Trang

Thứ Bảy, 14 tháng 4, 2012

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh ( ngày 15/04/2012 )



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh:


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng "Lễ Chúa Nhật Thứ II Phục Sinh " của Giám Mục Phê Rô Nguyễn Khảm.



CÁC MÔN ĐỆ VUI MỪNG VÌ NHÌN THẤY CHÚA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

* 1. Đấng chữa lành vẫn còn mang thương tích

Khi hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu phục sinh vẫn còn mang những thương tích của cuộc thụ nạn. Điều này có ý nghĩa gì? Câu chuyện sau đây có thể cung cấp vài tiêu điểm giúp chúng ta tìm hiểu.

Chuyện kể về một góa phụ lao động ở thành phố New York. Trong khoảng thời gian 6 năm, bà đã chứng kiến cảnh 3 đứa con của mình bị bắn chết, đứa nhỏ nhất bị bắn ngay trước cửa nhà bà. Những cảnh ấy đã để lại một vết thương sâu đậm trong lòng bà, và vết thương ấy cứ như sống lại làm bà nhức nhối mỗi lần bà nghe tin có một ai đó bị giết chết. Tuy nhiên bà không để mình bị trói buộc trong nỗi sợ hãi. Trái lại bà tìm cách đến với người khác. Bà đi diễn thuyết khắp nơi và trở thành một nhà hùng biện tranh đấu cho việc kiểm soát vũ khí. Bà lập một hiệp hội gồm những phụ nữ cùng hoàn cảnh với Bà. Mỗi khi có một đứa con bị giết chết, bà đến thăm và an ủi cha mẹ chúng. Bà cho biết ban đầu bà ước sao cho những đứa trẻ vô tội ấy đừng sinh ra còn hơn. Nhưng bây giờ thì bà nói: "Hẳn nhiên trong cái chết của chúng có một nỗi buồn phiền, thế nhưng cũng có một niềm vui không thể tin được. Nếu tôi đã không có 3 đứa con bị giết thì tôi đã không là một con người như hôm nay. Chúng giúp tôi mạnh mẽ, chúng giúp tôi sống không ích kỷ". Khung cửa nhà bà vẫn còn lại những vết đạn đã bắn chết đứa con út của bà. Tuy nhiên bà không cho sửa lại khung cửa ấy. Tại sao? Bà nói "Tôi muốn những lỗ đạn ấy còn mãi ở đấy để nhắc cho mọi người nhớ là có người đã bị giết chết ngay chỗ ấy. Nếu sửa lại thì người ta sẽ quên".

"Khi sửa lại thì người ta sẽ quên". Có lẽ đó là lý do tại sao Chúa Giêsu phục sinh vẫn giữ lại những vết thương của cuộc chịu nạn. Trước hết, những vết thương ấy giúp các môn đệ nhận ra Ngài: Đấng hôm nay chiến thắng sự dữ vẫn là một với Đấng hôm trước đã chịu nạn chịu chết để nhờ đó Thiên Chúa chiến thắng cái chết. Thứ hai, những vết thương ấy là bằng chứng tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu không chỉ nói suông về tình yêu, Ngài đã chịu đau khổ để làm chứng cho tình yêu. Đó là những thương tích mà Người mục tử chịu đựng để bảo vệ đàn chiên yêu quý của mình.

Chúa Giêsu không dấu những thương tích. Ngài cho Tôma thấy và mời ông chạm vào. Khi Tôma chạm vào đấy, nỗi hoài nghi của ông tan biến và đức tin của ông sống lại.

Những thương tích thánh thiện của Chúa Giêsu là nguồn an ủi, nguồn can đảm và nguồn hy vọng của chúng ta. Chúng giúp ta chịu đựng đến cùng những thương tích của chúng ta. Chúng bảo ta đừng sống ích kỷ. Nhờ những thương tích của Ngài, chúng ta được chữa lành khỏi chứng bệnh tự thương xót mình và mặc cảm là nạn nhân.

Người ta có khuynh hướng che giấu những thương tích vì nghĩ rằng người khác mà thấy được sự yếu ớt của mình thì sẽ không còn kính trọng mình. Tuy nhiên những kẻ dám cho người khác biết những cuộc chiến đấu của mình thì sẽ là một nguồn an ủi cho người khác. (FM)

* 2. Tần số tình yêu

Người cha dắt đứa con nhỏ đi dạo ngang qua một đài phát thanh của thành phố. Đứa bé chỉ ngọn tháp cao vút hỏi người cha:
- Ba ơi! Cái tháp đó để làm gì vậy?

Người cha giải thích:
- Con ạ! Đó là ăng-ten của đài phát thanh, hàng giây hàng phút nó phát đi những tin tức, âm nhạc và các chương trình hữu ích cho đại chúng.
- Nhưng thưa ba, con có nghe thấy gì đâu!
- Muốn nghe được những thông tin và các chương trình bổ ích đó, con chỉ cần có một cái máy thu thanh thật tốt, mở đúng tần số là con sẽ nghe rõ ràng, như cha con mình đang nói chuyện với nhau đây!

*

Chiều Phục Sinh đầu tiên, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, vắng mặt Tôma, một con người thực tế, muốn kiểm chứng bằng mắt thấy, tai nghe, tay sờ thì mới tin. Tám ngày sau, Đấng Phục Sinh lại hiện ra với các ông, có cả Tôma. Người gọi đích danh ông: "Tôma, hãy nhìn xem tay Thầy, hãy đặt ngón tay vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin" (Ga 20,27). Ông chỉ còn biết run sợ mà thưa với Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con" (Ga 20,28).

Tại sao Gioan chỉ cần nhìn thấy ngôi mộ trống và tấm khăn liệm xếp gọn gàng là ông đã tin Thầy sống lại, còn Tôma đã được các môn đệ làm chứng Thầy đã phục sinh mà ông lại không tin. Vậy điều khác nhau cơ bản giữa Gioan và Tôma chính là chiếc máy thu thanh của Tôma không mở đúng tần số. Đó là tần số tình yêu, tần số của con tim. Tôma đòi phải xỏ tay vào lỗ đinh ở chân tay Thầy ông mới tin; còn Gioan, không cần thấy Thầy bằng con mắt thịt nhưng bằng con mắt đức tin, con mắt tình yêu. Chính tình yêu đã khiến Gioan chạy đến mộ Thầy nhanh hơn Phêrô, chính tình yêu đã mở mắt cho Gioan nhận ra Thầy đầu tiên trên bờ biển Galilê, chính tình yêu đã làm cho ông trở nên "người môn đệ Chúa Giêsu thương mến" (Ga 21,7).

Tại sao Phêrô và Gioan đều thấy ngôi mộ trống và khăn liệm, mà Phêrô thì "rất đỗi ngạc nhiên" còn Gioan thì "ông đã thấy và ông đã tin"? (Ga 20,8). Vì thế, Phêrô phải cố gắng vượt qua những dấu chỉ khả giác để đến với niềm tin, và Tôma cũng phải vượt qua cái nhìn của giác quan để đến với cái thấy của đức tin. Nhưng Chúa Giêsu đã nói: "Phúc thay những người không thấy mà tin!" (Ga 20,29). Đó cũng chính là phần thưởng của đức tin.

Sở dĩ Gioan nhận ra sự kiện ngôi mộ trống và khăn liệm như dấu chỉ của sự phục sinh, là vì ông đã nhớ lại lời Kinh Thánh: "Ngày thứ ba, (Người) sẽ cho chúng ta chỗi dậy" (Hs 6,2) và phép lạ "ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm" (Ga 2,1). Vâng, chính Kinh Thánh sẽ soi sáng, hướng dẫn chúng ta nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong mỗi biến cố hằng ngày.

Niềm tin vào mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta hôm nay không phải là một niềm tin mơ hồ, mà là một niềm xác tín vào lời chứng chắc chắn của các Tông đồ qua Kinh Thánh. Trong bài giảng đầu tiên của ngày lễ Ngũ Tuần; Phêrô đứng chung vớt mười một Tông đồ lớn tiếng tuyên bố rằng: "Chính Chúa Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại, về điều nầy, tất cả chúng tôi xin làm chứng" (Cv 2,32). Vâng, chính sự phục sinh của Chúa Giêsu đã bảo đảm cho niềm tin của chúng ta. Thánh Phaolô viết: "Nếu Đức Ki tô đã không chỗi dậy, thì lòng tin của anh em thật hão huyền, và anh em vẫn còn sống trong tội lỗi của mình" (1Cr 15,17).

* 3. Bình an

Sau khi sống lại, mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Chúa Giêsu đều chào các ông "Bình an cho các con". Đây là lời chào thông thường của người Do thái "Shalom". Giáo hội cũng bắt chước lối chào đó, trong Thánh lễ, Chủ tế chào giáo dân "Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em", và giáo dân chào lại "Và ở cùng Cha", nghĩa là "Và cũng xin bình an của Chúa hằng ở cùng Cha". Xét ra lời chào này hơi lạ so với những kiểu chào mà chúng ta quen biết, nhưng có ý nghĩa nhiều hơn. Quả thực. Bình an là điều quý nhất mà chúng ta cần có và cũng là điều tốt nhất mà chúng ta cầu chúc cho nhau. Nhưng bình an là gì mà quý như vậy? và làm thế nào để có được bình an? Đó là điều mà chúng ta sẽ đưa vào bài Tin Mừng hôm nay để tìm hiểu.

Khi ấy các môn đệ đang sợ: Thầy đã bị bắt và bị giết chết rồi. Rất có thể tới phiên các ông cũng sẽ bị bắt và bị giết như vậy. Cho nên họ sợ, và họ trốn trong nhà đóng kín cửa lại. Rồi Chúa Giêsu hiện đến ở với họ, trò chuyện với họ, cho họ xem các vết thương, ăn uống với họ, khích lệ họ... Thế là họ không còn sợ nữa. Họ được bình an. Nhưng do đâu mà họ được bình an? Có phải là vì nguy hiểm đã qua đi rồi chăng? Thưa không, nguy hiểm vẫn còn đó, kẻ thù vẫn còn vẫn đang tìm cách hãm hại các ông. Nhưng nay họ không sợ nữa là vì họ biết đã có Chúa ở bên cạnh họ. Có Chúa bên cạnh thì mọi nguy hiểm không còn làm họ nao núng nữa. Thực ra họ chưa hoàn toàn bình an đâu. Sau khi Chúa Giêsu biến đi thì họ lại sợ, lại đóng cửa trốn. Có lần họ cũng đánh bạo cùng nhau đi đánh cá. Nhưng mới thấy có một cái bóng đen tiến đến là họ lại sợ, họ tưởng là ma. Và khi biết đó là Chúa thì họ lại hết sợ. Mãi tới khi Chúa Giêsu nói với họ trước khi về trời rằng: "Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế", thì họ mới hết sợ hoàn toàn, họ mới hoàn toàn được bình an. Kể từ đó trở đi, các môn đệ mạnh dạn ra đi rao giảng. Người ta bắt, họ cũng không sợ, người ta tra tấn, họ không sợ mà còn vui mừng vì được chịu khổ vì Thầy; người ta xử tử, họ vẫn bình an vui sướng vì được giống như Thầy.

Như vậy, Bình an tức là một sức mạnh, một nơi nương tựa, một nguồn an ủi khiến ta không nao núng sợ sệt dù phải đứng trước bất cứ gian truân nguy hiểm nào. Bình an ấy có được khi ta ý thức có Chúa vẫn ở bên cạnh mình.

Giống như một em bé. Em đang chơi vui vẻ thì trời đổ mưa lớn. Sấm chớp ầm ầm, em hoảng sợ khóc thật lâu. Nhưng mẹ em đã đến, bế em vào lòng, em cuộn mình trong lòng mẹ và ngủ thiếp đi. Sau đó dù mưa vẫn cứ rơi, sấm chớp vẫn cứ ầm ầm, nhưng em vẫn ngủ yên vì em đang ở trong vòng tay che chở của mẹ. Đó là một hình ảnh rất đẹp giúp ta hiểu thế nào là sự bình an.

Phần chúng ta, nếu chúng ta luôn ý thức có Chúa ở bên cạnh mình, và ta luôn nương tựa vào Chúa như em bé nương tựa vào mẹ nó thì chúng ta cũng sẽ luôn được bình an.

Có một gia đình nọ, nhà nghèo, lao động thật là vất vả, tính toán làm ăn rất là lo âu. Nhưng chiều về, vợ chồng con cái đều quây quần trước bàn thờ gia đình và cùng đọc kinh tối chung. Họ dâng lên Chúa những lao nhọc trong ngày, họ xin Chúa thứ tha những vấp váp lỗi lầm đã phạm, họ phó dâng cuộc sống cùng tất cả mọi âu lo cho Chúa. Sau đó họ lên giường ngủ. Bình an! Biết bao gia đình khác cũng lao động vất vả như họ, cũng lo âu toan tính như họ, nhưng các gia đình đó không có được một giấc ngủ bình an. Chỗ khác nhau là một bên có Chúa và biết sống với Chúa, còn một bên thì không.

Hay như một cụ già kia đang hấp hối, cái chết gần kề mà vẫn bình thản sẵn sàng buông tay nhắm mắt ra đi không hề sợ sệt, vì cụ già ấy biết rằng mình ra đi là ra đi trong tay Chúa. Trong khi có biết bao nhiêu người khác đối diện với cái chết mà lòng hoang mang sợ hãi, họ sợ không dám ra đi, vì họ không biết đi về đâu, họ không có Chúa cùng đi với họ.

Kinh nghiệm mà các môn đệ đã trải qua là một bài học quý giá cho chúng ta. Sau khi Chúa Giêsu bị quân thù bắt giết đi, các ông đã sợ hãi trốn kín trong phòng đóng cửa lại, sợ vì cảm thấy cô thế không có Thầy nâng đỡ. Nhiều lần chúng ta gặp cảnh túng thiếu, gian truân, hiểm nguy, chúng ta cũng sợ hãi như thế, chúng ta muốn rút lui trốn tránh, chúng ta muốn ngã lòng, là vì chúng ta không có Chúa ở với mình. Nhưng khi các môn đệ đã biết có Chúa ở bên cạnh họ, cho dù Chúa chỉ hiện diện một cách vô hình sau khi Chúa đã về trời, các ông không còn sợ nữa mà lòng luôn bình an dù phải đối diện với bất cứ hiểm nguy nào. Thì chúng ta cũng thế: Chúa hằng ở bên cạnh chúng ta nếu chúng ta ý thức được điều đó, nếu chúng ta biết tin yêu phó thác vào Chúa và làm việc gì chúng ta cũng nghĩ là có Chúa cùng làm với chúng ta thì chúng ta cũng sẽ luôn được bình an.

* 4. Bài học từ Tôma

Thật là sai lầm khi tưởng rằng tin là chuyện dễ dàng đối với những kẻ may mắn được thấy Chúa Giêsu hơn là đối với chúng ta ngày nay. Tin Mừng đã cho thấy có nhiều người đã được thấy Chúa Giêsu nhưng họ vẫn không tin. Vậy "thấy" không nhất thiết sẽ dẫn tới "tin". Muốn tin thì phải có một quyết định.

Thực thế, các sách Tin Mừng đã kể rằng ngay cả các tông đồ mà cũng gặp khó khăn trong việc tin. Tôma không phải là người duy nhất đã hồ nghi về việc Chúa Giêsu sống lại, mọi tông đồ khác cũng thế. Tin Mừng Thánh Mác cô kể rằng khi Chúa Giêsu hiện ra với họ vào buổi chiều ngày phục sinh thì Ngài đã "trách họ vì sự không tin và cứng lòng bởi họ đã không tin theo lời của những người đã từng thấy Ngài sau khi Ngài sống lại" (Mc 16,14)

Chúng ta có thể thông cảm với các tông đồ. Việc Chúa Giêsu bị đóng đinh quả là một gáo nước lạnh tạt thẳng vào mặt họ. Họ đã đầu tư rất nhiều vào Ngài. Họ đã bỏ nghề nghiệp và bỏ hết mọi sự để theo Ngài. Rồi bỗng nhiên Ngài bị giết chết. Thực tế về cái chết của Ngài càng rõ ràng bao nhiêu thì họ càng cảm thấy mất mát bấy nhiêu. Giá trị và ý nghĩa của mọi thứ đều bị đe dọa: tình thân với Ngài, niềm tin vào Ngài, và cả cuộc đời của họ nữa.

Đang lúc đó thì một chuyện không thể tin được xảy ra: đột nhiên họ nhìn thấy Ngài đang đứng ở giữa họ. Việc đầu tiên Ngài làm là chỉ cho họ thấy các vết thương của Ngài. Tại sao Ngài làm thế? Thứ nhất là vì những vết thương ấy giúp họ nhận dạng được Ngài, xác định Ngài vẫn là người trước đó đã bị đóng đinh. Thứ hai là những thương ấy là bằng chứng rằng Ngài yêu thương họ, một tình yêu chứng tỏ bằng hành động. Kế đó Chúa Giêsu mời họ hãy xem và hãy sờ vào những vết thương ấy.

Thái độ của Tôma rất đáng làm gương cho chúng ta. Đó là một thái độ thẳng thắn vì không dấu diếm nỗi hồ nghi của mình. Hồ nghi thường là dấu chỉ của sự yếu kém. Khi chúng ta hồ nghi ai thì đồng thời chúng ta cảm thấy như mình có lỗi với người ấy. Tuy nhiên hồ nghi cũng có thể là một bước khởi đầu tốt, dẫn tới một sự hiểu rõ hơn và sâu hơn. Đây là trường hợp của Tôma: nhờ hồ nghi nên sau đó Tôma đã đạt tới một lời tuyên xưng đức tin cao nhất trong sách Tin Mừng "Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con".

Ở thế gian này, chẳng có gì là tuyệt đối chắc chắn về những sự thiêng liêng, vì nếu có thì đâu cần tới đức tin nữa. Những sự tuyệt đối chắc chắn có thể dẫn tới thái độ ngạo mạn, bất khoan dung và ngu xuẩn. "Người có đức tin mà không bao giờ cảm thấy hồ nghi thì thực ra không phải là người có đức tin" (Thomas Merton)

Mỗi cộng đoàn đều cần có một con người như Tôma, tức là con người dám đặt ra những câu hỏi mà không ái khác dám đặt ra. Người như thế là người đáng tin, người như thế còn giúp những khác trở thành những kẻ đáng tin, bởi vì người như thế giúp cho những người đang tin nhận ra đức tin của họ còn yếu kém lắm, và đồng thời cũng làm cho những kẻ hồ nghi cảm nhận được nỗi ray rứt khi không có niềm tin.

Sau khi vượt qua cơn khủng hoảng đức tin, Tôma đã mạnh dạn làm chứng cho Chúa Giêsu và trở thành một trong những vị thừa sai vĩ đại nhất của Giáo Hội sơ khai. Theo thánh truyền, ngài đã mang Tin Mừng đến các xứ Ba Tư, Syria và Ấn Độ, nơi ngài chịu tử đạo. Tôma là vị tông đồ đầu tiên chết vì đức tin.

Chúa Giêsu mời chúng ta đến gần Ngài trong đức tin và chạm vào các vết thương của Ngài. Mặc dù chúng ta không thể chạm tới Ngài một cách thể lý, nhưng chúng ta có thể đến gần Ngài một cách thiêng liêng. Chúa Giêsu cũng mời chúng ta làm chứng cho Ngài trước mặt những người khác. Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho Chúa Giêsu trở thành hữu hình trong thế giới hôm nay. Đó cũng là nhiệm vụ của các tông đồ ngày xưa. Ngày xưa khi các tông đồ đã nhìn thấy Chúa rồi thì các ông cảm thấy được thúc đẩy phải làm cho nhiều người khác cũng biết và tin vào Ngài.

Thế giới hôm nay đầy dẫy những hoài nghi và những người không tin. Cách duy nhất khiến họ tin là làm sao cho họ "thấy" được Ngài, "chạm" được Ngài nơi những môn đệ của Ngài. Thế nhưng, nếu các môn đệ của Chúa Giêsu không có những vết thương để chỉ cho người ta thấy và cho người ta chạm vào thì làm sao mà người ta tin được!

Ước gì chúng ta được ở trong số những người được Chúa Giêsu công khai chúc phúc "Phúc cho những ai tuy không thấy mà vẫn tin" (FM)

* 5. Khủng hoảng đức tin

Khủng hoảng đức tin là chuyện thường gặp. Tôma đã gặp, và Tolstoy cũng đã gặp, như câu chuyện sau đây:

Năm 1879, Tolstoy 51 tuổi. Khi đó ông có đầy đủ mọi lý do để thỏa mãn về đời mình. Ông đã viết nhiều tác phẩm, đặc biệt hai bộ "Chiến tranh và Hòa bình", và "Anna Kerenina". Những tác phẩm ấy đã khiến ông nổi tiếng và bảo đảm cho ông một vị trí nổi bật trong lịch sử văn chương thế giới. Ai cũng công nhận ông là người có thiên tài và đầy óc sáng tạo. Lẽ ra Tolstoy phải rất hạnh phúc. Thế nhưng ông lại cảm thấy bất hạnh. Ông thấy đời mình thật vô nghĩa lý. Một câu hỏi luôn ám ảnh ông: "Liệu trong dời mình có cái gì có ý nghĩa mà không bị sự chết hủy diệt đi không?". Khoảng thời gian ấy thật khủng khiếp đối với Tolstoy, đến nỗi ông đã tính đến việc tự tử. Ông đi tìm câu trả lời trong mọi lãnh vực kiến thức loài người. Ông tìm kiếm suốt ngày suốt đêm, giống như một người sắp chết đi tìm đường sống. Nhưng tìm mãi mà ông chẳng gặp gì cả.

Thế rồi ông tìm nơi những niềm tin Kitô giáo. Thực ra ông đã được sinh ra và lớn lên trong đức tin Kitô giáo nhưng ông cũng đã bỏ nó từ lâu, lý do là ông thấy nó quá vô nghĩa trong môi miệng những người sống ngược hẳn với đức tin của họ. Tuy nhiên cũng chính đức tin ấy lại thu hút ông khi ông nhìn những tín hữu sống đức tin ấy. Ông viết: "Tôi đã nghĩ rằng chẳng có sự thật chắc chắn nào trong đời. Nhưng rồi tôi đã tìm thấy một nguồn sáng chắc chắn, ấy là Tin Mừng. Tôi đã loá mắt vì sự sáng ngời của Tin Mừng. Những lời dạy của Chúa Giêsu quả thực là một giáo huấn tinh tuyền nhất và trọn vẹn nhất cho đời sống. Từ 2000 năm nay, những lời dạy cao quý ấy đã tác động lên biết bao người một cách tuyệt vời không thể tìm được nơi bất cứ ở nào khác. Từ đó một ánh sáng đã bừng chiếu trong tôi và quanh tôi, và ánh sáng ấy không bao giờ rời xa tôi nữa".

Có nhiều người được sinh ra trong đức tin, và trải qua bao năm tháng đức tin ấy vẫn cứ vững mạnh. Thật là một ơn ban vô cùng quý giá. Nhưng cũng có nhiều người mà đức tin luôn là một cuộc chiến đấu liên lỉ. Họ phải trải qua những cơn khủng hoảng đức tin rồi mới có được một đức tin sâu sắc và xác tín.

Nói cách lý thuyết, chỉ có đức tin mới trả lời được cho những câu hỏi sâu xa về cuộc đời. Nhưng trên thực tế, chúng ta không nên hy vọng rằng đức tin sẽ giải quyết hết mọi vấn đề của chúng ta. Không phải chỉ vì chúng ta tin mà chúng ta có được mọi câu trả lời. Tuy nhiên chúng ta đâu cần biết hết mọi câu trả lời, vì tin là tín nhiệm chứ không phải là chắc chắn.

Câu chuyện của văn hào Tolstoy giúp chúng ta nhận thức rằng đức tin được chứa đựng trong một chiếc bình dễ vỡ như thế nào. Nó cũng giúp ta hiểu thêm rằng đức tin kitô giáo chủ yếu không phải là tin vào một mớ giáo điều, mà là tin vào một Đấng đã yêu thương chúng ta - những thương tích của Ngài chứng tỏ điều đó. Hơn nữa, Thánh Kinh còn cho ta biết điều quan trọng không phải là niềm tin chúng ta đặt vào Thiên Chúa mà là niềm tin mà Thiên Chúa đặt vào chúng ta. (FM)

* 6. Chuyện minh họa

Có một vị hoàng đế kia trị vì một đất nước giàu có hùng mạnh. Nhưng tâm hồn ông không thoải mái an vui vì ông luôn bị ray rứt bởi những tội lỗi tàn bạo đã phạm trong thời quá khứ. Một hôm ông bỏ hoàng cung đi vào rừng, cất một túp lều đơn sơ. Trong rừng có một vị ẩn sĩ. Nhà vua tìm đến và nói: "Thưa Ngài, tôi muốn từ bỏ kinh thành ồn ào náo nhiệt vào đây để tìm được một sự bình an như Ngài đang hưởng". Ẩn sĩ đáp: "Tâu đức vua, ở đây cũng không hơn gì nơi khác, vì bình an phải ở trong lòng người". Nhà vua trở về lều mình. Khi thì quỳ gối tha thiết đọc kinh, khi thì thơ thẩn trong rừng, chỉ ăn lương khô và uống nước lã. Chiều đến nhà vua mệt lả ngả mình xuống đất có trả một mớ lá khô. Nhưng suốt đêm cứ trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau ông tìm đến vị ẩn sĩ: "Thưa ngài, lương tâm tôi cắn rứt làm tôi không ngủ được. Xin ngài nghe lời thú tội của tôi". Ẩn sĩ đáp: "Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền tha tội thôi". Nhà vua cãi: "Nhưng tôi không nghe được tiếng Chúa". Ẩn sĩ trả lời: "Tiếng Chúa chỉ nghe được trong thinh lặng, mà thinh lặng chỉ có ngay trong lòng ta. Người nào chỉ biết kêu cầu than rên rỉ mãi mà không biết thinh lặng lắng nghe thì sẽ không nghe được tiếng Chúa". Nhà vua trở về. Vài hôm sau ông đến chào vị ẩn sĩ: "Tôi đã nghe lời ngài, tôi không kêu than rên rỉ nữa mà tập thinh lặng lắng nghe, và tôi đã được nghe tiếng Chúa. Nhưng đó không như tiếng loài người, tôi chỉ nhận thấy như một cảm xúc êm dịu là lỗi lầm của tôi đã được tha thứ. Xin cám ơn ngài, hôm nay tôi sẽ trở về triều đình".

Vài năm sau nhà vua lại trở vào rừng, và cũng tìm đến vị ẩn sĩ: "Thưa ngài không bao giờ tôi quên được tâm trạng an bình khi sống trong rừng này. Hôm nay tôi muốn trở lại đây ít lâu để cầu xin Chúa cất bớt những gánh nặng mà hằng ngày tôi phải vác". Ẩn sĩ đáp: "Tâu Bệ Hạ, khi chúng ta phàn nàn với Chúa về các gánh nặng của mình thì cách đáp ứng tốt nhất của Chúa là không phải cất những gánh nặng đó đi, nhưng là tăng cường đôi vai của ta để ta có thể vác nổi những gánh nặng đó". Nhà vua thắc mắc: "Nhưng làm sao biết được Chúa đang tăng cường sức mạnh cho ta?" Ẩn sĩ: "Bao lâu ta còn dãy dụa chiến đấu thì ta chưa nhận biết được điều đó. Cần phải thinh lặng, ngưng chiến đấu mà chờ đợi sự trợ giúp của Chúa thì khi đó ta mới cảm thấy được bàn tay uy quyền của Chúa đang giúp sức cho ta". Nhà vua cám ơn lui về. Vài ngày sau trở lại chào biệt vị ẩn sĩ: "Thưa ngài tôi đã cảm nghiệm rằng Đấng đã làm cho cỏ cây xanh tốt và nuôi nấng chim trời cũng đang dang tay tăng sức mạnh cho đôi vai tôi. Xin cám ơn ngài và chào ngài".

Thế là nhà vua trở về triều đình. Mấy năm sau ông lâm trọng bệnh, sai người đi mời vị ẩn sĩ đến. Khi ẩn sĩ đến, nhà vua nói: "Thưa ngài đã hai lần ngài giúp tôi tìm thấy bình an. Bây giờ là lần thứ ba mà cũng là lần chót, vì tôi sắp từ giã cõi đời này". Ẩn sĩ hỏi: "Bệ Hạ có còn nhớ cái ngày mà cơn khủng khiếp đầu tiên rời xa Bệ Hạ?" Vua đáp: "Không bao giờ tôi quên, đó là ngày tôi biết lắng nghe tiếng Chúa trong thâm tâm". Ân sĩ hỏi tiếp: "Bệ hạ còn nhớ cái ngày mà cơn khủng khiếp thứ hai rời xa Bệ Hạ không?" Nhà vua đáp: "Cũng không bao giờ quên, đó là ngày tôi biết chờ đợi trong thinh lặng ơn Chúa đến tăng sức cho tôi". Ẩn sĩ bây giờ cao giọng: "Tâu Bệ Hạ, Bệ Hạ đã được nghe tiếng Chúa, Bệ Hạ đã được thấy bàn tay Chúa tăng sức cho Bệ Hạ. Bây giờ Bệ Hạ sắp được chiêm ngưỡng Chúa". Nhà vua sung sướng như đang mơ: "A, tôi sẽ được chiêm ngưỡng Chúa. Nhưng làm sao được?" Ẩn sĩ giải thích: "Chỉ khi ở trong yên lặng tuyệt đối, khi cái nhìn của chúng ta không còn nhìn vào cõi đời đầy những sầu thương tang tóc, không còn ngó nhìn về những tương lai với những ước mơ hay sợ sệt, không còn ngó vào bên trong mình để ngắm chính cuộc đời mình, mà chỉ nhìn về hướng duy nhất là Chúa thôi, thì khi ấy chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng Chúa". Nhà vua thì thầm: "Yên lặng tuyệt đối. Người ta có thể yên lặng tuyệt đối không?" Ẩn sĩ đáp: "Ở đời này thì không. Nhưng trong sự chết thì được". Nhà vua sung sướng thì thầm: "Thế thì tôi muốn chết". Và ông sai sứ giả đi khắp nơi trong nước ra lệnh cho thần dân đừng cầu nguyện cho ông khỏi chết nữa. Còn trong phòng của nhà vua thì cả ngày hôm đó rất yên tĩnh. Khi bình minh ló rạng thì nhà vua ra đi an bình. Cái nhìn của ông như chìm vào một cõi xa xăm, một nụ cười tươi sáng rạng ngời trên gương mặt của nhà vua. Ông đã chiếm hữu được sự an bình vĩnh cửu (Vị Ẩn sĩ)

* 7. Thơ Tagore

"Vào hôm thần chết đến gõ cửa, anh sẽ lấy gì biếu hắn hở anh?

Ồ, tôi sẽ đặt trước mặt khách cốc rượu đời mình tràn đầy, tôi sẽ chẳng chịu để khách ra đi tay không.

Lúc năm tháng đời tôi khép lại, khi thần chết đến gõ cửa mời đi, tôi sẽ đặt trước hắn tất cả trái nho thơm dịu của những ngày mùa thu, những đêm mùa hè, những gì kiếm được, những gì chắt chiu trong suốt cuộc đời cực nhọc.

Ôi thần chết, ngươi làm cuộc đời tràn đầy lần cuối. Thần chết của ta ơi, hãy lại và thì thầm cùng ta chứ (...)

Tôi biết ngày ấy thế nào cũng đến, lúc tôi nhắm mắt thôi không nhìn trái đất này, rồi cuộc đời sẽ thầm lặng ra đi, kéo manh che kín mắt tôi lần cuối (...)

Khi tôi nghĩ đến phút giây cuối cùng ấy (...) nhờ ánh sáng lâm chung tôi thấy thế giới Ngài trần trề châu ngọc. Ở đó, chỗ nương thân tầm thường nhất cũng thú vị, ở đó cuộc đời hèn mọn nhất cũng thơm tho (...)

Tôi đã được phép giã từ. Chúc tôi ra đi may mắn nhé, anh em! Tôi cúi đầu chào tất cả trước khi lên đường!"

Đức Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Chúng ta hãy tôn vinh Người và dâng lời cầu xin : Lạy Chúa Giêsu, sau khi Phục sinh vinh hiển, Chúa đã hiện ra cho các tông đồ được thấy tỏ tường. Xin củng cố niềm tin còn quá yếu kém của chúng con. Amen.

Thánh Ca : Cho Con Vững Tin


LẠY CHÚA CON và THIÊN CHÚA CỦA CON
Cha Mark Link, S.J.

Một bác sĩ chuyên giải phẫu bàn tay, trong một bài báo được phát hành trên toàn quốc, ông viết rằng trong mọi cuộc giải phẫu, ở một điểm nào đó, ông đã phải kêu lên, "Lạy Chúa con và Thiên Chúa của con!"

Câu chuyện đằng công việc giải phẫu bất thường này được phát xuất trong thời gian ông ở Việt Nam .

Một tối kia, sau khi mới tốt nghiệp y khoa, ông được gọi đến để lấy một viên đạn từ tay một người lính. Đã vậy, ông phải thi hành điều đó dưới ánh sáng của đèn pin. Cuộc giải phẫu ấy đã làm ông cảm động đến nỗi, sau cuộc chiến, ông quyết định chuyên ngành giải phẫu bàn tay.

Vì sự chuyên môn này, nhà phẫu thuật rất thấu hiểu sự đau đớn khủng khiếp gây nên bởi vật gì đó, tỉ như viên đạn, xuyên xé qua xương, bắp thịt, và các thần kinh của bàn tay.

Ông nói cứ mỗi lần ông nghĩ về sự đau đớn khủng khiếp mà Chúa Giêsu phải chịu khi bị đóng đinh trên thập giá thì ông phải nhăn mặt.

Nói về bài phúc âm hôm nay, vị bác sĩ cho biết ông nghĩ rằng lời kêu than của Thánh Tôma, "Lạy Chúa của con và Thiên Chúa của con," không chỉ là một lời tuyên xưng đức tin, mà đó còn là lời sửng sốt bàng hoàng khi thấy các bàn tay của Chúa Giêsu bị xé nát và sứt sẹo biết chừng nào.

Chỉ lúc bấy giờ Thánh Tôma mới thực sự nhận thức được sự đau đớn mà Chúa Giêsu đã chịu trên thập giá. Và sự khám phá đó, vị bác sĩ nói, "vượt quá mức chịu đựng của Thánh Tôma."

Vị bác sĩ này chấm dứt bài viết thật xúc động với lời chứng sau: "Mỗi lần tôi giải phẫu và nhìn vào bên dưới lớp da... của bàn tay con người, tôi được nhắc nhở rằng Đức Kitô đã hy sinh bàn tay lành lặn của Người vì tôi. Và, cùng với Thánh Tôma, tôi nói, 'Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con.'" Dr. C. Scott Harrison, Guideposts (April 1985)

Tôi thích câu chuyện này vì nó dẫn chúng ta về một điểm đức tin mà chúng ta thường hay quên. Điểm đó là:

Mỗi người chúng ta phải đạt đến mức độ trực tiếp tin vào Chúa Giêsu . Chúng ta không thể tin chỉ vì bạn hữu chúng ta tin. Phải, đức tin của họ giúp đỡ chúng ta, nhưng điều đó chưa đủ. Chúng ta phải đạt đến mức độ trực tiếp tin vào Chúa Giêsu, giống như vị bác sĩ đã làm trong câu chuyện trên, và cũng như Thánh Tôma đã làm trong phúc âm hôm nay.

Và vì thế, hãy xem đến một vài trường hợp ngắn gọn của một số người, giống như chúng ta, đã đạt đến mức độ trực tiếp tin vào Chúa Giêsu.

Tác giả Robert Cleath được dẫn đến sự tin tưởng khi chiêm niệm về sự biến đổi không thể tin được đã xảy ra nơi các môn đệ của Chúa Giêsu vào ngày Phục Sinh.

Trước Phục Sinh, họ vỡ mộng, tiêu tan hy vọng. Sau Phục Sinh họ biến đổi một cách lạ lùng. Ngay cả họ được sức mạnh để làm phép lạ. Ông Cleath nói: "Không một giải thích nào đủ lý lẽ để giải thích về sự biến đổi đời sống của họ ngoại trừ chính họ: họ đã thấy Đức Giêsu... còn sống."

Ông Blaise Pascal, một thiên tài toán học, đã phải tin khi suy niệm về dữ kiện sau, đó là không có sự đe dọa ghê gớm nào, dù cái chết, có thể ngăn cản các môn đệ của Chúa Giêsu đừng hô lớn cho thế giới biết rằng Người đã sống lại.

Ông Pascal cho biết, ông tin rằng có những người sẵn sàng "chịu cắt cổ" vì điều họ rao giảng.

Và sau cùng, là những tù nhân ở trong trại tù bên sông Kwai. Qua những cảm nghiệm của chính họ về quyền năng của Chúa Giêsu đang hoạt động trong đời sống của họ mà họ đã phải tin.

Nên nhớ rằng các tù nhân buộc phải làm việc dưới ánh nắng gay gắt mà không được đội nón và đi chân không. Chỉ sau một vài tuần, những người vạm vỡ trở thành các bộ xương biết đi. Nhuệ khí chỉ còn là con số không. Phải thi hành một điều gì đó.

Chính vào lúc này, hai tù nhân trong trại phân chia các tù nhân khác thành nhóm nhỏ để học hỏi Kinh Thánh. Từ việc học hỏi này, các tù nhân biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại và đang ở giữa họ. Tất cả những gì họ phải làm là tìm đến với Người.

Khi các tù nhân tìm đến với Chúa Giêsu, họ cảm nghiệm được sự biến đổi lạ lùng trong đời sống của họ. Chính cảm nghiệm này đã giúp họ quỳ xuống và nói với Chúa Giêsu rằng, "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con."

Điều này giúp chúng ta nhìn lại chính con người của mình. Chúng ta cũng phải tin nơi Chúa Giêsu một cách cá biệt. Chúng ta cũng phải tìm ra lý do của riêng mình để giúp chúng ta quỳ xuống và nói với Chúa Giêsu rằng, "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con."

Chúng ta không thể ngược dòng thời gian đi vào lịch sử 2,000 năm trước với ngày Phục Sinh đầu tiên.

Chúng ta không thể đặt ngón tay vào lỗ đinh nơi bàn tay của Chúa Giêsu, như Thánh Tôma đã làm. Chúng ta không thể giải phẫu bàn tay con người, như vị bác sĩ đã làm, để qua cảm nghiệm ấy biết được sự đau khổ vô cùng mà Chúa Giêsu đã phải chịu.

Chúng ta có thể làm như các tù nhân ở sông Kwai đã làm.
Chúng ta có thể tin vào Phúc Âm.
Chúng ta có thể đến với Chúa Giêsu qua đức tin.

Từ những cảm nghiệm của riêng mình, chúng ta có thể khám phá rằng Chúa Giêsu đã sống lại ở giữa chúng ta và sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, cũng như Người đã giúp đỡ các tù nhân.

Đây là lời mời gọi mà bài Phúc Âm hôm nay đưa ra cho chúng ta.

Đây là lời mời gọi mà chính Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta khi Người nói với Thánh Tôma:

"Có phải anh tin là vì anh thấy Thầy? Phúc cho những ai không thấy mà tin!" Gioan 20:29

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô, khi Chúa Giêsu nói với Thánh Tôma, "Thật phúc cho những ai không thấy Thầy mà tin!" đó là Chúa nói với chúng ta.

Người nói với hàng tỉ người Kitô Hữu trong lịch sử rằng:
"Phúc cho các con nếu các con tin vào Phúc Âm.
Phúc cho các con nếu các con đến với Thầy qua đức tin.
Thật vậy, phúc cho các con vì các con sẽ khám phá ra điều mà các tù nhân đã làm. Các con sẽ khám phá ra rằng Thầy đã sống lại, Thầy đang sống, ngay bây giờ Thầy đang ở giữa các con, sẵn sàng để giúp đỡ các con."

Chúng ta hãy chấm dứt với một bài thơ. Một độc giả ở Cedar Rapid, Iowa , gửi cho bà Ann Landers. Bà đã in lại trong tiết mục của bà trong tờ báo ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Bài thơ gửi cho những người như chúng ta, mà trong những lúc yếu đuối, nhiều khi chúng ta bị cám dỗ nghi ngờ không biết Thiên Chúa có thực sự hiện diện hay không, và nếu Người hiện diện, không biết Người có lo lắng gì đến chúng ta không. Bài thơ viết:

"Này bạn, là người không thể di chuyển nổi một vì sao,
Không làm nổi một ngọn núi từ mặt đất,
Hoặc vẽ ra được đường nét của một hoa tuyết
Hay hiểu được sự lạ lùng của sự sinh nở,

"Này con người kiêu ngạo
bạn không thể thay đổi vũ trụ trong bất cứ phương cách nào,
Hay tạo thành một búp hoa, hay thả ra một giọt mưa
Hay tung ra một cụm mây vào ngày nắng đẹp,

"Ôi người trần tục, ngươi không thể vẽ ra cảnh hoàng hôn
Hay tạo ra cảnh bình minh le lói.
Ôi con người nhỏ bé
Ngươi không thể tạo ra dù chỉ một phép lạ,
Sao ngươi dám nghi ngờ Đấng duy nhất có thể làm được điều đó."

Vô Danh

Thánh Ca : Tình Con Yêu Chúa


HÃY TIN VÀ CÓ ĐỨC TIN
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Tất cả các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay nói về đức tin. Bài đọc thứ nhất mở đầu bằng câu: “Cộng đoàn các tín hữu chỉ có một lòng một ý . . .” Bài đọc thứ hai nói: “Ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra . . . Ai là kẻ thắng được thế gian? Người tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa là người chiến thắng thế gian.” Hãy tin và có Đức Tin.

Đức Giêsu nói với Tô-ma: Vì đã thấy thầy nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin. Bài Tin Mừng nói tiếp, “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được ghi chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa, và để nhờ tin mà được sự sống vì danh Người.”

Tất cả các bài đọc trong thánh lễ hôm này đều nói về Đức Tin, nhưng thực sự là toàn thể cuộc đời của Đức Giêsu Kitô ở trần gian là về Đức Tin. Đức Tin bảo chúng ta tin rằng Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Thế, Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, và nếu bạn là người theo Đức Giêsu Kitô, bạn sẽ tin vào Đức Giêsu Kitô và làm những điều Ngài truyền dạy.

Thánh Augustinô đã giải thích Đức Tin như sau: Đức Tin là điều chúng ta tin cho dù chúng ta không thấy. Và phần thưởng dành cho đức tin là bạn bắt đầu thấy những điều bạn tin. Nói cách khác, nếu bạn tin bởi vì bạn không thấy, bạn tin bởi vì Thiên Chúa nói cho bạn điều này. Và rồi những điều mà Thiên Chúa đã nói cho bạn, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy và hiểu ra. Bạn sẽ bắt đầu áp dụng vào đời sống của mình. Đức tin luôn dẫn đến hành động. Thánh Giacôbê, trong thư của ngài, đã nói: Đức tin không việc làm là đức tin vô dụng. Nếu bạn tin mà không hành động, thì làm sao bạn lại có thể trông mong nên môn đệ của Đức Kitô?

Nhiều khi người ta không nhận ra rằng Đức Giêsu Kitô đã đến trần gian nhờ đó chúng ta có sự sống lúc này, chứ không phải chỉ sau này, nhưng ngay bây giờ, chúng ta có thể có hạnh phúc của Đức Kitô, bình an của Đức Kitô, hạnh phúc viên mãn ở trong chúng ta, sự hiểu biết về tình thương của Đức Giêsu Kitô, tình thương của Thiên Chúa Cha, sự hiểu biết rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Đức tin đưa chúng ta tới sự sung mãn của đời sống ngay bây giờ, chứ không phải chỉ sau này. Chúng ta tin, và do đó chúng ta hành động. Chúng ta thực hành, chúng ta áp dụng trong đời sống.

Chúng ta tin vào nhiều thứ trong đời sống hằng ngày. Thí dụ, tôi tin là trước khi ra dâng lễ, nếu tôi bật các nút đèn điện lên, thì tất cả đèn sáng lên. Nhưng nếu tôi không bật nút đèn, chúng ta sẽ ngồi trong bóng tối. Tôi có chìa khóa xe trong túi và tôi tin là nó sẽ giúp tôi đề máy xe và tôi có thể lái xe đi chỗ nào đó. Tôi tin như vậy. Nhưng nếu tôi không đặt chìa khóa xe vào ổ khóa để đề cho máy nổ thì tôi sẽ chẳng lái xe đi đâu được.

Dĩ nhiên, đức tin không việc làm là vô dụng. Như Đức Kitô nói với chúng ta: Không phải tất cả những người nói “Lạy Chúa, lạy Chúa” đều được vào nước thời cả đâu, nhưng chỉ những ai thi hành ý của Cha Ta mà thôi. Chỉ có người chu toàn ý Thiên Chúa mà thôi. Nếu chúng ta muốn có tràn đầy bình an, phúc lành của Thiên Chúa, trước hết chúng ta phải có đức tin, và đem đức tin đó vào hành động. Trong thư của ngài, Thánh Gioan nói: Tình yêu của Thiên Chúa bao gồm việc tuân giữ các giới răn, và những lệnh truyền của Chúa không phải là gánh nặng.

Trong cảnh huống của đời sống, người ta thường phàn nàn là có nhiều gánh nặng và nhiều khó khăn “tôi không chịu đựng được.” Họ buông tay và lo lắng về mọi vấn đề. Trong khi Đức Kitô nói, “Tại sao các ngươi lo lắng, tại sao các ngươi lo sẽ ăn gì hay sẽ mặc gì? Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi các thứ đó. Hãy nhìn xem Ngài mặc cho các bông hoa huệ ngoài đồng, và nếu Ngài đã lo cho những bông huệ ngoài đồng biết rằng chúng sẽ bị đốt cháy và bỏ đi, thì Ngài còn lo cho các ngươi biết chừng nào? Vậy tại sao lại bồn chồn buồn lo về những của thế gian này?

Chúng ta nghe người ta nói, “Ôi, đất nước này sẽ quẳng cho chó, mọi cái đều thối nát và mọi thứ đang trở nên tồi tệ.” Họ trở nên bực bội về nhiều vấn đề trong cuộc sống. Và Đức Giêsu nói, “Tại sao lại buồn lo? Nếu anh em tin vào ta, anh em không phải lo bất cứ điều gì. Anh em sẽ có bình an, hạnh phúc và có sự sống sung mãn, anh em sẽ nhận ra được sự hiện diện của Đức Kitô trong đời sống của anh em.”

Trong bài tin mừng hôm nay, Thiên Chúa nói với chúng ta rằng Ngài giầu tình thương. Tại sao lại lo lắng? Ngài ban cho chúng ta bí tích hòa giải. Nếu chúng ta sa chước cám dỗ, hãy tin nhận là Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta ơn tha thứ qua lời xá giải của linh mục. Đức Kitô ban cho vị linh mục quyền ta thứ tội lỗi cho con người. Tuy thế, người ta không đi xưng tội. Họ nói là họ sẽ dùng những cách khác. Họ chỉ cần cầu xin với Thiên Chúa. Họ tin vào Thiên Chúa, nhưng không làm điều Ngài bảo họ làm. Họ tin là Thiên Chúa sẽ cho họ niềm vui và bình an, và Thiên Chúa sẽ biến đổi đời sống của họ, họ có thể được đầy tràn hạnh phúc ở đời này. Họ tin như vậy, nhưng lại không làm gì để hoàn tất nó.

Chúng ta được yêu cầu có đức tin và đem đức tin đó ra thực hành. Đức tin là qùa tặng của Thiên Chúa và món qùa đó được ban cho nhưng không. Chúng ta được ban cho đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy; chúng ta được ban cho đức tin khi nhận bí tích xá giải. Chúng ta được ban cho đức tin khi lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Chúng ta được ban cho đức tin khi lãnh nhận bất cứ một bí tích nào. Khi chúng ta cầu xin đức tin, thiên Chúa ban cho chúng ta đức tin. Thiên Chúa gởi Thánh Thần của ngài trên chúng ta; Ngài ban cho chúng ta ơn đức tin, và chúng ta dùng đức tin đó, bày tỏ đức tin đó ra trong hành động.

Đức Giêsu cho chúng ta Mình và Máu của Ngài. Ngài nói với chúng ta rằng: Đây là mình và máu của ta và trừ khi anh em lãnh nhận mình và máu của Con Người, anh em không thể có sự sống trong anh em. Chúng ta thưa “vâng” chúng ta tin như thế, nhưng nếu chúng ta không rước lễ thì có ích lợi gì? Tin là mình và máu của Đức Kitô hiện diện trên bàn thờ mà nếu chúng ta không tiếp rước mình và máu ngài cách xứng đáng thì có ích gì?

Tất cả những việc làm của đức tin và của các điều chúng ta tin, làm cho đời sống có ý nghĩa. Tôi tin Thiên Chúa; do đó tôi làm theo ý của Thiên Chúa. Tôi tin rằng Thiên Chúa bảo tôi, “Hãy vác thánh gía của anh và đi theo Ta,” và tôi làm theo như thế. Đức Giêsu Kitô nói với chúng ta rằng ách của ngài thì dễ dàng và gánh của ngài thì nhẹ nhàng. Ơn sủng của Thiên Chúa cho chúng ta biết rằng nếu chúng ta có đức Kitô trong đời sống, nếu chúng ta có đức tin, thì đời sống của chúng ta sẽ vui tươi đầy tràn ân sủng của Thiên Chúa, đầy tràn hiểu biết về điều tôi tin và bây giờ tôi thấy. Bởi vì chúng ta tin vào cái chúng ta không thể trông thấy, bây giờ chúng ta thấy điều mà đức tin sẽ đem lại cho chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin để chúng ta nhận được đức tin đó, cầu nguyện để chúng ta đem đức tin đó vào hành động bởi vì đức tin không việc làm tốt là vô dụng. Nếu chúng ta làm những việc tốt lành, đức tin của chúng ta sẽ triển nở, chúng ta sẽ vượt qua được những buồn khổ, lo lắng và các gian truân ở thế gian. Chúng ta sẽ nhận biết Thiên Chúa và được cứu rỗi.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho các bạn.Amen.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét