Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 25 MTN A (17/09/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 25 MTN (A) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Hãy Yêu Thương Kẻ Khác " của Linh Mục Micae Nguyễn Trường Luân.



LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Tư tưởng của Thiên Chúa không giống tư tưởng loài người

Loài người chúng ta suy nghĩ giống như một người buôn bán: món hàng trị giá thế nào, vậy phải mua thế nào, bán thế nào? bao nhiêu thì đúng, bao nhiêu thì sai?

Chúng ta áp dụng suy nghĩ ấy chẳng những trong đối xử với người khác, mà còn cho cả Thiên Chúa nữa: tôi đã làm gì và làm bao nhiêu, cho nên Thiên Chúa phải ban cho tôi ơn gì và ban bao nhiêu. Chúng ta cho rằng như thế là công bằng.

Nhưng Thiên Chúa không muốn làm người bán cũng không muốn làm người mua. Ngài chỉ muốn làm người Cha, yêu thương chúng ta là con. Ngài chỉ có thương yêu và chỉ dùng lòng tốt để đối xử. Ðối với từng đứa con, Ngài không xét xem nó đã làm được gì, nó đáng được bao nhiêu. Ngài chỉ nghĩ nó cần được chăm sóc như thế nào, ban cho nó cái gì là tốt nhất…

Khi lẩm bẩm trách, những người thợ làm nhiều giờ muốn lấy suy nghĩ của mình áp đặt lên suy nghĩ của ông chủ, họ muốn ông đừng làm người cha yêu thương mà hãy làm một người buôn bán vô tình.

2. Công bình và thương xót

Nhiều người đọc xong dụ ngôn này đã nghĩ rằng Thiên Chúa đối xử không công bình vì Ngài đã trả cùng một đồng cho những người làm việc suốt ngày và người chỉ làm có một giờ.

Thực ra chẳng có gì là không công bình cả: Vì ông chủ đã thỏa thuận với thợ về tiền công mỗi ngày là một đồng, nên nếu ông trả không đủ một đồng thì mới bất công. Nói cho đúng hơn: đối với những người làm suốt ngày thì ông chủ công bình; còn đối với người làm chỉ có một giờ thì ông chủ đã đối xử hơn mức công bình: ông đối xử theo lòng thương xót.

Xem ra, đòi hỏi công bình là điều hợp lý. Nhưng xét theo thực tế, chúng ta không chịu nổi nếu Chúa cứ theo công bình à đối xử với chúng ta, đúng như lời Thánh vịnh "Nếu Chúa chấp tội thì ai nào đứng vững được". Cho nên, xét cho cùng thì chúng ta cần đến lòng thương xót của Chúa hơn là đến đức công bình của Ngài.

Vả lại, đối xử công bình là đối xử bằng lý, còn đối xử với lòng thương xót là đối xử theo tình. Mỉa mai thay, bất chính như con người thì hay đòi đối xử bằng lý, còn công chính như Thiên Chúa lại thích đối xử bằng tình.

Flor McCarthy đã chứng kiến một cảnh tượng tương tự với dụ ngôn này và cho biết ông đã thay đổi cách suy nghĩ ra sao sau khi chứng kiến nó: có lần ông đến Cape Town nước Nam Phi. Ðó là một buổi sáng mùa hè. Ông thấy một đám đông đứng ngoài đường không làm gì cả. Ban đầu ông nghĩ rằng đó là những kẻ lười biếng, đang khi những người khác lo làm ăn thì những người này đứng đó chẳng làm gì cả. Ðến trưa ông vẫn còn thấy đám người ấy vẫn đứng đó, mồ hôi đã nhễ nhại ướt đẫm lưng áo. Hỏi kỹ thì mới biết họ là những người thất nghiệp. Họ đứng chờ ngoài nắng, hy vọng có ai đến thuê họ đi làm chăng. Mãi tới chiều ông vẫn thấy đám người đó. Và khi hết ngày, họ lủi thủi ra về, trông rất tội nghiệp. Hôm đó McCarthy rất hối hận vì đã vội kết án những con người tội nghiệp ấy. Và ông đã soạn một lời cầu nguyện như sau:
"Tư tưởng của Ta không giống tư tưởng các ngươi
và đường lối Ta không giống đường lối các ngươi"
"Như trời xanh cao hơn đất bao nhiêu
thì đường lối Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu"
Lạy Chúa
Tư tưởng chúng con rất nông cạn, đường lối chúng con rất hẹp hòi
Bởi vì trí óc chúng con nghèo nàn và con tim chúng con chật chội.
Xin Chúa mở rộng trí óc và con tim chúng con
để chúng con suy nghĩ giống Chúa hơn, và hành động giống Chúa hơn.
Xin giúp chúng con đừng bực bội vì lòng tốt của Chúa đối với người khác
Xin giúp chúng con ý đừng cho rằng chúng con đáng được Chúa thưởng công
Xin giúp chúng con ý thức rằng chúng con cần đến lòng thương xót hơn là đức công bình của Chúa.

3. Giờ thứ 11

Cuối đoạn Tin Mừng này có một câu bất ngờ: "Kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết".

Trong Tin Mừng có nhiều thí dụ minh họa: Một chàng thanh niên giàu có và đạo đức hỏi Ðức Giêsu: tôi đã giữ các giới răn từ thuở nhỏ, vậy tôi phải làm gì thêm để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Lần kia Phêrô áy náy trình với Chúa: Thưa Thầy, này chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy, vậy thì sao? Bồn chồn hơn nữa, hai người con Ông Dêbêđê nghĩ rằng mình thuộc số môn đệ đi theo Thầy trước hết cho nên xin Thầy dành cho mình hai chỗ tả hữu trong Nước của Ngài. Nhưng, đối với những "kẻ trước hết" ấy, Ðức Giêsu đã không dành hai chỗ tả hữu ưu tiên, Ngài lại ban chúng cho hai tên trộm cướp. Ðúng vậy, hai "kẻ sau hết" này đã ở hai bên tả hữu của Thập giá.

Nói "trước hết" và "sau hết" là tính theo thời gian. Nhưng liên hệ với Chúa không tính bằng thời gian mà bằng sự gắn bó tình yêu.

4. Hãy có một não trạng mới

Ðiểm sâu sắc nhất của dụ ngôn những người thợ vườn nho là đặt đối lập nhau hai não trạng:

a/ Não trạng của những thợ làm nhiều giờ là óc tính toán: làm gì cũng là để tính công, công càng nhiều thì phải được hưởng càng nhiều.

Ðây là não trạng của đa số tín hữu chúng ta. Chúng ta tính toán mình đã giữ đạo bao nhiêu năm, đọc kinh dự lễ bao nhiều lần, làm việc lành phúc đức bao nhiêu việc v.v.

Với não trạng ấy, chúng ta chăm chăm nhìn đến những việc mình đã làm và cứ bo bo nhìn vào sổ thu của mình. Chúng ta nghĩ rằng khi đến cuối đời (hết ngày làm việc), trình quyển sổ thu đó cho Chúa thì chắc chắn Ngài sẽ mở kho tàng ơn cứu độ và thanh toán sòng phẳng cho chúng ta.

Nhưng trong não trạng ấy, ta là ai, Thiên Chúa là ai, liên hệ giữa Thiên Chúa và ta là gì? Ta chỉ là người làm công, Thiên Chúa là người thuê mướn, liên hệ hai bên là hợp đồng làm ăn.

Sống đạo theo não trạng này thật là nặng nhọc và vô tình vô nghĩa.

b/ Thực ra, Thiên Chúa đâu có tự coi là người thuê mướn và cũng đâu có coi chúng ta là người làm công.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta theo hoàn cảnh của mỗi người chúng ta. Người thì hoàn cảnh này (đứng trước vườn nho từ sáng sớm), người thì hoàn cảnh khác (đứng trước vườn nho khi đã gần hết ngày), nhưng người nào cũng được Thiên Chúa thương và ban cho ơn cứu độ (được vào vườn nho, được lãnh một đồng).

Não trạng thoải mái và hạnh phúc nhất là cảm nhận tình thương ấy và đáp lại tình thương bằng cách tận tâm tận lực canh tác vườn nho, không tính toán làm lâu hay làm mau, làm được nhiều hay làm được ít, chịu cực khổ nhiều hay ít.

Cần phải thay đổi não trạng: sống đạo không bằng tính toán mà bằng cả tấm lòng.

5. Chuyện minh họa

Ðây là diễn tiến một cuộc chạy đua 3000 mét.

Lúc bắt đầu, những tay đua chạy san sát nhau thành một nhóm rất đông. Một lúc sau, một nhóm nhỏ đã tách rời đám đông và chạy phía trước. Còn vài chục mét nữa thì một người vọt lên rất nhanh và tới đích.

Khán giả vỗ tay hoan hô nồng nhiệt. Một số người ôm những bó hoa tới tặng nhà vô địch. Các phóng viên xách Camera và máy chụp hình tới, vừa bấm máy, vừa thu hình, vừa phỏng vấn. Những người hâm mộ tới xin chữ ký. Một số hãng thương mại đến đề nghị ký hợp đồng với nhà vô địch.

Cuối cùng, ông chủ tịch Ban Tổ chức xuất hiện. Người ta mời nhà vô địch lên đứng trên một chiếc bục cao, người hạng nhì đứng trên bục bên phải thấp hơn một chút, và người hạng ba bục bên trái thấp hơn chút nữa. Người ta mang đến 3 chiếc huy chương để ông chủ tịch đeo vào cổ họ.

Nhưng ông chủ tịch ngỏ ý muốn gặp 3 người tới đích cuối cùng. Ban tổ chức không hiểu, nhưng vẫn làm theo lời ông. Khi họ tới, ông tươi cười trao chiếc huy chương vàng cho người hạng chót, chiếc huy chương bạc thuộc về người áp chót, và chiếc huy chương đồng cho người kế tiếp.

Nhà vô địch bực bội phản đối:

- Như thế là không công bình!
- Tại sao? Ông chủ tịch hỏi lại.
- Tôi hạng nhất, tôi phải được thưởng.
- Thì anh đã được thưởng rồi. Này nhé khán giả đã vỗ tay hoan hô anh, báo chí đã chụp hình anh, những người hâm mộ đã tặng hoa cho anh, những hãng thương mại đã ký hợp đồng với anh. Anh đã được thưởng quá nhiều rồi. Bây giờ anh hãy nghĩ tới những người chạy sau chót: họ cũng cố gắng như anh, vất vả không kém gì anh, và cũng chạy hết đoạn đường 3000 mét như anh. Anh thử nghĩ xem có công bình không khi anh thì được tất cả còn họ thì chẳng được gì?

Thiên Chúa là tình yêu ,Người yêu thương và muốn cứu độ hết thảy mọi người. Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết sống như Chúa: luôn cư xử quảng đại và khoan dung với hết thảy mọi người, nhờ đó chúng con sẽ nên hoàn thiện như Chúa Cha trên trời.

Thánh Ca : Kinh Hòa Bình


PHI CƠ & CÁI KẸP GIẤY
Cha Mark Link, S.J.

Hãy tưởng tượng trên căn phố bạn ở có 4 căn nhà. Bạn là chủ căn nhà ở góc đường trị giá 300 ngàn đô, nhà thứ ba trị giá 200 ngàn đô và nhà cuối cùng trị giá 100 ngàn đô. Hãy tưởng tượng đứa con bạn nói với bạn: "Bố ơi nếu có ai đó chịu mua căn nhà mình với giá 500 ngàn đô thì bố có bán không?" hẳn bạn sẽ trả lời: "Nếu thế thì may quá bố sẽ bán ngay tức khắc". Một tiếng đồng hồ sau chuông điện thoại vang lên. Bạn bước tới máy để trả lời và rồi không thể nào tin nổi vào tai mình! Có một người đề nghị mua nhà bạn với giá 500 ngàn đô. Bạn thật là vui mừng và đồng ý bán ngay.

Ngày hôm sau, bạn nghe nói rằng chủ căn nhà bên cạnh cũng đã bán nhà họ cho chính người đã mua nhà của bạn. Và thật là tin sét đánh! Mỗi người trong họ cũng đã bán được căn nhà mình với giá 500 ngàn đô.

Nghe thế, bạn liền giận dữ đến nỗi gọi điện cho người mua nhà và phiền trách ông ta về việc ấy. Ông ta liền trả lời: "Bộ tôi phỉnh gạt anh à? Hay là anh ganh tị vì tôi đã rộng lượng".

Câu chuyện này ứng dụng vào dụ ngôn của Chúa Giêsu nêu ra bài Phúc âm hôm nay một cách hiện đại hơn.

Ðể đánh giá được tính chất độc đáo dụ ngôn của Chúa Giêsu, chúng ta nên nhớ rằng những kẻ đến làm vườn nho vào những giờ cuối, không hề là những kẻ biếng nhác. Họ là những người thợ làm công cần việc làm. Sự kiện họ vẫn chờ đợi mãi cho đến năm giờ chiều cho thấy họ khẩn thiết cần việc làm biết bao.

Trong thời Chúa Giêsu, nếu trong ngày người ta không kiếm ra việc làm thì ngày hôm sau gia đình người ấy thường không có gì ăn. Vì thế người nào kiếm được việc làm từ buổi sáng thì sẽ vui vẻ cả ngày và gia đình người đó cũng thế.

Tại sao Chúa Giêsu kể ra câu chuyện trên? Ngài muốn nêu ra bài học gì đây? Trong cuộc sống thực tế, ai được ví là đám thợ được thuê sớm và ai là đám thợ được thuê muộn? Những kẻ được thuê muộn là những kẻ tội lỗi trong thời Chúa Giêsu. Những người này lắng nghe lời Chúa giảng và ăn năn thống hối. Còn đám thợ thuê sớm là những người biệt phái. Ðám người này giận dữ vì thấy những người tội lỗi ăn năn trở lại để rồi sau đó cũng được vào nước Chúa, và cũng nhận được phần thưởng y như họ.

Thái độ của đám biệt phái có thể so sánh với thái độ của một ai đó chỉ trích Chúa Giêsu vì Ngài đã tha thứ cho tên trộm lành trên thập giá qua câu nói: "Hôm nay anh sẽ lên thiên đường cùng Ta" (Lc 23: 43).

Ðiều thú vị đáng ghi nhận là giả sử đám thợ được thuê sớm không hay biết số tiền người chủ trả cho đám thợ đến sau thì hẳn họ đã vui vẻ biết ơn khi trở về nhà rôi. Nhưng vì biết được, nên họ đã trở về nhà lòng đầy giận dữ và ghen tị.

Ðiều này gợi lên một vấn nạn.

Tại sao đám thợ được thuê sớm lại ganh tị với sự may mắn của những kẻ được thuê muộn? Cũng như tại sao bạn lại ganh ghét với phận may của bà chủ nhà trên cùng con phố ấy khi những người này cũng bán được nhà của họ với giá 500 ngàn đô? Tại sao quá nhiều người cảm thấy hạnh phúc hay buồn bã vì ý nghĩ của mình về người láng giềng khá hay tệ hơn?

Chúa Giêsu ám chỉ đến câu trả lời cho vấn nạn trên khi Ngài để cho chủ vườn nho nói với đám thợ được mướn sớm: "Bộ ta đã phỉnh gạt các người sao?. Hay là các người ghen tị vì thấy Ta quảng đại?"

Chúng ta thường ghen tương với phận may của kẻ khác bởi vì chúng ta ganh tị với họ. Nhưng điều gì khiến chúng ta ganh tị với họ? Lý do là vì chúng ta nghĩ rằng họ khá hơn chúng ta, họ có nhiều tiền hơn chúng ta, họ xinh đẹp dễ coi hơn chúng ta, họ tài năng hơn chúng ta.

Thật rủi thay! Khi chúng ta nghĩ thế là chúng ta đã phạm phải sai lầm lớn trong việc xét đoán thiên hạ theo những tiêu chuẩn trần gian chứ không phải theo tiêu chuẩn của Chúa. Nếu chúng ta xét đoán theo tiêu chuẩn của Chúa thì có lẽ chúng ta sẽ khám phá ra mình cũng khá giống như kẻ khác vậy.

Ai hiểu được điều này? Trong kế hoạch của Chúa, tài năng của chúng ta có thể còn đáng giá hơn tài năng của một kẻ nào đó mà thiên hạ đánh giá là thông thái hay quyền uy. Thánh Phaolô đã nêu rõ điểm này trong thư thứ nhất gởi tín hữu Côrintô đoạn 1 câu 27-28: "Thiên Chúa đã cố ý chọn những gì mà thế gian xem là vô ý nghĩa để làm bẽ mặt đám người thông thái, và Ngài đã chọn những gì thế gian cho là yếu nhược để khiến đám thế lực phải hổ thẹn. Ngài đã chọn điều mà thiên hạ chê bai, khinh bỉ, liệt vào hạng không ra gì, để tiêu huỷ những gì thiên hạ cho là quan trọng".

Tôi xin minh họa điều thánh Phaolô muốn nói:

Cách đây vài năm, một chiếc hoả tiễn thử nghiệm đắt tiền đang sắp đậu xuống căn cứ không quân Edwards ở Califonia. Khi viên phi công định hạ thấp cần số vào vị trí cho hạ cánh thì bỗng nó không hoạt động nữa. Viên phụ tá liền xem xét chớp nhoáng và khám phá ra vấn đề là do nơi mạch "rờ le" bị trục trặc. Thế là anh ta vội chạy đi kiếm một cái gì đó tạm sửa cái "rờ le" (mặt tiếp điện) để làm cho cần số hoạt động trở lại -- và anh ta đã tìm được một cái kẹp giấy, uốn cong nó lại, nhờ đó giải quyết được khó khăn và làm cho cần số hoạt động trở lại được. Cái kẹp giấy đó khác nào tấm bùa cứu cho chiếc phản lực đắt tiền khỏi bị đâm sầm xuống đất. Vào lúc đó, xét theo nhiệm vụ đặc biệt ấy, cái kẹp giấy tầm thường này còn quan trọng hơn toàn bộ dụng cụ trên chiếc máy bay.

Kế hoạch của Thiên Chúa cũng thường như thế đó. trong bài đọc thứ nhất hôm nay, tiên tri Isaia đã nhân danh Chúa nói rằng: "tư tưởng của Ta - không giống tư tưởng các ngươi, và đường lối của Ta khác với đường lối của các ngươi. Trời cao hơn đất thế nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối và tư tưởng của các ngươi như thế".

Bài Phúc âm hôm nay mời gọi chúng ta nghe theo lời khuyên của thánh Phaolô gởi tín hữu Galata. Thánh Phaolô nói: "Mỗi người chúng ta nên suy xét về cách cư xử của mình. nếu là tốt thì có thể hãnh diện về điều mình đã làm nhưng chớ nên so sánh với điều kẻ khác đã làm" (Gl 6: 4).

Xét cho cùng, điều quan trọng trong cuộc sống này không phải là những gì thiên hạ nghĩ về chúng ta, hoặc chúng ta đã làm việc chăm chỉ như thế nào trong vườn nho của Chúa. Ðiều quan trọng là những gì Thiên Chúa nghĩ về chúng ta và tình yêu thôi thúc chúng ta làm việc.

Có câu chuyện về một nhà giảng thuyết trứ danh nọ. Ông ta biết mình là một diễn giả xuất sắc nên thường dùng các bài giảng gây danh tiếng cho mình. Vào cuối đời khi ông sắp chết thì có một điều gì đó rõ ràng đang quấy nhiễu ông. Bề trên dòng trông thấy và nói; "Thưa cha Matthêu, xin hãy bình an. Khi ngài ra trước Chúa Giêsu để chịu xét xử, ngài chỉ cần nhắc cho Chúa về những bài tuyệt hảo ngài từng giảng thuyết." Cha Matthêu liền đáp lại: "Nếu Chúa Giêsu không để ý đến chúng, thì chắc hẳn con sẽ không nhắc cho Ngài nghe về chúng đâu".

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện của Ðức Hồng Y Newman:

"Chúa đã uỷ thác cho tôi vài công việc mà Ngài không uỷ thác cho kẻ khác. Tôi có sứ mệnh của tôi. Có thể tôi không bao giờ biết được nó trong cuộc sống này nhưng trong cuộc sống mai hậu ắt tôi sẽ rõ.

Vì thế, tôi tin vào Ngài. Ngài không làm điều gì vô ích. Ngài có thể kéo dài hay rút ngắn cuộc sống của tôi; Ngài biết rõ điều Ngài định làm…

Ôi lạy Chúa, con xin hiến dâng trọn vẹn toàn xác hồn con trong tay Ngài."

Thánh Ca : Tâm Tình Phó Thác

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét