Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 26 MTN A (25/09/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 26 MTN (A) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Vâng Lời & Tự Do " của Linh Mục Nguyễn Phi Long.



ĐƯỜNG LỐI CỦA THIÊN CHÚA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Ðường lối lạ lùng của Thiên Chúa

Những bài đọc hôm nay trình bày đường lối hành xử của Thiên Chúa, rất khác với suy nghĩ của loài người:

•Cảnh cáo phạt người công chính và khuyến khích thưởng người gian ác (bài đọc I)

•Phê phán những người "đạo đức" như biệt phái, luật sĩ, tư tế, và đề cao những người tội lỗi như bọn thu thuế và gái điếm (bài Tin Mừng).

Không phải vì Thiên Chúa muốn làm ngược với loài người mà vì Ngài quan tâm tới những giá trị thực:

•Giá trị thực của một đời người không nằm ở quá khứ đạo đức hay tội lỗi của người đó, mà hệ tại hiện tại người đó có quyết tâm sống công chính hay không.

•Giá trị thực của con người không do những lời tốt đẹp người đó nói ra, mà do hành động của người đó.

Vì Thiên Chúa theo một đường lối như thế cho nên Ngài đã ưu ái những người một thời nổi tiếng tội lỗi như Giakêu, Mađalêna, tên trộm lành...

Phần chúng ta, đã biết đường lối của Chúa là như thế thì chúng ta phải làm sao?

•Ðừng nghĩ rằng mình đang thuộc hàng "công chính" để rồi ngủ mê trong ảo tưởng đạo đức về mình.

•Cũng đừng cho rằng mình thuộc hạng "thu thuế và đĩ điếm" để rồi buông xuôi cho dòng đời lôi cuốn.

2. Thành kiến

Bài đọc I cho thấy Thiên Chúa hành xử rất sáng suốt và hợp lý khi Ngài không có thành kiến đối với quá khứ của con người: người có quá khứ tội lỗi nhưng biết sửa đổi thì Ngài khen ngợi, kẻ có quá khứ đạo đức nhưng đang hướng theo con đường tội lỗi thì Ngài vẫn trách mắng.

Thực ra, con người không phải là một món đồ một khi đã được đúc khuôn thế nào thì mãi mãi vẫn là thế ấy. Con người là một tác phẩm đang được thực hiện: hôm qua khác hôm nay, và ngày mai sẽ còn khác nữa.

Thiên Chúa cho chúng ta nhiều cơ hội để sửa đổi và hoàn chỉnh. Tại sao chúng ta không cho chính mình những cơ hội ấy? Tại sao chúng ta không cho người khác những cơ hội ấy?

3. Mảnh suy tư

• Có hai tiếng người ta thường nói nhiều nhất, đó là "Vâng" và "Không". Nhưng giá trị của chúng không tùy vào lúc chúng vừa được nói ra, mà tùy theo sau đó người ta có thực hiện hay không. Nói "vâng" mà không làm đâu có giá trị bằng nói "không" mà lại làm.

• Lời hứa không tạo nên uy tín cho con người; lời nói tốt không thể thay thế cho những việc làm tốt.

• Con người chúng ta có thể thay đổi từ "vâng" sang "không" và từ "không" sang "vâng". Vì thế, cả hai người con trong dụ ngôn này đều có thể là bài học cho chúng ta: nếu chúng ta giống người con thứ nhất đã lỡ nói "không" với Chúa bấy lâu nay thì bây giờ chúng ta có thể nói lại "xin vâng"; còn nếu chúng ta giống người con thứ hai đã thưa "xin vâng" thì đừng để cho mình bị thay đổi mà sửa lại thành "không".

• Trong lịch sử Hội Thánh, rất nhiều vị thánh lớn đã từng là những kẻ tội lỗi ban đầu đã nói "không" với Chúa nhưng về sau đã sửa đổi và thưa "xin vâng". Thánh Augustinô là một thí dụ điển hình.

4. Chuyện minh họa

a/ Cha sở bảo ông chủ tịch Hội Ðồng Giáo Xứ tìm cho đủ 10 người đến cầu nguyện bên giường một người hấp hối.

Khi mọi người đã tụ họp đông đủ bên giường bệnh. Có người rỉ vào tai Cha Sở:
- Thưa Cha, trong đám này có mấy thằng chuyên môn trộm cắp.
- Càng tốt chứ sao, bởi vì trong trường hợp Thánh Phêrô không chịu mở cửa thiên đường thì mình nhờ họ mở khóa dùm.

b/ Một người suốt đời hết sức tránh tội. Hôm anh chết và lên trình diện với Thánh Phêrô thì trùng hợp cũng có một đám các cô đĩ điếm ở đó.

Thánh Phêrô hỏi các cô một cách ân cần, rồi mời các cô vào thiên đường. Người nầy khó chịu quá, hỏi tại sao, thì thánh nhân đáp:

- Nếu ngươi không chấp nhận lòng thương xót của Chúa đối với người tội lỗi, thì hãy đi đi. Chỗ của ngươi không phải ở đây!

Sám hối, canh tân đời sống và đón nhận Tin Mừng là những việc làm thường xuyên trong đời sống đức tin của người Kitô hữu. Lạy Chúa Giêsu, chỉ nguyên danh xưng Kitô hữu không đủ để bảo đảm phần rỗi cho chúng con, mà phải sống theo Lời Chúa trong Tin Mừng và thi hành ý Chúa mới giúp chúng con được sống muôn đời. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống như Chúa đã dạy. Amen.

Thánh Ca : Xin Vâng


HỐI CẢI LÀ MỘT TIẾN TRÌNH , LÀ MỘT CUỘC DU HÀNH LIÊN TỤC , CHỈ KẾT THÚC VÀO LÚC CHẾT
Cha Mark Link, S.J.

Thomas Merton mồ côi cha mẹ năm 16 tuổi. Ðến năm 24 tuổi chàng trở thành phóng viên tờ Nữu Ước thời báo (New York Times). Năm 26 tuổi, chàng thu gom toàn bộ tài sản vào một chiếc túi vải rồi đến sống ở Kentucky và trở thành một thầy dòng chiêm niệm Trappist (Anh em hèn mọn).

Trong quyển sách tự thuật về cuộc sống tâm linh rất ăn khách nhan đề "The Seven Storey Mountain" (Ngọn núi bảy tầng), Thomas Merton mô tả lại bước đầu tiên trong tiến trình hối cải của chàng. Ngay khi vừa tốt nghiệp trung học, Thomas đã đi du lịch một mình qua Âu Châu và sống một cuộc sống hơi buông thả. Một đêm nọ, chính trong căn phòng chàng. Thomas bỗng nhiên ý thức được tội lỗi của mình. chàng viết: "Toàn bộ sự việc xảy ra nhanh như chớp… Bỗng dưng một nhận thức sâu xa về nỗi bất hạnh và sự hư hỏng của linh hồn mình xâm chiếm hoàn toàn thân tôi. Tôi vô cùng ghê tởm những gì tôi trông thấy… và linh hồn tôi ao ước trốn thoát khỏi tất cả điều ấy một cách mãnh liệt và cấp bách mà trước đó tôi chưa hề bao giờ cảm thấy như thế".

Merton nói rằng đó là lần đầu tiên chàng đã cầu nguyện, cầu nguyện thực sự. Chàng cầu xin Chúa, Ðấng mà trước đó chàng chưa hề biết, xin Ngài tự trời ngự xuống giải thoát chàng khỏi quyền lực xấu xa đã cầm giữ tâm hồn chàng trong vòng nô lệ.

Câu chuyện về Thomas Merton minh hoạ về sự hối cải của người con thứ trong câu chuyện Phúc âm hôm nay. Ðồng thời nó cũng minh họa cho sự hối cải mà tiên tri Êdêkien nhắc đến trong bài đọc thứ nhất hôm nay.

Ðiều gì đã khiến cho người ta hối cải giống như trường hợp của đứa con thứ trong Phúc âm hôm nay, hay giống như Thomas Merton trong câu chuyện trên?

Cách đây nhiều năm, các lý thuyết gia chính trị thường phác thảo những bước cần thiết cho một cuộc cách mạng trong một nước.

Bước thứ nhất là tạo ra tâm lý bất mãn tận căn nơi dân. Bởi vì thiên hạ chỉ nghĩ đến việc đổi thay nếu họ cực kỳ bất mãn với tình cảnh hiện tại của họ. Ðiều này cũng đúng xét về bình diện từng cá nhân. Người ta chỉ lưu tâm thay đổi cuộc sống riêng khi nào họ bất mãn với hiện trạng cuốc sống ấy. Chúng ta thấy rõ điều này trông trường hợp của Thomas Merton. Chàng đã bất mãn sâu xa với cuộc sống mình. nói cách khác, bước đầu tiên trong tiến trình hối cải là bất mãn với cuộc sống của chính mình. "Bước nảy lửa" trong đời Thomas Merton chính là điều chàng kinh nghiệm được trong căn phòng khách sạn của chàng. Nói theo ngôn ngữ thần học, đó là lúc ân sủng Chúa tuôn xuống.

Bước thứ ba là thực hiện một điều cụ thể đầu tiên hướng về một cuộc sống mới. Chúng ta cũng thấy điều này nơi cuộc đời Thomas Merton. Ngay sáng hôm sau, sau khi có được cái kinh nghiệm đã xảy ra trong căn phòng khách sạn, Thomas Merton đã đi bộ ra ngoài ánh nắng ban mai. Tâm hồn ngài tan nát vì đau đớn và ăn năn. Nhưng đây là một cảm giác tốt đẹp, giống như cái nhọt được bác sĩ dùng dao giải phẫu.

Dù chưa phải là người Công giáo, Merton vẫn đi đến một nhà thờ quì gối xuống và chậm rãi đọc kinh Lạy Cha với tất cả niềm tin của mình. Sau khi cầu nguyện xong, Merton trở lại dưới ánh nắng mặt trời. Chàng cảm thấy như được tái sinh. Trông thấy một bức tường thấp bằng đá, Merton liền ngồi xuống trên đó lòng hân hoan trong niềm an bình tâm hồn mới tìm gặp được. Trước đây chưa bao giờ Merton có được sự an bình như thế.

Merton vẫn còn quãng đường dài phải bước trước khi hoàn tất cuộc hối cải của chàng. Tuy nhiên chàng đã bắt tay làm một việc đầu tiên cực kỳ quan trọng là hướng về một cuộc sống mới. Cần phải ghi nhớ rằng tất cả chúng ta vẫn còn lữ hành trên đường hướng về sự hối cải trọn vẹn. Chẳng hạn, trong chúng ta có một số người cần phải chiến đấu để từ những Kitô hữu bình thường trở thành Kitô hữu tốt, một số khác cần phải cố gắng từ những Kitô hữu tốt trở thành những Kitô hữu xuất sắc. Và số khác nữa thì cố gắng từ những Kitô hữu xuất sắc trở thành kitô hữu gương mẫu.

Khi bình luận về cuộc du hành bất tận của người kitô hữu hướng về sự hối cải trọn vẹn, một thần học gia thế kỷ 19 người Ðan Mạch tên là Soren Kierkegaard đã nói: "Không hề có tình trạng đã thành một kitô hữu mà chỉ có tình trạng đang trở thành một kitô hữu"

Như thế, sự hối cải là một tiến trình, là một cuộc du hành đang tiếp diễn và chỉ chấm dứt khi nào chúng ta chết.

Bước thứ nhất trong cuộc du hành này là sự bất mãn tận căn với nếp sống hiện tại của chúng ta. Hãy nhớ lại Merton đã bất mãn với cuộc sống mình như thế nào.

Bước thứ hai là bước tia lửa làm thành ngọn lửa thúc giục chúng ta phải làm một điều gì đó cho cuộc đời mình. Hãy nhớ lại cảm nghiệm trong căn phòng khách sạn của Merton.

Bước cuối cùng là thực hiện việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng là hướng về một cuộc sống mới. Hãy nhớ lại Merton đã tới nhà thờ để cầu nguyện ngay sáng hôm sau khi xảy ra cảm nghiệm trong căn phòng khách sạn.

Các bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta khám phá ra cuộc sống của mình. Chúng ta có cảm thấy bất mãn về mối tương giao hiện tại giữa mình và Chúa Giêsu không? Chúng ta có ao ước thân tình sâu sắc hơn với Chúa không? Chúng ta có muốn yêu thương gia đình láng giềng chúng ta nhiều hơn giống như Chúa Giêsu yêu thương họ không?

Nếu có thì các bài đọc hôm nay có thể ví như tia lửa bật ra để biến thành ngọn lửa mà chúng ta cần thiết phải có để làm nên một điều gì cụ thể cho các mối tương giao nêu trên.

Có lẽ việc làm đầu tiên cực kỳ quan trọng hướng về cuộc sống mới là ra trình diện để được chữa lành trong Bí tích Cáo giải; là bắt đầu bỏ giờ ra nhiều hơn cho việc cầu nguyện, là lưu tâm đến một số vấn đề gia đình, chẳng hạn như tính hay nóng nảy với con cái, đồng thời cầu xin Chúa Giêsu giúp chúng ta làm một điều gì đó cụ thể ngay tức khắc để lướt thắng khó khăn ấy.

Ðây là lời mời gọi hướng đến đức tin mà chúa ngỏ với mỗi người chúng ta đang hiện dịên nơi đây qua các bài đọc hôm nay.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện:
Ôi giọng nói của Chúa Giêsu,
Xin hãy kêu gọi chúng tôi,
Khi chúng tôi lạc bước quá xa Ngài.


Ôi đôi mắt Chúa Giêsu,
Xin hãy mỉm cười nhìn chúng tôi
Khi chúng tôi cần Ngài khích lệ


Ôi đôi tay Chúa Giêsu,
Xin hãy xức dầu cho chúng tôi
Khi chúng tôi yếu đuối mệt mỏi.


Ôi cánh tay Chúa Giêsu,
Xin hãy nâng đỡ chúng tôi
Khi chúng tôi vấp ngã.


Ôi trái tim Chúa Giêsu,
Xin hãy giúp đỡ chúng tôi yêu thương nhau
Như chính Ngài đã yêu thương chúng tôi.

Thánh Ca : Con Vẫn Trông Cậy Chúa


ĐƯỜNG LỐI CỦA CHÚA CÔNG BẰNG
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Lời đầu tiên trong bài đọc thứ nhất của Thánh Lễ hôm nay là, “Các ngươi nói: Đường lối của Chúa không công bằng.” Các bạn đã nghe nói như thế ở đâu? Bác bạn nghe nói như thế mỗi ngày. Chúng ta hãy tìm hiểu qúa trình của bài đọc thứ nhất. Bài đọc được trích ra từ sách Tiên Tri E-dê-ki-en, người đã sống ở khoảng năm 550 tới năm 600 trước Chúa Kitô. Vị Tiên Tri đã nói với dân Do Thái trong thời kỳ lưu đầy ở Ba-by-lon, và dân chúng đang kêu than, “Đường lối của Thiên Chúa không công bằng; tại sao chúng tôi lại phải sống lưu đầy? Tại sao chúng tôi phải chịu khổ vì tội và sự xấu gây ra bởi tổ tiên chúng tôi?”

Bất Tuân Thời Xưa

Như các bạn biết, người Do Thái là dân riêng của Chúa. Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi vòng lệ của người Ai-cập, dẫn đưa họ qua sa mạc, vượt qua biển, để vào đất hứa, cho họ một vương quốc, làm cho họ trở nên một dân tộc vĩ đại, một giòng giống cai quản và thống trị, và ngài đã nói vớ họ, “Hãy tuân giữ lệnh truyền của Ta.” Nhưng họ đã không tuân lệnh. Họ đã ngụp lặn trong não trạng của thời đại đó, chủ thuyết thờ ngoại thần thời đó, và họ đã trôi dạt càng ngày càng xa Thiên Chúa. Họ đã làm những việc bất xứng thịnh hành trong dân ngoại thời đó. Họ đã rơi vào các thứ tội lỗi và sa đọa. Nhiều năm và nhiều thế hệ Thiên Chúa đã sai các tiên tri và sứ thần đến nói với dân Do Thái rằng, “Đừng làm như thế! Hãy hối cải. Thay đổi lối sống. Hãy tuân giữ các lề luật Ta đã ban cho các người, tôn kính Một Thiên Chúa chân thật.” Nhưng họ cứ tiếp tục xa rời cho dù Ngài đã cảnh cáo họ. Sau cùng Thiên Chúa đã nói, “Đủ rồi!” Và Ngài đã để cho họ bị bắt bớ lưu đầy. Toàn dân tộc bị bắt đi lưu đầy ở Ba-by-lon. Dân Do Thái cứ tiếp tục theo đường tội lỗi ở Ba-by-lon, duy trì những tập tục ngoại thần. Khi E-dê-ki-en đến cảnh cáo họ thì họ nói, “Đường lối của Chúa không công bằng; Ngài đã không cho chúng tôi làm điều chúng tôi thích. Chúng tôi muốn đi theo với thế gian và Thiên Chúa lại nói rằng chúng tôi không được làm như thế. Và chúng tôi đã bị trừng phạt.” Họ đã than là họ đã bị trừng phạt.

Bất Tuân Thời Nay

Một cách nào đó chúng ta cũng có cái giống như thế ngày nay. Người ta nói, “Đường lối của Thiên Chúa không công bằng. Ngài đòi chúng ta phải tuân giữ các giới răn. Ngài bảo chúng ta phải chu toàn lề luật của Chúa, “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng hết linh hồn và yêu thương tha nhân như chính mình, tuân giữ lề luật và làm theo ý của Thiên Chúa và như thế sẽ được cứu rỗi.” Nhưng người ta không muốn nghe điều đó. Họ phản đối Giáo Hội, giống như người con lớn trong dụ ngôn hôm nay. Họ tuyên xưng là người Công Giáo. Đúng thế, họ là những người Công Giáo; họ đi lễ thường xuyên, họ còn đọc kinh Mân Côi và những lời kinh nguyện khác nữa, nhưng đừng nghĩ là họ tuân giữ tất cả lệnh truyền và lề luật, bởi vì, theo họ nghĩ, thời gian đã thay đổi và luân lý cũng thay đổi. Giáo Hội là Thân Thể của Chúa Kitô và người ta nói rằng Giáo Hội không công bằng vì không để cho họ sống buông thả giống như toàn thể xã hội đang sống. Họ muốn có quyền tham gia vào mọi hành động tính dục; họ muốn có quyền ly dị, bỏ chồng bỏ vợ, bởi vì đó là đường lối của thời đại. Người ta cho rằng Giáo Hội nên cho phép nhóm này nhóm kia làm như thế cho dù nó là tội lỗi và xấu xa. Người ta coi thường Giáo Hội, Thân Thể của Chúa Kitô. Họ nói đường lối của Giáo Hội không công bằng bởi vì Giáo Hội không cho phép để những thứ xấu xa kinh tởm trước nhan Thiên Chúa. Người ta hỏi tại sao Thiên Chúa lại sửa phạt họ vì họ chỉ làm những gì mà những người thế gian làm. Họ nói là đường lối của Thiên Chúa không công bằng. Nó không giống với thế gian. Thiên Chúa nói với chúng ta rằng chúng ta phải đi theo Ngài chứ không theo thế gian.

Tâm Tình Người Công Giáo

Trong bài đọc thứ hai, thánh Phao-lô nói với tín hữu Phi-lip-phê rằng, “Anh em hãy có những tâm tình như Đức Kitô.” Tâm tình của anh em. Nếu các bạn xưng mình là người Công Giáo thì tâm tình của các bạn phải giống Đức Kitô. Và thánh Phao-lô cũng nói, “Cho dù Đức Kitô là Chúa, Ngài đã không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người còn hạ mình, vâng lời chịu chết.” Chúa Giêsu cũng nói với chúng ta như thế. Chúng ta phàn nàn kêu gào rằng đường lối của Thiên Chúa không công bằng, nó không giống với đường lối của người thế gian. Thiên Chúa muốn chúng ta tốt lành, công chính và thánh thiện, tỏ bày tình yêu mến Ngài, tỏ bày tình yêu thương tha nhân, vâng theo ý của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta lại cho như thế là không công bằng bởi vì nó không phải là cách chúng ta thấy ở thế gian.

Nếu chúng ta bằng lòng làm theo ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta sẽ được cứu rỗi. Nhưng bất cứ ai đi xa lạc khỏi lối sống tốt lành, khỏi lối sống công chính, như Ê-dê-ki-ê nói, “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà làm điều bất chính thì nó phải chết.” Bởi vì họ đã bỏ sự tốt lành để làm xấu và phạm tội, thì họ phải chết. Ngày nay cũng giống như thế. Nếu một người bỏ con đường công chính và hòa theo thế gian, chạy theo thói đời, thì họ chết tinh thần, họ không có đời sống sung mãn. Nhưng nếu người tội lỗi làm theo ý của Thiên Chúa và thay đổi, thì sẽ được sống. Chúa nói là chúng ta cần phải ăn năn hối cải trở nên giống Chúa ở mọi cách. Chúng ta phải trở nên giống Chúa Kitô. Tâm tình của chúng ta phải là tâm tình của Chúa Kitô. Chúng ta phải để những thứ của thế gian qua một bên, làm theo ý của Thiên Chúa để nhờ đó chúng ta có thể có đời sống viên mãn bây giờ và sau này.

Xin Chúa chúc lành cho các bạn.

Thánh Ca : Chúa Không Lầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét