Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 7, 2010

Du lịch đảo Corse, thiên đường miền ôn đới

Mở đầu loạt bài "Mùa hè rộn rã", RFI đưa các bạn đến thăm đảo Corse ở miền nam nước Pháp. Các bãi tắm trên hòn đảo này nổi tiếng đẹp nhất vùng Địa Trung Hải. Solenzara được mệnh danh là Hạt ngọc trai bờ biển xà cừ. Còn Bonifacio là một Viện bảo tàng lộ thiên, ngự trị trên biển cả. Bonifacio được các tạp chí du lịch hạng sang xếp vào danh sách 10 thành phố có địa thế độc đáo nhất thế giới (DR) Mời nghe bài viết trên RFI Có những địa danh thơ mộng đến nổi, một khi mắt ta đã nhìn thấy rồi, thì chỉ cần đặt bút là viết thành bài thơ. Capri hay Syracuse ở Ý, đảo Corfou ở Hy Lạp từng gợi hứng cho nhiều tác giả. Đảo Corse ở miền Nam nước Pháp cũng vậy. Không phải ngẫu nhiên mà nơi này được mệnh danh là L’Ile de la Beauté - Hòn đảo xinh đẹp. Nằm trên biển Địa Trung Hải, đảo Corse tiếng địa phương gọi là Corsica, nổi tiếng từ lâu đời nhờ vẻ đẹp tự nhiên, hoang sơ thầm kín, không huyên náo như Ibiza, không khoe khoang như Mykonos. Từ thủ đô Paris đáp máy bay, du khách mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ để đến các thành phố Bastia hay Calvi ở phía Bắc, Ajaccio hay Corte ở miền Trung hải đảo. Nhưng những phong cảnh đẹp nhất vẫn là các bãi tắm nằm ở miền Nam (Corse du Sud), trong đó có thành phố Solenzara, được mô tả như Hạt ngọc trai của Bờ biển Xà cừ (Côte des Nacres). Solenzara : từ hồ trên núi đến vịnh nước biển Gọi là thành phố, nhưng thật ra Solenzara chỉ lớn bằng một thị trấn, mật độ dân cư không cao nhưng lại thu hút đông đảo du khách trong những tháng hè. Khi xưa là một làng chài, sống nhờ nghề đánh cá, nuôi hải sản, Solenzara phát triển nhờ có khoảng 20 bãi tắm tự nhiên nằm dọc trên 5 cây số. Bờ biển ở đây có làn nước trong suốt, xanh mát, cát ngà trắng mịn, mềm mại như nhung. Nhưng Solenzara có một đặc điểm mà nơi khác không có. Đó là nhánh sông bắt nguồn từ miền núi đổ ra biển. Du khách nào chịu khó đi bộ hay đạp xe vài cây số từ miền duyên hải vào bên trong đất liền, sẽ thấy những hồ nước suối tự nhiên, tuy không sâu nhưng trong sạch và mát rượi, do nước ngọt tan từ băng tuyết. Nhờ vậy mà Solenzara lôi cuốn nhiều đối tượng du khách, vừa là nơi hẹn hò của những người thích tắm biển phơi nắng, nghỉ hè thì phải nằm yên đọc sách nghe nhạc chứ tội gì mà nhọc sức, vừa là điểm đến của những ai thích đi bộ, leo núi, muốn tận hưởng vị muối mặn trong gió biển, làn nước ngọt khi ngâm mình vào suối hồ trên núi. Khuyết điểm duy nhất của Solenzara có lẽ nằm trong giá sinh hoạt. Đành rằng Corse là một hải đảo, và như vậy phải nhập nhiều hàng tiêu dùng từ đất liền, nhưng giá cả ở đây lại cao hơn nhiều so với các nơi khác, từ tiền phòng khách sạn cho đến những bữa ăn. Thị trấn này có thể hãnh diện sau khi xây được một bến cảng dành cho du thuyền, nhưng lượng khách hạng sang lại khiến cho giá cả tăng vọt. Du khách nào không có nhiều tiền thì chỉ còn cách cắm lều ngủ trại, hay thuê phòng ở nhà dân địa phương, giá trung bình là 65 euros một phòng, mỗi bữa ăn tính khoảng 12 euros. Dù gì đi nữa, Solenzara có những phong cảnh rất hữu tình nhờ địa thế lý tưởng : lưng phố dựa vào sườn núi, tầm mắt nhìn ra biển cả mênh mông. Mỗi khi mặt trời mọc, ánh nắng ban mai rải lên triền đồi, dốc núi một màu thủy ngân đẹp khó tả. Nhìn từ trên cao xuống các bãi tắm, bình minh rắc ánh bạch kim lên mặt biển, tùy theo độ nắng các bờ cát trắng lại lung linh lấp lánh ánh ngà pha sữa. Biệt danh Bờ biển Xà cừ có lẽ cũng không quá đáng, tiếng tăm của Solenzara đi vòng quanh thế giới, khi được đặt thành bài ca, dịch sang nhiều thứ tiếng kể cả tiếng Ý, tiếng Nhật và tiếng Việt (bài Solenzara do Phạm Duy đặt lời Việt thành Nắng Xuân). Bonifacio : viện bảo tàng lộ thiên Từ Solenzara đi xe hơi khoảng nửa tiếng về mũi cực nam đảo Corse, du khách sẽ thật sự choáng ngợp khi lần đầu tiên chứng kiến tận mắt thành phố Bonifacio. Được tạp chí du lịch hạng sang Condé Nast Traveller xếp vào danh sách 10 thành phố có địa thế độc đáo nhất thế giới, Bonifacio còn được mệnh danh là một viện bảo tàng lộ thiên, ngự trị trên biển. Thành phố cổ có lối kiến trúc hài hòa, phát triển từ thế kỷ 14 trở đi, khi còn là bến cảng giao thương giữa Marseille của Pháp và các nhà hàng hải đến từ vùng Sardaigne (Sardegna) và Gênes (Genova) của Ý. Bước vào thành phố, du khách có cảm tưởng lạc vào mê cung. Mọi nẻo đường đều quanh co khúc khuỷu, không tuân theo trật tự nhất định, vì ngày xưa, khi thành phố này bị tấn công, cư dân có thể thoát chạy dễ dàng. Có lẽ vì thế mà từ lâu Bonifacio nổi tiếng nhờ bức thành trì rắn chắc xây trên đất liền, ngăn chặn mọi nguy cơ xâm lăng từ phía biển. Với thời gian, thành trì được trùng tu, tô điểm nên tạo cho địa danh này một vẻ đẹp khó tả. Đáp du thuyền ra khơi rồi ngoảnh nhìn về đất liền, bạn sẽ thấy một thành phố cổ toạ lạc trên một khối đá vôi, cao gần 100 thước so với mực nước biển. Phía dưới của khối đá vôi bị sóng vỗ quanh năm, nước biển ăn mòn nên thành phố này càng có vẽ bấp bênh gập ghềnh. Khi trời trở gió, biển động sóng gầm, mưa rơi nặng hạt, du khách lại có cảm tưởng thành phố này như thể sắp rơi xuống biển. Một cảm giác cheo leo, chênh vênh mà cư dân địa phương dệt thành huyền thoại : Bonifacio sinh từ một nụ hôn say đắm của sơn tiên trên môi vị hải thần. Do khao khát nụ hôn, nên thần biển mới vỗ sóng bốn mùa, quấn quýt bên người yêu, muôn thuở không muốn xa rời. Các tảng đá vôi mọc giữa biển làm cho du khách thêm xao xuyến bồi hồi, ghi vào máy chụp ảnh những bức hình tuyệt đẹp, nhưng chỉ khi nào được nhìn tận mắt, ngụp lặn trong không gian ba chiều thì ta mới cảm nhận được tất cả niềm hạnh phúc mong manh, bấp bênh đến nổi không gì níu kéo được. Nấc thang lên thiên đường Nếu bạn muốn viếng thăm Bonifacio, thì nên đi thăm ngoài hai tháng cao điểm mùa hè (7 và 8). Thượng tuần tháng 5, tháng 6 và cuối tháng 9 là lý tưởng nhất. Vào lúc đó, giá cả sẽ mềm hơn, thành phố cũng tĩnh lặng, người đi lại khá thưa thớt, không có nhiều bóng dáng của xe cộ. Những con đường nhỏ ngoằn nghèo lát đá, chạy quanh những tòa nhà cổ kính, cứ đi vài trăm thước là dẫn tới một ngã năm ngã bẩy, với bồn nước nhỏ ở giữa, xunh quanh là các hàng quán, cà phê viã hè lợp bóng cây. Các món ăn ở đây không cầu kỳ, cao sang nhưng lại đậm đà hương vị của các đặc sản địa phương. Thời xưa, đảo Corse không phải là vùng đất trù phú, phì nhiêu nên rất nhiều món ăn chính gốc là của người dân miền núi. Các món thịt nguội, hun khói hay ngâm muối ngon không kém gì món jambon Parma của người Ý. Người Corse còn nổi tiếng nhờ nghệ thuật làm fromage bằng sữa dê : đậm mùi thì có loại Niulincu (của làng Niolu) và Calinzanincu (Calenzana), nhẹ hơn thì có Sartinese (làng Sartène), Bastelicacciu (Bastelica), và Venachese (Venaco). Các món fromage này thường được đút lò với khoanh trái táo chẻ mỏng, hay được nhồi với cà tím nướng dầu ôliu. Độc đáo hơn nữa là món hoa mướp non, ướp với một chút gia vị rồi lăn bột chiên bơ. Vắt thêm một chút chanh tươi, món này còn ngon hơn nhiều món tempura của người Nhật. Sống trên đảo nhưng dân Corse lại không ăn nhiều cá. Truyền thống sơn cước khiến cho cư dân địa phương làm nhiều món để cất giữ. Điều đó có thể làm nản lòng du khách nào muốn ăn thịt tươi. Nhưng đổi lại người Corse nổi tiếng làm mứt trái cây, hoa quả. Lạ nhất là món mứt dưa hấu trộn với một chút vỏ chanh hay mứt hoa cà ướp mùi bergamotte. Nổi tiếng là kiêu hãnh tự hào, người dân địa phương chưa dám gọi đảo Corse là một trong những địa điểm du lịch đẹp nhất thế giới, nhưng họ vẫn nói đùa với nhau rằng : hòn đảo xinh xắn này là nấc thang cuối cùng dẫn ta đi vào thiên đường miền ôn đới. Tuấn Thảo (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét