Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2010

Nói về ngôn ngữ nơi những bài hát

Nghe bài viết trên đài VOA. Quý vị thân mến! Hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau bàn về đề tài “ngôn ngữ” được sử dụng xưa nay nơi các bài hát. Ở một bài hát, bất kỳ một bài hát nào, có hai lọai ngôn ngữ, một lọai cụ thể và một lọai trừu tượng. Cụ thể là ngôn ngữ đuợc thể hiện qua lời hát, còn trừu tượng là thứ ngôn ngữ đuợc thể hiện qua âm nhạc, qua giai điệu chuyên chở lời ca. Có điều là lời hát tuy là chữ viết, tức là cụ thể đấy, thế nhưng ý niệm cụ thể đó cũng chỉ là tương đối. Ta vẫn quen với câu nói “Ngôn tại ý ngọai”. Bởi thế có những lời hát chân phương, nghe qua rất dễ hiểu, chả có gì gút mắt, nhưng cũng có những loại ca từ bóng bẩy mà mỗi người nghe vẫn có thể hiểu theo một cách tùy trình độ, năng khiếu về thơ văn, về nghệ thuật nói chung. Nhưng thiết tưởng cũng cần phân biệt những lọai ca từ thực sự có chất “thơ”, mang tính nghệ thuật thực sự trong đó, và cũng lại không hiếm những ca từ - thì cũng như trong lãnh vực thơ phú vậy – mà tính cách bóng bẩy, trừu tượng chẳng qua chỉ lập dị hay bóng bẩy, trừu tượng vì tác giả của chúng không có khả năng để viết nên được cái hay cái đẹp một cách dung dị, bình thường. Còn bên cạnh lời hát nơi một bài hát thì tất nhiên có cái không thể thiếu đuợc là giai điệu của bài hát, tức một thứ ngôn ngữ đuợc thể hiện qua âm nhạc. Thứ ngôn ngữ này còn quan trọng ở chỗ là bỏ phần nhạc đi thì sẽ không còn là bài ca, nhưng vạn nhất có phải bỏ lời ca nơi một bài hát đi thì phần nhạc - nếu là một giai điệu hay - thì có khi còn xúc tích đối với người nghe có trình độ thưởng ngọan còn hơn cả khi nghe bài hát có cả lời ca. Bởi lời ca thu hẹp trí tưởng tượng của con người ta trong khuôn khổ của ngần ấy câu, ngần ấy chữ, trong khi giai điệu của bài hát không thôi thì nó cởi trói cho trí tưởng tượng nơi mỗi người nghe. Ta vẫn thường quen với cách nói là :”Vui hay buồn đến độ nói không nên lời”! Làm gì có thứ ngôn ngữ nào - tức cả lời nói lẫn chữ viết - nói đuợc cho bằng hết những xúc cảm nơi con người? Phải chăng vì thế mà nhà đại văn hào Victor Hugo của Pháp, là người chuyên làm việc chữ nghĩa như thế ấy, nhưng ông đã có lần viết câu :”Âm nhạc diễn tả điều mà con người ta không thể nói ra được nhưng đồng thời cũng không thể lặng thinh đuợc!” Và cũng phải chăng vì thế mà Nhạc Sĩ cổ điển người Áo – Gustav Mahler – cũng lập lại cái ý vừa rồi theo cách khác khi ông ta phát biểu rằng: ”Nếu như một nhà sọan nhạc mà có thể nói lên đuợc tình ý của mình bằng ngôn ngữ thông thường thì người đó đã chẳng hơi đâu mà tìm cách nói lên những điều đó qua âm nhạc!” Còn nhà văn người Pháp, Albert Camus, giải Nobel về Văn Học thời thập niên 50, thì có câu như sau: “Loại âm nhạc thực sự phong phú, thứ âm nhạc có tác dụng làm cho cho ta xúc động, thứ âm nhạc thực sự có giá trị cho ta thưởng ngọan, là lọai âm nhạc dẫn dắt đến cõi mộng, vốn là một địa hạt triệt hủy mọi thứ lý luận cũng như phân tích. Con người ta không nên tìm cách hiểu trước rồi sau đó mới cảm nhận. Nghệ thuật không dung chấp cho sự lý luận”. (Tưởng cũng cần mở dấu ngoặc ở đây là những nhà bình luận về ca hát mà khi tìm cách vẫn dụng mặt tạm gọi là “hiểu biết chuyên môn” này hay “kiến thức về kỹ thuật âm nhạc” kia để “phân tích” - bằng những thuật ngữ này thuật ngữ kia - bàn về cái “hay”, cái đặc sắc nơi “cấu trúc”này hay “cách vận dụng giai điệu” kia để nói lên cái “hay” của một bài hát thì tức là đi làm công việc cụ thể hóa một vấn đề vốn dĩ là trừu tượng! Chả thế mà nhà thơ Xuân Diệu của thuở Tiền Chiến khi xưa, ý thơ cùng tứ thơ tràn trề như thế mà khi viết về thứ cảm xúc mà người đời quen gọi là tình yêu thì cũng đành phải viết nên câu: “Làm sao cắt nghĩa đuợc tình yêu? Có nghĩa gì đâu một buổi chiều?”) Trong danh mục trên một website về ca nhạc của những bài hát thuộc diện đuợc ưa chuộng nhất hiện nay ở bên nhà trong tháng 7 dương lịch này thì chúng tôi thấy liệt kê 52 bài hát. (Tháng 6 vừa rồi là 62 bài). Và cũng y hệt như tháng vừa rồi, tất cả 52 bài kỳ này đều có nội dung nói về tình yêu. Tình còn, tình mất; đủ cả; tuy tình yêu đã mất thì nhiều hơn hết! Mà điều này thì cũng dễ hiểu: Đang yêu nhau say đắm, vui với tình yêu thì việc gì phải thở than qua câu thơ hay bài hát? Nếu qúy thính giả bỏ công ra tìm kiến thì chúng tôi tin chắc là trong ngần ấy chục nghìn bài hát từ xưa đến nay trong Tân Nhạc Việt Nam, thể nào cũng có bài với lời hát nói lên đúng nội dung mối tình trong đời của riêng mình. Chả khác gì tác giả người ta viết riêng cho mình vậy! Nhưng giai điệu của bài hát đó có đủ giá trị về mặt âm nhạc đói với người “có lỗ tai âm nhạc”, theo như kiểu người ta vẫn quen nói, để mình có thể nhớ hòai, để cho dù có quên đi lời hát thì âm hưởng bài ca vẫn còn đấy mãi trong lòng mình, thì đấy lại là cả một chuyện khác! Trong buổi phát thanh hôm nay chúng tôi chọn 2 trong số 3 bài hát đứng đầu danh mục là đuợc người nghe ưa chuộng nhất trong tháng. Trước hết là bài “Hãy để cho anh yêu em lần nữa” của Nguyễn Đình Vũ qua giọng ca của nhóm mang cái tên tiếng Anh là “The Men”. ( Trích “Hãy để cho anh yêu em lần nữa” ) Vừa rồi là bài hát "Hãy để cho anh yêu em lần nữa” của Nguyễn Đình Vũ qua giọng ca của nhóm “The Men”. Tiếp đây là bài “Cho nhau một lối đi riêng” của Đông Nhi do Hòang Thùy Linh hát. ( Trích “Cho nhau một lối đi riêng” ) Vừa rồi là bài “Cho nhau một lối đi riêng” của Đông Nhi do Hòang Thùy Linh hát. Chúng tôi xin để qúy thính giả tự định đọat lấy xem có bài nào trong hai bài vừa rồi đã để lại âm hưởng gì về mặt giai điệu trong lòng mình hay không. Còn tiếp đây thì chúng tôi xin giới thiệu một bài hát của thời đầu thập niên 70, bài “Cỏ hồng” của Phạm Duy, qua giọng ca Khánh Hà. ( Trích “Cỏ hồng” ) Vừa rồi là bài “Cỏ hồng” của Phạm Duy, một bài hát của thời đầu thập niên 70, qua giọng ca Khánh Hà. Tiếp theo đây nữa thì xin mời qúy thính giả, ta cùng nhau nghe một bài hát mang ít nhiều tính cách “triết lý về tình”, tạm gọi như thế; bài “Ảo ảnh” của Y Vân, một bài hát của thời thập niên 60, qua giọng ca Đức Tuấn và Hồ Ngọc Hà. ( Trích “Ảo ảnh” ) Qúy thính giả thân mến! Chúng ta đang cùng nhau nghe bài “Ảo ảnh” của Y Vân qua giọng ca Đức Tuấn và Hồ Ngọc Hà. Bài hát này cũng đã kết thúc chương trình “Ca khúc Việt Nam” do Thanh Trang thực hiện buổi nay; xin gửi đến qúy thính giả lời chào thân ái và xin hẹn nhau lại đến tuần sau! Thanh Trang (VOA)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét