang sống sát cánh bên Người thì dụ ngôn này áp dụng như thế nào? Và Chúa Giêsu đã trả lời cho ông Phêrô và cũng là câu trả lời cho những người tin vào Thiên Chúa: họ là những quản lý của Thiên Chúa có trách nhiệm đối với những người không có đức tin. Dù là quản lý hay tôi tớ, dù người có đức tin hay không có đức tin, tất cả chỉ có một Chủ Nhân, và Chủ Nhân ấy muốn tất cả mọi người được cứu độ. Đặc biệt hơn nữa, Chúa Giêsu đã cảnh giác những người có đức tin về sự đau khổ khi phải đối diện với sự chết nếu họ cứ bám víu lấy đời này. Với những người có đức tin, Chúa nói, “Tôi tớ nào đã biết ý của chủ mà không chuẩn bị hoặc không làm theo ý của chủ thì họ sẽ bị đánh đòn nhiều.” Và với những người không có đức tin, Chúa nói, “Còn tôi tớ nào làm những chuyện đáng bị phạt nặng nhưng không biết ý của chủ thì sẽ bị đòn ít.” Chữ “đánh đòn” ở đây phải hiểu rằng sự đau khổ khi chúng ta phải từ bỏ tất cả những gì thuộc đời này. Nếu đã biết lời Chúa cảnh giác mà chúng ta không chịu nghe, cứ bám víu vào của cải, danh vọng, quyền thế ở đời này thì chúng ta lại càng tuyệt vọng khi đối diện với sự chết. Mục đích của chúng ta theo Chúa Kitô đã được đề cập đến ngay đầu bài phúc âm hôm nay, Chúa nói: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban vương quốc của Người cho các con”. Mục đích đời sống chúng ta là được ở trong vương quốc của Thiên Chúa, được kết hợp với Thiên Chúa ở đời sau. Cuộc sống đời này là để chuẩn bị cho đời sau, và người tín hữu Kitô phải thấy rằng thật hạnh phúc dường nào khi chúng ta theo Chúa Kitô, bởi vì, chúng ta sẽ không còn sợ hãi khi bước qua ngưỡng cửa sự chết, vì Người mà chúng ta sẽ gặp sau cánh cửa sự chết ấy cũng chính là Người mà chúng ta từng gặp gỡ ngay tự bây giờ--nếu chúng ta muốn. Đây là một đặc điểm vô cùng an ủi của Kitô Giáo mà không tìm thấy ở các tôn giáo khác. Người mà chúng ta gặp gỡ bây giờ cũng chính là Người mà chúng ta sẽ gặp ở đời sau. Chúa Kitô mà chúng ta gặp gỡ trong bẩy bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, cũng chính là Người phán xét chúng ta sau khi chết. Để thấy được tin mừng này, hãy thử tưởng tượng chúng ta đến một nơi xa lạ, không người quen biết, không ai giúp đỡ, chúng ta sẽ lo sợ và cô đơn như thế nào. Nhưng nếu ở phương trời xa lạ đó, chúng ta có một Người Bạn cũ, thật thân mến, thật yêu quý, đang chờ đợi chúng ta, sẵn sàng giang rộng đôi tay chào đón chúng ta, chắc chắn đó sẽ là một nơi vô cùng hạnh phúc—và đó là tin mừng của Kitô Giáo. Tin mừng đó sẽ hướng dẫn đời sống chúng ta ngay tự đời này. Tin mừng đó sẽ giúp chúng ta không còn sợ hãi khi đối diện với cái chết. Có một người bị bệnh ung thư mà bác sĩ cho biết chỉ còn sống được vài tháng. Hôm đến phòng mạch, ông ta hỏi bác sĩ, là một tín hữu Kitô, rằng sau khi chết, ông ta sẽ đi về đâu. Trong khi bác sĩ lúng túng tìm câu trả lời thì cả hai nghe thấy có tiếng sột soạt như ai đó cào vào cánh cửa phòng đang đóng kín. Bác sĩ nói với bệnh nhân, “Ông có nghe thấy tiếng đó không? Đó là con chó của tôi. Tôi để nó ở nhà dưới, và nó tìm lên đây khi nghe thấy tiếng của tôi. Nó không thấy tôi, nhưng nó biết là tôi đang ở đây, trong căn phòng này. Đó không phải là điều cũng xảy ra cho ông hay sao? Ông không biết những gì ở đằng sau cánh cửa sự chết, nhưng ông biết rằng Chủ Nhân của ông đang ở đó.” (Christian Theology in Plain Language, p. 208). Bài phúc âm hôm nay phải là một tin vui cho chúng ta, những người theo Chúa Kitô, vì chúng ta đã được chuẩn bị từ lâu để đối diện với sự chết. Qua các bí tích, chúng ta đã từng gặp gỡ với Chủ Nhân của sự sống, đã từng được tâm sự với Người mỗi khi rước Thánh Thể, bởi đó, sau khi chết, chúng ta sẽ vui mừng, không phải vì nơi chốn chúng ta đến là nơi thanh bình, hạnh phúc, nhưng vì Người mà chúng ta sẽ gặp lại đó là Chúa Giêsu Kitô, một Người Bạn và cũng là người Cha nhân từ của chúng ta.Amen. Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét