Chớ cậy vào của cải vật chất
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái
Chủ đề : "Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?" (Lc 12, 20)
* 1. Có tiền và xài tiền
Một lão trọc phú keo kiệt kia đã tích lũy được một số tiền rất lớn và đang mơ tới tương lai hạnh phúc đang chờ đón lão. Tuy nhiên trước khi lão kịp vung tiền ra mua lấy hạnh phúc thì thần chết hiện ra đòi bắt hắn xuống âm phủ.
Lão thương lượng: "Xin Thần chết cho tôi sống thêm ba ngày nữa thôi. Tôi sẽ chia cho Ngài một nửa tài sản của tôi". Thần chết không chịu. Lão xuống giá: "Vậy xin cho tôi sống thêm một ngày. Tôi sẽ giao cho Ngài tất cả tài sản". Thần chết vẫn không chịu. Lão nài nỉ "Xin cho tôi một phút thôi, để tôi kịp viết lời trối". Thần chết đồng ý. Lão ngồi xuống, cầm bút viết câu sau đây:
"Gửi người nào gặp được tờ giấy này. Nếu bạn có đủ tiền để sống thì đừng uổng phí cuộc đời để kiếm thêm nhiều tiền nữa làm chi. Hãy lo sống thôi! Tiền bạc của tôi rất nhiều, nhưng chỉ một giờ để sống tôi cũng chẳng mua được!"
Tiền của không phải để sở hữu mà để hưởng dùng. Nói nôm na, tiền bạc không phải để "có" mà để "xài". Nhiều người rất biết cách "sở hữu" nhưng lại không biết cách "hưởng dùng". Rốt cuộc họ không hạnh phúc bằng một đứa trẻ, sở hữu rất ít nhưng hưởng dùng rất nhiều. Người giàu thật không phải là người có nhiều mà là người hưởng dùng nhiều. Cố gắng để có thật nhiều tiền mà không thể hưởng dùng thì chẳng khác gì một người mù cố gắng thu góp thật nhiều băng Vidéo.Vấn đề đặt ra là "hưởng dùng" và "xài" tiền như thế nào.
* 2. Nghệ thuật làm giàu
Một ngày nọ, vua Nghiêu đi tuần thú đất Hoa, viên quan địa phương đất ấy ra nghênh đón và chúc vua rằng: "Xin chúc nhà vua sống lâu". Vua Nghiêu nói: "Đừng chúc thế!" Viên quan lại chúc: "Chúc nhà vua giàu có". Vua Nghiêu lại nói: "Đừng chúc thế". Viên quan chúc nữa: "Xin chúc nhà vua đông con trai". Vua Nghiêu lại nói: "Đừng chúc thế". Quan lấy làm lạ mới hỏi nhà vua: "Sống lâu, giàu có, đông con trai, ai cũng thích cả, sao nhà vua chẳng muốn?" Vua Nghiêu đáp: "Đông con trai thì sợ nhiều. Giàu có thì việc nhiều. Sống lâu thì nhục nhiều. Ba điều ấy không mang lại nhân đức nên ta từ chối".
Viên quan tâu: "Nhà vua nói thế thực là bậc quân tử. Nhưng trời sinh ra mỗi người phải có một việc Nếu đông con trai, hãy cắt đặt mỗi người một nhiệm vụ thì có lợi chứ có gì mà sợ? Giàu có mà đem phân phát cho người nghèo thì còn công việc gì mà lo? Ăn uống có chừng mực, thức ngủ có điều độ, trong lòng thanh thoả, thiên hạ tài giỏi thì vui cái vui của họ, trăm tuổi nhắm mắt về cõi trời. Một đời chẳng gây tai hoạ gì, hỏi có gì là nhục?"
Đứng trước tiền của, người ta có những thái độ rất khác nhau: Vua Nghiêu vì quá thận trọng chỉ nhìn thấy mặt trái của đồng tiền, nên của cải không sinh ích gì cho ông. Người phú hộ trong bài Tin Mừng hôm nay lại quá cậy dựa vào tiền của, nên khi thần chết bất ngờ đến thì tiền muôn bạc nén cũng không cứu được linh hồn ông. Duy chỉ có viên quan địa phương là có thái độ đúng mực về tiền bạc: Nếu giàu có thì đem chia sẻ cho người thiếu thốn. Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu muốn loan báo cho chúng ta hôm nay: Hãy dùng của cải đời này mà "làm giàu trước mặt Thiên Chúa" (Lc 12, 21). Đó chính là "nghệ thuật làm giàu" đích thực. (TP)
* 3. Túi tham không đáy
Tolstoi kể rằng một người nông dân kia tên là Pakhom rất ham thích có một mảnh đất làm tài sản riêng. Sau một thời gian làm lụng cực nhọc, anh tậu được một mảnh đất 40 mẫu. Anh mừng lắm. Nhưng chẳng bao lâu anh muốn một mảnh đất rộng hơn. Anh lại làm lụng và để dành, bán mảnh đất cũ, cộng thêm tiền để dành, mua được một mảnh đất 80 mẫu. Nhưng anh chưa thoả mãn, muốn tìm một mảnh đất khác rộng hơn nữa. Có người cho anh biết rằng ở vùng bên kia núi có một bộ lạc mà dân chúng sống rất đơn giản, họ có rất nhiều đất, ai muốn mua bao nhiêu cũng được.
Ngay sáng hôm sau, anh nông dân đi sang vùng bên kia núi. Vị tù trưởng bộ lạc nói: "Anh chỉ cần trả 1000 rúp thì có thể sở hữu được một vùng đất mà anh đi được trong một ngày. Nhưng cần nhớ là anh phải trở lại đúng nơi điểm xuất phát cũng trong ngày đó. Nếu về không kịp thì kể như mất tiền vô ích".
Đêm đó người nông dân sung sướng ngủ không được. Vừa rạng sáng hôm sau anh nhờ người đánh dấu điểm xuất phát rồi bắt đầu bước đi. Càng đi anh càng sung sướng vì thấy đất của mình càng rộng thêm. Anh cứ đi và đi mãi quên mất thời gian. Khi thấy mặt trời bắt đầu xuống núi anh mới hốt hoảng quay về. Nhưng vì anh đã đi quá xa sợ về không kịp nên anh cắm đầu chạy. Đến điểm mốc, anh ngã gục xuống.
Vị tù trưởng đến chúc mừng: "Xin chia vui với anh. Từ trước tới nay tôi chưa gặp được người nào đi xa được như anh. Anh hãy nhận phần đất của anh". Nhưng người nông dân không đứng dậy được nữa để nhận lấy tài sản của mình, vì anh đã chết!
Có được một số tiền bạc của cải để sống là điều cần thiết. Vì thế trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu không phê phán việc chúng ta tìm cái ta cần, mà phê phán lòng tham hơn mức ta cần . Nếu người nông dân trong chuyện trên biết dừng lại khi đã có 40 mẫu đất anh cần thì anh đã sống hạnh phúc, nhưng anh đã chết vì anh cứ mãi mê chạy theo lòng tham của mình. Lòng tham giống như ngọn lửa: ta càng thoả mãn nó bằng cách chất thêm củi vào thì lửa càng bùng to lên và càng đòi nhiều củi thêm. Chứng bệnh trầm trọng nhất của con người trong nền kinh tế thị trường và văn minh hưởng thụ này là con người không biết khi nào mình đủ. Có của không phải là tội, nhưng tham của thì thành tội.
Hãy xem những con chim. Khi chúng xây dựng tổ ấm, chúng chỉ tìm vài nhánh cây đủ cho cái tổ ấy rồi thôi. Hãy xem những con nai. Khi chúng khát, chúng chỉ uống vừa đủ rồi thôi. Sao chúng ta không đơn giản như những con chim và những con nai kia!
* 4. Gia tài để lại cho con cái
Có thể chúng ta cố gắng kiếm tiền không phải để cho mình hưởng, nhưng để làm gia tài trối lại cho con cái. Xin hãy nghe câu chuyện sau đây:
Người kia làm việc trong một công ty đang phát triển mạnh, lương anh khá cao cho nên gia đình rất hạnh phúc. Anh có một ngôi nhà xinh xắn, một người vợ hiền và mấy đứa con ngoan.
Nhưng anh tự nghĩ: mình còn trẻ, sức lực còn nhiều. Mà công ty hiện không thiếu việc. Thế là anh làm thêm giờ phụ trội. Thu nhập càng cao hơn. Anh lại nghĩ: nếu mình phấn đấu để lên chức thì sẽ được tăng lương nữa. Và anh phấn đấu, và quả thực anh lên chức.
Cho đến một hôm đi khám bệnh, anh được biết mình đã mắc phải một chứng bệnh nguy hiểm và đã tới giai đoạn cuối cùng. Nghĩa là anh không sống được bao lâu nữa. Lúc sắp rời bỏ vợ con ấy, anh mới biết rằng xưa nay anh chẳng hiểu vợ con bao nhiêu, và con cái anh cũng chẳng hiểu anh bao nhiêu. Và anh chết, để lại cho con cái một gia tài lớn. Đối với người khác, anh là một con người thành đạt. Nhưng đối với vợ con thì anh là một con người thất bại. Vợ con anh hưởng gia tài của anh mà chẳng nghĩ tới anh bao nhiêu: bấy lâu nay họ sống không có anh, sau này họ cũng tiếp tục sống không cần anh.
Bởi vậy trong bài Tin Mừng này Chúa Giêsu đã không quan tâm đến gia tài. Khi một người đến nhờ Ngài phân xử việc tranh chấp gia tài. Ngài đã không xử, lại còn cảnh cáo "Các ngươi hãy coi chừng giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm cho đâu".
* 5. Tiền bạc
Người ta nói trên đời quan trọng nhất là 2 chữ T: tình và tiền. Hôm nay chúng ta có dịp bàn đến chữ T thứ 2, Tiền. Tiền bàn ở đây không phải chỉ là những tờ giấy bạc, mà còn bao gồm tất cả những gì là của cải tài sản vật chất như nhà cửa, ruộng vườn, xe cộ, máy móc v.v.
Cách chung thì ai ai cũng cần tiền và cũng ham tiền hết. Không có tiền thì đói rách, con cái nheo nhóc, mặc cảm với bạn bè... Còn nếu có tiền thì ta ăn ngon mặc đẹp, con cái được giáo dục tử tế, bạn bè xã hội trọng nó... Tóm lại câu nói "có tiền mua tiên cũng được" có thể là câu nói diễn tả quan niệm chung của nhiều người.
Nhưng hình như đó lại không phải là quan niệm của Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay.
Bài đọc 1 trích từ sách Giảng viên thì coi tiền bạc là thứ phù hoa "Phù hoa nối tiếp phù hoa trần gian tất cả chỉ là phù hoa" .Bài đọc trích từ thư thánh Phaolô gởi tín hữu thành Colossê thì kêu gọi "Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất". Còn bài Tin Mừng thì mô tả một người phú hộ hả hê với những của cải chất đầy từ kho này tới kho khác, nhưng bị Chúa trách "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay Ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của cải ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?", và Chúa Giêsu kết luận: Kẻ nào tích trữ của cải cho mình mà không làm giàu trước mặt Chúa thì cũng vậy.
Phải chăng Chúa không muốn cho ta có tiền? Phải chăng Chúa muốn người có đạo phải nghèo? Phải chăng Chúa khuyên chúng ta phải chạy trốn tiền bạc? Thưa không, không bao giờ, bởi vì những của cải vật chất trên đời này do đâu mà có? Do chính Chúa tạo dựng nên, và Chúa tạo dựng nên chúng là để cho con người hưởng dùng. Cho nên không những Chúa không muốn con người phải đói khổ, mà Chúa còn muốn sao cho con người được đầy dư của cải. Hãy nghe một lời chúc phúc của Chúa ghi trong Tv 71
Khắp xứ sở đầy dư gạo thóc
Đỉnh non cao gợn sóng lúa vàng
Và trong Tv 64:
Thăm trái đất mưa nhuần Chúa rải.
Cho tràn trề của cải sinh ra...
Vùng hoang địa cỏ hoa đua nở
Cảnh núi đồi hớn hở xinh tươi.
Chiên bò gặm cỏ đồng xanh.
Nương vàng sóng lúa lượn quanh dạt dào.
Câu hò tiếng hát trổi cao...
Rõ ràng là Chúa muốn con người sung túc vật chất. Nhưng Chúa cũng biết tiền bạc vật chất vì có khả năng đem lại cho con người rất nhiều tiện nghi sung sướng nên cũng có thể khiến con người chỉ say mê nó mà quên hết mọi giá trị khác. Bởi đó Chúa mới nói "Kẻ giàu có vào nước Thiên Chúa thật là khó, còn khó hơn con lạc đà chui qua lỗ kim". Nhưng, tuy có khó thật chứ cũng có những người giàu có được vào nước Thiên đàng: trong Tin Mừng ta thấy Chúa cũng đề cao những người giàu có, chẳng hạn như ông Giakêu, tuy giàu nhưng biết sử dụng tiền bạc mình để làm những việc nghĩa.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay không đề cao tiền bạc mà cũng không khinh rẻ chúng. Chúa chỉ muốn chúng ta lưu ý hai điều: một là nhận định đúng giá trị của tiền bạc và hai là sử dụng đúng những tiền bạc mà Chúa đã ban.
Bây giờ chúng ta hãy nhận định giá trị của tiền bạc: Tiền bạc là một yếu tố quan trọng làm cho đời ta được sung sướng . Nhưng nó cũng là một con dao hai lưỡi, nghĩa là nó vừa có thể giúp ta sống tốt hơn "Phú quý sinh lễ nghĩa", mà cũng có thể làm ta thành xấu đi, xấu đi vì tham lam, xấu đi vì gian lận, xấu đi vì lòn cúi... Vả lại tiền bạc không được bền vững: thiếu gì người hôm nay đang giàu sụ, thế mà ngày mai đã trở thành tay trắng. Và nhất là khi chết ta không thể mang tiền bạc theo được.
Sau khi đã nhận định đúng giá trị của tiền bạc, chúng ta hãy lắng nghe Chúa dạy phải xử dụng tiền bạc như thế nào: Hãy dùng tiền bạc đời này để làm giàu cho đời sau.
* 6. Chuyện minh họa
a/ Ba người bạn
Người kia có 3 người bạn. 2 người trước là bạn rất thân, người thứ ba thường thường vậy thôi. Ngày kia ông bị tòa bắt xử liền xin 3 người bạn đi theo để biện hộ. Người bạn thứ nhất từ chối ngay, viện cớ bận việc quá không đi được. Người thứ hai bằng lòng đi đến cửa quan nhưng lại không dám vào. Chỉ có người thứ ba tuy không được ông yêu thích nhưng tỏ ra trung thành vào tận tòa án biện hộ cho ông ta không những trắng án mà còn được thưởng nữa.
Người bạn thứ nhất là Tiền bạc. Khi ta chết, tiền bạc bỏ rơi ta, chỉ để lại cho ta một chiếc chiếu và một cái hòm. Người bạn thứ hai là Bà Con Bạn Hữu. Họ khóc lóc đưa ta tới huyệt rồi về. Người bạn thứ ba là các Việc Lành. Chúng theo ta đến tòa phán xét và đưa ta vào cửa thiên đàng. (Trích "Phúc")
b/ Những thứ tiền không mua được
George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần viết: "Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn. ".Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được:
Tiền không mua được tình bạn chân thực.
Tiền không mua được lương tâm trong sạch.
Tiền không mua được niềm vui mạnh khoẻ.
c/ Đổi tiền
Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghiã Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.
* 7. Một phút suy tư
Một buổi tối, tôi thả bước lang thang
Tôi đi từ những khu phố lấp lánh ánh đèn
Bước chân dần dần đưa tôi đến vùng ngoại ô vắng vẻ
Ở đấy tôi thấy ngàn vạn ánh sao còn rực rỡ gấp bội.
Và tôi chợt hiểu ra rằng những ngọn đèn trần thế dễ che lấp những ngọn đèn trời đến mức nào.
Lạy Chúa xin cho những hào nhoáng của đời này đừng bao giờ làm cho con mù lòa không còn thấy ánh vinh quang Nước Trời. Chúng ta sắp trở lại cuộc sống mà trong đó mọi người bon chen, tranh dành nhau tiền bạc của cải. Là những môn đệ của Chúa, chúng ta hãy cố gắng sao để vừa làm ăn kiếm tiền vừa không bị tiền làm cho mình ra xấu xa tội lỗi. Amen .
CUỘC GẶP GỠ
Cha Mark Link, S.J.
Chủ đề: "Điều quan trọng trong đời không phải những gì chúng ta kiếm được, nhưng con người mà chúng ta trở thành"
Nhiều năm trước đây, một nhà hàng ăn ở Chicago có tấm trải bàn độc đáo trên mỗi bàn ăn. Và nếu bạn muốn, người hầu bàn sẽ vui vẻ tặng bạn tấm trải bàn này để đem về nhà, đóng khung và treo trên tường.
Trên tấm trải bàn ấy có ghi lại một câu chuyện như sau:
"Vào năm 1923, một cuộc họp quan trọng đã xảy ra tại khách sạn Edwater Beach ở Chicago. Tham dự cuộc họp này là các nhân vật sau đây:
"Chủ tịch công ty sắt thép lớn nhất, chủ tịch công ty sản xuất đồ tiêu dùng lớn nhất, chủ tịch công ty dầu khí lớn nhất, chủ tịch thị trường trao đổi chứng khoán Nữu Ước, chủ tịch Ngân Hàng Tài Sản Quốc Tế, người dự trữ lúa mạch lớn nhất, người có nhiều chứng khoán nhất ở Wall Street, người đại tư bản độc quyền lớn nhất thế giới, và một bộ trưởng của chính phủ Harding."
Thật là một danh sách của những người nổi tiếng. Tuy nhiên, 25 năm sau, chín nhà đại tư bản này đã ra sao?
Theo câu chuyện được in trên tấm trải bàn, chủ tịch công ty sắt thép lớn nhất là Charles Schwab đã từ trần trong sự phá sản; chủ tịch công ty sản xuất đồ tiêu dùng lớn nhất là Samuel Insull khi chết không có một đồng xu dính túi; chủ tịch công ty dầu khí lớn nhất là Howard Hobson trở nên điên dại; chủ tịch thị trường chứng khoán Nữu Ước là Richard Whitney vừa mới ra khỏi tù; chủ tịch ngân hàng là Leon Fraser thì tự tử; người dự trữ lúa mạch lớn nhất là Arthur Cutten chết trong sự nghèo nàn; người có nhiều chứng khoán nhất ở Wall Street là Jesse Livermore thì tự tử; người đại tư bản độc quyền lớn nhất thế giới là Ivar Kruegar cũng tự tử; và ông bộ trưởng của chính phủ Harding là Abert Fall vừa mới được ân xá mãn hạn tù để có thể về chết ở nhà!
Câu chuyện này nhấn mạnh đến vài điểm đằng sau bài Phúc Âm hôm nay. Và đó là điểm gì? Điểm đó được tóm lược trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về người phú hộ dại khờ.
Trái với ý nghĩ của nhiều người, trong dụ ngôn này Chúa Giêsu không đả phá việc tìm kiếm của cải. Người không đả phá các công ty.
Điều Chúa Giêsu đả phá là ý tưởng điên rồ của một số người khi coi tài sản vật chất quan trọng hơn tài sản tinh thần.
Một vài năm trước đây, một nhà truyền giáo ở Phi Châu cho biết người dân ở đây có thói quen mai táng người chết mà cởi bỏ hết y phục.
Một trong những mục đích của thói quen này là để nhấn mạnh đến sự kiện: chúng ta từ bỏ thế giới này cũng y như khi chúng ta đi vào thế giới ấy.
Đó cũng chính là điểm Thánh Phaolô viết trong Thư I gửi cho Timôtê, "Cái gì chúng ta đem vào thế giới này? Chẳng có gì. Cái gì chúng ta đem ra khỏi thế giới này? Cũng chẳng có gì!" 1 Tim. 6:7
Và đây cũng là điểm mà Chúa Giêsu muốn nói trong dụ ngôn người phú hộ dại khờ. Người nói với chúng ta rằng khi chúng ta chết điều đáng kể không phải là tài sản chúng ta kiếm được khi còn sống, nhưng là con người mà chúng ta trở thành trong hành trình cuộc đời.
Chúa Giêsu nói rằng điều ưu tiên trong đời sống phải là trở nên một con người đích thực, chứ không phải tìm kiếm tài sản.
Một cách cụ thể, chúng ta đã vi phạm điều ưu tiên mà Chúa Giêsu muốn nói đến khi chúng ta tìm kiếm của cải mà trở nên thiếu thành thật, khi chúng ta có được quyền thế mà trở nên tàn nhẫn độc ác, khi chúng ta được nổi tiếng trong cộng đồng mà quên đi chính gia đình mình.
Nói tóm lại, chúng ta đã vi phạm điều ưu tiên mà Chúa Giêsu nói đến khi chúng ta có được của cải chóng qua ở thế gian này mà đánh mất của cải vĩnh cửu ở đời sau.
Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại các ưu tiên trong đời sống. Hãy nghĩ như thế này.
Nếu có ai hỏi con bạn, "Ưu tiên hàng đầu của bố con trong đời sống là gì?" thì con bạn sẽ trả lời thế nào?
Liệu cháu sẽ nói, "Ô dễ quá. Ưu tiên hàng đầu của bố cháu là gia đình!" Hoặc cháu sẽ nói, "Ưu tiên hàng đầu của bố cháu là công việc làm ăn!"
Hoặc nếu có ai hỏi cô con gái bạn, "Ưu tiên hàng đầu của mẹ con trong đời sống là gì?" thì con bạn sẽ trả lời thế nào?
Liệu cháu sẽ nói, "Ô dễ quá. Ưu tiên hàng đầu của mẹ cháu là gia đình!" Hoặc cháu sẽ nói, "Cháu cũng không biết rõ nhưng chắc chắn không phải là gia đình!"
Hoặc nếu có ai hỏi cha bạn: ưu tiên của bạn là gì, thì cha bạn sẽ trả lời sao?
Liệu ông có trả lời như một người cha nọ đã nói, "Thật khó thú nhận, nhưng tôi phải nói là nó chỉ biết đến mình. Nó chẳng thích gì cả trừ khi điều đó có lợi cho nó."
Nhiều năm trước đây, vào một buổi sáng nọ ông Alfred Nobel mở tờ nhật báo ra và thấy bài cáo phó của mình ở trong đó. Một phóng viên người Pháp đã cẩu thả loan tin ông từ trần thay vì em của ông.
Ông Alfred thật bàng hoàng. Vì lần đầu tiên trong đời, ông nhìn về chính mình dưới con mắt của người khác. Ông thấy chính mình như một "ông vua thuốc nổ" đã dùng toàn thể cuộc đời để chế tạo vũ khí sát hại và tiêu diệt.
Sáng hôm ấy, ông Nobel quyết tâm thay đổi hình ảnh người ta nhìn về ông. Sự quyết tâm của ông đã đưa đến kết quả là các giải thường Nobel hằng năm trong các lãnh vực vật lý, hóa học, y học, văn chương và hòa bình.
Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta hãy thi hành giống như ông Alfred Nobel. Nó mời gọi chúng ta hãy tưởng tượng đọc bài cáo phó của mình. Nó mời gọi chúng ta nhìn về chính mình dưới con mắt của người khác. Nó mời gọi chúng ta nhìn về con người thực sự của mình. Nó mời gọi chúng ta nhìn về chính mình như Thiên Chúa nhìn chúng ta.
Hoặc, theo ngôn ngữ trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, nếu chúng ta phải ra trước mặt Thiên Chúa tối nay để báo cáo về cuộc đời trần thế này, thì liệu Thiên Chúa có nói với chúng ta như Người đã nói với ông phú hộ kia:
"Sao con dại thế! Nếu đêm nay con phải từ giã cuộc đời này thì ai sẽ hưởng tất cả những gì con cất giữ cho mình?"
Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã nói với các môn đệ, "Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?" Xin Chúa giúp chúng con luôn ghi nhớ những lời ấy. Xin giúp chúng con nhìn ra con người đích thực của chúng con.
Nhất là xin giúp chúng con nhận ra điều đáng kể khi chúng con từ giã cõi đời này, không phải những gì chúng con kiếm được, nhưng là con người mà chúng con phải trở thành trong hành trình cuộc đời. Amen.
BẤP BÊNH (Lc 12:13-21)
Như Hạ op
Mọi người đang chóng mặt với giá cổ phần trồi sụt thất thường. Sức mạnh nền kinh tế thể hiện rõ nét qua sinh hoạt thị trường. Mức phát triển trì trệ hôm nay đã làm cho bao người thất nghiệp. Người ta đổ xô đi tìm những phương tiện sinh sống. Bao nhiêu tay tư bản đang thi đua khám phá những cách làm giàu nhanh nhất. Nhưng cuộc chạy đua đó đang hướng về đâu ?
NHỮNG CÁCH LÀM GIÀU.
Cuộc chạy đua đó đang mang lại cho cuộc sống mọi thứ tiện nghi và bảo đảm. Con người ngày càng hạnh phúc và tin tưởng vào năng lực của mình. Chính của cải đã khiến họ có thể an tâm tọa hưởng tất cả những nguồn lợi thiên nhiên. Giữa cuộc sống dư thừa đó, con người dễ quên tất cả. Chỉ còn một mình với những phương tiện dồi dào đáp ứng những đòi hỏi ích kỷ của mình. Ðó chính là tâm trạng của nhà phú hộ trong Tin Mừng hôm nay.
Nhà phú hộ tràn ngập niềm vui vì "ruộng nương sinh nhiều hoa lợi." (Lc 12:16) Nhìn về tương lai, ông thấy rất yên tâm, vì "bây giờ ê hề của cải." (Lc 12:19) Nhưng ông vẫn phải tính toán để bảo đảm cho những của cải khỏi hư hao vì giông bão, mối mọt, hay trộm cướp. Ông tự nhủ : "Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó." (Lc 12:18) Lúc nào ông cũng chỉ có một quan tâm duy nhất về cái tôi của mình. Trên đỉnh cao danh vọng, ông thấy hoàn toàn tự mãn về sự nghiệp lớn lao của mình. Ông không cần chia sẻ với ai. Người nghèo hay cộng đồng nằm ngoài đối tượng phục vụ của ông. Thiên Chúa cũng bị gạt ra ngoài mọi ưu tư và cuộc sống của ông.
Trong khi ông quả quyết "mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !" (Lc 12:19), "Thiên Chúa bảo ông ta: ?Ðồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ??" Nhà phú hộ không suy nghĩ sâu xa. Ông tưởng cái tôi là nền tảng vững chắc nhất cho hạnh phúc. Tất cả hạnh phúc hôm nay đều xoay quanh và dựa trên cái tôi của ông. Nhưng chính cái tôi đó lại không có mấu cứ, làm sao có thể làm nền tảng cho hạnh phúc ? Hạnh phúc chỉ lànhững dong dêu trôi nổi trên dòng sông dật dờ. Ðúng là dã tràng xe cát biển đông. Khác với ông Gióp, ông không bị mất của cải. Ông chỉ bị đòi mạng. Khi bị đe dọa trầm trọng như thế, ông giật mình. Ông không thể không suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời và giá trị những thực tại trần gian. Tiền bạc, của cải là gì trước cái chết ? Mạng sống chỉ có một. Của cải dư tràn cũng không thể sánh với mạng sống. Bởi đấy mất mạng, của cải trở thành vô nghĩa. Chính ông Côhelét đã cảm thấu được sự vô nghĩa đó khi thuật lại : "Có người đã đem hết khôn ngoan và hiểu biết mà làm việc vất vả mới thành công, rồi lại phải trao sự nghiệp của mình cho một người đã không vất vả gì hết. Ðiều ấy cũng chỉ là phù vân và lại là đại họa." (Gv 2:21) Thật là cái vòng luẩn quẩn ! Bao nhiêu tim óc đầu tư tìm kiếm của cải. Bao nhiêu thời giờ và công sức xây dựng cơ ngơi, sự nghiệp. Tất cả có thể biến đi trong nháy mắt hay phải trao lại cho người khác. Nhìn lại cuộc đời, ông Côhelét phải thốt lên : "Trọn cuộc đời chỉ là đau khổ, bao công khó chỉ đem lại ưu phiền ! Ngay cả ban đêm, nó cũng không được yên lòng yên trí. Ðiều ấy cũng chỉ là phù vân !"(Gv 2:23) Nghĩ cho cùng, "tất cả chỉ là phù vân." (Gv 1:2) Nếu thế, tại sao con người phải bon chen dành giựt ?
Của cải vật chất không thể mang lại ý nghĩa giá trị đích thực cho con người. Chính Ðức Giêsu đã vạch trần sự thật ấy : "Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó." (Lc 12:21) Cái tôi là trở ngại lớn nhất cho mọi thực tại hướng về Thiên Chúa. Muốn "làm giàu trước mặt Thiên Chúa" phải có một cái nhìn mới lạ và phải vận dụng những phương tiện khác hẳn với lối làm giàu bình thường. Quả thế, Ðức Giêsu đã mách nước : "Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu," (Lc 16:9) tức là Nước Thiên Chúa. Càng có nhiều bạn bè như thế, càng tích trữ được một kho tàng lớn lao trên trời. Bạn bè đó chính là người nghèo.
Trong khi bao người nghèo rên siết, ông phú hộ chỉ lo "ăn uống vui chơi cho đã !" Tiền bạc là một cám dỗ lớn lao. Ông đã không chống cưỡng nổi ma lực của đồng tiền. Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, "phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12:15) Chỉ có một bảo đảm duy nhất là "Ðức Kitô, nguồn sống của chúng ta." (Cl 3:4) Kho tàng của chúng ta đang được ẩn giấu nơi Ðức Kitô. Ðúng hơn, "sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Ðức Kitô nơi Thiên Chúa." (Cl 3:3) Chúng ta phải đầu tư bao nhiêu thời giờ và tim óc để có thể tạo được một sự sống đúng nghĩa như thế ?
Ðầu tư đó bắt đầu bằng nỗ lực "mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Ðấng Tạo Hóa, để được ơn thông hiểu." (Cl 3:10) Con người cũ đầy những giới hạn, nên chúng ta không thấy hết vấn đề. Một khi đã tìm lại được hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình, chúng ta có thể dễ dàng phá tung những giới hạn trần gian để thấy "hình ảnh Ðấng Tạo Hóa" nơi anh em. Tất cả giới hạn về chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, đẳng cấp trở thành vô nghĩa. Trong Ðức Kitô "không còn phải phân biệt Hi lạp hay Do thái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ." (Cl 3:11) Thật là tuyệt vời ! Ðức Kitô đã trở thành mối giây liên kết tất cả loài người.
Nhìn thấy đầu giây mối nhợ đó, ta sẽ thấy bản thân mình không còn là chủ thể tối cao và đối tượng phục vụ nữa. Trái lại, những người anh em nghèo khổ mới là chính Ðức Kitô cần phải được chia sẻ. Ta sẽ không "thu tích của cải cho mình" nữa, nhưng cho Ðức Kitô và các chi thể của Người. Phục vụ một đối tượng lớn lao như thế tức là đang "làm giàu trước mặt Thiên Chúa" vậy. Kiên nhẫn đầu tư theo lối này, ta sẽ "sắm lấy những túi tiền chẳng bao giờ cũ rách, một kho tàng chẳng thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm cắp không bén mảng, mối mọt cũng không đục phá." (Lc 12:33) Phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới có thể kiếm được những túi tiền và kho tàng đó. Tóm lại, đó là một cuộc hi sinh vô bờ bến có khi mất cả mạng sống. Thế nhưng, phàm ai từ bỏ mọi sự "vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp." (Mt 19:29) Chính vì mối lợi lớn lao đó, chúng ta nên tự kiểm hằng ngày về mức độ từ bỏ của mình. Nếu không, chúng ta sẽ hụt hẫng khi giáp mặt với những thực tại thiên giới.
THẾ GIỚI HÔM NAY.
Bước hụt hẫng đó chính người phú hộ đã kinh nghiệm khi rơi xuống "âm phủ, ông ta ngước mắt lên thấy Lagiarô trong lòng tổ phụ." (Lc 16:23) Nơi trần thế, ông ngất ngưởng trên cao với những "lụa là gấm vóc, yến tiệc linh đình." (Lc 16:19) Ông chỉ lo "thu tích của cải cho mình" và hưởng thụ một mình. Người nghèo Ladarô không lọt vào mắt xanh của ông. Nhưng từ dưới âm phủ cũng ánh mắt đó ngước lên tìm một chút lòng thương xót từ nơi tổ phụ Abraham và Ladarô.
Ngày nay trên thế giới biết bao nhiêu phú hộ đang sống phè phỡn trên 80% tài nguyên thế giới giữa một đại dương nghèo đói chỉ chiếm khoảng 20% của cải thế giới mà thôi. Giữa đại dương nghèo đói đó, đa số nhân loại không đủ cơm ăn áo mặc, không đủ thuốc chữa trị những bệnh nguy hiểm như liệt kháng, ung thư, đau tim v.v Họ là những người thấp cổ bé họng, bị gạt ra ngoài lề xã hội, bị đàn áp bất công. Họ không có tiếng nói. Bởi vậy, nhân dịp nhóm G8 họp Hội Nghị Thượng Ðỉnh tại Genova, Ðức Gioan Phaolô II đã kêu gọi : "Các Siêu cường, các Vị quyền hành trên thế giới . hãy nghĩ đến các nước nghèo, hãy lắng nghe tiếng kêu than của các người nghèo." (VietCatholic 28/7/2001) Hãy chấm dứt tình trạng "thu tích của cải cho mình." Bao lâu còn nghèo đói, thế giới không thể hòa bình. Thế giới không thiếu lương thực, nhưng thiếu những vòng tay mở rộng. Bất công tràn lan vì người giàu ôm chặt tài sản và chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu giả tạo, mặc cho những người nghèo phấn đấu một mình với cơn nghèo đói, rách nát. Bằng chứng, " các vị lãnh đạo các Siêu Cường nhắc lại cam đoan dùng 0.7% lợi tức cũa mức sản xuất để dành cho việc cộng tác phát triển các dân tộc. Nhưng với thời gian qua đi, không một quốc gia ?ân nhân? nào đóng góp vào quĩ, trừ mấy nước miền Bắc Âu. Thậm chí, các Siêu Cường (Pháp, Anh, Ý, Canada) đã giảm bớt số viện trợ cho các quốc gia nghèo ở miền Nam Bán Cầu." (VietCatholic 28/7/2001) Ðúng là đánh trống bỏ dùi ! Mới đây tại Genova lại hứa viện trợ 1 tỉ 200 ngàn Mỹ kim cho Phi châu chũa trị bệnh liệt kháng và các chứng bệnh thông thường. Số tiền đó chỉ bằ?g ngân khoản Hoa Kỳ dành mỗi năm cho việc chế tạo hỏa tiễn chống hỏa tiễn mà thôi. (xc. VietCatholic 28/7/2001) Chẳng biết bao giờ mới thực hiện lời hứa đó. Các phú hộ vẫn chễm chệ trên những bàn tiệc thịnh soạn, không thèm thí những miếng bánh vụn cho người nghèo.
Nếu ngày xưa người phú hộ sớm nhận ra sự liên đới và trách nhiệm đối với Ladarô, tình trạng không đến nỗi quá cách biệt sau cái chết như vậy. Thực ra, ông đã không hề đối xử bất công với người nghèo Ladarô. Ông không sai đầy tớ đánh đập hay xua chó cắn Ladarô. Thực tế, ông chỉ hưởng những của cải của ông, chứ không xâm phạm quyền lợi ai. Nhưng ông đã giữ một khoảng cách quá xa với Ladarô. Ông chủ trương "sống chết mặc bay". Tội ông ở chỗ đó !
Ngày nay, để xóa bỏ khoảng cách giữa giàu nghèo, không thể theo chủ trương "đấu tranh giai cấp". Nhưng cần phải kêu gọi tình liên đới nhân loại. Tình liên đới là một giá trị lớn lao trong tiến trình toàn cầu hóa. Không cảm thấy liên đới, người giàu không bao giờ thấy được bổn phận đối với người nghèo. Sở dĩ ?có liên đới với nhau, vì họ thuộc về một gia đình duy nhất. Theo ÐHY Sodano, "ơn gọi nguyên thủy của nhân loại là xây dựng một gia đình duy nhất." (VietCatholic 28/7/2001) Kitô giáo là một điển hình. Tất cả các Kitô hữu đích danh đều gắng sức xây dựng Giáo hội thành một gia đình, trong đó Thiên Chúa là Cha và mọi người đều là anh em với nhau. Chính vì thế, "Kitô giáo là một tôn giáo có tính toàn cầu," (ÐHY Sodano, VietCatholic 28/7/2001) bắt đầu từ tình liên đới giữa những người cùng chia sẻ một niềm tin và một tình yêu. Từ đó, người Kitô hữu sẽ nhận thấy trách nhiệm của mình đối với việc toàn cầu hóa tình liên đới. Ngày nay, nhân loại không còn lựa chọn nào khác. Liên đới hay là chết ! Thời gian cấp bách lắm rồi ! Trong công cuộc này, giáo dân là những đội quân tiền phong. Họ có nhiệm vụ phá tan những tảng băng giá trong lòng người và khơi dậy những ngọn lửa thương yêu, đoàn kết, liên đới.
Khi cố gắng liên đới với anh em, chúng ta đang hoàn thành ơn gọi của mình. Chính ơn gọi này giúp chúng ta nhận ra địa vị cao cả của mình trong vũ trụ và giá trị đích thực của những thực tại trần thế. Ý thức này sẽ đẩy xa mọi đam mê ích kỷ và giúp con người tìm lại được chính mình. Nhưng muốn liên đới với anh em, chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ cái tôi. Liều thân vì anh em là liều mạng vì Thiên Chúa. Ðức Giêsu nhắn nhủ : "Ai liều mất mạng sống vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy." (Lc 9:24) Nhưng ai có thể đạt tới mức hi sinh lớn lao đó, nếu không phải là những người đang sống giữa những thực tại trần gian mà lòng vẫn "tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Ðức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa" (Cl 3:1) Chỉ những người siêu thoát như thế mới có thể hiệp nhất tất cả trong Ðức Kitô. Nhờ sức mạnh Thánh Linh, giữa thế giới đầy xáo trộn và thù nghịch hôm nay, họ vẫn có thể làm chứng cho mọi người thấy : "chỉ có Ðức Kitô là tất cả và ở trong mọi người." (Cl 3:11) .Amen
ÔNG PHÚ HỘ NGỐC (Lc 12, 13-21)
Giacôbê Phạm Văn Phượng op
Bài Tin Mừng kể lại : Một hôm Chúa Giêsu đang giảng dạy trong hội đường thì có một thanh niên lên tiếng xin Chúa giải quyết giúp vụ tranh chấp gia tài của anh em họ. Người Do Thái vẫn có thói quen đem trình mọi vấn đề rắc rối cho vị đạo trưởng như vậy. Chính luật Mô-sê cũng không phân biệt rõ luật hình, luật sự, luật đạo, luật đời hay luân lý. Cho nên, một vị đạo trưởng là phải “nghề”, phải “sành” mọi thứ luật để giải quyết cho dân. Trường hợp người thanh niên này, có lẽ anh đã tranh đấu đòi người anh trả lại quyền lợi một phần ba gia tài như luật định mà người anh đã tham lam ngốn hết tất cả, không chia chác gì cho ai, nên mới có chuyện.
Nhưng Chúa Giêsu đã không can thiệp vào sự việc đó, Chúa muốn cho thấy ranh giới giữa các thứ luật. Vấn đề chia chác của cải không thuộc lãnh vực của Chúa, không thuộc sứ mệnh của Ngài mà thuộc về lãnh vực xã hội. Nhưng nhân dịp này Chúa dạy mọi người một bài học : đừng sống tham lam, đừng ích kỷ. Để dễ hiểu, Chúa đưa ra một dụ ngôn về một người giàu có kia, suốt đời cắm cúi lo thu tích hoa mầu, của cải, dù là cách lương thiện, nhưng đời sống lại là hưởng thụ ích kỷ, sản xuất hoa mầu được nhiều, nhưng thu cất hết vào kho lẫm, chỉ lo cho vinh thân phì da. Trước mặt Thiên Chúa, Tin Mừng nói, đó là kẻ ngốc, tức là kẻ dại dột. Dại dột ở chỗ ông ta chỉ để ý đến vật chất mà không chú ý đến linh hồn, chỉ để ý vào của cải đời này mà quên mất đời sau, giàu ở đời này nhưng nghèo ở đời sau thì ích gì ? đời này chỉ là tạm bợ, đời sau mới trường tồn. Kẻ giàu sụ kia đã chết bất ngờ, mất cả của lại mất cả linh hồn. Như vậy, có của không có nghĩa là có hạnh phúc. Hạnh phúc nước trời phải được mua sắm bằng của cải thiêng liêng là việc lành phúc đức, bác ái, chia sẻ.
Sau đây chúng ta tìm hiểu ít điều về lòng tham : lòng tham là thế nào và tai hại ra sao ? Chúng ta phải có thái độ thế nào đối với của cải vật chất ?
Chúng ta vẫn thường nghe nói : “Lòng tham vô đáy”, “tham thực cực thân”, “lòng tham là một cái túi thủng, mà những người sống nửa cuộc đời hay vướng mắc, bởi vì tuổi trẻ thì hay phung phí, còn tuổi già thì hay hà tiện”. Kẻ tham lam không bao giờ bằng lòng với số phận hiện có của mình, những gì họ có vẫn còn là ít, là nhỏ, là thiếu, cho nên, đạt được mục tiêu này, họ lại thấy có bao nhiêu điều khác phải với tới, họ không bao giờ lường đúng được giá trị thật của họ, họ luôn bị thúc đẩy phải đi kiếm thêm cho đầy túi, đầy bị hay đầy két sắt. Khi chúng ta tham lam, chúng ta sẽ mắc ngay phải một tính xấu là ghen ghét. Người khác có hơn chúng ta cái gì, chúng ta không chịu được, chúng ta thèm khát những thứ người ta có mà chúng ta chưa có. Từ chỗ thèm khát đến ganh tị ghen ghét, từ ghen ghét đến hận thù và tàn hại nhau. Kinh nghiệm đau thương cho thấy lòng tham lam là mối cực lòng nhất trong đời, nó không đem lại hạnh phúc cho ai cả. Có tiền có của thì lại lo lắng bảo vệ, lo lắng mất mát. Có tiền của tất nhiên sẽ xoay trở làm sao cho có sức mạnh, có uy quyền. Đã có mạnh lại muốn mạnh hơn, đã có quyền lại muốn có nhiều quyền hơn. Nếu mình có quyền, tất nhiên là bớt quyền của người khác, ít là hạn chế, giới hạn quyền lợi của người anh em. Nếu hạnh phúc đến trên căn bản như thế, thì hạnh phúc chỉ đến với một số người, và sẽ không bao giờ đến với một số người khác.
Đàng khác, lòng tham còn tạo ra nhiều bất công xáo trộn, vì người tham sẽ tìm mọi cách để vơ vét của người khác, bất kể phương tiện tốt xấu, mọi phương tiện đều tốt cho lòng tham vô đáy, trong khi đó lại khép chặt lòng trước bất cứ ai, họ không yêu thương người khác, mà cũng chẳng yêu thương được chính mình, vì chính họ cũng phải ti tiện, dành dụm, không dám tiêu pha, chỉ mong sao cho có thật nhiều, bảo đảm cho đời mình được an toàn, được kéo dài. Và như vậy họ giết chết nhân đức phó thác vào Thiên Chúa quan phòng. Đối với họ, tiền của sẽ thay thế Chúa quan phòng cho họ, từ đó, ma quỷ sẽ chen vào, sẽ thổi phồng lòng tham lên nữa, và sẽ khống chế, bắt họ phải làm những tội ác khác nữa.
Chúng ta thấy lòng tham thật nguy hiểm và tai hại, nó tạo ra ghen tương, đố kỵ, xung đột, mọi cuộc chiến tranh lớn nhỏ đều bắt đầu từ đó, mọi đau khổ cũng có thể bắt nguồn từ đó, cho nên, vấn đề là làm sao loại bỏ được lòng tham. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng : lòng tham đã trở nên một thành phần của con người, ai cũng có lòng tham, không nhiều thì ít, do đó, loại bỏ được lòng tham không phải là dễ, tức là khó chứ không phải là không loại bỏ được. Chúng ta có thể loại bỏ được và chúng ta phải loại bỏ bằng cách ý thức rõ ràng về của cải vật chất, đó là lời Chúa dạy bảo hôm nay. Chúa nhắc nhở chúng ta phải luôn ý thức tính cách mong manh, tạm bợ, nay còn mai mất của mọi của cải trần gian, tất cả chỉ là phù vân, là mây khói, nếu chúng ta không biết hướng chúng lên cao, không biết dùng chúng để đạt đến mục đích sau cùng của mình. Biết bao người đã kinh nghiệm tính cách phù vân, tương đối của tiền bạc, danh vọng, hưởng thụ… và họ đã bộc lộ ra qua những câu văn, những lời thơ để nhắc nhở mọi người, như “Của phù vân không chân hay chạy, sớm hợp tối tan”, “Ôi nhân sinh là thế ấy, như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao. Ba mươi năm hưởng thụ biết chừng nào, vừa tỉnh giấc nồi kê chưa chín”, “Của trời trời lại lấy đi, giương hai mắt ếch làm chi được trời”, “Của thiên trả địa”, “Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng, chết xuống âm phủ chẳng mang được gì”, “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”, “Cái vòng danh lợi cong cong, kẻ hòng ra khỏi người mong buớc vào”.
Tóm lại, một trong những vấn đề quan trọng và căn bản nhất của đời sống là chọn Chúa hay chọn vật chất, của cải ? Trên lý thuyết, dĩ nhiên ai cũng chọn Chúa, nhưng trong thực tế có thực sự như thế không ? Xin đề nghị một điều, đó là hãy làm việc thiện. Có tiền của nhiều hay ít, chúng ta hãy giàu lòng, một đàng sẽ giải phóng chúng ta khỏi tính tham lam, ích kỷ, đàng khác, lại tích lũy công phúc cho đời sau, nghĩa là sống bác ái, chia sẻ sẽ giúp chúng ta thấy mình hữu ích cho nhân quần xã hội, mà còn là một cách chúng ta ký thác công phúc vào ngân hàng trên trời. Amen.
Mời cùng cầu nguyện với 3 phút Thánh vịnh đáp ca