Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Thứ V Phục Sinh ( ngày 06/05/2012 )



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ V Phục Sinh:


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng "Lễ Chúa Nhật Thứ V Phục Sinh " của Giám Mục Phê Rô Nguyễn Khảm.



Xin mời các bạn theo dõi video suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh theo Chương trình PhaoLô mới .



TÌNH YÊU PHẢI SINH HOA TRÁI
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Cây nho và cành nho

Đức Giêsu không viết một quyển sách nào cả. Ngài cũng không xây dựng một ngôi nhà nào cả. Nhưng Ngài đã thực hiện một công trình lớn lao và cần thiết hơn nhiều, đó là xây dựng một cộng đoàn.

Ngài nói với các môn đệ : "Thầy là cây nho, anh em là cành". Đó chính là hình ảnh Ngài dùng để nói về cộng đoàn mà Ngài xây dựng, một hình ảnh rất súc tích :

Vào mùa xuân, các cành nho vươn ra, đơm lá, trổ hoa. Đến mùa thu thì các cành đã nặng trĩu những chùm nho tươi tốt. Nhưng sở dĩ cành sinh lá, trổ hoa và kết trái là nhờ chúng nối liền với cây nho. Nếu cắt lìa chúng khỏi cây thì chẳng những chúng không có trái, mà còn héo tàn dần và cuối cùng thì chết. Cành nho cần đến cây nho thế nào, chúng ta cũng cần đến Đức Kitô thế ấy. Nếu không kết hợp với Ngài, chúng ta sẽ không có sức sống và không thể sinh trái.

Nhưng cây nho cũng cần đến cành nho, bởi vì chính cành nho sinh ra trái nho. Nói thế nghĩa là Đức Kitô cũng cần đến chúng ta. Chúng ta là cành của Ngài. Như thế cây nho và cành nho đều cần tới nhau. Hai bên tạo thành một thể hiệp nhất. Từ đó chúng ta mới hiểu Đức Kitô rất tin tưởng và trông cậy nơi chúng ta. Có thể chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng với sự tin tưởng trông cậy ấy, tuy nhiên chúng ta phải nhớ rằng bên cạnh chúng ta còn có Ngài nữa. Cành nho có thể yếu ớt và mong manh, nhưng cây nho thì rất vững chắc và dồi dào sức sống.

Đức Kitô muốn nhờ chúng ta để sinh trái cho thế giới. Có một khác biệt lớn giữa thành công và sinh trái. Thành công đến từ năng lực, và mang lại vinh quang. Nhưng việc sinh trái thì thường đến từ sự yếu đuối, khổ đau và nhiều khi chẳng ai nhận biết mà khen thưởng. Đức Kitô không bảo chúng ta phải thành công, nhưng Ngài dạy chúng ta sinh trái. Mỗi người chúng ta đều được Ngài ban cho một số khả năng nào đó. Bằng cách sử dụng, phát triển và chia xẻ những khả năng đó với người khác, chúng ta sẽ sinh trái. Thế giới đang chờ những trái ấy. Mà điều quan trọng là yêu thương. Thiên Chúa sẽ làm cho tình yêu của chúng ta sinh trái, những trái chúng ta thấy được và cả những trái chúng ta không thấy.

Sang mùa đông, các cành nho được cắt tỉa. Cắt tỉa là một tiến trình cần thiết cho cành nho : bỏ đi tất cả những gì thừa thải chẳng ích lợi gì mà còn làm hao mòn sức sống của cây nho. Mục đích của cắt tỉa không phải là làm cho cành bị đau mà là để giúp chúng sẽ sinh trái nhiều hơn và tốt hơn nữa. Vì chúng ta là những cành của Cây nho thật là Đức Kitô nên chúng ta cũng cần được cắt tỉa. Có rất nhiều điều chẳng những vô ích mà còn có hại cho sự sống chúng ta, làm hao hụt năng lực chúng ta và cản trở sự sinh hoa trái thiêng liêng của chúng ta. Nếu Đức Kitô cắt tỉa chúng ta bằng những gian truân thử thách, đó là vì Ngài muốn chúng ta sinh nhiều trái hơn. (Viết theo Flor McCarthy)

* 2. Sống với

Nhiều người nói rằng : "Tôi cần gì đến nhà thờ chứ ? Tôi không thể tôn thờ Chúa theo cách của tôi sao ? Tôn giáo là sự liên hệ cá nhân giữa tôi và Chúa cơ mà !"

Hãy nhớ rằng ngay từ những buổi đầu, việc theo Đức Giêsu không bao giờ là một việc cá nhân và riêng tư. Các kitô hữu sống chung trong cộng đoàn, cùng nhau tuyên xưng niềm tin, cùng nhau làm chứng về Đức Kitô sống lại, và cùng nhau sống theo những điều Ngài dạy dỗ. Lý do sâu xa của nếp sống cộng đoàn ấy được chính Đức Giêsu giải thích khi Ngài nói "Thầy là cây nho, anh em là cành".

Cây nho và cành nho là một. Có một sự lệ thuộc hỗ tương giữa cây với cành và cành này với cành khác. Nếu nói "Tôi theo Đức Kitô nhưng không theo Giáo Hội" tức là chia cách Đức Kitô khỏi Giáo Hội, là cắt cành khỏi cây.

Những môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu đã nhìn thấy Ngài, ăn uống với Ngài và trò chuyện với Ngài sau khi Ngài sống lại. Nhờ đó họ cảm nghiệm rất sâu xa sự liên kết với Ngài, một sự liên kết mà nhờ đó họ được tăng sức hơn. Đức Giêsu đã chọn họ, làm cho họ thành bạn hữu của Ngài, rồi sai họ ra đi để sinh hoa trái, hoa trái của tình thương.

Chúng ta sẽ biết mình là những cành nho đầy sức sống của cây nho nếu trong chúng ta thực sự có tình thương mến, tình thương mến ngự trị giữa nhau và thể hiện bằng sự chăm sóc cho nhau.

* 3. Hoa trái xum xuê

Nếu ta gắn bó với Người, Đức Giêsu sẽ cho ta hoa trái xum xuê như Người đã hứa : "Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy người ấy sẽ sinh hoa trái xum xuê". Đời ta có thể nên phong phú nhờ sự phong phú của Thiên Chúa. Ta nên những môn đệ đích thực và ta làm vinh danh Chúa Cha. Lời cầu của ta cũng tương tự lời cầu của Đức Giêsu. Người biết Chúa Cha luôn nhận lời Người : "Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con các con hãy xin điều các con muốn và các con sẽ được như ý". Ta có thể xin gì khác hơn thánh ý Chúa Cha ? Người môn đệ đích thực của Đức Giêsu không đơn thuần là kẻ đi theo Người. Trong anh ta, chính Đức Giêsu ngự đến sống đời sống của anh, biến đổi đời sống ấy và làm cho nên phong phú. Thánh Phaolô sẽ nói : "Không phải tôi sống, chính Đức Kitô sống trong tôi". Môn đệ là người "mang Đức Kitô". Nếu môn đệ trung tín với Lời Người, anh sẽ nối dài sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu trên trần gian. Tim anh sẽ đập cùng một tình yêu đó, đời anh sẽ dâng lên Chúa Cha cũng niềm vinh danh đó, lời anh sẽ loan báo cũng Tin mừng đó, cử chỉ anh sẽ phiên dịch cũng ơn cứu độ đó. Đây không phải là bắt chước, nhưng là một chuyển biến sâu xa. Chính Thiên Chúa sinh hoa kết quả xuyên qua hoạt động của anh. Chẳng đời nào ta dám tưởng tượng ra một sự thân thiết thâm sâu dường ấy ! Nên Đức Giêsu đã phải nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại để hiểu hơn : "Ngoài Thầy, các con không làm được gì". Ta rất dễ bị cám dỗ, chiếm hữu Lời Người, dùng Lời Người để tự mình hướng dẫn đời sống muốn, để tự ta thấy trước những hoa trái ta muốn có… Thực ra, nếu ta là những môn đệ đích thực, thì chính Lời Đức Giêsu sẽ nắm lấy ta, sẽ cắt tỉa ta. Khi ấy, cuộc đời ta sẽ biến đổi, nhựa sống của cây nho thật sẽ căng phòng lên ở các cành nho của ta và sản sinh trong ta hoa trái xum xuê". (Mgr.L.Daloz trong "Chúng tôi đã thấy vinh quang của Người" DDB, trang 192. Trích dịch bởi Fiches dominicales, năm B)

* 4. Liên kết với Người

Một thầy kiện mới mở được một văn phòng luật sư khang trang lịch sự. Bỗng nghe có tiếng chân người ngoài cửa bước vào, ông vờ như không thấy. Vội nhắc ống diện thoại lên, nói thật to trong ống nghe :

- Alô, văn phòng luật sư đây.

- Vâng, từ ngày tốt nghiệp đại học đến nay, tôi đã thắng nhiều vụ kiện lớn. Các công ty danh tiếng đều nhờ cậy tôi. Tôi được rất nhiều người tin tưởng. Tuy thu nhập cao nhưng tôi luôn dành 10% cho các công việc từ thiện.

Có tiếng gõ cửa, ông quay lại, thấy người đàn bà đang đứng chờ từ nãy, ông mới lịch sự thưa :

- Xin lỗi bà, tôi có khách quý đến.

Quay lưng lại, anh hỏi người vừa bước vào :

- Anh cần gì ?

- Thưa luật sư, có phải hôm nay là ngày đầu tiên văn phòng của ngài bắt đầu làm việc ?

- Đúng thế, anh cần tôi giúp vụ kiện nào ?

- Dạ thưa không tôi là người của công ty điện thoại được cử đến để gắn đường dây điện thoại cho ngài !

*

Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại mối liên hệ của chúng ta với Chúa. "'Thầy là cây nho, các con là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sinh nhiều trái" (Ga.15,5). Đức Giêsu Phục sinh là cây nho, các tín hữu Kitô là cành. Cây và cành có chung một dòng nhựa, nên cùng một sự sống. Càng gắn bó với cây, cành càng sinh nhiều hoa trái. Nếu ngược lại cành sẽ héo tàn. Ví như đường dây điện thoại của ông luật sư, không có nối với tổng đài thì đâu có liên lạc đối thoại : không có liên lạc đối thoại thì đâu có khách hàng, lợi nhuận ! Cành chỉ giả vờ gắn liền với cây, nên làm gì có sinh hoa trái.

Cành nào đã sinh trái, càng phải sinh trái nhiều hơn. Muốn sinh nhiều trái hơn, cành cần được cắt tỉa đớn đau. Có cắt tỉa vun xới, cành mới sinh hoa kết quả. Đức Giêsu trên cây thập giá, như một thân nho trơ trụi. Đó là lúc phát sinh hoa trái nhiều hơn cả. Từ cạnh sườn Người bị đâm thấu, Giáo hội đã được sinh ra, và đơm bông kết trái dồi dào.

Mỗi người tín hữu Kitô cũng phải được cắt tỉa, vun xới bằng hy sinh đau khổ hằng ngày, mới trổ sinh hoa trái dồi dào. Niềm vui và đau khổ không nhất thiết phải khử trừ nhau. Đôi khi nó réo gọi nhau, trong những cuộc đàm thoại huyền nhiệm. Vì thế hy sinh không là bóp nghẹt cuộc đời, nhưng làm cho đời thêm triển nở tốt tươi.

Điều quan trọng là "Hãy ở lại trong Thầy" vì "Nếu không có Thầy các con không thể làm gì được" (Ga.1,5). Ở lại trong Thầy và liên kết với Thầy qua đường dây "Cầu nguyện và bí tích". Tất cả sức sống của Đức Giêsu được chuyển thông từ đó, khả năng kết trái cũng phát sinh từ đó. Đức Giêsu dạy : "Nếu các con ở trong Thầy và lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin sẽ được" (Ga.15,7).

Nếu Đức Kitô là Cây Nho đích thực, và Người Trồng Nho là chính Thiên Chúa thì chúng ta hãy là những cành nho căng nhựa sống, để dâng hiến cho đời những hoa trái tốt tươi.

* 5. Ở lại

Đoạn Tin Mừng này chỉ có 8 câu, vậy mà có tới 8 lần chữ "Ở lại".

Thử tò mò đọc lại từng lần để xem mỗi lần có ý nghĩa gì đặc biệt không :

• Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.

• Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế nếu không ở lai trong Thầy.

• Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều trái.

• Ai không ở lại trong Thầy thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo.

• Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý.

Sau đây là một số ý nghĩa mà chúng ta có thể khám phá ra được :

. "Ở lại" là gì ? Như cành nho ở lại trong cây nho à (1) Là một sự liên kết chặt chẽ đến nỗi tuy hai nhưng thành một. Cây nho và cành nho tuy một bên là "cây" một bên là "cành", nhưng cả hai đều là "nho". (2) Sự liên kết này không cần cho một bên nhưng rất cần cho bên kia. Cây nho không cần đến cành nho lắm, nhưng cành nho thì nhất thiết phải "ở lại" trong cây nho. (3) Sự liên kết phải vững bền, nghĩa là mãi mãi, không lúc nào mà không liên kết. Khi nào cành không liên kết với cây thì nó không còn là cành nho nữa mà trở thành cành củi. à Tóm lại, "ở lại" trong Đức Giêsu là điều kiện sống còn, không thể không có đối với kitô hữu.

. Ai "ở lại" trong ai ? Đức Giêsu và kitô hữu "ở lại" trong nhau. Về phía Đức Giêsu thì đương nhiên Ngài ở lại trong chúng ta rồi. Nhưng Ngài nhắc chúng ta cũng phải "ở lại" trong Ngài : "Hãy ở lại…", "Như Thầy ở lại trong anh em".

. Ích lợi của "ở lại" : được sống, sinh hoa trái, muốn gì cứ xin và sẽ được.

. Tai hại của "không ở lại" : bị quăng ra ngoài, khô héo, không thể sinh trái.

. Làm thế nào để "ở lại" trong Đức Giêsu ? ghi nhớ và thực hành Lời Ngài.

Đức Giêsu là cây nho, chúng ta là cành, cành nào liền với cây mới sinh hoa trái, và cành nào được cắt tỉa lại càng sinh nhiều hoa trái hơn. Lạy Chúa, Đức Giêsu đã dạy chúng con phải hiệp thông với Người như cành liền cây, thì xin gì cũng sẽ được. Xin giúp chúng con đừng bao giờ lìa xa Người, để mọi lời cầu xin đều được Chúa chấp nhận.Amen.

Thánh Ca : Nếu Chúa Là


ƠN GỌI TÍN HỮU KITÔ
Cha Mark Link, S.J.

Kim Chi Ha là một thi sĩ người Nam Hàn. Trong thập niên 1980, ông bị tù chung thân bởi chế độ hà khắc của nhà cầm quyền thời bấy giờ.

Tội ác của ông là gì? Đó là tội làm thơ để phản đối cách đối xử với người nghèo của nhà cầm quyền Nam Hàn.

Giữa những thử thách cam go này, Kim Chi Ha không bao giờ mất niềm vui của một Kitô Hữu và cũng không mất tính khôi hài. Khi một quan toà tức giận cộng thêm bảy năm nữa cho bản án chung thân, ông nói khôi hài với mẹ ông, “Con phải ở tù thêm bảy năm nữa sau khi con chết.”

Mẹ của ông hoàn toàn ủng hộ ông, bà nói: “Chúa Giêsu luôn hỗ trợ người nghèo. Chúng ta, là môn đệ của Người, cũng phải hỗ trợ người nghèo và người bị chèn ép.”

Ông Kim viết một kịch bản có tựa đề The Gold-Crowned Jesus. Trong đó, một người cùi tìm thấy Đức Giêsu bị đau yếu và bị đau khổ ở trong tù. Sau khi bình tĩnh lại, người này hỏi Đức Giêsu:
“Sao ngài ở trong tù? Sao ngài không dùng quyền năng thần thánh để giải thoát chính mình và tiêu diệt sự dữ trong thế gian này?”

Đức Giêsu đã làm ông ngạc nhiên khi trả lời: “Sức mạnh của thầy thì không thể giải thoát chính mình, cũng không thể tiêu diệt sự dữ trong thế gian. Chỉ có một cách thầy có thể thi hành những điều này: Đó là những người như con. Với những người như con, thầy có thể thi hành mọi sự. Nếu không có những người như con, thầy không thể làm gì được.”

Những lời của Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng khi Người còn sống ở thế gian, Người giảng dạy và chữa lành người ta qua các chi thể của thân xác hữu hình của Người. Đức Giêsu dạy bảo và chữa lành người ta qua chính môi miệng, bàn tay bằng xương thịt.

Nhưng trong thời đại ngày nay, Chúa Giêsu dạy bảo và chữa lành không qua các chi thể của thân xác hữu hình của Người, nhưng qua các chi thể của thân thể mầu nhiệm của Người, là Hội Thánh. Chúng ta là chân tay, là miệng của thân thể mầu nhiệm của Đức Giêsu.

Điều này khiến Thánh Têrêsa Avila nói với tín hữu thời ấy rằng: Quý vị chính là đôi tay mà qua đó Chúa Giêsu có thể thi hành công việc của Người… Quý vị chính là đôi mắt mà qua đó lòng thương của Chúa Giêsu được chiếu toả trên thế giới nhiều hỗn loạn.

Những lời của Chúa Giêsu trong bản kịch của ông Kim và lời của Thánh Têrêsa Avila rất thích hợp với bài Phúc Âm hôm nay. Trong đó, Chúa nói với chúng ta: “Thầy là cây nho, các con là cành. Những ai ở trong thầy, và thầy ở trong họ, sẽ sinh nhiều hoa trái; vì các con không thể làm gì được nếu không có thầy… “Sự vinh quang của Cha thầy được tỏ lộ khi các con sinh nhiều hoa trái; và đây là cách các con trở nên môn đệ của thầy.” Gioan 15:5-8.

Điều này nêu lên một câu hỏi nghiêm trọng: Chúng ta phải kết hợp với Chúa Giêsu như thế nào để có thể sinh nhiều hoa trái?

Chúng ta có thể thi hành điều này theo ba cách đặc biệt. Trước hết, chúng ta thi hành điều này bằng cách quy tụ vào mỗi Chúa Nhật trong danh thánh của Chúa, như chúng ta đang thi hành bây giờ. Thứ hai, chúng ta thi hành điều này bằng cách lắng nghe lời Chúa, như chúng ta đang thi hành bây giờ. Thứ ba, chúng ta thi hành điều này bằng cách lãnh nhận Mình và Máu Chúa, như chúng ta sẽ thi hành trong giây lát.

Hãy nhìn đến từng phương cách một.

Trước hết, chúng ta quy tụ trong danh thánh Chúa. Đức Giêsu nói với các môn đệ, “Ở đâu có hai hay ba người quy tụ trong danh thầy, thầy ở đó với họ”. Mátthêu 18:20

Khi chúng ta quy tụ thành một cộng đoàn, như chúng ta đang thi hành bây giờ, chính Chúa Giêsu hứa rằng Người sẽ ở với chúng ta, hỗ trợ và thêm sức cho chúng ta. Điều đó đưa chúng ta đến cách thứ hai: lắng nghe lời Chúa. Đức Giêsu nói với các môn đệ, “Ai lắng nghe các con là lắng nghe thầy.” Luca 10:16

Khi chúng ta nghe Phúc Âm và sự dẫn giải, Chúa Giêsu hứa rằng đó là lắng nghe Chúa, để chúng ta được phấn khởi và soi sáng. Chúa nói với các môn đệ, “Ai lắng nghe các con là lắng nghe thầy.” Luca 10:16

Sau cùng, về việc ăn và uống Mình và Máu Chúa, Đức Giêsu nói: “Ai ăn thịt ta và uống máu ta thì sống trong ta, và ta ở trong người ấy” Gioan 6:56

Khi chúng ta thi hành điều này, Chúa Giêsu hứa với chúng ta rằng Người ở với chúng ta, chia sẻ chính sự sống của Người cho chúng ta.

Điều này đưa chúng ta đến những lời của Chúa Giêsu trong Phúc Âm hôm nay:
“Thầy là cây nho, các con là cành. Những ai ở trong thầy, và thầy ở trong họ, sẽ sinh nhiều hoa trái; vì các con không thể làm gì được nếu không có thầy.” Gioan 15:5

Trên thực tế, Chúa Giêsu nói rằng nếu chúng ta muốn trở nên người mà Chúa Cha có ý định cho chúng ta, chúng ta phải kết hợp với Người. Một thí dụ sẽ minh hoạ điều này.

Cuốn phim La Dolce Vita mở đầu với một bức tượng Chúa Giêsu được chiếc trực thăng kéo ngang bầu trời nước Ý. Đằng sau đó là một chiếc trực thăng khác chở một văn sĩ có tên là Marcello. Marcello lớn lên trong một gia đình đạo đức ở một làng nhỏ nước Ý. Khi là thanh niên, anh lên thành phố, ở đây anh đã từ bỏ đức tin. Tuy nhiên, thay vì tìm thấy những mãn nguyện, anh chỉ tìm thấy sự trống rỗng.

Cuốn phim chấm dứt với cảnh Marcello đứng ở bờ biển, nhìn xuống một con cá chết và ngẫm nghĩ. Tách khỏi biển, con cá phải chết. Thông điệp của Marcello rất rõ: Anh cũng đang chết. Anh đang chết một cái chết tệ hại nhất, cái chết tinh thần, vì tách rời khỏi Chúa Giêsu.

Và điều đó đưa chúng ta trở về với từng người ở đây.

Nếu chúng ta không kết hợp với Chúa Giêsu, chúng ta cũng sẽ phải chết, giống như con cái bị tách khỏi biển cả. Chúng ta sẽ phải chết, giống như Marcello bị tách biệt khỏi Chúa Giêsu. Chúng ta sẽ phải chết, giống như cành bị cắt khỏi thân cây.

Và phương cách chính yếu để chúng ta kết hợp với Chúa Giêsu là thi hành những gì chúng ta đang thi hành bây giờ.

Trước hết, qua việc quy tụ vào mỗi Chúa Nhật trong danh thánh Chúa, như chúng ta đang làm bây giờ. Thứ hai, chúng ta thi hành điều này bằng cách lắng nghe lời Chúa, như chúng ta đang thi hành bây giờ. Thứ ba, chúng ta thi hành điều này bằng cách lãnh nhận Mình và Máu Chúa, như chúng ta sẽ thi hành trong giây lát.

Nếu chúng ta thi hành điều này, chúng ta sẽ chu toàn mục đích mà chúng ta được dựng nên. Chúa Giêsu diễn tả điều đó theo phương cách này: “Sự vinh quang của Cha thầy được tỏ lộ khi các con sinh nhiều hoa trái.” Gioan 15:8

Thánh Ca : Tình Con Yêu Chúa


CÂY NHO VÀ CÀNH NHO
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Tôi tin là hầu hết các bạn đã nghe lời nói diễn tả “người đó có ngón tay mầu xanh” (green thumb). Nói thế có nghĩa là nói về một người, bởi lý do nào đó, họ rất lành nghề trong việc trồng hoa và các loại cây kiểng, họ thật mát tay. Mẹ tôi là một trong những người như thế. Tôi thường nghĩ là nếu mẹ tôi cắm cái cây quất trái banh xuống đất thì nó cũng nở hoa. Tôi nhớ một hôm đang đứng ở ngoài nhà với một vài người khác và nói với họ là mẹ tôi có “ngón tay xanh.” Đứa cháu gái của tôi cũng đứng ở đó, nó còn nhỏ. Cháu nhỏ chạy đến với mẹ tôi và nói, “Bà nội cho con xem ngón tay của bà nội đi.” Sau đó nó quay trở lại nói với tôi, “Ngón tay của bà đâu có xanh.’ Nhưng mẹ tôi thực là có “ngón tay xanh.” Hàng năm vào mùa này, bà thường làm việc nhiều ở ngoài vườn và cắt tỉa các cụm hoa hồng và những cây khác. Bà ra vườn và nhìn thấy những cành lá héo là cắt đi ngay. Một lần tôi thấy bà cắt đi một cành lớn mọc ra từ cụm hoa hồng. Cành hồng nhìn có vẻ tươi khỏe và là một phần lớn của cụm hồng. Tôi hỏi, “Tại sao mẹ lại cắt cái cành đó đi?” Bà trả lời, “Bởi vì cành đó được gọi là “bú mút.” Nó chỉ ăn hại chất bổ từ thân cây và béo mập ra mà không trổ bông, nó chẳng sản xuất được gì.”

Trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta được nói cho biết chúng ta phải liên kết với Đức Giêsu Kitô bởi vì ngài là cây nho và chúng ta là ngành. Chúng ta thấy có những cành chết khô và cần phải được cắt bỏ. Họ đã tách rời khỏi thân của Đức Kitô; họ đã chối bỏ các giáo huấn của Đức Kitô và chết trong linh hồn, và trong tinh thần. Họ đã trở nên những người lang thang trên đời và chắc chắn là không hạnh phúc trong tương lai bởi vì họ là những cành không đơm hoa kết trái. Còn có những cành vẫn nằm trong thân thể của Giáo Hội. Họ bám giữ dính liền với thân nho nhưng không đơm hoa kết trái. Họ giống như những cành “bú mút” dính liền với thân cây nhưng chẳng làm gì cả. Họ chỉ lo phát triển cho bản thân.

Chúng ta cần để tâm đến chính bản thân mình là những thành phần của Thân Thể Đức Kitô. Chúng ta gắn liền với Giáo Hội, và là những người lãnh nhận ơn cứu chuộc của Đức Kitô, các bí tích Ngài ban cho chúng ta. Nhưng chúng ta có sinh hoa trái không? Có phải chúng ta chỉ lãnh ơn từ Thiên Chúa và không làm gì cho Chúa? Một quan tâm lớn chúng ta phải để ý trong đời sống Giáo Hội đó là: “Chúng ta làm gì để sinh hoa trái?” Chúng ta đi lễ Chúa Nhật hàng tuần, lãnh các bí tích, đón nhận ơn thánh. Tuy nhiên có bao nhiêu người thực sự làm điều gì tích cực xây dựng thân thể của Đức Kitô, dạy và làm gương sáng, tham gia, tình nguyện, giúp đỡ người khác? Hầu hết là họ chỉ nhận và rước Mình Thánh Chúa Kitô. Nếu chúng ta chỉ làm có như thế, thì chúng ta không sinh hoa trái. Chúng ta phải tham gia vào đời sống của Đức Kitô và đời sống đó phải sinh nhiều hoa trái, giống như Đức Kitô đã làm. Nó phải sinh lợi, không những chỉ cho bản thân, nhưng cho những người khác nữa. Chúng ta phải sinh hoa trái.

Trong thư Thánh Gioan ở bài đọc thứ hai hôm nay, chúng ta được nhắc nhủ rằng chúng ta có thể biết chắc Thiên Chúa ở với chúng ta, và chúng ta sẽ lãnh nhận từ nơi ngài bất cứ điều gì chúng ta cầu xin bởi vì chúng ta tuân giữ giới răn của Ngài và làm những điều hài lòng Ngài. Chúng ta tuân giữ các giới răn bằng việc yêu thương nhau. Những người tuân giữ các giới răn của Chúa thì ở trong Chúa và Chúa ở trong họ. Điều này làm Thiên Chúa hài lòng.

Không thể đủ để nói chúng ta là những người Công Giáo, nói “Lạy Chúa, lạy Chúa.” Như thế chưa đủ. Chúng ta cần phải yêu mến Thiên Chúa với tất cả tấm lòng và linh hồn mình, chúng ta phải bày tỏ ra là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và như thánh Gioan nói, “Cách chúng ta bày tỏ ra là chúng ta yêu mến Thiên Chúa đó là chúng ta tuân giữ các giới răn.” Chúng ta phải làm chứng cho Đức Kitô, chúng ta phải hiểu biết Đức Kitô qua việc liên kết với ngài trong thánh thể của Ngài là Giáo Hội. Chúng ta phải sinh hoa trái, nhưng chúng ta chỉ sinh hoa trái nếu chúng ta liên kết với Ngài. Chúng ta không thể chỉ là người rút những ơn của Thiên Chúa ban và giữ lấy cho mình bởi vì làm như thế là chúng ta trở nên giống như những cành “bú mút” mọc ra từ thân cây mà chẳng sinh lợi gì, chỉ bú, hút, rút tỉa và lấy đi sức sống từ thân thể.

Trong Giáo Hội ngày nay nhiều người xưng nhận họ là thành phần của Giáo Hội, nhưng lại bất đồng điều này điều nọ và có thể chối bỏ một số tư tưởng hay quan niệm. Họ tiếp tục bám víu vào Thân Thể của Đức Kitô, nhưng không sinh hoa trái nào. Bổn phận của chúng ta là nhận biết Thiên Chúa và học hiểu các giáo huấn của ngài, tuân giữ các giới răn, lấy những ơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta và đưa nó vào thế giới của mình, nhờ đó chúng ta có thể là những cành cây và những người mang hoa trái của Thiên Chúa.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn.Amen.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét