Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 7 - Chúa Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa (Trình bày : GM Phê Rô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 7 - CHÚA GIÊSU KITÔ, CON MỘT THIÊN CHÚA

I. CHÚA GIÊSU
1. Các bản văn Thánh Kinh
- Luca 1,31 : “Này đây, bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”.
- Cv 4,12 : “Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ”.
- Phil 2,9-10 : Danh Giêsu là “Danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”.
2. Gợi ý giáo lý
- “Giêsu” có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”. Trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa sẽ cứu dân Ngài khỏi tội lỗi của họ (Mt 1,21).
- “Giêsu” là một Danh thần linh, Danh duy nhất mang lại ơn cứu độ. Các thần dữ khiếp sợ Danh Người. Nhân danh Chúa Giêsu, các môn đệ làm nhiều phép lạ (Mc 16,17).
- Danh Chúa Giêsu chiếm vị trí trung tâm trong kinh nguyện Kitô giáo. Mọi lời nguyện phụng vụ Kitô giáo đều kết thúc bằng câu “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”.

II. ĐỨC KITÔ
1. Các bản văn Thánh Kinh
- Lc 2,11 : “Hôm nay, Đấng Cứu độ đã sinh ra cho anh em, trong thành vua Đavít. Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa”.
- Mt 16,16-23 : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
- Cv 10,38 : “Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người”.
2. Gợi ý giáo lý
- Từ “Kitô” trong tiếng Hi Lạp được dịch từ “Messia” của tiếng Do Thái, có nghĩa là “người được xức dầu. Đấng Kitô phải được xức dầu bằng Thần Khí của Chúa, với tư cách là vua, đồng thời là tư tế và tiên tri.
- Tất cả nội dung ấy được nên trọn nơi Chúa Giêsu. Thánh Giuse được Thiên Chúa kêu gọi đón bà Maria về, vì “người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần”; người con ấy “cũng được gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16). Khi Chúa Giêsu giáng sinh, thiên thần loan báo cho các mục đồng : “Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa” (Lc 2,11).
- Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng đó, đồng thời Người tỏ cho thấy ý nghĩa đích thực của vương quyền mêsia nơi Người (Mt 16,16-23). Ý nghĩa ấy được biểu lộ trọn vẹn nơi Thập Giá (Ga 19,19-22).

III. CON MỘT THIÊN CHÚA
1. Các bản văn Thánh Kinh
- Mt 16,16 : “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
- Lc 22,70 : “Mọi người liền nói : Vậy ông là Con Thiên Chúa sao? Người đáp : Đúng như các ông nói, chính tôi đây. Họ liền nói : Chúng ta còn cần chứng cứ gì nữa, chính chúng ta vừa nghe miệng hắn nói”.
- Mt 3,17 : Khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa xong…có tiếng từ trời phán : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người”.
2. Gợi ý giáo lý
- Trong Cựu Ước, danh hiệu “con Thiên Chúa” được ban cho dân Chúa chọn, cho các vua… Ở đây, danh hiệu “con Thiên Chúa” nói lên việc Thiên Chúa nhận một số thụ tạo làm nghĩa tử, tạo nên mối liên hệ thân tình với họ.
- Khi thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là “Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), danh hiệu này mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, như Chúa Giêsu nhấn mạnh : “Không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”. Đây cũng là trung tâm lời rao giảng của thánh Phaolô : “Lập tức, ông bắt đầu rao giảng Chúa Giêsu trong các hội đường rằng Người là Con Thiên Chúa” (Cv 9,20). Trước Thượng Hội Đồng, khi những kẻ tố cáo hỏi Người “Vậy ông là Con Thiên Chúa sao?”, Chúa Giêsu trả lời : “Đúng như các ông nói” (Lc 22,70).
- Chúa Giêsu phân biệt tư cách làm “Con” của Người với tư cách làm con của các môn đệ. Người không nói “Cha của chúng ta” nhưng nói “Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em” (Ga 20,17). Danh hiệu “Con Thiên Chúa” nói lên mối tương quan duy nhất và vĩnh cửu của Đức Giêsu Kitô với Thiên Chúa, Cha của Người. Người là Con Một của Chúa Cha và là chính Thiên Chúa. Ai muốn trở thành Kitô hữu nhất thiết phải tin rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Phút hồi tâm
“Vừa nghe Danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng : Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Phil 2,10-11).

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

Giáo lý Thánh Kinh: Bài 6 - Sa ngã (Trình bày : Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm)



BÀI 6. SA NGÃ

Bài hát mở đầu: Lời thiêng dâng Chúa từ trong đáy tim

I. TỘI TỔ TÔNG
1. Các bản văn Kinh Thánh
- St 3: trình thuật về sự sa ngã, sử dụng kiểu nói hình tượng để trình bày một sự kiện đã xảy ra vào lúc khởi đầu lịch sử nhân loại và chi phối toàn bộ lịch sử đó.
- Rm 5,12-19: Tính phổ quát của tội lỗi và tính phổ quát của ơn cứu độ.
2. Gợi ý giáo lý
- “Cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2,17) là biểu tượng diễn tả ranh giới con người không thể vượt qua. Là thụ tạo, con người phải quy phục các định luật của công trình tạo dựng và các quy tắc luân lý quy định việc sử dụng tự do.
- Ađam và Eva đã lạm dụng tự do và bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Con người đã chọn bản thân mình hơn Thiên Chúa. Do ma quỷ cám dỗ, con người muốn trở nên “như Thiên Chúa” mà “không cần Thiên Chúa, vượt qua Thiên Chúa và không theo Thiên Chúa”.
- Tội tổ tông đã dẫn đến những hậu quả bi đát. Ađam và Eva đánh mất sự thánh thiện nguyên thủy, phá vỡ sự hài hòa thưở ban đầu với Thiên Chúa, với tha nhân, với vạn vật. Tội lỗi tràn ngập trần gian.
- Trong suốt lịch sử nhân loại, mọi người đều bị liên lụy với tội của Ađam. Toàn thể nhân loại đều ở trong Ađam “như một thân thể duy nhất của con người duy nhất”. Do đó, tuy Ađam và Eva đã phạm một tội cá nhân, nhưng tội đó ảnh hưởng đến chính bản tính nhân loại đã sa ngã, bản tính mà họ lưu truyền cho chúng ta. Vì thế, tội tổ tông truyền được gọi là “tội” theo nghĩa này: đó là thứ tội mà con người bị “nhiễm” chứ không “phạm”, nghĩa là một tình trạng chứ không phải một hành vi.
- Bí tích Rửa Tội xóa bỏ tội tổ tông và đưa con người trở về cùng Thiên Chúa, nhưng những hậu quả của tội trên bản tính nhân loại vẫn tồn tại nơi con người. Vì thế, chúng ta phải bước vào cuộc chiến đấu thiêng liêng.

II. LỜI HỨA CỨU ĐỘ
1. Các bản văn Kinh Thánh
- St 3,15: Lời loan báo đầu tiên về Đấng Cứu Chuộc.
- Phil 2,8: Đức Kitô là Ađam mới.
2. Gợi ý giáo lý
- Sau khi con người sa ngã, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người. Ngài loan báo cuộc chiến thắng trên sự dữ và việc nâng con người sa ngã dậy.
- Đức Kitô là Ađam mới, Đấng đã lấy sự vâng phục “cho đến chết” thay thế cho sự bất tuân của Ađam cũ. Mẹ Đức Kitô được coi như Eva mới, hằng vâng phục Lời Chúa, được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ nguyên tội và sống đẹp lòng Thiên Chúa.
- Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người. Dù vậy, khi con người lạm dụng tự do để chống lại Ngài, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương và cứu độ: “Điều chúng ta nhận được nhờ ân sủng Đức Kitô còn cao cả hơn điều chúng ta bị đánh mất vì sự ghen tương của ma quỷ” (Thánh Lêô Cả). Do đó chúng ta nói đến “tội hồng phúc” trong bài Công bố Tin Mừng Phục Sinh (Exsultet).

Phút hồi tâm: 
Chiến thuật ma quỷ dùng để cám dỗ Ađam và Eva là sự hấp dẫn của giác quan: “trái cấm trông thì đẹp, ăn thì ngon và đáng quý vì làm cho mình tinh khôn”, gieo nghi ngờ về tình yêu và quyền năng của Chúa: “Chẳng chết chóc gì đâu, chỉ vì Chúa sợ ông bà trở nên thần thánh thôi”, khơi dậy tính kiêu căng: “ông bà sẽ nên như những vị thần biết thiện ác”. Nhìn lại đời sống đức tin của mình, tôi có bị cám dỗ và sa ngã như thế không?

Cầu nguyện
“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.
Xin rửa con sạch hết lỗi lầm,
tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng,
đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.
Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần nhan thánh,
đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
Xin ban lại cho con niềm vui cứu độ,
lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con.
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con,
Cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 50)

Trình bày : Giám Mục PhêRô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Giáo Lý Thánh Kinh: Bài 5 – Con người (Trình bày : GM PhêRô Nguyễn Văn Khảm)



Bài 5. CON NGƯỜI

Bài hát mở đầu: Bao la tình Chúa yêu con

I.PHẨM GIÁ CON NGƯỜI
1. Các bản văn Kinh Thánh
- Sáng Thế 1,26-31 : Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài.
- Sáng Thế 2,4b-8. 18-25 : Thiên Chúa tạo dựng con người từ bụi đất.
- Mt 10,28-31 : Phẩm giá con người.
- Mt 16,24-26 : Sự cao trọng của linh hồn.
2. Gợi ý giáo lý
- Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, do đó có phẩm giá của một ngôi vị : có khả năng nhận thức về bản thân, làm chủ bản thân, tự hiến mình cách tự do và bước vào mối hiệp thông với người khác, trên hết là với chính Thiên Chúa. Chính nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, mầu nhiệm và phẩm giá con người được bày tỏ cách trọn vẹn.
- Con người được tạo dựng có hồn có xác. Trong Kinh Thánh, từ linh hồn được dùng để chỉ sự sống con người, cái thâm sâu nhất nơi con người, làm nên giá trị con người; linh hồn là nguyên lý tinh thần nơi con người. Nhờ linh hồn, thân xác con người không chỉ là những yếu tố vật chất, nhưng là thân xác nhân linh và sống động. Xác và hồn kết hợp với nhau chặt chẽ, làm nên bản tính duy nhất nơi con người. Linh hồn không bị hư hoại khi lìa khỏi xác trong giờ chết, và sẽ tái hợp với thân xác trong ngày sống lại.
- Con người được tạo dựng có nam có nữ. Người nam và người nữ có sự khác biệt nhau nhưng cả hai đều có cùng một phẩm giá và hoàn toàn bình đẳng với nhau. Hơn nữa, người nam và người nữ bổ túc cho nhau, trở thành sự “trợ giúp” cho nhau. Trong hôn nhân, Thiên Chúa kết hợp người nam và người nữ nên “một xương một thịt” và lưu truyền sự sống con người.

II.CON NGƯỜI TRONG VƯỜN ĐỊA ĐÀNG
1. Các bản văn Kinh Thánh
- Sáng Thế 2,9-17 : Con người trong vườn địa đàng.
2. Gợi ý giáo lý
- Con người đầu tiên được sống trong tình thân nghĩa với Đấng Tạo Hóa, sống hài hòa với chính mình, với tha nhân và với vạn vật chung quanh. Kinh Thánh diễn tả bằng hình ảnh địa đàng, còn ngôn ngữ giáo lý gọi là “tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy”.
- Quyền làm chủ trái đất mà Thiên Chúa ban cho con người cần được hiểu trước hết là làm chủ bản thân, không bị nô lệ ba thứ dục vọng : lạc thú của giác quan, ham mê của cải, kiêu căng tự mãn.
- Điều đáng tiếc là sự hài hòa của tình trạng công chính nguyên thủy đã bị mất đi vì tội của nguyên tổ.

Phút hồi tâm:
Mỗi một con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Chính điều đó làm nên phẩm giá cao cả nơi con người. Tôi có ý thức điều đó không? Tôi có tôn trọng phẩm giá của chính mình? Tôi có tôn trọng phẩm giá người khác không?

Cầu nguyện:
Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Chúa, và tâm hồn con còn mãi băn khoăn khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa (Thánh Augustino).

Trình bày : GM PhêRô Nguyễn Văn Khảm

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Sách nói : " Tôi Tài Giỏi , Bạn Cũng Thế " - Adam Khoo




Tác phẩm : Tôi Tài Giỏi , Bạn Cũng Thế
Tác giả: Adam Khoo
Dịch giả: Trần Đăng Khoa và Uông Xuân Vy



Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! (Tựa tiếng Anh: I Am Gifted, So Are You!) là quyển sách bán chạy nhất của tác giả Adam Khoo về những phương pháp học tập tiên tiến. Quyển sách đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng, trong đó Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! là phiên bản tiếng Việt được dịch bởi hai dịch giả nổi tiếng Trần Đăng Khoa và Uông Xuân Vy của TGM Books. Tại Việt Nam, quyển sách đã trở thành một hiện tượng giáo dục trong những năm 2009-2011 và đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực xuất bản, tạo ra kỷ lục mới cho ngành xuất bản Việt Nam với hơn 200.000 bản in được bán ra và hơn 400.000 e-book được phân phối.

Trong quyển sách Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!, tác giả Adam Khoo chia sẻ những phương pháp và kỹ năng mà anh đã áp dụng từ năm 13 tuổi trên con đường đi đến thành công trong học vấn và cuộc sống. Từ một đứa trẻ bị coi là “bất tài”, “vô dụng”, “học kém”, Adam đã vươn lên trở thành một trong những triệu phú trẻ nhất và giàu có nhất ở Singapore. Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế! cung cấp những phương pháp tăng cường sự tự tin và làm chủ cuộc sống, các công cụ học bằng cả não bộ như Sơ Đồ Tư Duy, trí nhớ siêu đẳng, cách quản lý thời gian và xác định mục tiêu, phương pháp thi cử hiệu quả, v.v…

Nội chung cuốn sách

Phần I: Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế!
Chương 1 – Từ “đần độn” trở thành thiên tài
Chương 2 – Quá trình học tập hiệu quả
Chương 3 – Bạn đã sẵn sàng để thành công chưa?
Chương 4 – Tôi tin tôi có thể bay cao… và tôi làm được

Phần II: Những phương pháp học siêu đẳng
Chương 5 – Bạn sở hữu bộ não của một thiên tài
Chương 6 – Phương pháp đọc để nắm bắt thông tin
Chương 7 – Sơ đồ tư duy (Mind Mapping®): công cụ ghi chú tối ưu
Chương 8 – Trí nhớ siêu đẳng dành cho từ
Chương 9 - Trí nhớ siêu đẳng dành cho số
Chương 10 – Mô hình trí nhớ
Chương 11 – Nghệ thuật ứng dụng lý thuyết vào thực hành

Phần III: Động lực cá nhân của bạn
Chương 12 – Dám mơ ước: sức mạnh của mục tiêu
Chương 13 – Động lực mạnh mẽ – vượt qua sự lười biếng
Chương 14 – Công thức để đạt điểm tuyệt đối
Chương 15 – Thời gian là tiền bạc
Chương 16 – Tạo quyết tâm mạnh mẽ tức thì

Phần IV: Phương pháp thi cử
Chương 17 – Tăng tốc về đích
Chương 18 – Chiến thắng và vinh quang

Mời các bạn xem sách "Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế" tại đây , tải về file prc tại đây, nghe theo Playlist YouTube tại đây

Mời các bạn nghe audio book "Tôi Tài Giỏi, Bạn Cũng Thế" , nghe theo YouTube tại đây :