Trang

Thứ Ba, 4 tháng 10, 2011

Nghe đọc audio truyện : "Điệu Valse Địa Ngục" - Di Li



1. Tập truyện ngắn thứ hai của Di Li "Điệu Valse địa ngục" (NXB Hội Nhà văn và Công ty sách Bách Việt, 2007, sau tập "Tầng thứ nhất -NXB Hội nhà văn và Công ty Văn hoá Đông A, 2007) không có gì là bứt phá, nhưng tác giả đã hình thành dần một lựa chọn: Viết về những cái dị, cái đáng sợ, cái bí ẩn ngay từ trong không gian đời sống hàng ngày với những con người rất quen thuộc.

2. 14 truyện trong "Điệu Valse địa ngục" dẫn người đọc vào một thế giới có giết người, múa bụng, thuốc lắc, những không gian hoan lạc hoang dã, và có ma - nhất là những bóng ma ám ảnh con người trong cuộc sống bình thường, một không khí hiện đại lẫn ma mị mang dấu hiệu của thể loại trinh thám - kinh dị. Ngoài một số truyện vui nhẹ nhàng, chưa thoát chất học trò như "Mối tình khoai tây", "Ma học trò", "Một câu chuyện có thật", "Tất cả là nhờ anh bạn tôi", Di Li thể hiện được tố chất riêng của người nữ khi viết theo hướng trinh thám: sự logic tỉnh táo trong sắp xếp câu chuyện kết hợp với khả năng tưởng tượng, diễn tả cảm giác và sắp đặt tình tiết.

"Điệu Valse địa ngục" bố cục như truyện trinh thám, mở đầu bằng án mạng, rồi có những lời khai, luật sư nhưng sau khi cùng tác giả tìm thủ phạm thì việc đó lại trở nên vô nghĩa vì phần kết siêu thực với ám ảnh về điệu Valse trên nền bản Appassionata.

Ở "Vong hồn trên những cánh đồng chết", không gian thường nhật trở nên quái dị bằng những món ăn (bánh mì kẹp gián và nhện rán giòn), các kiểu hành hình, cánh đồng xương người trắng nhởn, nhân vật phóng viên chiến trường xuất hiện rồi biến mất, một cuộc đi có kẻ giết người nhưng kẻ giết người chỉ là một dẫn dắt... Tuy vậy, phần kết "hiện thực" lại làm mất cái thú của bối cảnh dị mà truyện đã dựng lên. Ở "Bến cuối" nhân vật và người đọc cuối cùng bước ra khỏi một cơn mộng rùng mình trong đó thời gian đã bị kéo dài, những người chết trở lại, câu chuyện tai nạn bên đoạn cầu oan nghiệt được vỡ lẽ bên nghĩa trang.

Trong nhiều truyện theo hướng này, Di Li minh chứng cảm giác về sự không tan biến của linh hồn con người, nhất là những linh hồn oan ức, chúng sẽ lẩn quất đâu đó, sẽ làm chúng ta sợ hãi, ăn năn... Cái thực và cái không thực chỉ là những khái niệm lý tính thuần tuý và nhiều khi vô nghĩa trong thế giới này. Sự phi lý có thể tồn tại hiển nhiên và có tác dụng như một phản tỉnh: Vấn đề không phải là tội lỗi, cái chết, tìm ra kẻ giết người mà ở khả năng con người phải đối mặt với chính tội lỗi của mình. Trong nhiều tác phẩm, thủ phạm cuối cùng vẫn là một ẩn số hoặc không cần thiết phải tìm ra.

Ở dạng truyện như "Những người trẻ trong thành phố", nối tiếp hướng khai thác đề tài một số truyện tập trước mà tiêu biểu là "Người cùng chung cư", Di Li đi vào đời sống hiện đại của giới trẻ với những biến thái không lường được giữa không gian ngày và đêm.

3. Chọn thể loại đã từng bị coi là "3 xu" này nghĩa là chọn một kiểu viết như chơi và tưởng như chỉ thuần tuý giải trí, nhưng kiểu văn giải trí được viết nghiêm túc ở Việt Nam hiện nay còn quá thiếu. Đi vào cái thiếu đó là một lựa chọn, chưa chắc đã mạo hiểm mà biết đâu lại chẳng thức thời? Hơn thế nữa, cái đáng nói trước hết, tác phẩm của người viết này đã là một cách chứng minh khả năng của nhà văn nữ không phải chỉ có thể viết về tình yêu, thân phận, nữ quyền.... mà trải nghiệm sống của họ còn mở rộng đến nhiều vùng không gian khác nữa.

Di Li viết chừng rất nhẹ nhàng, nhiều khi duy trì một cách kể quá dài làm mất đi tính căng thẳng cần có của những truyện ngắn muốn đi vào đời sống đô thị hiện đại hay có xu hướng trinh thám -kinh dị. Hai tập truyện ngắn cùng ra trong năm 2007 này chắc chắn chỉ là một bước đệm, vì chất văn xuôi dàn trải, dễ gây cảm giác nhạt nhẽo của tác giả cùng với lựa chọn thể loại cần đến sức chứa của tiểu thuyết, và Di Li mới chỉ là kẻ manh nha một quan niệm chứ chưa xác quyết một hướng đi trong văn chương.

Các bạn tải về máy tại đây , tải file m4b cho Iphone tại đây.

Mời nghe đọc truyện trực tiếp bằng file m4b tại đây.

Các bạn có thể nghe theo YouTube tại đây.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét