Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 32 MTN A (06/11/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 32 MTN (A) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Khôn Ngoan Khờ Dại " của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn.



HÃY LUÔN TỈNH THỨC SẴN SÀNG
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Chuẩn bị sẵn sàng luôn là điều tốt hơn

Ðối với những việc còn mơ hồ, nghĩa là không chắc sẽ đến hay không, thì không chuẩn bị là việc có thể thông cảm được. Nhưng đối với những việc mình biết chắc chắn sẽ đến, thì chuẩn bị sẵn sàng luôn là điều tốt hơn.

Trong tương lai, bạn sẽ lên chức giám đốc, sẽ lãnh đạo một công ty lớn chăng? Chưa biết. Vì thế, chưa cần phải nghĩ ngợi lo lắng nhiều. Tới chừng đó sẽ tính.

Hai tháng nữa là đám cưới của con trai bạn. Nếu bạn cẩn thận và khôn ngoan thì chắc hẳn bạn sẽ lo ngay từ hôm nay.

Trong tương lai, có thể xa mà cũng có thể gần, bạn sẽ chết chăng? Chắc chắn rồi. Vậy sao bạn không lo trước? Ðành rằng không ai biết ngày chết của mình, như Ðức Giêsu đã nói rõ "Các con không biết ngày nào, giờ nào", nhưng chuẩn bị sẵn sàng trước luôn là điều tốt hơn. Vả lại biến cố này vô cùng hệ trọng, hệ trọng hơn cả việc chuẩn bị cho một tiệc cưới.

2. Không nghĩ tới không phải là cách trốn tránh được

Chết là một chuyện rất buồn và rất đáng sợ. Vì thế nhiều người không muốn nghĩ tới nó. Họ giống như con đà điểu sợ người thợ săn nên giấu đầu trong cát.

Nhưng việc con đà điểu chúi đầu vào cát không hề ngăn cản được bước chân người thợ săn càng lúc càng tiến gần tới nó. Cũng thế, việc không nghĩ tới cái chết không giúp người ta trốn được tử thần.

Tốt hơn cả là hãy tỉnh thức chuẩn bị sẵn sàng, như gương các tín hữu Thêxalônikê. Càng chuẩn bị thì ta càng bình an khi cái chết đến. Chuẩn bị hoàn toàn chu đáo thì ta còn có thể vui mừng nôn nóng mong cho ngày chết mau đến nữa.

3. Chờ đợi trong tình yêu

Ðời người là một cuộc đợi chờ, và đợi chờ nào cũng bao hàm tình yêu trong đó, bởi vì con người chỉ hết lòng đợi chờ mong mỏi người nào hay điều gì mình hết lòng yêu thương hay quý chuộng. Người mẹ chờ đợi đứa con sắp ra đời bằng cách chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để bao bọc săn sóc con mình; một người chờ đợi bạn đến thăm bằng cách chuẩn bị thật chu đáo để đón tiếp bạn.

Chúng ta mong đợi Chúa đến. Nhưng khi nào Ngài đến, chúng ta không biết. Có điều chắc chắn là Ngài sẽ đến trong một cuộc viếng thăm thân tình, bởi vì chỉ những người thân tình mới dành cho nhau những cuộc viếng thăm bất ngờ. ("Mỗi ngày một tin vui")

4. Mảnh suy tư

•Các thánh không nên thánh vì nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ! Họ chỉ chu toàn bổn phận (ÐHV 25)

•Bổn phận là giấy vào Nước Trời: "Ai thực hiện ý Cha Ta trên trời, sẽ vào Nước Trời" (ÐHV 27)

•Nếu ai cũng nên thánh trong bổn phận, thì tâm hồn mới, gia đình mới, thế giới mới (ÐHV 20)

Chúa có thể đến vào lúc chúng ta hoàn toàn bất ngờ. Do đó tỉnh thức là việc mỗi kitô hữu cần phải làm thường xuyên cả cuộc đời mình. Lạy Chúa, cuộc sống thường ngày có quá nhiều thử thách gian nan, khiến chúng con dễ sao lãng bổn phận tỉnh thức. Vậy xin Chúa ban ơn giúp sức, để chúng con luôn tỉnh thức giữa biết bao phiền toái của cuộc sống thường ngày.Amen.

Thánh Ca : Chúa Không Lầm


VÀO GIỜ ẤY CHÚNG TA TRONG TÌNH TRẠNG NÀO?
Cha Mark Link, S.J.

1900 năm trước đây, núi lửa Vesuvius đã phun lên ở Italy. Khi núi lửa ngưng phun lửa, thành phố Pompél đã bị chôn dưới lớp phún thạch dầy tới 18 bộ (gần 6mét). Thành phố vẫn giữ nguyên dạng như thế mãi đến thời gian gần đây, khi các nhà khảo cổ khai quật nó lên. Mọi người ai cũng phải ngạc nhiên về những điều họ khám phá được. Có những ổ bánh mì cháy thành than, trái cây vẫn còn bốc mùi, những trái ô liu vẫn còn nổi trong chảo dầu. Tuy nhiên, có những khám phá khiến người ta còn sửng sốt hơn. Phún thạch đã làm đông cứng mọi người ngay trong tư thế họ đang có khi cơn đại hoạ đổ xuống. Các thân xác người ta đều bị hư hoại. Trong khi hư hoại, chúng để lại những lỗ trống trong lớp tro cứng. Dùng cách đổ dung dịch thạch cao vào những lỗ trống, các nhà khảo cổ học có thể khôi phục lại hình các nạn nhân. Một số nạn nhân này đã gây xúc động. Chẳng hạn có một thiếu phụ đang quấn chặt đứa con trong đôi tay mình, hoặc một lính gác Roma đang đứng thẳng người tại trạm gác, trên người trang bị vũ khí đầy đủ. Anh ta vẫn trầm lặng trung tín với phận sự tới phút cuối cùng. Nạn nhân thứ ba là một người đàn ông tay cầm gươm đứng trong tư thế thẳng tắp, chân anh ta đang đặt trên một đống vàng và bạc Rải rác quanh anh ta là năm xác khác có lẽ là những kẻ dự định cướp của đã bị anh ta giết chết.

Những khuôn thạch cao trên minh hoạ sống động cho hai chủ đề trong các bài đọc hôm nay. Chủ đề thứ nhất là ngày tận thế và cuộc giáng lâm lần thứ hai của Chúa Giêsu sẽ xẩy đến bất ngờ. Hai biến có này sẽ đến mà không hề báo trước. "Như một tên trộm viếng vào ban đêm". (1 Tx 5: 2). Hai biến cố ấy đến bất chấp những kẻ được ái mộ, bất chấp chúng ta giàu hay nghèo, trẻ hay già, nổi danh hay vô danh, da trắng, da vàng, da đen hay da nâu.

Hai biến cố ấy sẽ xảy đến thình lình với tất cả mọi người. Ðiều đó dẫn chúng ta đến chủ đề thứ hai của bài đọc hôm nay là chúng ta hãy sẵn sàng đón ngày cuối đời mình. Khi giờ chết đến, chúng ta có sẵn sàng như các cô phù dâu khôn ngoan kia không? Hay giờ chúng ta chẳng chuẩn bị gì cả giống như các cô phù dâu khờ dại? Liệu chúng ta có sẽ phải nghe những lời kinh khiếp: "Ta không biết các ngươi". Như đám phù dâu khờ dại này đã được nghe khi họ gõ cửa không?

• Hay vào giờ cuối cùng chúng ta có giống anh chàng ở thành Poméi đang nắm chặt cây gươm đứng trên đống vàng bạc vô dụng không?
• Hay giờ ấy chúng ta sẽ giống như bà mẹ đang ôm chặt con mình một cách yêu thương chăng?
• Hay giờ ấy chúng ta giống như anh lính gác Roma đang trong tư thế trung thành với bổn phận của mình?

Hai chủ đề của các bài đọc hôm nay: một là ngày cuối cùng đến bất ngờ, và hai là bổn phận chúng ta phải sẵn sàng cho ngày ấy là hai chủ đề nghiêm chỉnh, đòi chúng ta phải đưa ra quyết định bởi vì đây là những chủ đề có thể đổi thay cuộc sống chúng ta. Ðây không phải là những chủ đề mà chúng ta có thể lắng nghe một cách vô tư, cũng chẳng phải là những chủ đề mà chúng ta có thể tuỳ tiện bỏ mặc. Những chủ đề này hàm chứa sức mạnh của gươm hai lưỡi mà thư gởi tín hữu Do Thái đã đề cập tới; "Lời Chúa sắc bén hơn bất kỳ gươm hai lưỡi nào. Lời Ngài phân chia hồn, linh, cốt, tuỷ, xem xét tư tưởng và ý muốn trong lòng người. Chẳng có vật nào giấu kín được trước mặt Chúa, mọi sự đều trần trụi và phơi bày ra trước mặt Ðấng mà chúng ta phải tự mình trả lẽ" (Dt 4: 12-13).

Các chủ đề hôm nay nói về sự bất ngờ và sự sẵn sàng là những chủ đề thích hợp mà Hội Thánh trình bày cho chúng ta vào những ngày cuối năm phụng vụ. Ðây cũng là chính là hai chủ đề Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ vào lúc cuối đời Ngài. Các chủ đề hôm nay nói về sự bất ngờ và sự sẵn sàng để mời gọi chúng ta hãy tự vấn về lối sống của mình xem có giống như đám phù dâu khờ dại hay giống đám phù dâu khôn ngoan.

Nếu giống đám phù dâu khờ dại thì chúng ta không nên ngã lòng bởi vì vẫn còn thời gian để sửa đổi tình cảnh. Còn nếu giống đám phù dâu khôn ngoan thì chúng ta hãy cảm tạ Chúa về ân sủng và sự khôn ngoan đã giúp chúng ta nghe theo lời Người.

Chúng ta hãy kết thúc với mẫu chuyện sau. Mẫu chuyện này sẽ giúp minh hoạ cho những gì các bài đọc hôm nay đang mời gọi chúng ta thực hiện.

Cách đây nhiều năm, nghệ sĩ William Gargan khám phá mình mắc bệnh ung thư. Khôi hài thay, ngay vào lúc đó, chàng lại đang thủ vai một nạn nhân bị ung thư trong vở The Best Man (người giỏi nhất). 36 tiếng đồng hồ sau khi phát hiện ra ung thư, Gargan đã được đem đi giải phẫu. Khi nhìn lại 36 tiếng đồng hồ này, Gargan nói rằng chàng đã học được hai điều quan trọng về chính mình: thứ nhất chàng nhận thấy mình không hề sợ chết. Chàng đã chuẩn bị cho giờ chết đang khi còn sống bình thường. Thứ hai, chàng biết được Chúa Giêsu là bạn mình. Ngay từ hồi còn trẻ, Gargan đã có quen thưa chuyện với Chúa Giêsu hàng ngày. Chàng đã quen xử dụng những lời cầu nguyện đã thuộc nằm lòng. Giờ đây, trong giờ phút quan yếu này, những lời cầu nguyện ấy khiến chàng ý thức được mối thân tình với Chúa Giêsu mà những lời cầu nguyện ấy đã tạo cho chàng. Ðó là những lời cầu nguyện quen thuộc mà có thể một số anh chị em vẫn đọc. Ðó là "Lời cầu nguyện dâng lên Chúa Giêsu chịu đóng đinh" thường đọc sau rước lễ:

Lạy Ðức Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường. Này con đang quì gối trước mặt Chúa, và hết lòng gắn bó nài xin Chúa: ban cho được lòng tin cho mạnh, lòng cậy cho bền, lòng kính mến cho sốt sắng, lòng ăn năn tội cho thật, lòng chừa cải cho vững. Ðang khi con lo buồn đau đớn mà suy gẫm 5 dấu thánh Chúa, thì lòng con hằng nhớ lời vua thánh Ðavid phán tiên tri về Chúa con rằng: "Quân dữ đã đâm thủng chân tay của tôi và phơi bày các xương tôi ra".
Amen.

Thánh Ca : Chúa Thương Con


VẬY ANH EM HÃY CANH THỨC, VÌ ANH EM KHÔNG BIẾT NGÀY NÀO, GIỜ NÀO
Tiến sĩ Nguyễn Học Tập

Trong chủ đề năm bài giảng của ngày cánh chung, Chúa Giêsu dùng đến ba dụ ngôn để nói với chúng ta:

- dụ ngôn hai người đầy tớ (Mt 24, 25-51)
- dụ ngôn các thiếu nữ dự tiệc cưới (Mt 25, 1-13),
- dụ ngôn các nén bạc (Mt 25, 14-30).

Và như vừa thấy bài dụ ngôn ngày Chúa Nhật hôm nay( Mt 25, 1-13), dụ ngôn Các Thiếu Nữ Dự Tiệc Cưới là dụ ngôn chính yếu, được đặt ở vị trí trung tâm điểm.

Ba dụ ngôn được trình bày thành một chuổi liên tục về một chủ đề với chủ đích nhấn mạnh với chủ ý thuyết phục người nghe:

" Vậy anh em hãy canh thức, vì không biết ngày nào Chúa của anh em đến…Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẳn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến" ( Mt 24,42.44),

"...vậy ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho đúng giờ đúng lúc…Nhưng nếu tên đầy tớ xấu ấy nghĩ bụng: còn lâu ông chủ mới về, hắn bắt đầu đánh dập các đồng bạn, và chè chén với những bọn say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên giả hình: ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng" ( Mt 24, 45-51).

Tính cách thuyết phục của dụ ngôn Các Thiếu Nữ Dự Tiệc Cưới càng hữu hiệu hơn nữa, nếu chúng ta để ý đến yếu tố cơ hội lễ lộc của dụ ngôn đang bàn so với yếu tố chuyên cần làm việc thường nhật của dụ ngôn hai người đầy tớ. Vì là cơ hội lễ lộc chúng ta thường ít chú ý canh phòng hơn.

Chúa Giêsu dùng thành ngữ quen thuộc " Nước Trời giống như…" ở dụ ngôn chúng ta đang suy niệm cũng như ở các dụ ngôn khác để nói lên tính cách cánh chung ( escatologique) của những dụ ngôn Ngài đang dạy và thôi thúc chúng ta phải nghe theo, phải có thái độ quyết định, vì đây là cơ hội có một không hai. Mất đi rồi, chúng ta không còn cách nào tìm lại được, tương tợ như những lúc Ngài thôi thúc những ai đến nghe, hãy tuân nghe Ngài, hãy nhập cuộc vào Nước Trời, vì chính sự hiện diện của Ngài ở giữa họ lúc đó là sự hiện diện của Nước Trời, cần phải quyết định nhập cuộc, không chần chờ:

"...vì Nước Trời đang ở giữa các ngươi"( Mt 12,28).

Đoạn Phúc Âm hôm nay nói lên cho chúng ta một sự kiện thực tế: yếu tố bất ngờ có thể xãy ra cho hết mọi người, cho những ai chuyên cần cẩn trọng cũng như cho những ai bất cẩn, chểnh mảng:

" Nước Trời giống như chuyện mười người trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong mười cô đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan" ( Mt 25, 1).

" Nhưng vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi rồi ngủ cả"( Mt 25, 5).

Các cô khôn ngoan cũng như các cô khờ dại, tất cả đều mang trên người những giới hạn, những lằn mức, những bất toàn của bản tính con người," các cô thiếp đi rồi cả".

Như vậy, sự sáng suốt của các cô khôn ngoan không hệ tại ở chổ các cô có sức chịu đựng sắt đá, có những đặc tính phi thường, mà là biết toan lo dự phòng, biết chuẩn bị cho mình luôn sẳn sàng để đối phó với các bất trắc xảy ra.

Nói cách khác, theo ý nghĩa của huấn dụ của Chúa Giêsu, các cô biết sống đời Ki Tô hữu trọn hảo với đầy đủ ý nghĩa trách nhiệm của giới răn kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em.

Trong dụ ngôn, các cô chờ chàng rể đến để vào dự tiệc cưới. Hình ảnh chàng rể được Chúa Giêsu dùng để ám chỉ chính Ngài là Đấng Cứu Thế mà mọi người mong ước. Sự hiện diện của Ngài nói lên Nước Trời, thời gian cứu độ đã đến để mọi người được vui mừng hội nhập vào tiệc cưới của Nước Thiên Chúa:

"Bây giờ các môn đệ ông Gioan tiến lại hỏi Đức Giêsu rằng: Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà các môn đệ ông lại không ăn chay? Chúa Giêsu trả lời: Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bây giờ họ mới ăn chay"( Mt 9, 14-16).

Cuộc sống của mỗi người chúng ta là những chuổi ngày dài chờ đợi và chúng ta phải dự phòng, chuẩn bị sẳn sàng để tránh khỏi cảnh các thiếu nữ bất cẩn bị bắt chợt, khi giây phút cánh chung quyết định xảy ra:

" Nửa đêm có tiếng la lên: Chú rể kia rồi, ra đón đi " ( Mt 25,6).

Đọc doạn Phúc Âm, chúng ta có cảm tưởng rằng các thiếu nữ khôn ngoan thiếu lòng rộng rãi đối với các cô đồng bạn bất cẩn, không chia dầu cho họ:

" sợ không đủ cho chúng em và các chị đâu, các chị hãy ra hàng mua lấy thì hơn" ( Mt 25, 9).

Nhưng ý nghĩa của câu nói đúng hơn được Chúa Giêsu dùng để nói lên tầm quan trọng củathời điểm cánh chung, trong đó mỗi người chúng ta được trị giá tuỳ theo của cải tư riêng trong Nước Trời mà chúng ta có được.

Đó là ý nghĩa mà Thánh Phaolồ lưu ý các tín hữu ở Corinto:

" Thời gian chẳng còn bao lâu. Vậy từ nay những ngưòi có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; kẻ hưởng dùng của đời nầy, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian nầy đang biến đi " ( I Cor 7, 29-31).

Quên đem dầu theo để phòng hờ, một vài thiếu sót trong cuộc sống thoạt đầu xem ra là một thái độ hời hợt không quan trọng, nhưng đến thời điểm cánh chung là những thiếu sót có thể làm cho chúng ta không thể hội nhập vào Nước Trời.

Việc các thiếu nữ được mời dự tiệc cưới chứng tỏ rằng các cô là những người quen biết với với đàng trai hoặc đàng gái, hoặc cả hai. Nhưng sự quen biết vừa kể không cho phép các cô bất cẩn, không biết dự phòng, thiếu trách nhiệm phải có của người được mời. Chàng rể không ngần ngại trả lời gắt gỏng cho thái độ thiếu tiên liệu đó, mặc cho các cô là những người thân tín:

" Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai" ( Mt 25, 12).

Nói như vậy không có nghĩa Thiên Chúa Giáo là một tôn giáo chuyên dạy chúng ta về việc tính sổ cuối năm.

Thiên Chúa của Thiên Chúa Giáo không phải là nhân viên kế toán chuyên tính sổ xem vào giờ phút cuối cùng ai thiếu nợ , thiếu đủ bao nhiêu hay ai dư dả đối với văn phòng thuế vụ.

Mỗi người chúng ta có trách nhiệm trả lời trước mặt Thiên Chúa là Cha về cách hành xử của mình trong cuộc sống, nhưng Thiên Chúa Giáo không phải là tôn giáo tính sổ nhằm vào giờ chót.

Vào giờ chót, các thiếu nữ bất cẩn không còn dầu để cho đèn của mình tắt ngỏm, không đi đón chàng rể được để hội nhập vào tiệc cưới. Đèn của các cô thiếu dầu vào giờ chót, nhưng đó là kết quả của thái độ bất cẩn, không suy tính, không hành động khôn ngoan của cả khoảng thời gian trước đó.

Thiên Chúa Giáo không phải là tôn giáo nhằm chạy nước rút ở thời điểm cánh chung, mà là một đạo giáo dạy chúng ta :

" Phúc cho ai khao khát nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.

Phúc cho ai thương xót người, vì họ sẽ được Thiên Chúa thương xót…

Phúc cho ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc cho ai bị bách hại vì sự công chính, vì Nước Trời là của họ…" ( Mt 5, 6.7.9.10).

Nói cách khác,

" Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhứt và điều răn thứ nhứt.ø

Còn điều răn thứ hai cũng giống như điều răn thứ nhứt: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình" ( Mt 22, 37-39).

Và yêu mến Thiên Chúa hết lòng cũng như thương yêu người thân cận như chính mình không phải chỉ là một trạng thái tình cảm, động lòng trắc ẩn trước những khốn cùng, bất hạnh của người khác là đủ, mà còn là một cách sống được biểu thị bằng hành động để thực thi, hành động theo ý muốn của Thiên Chúa, hành động theo lẽ phải, theo lương tâm ngay chính, và hành động để mưu ích cho anh em, để bênh vực họ và nếu cần cũng có thể hy sinh chính lợi thú và cả mạng sống mình để bênh vực họ theo lẽ phải và chân lý:

" …Ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. …Con Người đến không phải để người ta phục vụ, mà hiến mạng sống làm giá chuộc muôn dân" ( Mc 10, 44-45).

Hay:

" Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi,…và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên " ( Jn 10, 11.15).

Như vậy cuộc đời của người Ki Tô hữu là một cuộc đời dấn thân để yêu mến Thiên Chúa hết lòng và yêu thương anh em như chính mình, nhứt là người Ki Tô hữu có nhiệm vụ làm chủ chăn, không thể uốn theo chiều gió, nín thở qua sông, nằm khoanh vỏ ốc để có cuộc sống thanh thãn tiện nghi, nhứt là khi phải nói , phải làm để bênh vực anh em đối đầu với bất công bạo lực, chế độ, phương cách hành xử bất chính:

" Phúc cho ai khao khát sự công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng" ( Mt 5, 6).

Tất cả những điều đó không thể là thái độ phải có hay không chỉ trong giây phút tính sổ thời cánh chung, mà là cách sống phải có bền bĩ và liên tục trong cả cuộc đời người Ki Tô hữu.

Thiên Chúa Giáo không phải là tôn giáo chạy nước rút và tính sổ ở mức đến, mà là một tôn giáo

- dấn thân chuyên cần thực thi đức bác ái bằng hành động

- và hy sinh nếu cần trong suốt cuộc đời cho Thiên Chúa và cho anh em.

Đó cũng chính là ý nghĩa của những lời huấn dụ Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ II trong Đáp Từ của Ngài gởi đến Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2002:

" Khi qúy Vị trở về đất nước cao qúy của qúy Vị, xin qúy Vị hãy nói với các Linh Mục, các Tu Sĩ Nam Nữ, các Thầy Giảng, Giáo Dân và đặc biệt là Giới Trẻ, rằng Đức Thánh Cha cầu nguyện cho họ và khuyến khích họ hãy nhận lãnh những thách đố mà Phúc Âm đem lại, bằng cách noi gương các Thánh Tử Đạo đã đi trước trên con đường Đức Tin. Máu các Vị đã đổ ra là hạt giống của cuộc sống mới cho đất nước" ( Gioan Phaolồ II, Đáp Từ gởi HDGMVN 2002, đoạn 1).

Sống xứng đáng danh nghĩa người Ki Tô hữu là cuộc sống bằng gắng công , mồ hôi và mạng sống để phục vụ Chúa và phục vụ anh em.Amen.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét