Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Phúc Âm Chúa Nhật thứ XXXIII Mùa Thường Niên (năm B) Ngày 18/11/2012



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ XXXIII Mùa Thường Niên (năm B)

Nguồn:www.40giayloichua.net

Mời nghe Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 33 MTN (B) do Đức Cha Phê Rô Nguyễn Văn Khảm thuyết giảng năm 1997

THẾ GIỚI NÀY SẼ QUA ÐI
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Ngày cuối cùng - Ngày Chúa đến

- Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là một trong những đoạn Thánh Kinh khó hiểu nhất. Nó thuộc văn thể Khải Huyền, là một loại văn thể bóng gió, nghĩa là không nói thẳng ý tưởng ra, nhưng diễn tả ý tưởng một cách gián tiếp qua trung gian những hình ảnh. Những hình ảnh này không quan trọng vì chỉ là phương tiện diễn tả, cái quan trọng chính là ý tưởng mà những hình ảnh ấy muốn diễn tả.

Vậy ý tưởng chính của bài Tin Mừng này là gì? Thưa là nói về ngày cùng tận.

Ngày cùng tận ấy sẽ đến vào lúc nào? Có nhiều người không biết đã học giáo lý kiểu nào, hoặc đã đọc ở những sách nào mà dám quả quyết rằng ngày ấy sẽ đến vào năm 2000. Quyết toán như vậy là hoàn toàn không có cơ sở. Bởi vì trong bài Tin Mừng này, chính Chúa Giêsu đã nói "Còn về ngày hay giờ đó thì dù các thiên sứ trên trời, hay cả Chúa Con đi nữa cũng không ai biết được, trừ một mình Chúa Cha mà thôi".

Ngày cùng tận ấy sẽ xảy ra như thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay mô tả "Khi ấy mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống. và các tinh tú bầu trời bị lay chuyển". Những hình ảnh ấy khiến cho nhiều người cho rằng ngày ấy sẽ là một ngày khủng khiếp. Có người còn tô vẽ thêm rằng ngày đó sẽ có nắng lửa mưa dầu. Có người khác lại giải nghĩa rõ hơn nữa, rằng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao rung chuyển và nắng lửa mưa dầu ấy là hậu quả của một cuộc chiến tranh nguyên tử; rằng thế giới này sẽ tận diệt bằng một cuộc chiến tranh nguyên tử. Thế nhưng, như tôi đã lưu ý ngay từ đầu: đây là văn thể Khải Huyền, trong đó những hình ảnh không quan trọng vì chúng chỉ là phương tiện để diễn tả một ý tưởng. Thực ra ngay cả những hình ảnh được dùng trong bài Tin Mừng này cũng không phải là do chính Chúa Giêsu đưa ra, mà Chúa chỉ lấy lại những hình ảnh mà các tiên tri quen dùng để nói về ngày cùng tận. Mà theo các tiên tri thì những hình ảnh trên mang một ý nghĩa rõ ràng. Ý nghĩa đó là gì? Ðây ta hãy nghe một đoạn trong sách tiên tri Isaia: Ngày ấy sẽ không cần mặt trời soi sáng ban ngày, cũng không cần mặt trăng soi sáng ban đêm, cũng không cần ánh sáng của các ngôi sao hoặc ánh sáng của đèn đuốc, vì chính Chúa Cứu Thế sẽ là Ánh Sáng soi chiếu khắp nơi. Nghĩa là các tiên tri và cả Ðức Giêsu đều không quan tâm ngày cùng tận ấy sẽ xảy ra như thế nào, chỉ quan tâm đến sự kiện quan trọng nhất trong ngày ấy, đó là Chúa sẽ đến. Tới ngay cùng tận thì Chúa sẽ đến. Ngày Chúa đến có thể là một ngày khủng khiếp đối với những kẻ tội lỗi, mà cũng là một ngày hân hoan vui mừng cho những người công chính.

Tại sao Phụng vụ lại chọn bài Tin Mừng này để đọc trong ngày hôm nay? Hôm nay là Chúa nhật áp chót của năm Phụng vụ. Tuần tới sẽ là Chúa nhật cuối cùng. Sau đó là qua Mùa Vọng bắt đầu một năm Phụng vụ khác. Vậy trong ngày chúa nhật áp chót, Phụng vụ chọn đọc bài Tin Mừng nói về ngày cùng tận thì cũng là hợp lý.

Thời giờ thắm thoát thoi đưa, nói đi đi mãi có chờ chờ ai!
Thế giới này không phải là vô tận, thế nào rồi cũng có ngày tận cùng.

Cuộc đời con người cũng không phải là vĩnh cửu, thế nào rồi cũng có ngày chấm dứt. Một năm trôi qua là thế giới càng tiến gần đến ngày tận cùng của nó. Một năm trôi qua, đời người cũng càng tiến gần đến ngày cuối cùng của mình. Ngày cùng tận ấy sẽ đến lúc nào? Không ai biết. Nó sẽ diễn ra như thế nào? cũng chẳng ai biết trước được. Chỉ biết chắc là ngày đó Chúa sẽ đến. Chúa sẽ đến với mọi người để kiểm điểm đời sống mỗi người, để đánh giá xem mỗi người đã sử dụng thời gian Chúa ban như thế nào.

Người ta thường ví cuộc đời như một chuyến đi, thời gian như một con đường, và con người như một kẻ lữ hành. Người lữ hành thực hiện chuyến đi cuộc đời trên con đường thời gian. Và cũng như con đường phải dẫn đến một đích điểm, thì người lữ hành phải biết tận dụng thời gian để nhanh chân tiến bước đến đích điểm ấy. Không thể là một người lữ khách lang thang, cứ vô tình bước những bước vô địch, không biết đã đi qua đâu mà cũng chẳng biết sẽ đi về đâu.

Hết một năm là hết một đoạn đường. Giáo Hội muốn chúng ta hôm nay tạm dừng chân lại để kiểm điểm cuộc hành trình của mình.

Một năm qua, thế giới đã có những bước tiến tốt đẹp: Nhiều nước thù nghịch nhau đã tiến gần tới nhau để hoà giải hoà hợp với nhau. Một năm qua, đất nước chúng ta cũng có nhiều bước tiến, có đổi mới nhiều mặt để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Còn cuộc đời mỗi người chúng ta, một năm qua có tiến bước gì không?

. Ðối với bản thân: con người chúng ta có trở nên tốt hơn không.
. Ðối với tha nhân: liên hệ giữa chúng ta có công bình hơn, bác ái hơn?
. Ðối với Chúa: sau một năm chúng ta có đến gần Chúa hơn không? Có thuộc về Chúa, gắn bó với Chúa nhiều hơn không? Ðức tin của chúng ta có vững vàng hơn không? Ðức cậy chúng ta có chắc chắn hơn không? và đức mến của chúng ta có nồng nàn hơn không?

Hôm nay Giáo hội muốn chúng ta tạm dừng chân để suy nghĩ về những điểm trên, để nếu cần thì điểu chỉnh lại cho cuộc hành trình của mình được vững bước hơn. Có như vậy chúng ta mới có thể sẵn sàng và vui mừng hân hoan đón Chúa khi Ngài đến.

* 2. Ngày tận thế

Khi Ađam bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, ông phải khổ cực vất vả tìm kiếm miếng cơm manh áo.

Một lần kia, trên đường lao dịch, Ađam vấp phải cái xác bất động của Abel. Ông nâng con dậy, vác trên vai, đem về đặt trong lòng Eva. Ông bà lay gọi, nhưng Abel không đáp lại. Trước đây, Abel đâu có trầm lặng như vậy! Eva nâng tay đứa con yêu quý lên, bàn tay lại rơi xuống vô hồn. Trước đây không hề thấy như thế bao giờ! Ông bà nhìn vào đôi mắt trắng đã vô tư một cách bí mật. Trước đây đôi mắt của Abel có vô tình như thế đâu? Ông bà rất đỗi kinh ngạc. Nỗi kinh ngạc càng tăng dần cho đến lúc ông bà chợt nhớ lại lời Ðức Chúa Trời: "Ngày nào ngươi ăn trái cây này, ngươi sẽ chết". Ðó là cái chết đầu tiên trên thế giới.

*

Cái chết của Abel là cái chết đầu tiên trên trái đất. Còn cái chết cuối cùng của nhân loại sẽ là ai? Ở đâu? Vào lúc nào? Ðiều đó không ai được biết, và cũng không cần biết. Sách Tông đồ Công Vụ có viết: "Anh em không cần phải biết thời gian và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt" (Cv.1,7). Tin mừng hôm nay, Ðức Giêsu cũng quả quyết: "Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các Thiên sứ trên trời hay người Con cũng không hề biết, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi" (Mc.13,32). Khi được hỏi bao giờ đến ngày tận thế? Thánh Augustinô đã trả lời dứt khoát: "Việc này hoàn toàn nằm trong quyền năng của Chúa Cha". Nói khác, ngài còn nói: "Ðức Giêsu không cho biết ngày cuối cùng của ta, để ta luôn cảnh giác chờ đợi Người".

Ðứng trước các tin đồn về ngày tận thế, thái độ sống thích hợp nhất của chúng ta là: Vì thân phận con người mỏng dòn và yếu đuối, chúng ta hãy sống trong "tỉnh thức và cầu nguyện", trong niềm mong chờ "ngày Chúa đến sẽ xảy ra bất cứ lúc nào".

Chúng ta không biết ngày tận cùng của thế giới nhưng chúng ta biết chắc ngày ấy phải đến. Ðó không phải là tai nạn trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đó là một ngày mà Thiên Chúa dọn sẵn chỗ ở mới, một thế giới mới cho nhân loại. Nơi đó, công bằng sẽ ngự trị, hạnh phúc sẽ ngập tràn, và niềm vui sẽ trọn vẹn cho những ai "bền đỗ đến cùng". Với cái nhìn đầy tin tưởng, Seneca đã nói "Ngày mà bạn cho là cùng tận của mọi sự, lại là ngày khởi đầu của vĩnh cửu".

Chúng ta không biết ngày nào Chúa sẽ đến trong vinh quang, nhưng chúng ta biết chắc: để được vào vương quốc ấy, con người phải nhìn lại chính mình, sắp xếp lại cuộc sống, và tích cực xây dựng một gia đình nhân loại đầy yêu thương, công lý và hòa bình. Cha Mark Link viết: "Khi Chúa đến, Người không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào. Nhưng Người sẽ cân đo trái tim chúng ta yêu thương ra sao".

Vì tình yêu là ngôn ngữ của thiên đường, nên chỉ những ai biết yêu thương mới được bước vào. Chính lòng nhân ái là tấm thẻ căn cước không thể thiếu của những công dân Nước Trời.

*

Lạy Chúa, Xin hãy đến, cho những người được tuyển chọn tập họp chung quanh Người. Xin hãy đến, để trong mọi biến cố kinh hoàng, chúng con vẫn một niềm cậy tin: Chúa là Ðấng cứu độ chúng con. Trong giây phút định mệnh của mỗi người, xin cho chúng con nghe được tiếng Chúa: "Con sắp trở về cùng Cha". Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 3. Hãy dựa vào Thiên Chúa

Một bà kia vừa kết thúc một ngày làm việc chạy vội về nhà. Ðêm nay bà sẽ đi đánh bài. Nhưng vừa chạy tới cửa nhà, bà gặp một thanh niên cầm một tấm bảng ghi dòng chữ "Ngày tận thế gần đến rồi". Bà hỏi:

- Cậu nói là ngày tận thế gần đến rồi hả?
- Thưa bà đúng vậy.
- Nhưng cậu có chắc không?
- Thưa bà chắc chắn.
- Cậu nói nó gần đến?
- Ðúng vậy.
- Gần như thế nào?
- Rất gần.
- Cậu có thể nói rõ hơn không?
- Thưa bà, ngay đêm nay.

Người đàn bà dừng lại suy nghĩ một lúc. Rồi với giọng lo lắng, bà hỏi tiếp: "Nó đến trước hay sau ván bài vậy?".

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới không ổn định. Hết cơn khủng hoảng này đến cơn khủng hoảng khác. Tình trạng không ổn định như thế khiến người ta sợ hãi lo âu. Và giữa cái thế giới không ổn định đầy lo âu sợ hãi như thế, người ta cần có một cái gì đó vững chắc để dựa vào.

Ðối với kitô hữu, chỗ vững chắc nhất có thể dựa vào là Thiên Chúa. Bài đáp ca trong Thánh lễ hôm nay có câu: "Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ". Còn trong bài Tin Mừng, Ðức Giêsu nói: "Trời đất sẽ qua đi, nhưng Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu".

Tất cả những gì vững chắc mà chúng ta có, và tất cả những gì chúng ta cần là bấy nhiêu đó: ta an tâm vì biết rằng mọi sự đều nằm trong bàn tay Chúa, biết rằng chương trình Chúa vạch sẵn cho cuộc đời chúng ta và cho thế giới sẽ được hoàn thành. Ðức Kitô sẽ thống trị. Thiên Chúa sẽ thống trị. Chúng ta sẽ cùng ngự trị với Thiên Chúa mãi mãi. (Viết theo Flor McCarthy)

*

Hội thánh nhắc ta nhớ ngày Ðức Giêsu Kitô sẽ đến trong vinh quang để xét xử toàn thể nhân loại. Chúng ta hãy vui mừng và tin tưởng dâng lời cầu nguyện:

1. Ðức Giêsu Kitô sẽ trở lại để đem tất cả những người được cứu độ vào hưởng hạnh phúc Nước Trời với Người / Chúng ta hãy cầu xin cho Hòa Bình luôn vui mừng loan báo niềm hy vọng hạnh phúc ấy cho mọi người.

2. Trời đất và thế giới này sẽ qua đi như lời Chúa phán / Chúng ta hãy cầu xin cho các nhà lãnh đạo các dân tộc hiểu biết rằng quyền bính của họ cũng sẽ qua đi / để họ biết xây dựng công lý và hòa bình cho mọi người / là những việc sẽ không qua đi.

3. Thiên tai, chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, đã làm cho biết bao người đau khổ và phải chết / Chúng ta hãy cầu xin cho mọi người biết tin tưởng và hy vọng vào ơn cứu độ do Ðức Giêsu đem đến / để không tuyệt vọng với những tình trạng bi đát đó.

4. Không ai biết ngày giờ Ðức Giêsu sẽ đến / chúng ta hãy cầu xin cho anh chị em trong họ đạo chúng ta luôn tỉnh thức và cầu nguyện / để sẵn sàng đón chờ Chúa đến.

Lạy Ðức Giêsu, chúng con không biết ngày giờ nào Chúa trở lại, xin cho mỗi người chúng con luôn chuẩn bị sẵn sàng để đón Chúa, bằng một đời sống thật tình mến Chúa yêu người.Amen!

Thánh Ca : Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ;



MAY MẮN ĐƯỢC SỐNG SÓT
Cha Mark Link
(Pt Giuse TV Nhật lược dịch)

Bộ phim Occurrence at Owl Creek Bridge (biến cố xảy ra ở cầu Owl Creek) kể lại chuyện một người đàn ông sắp bị treo cổ. Bọn lính địch của anh dẫn bộ anh ra một chiếc cầu bắc ngang qua sông Owl Creek. Chúng lấy một tấm ván đặt một phân nửa lên cầu còn phân nửa kia để lòi ra khỏi thành cầu. Đoạn một tên lính đứng lên nửa tấm ván trên thành cầu, còn người tử tội bị dẫn ra đứng trên nửa tấm để lòi ra khỏi thành cầu. Kế đó, người ta cột chặt tay chân người tử tội, đoạn thòng một sợi dây từ đỉnh cầu xuống quấn vào cổ anh ta. Khi mọi sự đã sẵn sàng, viên chỉ huy sẽ ra hiệu lệnh thì người lính sẽ nhảy ra khỏi tấm ván, lập tức người tử tội bị hất xuống phía dưới với sợi dây siết vào cổ anh.

Ngay bấy giờ một điều kỳ lạ đã xảy ra. Sợi dây bị đứt và người tử tội rơi tỏm xuống lòng sông. Anh ta chìm sâu dưới nước. Lúc bấy giờ anh ta ý thức được mình vẫn còn sống và anh cố gắng tháo gỡ dây trói nơi tay và chân ra. Thật kỳ diệu thay, anh đã tự cởi trói cho chính mình được. Thế rồi khi nhận ra mình có cơ may sống sót, anh ta bắt đầu lặn sâu xuống. Sau đó, anh bơi ngang qua một cành cây đang bềnh bồng trên mặt nước. Anh xúc động vì vẻ đẹp của những tàu lá cây. Anh sững sờ vì những đường gân phức tạp nơi tàu lá. Một lúc sau, anh nhìn thấy một chú nhện đang giăng lưới. Anh lại xúc động trước vẻ đẹp của nàng nhện và những giọt nước bám vào đó lấp lánh không khác gì những hạt kim cương. Anh cảm thấy mình sũng nước, anh liền ngước lên nhìn vào bầu trời xanh biếc, đối với anh, chưa bao giờ thế giới lại xinh đẹp thế!

Bỗng nhiên đám lính đứng trên đầu cầu bắt đầu nhả đạn xuống. Anh liền cố gắng lướt tới dưới làn mưa đạn, bơi nhanh nhẹn như một chú rắn nước băng qua nhiều ghềnh thác. Cuối cùng, anh cũng bơi được vào bờ và hoàn toàn kiệt sức. Anh ngã xuống cát, lăn qua lăn lại. Khi ngước nhìn lên anh trông thấy một bông hoa. Anh liền bò tới đưa mũi ngửi và thầm nhủ: Ôi! Mọi sự sao mà đẹp thế! Được sống sót quả là một điều vĩ đại biết bao! Nhưng ngay sau đó có tiếng đạn rít qua các tàng cây; anh vội đứng lên và bắt đầu co giò chạy tiếp. Anh chạy hoài chạy mãi tới khi đến được một căn nhà có hàng rào trắng bao quanh. Những cánh cổng bỗng mở ra một cách kỳ diệu. Anh không thể nào tin vào mắt mình: thế là anh đã về được đến nhà bình an. Anh gọi tên vợ anh và nàng vội chạy thật nhanh ra cổng giang tay chào đón anh.

Ngay khi họ vừa ôm nhau, máy quay phim mang chúng ta trở lại chiếc cầu Owl Creek. Bây giờ, chúng ta lại không thể tin được vào mắt mình khi nhìn thấy xác của chính anh ta bị treo thòng xuống đang đong đưa qua lại với sợi dây siết quanh cổ. Thì ra anh đã chết rồi!

Quả thực ai cũng cảm thấy sững sờ: thế là mọi nỗ lực trốn chạy và cơ may được sống sót chỉ là sản phẩm thuần tuý của trí tưởng tượng thôi. Người đàn ông ấy không chạy thoát được. Anh ta chỉ tưởng tượng ra điều ấy trước giây phút cảm thấy cái chết cận kề. Anh mơ thấy mình có cơ may được sống lần thứ hai. Và bỗng dưng anh cảm nhận sự sống ấy bằng đôi mắt hoàn toàn mới lạ.

Lần đầu tiên, người tử tội cảm thấy thế giới này quả là một nơi tuyệt hảo. Lần đầu tiên anh ta thấy cuộc sống quả là món quà quí báu mà anh và những người thân yêu của anh cũng được hưởng. Phải chi anh đã thực sự trốn thoát được và có một dịp may được sống sót lần thứ hai. Lúc đó chắc hẳn anh sẽ sống cuộc sống mới này một cách khác thường biết bao!

Điều này gợi lên cho ta một câu hỏi. Tác giả bộ phim đã nghĩ gì trong trí ông dựng một câu chuyện này. Ông muốn nói gì với khán giả? Nói cách khác tại sao tác giả đã cố ý phỉnh gạt chúng ta? Tại sao ông lại dựng nên một sự thất vọng khủng khiếp đến thế? Tại sao ông lại làm cho chúng ta tưởng rằng người tử tội ấy có được cơ may sống sót?

Theo tôi, điều nằm trong tâm trí tác giả bộ phim cũng chính là điều nằm trong tâm trí Chúa Giêsu qua bài Phúc Âm hôm nay. Tác giả cuốn phim nói với chúng ta: "Người tử tội trong câu chuyện của tôi là chính các bạn. Anh ta đã không có may mắn được sống sót, nhưng nhờ chia xẻ kinh nghiệm của anh ta mà các bạn chắn chắn sẽ có được cái cơ may đó". Tác giả nói tiếp: "Rồi một ngày nào đó các bạn cũng sẽ phải chết giống như người tử tội trên. Không ai biết được bao giờ mình sẽ chết, nhưng chắc chắn giờ đó sẽ đến cũng như nó đã đến với người tử tội trên".

Cách đây vài năm, bà bác sĩ Kubler-Ross thuộc trường Đại học Chicago có viết cuốn sách nhan đề: Chết và Hấp Hối (Death and Dying). Cuốn sách được viết ra là vì bà thường xuyên tiếp xúc với những bệnh nhân sắp chết. Bàn về những cảm nghĩ của những bệnh nhân ấy về cuộc sống lúc họ nhìn ngược lại quá khứ khi đối diện với cái chết, bà viết: "Khi phân tích mọi sự cách tận cùng, họ thấy rằng chỉ có hai điều này là quan trọng thôi: Tình yêu đối với tha nhân, và tinh thần phục vụ tha nhân. Tất cả những gì khác mà ta đã từng cho là quan trọng, chẳng hạn như danh tiếng, tiền bạc, uy tín, quyền lực, thì đều là vô nghĩa". Nhận xét này hoàn toàn phù hợp với điều Chúa Giêsu dạy bảo lúc Ngài còn ở dương trần. Ngài nói: "Con Người không đến để được phục vụ, mà Người đến để phục vụ" (Mc 10: 45) và Ngài cũng nói: "Các con hãy yêu thương nhau như ta yêu thương các con" (Ga 15: 12)

Bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta suy nghĩ đến lúc chúng ta sẽ phải gặp Chúa Giêsu vào cuối đời chúng ta hoặc vào lúc tận cùng thế giới - bất kể lúc nào xảy ra trước. Bài Phúc Âm này mời gọi chúng ta tự vấn chính mình xem liệu vào lúc ấy, tinh thần phục vụ và tình tình yêu của chúng ta có được kể là thoả đáng không?

Không giống như người tử tội trong câu chuyện, chúng ta có được dịp may còn sống để chuẩn bị cho giờ phút ấy, bắt đầu ngay từ bây giờ. Chúng ta sẽ làm gì với dịp may này của chúng ta? Chúng ta có chân thành nỗ lực yêu thương như Chúa Giêsu đã làm không? chúng ta có chân thành nỗ lực phục vụ tha nhân như Chúa Giêsu đã làm không?

Chỉ chúng ta mới có thể tự trả lời cho câu hỏi ấy, câu trả lời rất quan trọng, có thể là quan trọng nhất trong tất cả những câu trả lời của con người.

Trước khi kết thúc, tôi xin đọc một đoạn văn trích trong tác phẩm God's Trombones (Tiếng Kèn Của Chúa) của tác giả Weldon Johnson, trong đó ông mô tả cái chết của một phụ nữ thánh thiện.

"Chị đã thấy những gì mà chúng ta không thấy được. Chị đã thấy Thần Chết. Chị đã thấy ông ta đến như một ngôi sao băng. Nhưng cái chết đâu có làm cho chị nữ tu Caroline sợ hãi. Chị đã nhìn Thần Chết như một người bạn thân, như một vị khách qúi. Chị đã thì thầm nói với chúng tôi: 'Tôi đang trở về nhà tôi'. Rồi chị mỉm cười nhắm mắt lại".

Thánh Ca : Lịch Sử Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét