Trang

Thứ Tư, 23 tháng 6, 2010

Các quốc gia đang phát triển có thể vượt các nước giàu trong 20 năm tới ?

Ngày 16/06/2010, Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (OCDE/OECD) đã công bố một bản báo cáo về triển vọng kinh tế thế giới mang tựa đề ‘’Viễn ảnh Phát triển Toàn cầu : sự chuyển dịch của nền thịnh vượng’’. Theo ghi nhận của OCDE, thế giới đang chứng kiến một sự thay đổi lớn trong trật tự kinh tế toàn cầu, với phần đóng góp ngày càng lớn của các nước đang phát triển, mà các nhà kinh tế xem là đầu tàu hiện đang kéo kinh tế thế giới đi lên. © OECD Theo dự báo của Quỹ Tiền Tệ Quốc tế FMI, đưa ra vào tháng 4/2010, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2010, sẽ đạt tỷ lệ bình quân 4,2%. Tính riêng từng khu vực, thì tại vùng Châu Âu sử dụng đồng euro, tăng trưởng chỉ là 1%. Hoa Kỳ khá hơn một chút với 3,1%. Trong lúc đó thì Châu Á đạt 8,7%, với đầu tàu là Trung Quốc, có tỷ lệ 10%. Ấn Độ không kém với 8,8%. Brazil, một quốc gia đang vươn lên khác cũng đạt 5,5%. Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tăng trưởng tại các nước đang vươn lên này sẽ là động cơ, giúp các quốc gia giàu có vực dây nền kinh tế của mình. Quả là có một sự đổi vai. nhưng tổ chức OCDE, tỏ ra rất lạc quan về triển vọng sắp tới của các quốc gia đang phát triển và đang vươn lên, thường được gọi chung là ‘’phương Nam’’. Khối nước này không chỉ bắt kịp các quốc gia đã phát triển, mà vào năm 2030, tức là trong 20 năm tới đây, còn sẽ vượt qua các nước phương Bắc, và chiếm một tỷ trọng đến gần 60% sản lượng toàn cầu, trong lúc mà toàn bộ số hơn 30 quốc gia thành viên giàu có của tổ chức OCDE, vào thời điểm đó chỉ còn chiếm được hơn 40%. Tỷ lệ kể trên đã đảo ngược hoàn toàn so với cách đây 10 năm, khi các quốc gia giàu có còn chiếm 60%, tổng sản lượng toàn cầu. Đà suy giảm của khối nước phương Bắc tuy nhiên đã khởi sự, và đến năm 2010, tỷ trọng các quốc gia công nghiệp phát triển đã tuột xuống còn 51%. Trong trật tự thế giới mới do OCDE phác họa, trao đổi giữa các quốc gia phương Nam với nhau sẽ gia tăng, và trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong thập niên tới đây. Về mức sống người dân, theo bản báo cáo, hiện nay một số quốc gia đang phát triển cũng đã bắt kịp mức sống các quốc gia giàu. Tuy nhiên OCDE cũng gợi lên một số điểm đen trong viễn ảnh lạc quan của mình : đó là sự chênh lệch phát triển giữa các quốc gia phương Nam với nhau và nhất là khoảng cách giàu nghèo càng lúc càng sâu thêm trong từng nước. Trong tình hình đó, OCDE khuyến cáo các nước phương Nam là nên nhanh chóng thực hiện các chính sách xã hội để giảm bớt các khó khăn nẩy sinh. Vấn đề đặt ra là viễn ảnh mà tổ chức OCDE phác họa có thật sự sẽ hoàn toàn tốt đẹp như thế hay không. Trả lời phỏng vấn RFI sau đây, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghiã tại California, tỏ ra thận trọng, và nêu một số yếu tố mà các quốc gia Phương Nam còn thiếu và có thể ngăn cản bước tiến của các nước này, trong đó có cả những vấn đề phi kinh tế như trí tuệ và dân chủ. RFI : Tổ chức Hợp tác và Phát triển OCDE đã công bố phúc trình về "Viễn ảnh Phát triển Toàn cầu" với nội dung tập trung vào những thay đổi lớn về sự giàu có trên thXế giới trong vòng hai chục năm tới. Thưa anh, xưa nay, người ta nói đến một ranh giới Nam-Bắc của phát triển, theo đó, các nước ở Bắc bán cầu đã công nghiệp hoá trước tiên, và trở thành giàu có nhất so sánh với các nước ở Nam bán cầu. Bây giờ, theo dự báo của OCDE thì người ta đang thấy ra một trật tự mới của kinh tế thế giới, với các nước miền Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Cụ thể thì nay đang ở trong tình trạng ngang ngửa, chứ 20 năm tới sẽ vượt qua các nước công nghiệp hoá ở miền Bắc và sẽ giao dịch mua bán với nhau nhiều hơn nên sẽ làm chủ một lượng tài sản lớn hơn của địa cầu. và nhất là thị trường tiêu thụ to lớn của họ có khả năng đảy lượng giao dịch với các nước phát triển mạnh hơn và giúp các nước này ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Anh nghĩ sao về những kết luận trên ? Nguyễn Xuân Nghĩa : Người ta căn cứ trên những thành quả kinh tế trong 20 năm vừa qua, tức là từ đầu thập niên 90 cho đến cuối năm 2008, để đưa ra một cái dự phóng cho tương lai. Căn cứ trên kết quả trong 20 năm qua thì ta thấy rằng các nước gọi là đang phát triển có tốc độ phát triển cao hơn, có sản lượng công nghiệp cao hơn, và họ buôn bán giao dịch với nhau nhiều hơn. Thành ra mức sống của dân cư tại những nơi đó cũng cải thiện, cụ thể là có cỡ chừng 500 triệu người thuộc loại bần cùng, tức là bình quân lợi tức chỉ có 1 đô la một ngày chẳng hạn, thì đã ra khỏi cái sự nghèo khổ đó. Đa số thành phần đó nằm ở Trung Quốc. Và vì lợi tức gia tăng ở các nước đó mà người ta tin rằng và người ta cũng mong rằng là khả năng tiêu thụ cao hơn của các nước đang phát triển, có thể giúp cho các nước giàu có đang bị đình trệ kinh tế sẽ có một thị trường xuất cảng nhiều hơn. Và như vậy, vì thị trường tiêu thụ nội điạ của các nước đang phát triển có thể còn gia tăng theo mức lợi tức dân cư của họ mà họ nghĩ rằng có thể thế giới đang có một sự xoay chuyển lớn. Trước đây, các nước công nghiệp thường nhập cảng nhiều, tiết kiệm ít và đà tăng trưởng thấp, và trong khi đó thì các nước nghèo, họ cố ra công xuất cảng nhiều, và có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Bây giờ thì nó có thể sẽ đưa đến một tình trạng gọi là tái quân bình lại luồng giao dịch giữa các nước với nhau và các nước nghèo có thể sẽ mua hàng của các nước giàu nhiều hơn và nhờ đó mà có thể kéo các nước Âu Mỹ, kể cả Nhật Bản, ra khỏi tình trạng đình trệ vừa rồi. Tôi nghĩ đấy là một cái mặt gọi là tích cực mà bản thân tôi cho là quá lạc quan của những cái nhận định đó. RFI: Tại sao anh lại cho là nhận định đó quá lạc quan ? Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi sẽ làm thính giả giật mình, thậm chí khó chịu, nếu nói rằng chúng ta đang chứng kiến một hài kịch có nhiều cảnh nhiều màn của kinh tế thế giới. - Thứ nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển OCDE chủ yếu chỉ là một trung tâm nghiên cứu, được hình thành từ sau Thế chiến II bởi các nước kỹ nghệ hoá thuộc Bắc bán cầu, đa số tại Âu châu. Trong số 34 hội viên hiện hành có hơn hai tá là các nước Âu châu và trong các nước Âu châu ấy, chừng mươi quốc gia đang gặp nhiều vấn đề kinh tế, thậm chí bị nguy cơ khủng hoảng. Tôi không tin là OCDE đã tiên báo được mức độ trầm trọng của vụ khủng hoảng ở ngay tại sân nhà là Âu châu nếu ta đọc lại báo cáo của tổ chức này về nạn tổng suy trầm vừa qua. - Cũng vì vậy, và đây là yếu tố thứ hai, họ dễ chột dạ về sự suy sụp của mình và dự báo chu kỳ thịnh vượng của các nước mới phát triển, trong đó có các nước tôi xin gọi là "tân hưng", tức là mới nổi, và các nước vừa chập chững bước vào giai đoạn phát triển. Hiện tượng này cũng giống như sự lạc quan của các định chế quốc tế khi nói về phép lạ kinh tế Đông Á ngay trước khi Đông Á bị khủng hoảng thời 1997-1998. Họ nhìn vào kính chiếu hậu, là dựa vào những dữ kiện kinh tế của quá khứ, như tốc độ tăng trưởng hoặc lượng hàng giao dịch của ngoại thương, để từ đó vạch ra đường tuyến cho tương lai trước mắt. Rồi kết luận rằng thế giới đang bước qua một trật tự mới với sức nặng của các nước đang phát triển. - Thực tế thì các nước đi sau đều học được kinh nghiệm của các nước đi trước cho nên có thể đốt giai đoạn và khi bắt đầu bước vào chu kỳ phát triển thì đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Sau đó, thì họ cũng lại chậm nhịp phát triển khi bước vào giai đoạn trưởng thành như các nước kia. Tuy nhiên, khác với các nước kỹ nghệ hoá đã trước tiên dân chủ hóa và có ý thức xã hội cao độ, các nước đi sau lại không được như vậy! May là phúc trình của OCDE có cảnh báo điều ấy khi nhấ mạnh tới sự bất công tiềm ẩn trong đà tăng trưởng.... RFI: Đúng là anh hay có thói quen xối nước lạnh! Báo cáo của tổ chức OCDE có nói đến thành tích xoá đói giảm nghèo trong các nước đang phát triển và còn nêu ra một con số thực tế là các quốc gia này đang nắm giữ một lượng dự trữ ngoai tệ lớn hơn các nước gọi là giàu có. Trong khi ấy, ta thấy là các nước giàu có này giờ đây đang mắc nợ, từ Nhật Bản, Hoa Kỳ về tới nhiều nước Âu Châu. Anh không cho rằng đó là thành tích đáng kể và tiềm lực đáng tin sao ? Nguyễn Xuân Nghĩa: - Báo cáo của OCDE tập trung vào thời khoảng hai chục năm qua, từ 1990 là khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến 2008 là khi thế giới bị trận tổng suy trầm toàn cầu. Từ đó, họ vạch đường tuyến tương tự cho tương lai hai chục năm tới và vẽ ra triển vọng màu hồng cho các nước đang phát triển. Tôi thiển nghĩ là sự thật lại không lạc quan như vậy vì nhiều lý do. - Thứ nhất, chính là nguyên lý kinh tế tự do và chính trị dân chủ của các xứ kỹ nghệ hoá, chủ yếu là Âu-Mỹ, đã lấy trớn phát triển cho các nước nghèo trong 60 năm vừa qua. Nhờ vậy mà dân số các nước nghèo đã tăng mạnh và tương đối có kiến năng cao hơn thế hệ trước. Trong khi ấy, các nước công nghiệp hoá - ngoại lệ là Hoa Kỳ nhờ chính sách di dân - lại thấy dân số co cụm dần, bị lão hoá, và ảnh hưởng tới năng suất. Nhờ đầu tư nhiều hơn và có dân số đông hơn - khoảng một tỷ rưỡi người đi vào thị trường lao động - các nước nghèo có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao trong mấy chục năm liền. Nhưng khi họ bớt nghèo đi thì đà gia tăng dân số ấy cũng sẽ giảm, là chuyện ta bắt đầu thấy tại Trung Quốc. Và đà tăng trưởng cũng vậy. - Thứ hai, nói về tài sản hay cụ thể là dự trữ ngoại tệ, ta không quên loại tài sản vô hình mà lại là then chốt cho phát triển và năng suất. Là kiến năng, kiến thức và khả năng. Các xứ tân hưng hay đang phát triển có thể nắm giữ một khối dự trữ ngoại tệ trị giá hơn 4.000 tỷ Mỹ kim hay ngoại tệ mạnh khác của các nước giàu. Nhưng họ làm chủ bao nhiêu bằng sáng chế trên thế giới? So với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức hay thậm chí Nam Hàn, thì dự trữ về trí tuệ của các nước này không đáng kể. Nếu không đầu tư vào giáo dục và đào tạo để nâng cấp về trình độ sản xuất thì các nước này chỉ sao chép sáng kiến của Bắc bán cầu và bán hàng cho nhau với giá trị gia tăng thật ra cũng không cao. Thế giới bị mê hoặc bởi các doanh nghiệp Ấn Độ hay Trung Quốc đã đầu tư vào thị trường Âu-Mỹ, nào mua hãng xe hơi xứ này, mua công ty điện toán xứ kia, nhưng nếu tương lai các nước tân hưng này quả là sáng láng như vậy vì sao họ không đầu tư vào khu vực nội địa lạc hậu của họ để nâng mức sống và phẩm chất của đời sống cho cả tỷ dân của họ? - Thứ ba và đây là yếu tố bi quan nhất, đó là những dị biệt quá lớn về lợi tức, nhận thức và quyền lợi của các nước tân hưng hay đang phát triển với nhau. Ngược với suy luận lạc quan của nhiều người, tôi trộm nghĩ rằng các nước càng buôn bán giao dịch với nhau thì tranh chấp về quyền lợi càng dễ xảy ra. Đó là kinh nghiệm của Âu châu vào đầu thế kỷ trước. Cũng do kinh nghiệm đắt đỏ ấy mà Âu châu trở thành dân chủ và hiếu hoà hơn ngay trong trường cạnh tranh kinh tế. Các nước đang phát triển chưa tiến tới giai đoạn ấy và mâu thuẫn của họ với nhau vẫn có thể xảy ra và càng dễ xảy ra trong lãnh vực kinh tế vì những chuyển dịch của sự giàu có. Bất ổn đó có thể làm gãy đường tuyến lạc quan của tổ chức OCDE! Xin nhắc lại là sau Thế chiến thứ nhất, năm 1920, không ai ở Âu châu có thể tin là Âu châu sẽ lại gặp đại chiến trong vòng 20 năm tới... Mai Vân (RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét