Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Thứ VI Phục Sinh ( ngày 13/05/2012 )



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ VI Phục Sinh:


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng "Lễ Chúa Nhật Thứ VI Phục Sinh " của Giám Mục Phê Rô Nguyễn Khảm.



Xin mời các bạn theo dõi video suy niệm Lời Chúa ngày Chúa Nhật VI Phục Sinh .



CUỘC SỐNG YÊU THƯƠNG
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. "Ðâu có tình yêu thương ở đấy có Ðức Chúa Trời"

Trong dãy núi Alps ở Thuỵ Sĩ có một ngôi làng, và trong làng có một nhà thờ nhỏ. Mặc dù nhà thờ này chẳng có một tác phẩm nghệ thuật nào cả nhưng lại được dân làng quý mến một cách hết sức đặc biệt. Câu chuyện sau đây sẽ cho biết lý do.

Có hai anh em cùng canh tác mảnh vườn của gia đình và chia lợi tức đồng đều cho nhau. Người anh đã có gia đình, người em còn độc thân. Năm đó thời tiết khắc nghiệt nên thu hoạch rất kém. Một hôm, người em tự nhủ: "Nếu chia đều phần thu hoạch thì không công bình, vì mình thì độc thân, còn anh mình thì còn phải lo cho gia đình". Thế là mỗi đêm người em vào kho nhà mình lấy một bao lúa, đi ngang qua miếng ruộng giữa hai nhà và mang đến bỏ vào kho của người anh. Trong lúc đó, người anh cũng tự nhủ: "Nếu chia đều phần thu hoạch thì không công bình, vì mình thì đã có gia đình đỡ đần, còn em mình thì độc thân không ai giúp đỡ". Thế là mỗi đêm người anh vào kho nhà mình lấy một bao lúa, đi ngang qua miếng ruộng giữa hai nhà và mang đến bỏ vào kho của người em. Ðêm nào hai anh em cũng làm như thế. Nhưng lạ thay ai cũng thấy kho lúa nhà mình chẳng vơi đi tí nào cả. Một đêm kia, hai anh em gặp nhau giữa miếng ruộng. Họ cảm động quá, vất bao lúa xuống đất và ôm nhau khóc. Thình lình, một tiếng từ trời vọng xuống: "Tại đây Ta sẽ xây nhà thờ của Ta, vì nơi nào người ta thương yêu nhau thì Ta sẽ ngự ở đó". Thế là có một ngôi nhà thờ mọc lên tại nơi đó.

* 2. Thiên Chúa là tình yêu

Ngày xưa có một chàng thanh niên hồ nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Một hôm anh tìm đến một tu sĩ nổi tiếng là đạo đức và hỏi:
- Ngài có tin Thiên Chúa không?
- Vâng, tôi tin. Vị tu sĩ trả lời.
- Nhưng dựa vào đâu mà ngài tin như thế?
- Tôi tin Thiên Chúa vì tôi biết Ngài. Tôi cảm nhận được sự hiện diện của Ngài trong tôi mỗi ngày.
- Nhưng làm sao mà cảm nhận được như thế?
- Khi ta yêu thì ta sẽ cảm nghiệm được Thiên Chúa, và những nỗi hồ nghi sẽ tan biến như sương mai phải tan biến lúc mặt trời mọc.

Chàng thanh niên suy nghĩ một hồi, rồi hỏi tiếp:
- Xin Ngài chỉ rõ cho tôi phải làm điều đó bằng cách nào?
- Bằng cách thực hiện những việc yêu thương. Anh hãy cố gắng yêu thương những người chung quanh anh, yêu thương tích cực và không ngừng. Khi anh học biết yêu thương ngày càng nhiều hơn thì anh cũng sẽ càng ngày càng xác tín hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và sự bất tử của linh hồn. Việc này đã được thử nghiệm rồi đấy. Ðó là sự thật.

Vị tu sĩ trên chẳng nói gì khác hơn điều Thánh Gioan viết trong bài đọc II hôm nay: "Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là Tình yêu"

Thực vậy, Tình yêu là điều kiện tiên quyết để hiểu biết cuộc sống và đặc biệt là hiểu biết Thiên Chúa. Van Gogh nói: "Cách tốt nhất để biết Thiên Chúa là hãy yêu nhiều. Hãy yêu bạn mình, yêu vợ mình, yêu một cái gì đó. Rồi bạn sẽ thấy mình đang đi đúng đường dẫn tới chỗ biết Thiên Chúa".

Tình yêu là người thầy tốt nhất chúng ta có. Nhưng người thầy này không tự đến, chúng ta phải cực nhọc tìm kiếm. Thông thường phải tốn nhiều năm nỗ lực cách kiên trì người ta mới đạt được đến khả năng yêu thương.

Có một vực thẳm ngăn cách giữa việc biết Chúa và việc yêu Chúa. Không yêu Chúa thì không biết Ngài. Nhưng khi chúng ta yêu thì bực thẳm được lấp đầy ngay. Yêu là biết Chúa. Nơi nào có tình yêu thì nơi đó có Chúa, cũng như nơi nào có Chúa thì nơi đó có tình yêu. Nhưng nên lưu ý: Yêu không phải là chứng minh hay là giải thích.

Vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, cho nên mỗi người chúng ta đều có khả năng yêu thương. Tuy nhiên để được như thế thì con tim chúng ta phải lành mạnh. Thực tế là con tim chúng ta dễ bị những chứng bệnh như lạnh nhạt, trống rỗng, hẹp hòi. Chúng ta cần phải chữa trị những chứng bệnh đó để con tim chúng ta lành mạnh hầu có thể sinh những hoa trái tình yêu. (Viết theo Flor McCarthy).

* 3. Yêu thương và tôn trọng

Nhà văn nữ Harriet Beecher Stove có viết một quyển tiểu thuyết nhan đề "Túp lều Bác Tôm" kể chuyện đời của một người nô lệ da đen tên là Tôm. Chủ của bác Tôm là một trong số rất ít những người chủ da trắng biết thương yêu những người nô lệ da đen của mình. Ðáp lại Bác Tôm cũng rất yêu thương chủ và tận tụy hết lòng phục vụ chủ. Nhưng ông chủ này vì làm ăn thua lỗ nên đã nợ một món tiền rất lớn. Một tên da trắng khác chuyên buôn bán nô lệ đã tìm cách nắm được các giấy nợ và dùng chúng để làm áp lực với ông Senbi, tên của ông chủ da trắng nhân hậu ấy. Hắn buộc ông phải bán bác Tôm cho hắn để trừ nợ. Lúc đầu ông Senbi nhất định không chịu. Nhưng vì tên lái buôn hăm doạ sẽ tịch thu tất cả tài sản của ông, nên cuối cùng ông đành phải bán bác Tôm. Sau đó cuộc đời bác Tôm đã phải lao đao lận đận chịu đủ thứ khổ sở và cuối cùng phải chết.

Câu chuyện này đã giúp ta hiểu rõ hơn bài Tin Mừng của Chúa nhật hôm nay. Trong bài Tin Mừng này, Ðức Giêsu nói "Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con". Trong câu này, có 3 chữ then chốt, là: yêu thương, nhau, và như.

•Chữ thứ nhất yêu thương thì chúng ta dễ hiểu, bởi vì Ðức Giêsu luôn luôn dạy chúng ta phải sống yêu thương. Yêu thương là điều răn quan trọng nhất của Chúa, là điều răn gồm tóm tất cả mọi điều răn khác.

•Chữ thứ hai: nhau. Yêu thương nhau là yêu thương ai? Ðây không phải là câu Chúa nói với hai vợ chồng hay với một cặp tình nhân, người này yêu thương người kia và người kia yêu thương người này. Nhưng Chúa nói với tất cả mọi người. Vì thế ta không nên hiểu chữ nhau này theo nghĩa hẹp, chỉ nhắm đến lòng yêu thương đối với một ít người thân thiết với ta thôi, mà phải hiểu theo nghĩa rộng, chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người. Giới răn của Chúa là như vậy. Nhưng thực tế, chúng ta chỉ mở rộng con tim để yêu thương một số người rất ít thôi, có thể đếm trên đầu ngón tay, như: cha mẹ, anh chị em ruột, một vài bạn bè thân thiết, và người yêu của chúng ta. Chỉ thế thôi. Còn lại biết bao nhiêu người khác chúng ta chưa yêu thương, chúng ta không muốn yêu thương, và thậm chí chúng ta còn ghét nữa. Vì thế, vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta có thể yêu thương hết tất cả mọi người như giới răn Chúa đã dạy?

•Chữ thứ ba là chữ như. Ðây là chữ quan trọng nhất trong câu. Nếu muốn yêu thương tất cả mọi người, thì chúng ta phải làm như Ðức Giêsu đã làm. Vậy, Ðức Giêsu đã làm như thế nào? Ta hãy đọc tiếp đoạn Tin Mừng hôm nay, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: "Thầy không coi các con là tôi tớ, nhưng Thầy coi các con là bạn hữu của Thầy". Ðức Giêsu là Chúa, là Thầy; còn các môn đệ là người, là đệ tử. Cho nên nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ thì cũng được thôi. Nhưng không, Chúa không muốn coi họ là tôi tớ thấp hèn, mà muốn coi họ là bạn hữu ngang hàng với Chúa. Nghĩa là Chúa tôn trọng họ. Tình yêu của Chúa là tình yêu đi đôi với lòng tôn trọng. Vậy nếu chúng ta muốn có thể yêu thương tất cả mọi người thì chúng ta cũng phải tôn trọng tất cả mọi người, như Ðức Giêsu đã yêu thương.

Có những người mà tự nhiên ta cảm thấy xa cách, khó ưa và không thể nào yêu thương được. Chẳng hạn như trong chế độ buôn bán nô lệ, rất khó có được tình yêu thương giữa một người da trắng tự do và một người da đen nô lệ. Những người da trắng thời đó coi những người nô lệ da đen như một con vật biết nói, bắt họ phải làm việc cho mình, đánh đập họ, khi chán họ thì bán cho người khác, khi tức giận thì còn có thể giết họ bỏ. Thời đó người da trắng không thể nào yêu thương người da đen. Tại sao? Vì họ khinh miệt người da đen, nói khác đi, họ không tôn trọng người da đen. Như Bác Tôm là một người da đen, bác rất tốt, bác làm việc giỏi, bác lại có lòng đạo đức. Thế nhưng những đức tính ấy không khơi lên lòng tôn trọng và do đó lòng yêu thương của tên lái buôn nọ. Ngược lại, bác càng tốt càng giỏi chừng nào thì hắn càng muốn bắt Bác đi làm món hàng mua bán chừng nấy, vì chính những đức tính ấy càng làm cho bác thành một món hàng cao giá. Còn đối với ông Senbi, tuy là một chủ da trắng nhưng lại yêu thương bác Tôm là một người nô lệ da đen, tại sao? Vì ông Senbi biết đánh giá đúng những đức tính của Bác. Ông không Tôm bằng thằng, bằng mày, mà gọi bằng Bác. Ông không coi Tôm là tôi mọi nhưng coi như người nhà. Ðối lại Tôm cũng rất thương ông Senbi. Người ta đã xúi bác Tôm trốn đi trước khi bị tên lái buôn bắt đi bán. Nhưng Bác đã từ chối "Nếu ông chủ buộc lòng phải bán tôi để khỏi phải bán tất cả những người khác và để khỏi phải phá sản thì thôi cũng được". Tóm lại, người da trắng và người da đen này thương nhau vì hai người đã biết rõ tấm lòng của nhau, vì họ tôn trọng nhau.

Trong truyện "Túp lều Bác Tôm", ta thấy hai điều: thứ nhất, tên lái buôn da trắng không thể nào yêu thương được người nô lệ da đen là vì không có lòng tôn trọng người ấy; thứ hai, giữa bác Tôm và ông chủ da trắng có tình thương yêu nhau là vì họ tôn trọng nhau. Như vậy, tôn trọng phá tan mọi hàng rào ngăn cách để cho người ta đến gần nhau và tình yêu thương nhau. Hơn nữa, tôn trọng còn là cái nền tảng vững chắc giúp cho tình yêu của những người đã yêu thương nhau lại càng bền vững hơn.

Ðến đây chúng ta có thể rút ra những kết luận thực hành:

•Chúng ta đang thương một số người, như cha mẹ, anh chị em, bạn bè, chồng vợ, người yêu của mình. Ðể cho những tình yêu thương ấy được bền vững, chúng ta hãy biết tôn trọng nhau. Dù những người đó có điều gì trái ý ta, dù có điểm tính tình họ khác ta, ta cũng phải tôn trọng họ, bởi vì mọi người là một cá thể độc đáo không ai hoàn toàn giống ai. Ta không được bắt buộc ai phải giống như mình. Ta phải tôn trọng cái quyền họ có quyền khác với ta,. Có thế mới tránh được những xung đột, sứt mẻ trong tình yêu thương nhau.

•Và còn rất nhiều người mà chúng ta chưa yêu thương. Tuân giữ giới răn của Chúa, ta cũng phải cố gắng yêu thương họ. Muốn vậy, việc đầu tiên phải làm là ta phải dẹp bỏ mọi thành kiến, mọi kỳ thị, phải tôn trọng họ: tôn trọng những điểm khác biệt nơi họ, tôn trọng quyền tự do của họ, ngay cả khi họ có những khuyết điểm lỗi lầm ta vẫn phải tôn trọng con người của họ, bởi vì lỗi lầm là lỗi lầm, nhưng con người vẫn là con người, vẫn có nhân phẩm, và ta yêu thương là yêu thương chính con người đó, yêu thương chính nhân phẩm đó.

Ðức Giêsu nói "Chúng con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con". Theo Lời Chúa dạy, chúng ta hãy cố gắng yêu thương tất cả mọi người, và theo gương Chúa làm, chúng ta hãy cố gắng tôn trọng tất cả mọi người.

* 4. Vài suy nghĩ vụn vặt về tình yêu

a. "Yêu thương", "Tình gia đình", "Huynh đệ", "Chia xẻ", "Hiệp thông" v. v. là những từ ngữ được nói quá nhiều nhưng nhiều khi chỉ là sáo ngữ, rỗng tuếch, ngôn hành tương phản. Chính con cũng rất nhiều lần nói như thế. Từ nay con muốn nói những chữ ấy một cách thật lòng, nhất là nói với những người cùng niềm, cùng lý tưởng với con.

b. Yêu thương, nếu chỉ là một cảm giác dễ chịu thì chưa phải là tình yêu thật. Tình yêu thật là phải cho đi, phải hy sinh. Cho đi càng nhiều, hy sinh càng lớn thì tình yêu càng đúng nghĩa. Bởi thế Ðức Giêsu nói: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình"

c. "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình". Câu Tin Mừng này khiến tôi liên tưởng tới một câu chuyện tôi đã đọc hồi còn nhỏ, tựa đề "Anh phải sống": hai vợ chồng nghèo đi kiếm củi trên ngàn để bán lấy tiền nuôi con. Hôm đó trời giông bão, họ bị nước cuốn trôi. Chỉ có một khúc cây đủ sức cho một người bám. Người chồng bảo vợ hãy bám vào khúc cây, vì "em phải sống để lo các con". Người vợ cũng bảo chồng "Anh phải sống". Cuối cùng người vợ buông tay, tự tìm lấy cái chết cho mình, để nhường sự sống lại cho chồng và các con.

* 5. Ở lại trong tình thương

Ðức Giêsu bảo: "Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy".

•Chữ "ở lại" mà Ðức Giêsu dùng khiến tôi hình dung tình thương của Chúa như một mái nhà. Mái nhà tình thương này luôn có chỗ cho tôi. Chúa bảo tôi hãy ở trong đó mãi, đừng bỏ nhà ra đi. Nghĩa là Chúa luôn thương tôi, chỉ có tôi là có khi không ở trong tình thương đó.

•Ở trong mái nhà tình thương của Chúa, khi tôi đói thì được ăn, khi khát thì được uống, khi mệt mỏi thì có thể nghỉ ngơi, khi bệnh tật thì được chăm sóc, khi buồn phiền thì có người an ủi...

•Chúa khuyên tôi ở lại vì Ngài biết tôi có thể bỏ đi. Tôi bỏ đi khi tôi không còn coi đó là nhà mình nữa, tôi tìm một chỗ khác mà tôi nghĩ là nhà mình; Tôi bỏ đi khi tôi tưởng là trong nhà đó người ta không thương tôi nữa do tôi đã lầm lỡ thế nào đó.

•Nhưng khi Chúa bảo tôi "hãy ở lại" nghĩa là Ngài khẳng định rằng dù tôi thế nào đi nữa thì tôi vẫn được Ngài thương yêu, và không chỗ nào khác ở ngoài là nhà thực sự của tôi.

* 6. Như Thầy đã yêu.

Báo Tuổi Trẻ số ra ngày 16-9-1999 đã đưa tin: "10.645 người nghèo đã khỏi mù". Theo Hội Bảo Trợ Bệnh Nhân Nghèo TP. HCM trong năm 1999 , các đoàn phẫu thuật ghép thủy tinh thể nhân tạo của thành phố và các quận huyện đã đem lại ánh sáng cho 10.645 người nghèo bị mù (đạt 88% kế hoạch 1999). Trong tháng 8-1999 đã có 108 lượt tổ chức cá nhân trong và ngoài nước đóng góp hơn 2 tỷ đồng ủng hộ quỉ hội (tăng 205% so với tháng 7-1999). Hội cũng đã tài trợ cho Bệnh viện Nhi Ðồng 2 trên 79,5 triệu đồng giúp phẫu thuật cho 21 trẻ em không có hậu môn bẩm sinh, và giúp Trung Tâm Răng Hàm Mặt phẫu thuật cho 178 trẻ em bị sứt môi, hở hàm ếch tại Bình Ðịnh.

*

Hầu như đọc bất cứ tờ báo nào, chúng ta cũng thấy nhan nhản các tổ chức, cá nhân đầy lòng quảng đại từ tâm. Những tâm hồn biết chăm lo cho người nghèo đói, bất hạnh. Những con tim tràn đầy yêu thương dã cùng nhịp đập với Thầy Giêsu. Những tấm lòng mau mắn đáp lại tiếng mời gọi tha thiết của Người: "Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con" (Ga. 15, 12).

Kể từ khi Ngôi Hai nhập thể để bày tỏ tình yêu của Ngôi Cha dành cho con người, thì mối liên hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại hoàn toàn thay đổi: Không còn là Tạo hóa và thụ tạo, không còn là Thượng đế và phàm nhân, không còn là Chủ ông và tôi tớ, nhưng chính là "Bạn hữu thân tình".

Tình yêu đã khiến Thiên Chúa hạ mình xuống với con người, cảm thông và chia sẻ với thân phận thụ tạo: "Tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết" (Ga. 15, 15). Tình yêu đó đã đến chỗ tuyệt đỉnh, đến nỗi thánh Gioan viết: "Người đã yêu thương họ đến cùng" (Ga. 13, 1). Yêu thương đến cùng có nghĩa là yêu cho đến chết, và chết trên thập giá. Thánh Bênađô dạy: "Mức độ của tình yêu là yêu không mức độ".

Nguồn tình yêu ấy phát xuất từ Cha xuống Con, và không dừng lại như nước ao tù, nhưng luân chuyển đến mọi trái tim con người trên toàn thế giới. Nếu tình yêu đã liên kết chúng ta với Chúa, thì cũng chính tình yêu ấy sẽ liên kết cha lại với nhau: "Các con hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến các con" (Ga. 15, 12), vẫn biết rằng, con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức "Như Thầy đã yêu". Nhưng lời mời này vẫn giục giã chúng ta hướng lên mãi theo đường Thầy đã đi.

Ðức Gioan Phaolô II trong Thông điệp Ánh Sáng Rạng Ngời Chân Lý, số 20 viết: "Chữ "như" này đòi hỏi phải bắt chước Ðức Giêsu, tình yêu của Người, mà việc rửa chân cho các môn đệ là một dấu chỉ cụ thể… Chữ "như" cũng chỉ mức độ mà Ðức Giêsu đã yêu thương các môn đệ của mình, và các môn đệ của người cũng phải yêu thương nhau bằng mức độ ấy.

Thế giới ngày nay khao khát tình yêu đích thực. Người tín hữu Kitô phải là nhân chứng của tình yêu ấy. Chúng ta không có dịp để chết cho tha nhân như Ðức Kitô, nhưng chúng ta có rất nhiều dịp để sống cho tha nhân. Sống cho tha nhân là chết cho chính mình. Chết trong những hy sinh âm thầm hằng ngày. Chết không đổ máu, nhưng đổ mồ hôi và nước mắt. Chết không chỉ một lần, nhưng chết dần chết mòn cho hạnh phúc của tha nhân, Kahil Gibran viết: "Bạn cho đi quá ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi".

*

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương chúng con rất nhiều, nhưng chúng con đáp lại chẳng được bao nhiêu. Chúa đã đặt tha nhân bên cạnh chúng con, để chúng con có thể làm cho họ điều mà chúng con không thể làm cho Chúa. Xin cho chúng con nhận ra khuôn mặt Chúa nơi tha nhân, để chúng con yêu thương họ như Chúa đã yêu thương chúng con.(Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

Lạy Chúa , dấu chỉ chúng ta sống hiệp thông với Ðức Giêsu là tuân giữ giới răn yêu thương mà Người đã trối lại. Chúng con được hiệp thông với Chúa nhờ lời Chúa và Thánh Thể Chúa, xin giúp chúng con biết sinh hoa kết quả trong việc tha thứ giúp đỡ mọi người, để chúng con trở thành chứng nhân tình yêu Chúa cho mọi người.Amen.

Thánh Ca : Tình Chúa Yêu Con


PHÉP LẠ CỦA TÌNH YÊU
Cha Mark Link, S.J.

Cách đây mấy năm tập san Reader’s Digest có thuật lại một câu chuyện cảm động về một em bé trong bệnh viện Milwaukee. Em này bị mù, đần độn, lại còn bị liệt não nữa. Em chỉ khá hơn loài thảo mộc một chút là biết đáp ứng lại âm thanh và sự ve vuốt mà thôi. Cha mẹ em đã bỏ rơi em. Nhưng bệnh viện cũng chả biết xử lý thế nào với trường hợp của em. Thế rồi có một người nhớ đến May Lempke, bà y tá 52 tuổi sống gần đấy. Bà nầy đã từng nuôi nấng năm đứa con của chính mình, nên bà sẽ biết cách chăm sóc cho một đứa trẻ như thế. Họ yêu cầu bà chăm sóc đứa bé và bảo: "Thằng bé có lẽ sẽ chết yểu!". Bà May trả lời: "Nếu tôi chăm sóc đứa bé, nó sẽ không chết yểu đâu, và tôi rất sung sướng được chăm sóc cho nó".

Thế là bà May đặt tên cho cậu bé là Leslie. Chăm sóc cho cậu bé quả thật không dễ dàng chút nào. Ngày nào bà cũng phải xoa bóp toàn thân đứa bé, bà đã cầu nguyện cho nó, đã khóc vì nó, bà đã đặt đôi tay nó lên những giọt lệ của bà. Một hôm, có người nói với bà: "Tại sao bà không gởi đứa bé ấy vào viện? Nó chỉ làm phí cuộc đời của bà thôi?

Leslie càng lớn thì càng có nhiều vấn đề phải đặt ra cho bà May. Bà phải giữ nó chặt vào một chiếc ghế để nó khỏi bị té xuống. Thời gian trôi qua, năm mười, mười lăm năm. Mãi đến khi Leslie 16 tuổi, bà May mới có thể tập cho nó đứng một mình được. Suốt thời gian đó, bà May vẫn tiếp tục yêu thương và cầu nguyện cho cậu bé. Ngoài ra bà còn kể cho cậu bé nghe những mẩu chuyện về Chúa Giêsu dù xem ra cậu chẳng nghe được tiếng bà.

Thế rồi một ngày nọ, bà May chợt nhận thấy Leslie dùng ngón tay của mình búng vào một sợi dây căng thẳng trên một gói đồ. Bà tự hỏi; điều ấy có ý nghĩa gì? biết đâu Leslie lại nhạy cảm với âm nhạc chăng? Và bà May bắt đầu cho Leslie nghe âm nhạc. Bà chơi đủ loại hình âm nhạc mà bà tưởng tượng ra được với hy vọng có một loại nào đó có thể lôi cuốn cậu bé. Cuối cùng, bà May và chồng mua được một chiếc dương cầm cũ kỹ. Họ đặt nó vào giường ngủ của Lislie. Bà May cầm những ngón tay của Leslie đặt vào tay bà và tập cho cậu bé biết cách nhấn phím xuống, nhưng xem ra cậu ta chả hiểu.

Thế rồi vào một đêm đông năm 1971, bà May bừng thức giấc vì nghe có tiếng đờn của ai đó đang chơi bản hoà tấu dương cầm số 1 của Tchaikovsky. Bà lay lay chồng đánh thức ông dậy, và hỏi xem ông có quên tắt radio không. Ông ta nói rằng không, nhưng họ quyết định tốt hơn là nên xem xét lại. Và họ khám phá ra một điều vượt khỏi mọi giấc mơ kỳ quái nhất của họ. Cậu Leslie đang ngồi tại chiếc dương cầm. Cậu đang mỉm cười và chơi đàn một cách ngẫu hứng không thể nào tin được đây là sự thật!

Trước đây Leslie chưa bao giờ bước ra khỏi giường một mình. Trước đây cậu bé chưa bao giờ tự mình ngồi vào chiếc dương cầm được, cậu cũng chưa bao giờ tự dùng tay ấn được vào phím đàn. Thế mà bây giờ đây cậu lại đang chơi đàn tuyệt vời như thế! Bà May vội quì gối xuống và thốt lên: "Lạy Chúa! Con xin cảm tạ Ngài, Ngài đã không bỏ quên Leslie".

Chẳng bao lâu, Leslie bắt đầu kiếm sống bằng cây dương cầm. Cậu chơi được nhạc cổ điển, nhạc đồng quê miền tây, nhạc trữ tình, nhạc dạo và cả nhạc Rock nữa. Hoàn toàn không thể nào tin nổi. Tất cả những bài nhạc bà May đã từng chơi cho cậu nghe đều tồn trữ trong óc cậu và giờ đây tuôn trào ra trên phím dương cầm qua đôi tay cậu. Giờ đây ở tuổi 28, Leslie bắt đầu nói chuyện. Tuy không thể đối thoại lâu giờ. Nhưng cậu có thể đặt câu hỏi, trả lời những câu đơn giản và phát biểu được những lời phê bình ngắn gọn. Chẳng hạn, một buổi tối kia, đang xem một vở hài kịch trên truyền hình, cậu cảm thấy cuộc đối thoại chán ngắt, cậu bèn nói: "Tốt hơn là chúng ta nên tắt nó đi, cả bọn chỉ toàn là lũ điên!".

Dạo này, Leslie chơi nhạc hoà tấu cho những ca đoàn nhà thờ, cho các cơ quan dân sự, cho các nạn nhân liệt não và cha mẹ họ, cậu còn xuất hiện cả trên đài truyền hình quốc gia nữa! Các bác sĩ mô tả Leslie như là một người thông thái bị mắc một loại tâm bệnh, nghĩa là một người chậm phát triển về trí tuệ do tổn thất nơi não nhưng lại cực kỳ tài năng. Họ không thể cắt nghĩa được hiện tượng dị thường này cho dù họ biết về nó gần 200 năm rồi. Bà May Lempke cũng không thể cắt nghĩa được điều ấy nhưng bà biết chắc rằng nhờ tình yêu mà tài năng ấy được khai mở.

Chúng ta cần đọc đi đọc lại nhiều lần câu chuyện của bà May Lempke với những gì bà đã làm được cho Leslie nhờ tình thương không mệt mỏi của bà. Nó đặc biệt thích hợp với chúng ta ngày nay vì ba lý do;

Thứ nhất, bằng một cốt chuyện gây cảm động, câu chuyện cụ thể hoá sứ điệp hàm chứa trong các bài đọc hôm nay, được gọi là giáo huấn của Đức Giêsu về việc yêu thương nhau.

Thứ hai, nó đã cụ thể hoá thành một cốt chuyện lý do tại sao chúng ta lại dành ngày hôm nay để làm Ngày Cho Mẹ, bởi vì, thông thừơng, các bà mẹ sống lời Đức Giêsu dạy về tình thương một cách kiên nhẫn và trung thành hơn bất cứ nhóm người nào khác.

Sau cùng, câu chuyện cũng cụ thể hoá năng lực kinh khủng của tình yêu. Những gì mà bà May đã làm vì tình yêu cho Leslie qủa thật là lạ lùng. Đó chính là những gì Đức Giêsu đòi hỏi phải có cho một tình yêu thương đích thực. Đó là một phương cách để tạo nên những phép lạ trong đời sống của những người thuộc thời đại này, đúng như cách Đức Giêsu đã tạo nên những phép lạ trong đời sống của những người thuộc thời đại Ngài.

Qua tình yêu, Thiên Chúa đã để chúng ta tùy nghi sử dụng cái năng lực mãnh liệt nhất, trên thế gian này, đó là thứ năng lực mà mọi tiền của trên thế gian không thể mua được. Đó là thứ năng lực mà mọi tri thức trên thế gian không thể tạo ra được. Đó là thứ năng lực mà mọi lãnh tụ trên thế giới không thể chiếm hữu được. Đó cũng là thứ năng lực mà mọi đạo quân trên trần thế không thể tập trung lại được. Và kiều kỳ diệu hơn nữa, Tình yêu là năng lực mà mọi người đều có.

Bất chấp nam hay nữ
Bất kể thuộc tôn giáo nào
Bất kể thuộc quốc tịch nào
Bất kể được giáo dục theo phương pháp nào.

Tình yêu chẳng dành riêng cho người khoẻ mạnh
Cũng chẳng dành riêng cho người giàu có
Cũng chẳng dành riêng cho kẻ khôn ngoan
Cũng chẳng dành riêng cho người danh giá.

Tình yêu dành cho tất cả mọi người
Tình yêu làm cho tất cả chúng ta bình đẳng
trước mặt Thiên Chúa và bình đẳng đối với nhau.


Đây chính là Tin Mừng chứa đựng trong các bài đọc Kinh Thánh hôm nay. Đây là Tin Mừng có khả năng biến đổi thế giới chúng ta một cách tuyệt hảo chẳng khác nào tình yêu của bà May Lempke đã biến đổi thế giới của Leslie. Đây chính là Tin Mừng mà chúng ta phải rao to từ trên mái nhà và sống nó thật trọn vẹn.

Và nếu chúng ta là được thế, chúng ta cũng có thể làm được những phép lạ bằng tình yêu của chúng ta ngay trong kiếp sống này y như Đức Giêsu đã làm nên những phép lạ nhờ vào tình yêu của Ngài trong thời gian Ngài sống trên dương thế.

Thánh Ca : Chúa Không Lầm


YÊU THƯƠNG NHAU
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Trong Anh Ngữ, một trong những từ ngữ được dùng nhiều nhất, và cũng dễ sai lầm và dễ lạm dụng nhất đó là từ ngữ “yêu.” Người ta nói “tôi yêu kem vanila.” Bạn không thực sự yêu kem vanila, bạn thích kem vanila. Hoặc bạn yêu bông cải xanh. Không phải thế, bạn không yêu bông cải xanh. Bạn có thể còn không thích nó nữa là khác.

Nhưng từ ngữ “yêu” thường bị dùng sai trong kiểu nói như thế và người ta thực sự không có ý nói như vậy. Nó bị lạm dụng. Johnny gặp Susie, cả hai đều 15 tuổi, và họ yêu nhau đắm đuối trong buổi dạ hội bế giảng. Hoặc, tôi thường gặp những cặp chung sống ngoài hôn nhân. “Các bạn đã sống chung với nhau bao lâu rồi?” “Ba năm rồi.” “Tại sao các bạn lại sống như thế?” “Ô, tại vì chúng tôi yêu nhau.” “Ô, tại sao các bạn không cưới nhau đi?” “Chúng tôi chưa sẵn sàng.” Như thế không phải là yêu. Đó là dục tình.

Có nhiều điều nhảm nhí vô lý trên đài phát thanh và truyền hình trong tuần vửa qua nói về một người tên là Ellen, một phụ nữ tự xưng là người thích người đồng tính. Cô được phỏng vấn trên chương trình tin tức với người yêu của cô. Đó không phải là yêu, mà là loạn luân. Từ ngữ yêu bị dùng sai qúa nhiều. Các bạn nghe nói, “Tôi sẽ ly dị chồng.” “Tại sao?” “Ô bởi vì chúng tôi rơi ra ngoài tình yêu với nhau rồi.” Nói cách khác, “Tôi muốn đá ông ấy đi.” Bà ta đã chẳng hề yêu thương ngay từ đầu. Từ ngữ yêu tiếp tục bị dùng sai và bị lạm dụng.

Ý Nghĩa Yêu

Hôm nay trong bài đọc hai và bài Tin Mừng, Chúa Giêsu Kitô, nói về định nghĩa và ý nghĩa yêu là gì. Như Cha đã yêu thương thầy, thầy cũng yêu thương anh em. Thư thứ nhất của Thánh Gioan nói, “Tình yêu của Thiên Chúa được tỏ ra ở giữa chúng ta bằng cách này: Ngài đã sai Con Một của ngài đến thế gian để chúng ta có sự sống nhờ nơi ngài. Ngài đã tự hiến cho ơn cứu chuộc của chúng ta.
Thư thứ nhất của thánh Gioan lại nói, “Bất cứ ai nói ‘tôi biết ngài’ nhưng không tuân giữ các giới răn của ngài thì là người nói dối.” Là người nói dối bởi vì các bạn không thể yêu Thiên Chúa mà lại không tuân giữ các giới răn của Ngài. Đức Giêsu Kitô nói rất rõ. “Anh em sẽ ở trong tình yêu của Thầy nếu anh em tuân giữ các lời Thầy truyền dạy . . . giống như Thầy đã tuân giữ các mệnh lệnh của Cha Thầy và sống trong tình yêu của Ngài.” Do đó dấu chứng đầu tiên của tình yêu chân thật đối với Thiên Chúa, là tuân giữ các giới răn. Nếu các bạn thực sự yêu mến Thiên Chúa thì các bạn sẽ tuân giữ các giới răn.

Dấu khác để chứng thực tình yêu đối với Thiên Chúa là yêu thương tha nhân, là yêu thương nhau. Đức Giêsu Kitô không nói đây là lời khuyên của ngài, đây không phải là một lời đề nghị với các bạn. “Đây là lệnh truyền của Thầy. Hãy yêu thương nhau như thầy yêu thương anh em.” Có những lúc người ta lưỡng lự ngập ngừng tới lui. Họ thích thế này, họ không thích thế kia, họ không yêu thích cái nọ. Họ không thực sự hiểu ý nghĩa yêu mến Thiên Chúa là gì. Dấu chứng đầu tiên cho thấy tình yêu đối với Thiên Chúa là tuân giữ các giới răn. Dấu thứ hai là yêu thương tha nhân như chính mình, được Đức Giêsu nói cách rất rõ ràng.

Được Tuyển Chọn

Thiên Chúa nhắc nhở cho chúng ta biết là Ngài đã tuyển chọn chúng ta, chúng ta không chọn ngài. Ngài tuyển chọn chúng ta. Hãy nhìn đến những cái Chúa đã ban cho các bạn. Từ mấy tỉ người trên thế giới, Thiên Chúa đã tuyển chọn bạn để bạn được lãnh phép Thanh Tẩy trong ơn sủng của Ngài, để bạn có thể được chia sẻ trong bí tích Thánh Thể, để bạn có thể lãnh nhận ơn tha thứ qua bí tích hòa giải. Thiên Chúa đã tuyển chọn bạn.

Một số người rảo quanh đi tìm một người lãnh đạo mới, một nhà thờ mới. Tôi thích chỗ này và tôi không thích chỗ kia. Tôi không tham dự ở đây bởi vì tôi không thích ông cha xứ. Tôi đi nhà thờ của giáo phái kia bởi vì họ cho phép phá thai. Như thế không phải là chọn Thiên Chúa, đó không phải là chọn cái gì cả, đó không phải là bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa.

Yêu mến Thiên Chúa bao gồm như thế này: Đó là Thiên Chúa tuyển chọn bạn! Ngài đặt bạn riêng ra và ban cho bạn sự sống viên mãn. Không có tình yêu nào cao quí hơn là hiến mạng sống mình cho người bạn. Hãy nhận thức trách nhiệm của bạn là phụng sự Thiên Chúa, là yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và yêu tha nhân của bạn. Đây là những điều Thiên Chúa đòi buộc. Không phải anh em chọn Thầy, nhưng chính Thầy tuyển chọn anh em, để ra đi sinh nhiều hoa trái. Và giống như Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài vào trần gian, và Người Con đó đã chết để cứu chuộc chúng ta. Do đó Đức Kitô hiện diện nơi trần gian qua bạn. Nếu người ta không thấy Đức Kitô nơi bạn, thì họ sẽ chẳng bao giờ thấy Ngài. Họ sẽ đi lang thang nhặt nhạnh và chọn lựa những cái sai lầm.

Làm Chứng

Nhưng Thiên Chúa đã tuyển chọn bạn và tôi và chúng ta mang trách nhiệm làm chứng nhân cho Đức Kitô. Chúng ta là Đức Kitô trong thế giới ngày nay. Chúng ta bày tỏ điều đó ra bằng tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, tuân giữ các giới răn của Ngài và yêu thương tha nhân. Đây không phải là một lời khuyên hay một đề nghị. Lời nói cuối cùng trong bài Tin Mừng hôm nay là: “Lệnh truyền Thầy ban cho anh em là anh em hãy thương yêu nhau.” Các bạn không thể nói là mình yêu thương nhau nếu các bạn chất chứa những đố kỵ, oán ghét và hận thù. Ghét bỏ tội lỗi là điều thật tốt, nhưng không ghét người có tội. Chống đối những xấu xa ở thế gian là điều tốt nhưng không ghét những người ở thế gian. Ở Rwanda, ở Bosnia và nhiều nơi trên thế giới người ta đánh chém nhau qua nhiều thế hệ và trải qua nhiều năm dài. Tuy thế họ vẫn đi nhà thờ ngày Chúa Nhật và nói là “Tôi yêu mến Thiên Chúa.” Đó là điều không thể. Các bạn không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu tha nhân. Hãy mang lấy mệnh lệnh này theo bạn, đó là các bạn yêu thương nhau như Đức Giêsu Kitô yêu thương các bạn và làm như vậy là chu toàn ý của Thiên Chúa.

Chúng ta đang ở trong tháng Năm. Tháng Năm là tháng được dành để tôn vinh Đức Mẹ và Đức Mẹ là gương mẫu cho chúng ta trong việc làm theo ý của Thiên Chúa. Khi thiên thần hiện ra với Đức Mẹ, cho dù Đức Mẹ không hiểu và không biết điều gì sẽ xẩy ra, Đức Mẹ đã trả lời, “Chúa muốn gì thì con muốn ấy. Xin để cho ý Chúa được thực hiện.” Đó cũng phải là khẩu hiệu của chúng ta. Đức Mẹ là gương mẫu cho chúng ta. Chu toàn ý của Thiên Chúa, tuân giữ các giới răn, yêu thương nhau và các bạn sẽ bảo đảm được ơn cứu rỗi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn.Amen.

Thánh Ca : Con Vẫn Trông Cậy Chúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét