Trang

Thứ Tư, 7 tháng 7, 2010

Tác hại của rượu đối với sức khỏe

Rượu là một thức uống gần như luôn luôn phải có trong các buổi gặp gỡ, tiệc tùng, như người Việt thường quan niệm là “vô tửu bất thành lễ.” Có lẽ vì thế, mà nhiều người nghĩ rằng rượu tốt, hay ít nhất thì cũng chẳng hại gì cho sức khỏe. Nhưng thực ra, y khoa đã chỉ rõ ra rằng, rượu nếu dùng đều đặn, nhiều và lâu dài sẽ gây hại cho sức khỏe cả vật chất lẫn tinh thần của con người.


AFP- Rượu thật và rượu giả rất khó phân biệt.

Nghe bài viết của Quỳnh Như phóng viên RFA



Chương trình Sức khỏe & Đời sống xin gởi đến quý vị một số thông tin về những tác hại ấy mà có khi chúng ta chưa nghĩ tới.

Từ thói quen đến nghiện

Rượu là một thứ có thể gọi là giải trí nhưng nếu chúng ta sử dụng nhiều quá thì dễ đưa tới tình trạng nghiện ngập. Nghiện rượu phải đựơc coi là bệnh và nó có thể đưa tới sự hủy hoại cơ thể cũng như tâm hồn. Hơn nữa, tệ nghiện rượu còn kéo theo sự băng hoại trong gia đình, và là gánh nặng cho xã hội. Trả lời phỏng vấn trên Báo Thanh Niên về những tác hại do lạm dụng rượu, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, giảng viên Đại học Y dược, Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng: tác hại do rượu gây ra thì có quá nhiều. Trước tiên là tính gây nghiện của rượu. Nếu uống nhiều lần, uống lâu dài sẽ rất dễ bị nghiện. Theo ông, có hai cơ chế gây nghiện ở rượu, đó là: nghiện về thể chất - tức là các tế bào của cơ thể, nhất là các tế bào thần kinh, khi đã quen với một nồng độ rượu nhất định trong huyết thanh, mà nếu nồng độ rượu giảm đi thì không chịu hoạt động bình thường nữa. Kết quả là người nghiện rượu (mà thiếu rượu) trở nên đờ đẫn và run rẩy tay chân. Rất nhiều người kể cả thầy thuốc cũng không phân biệt được tình trạng này mà danh từ chuyên môn gọi là hội chứng cai rượu với tình trạng ngộ độc rượu. Với cơ chế nghiện này, việc cai rượu là không dễ vì sự lệ thuộc có nguồn gốc thực thể.

 
Một bữa nhậu. Anh minh họa

Cơ chế nghiện rượu thứ hai là cơ chế nghiện tâm lý. Người sử dụng rượu bia quen với cảnh chiều nào cũng ngồi với bạn bè trong trạng thái lâng lâng, với ý nghĩ được xả stress và những lo âu, buồn bực sẽ mất hết chỉ còn lại niềm vui. Với cơ chế này, người nghiện rượu chỉ có thể từ bỏ được nếu có quyết tâm rất cao.

Trong vấn đề cai nghiện rượu Bác sĩ Nguyễn Ý Đức có đưa ra lời khuyên sau đây: “Người nghiện rượu muốn ngưng uống rượu, thì điều tiên quyết là người đó phải có quyết tâm ngưng uống rượu. Ngoài ra ở Việt Nam có nhiều trung tâm cai nghiện rượu, tại đó người ta sẽ áp dụng những phương pháp giúp người nghiện hiểu rõ tác hại của rượu, hiểu rõ lợi ích của việc không uống rượu. Đồng thời cũng đưa ra những phương pháp tâm lý học để phân tích lý do vì sao người ta uống rượu, rồi sau đó giúp cho người nghiện có thể từ bỏ được rượu. Ngoài ra, để hỗ trợ cho quyết tâm ngưng rượu của người bệnh thì cũng có một vài loại thuốc. Ví dụ như: thuốc Disulfiram, là một loại thuốc không phải được dùng để trị bệnh nghiện rượu, nhưng nó là một loại thuốc dùng để hỗ trợ, hoặc người ta có thể dùng từ răn đe, để nhắc nhở người nghiện rượu đừng uống rượu nữa, vì khi người nghiện rượu sử dụng chất Disulfiram này thì sau đó, nếu người đó uống chỉ một chút xíu rượu mà thôi, thì sẽ có những phản ứng như: nóng bừng ở mặt, nôn ói, chóng mặt, huyết áp giảm thấp, hoặc tâm thần bị bấn loạn khó chịu một chút. Trong vấn đề muốn ngưng uống rượu hoặc cai nghiện thì ý chí, quyết tâm của người cai nghiện là vấn đề quan trọng nhất, và thứ hai là có sự hỗ trợ của gia đình, xã hội, cũng như của một vài loại dược phẩm.”

Tác hại khôn lường của rượu

Trạng thái say rượu được chia ra nhiều mức độ: từ lâng lâng nghĩa là hưng phấn, đến say, rồi xỉn, khi con người hoàn toàn chịu sự chi phối của chất cồn. Nói chung chất cồn trong rượu tác hại vào nhiều cơ quan, nặng nhất là hệ thần kinh trung ương. Người say rượu, từ chỗ huênh hoang, thiếu thận trọng trong lời nói, cử chỉ, không cảm thấy xấu hổ nữa. Họ có thể đi đến chỗ có những hành động khác hẳn bình thường. Nghiện rượu kéo dài còn có thể dẫn đến tình trạng mất trí nhớ, hay thậm chí, tâm thần. Bác sĩ Nguyễn Bá Nhuận, nguyên là Bác sĩ Khoa Gan-Mật-Tụy của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, rượu tác động lên hệ thần kinh, khiến người ta không làm chủ được mình, dẫn đến những hành động gây ra hậu quả khôn lường, dẫn đến những tai nạn giao thông rất đáng tiếc.

 
Người nghiện thường không còn tự chủ được. AFP

Tại TP.HCM liên tục xảy ra những vụ ngộ độc rượu, thậm chí có trường hợp đưa đến tử vong. Các chuyên gia về vệ sinh an tòan thực phẩm cho biết hầu hết kết quả kiểm tra các mẫu rượu bán ngòai thị trường, cho thấy hàm lượng methanol rất cao. Mới đầu năm nay báo chí đã đưa tin về nhiều ca ngộ độc rượu, trong đó có vụ cả 5 người dân ở Huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận uống rượu đế bị ngộ độc và chết trên đường đến bệnh viện.

Trả lời phỏng vấn của Đài Á Châu Tự Do về vấn đề ngộ độc rượu, ông Nguyễn Xuân Mai, cựu Phó Giám đốc Viện Vệ sinh Y tế Công cộng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Rượu truyền thống của Việt Nam, nấu bằng gạo, cách nấu của chúng ta là nấu thủ công. Ở hộ gia đình nấu thủ công thì nó còn một ít tạp chất, nhưng mà những thứ đấy không đủ gây chết người. Người Việt Nam uống rượu và nấu rượu hàng nghìn năm nay rồi. Rượu gạo không thôi thì nó có một chút đỉnh Methanol nhưng không gây chết người. Thế còn cái rượu mà người ta bán ở ngoài đường ngoài chợ đấy, thì Methanol rẻ hơn Ethanol. Ethanol được chế từ gạo từ mía từ mật ra còn Methanol là cồn công nghiệp để làm các chất dung môi cho các hoạt động khác. Thế thì một số kẻ gian đã lợi dụng cái đó, người ta mua vì nó rẻ tiền, người ta mua về pha, thì như vậy là nó gây ra ngộ độc. Ở Việt Nam mấy cái vụ mà chết do Methanol ở các tỉnh rải rác, nhất là vùng sâu vùng xa, cái hiệu rẻ tiền một nghìn hai nghìn một xị một lít ấy mà.”

 
Rượu cần Tây Nguyên. Ảnh minh họa..

Say rượu còn là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông ở Việt Nam. Mỗi năm, vào các dịp Tết lễ, số tai nạn giao thông lại tăng vọt và vài ngàn, có khi hàng chục ngàn người thương vong hay tàn phế chỉ vì tệ lái xe sau khi say xỉn. Không phải chỉ những người kém hiểu biết mới uống rượu đến say xỉn và gây hoạ trứơc mắt cũng như lâu dài cho họ cũng như cho xã hội. Kết quả điều tra mới đây nhất tại Việt Nam của Viện Chiến lược và chính sách y tế Việt Nam cho thấy một thực tế đáng ngại: đó là cán bộ nhà nước và người có trình độ học vấn cao lại chiếm tỷ lệ sử dụng rượu bia cao nhất 77%. Tính trên toàn thế giới, thì nghiện rượu xếp hàng thứ 5/10 nguy cơ đối với sức khỏe, chiếm 4% gánh nặng toàn cầu, theo kết quả mới đựơc công bố của một cuộc nghiên cứu quy mô.

Tại Hoa kỳ, thống kê cho thấy, uống rượu và nghiện rượu là một trong những vấn đề y tế công cộng đứng hàng đầu của nước Mỹ. Rượu gây ảnh hưởng tai hại cho khoảng 18 triệu người Mỹ. Tính trung bình, thì cứ 10 người Mỹ ở tuổi trưởng thành thì có một người nghiện rượu. Mặc dù có những quy định rất chặt chẽ về việc uống rượu và kinh doanh rượu bia, nhưng theo các báo cáo y khoa, mỗi năm vẫn có khoảng 100,000 người Mỹ tử vong do các nguyên nhân liên quan đến rượu kể cả bệnh tật, trong đó khoảng 25,000 người chết vì tai nạn giao thông do say ruợu lái xe gây ra. Đáng tiếc là các đấng nam nhi, nhất là thanh niên thường chủ trương “Nam vô tửu như kỳ vô phong,” xem tửu lượng là biểu hiện của “sức mạnh” nên mỗi khi vào “độ” nhậu, thường khích nhau để xem ai uống được nhiều bia rượu, đâu biết rằng cơ quan nội tạng của họ phải âm thầm gánh chịu những tác hại ghê gớm của chất cồn như thế nào! Đầu tiên là rượu có thể đưa đến tình trạng suy dinh dưỡng cho cơ thể. Thường khi uống nhiều rượu thì chúng ta ăn ít hoặc không ăn gì cả, trong khi rượu không mang những chất dinh dữơng đến cho cơ thể, mà chỉ cung cấp calori. Vì vậy chúng ta thiếu các chất dinh dưỡng, thí dụ như vitamin, chất đạm, và các khoáng chất khác. Ngược lại năng lượng dư thừa và sẽ tích tụ lại trong cơ thể để thành ra mỡ. Vì vậy thường những người nghiện rượu hay có bụng to, là vì có nhiều mỡ đóng ở quanh bụng. Một điểm quan trọng nữa đối với nam giới, là có nhiều người cứ cho rằng khi uống rượu thì sẽ có một tình trạng hưng phấn về tình dục.

Bác sĩ Đức khẳng định: “Uống rượu nhiều sẽ đưa tới những trường hợp giảm ước muốn tình dục của cả người nam cũng như người nữ, và đặc biệt là ở người nam nó đưa tới trường hợp gọi là rối loạn cương dương.” Bàn về những hậu quả của rượu thì phải kể đến sự mệt mỏi sau mỗi cơn say. Khi uống quá chén thì sáng hôm sau thức dậy chúng ta sẽ cảm thấy trong người mệt mỏi, đầu nhức như búa bổ, và dạ dầy đau quặn. Những người nghiện rượu đều đã có những kinh nghiệm tương tự như vậy. Phụ nữ đang mang thai uống rượu, thì có thể đưa tới khuyết tật cho thai nhi, vì thế các bác sĩ khuyên phụ nữ đang mang thai không nên sử dụng rượu bia. Rượu cũng là nguyên nhân đưa đến chứng xơ gan, ung thư gan.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức giải thích tiếp: “Đây là một trường hợp rất phổ biến ở Việt Nam. Theo thống kê thì ở Việt Nam những trường hợp rượu đưa đến bệnh ung thư gan có tỉ lệ khá cao. Lý do là vì lá gan của chúng ta bị tác dụng bởi những chất cồn ở trong rượu, và sẽ đưa tới hủy họai các tế bào trong gan, đưa tới sự đóng mỡ trong gan. Và nó làm cho những chức năng gan không hoạt động được nữa. Và tới giai đọan cuối thì nó làm cho lá gan bị xơ cứng, và có thể đưa tới ung thư gan.” Ngoài ra, các cơ quan y khoa trên thế giới, đặc biệt là những hội ung thư đã xác định, rượu còn liên quan đến nhiều căn bệnh ung thư hiểm nghèo khác. Các nghiên cứu cho rằng những người uống trên 50 phân khối rượu mạnh mỗi ngày, thì có nhiều nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng, ung thư cuống họng, ung thư trực tràng, và riêng với phụ nữ thì còn có thêm khả năng là bị ung thư vú. Vậy thì phải kết luận thế nào đối với loại thức uống đã hiện diện và đồng hành với con người từ mấy ngàn năm nay trong lúc buồn cũng như lúc vui? Có lẽ lời khuyên đơn giản nhất và tương đối dễ nhớ nhất là, vui thì được, nhưng say thì đừng! Chương trình Sức khoẻ và Đời sống xin dừng ở đây. Cám ơn qúy vị đã lắng nghe và Quỳnh Như xin hẹn gặp lại quý vị vào lần tới.

Theo RFA

1 nhận xét: