Trang

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 23 MTN A (04/09/2011)



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật thứ 23 MTN (A) :


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng chủ đề :"Điều Kiện Cầu Nguyện " của Linh Mục Nguyễn Phi Long.



ANH EM SỬA LỖI CHO NHAU
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Tế nhị, khó khăn, nhưng cần thiết

Lời Chúa hôm nay trong bài Tin Mừng nhắc lại một vấn đề quan trọng nhưng rất tế nhị trong cuộc sống chung giữa con người với nhau: đó là việc sửa lỗi người khác.

Phải nói ngay rằng đó là một việc vô cùng tế nhị và hết sức khó khăn:

•tế nhị về phía người được sửa lỗi
•khó khăn về phía người sửa lỗi, muốn giúp người khác nên hoàn thiện.

Nói rằng đó là một việc tế nhị, vì thuốc đắng đã tật, lời thật mất lòng: muốn khỏi bệnh nhưng sợ uống thuốc vì thuốc đắng; muốn nói lên sự thật nhưng ngại không dám nói vì sợ mất lòng. Ðó là điều tế nhị thứ nhất. Ðiều tế nhị thứ hai ai cũng phải công nhận: Nhân vô thập toàn, người nào cũng có khuyết điểm, không ai vẹn toàn trăm phần trăm. Thế nhưng tâm lý tự nhiên người ta thường nói: đẹp đẽ khoe ra xấu xa che lại. Và không ai muốn vạch áo cho người xem lưng, vì ai cũng sợ người khác biết được khuyết điểm hay tính xấu của mình, tự nhiên ai cũng muốn người khác quên đi hay đừng nhắc tới quá khứ không đẹp của mình. Do đó việc sửa lỗi anh em gây khó khăn vì phía người sửa lỗi. Vì nếu không khéo hay vụng về cách nào đó thì anh em sẽ cho rằng chúng ta sửa lưng anh em chứ không phải sửa lỗi anh em, miệt thị, hạ giá anh em hơn là muốn anh em nên tốt. Và không khéo thì chúng ta sẽ bị anh em mắng lại: Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người. Thậm chí có khi lại bị anh em dùng chính Lời Chúa để "phang" lại: "Hãy lấy cái đà khỏi mắt anh đã"

Việc sửa lỗi anh em thật tế nhị và khó khăn. Nhưng Lời Chúa hôm nay xác định cách rõ ràng: sửa lỗi anh em là một hành vi tích cực của đức Bác Ái, vì sửa lỗi anh em là để cho anh em được nên hoàn thiện hơn. Ðối với người có trách nhiệm hay bề trên sửa lỗi bề dưới còn là một điều cần thiết và là một bổn phận nữa.

•Sửa lỗi anh em trong đức ái không có nghĩa là dò xét bới móc, vạch lá tìm sâu, bé xé ra to, ít xít ra nhiều.
•Sửa lỗi anh em không phải là kể ra lỗi lầm của anh em với bất cứ ai.
•Sửa lỗi anh em trong đức ái là ý thức rằng tôi cũng có lỗi lầm, tôi cũng đầy khuyết điểm và tôi cũng cần người khác sửa lỗi.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được đầy tràn Thánh Thần tình yêu Thiên Chúa, vì chỉ có Chúa Thánh Thần mới là Ðấng duy nhất "sửa lại mọi sự trong ngoài chúng tôi".

•Xin cho chúng ta được tràn đầy Thánh Thần Chúa để khiêm tốn chấp nhận những sửa sai, những chỉ bảo của người khác về những lỗi lầm, thiếu sót của ta.
•Xin cho chúng ta được tràn đầy Thánh Thần Chúa để chúng ta có thể nói thẳng nói thật những lỗi lầm của nhau mà không làm thương tổn tình đoàn keết thân ái và mối dây thông cảm yêu thương.
•Xin Chúa cho chúng ta hiểu được một lời kia của Tuân Tử nói rằng: Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta. Kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta. Còn kẻ nịnh hót, tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại đời ta mà thôi.
•Lạy Chúa, hình như chúng con chỉ thích những lời khen và hình như chúng con thích nhất những lời nịnh hót tâng bốc, và chúng con không thích mấy, hay rất sợ, thậm chí rất ghét những ai sửa lỗi chúng con.
•Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết chọn lựa một thái độ đúng đắn qua Lời Chúa dạy hôm nay.

(Lm Ðoàn vĩnh Thịnh. Chánh xứ An Lạc, trong CgvDt số đặc biệt Giáng sinh '95, trang 244-245)

2. Hai từ ngữ chói sáng

"Nếu người anh em của anh phạm lỗi..."

Từ sáng chói thứ nhất trong bài Tin Mừng hôm nay là từ "anh em". Tại sao tôi phải đi gặp người vừa phạm lỗi nặng? Bởi vì người ấy là anh tôi, em tôi. Chúng tôi là con cùng một cha. Người anh em ấy đang mắc sai lầm. Nhưng tôi không đến để "vạch mặt chỉ tên" mà đến nói chuyện tay đôi trong tình anh em, chỉ cho anh ta biết đâu là phải đâu là quấy. Tôi đến với anh như người mục tử bỏ 99 con chiên để đi tìm và chăm sóc con chiên lạc.

Nếu biện pháp nói chuyện tay đôi cũng không có kết quả, thì tôi sẽ nhờ đến cộng đoàn. Ðây là biện pháp mà chỉ Tin Mừng theo thánh Matthêu mới có. Tin Mừng của ngài viết cho những tín hữu là người Do Thái. Họ đã thuộc luật Do Thái. Theo sách Thứ luật, viết trước Ðức Giêsu cả 6 thế kỷ, thì khi luận tội một người phải có ít là hai ba nhân chứng. Biện pháp tiếp theo cũng chỉ có trong Tin Mừng Matthêu: "Nếu anh ta không nghe cộng đoàn, thì hãy kể như anh ta là một người dân ngoại, một người thu thuế".

Biện pháp sau cùng xem ra khắc nghiệt. Phải chăng đây là biện pháp loại trừ? Chúa có loại trừ dân ngoại và người thu thuế bao giờ đâu. Vả lại hãy nhớ đến dụ ngôn người con hoang đàng, hãy nhớ đến thái độ của người cha đối với nữa con hoang đàng và hợp ý cầu nguyện cùng Cha cho người anh em được mau quay về đoàn tự trong nhà Cha.

Như vậy từ chói sáng thứ hai trong bài Tin Mừng hôm nay là từ "Cha". Chúa nói: "Nếu hai người trong anh em họp nhau để cầu xin gì cùng Cha, thì họ sẽ được điều đó nhân danh Thầy". Lời Chúa còn mời gọi chúng ta nhận ra sự hiện diện âm thầm của Chúa: "Khi hai hay ba người họp lại nhân danh Thầy, thì sẽ có Thầy ở đó". Cùng với Chúa, cả cộng đoàn thiết tha cầu mong cho người anh em trở về, thì nhất định anh ta sẽ trở về, vì cảm được nỗi chờ mong đau đáu của Cha, giữa họ. (Trích báo CgvDt, số đặc biệt Giáng sinh '98, trang 258-259)

3. Dám sửa lỗi anh em là dấu hiệu của một tình thương cao độ

Thương ai thật là muốn điều tốt cho người đó. Muốn điều tốt cũng có nghĩa là không muốn điều xấu.

Vậy nếu ta thương người anh em mình thật thì khi thấy người anh em mình sai lỗi, ta phải tìm đủ cách để cứu người anh em ấy ra khỏi lỗi lầm.

Việc sửa lỗi cho anh em cũng khó khăn và thậm chí đau khổ, đau đớn. Cũng giống như nhảy vào lửa để cứu người.

Nếu không thương thì không nhảy vào lửa. Dám nhảy vào lửa là dấu hiệu của tình thương lớn lao.

4. Chuyện minh họa

a/ Sửa lỗi cách tế nhị

Ðức Hồng y Roncalli (sau là Giáo hoàng Gioan 23) ngày kia dự tiếp tân bên cạnh một nữ công tước mặc chiếc váy cực kì ngắn. Ngài tỏ vẻ khó chịu bằng cách suốt bữa tiệc làm như không biết bà. Cuối bữa, ngài đưa cho bà một trái táo. Rất hân hạnh, bà nói:

- Tôi không biết phải cám ơn ngài thế nào. Nhờ đâu tôi được ngài ưu ái như thế?

Ngài chăm chăm nhìn bà rồi nói:
- Sau khi Evà ăn quả táo, bà ta mới nhận ra là mình thiếu quần áo.

b/ Người anh em

Nạn đói xảy ra trong vùng. Một người ăn xin bên góc đường bước đến bên đại văn hào Nga, Tolstoy, đang đi ngang qua đó. Tolstoy dừng lại, lấy tiền cho nhưng không tìm được đồng nào. Ông nói với sự nuối tiếc: " Này người anh em, đừng giận tôi. Tôi chẳng đem theo gì".
Mặt người ăn xin sáng lên và nói: "Ông gọi tôi là anh em, đó đã là món quà rất lớn rồi!"

Thánh Phaolô dạy: "Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái. Vì ai yêu người thì đã chu toàn lề luật". Với quyết tâm sống bác ái yêu thương, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.Lạy Chúa Cha nhân lành, sửa lỗi cho nhau để giúp nhau nên tốt là một trong những bổn phận quan trọng của từng người trong chúng con. Xin ban cho chúng con lòng khiêm tốn thật để chúng con có thể vui lòng đón nhận những lời góp ý xây dựng của anh chị em chúng con.Amen.

Thánh Ca : Xin Cho Con Biết Lắng Nghe


BÀI THI CỦA BÀ GIÁO O'NEILL
Cha Mark Link, S.J.

Một phụ nữ làm việc ở nhà hàng tiếng tăm nọ từng tuyên bố không theo tôn giáo nào cả, có nói với một vị linh mục: "Thưa cha, tôi không muốn làm cha thất vọng, nhưng trong số kẻ bê bối nhất tôi từng gặp trong nghề nghiệp của tôi lại có những Kitô hữu rất siêng năng đi nhà thờ".

Linh mục đáp lại: "Ðúng vậy, trong số các Kitô hữu không may vẫn có những người tồi tê, không khác gì trong số những người ngoài cũng có những người tồi tệ như vậy".

Người phụ nữ liền đáp: "Thưa cha, thế thì không phải các Kitô hữu vẫn được xem là đặc biệt hơn sao?".

Vị Linh mục bùôn bã nhìn bà ta nói: "Ðúng thế, đúng thế, họ được xem là phải sống tốt hơn!"

Cuộc đàm thoại trên hẳn khiến anh chị em ngạc nhiên. Các Kitô hữu thường xuyên đi nhà thờ hẳn khác hơn những kẻ không đi nhà thờ chứ ? Chúng ta hãy xem xét ba trường hợp sau:

Một tay bán vé cho tuyến xe đưa đón ở phi trường nói với một ông bố: "Thưa ông, con trai ông có vẻ trẻ hơn tuổi của nó: ông nên mua nửa vé thôi. Nếu tài xế có hỏi, ông cứ nói là thằng bé dưới 12 tuổi. Như thế ông sẽ đỡ tốn vài đola!" Giả sử anh chị em là ông bố ấy, anh chị em sẽ trả lời người bán vé thế nào?

Rồi một trường hợp khác. Một bà mẹ bắt gặp đứa con gái 5 tuổi của mình cầm một cây kẹo mà nó ăn cắp được sau khi từ siêu thị ra. Giả sử anh chị em là bà mẹ ấy, anh chị em sẽ làm gì?

Và đây trường hợp sau cùng. Giả sử nghe đứa bạn thân nhất của con bạn nói với nó: "Nếu mày cần hỏi bất cứ câu gì trong kỳ thi toán, mày cứ ra dấu cho tao". Ðặt trường hợp thằng bé ấy là con của anh chị em, thì anh chị em sẽ cứ tiếp tục đọc báo hay sẽ đặt báo xuống và nói chuyện với cả hai cậu bé?

Tôi không biết anh chị em sẽ xử lý thế nào trong những trường hợp như thế, nhưng tôi biết rõ Chúa Giêsu sẽ xử lý thế nào. Câu trả lời ấy được tìm thấy trong các bài đọc hôm nay. Cả ba bài đều tập trung vào bổn phận hỗ tương của người Kitô hữu phải có đối với nhau. Các Kitô hữu không chỉ phải làm điều thiện mà còn phải giúp đỡ kẻ khác làm điều thiện nữa. Chúa Giêsu bảo các môn đệ: "Các con là muối đất... các con là ánh sáng thế gian... Ánh sáng các con phải chiếu tỏa trước mặt thiên hạ" (Mt 5 : 13-16).

Chúng ta hãy trở lại với ba trường hợp trên. Câu trả lời của người Kitô hữu đối với từng trường hợp trên như thế nào? Một kẻ theo Chúa Giêsu sẽ nói gì với người bán vé xe là kẻ đã nói với ông bố nọ: "Ông cứ nói với tài xế xe là thằng bé con ông dưới 12 tuổi?" Trường hợp này thực sự đã xảy ra ở Chicago. Ông bố ấy đã trả lời làm sao? Ông ta bảo với người bán "Tôi rất trân trọng hảo ý của ông, nhưng tôi muốn con tôi chân thực dù điều đó gây bất lợi cho nó". Còn bà mẹ bắt gặp đứa con gái của mình ăn cắp cây kẹo đã xử lý như thế nào? Ðây cũng là một câu chuyện có thực đã xảy ra. Cây bút của tờ báo Dallas Morning News (Tin tức Dallas buổi sáng) khi thuật lại câu chuyện trên đã nói rằng bà mẹ nọ đã bảo đứa bé trả lại cây kẹo cho vị quản đốc, và ông này nói: "Ôi đừng lo gì chuyện đó. Nó có đáng gì đâu. Ðám nhân viên mỗi ngày ăn cắp của tôi nhiều hơn thế nhiều!".

Như tay viết báo kể lại, đây thực là một câu trả lời khó tin nổi. Viên quản đốc đã gây cho cháu bé ấn tượng ăn cắp chả quan trọng gì nếu đó chỉ là một vật nhỏ mọn. Thực sự dù là ăn cắp vật lớn hay nhỏ thế nào đi nữa thì ăn cắp vẫn luôn luôn là điều xấu.

Và cuối cùng hãy xét đến trường hợp thằng bạn của đứa con trai chúng ta đồng ý gian lận để giúp đỡ con trai ta trong bài thi toán. Jerome Weidman, tác giả cuốn "Hand of the Hunter" (Tay người thợ săn) khi còn bé từng can dự vào một trường hợp như trên. Ông kể lại cách đây 30 năm, ông vào học ở một trường công Nữu Ước. Bà giáo dạy toán lớp ba của ông tên là bà O' Neill. Ngày nọ bà ra cho lớp một bài thi. Khi chấm bài bà nhân ra 12 cậu trai đã trả lời sai một cách giống y như nhau đối với cùng một câu hỏi. Qua ngày sau, bà yêu cầu 12 cậu bé ấy ở lại lớp sau khi tan học. Sau đó, không hề kết tội đứa nào, bà chỉ viết lên trên bảng câu này: "Tính chân thực của một người được thể hiện trong những điều kẻ ấy sẽ làm dù biết rằng không bao giờ bị ai bắt gặp". Ðoạn bà ghi tên tác giả câu nói trên: Thomas Babington Macaulay. Weidman viết: "Tôi không rõ về 11 cậu kia ra sao, chỉ có đứa một trong số đó là chính tôi, có thể nói rằng: Ðây là bài học đơn sơ nhưng quan trọng nhất trong đời tôi".

Như thế chúng ta đã thấy ba mẫu người Kitô giáo xử lý như thế nào trong ba trường hợp khác nhau trên. Ba Kitô hữu này đã lưu tâm đến lời giáo huấn của Chúa Giêsu dạy phải giúp đỡ anh chị em sống cuộc sống Kitô hữu. Ba Kitô hữu này đã nghiêm chỉnh chấp nhận lời Chúa Phán với Êdekien trong bài đọc thứ nhất hôm nay: "Nếu... ngươi không răn dạy kẻ xấu thay dổi cách ăn ở của nó thì Ta sẽ qui trách nhiệm cho ngươi". Ba Kitô hữu này đã nghiêm chỉnh chấp hành lời thánh Phaolô gởi tín hữu Roma trong bài đọc thứ hai hôm nay: "Nếu anh em yếu mến kẻ nào, anh em sẽ không bao giờ làm hại kẻ ấy". Và cuối cùng, ba Kitô hữu nầy cũng đã nghiêm chỉnh tuân theo lời Chúa Giêsu trong phúc âm hôm nay; "Nếu anh em ngươi phạm lỗi với ngươi, hãy đến gặp nó và chỉ cho nó biết lỗi lầm của nó. Tuy nhiên phải làm điều ấy một cách âm thầm giữa ngươi và nó thôi".

Như thế ba Kitô hữu nêu trên đã gây ấn tượng như thế nào cho những người nghe họ nói? Tôi xin được lập lại điều Jerome Weidman đã nói: "Tôi không rõ về 11 cậu kia ra sao, chỉ biết một đứa trong số đó là chính tôi, thì tôi có thể nói rằng: Ðây là bài học đơn sơ nhưng quan trọng nhất trong đời tôi".

Eđmun Burke có nói: "Chỉ cần những người tốt cứ giữ yên lặng, là điều xấu sẽ tăng triển ngay"

Trong những trường hợp trên, ba Kitô hữu nọ đã không giữ yên lặng. Họ mời gọi chúng ta noi gương họ.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con ghi lòng tạc dạ những lời Chúa kêu gọi chúng con đi theo làm môn đệ Ngài:

"Các con là muối đất, nếu muối nhạt đi thì lấy gì ướp nó mặn lại được. Nó chẳng còn ích gì chỉ đáng quẳng ra ngoài cho người ta chà đạp lên đó. Các con là ánh sáng thế gian, một thành xây trên núi không thể giấu được. Không ai đốt đèn rồi đặt dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn để soi cho mọi người trong nhà. Cũng thế, ánh sáng các con phải toả chiếu trước mặt mọi người để họ trông thấy việc các con làm mà ngợi khen Cha các con, là Ðấng ngự trên trời" (Mt 5: 13-16).

Thánh Ca : Tình Con Yêu Chúa


CANH GIỮ CHO NHAU
Msgr. Edward Peter Browne
L. M. Gioan Trần Khả chuyển dịch

Có thể là tôi đã kể cho các bạn câu truyện này một lần rồi. Một anh chàng kia quyết định đi nghỉ hè ở Grand Canyon. Anh muốn ngắm cảnh bình minh ở Canyon, do đó anh đã thức dạy thật sớm, đi ra ngoài mỏm núi ngồi chờ mặt trời mọc lên vào buổi sáng sớm. Khi mặt trời mọc, một cảnh tuyệt vời lộng lẫy hiện ra, và anh bắt đầu nghĩ tưởng đến vinh quang của Thiên Chúa và Ngài thật tuyệt diệu nơi các tạo vật của Ngài. Khi mặt trời mọc lên và tỏa khắp trên bầu trời, anh bắt đầu ca tụng sự diệu kỳ của Thiên Chúa. Bỗng anh bị sẩy chân té xuống sườn núi. Rơi xuống khoảng bốn năm thước thì anh nắm được một cành cây và bắt đầu kêu cứu, “Cứu tôi với, có ai ở trên đó không?”

Một giọng nói lớn vang lên, “Đây là Thiên Chúa! Ta nghe ngươi ca ngợi ta và bây giờ ta đến để lo cho ngươi. Ngươi có tin tưởng ở ta không?”
“Oh, dĩ nhiên là con tin Chúa.”
“Ngươi có thật có lòng tin ở ta không?”
“Lạy Chúa, con tin.” Người đó trả lời.”
“Được, vậy thì ngươi hãy buông tay ra khỏi cành cây.”
Ông ta ngó nhìn xuống vực thẳm và ngước nhìn lên rồi kêu, “Có còn ai khác ở trên đó không?”

Tôi nghĩ nếu trường hợp ở hoàn cảnh của tôi, có lẽ tôi cũng sẽ làm giống như người đó, bởi vì tôi nghĩ, “Nếu tôi buông tay để rơi xuống, thì giả như đó không phải là tiếng nói của Thiên Chúa thì sao? Giả như đó là tiếng nói của qủy sứ hay của một người nào đó muốn lừa tôi thì sao? Do đó các bạn suy nghĩ kỹ lưỡng gấp đôi. Nhưng nếu như có ba người cùng ở đó với tôi và cả ba người đều bị té rơi xuống đó và cùng nắm được vào cành cây, và Thiên Chúa xuất hiện nói, “Ta sẽ cứu các ngươi,” và ba người kia buông tay ra khỏi cành cây và được cứu thoát, thì lúc đó tôi cũng sẽ buông tay ra, bởi vì tôi thấy có người đã làm như thế trước tôi, chỉ cho tôi cách làm đó.

Làm Gương

Các bài đọc Thánh Kinh hôm nay quy tụ ở điểm đó. Chúng ta là những người canh giữ cho anh em của mình, và chúng ta phải làm gương; chúng ta phải thông báo, phải hướng dẫn và tỏ ra tự tin và can đảm với những người chúng ta gặp. Đôi khi vì đức tin yếu kém chúng ta không thể hoàn tất được tất cả những gì chúng ta muốn làm. Chúng ta bị phân tâm. Thế gian đưa chúng ta đi lầm đường, và chúng ta có khuynh hướng tự nhiên từ bên trong dễ bị trôi dạt đi và làm những điều sai trái. Thí dụ có một lũ trẻ làm điều sai trái và một đứa lên tiếng, “Không! Đừng làm thế,” nhưng những đứa khác không nghe. Thường tình thì thằng nhỏ muốn làm điều đúng sẽ nhập theo với những đứa bạn xấu. Điều đó thường xẩy ra như thế. Chúng ta có trách nhiệm như những người Công Giáo, những người theo Chúa Giê-su Kitô, phải làm gương cho những người khác.

Các người làm cha mẹ có trách nhiệm thật lớn lo cho đời sống tinh thần của con cái. Làm thế nào để con cái của họ biết được điều những người Công Giáo phải làm nếu cha mẹ của chúng không thực hành? Làm thế nào con cái của họ biết là chúng cần phải đi lễ nếu cha mẹ chúng không đi? Làm thế nào con cái của họ biết cái gì là tốt cái gì là xấu nếu cha mẹ không dạy cho chúng? Do đó cha mẹ có trách nhiệm quan trọng này. Và như bài đọc thứ nhất hôm nay, nếu các bạn không sửa bảo người làm lỗi, thì các bạn cũng có tội. Các cha mẹ không lo cho con cái của họ, không hướng dẫn con cái về đạo Chúa, không nêu gương cho con cái, là họ làm cho con cái mất linh hồn. Làm thế nào để con trẻ học biết điều phải làm trừ khi chúng được cha mẹ hướng dẫn? Và nếu các người làm cha mẹ lại lơ là trong bổn phận thì chắc chắn con cái cũng lơ là. Tôi thấy thường khi cha mẹ gởi con đến trường Công Giáo thì nghĩ rằng nhà trường sẽ dạy đời sống luân lý cho con của họ. Khi những đứa trẻ đó rời nhà trường, chúng bỏ nhà thờ luôn, bởi vì cha mẹ của chúng không tham gia thực hành. Những ai trong các bạn có con cái, nhỏ tuổi hay lớn tuổi, đều có trách nhiệm lớn lao lo cho con của mình được chỉ bảo hướng dẫn cẩn thận về điều đúng điều sai để chúng có thể đạt được ơn cứu rỗi. Giả như sau khi các bạn đã lo chỉ bảo cho con cái tất cả những điều này và chúng vẫn cứ lạc đường lạc lối, thì đó là quyết định của chúng.

Gương Xấu

Thật đáng buồn có qúa nhiều người bị dẫn đi lạc. Thí dụ có bài báo mới đây tường thuật về cuộc viếng thăm nước Pháp của Đức Giáo Hoàng. Ngài đã thăm viếng nước Pháp trước đó không lâu và được hàng trăm ngàn người đón tiếp. Trong khi có một vài giám mục và linh mục Pháp lại bắt đầu lên tiếng phản đối giáo huấn luân lý của Giáo Hội. Họ đã chối bỏ các giáo huấn luân lý của Giáo Hội, và kết qủa hầu như là cả nước đồng ý với họ. Dân chúng đã được các vị đó cho biết là được không sao, không có gì là sai trái về vấn đề phá thai, ngừa thai, ly dị, và hàng loạt những hành động luân lý sai trái khác. Và dân chúng làm theo gương xấu của các vị giám mục linh mục đó. Các giám mục linh mục đó sẽ phải trả lời về hành động của họ. Tôi không muốn ở trong trường hợp của họ khi đến ngày phán xét, bởi vì họ đã dẫn người ta đi lạc đường.

Làm Gương Tốt

Trách nhiệm của những người Công Giáo là dẫn người khác đến việc nhận biết Thiên Chúa để mọi người chúng ta có cơ hội được cứu rỗi. Do đó hãy nhớ là chính các bạn, do bởi làm gương, do những việc làm tốt lành,do việc dạy dỗ, có bổn phận dẫn đưa người khác đến với Giáo Hội. Các bạn làm như thế, trước hết, bằng việc sửa đổi chính mình. Các bạn phải ăn năn thống hối, sửa mình và thay đổi lối sống của mình để điều các bạn làm cũng giống như điều các bạn dạy. Các bạn thực hành điều tốt để được ơn thánh của Chúa cho chính mình, và các bạn làm gương bằng chính cách các bạn sống, và khi có những cơ hội đến với mình, thì các bạn nói điều mình sống. Các bạn nói cho những người khác biết điều này là tốt, điều này là đúng luân lý, điều này là điều phải làm để được cứu rỗi. Nhiều trường hợp, nếu bạn không làm như thế thì chẳng có ai làm. Do đó hãy chớp lấy cơ hội để tham gia vào công cuộc cứu nhân loại bằng cách thực hành tự nơi bản thân, trong gia đình, trong lối xóm, và trong nhà thờ của mình nhờ đó bạn có thể dẫn đưa chính mình và những người khác đến hạnh phúc vĩnh cửu.

Thánh Ca : Dòng Đời Xuôi Ngược

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét