Trang

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Phúc Âm Lễ Chúa Nhật Thứ 28b MTN ngày 14/10/2012



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ XXVIII Mùa Thường Niên (năm B)

Nguồn:www.40giayloichua.net

Mời nghe Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật 28 MTN (B) do Đức Cha Phê Rô Nguyễn Văn Khảm thuyết giảng năm 1997

Những người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa biết bao
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Thập giá và vinh quang

Hai người con ông Zêbêđê, tức là tông đồ Giacôbê và Gioan, đoán rằng CG sắp hoàn thành sự nghiệm của Ngài, nên đã nhờ mẹ mình dẫn đến CG để xin Chúa cho họ được 2 chỗ ưu tiên trong Chính Phủ mà họ tưởng CG sắp thành lập. Ðiểm đáng lưu ý là họ đến xin như thế ngay sau khi CG loan báo rằng Ngài sắp bước vào con đường Thập Giá, mà đây là lần loan báo thứ ba. Họ cũng nghe những lời loan báo ấy chứ, nhưng họ không thèm hiểu ý nghĩa của Thập Giá là gì. Ðầu óc họ cứ bị thôi thúc bởi ham muốn dành cho được những ghế ưu tiên trong Nước Chúa. Thành thử CG phải nhắc họ: "Các con chẳng hiểu điều các con xin. Các con có uống nổi chén đắng Thầy sắp uống và chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?" Họ đáp bừa: "Thưa được". Họ có nghĩ gì đến chén đắng và đến phép rửa gì đâu. Chỉ vì mong Thầy mau chấp thuận cho nên cứ đáp bừa là Thưa được. Tóm lại họ chỉ muốn Vinh Quang chứ không hiểu Thập Giá. Thái độ ấy của 3 mẹ con khiến cho các tông đồ khác phải bực bội.

Nhưng chúng ta chớ vội trách 3 mẹ con nhà Zêbêđê ấy, bởi vì nhiều khi chúng ta cũng giống như họ thôi:

•Thí dụ như anh chàng trong câu chuyện ở trên đó, chẳng chịu khó học hành mà chỉ muốn có địa vị, có chức quyền trong xã hội, chẳng chịu khó làm việc mà chỉ muốn ăn lương như bộ trưởng.

•Nhiều người trong chúng ta không thích cần cù lao động, không cố gắng tiết kiệm, mà chỉ mơ được trúng số độc đắc. Nhiều người thèm muốn và phân bì với cảnh giàu sang của người khác, nhưng không nhớ rằng trước khi được giàu sang như vậy người ta đã phải cần cù làm ăn biết bao nhiêu năm trời.

•Ðó là về việc làm ăn. Còn trong chuyện gia đình cũng vậy. Nhiều người chỉ muốn con mình ngoan, con mình giỏi, con mình tốt nhưng chẳng chịu khó giáo dục con, nhất là chẳng bao giờ để ý làm gương tốt cho con. Thế rồi khi thấy con mình hư, không được như con người khác thì rầy, thì chửi, thì đánh đập. Hết chửi mắng đánh đập con cái rồi quay ra than thân trách phận, than rằng mình vô phước.

•Và trong chuyện đạo cũng vậy. Nhiều người chỉ biết cầu xin Chúa cho mình khá giả nhưng lại không chịu khó làm ăn. Bởi vậy mà có những người ngoại đạo đã mỉa mai rằng mấy người có đạo cứ cắm đầu đọc kinh Lạy Cha xin cho chúng con lương thực hằng ngày mãi, nhưng chờ xem Chúa có cho họ hay không! Có người chỉ biết có khoanh tay cầu xin như vậy, rồi khi túng thiếu thì cằn nhằn trách móc Chúa sao mình xin mãi mà Chúa không nhậm lời.

Những ước muốn của chúng ta cũng giống như những ước muốn của 3 mẹ con Zêbêđê: những lời cầu nguyện của chúng ta cũng giống như những lời xin của họ. Ước muốn suông, cầu nguyện suông thì không bao giờ đạt được. CG đã từ chối với 3 mẹ con ấy, rằng "Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy thì Thầy không có quyền cho". Nghĩa là CG không muốn ban ơn cho những kẻ làm biếng, những người không dám chịu gian khổ. Ơn Chúa và vinh quang Chúa chỉ ban cho những kẻ trước đó đã can đảm trải qua gian nan thử thách. Chính bản thân của CG, để có thể đến với vinh quang phục sinh thì trước phải trải qua con đường gian khổ của Thánh giá. Chúa mà còn như thế thì huống chi là loài người chúng ta: không bao giờ có con đường tắt để đến vinh quang, cũng như không bao giờ có phép lạ cho những kẻ không chịu khó vác Thánh Giá, nói cách bình dân hơn: không trồng cây thì đừng hòng ăn trái.

Bài Tin Mừng hôm nay gồm vào một bài học chính: Phải qua Thập Giá thì mới có thể đến Vinh Quang, không thể đốt giai đoạn, không có con đường tắt. Bài Tin Mừng này khiến chúng ta phải xét lại đôi điều trong cuộc sống chúng ta.

Thứ nhất về lời cầu nguyện của chúng ta: Là người có đạo, chắc chắn chúng ta đã cầu nguyện rất nhiều. Trong khi cầu nguyện chúng ta xin Chúa rất nhiều thứ: xin cho hằng ngày dùng đủ, xin cho gia đình hạnh phúc, xin cho con cái ngoan ngoãn, xin được khỏi cảnh túng thiếu, xin cho được qua một cơn tai nạn... Những lời cầu xin ấy chắc chắn là rất thành thực, rất tha thiết. Nhưng thành thật và tha thiết lắm thì cũng chỉ bằng lời cầu xin của 3 mẹ con nhà Zêbêđê là cùng. Nhưng Chúa đâu có nhận lời cầu xin của 3 mẹ con ấy. Tại sao vậy? Ðó cũng là thắc mắc mà một vài người đã đặt với tôi. Họ nói: Nhiều người không có đạo chẳng cầu xin gì hết mà vẫn giàu có, vẫn hạnh phúc, vẫn thành công; trong khi nhiều người có đạo cầu nguyện cầu xin hoài mà cũng chẳng được gì! Trước khi phàn nàn, trước khi bất mãn, chúng ta phải tự hỏi lại mình: phải chăng mình cũng giống như 3 mẹ con nhà Zêbêđê chỉ muốn vinh quang mà chẳng muốn gian khổ? Phải chăng mình đã không chịu cố gắng mà chỉ mong Chúa làm phép lạ? Phải chăng mình không trông cậy mà chỉ muốn ăn trái. Chúa không phải là một Ðấng chỉ biết ban ơn, chỉ làm phép lạ, mà Chúa là Ðấng vạch đường chỉ lối, đường lối đúng, đường lối tốt để ai biết đi theo thì sẽ đến được hạnh phúc vinh quang.

Và điểm thứ hai: đường lối ấy là gì? Ðó là con đường Thập giá dẫn đến vinh quang. Như vừa nói trên, chúng ta cầu nguyện nhiều, trước mỗi lần cầu nguyện chúng ta đều làm dấu Thánh Giá. Thì xin hãy nhớ trước tiên ý nghĩa của cây Thánh Giá. Trước khi mở miệng xin Chúa một điều gì thì chúng ta hãy xét mình xem chúng ta đã vách Thánh Giá chưa: thánh giá là những nỗ lực làm việc, thánh giá là trách nhiệm hằng ngày, thánh giá là phấn đấu, là mồ hôi, là gian lao cực khổ... Tay chúng ta làm dấu Thánh giá trước khi miệng chúng ta mở lời cầu xin. Nhưng nếu xét thấy chúng ta đã chưa chịu vác Thánh giá thì chúng ta cũng không nên mong những lời cầu xin của chúng ta được chấp nhận.

Hãy cố gắng vác Thánh giá trước đi, nghĩa là hãy cố gắng trước đi với những khả năng của mình - sau đó mới cầu xin, để Chúa thêm ơn bù cho những gì mà sức cố gắng của chúng ta không vươn tới được. Như vậy, mọi việc chúng ta làm đều là hợp tác giữa cố gắng của mình với ơn Chúa giúp. Và có như vậy thì mới có thể thành công.

* 2. Kho báu trên trời

Kagawa là một tín hữu Kitô Nhật Bản, khi nghe Lời Chúa phán: "Hãy đem bán hết gia tài, bố thí cho người nghèo, và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta", ông liền bán căn nhà tiện nghi sang trọng của mình, đến khu nhà ổ chuột tồi tàn vùng Tokyo. Nơi đây ông chia sẻ của cải cho bất cứ ai cần trợ giúp, ông đi thăm nuôi tù nhân, an ủi giúp đỡ người bệnh, cấp dưỡng cho kẻ nghèo đói... Có một lần, dù lâm bệnh, ông vẫn tiếp tục rao giảng dưới cơn mưa, miệng không ngừng thốt lên: "Thiên Chúa là tình yêu. Ở đâu có tình yêu ở đấy có Thiên Chúa".

Nhà thần học Wiliam Barclay đã trích dẫn những lời đầy sắc bén của Kagawa như sau: "Chúa ở trong tâm hồn những người hèn mọn nhất. Người hiện diện giữa những kẻ ăn xin. Người nằm chung với những ai bệnh hoạn. Người đứng về phía những kẻ thất nghiệp. Vì thế, ai muốn gặp Thiên Chúa hãy đến thăm tù ngục trước khi tới đền thờ, hãy đến thăm bệnh viện trước khi dự lễ, hãy giúp đỡ người nghèo khổ trước khi đọc Kinh Thánh".

*

Người thanh niên trong bài Tin mừng hôm nay là một con người đạo đức. Anh đã thưa với Ðức Giêsu: "Những giới răn ấy, con đã giữ từ thuở nhỏ" (Mc.10,20). Người đã chăm chú nhìn anh và đem lòng thương mến. Người mời gọi anh tiến thêm một bước nữa: "Hãy đem bán hết gia tài, bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta" (Mc.10,21) Trong khi người tín hữu Nhật Bản Kagawa mau mắn, vui tươi thực hiện ngay Lời Chúa thì người thanh niên lại sụ nét mặt, buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải.

Quả thật: "Ðồng tiền đi liền khúc ruột". Có thể nói: "Tiền đã thắng tình". Lòng ham mê của cải đã thắng tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân. Lòng tham đã bóp nghẹt con tim. Tình yêu của anh chưa đủ mạnh để thúc đẩy anh làm điều nên làm và phải làm. Thánh Phaolô cũng có cảm nghiệm ấy khi ngài viết: "Ðiều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm". (Rm.7,16). Ngài cho đó là tội lỗi trong ta đã hành động, và chỉ có tin tưởng vào Ðức Kitô mới giải thoát ta khỏi tình trạng ù lì đó.

Tình yêu phát sinh sức mạnh. Thánh Augustinô quả quyết: "Cứ yêu rồi làm điều gì mình muốn". Tình yêu sẽ thúc đẩy chúng ta phải làm một cái gì đó cụ thể cho anh em, một cái gì đó anh em đang thực sự mong đợi. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại làm ngơ trước nhu cầu cấp bách của anh em.

"Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa" (Mc.10,25).

Ðây là một kiểu nói Á Ðông, diễn tả một việc làm rất khó. Ðức Giêsu đã từng tham dự những bữa tiệc sang trọng của người biệt phái giàu có, từng ăn uống tại nhà những người thu thuế lắm tiền, từng chịu ơn những phụ nữ nhân đức nhiều của. Vậy Người chỉ lên án những ai ham mê của cải, coi đồng tiền là chúa tể, làm nô lệ cho nó, để không dám mở tay ra với anh em và quảng đại với công việc của Thiên Chúa.

*

Lạy Chúa, Có những lần lẽ ra phải cứu giúp người khác, nhưng vì ích kỷ, nên chúng con đã không làm. Có những lần lẽ ra phải hy sinh cho anh em, nhưng vì sợ phiền hà, nên chúng con đã làm ngơ. Có những lần lẽ ra phải bỏ tiền trợ giúp một ai đó, nhưng vì so đo tính toán, nên chúng con lại thôi.

Xin tha thứ cho chúng con, và xin đổ tràn tình yêu Chúa vào lòng chúng con, để chúng con có đủ can đảm bán tất cả những gì mình có mà mua được viên ngọc quý là Nước Trời. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 3. Chuyện minh họa

a/ Ðạo một mắt

Bác sĩ A.J. Gordon kể: ngày nọ, có một ông nhà giầu nhưng keo kiệt đến xin chữa mắt. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ cho biết phải chữa cả hai mắt, nếu không có nguy cơ bị mù. Ông hỏi:
- Nhưng giá bao nhiêu?
- Chữa mỗi mắt là 100 đô.

Ông nhà giầu phân vân giữa tiền bạc và mù loà. Rồi ông nói với bác sĩ: "Tôi chỉ chữa một mắt thôi, vì một mắt cũng đủ thấy tiền và đếm tiền. Lại đỡ tốn!"

Nhiều người vẫn cầu nguyện: "Xin mở mắt con để thấy kì công của Chúa..." Nhưng xem ra nhiều Kitô-hữu chỉ muốn Chúa mở cho mình một mắt để thấy công trình của Chúa mà thôi, một mắt còn phải để mà trông coi gia sản!

b/ Những thứ tiền không mua được

George Horace Lorimer, chủ bút tờ Saturday Evening Post trong nhiều năm, có lần viết: "Có tiền và có những cái mua bằng tiền là tốt. Nhưng biết dùng tiền và đừng để mất những thứ tiền không mua được còn tốt hơn."

Có thể kể những thứ sau đây tiền không mua được:

•Tiền không mua được tình bạn chân thực.

•Tiền không mua được lương tâm trong sạch.

•Tiền không mua được niềm vui mạnh khoẻ.

c/ Ðổi tiền

Ðến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Ðó là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.

Ðức Giêsu đã có nhận xét rằng: những người có của cải mà vào được nước Thiên Chúa, thật khó biết bao. Tin tưởng vào trợ giúp của Thiên Chúa. Lạy Chúa, chúng con biết rằng sống đúng theo Lời Chúa dạy là rất khó, nhưng tin tưởng rằng nếu loài người không thể được, thì Chúa lại làm được mọi sự: xin Chúa giúp chúng con luôn sống theo tinh thần nghèo khó của Tin mừng. Amen!

Thánh Ca : Tâm Tình Phó Thác ;



VÌ TÌNH YÊU CHÚNG TA PHẢI LÀM NHIỀU HƠN NỮA
Lm. Mark Link

James Kallam kể lại một mẩu chuyện vui trong các bài viết của ông như sau: Cách đây nhiều năm, có một thanh niên làm nghề bán sách rong từ nhà này đến nhà kia, anh đến hành nghề tại một vùng quê nọ. Một hôm, anh vào nhà một nông gia, ông này đang ngồi trên chiếc ghế xích đu ở cổng trước. Chàng thanh niên đến gần người nông dân nhiệt tình ngỏ lời: "Thưa ông, tôi có bán một cuốn sách chỉ cách canh tác sinh lợi gấp 10 lần cách ông đang làm".

Người nông dân chẳng thèm ngước lên. Ông tiếp tục đong đưa chiếc ghế đu. Cuối cùng, sau vài phút, ông ta liếc mắt nhìn chàng thanh niên rồi nói; "Này anh bạn trẻ, tôi chả cần sách của anh, tôi cũng biết làm thế nào để canh tác sinh lợi gấp 10 lần cách thức tôi hiện đang làm".

***

Câu chuyện trên giúp ta hiểu rõ điều Chúa Giêsu đang nói trong bài Phúc Âm hôm nay. Người nông dân có khả năng canh tác tốt hơn nhưng ông ta lại thiếu nhiệt tình để dấn thân làm điều ấy. Chàng thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng cũng dư sức làm nhiều hơn là chỉ tuân giữ các giới luật, nhưng anh ta chả có nhiệt tình để làm điều ấy. Bài Phúc Âm hôm nay nói thẳng cho ta thấy Kitô giáo không chỉ hệ tại việc tuân giữ các lệnh truyền. Chúa Giêsu tra vấn anh chàng giàu có về sự tuân giữ lệnh truyền như là khởi điểm cho đời sống Kitô hữu. Chàng trả lời là đã tuân giữ tất cả lệnh truyền ấy, tức là chưa hề làm gì thương tổn ai… Về điểm này Chúa Giêsu tỏ ra thán phục anh ta. Nhưng đồng thời Ngài lại cho chàng ta thấy rõ Kitô giáo không chỉ là việc tuân giữ các huấn lệnh tiêu cực ấy như đừng trộm cắp hay lừa đảo…. Kitô giáo mang tính tích cực hơn nhiều: Ngài nói thẳng với anh chàng giàu có:

"Anh chưa bao giờ gây thương tổn cho ai quả là đáng khen, nhưng anh đã làm gì để giúp đỡ ai chưa? Anh đã biết dùng của cải để cho kẻ đói ăn, cho kẻ trần truồng mặc, cho kẻ vô gia cư trú ngụ chưa?"

Chính khi nghe điều này anh chàng giàu có kia nhận ra mình vẫn còn khiếm khuyết biết bao. Vì vậy Chúa Giêsu bèn thách thức anh: 'Nếu muốn theo tôi thì anh hãy thay đổi cách nhìn đi, đừng chỉ nhắm đến sự tốt lành một cách tiêu cực, tỉ như không gây thiệt hại cho ai – và anh hãy nhắm sống tốt lành một cách tích cực hơn, chẳng hạn như giúp đỡ người khác. Cứ thực hành điều này, anh sẽ tìm thấy hạnh phúc ngay trong cuộc sống này và cả trong cuộc sống mai sau"

Thách đố Chúa Giêsu đặt ra cho anh chàng giàu có thể tóm lược như sau; Anh có dám chấp nhận mọi thiệt thòi để đạt được cuộc sống vĩnh cửu mà anh mong muốn không? Anh có quan niệm bước theo tôi là bị thiệt thòi không? Nghĩa là anh có sẵn sàng hy sinh của cải của anh để được sống vĩnh cửu, cũng như để theo tôi không?

Anh chàng giàu có trả lời:
- Thưa thầy, tôi cũng muốn theo Ngài lắm, nhưng tôi không muốn chấp nhận sự thiệt thòi kia;

Thế là anh chàng thanh niên giàu có đành từ chối lời mời gọi của Chúa Giêsu. Việc dùng của cải không chỉ cho bản thân và gia đình xem ra là một hy sinh quá lớn đối với anh.

Điều này bày ra trước mắt mỗi người chúng ta ngay bây giờ hình ảnh sau: Nhiều người trong chúng ta giống như anh nông dân ngồi chơi trước cổng nhà. Chúng ta biết rõ chính mình có thể trở thành một Kitô hữu, tốt hơn gấp mười lần tình trạng hiện nay nhưng chúng ta vẫn thiếu nhiệt tình để làm điều ấy.

Chúng ta khác nào anh chàng giàu có trong Phúc Âm hôm nay. Chúng ta cũng đã tuân giữ những luật truyền, nhưng chúng ta vẫn chưa đủ quảng đại hết sức có thể đối với những người túng thiếu, kẻ trần trụi và người đói khát.

Vì công việc đó đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải chấp nhận thiệt thòi, đau khổ, phải can đảm và phải khôn ngoan sáng suốt để nhận ra rằng sự hy đó là cần thiết để đem lại an bình và vui tươi trong tâm hồn. Và để có thể hy sinh và chấp nhận những thiệt thòi đau khổ đó, điều hết sức quan trọng là phải có một động lực mạnh để thúc đẩy ta, và động lực đó chính là tình yêu: yêu Thiên Chúa và thương tha nhân. Tình yêu đó sẽ thúc đẩy chúng ta làm nhiều hơn những đòi hỏi tiêu cực của lề luật: cấm hại người, cấm gian dối, cấm trộm cắp… Một thanh niên yêu một thiếu nữ sẽ không chỉ hài lòng với việc không làm hại cô ấy, không nói dối, không xúc phạm đến cô ấy.. Tình yêu khiến anh phải làm hơn như thế rất nhiều, và nếu không làm hơn được như thế, chắc chắn đó không phải là tình yêu. Cũng vậy, nếu chúng ta chỉ hài lòng với những giới luật Chúa dạy, chúng ta mới chỉ là người "quen biết" với Chúa, chưa phải là người yêu Chúa. Nếu chúng ta không muốn làm điều gì tích cực hơn nữa, chính là vì chúng ta thiếu tình yêu, chúng ta chưa yêu Chúa và thương tha nhân.

Chắc chắn nhiều người trong chúng ta đã biết mình phải làm gì để trở thành một Kitô hữu tốt hơn gấp mười lần hiện nay, nhưng chúng ta đã không làm, vì chúng ta thiếu tình yêu, thiếu nhiệt tình. Cũng như anh chàng nông dân ngồi trên ghế xích đu kia, anh đã biết rõ phải làm gì để canh tác có hiệu quả gấp mười lần phương pháp anh đang làm, nhưng anh đã không thèm làm. Lý do có thể là anh ngại ngùng phải bỏ vốn ra nhiều hơn, phải bỏ ra nhiều công sức hơn, phải mệt mỏi hơn. Lý do sâu xa hơn khiến anh ngại là vì anh chưa thấy nhu cầu của vợ con anh đang càng ngày càng tăng lên, hay anh chưa đủ quan tâm đến những nhu cầu ấy, hay nói cách khác đi là tình yêu của anh đối với những người thân của mình chưa đủ mạnh để thúc đẩy anh hoạt động, làm những gì phải làm và nên làm.

Tình trạng đó Thánh Phaolô cũng đã cảm nghiệm được nơi con người của ngài. Ngài viết: "Quả thực ngay những gì điều tôi làm tôi cũng không hiểu được nữa, vì những gì tôi muốn thì tôi lại không làm, còn những gì tôi không muốn thì tôi lại cứ làm" (Rm 7:15). Và ngài đã giải thích tình trạng đó như sau: không phải là tôi hành động, mà là tội lỗi ở trong tôi đã hành động (Rm 7:20). Và theo ngài chỉ có Đức Kitô mới có thể cứu ta ra khỏi tình trạng ấy. (Rm 7:24). Do đó, muốn thoát khỏi tình trạng ù lỳ không chịu làm những gì cần phải làm, ta phải tin tưởng vào ngài đã đến để giải phóng ta khỏi tình trạng đó, và ta cũng phải hết lòng yêu mến ngài qua những người sống bên cạnh ta, chung quanh ta. Chỉ có tình yêu mới giải phóng ta khỏi tình trạng ù lỳ đó. Tình yêu phát sinh sức mạnh.

Rất nhiều người trong chúng ta có tâm trạng hài lòng vì mình đã theo được chính đạo, và tự mãn vì mình đã giữ luật Chúa một cách trọn vẹn từ hồi nhỏ, giống như anh chàng thanh niên giàu có trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là một điều rất đáng khen, và Thiên Chúa cũng rất hài lòng vì ta đã sống được như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhìn chàng thanh niên đó một cách thiện cảm và đem lòng yêu thương. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu còn kêu mời chúng ta đi xa hơn một bước kia, là sẵn sàng hy sinh nhiều hơn nữa cho Thiên Chúa và tha nhân. Đang khi bên cạnh chúng ta còn biết bao nhiêu người nghèo khổ túng thiếu, hay cần tới sự giúp đỡ cụ thể của chúng ta, chúng ta không thể vừa nói mình yêu Chúa lại vừa làm ngơ hay phớt lờ những nhu cầu của họ. Tình yêu thúc đẩy ta phải làm một cái gì cụ thể để thoả mãn phần nào những nhu cầu đó của anh em. Và chúng ta cũng cần phải có con mắt nhận xét và tâm hồn nhạy bén để nhận ra những nhu cầu ấy nơi những người sống gần mình nhất. Để đi vào cụ thể, tôi xin đề nghị với anh chị em là mỗi ngày chúng ta dành ra ít phút suy nghĩ để xét xem những người ở gần ta có nhu cầu gì mà ta có thể giúp đỡ cụ thể được, và chúng ta quyết định mỗi ngày làm một hai việc cụ thể giúp ích cho người khác, việc đó càng buộc ta phải hy sinh, thiệt thòi, mất mát thì càng tốt, và tối đến ta xét lại xem mình đã thực hành quyết định đó thế nào. Làm được như thế, chính là đã áp dụng phần nào tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay.

Để kết thúc, tôi xin nhắc lại lời kinh Cáo Mình mà chúng ta đọc mỗi khi chuẩn bị dâng Thánh Lễ, trong đó có câu; "tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót". Tôi xin nhấn mạnh đến "những điều thiếu sót", là những gì mà chúng ta đáng lẽ phải làm, nên làm, mà chúng ta đã không làm. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải ra tay cứu giúp người khác mà ta đã không ra tay. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải hy sinh cho người khác mà ta đã không hy sinh, vì chúng ta không muốn bị thiệt thòi, bị mất mát, bị phiền hà, là những lần đáng lẽ chúng ta phải bỏ tiền bạc ra để cứu giúp ai đó, nhưng vì tính bỏn xẻn, tính toán, khiến chúng ta lại thôi. Là những lần đáng lẽ chúng ta phải can đảm đứng ra bênh vực lẽ phải, nhưng vì sợ bị liên lụy, sợ bị lôi thôi, mà chúng ta đành làm ngơ để cho bất công được tự do hoành hoành. Mỗi lần đọc kinh Cáo Mình khi dâng Thánh lễ, chúng ta phải nghĩ đến những thiếu sót đó.

Thánh Ca : Giọt Lệ Trong Lời Kinh

3 nhận xét:

  1. em cũng sử dụng Blogspot, xin hỏi anh là làm thế nào để có link Phúc âm chúa nhật để cho vào blogspot như anh
    anh mong anh chia sẻ kinh nghiệm

    Trả lờiXóa
  2. rất mong anh có thể gửi link hoặc hướng dẫn lấy link từ 40giayloichua vào email
    giaoxuthachbich@gmail.com
    xin cám ơn

    Trả lờiXóa
  3. Đã gửi email Hướng dẫn lấy link từ 40giayloichua.net , chúc bạn thành công!

    Trả lờiXóa