Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 6, 2011

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Thứ VII Phục Sinh - Lễ Thăng Thiên ( ngày 05/06/2011 )



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ VII Phục Sinh - Lễ Thăng Thiên :


Nguồn : www.40giayloichua.net



LỄ THĂNG THIÊN - CHUYỂN SANG MỘT GIAI ĐOẠN MỚI
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Thăng thiên nhưng không phải là lên trời!

Hôm nay Ðức Giêsu "thăng thiên". Xét theo nghĩa chữ, thì "thăng thiên" chính là "lên trời". Thế nhưng tại sao Ngài lại nói rằng "Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế"? Nói vậy nghĩa là Chúa vẫn còn ở với chúng ta chứ đâu có "lên trời"!

Chúng ta phải lưu ý đến cách viết của tác giả Mátthêu. Ngài đã dùng từ không theo sát nghĩa đen, nhưng theo nghĩa mà người bình dân quen hiểu. Theo đó, cái gì cao thì gọi là "trời", cái gì thấp thì gọi là "đất", tình trạng tiến khá hơn thì nói là "lên", lùi tệ hơn thì nói là "xuống". Như thế, "thăng thiên" hay "lên trời" không chỉ một chuyển động trong không gian, mà chỉ một tình trạng tốt hơn trước. Ngày xưa, Ðức Giêsu nhập thế thì được diễn tả là "giáng trần" hay "xuống đất". Hôm nay Ngài trở về tình trạng vinh quang với Chúa Cha thì diễn tả là "lên trời". Bởi vì Ðức Giêsu chỉ thay đổi tình trạng thôi cho nên dù bây giờ Ngài vinh quang, nhưng Ngài vẫn ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, chứ không phải Ngài lên "ở trên trời" và để chúng ta phải mồ côi "ở dưới đất".

Lễ Thăng thiên đánh dấu sự thay đổi tình trạng của Ðức Giêsu. Hình dung Ðức Giêsu đang bay lên giữa các tầng mây, hay đang ngồi bên phải Chúa Cha chỉ là những cách tưởng tượng. Những hình ảnh tưởng tượng này có cụ thể đối với đầu óc bình dân đấy, nhưng gây tai hại là khiến người ta nghĩ rằng Ðức Giêsu đã xa cách loài người.

Chúng ta phải đi xa hơn những hình ảnh tưởng tượng kia để đạt đến ý nghĩa đích thực của việc thăng thiên: đó là Ðức Giêsu đã lấy lại vinh quang, Ngài vẫn còn ở bên cạnh chúng ta luôn mãi, và nhờ vinh quang, Ngài sẽ hỗ trợ đắc lực cho chúng ta.

Như thế, Lễ Thăng Thiên không làm cho chúng ta cứ đăm đăm nhìn trời với lòng bùi ngùi luyến tiếc, nhưng khuyến khích chúng ta quay về cuộc sống để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng cho khắp thế giới, với lòng đầy hăng hái vì biết Ðức Giêsu vinh quang lúc nào cũng hỗ trợ chúng ta.

2. Lễ thăng thiên đánh dấu một bước ngoặc

Lễ Thăng thiên đánh dấu sự thay đổi tình trạng của Ðức Giêsu. Lễ này còn đánh dấu một bước ngoặc trong việc loan Tin Mừng: Trước đây, loan Tin Mừng chủ yếu là việc của Ðức Giêsu, các môn đệ theo Ngài để tập sự. Từ nay, loan Tin Mừng là sứ mạng của các môn đệ, với sự hỗ trợ đắc lực của Ðức Giêsu vinh quang. Bởi đó, sách Công vụ ghi lời Ðức Giêsu căn dặn: "Anh em sẽ làm chứng cho Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samaria và cho đến tận cùng trái đất"; sách Tin Mừng Mátthêu cũng ghi lời Chúa bảo: "Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần... để muôn dân trở thành môn đệ của Thầy".

3. Sự hiện diện hằng cửu

Tin Mừng hôm nay thuật lại cuộc họp mặt lần chót của Ðấng phục sinh với các môn đệ ở trần thế. Ðây là cuộc gặp gỡ thân mật nhưng mở ra những viễn tượng vô cùng rộng lớn. Ngay trong giờ phút chia tay đã bắt đầu một sự hiện diện mới, sự hiện diện hằng cửu của Ðấng Phục sinh: "Thầy ở với chúng con hằng ngày cho đến tận thế".

Chúa ra đi nhưng Ngài không trở thành "cố nhân", người xưa, người của quá vãng. Ngài không để chúng ta côi cút. Ngài vẫn hiện diện (tuy cách hiện diện có khác), bởi vì Ngài là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Ðã qua rồi cái thời Ngài hiện diện hữu hình. Bây giờ đến thời của lòng tin, của sự tập luyện. Chúng ta tập nhận ra Chúa trong anh em ta, trong các biến cố đời thường.

Ngài vắng mặt, nhưng vẫn tiếp tục hiện diện qua Chúa Thánh Thần, Ðấng An ủi: "Thầy ra đi là tốt cho anh em, bởi nếu Thầy không ra đi thì Ðấng An ủi sẽ không đến".

Chúa còn hiện diện với chúng ta trong bí tích bẻ bánh, như ngày xưa Ngài hiện diện giữa hai môn đồ ở làng Emmau.

Chúa còn hiện diện trong các cộng đoàn, "nơi có hai ba người họp mặt cầu nguyện". Chúa hiện diện ở bất cứ nơi nào có chia sẻ, bất cứ nơi nào người ta thương mến giúp đỡ nhau. Chúa hiện diện tại bất cứ nơi nào con người được giải phóng khỏi bất công, khỏi bạo lực, khỏi nghèo đói.

Trong cuộc chia tay, Chúa đã trao cho các môn đệ sứ mệnh làm lan truyền sự hiện diện của Ngài nơi tất cả các dân tộc. Sự hiện diện được thể hiện khi ta tuân giữ giới luật yêu thương, mệnh lệnh tình yêu: "Các con hãy yêu nhau, như Thầy yêu thương các con" (Trích báo Công giáo và Dân tộc, số đặc biệt Giáng sinh '98, trang 178-179).

4. Lời cuối của Ðức Giêsu ở trần thế

a/ Thông thường, những lời cuối cùng của một người trước khi người ấy từ giã cõi đời, là những điều hết sức quan trọng mà người ấy muốn những người thân yêu ở lại thực hiện. Và những người ở lại thường coi những lời người sắp từ giã thế gian trăn trối như một điều linh thiêng cần thực hiện cho bằng được.

Trước khi về trời, vĩnh viễn xa rời các tông đồ, Ðức Kitô đã trăn trối: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo". Như vậy, sứ điệp quan trọng nhất mà Ðức Kitô muốn trao gửi lại cho các môn đệ, và cho mọi Kitô hữu là: hãy tiếp tục sứ mạng loan báo và làm chứng cho Tin Mừng của Ngài trước mọi người, mọi dân tộc trên thế giới.

b/ Cần phải hiểu rõ nội dung Tin Mừng mới có thể loan báo Tin Mừng được.

Chúng ta thường nói rằng mình phải loan báo Tin Mừng cho mọi người, nhưng rất nhiều khi chúng ta lại biết một cách rất mơ hồ, hoặc không biết cho đúng và cho đầy đủ nội dung mà chúng ta phải loan báo. Ðể rồi cuối cùng chúng ta chẳng loan báo gì, hay loan báo một thứ Tin Mừng méo mó.

Nhiều người nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là tỏ cho người khác biết mình là Kitô hữu, là làm dấu thánh giá nơi quán ăn, là can đảm xưng mình là người Thiên Chúa giáo trong các tờ lý lịch bất chấp những bất lợi sẽ xảy ra. Kẻ khác nghĩ rằng loan báo Tin Mừng là cố gắng sống cho thật đạo đức, năng đi lễ, năng chịu các bí tích, với mục đích làm gương sáng cho người chung quanh, đồng thời khuyên mọi người làm như vậy. Người khác nữa thì gặp những người ngoại đạo mình quen biết, liền tìm cách gạ gẫm, thuyết phục họ vào đạo, bằng cách nói cho họ biết vào đạo thì được Chúa ban ơn này ơn kia, v.v...

Kết quả của những việc đó có thể là chúng ta lôi kéo được một số người vào đạo, hoặc làm cho nhiều người khô khan năng đi lễ, năng đến nhà thờ, năng chịu các bí tích hơn, hoặc làm cho đời sống gia đình của họ trở nên đầm ấm hơn, hạnh phúc hơn, v.v... Tất nhiên khi làm được những việc ấy công lao của chúng ta rất lớn. Nhưng loan báo Tin Mừng có phải là chỉ làm như vậy không? Tất cả những người này họ đã biết Tin Mừng là gì chưa? đã cảm nghiệm được Tin mà họ nghe là một tin đáng mừng, làm cho đời sống họ hạnh phúc lên chưa?

Tất cả những điều đó là những điều nên làm, cần làm, nhưng chưa phải là nội dung của việc loan báo Tin Mừng. Muốn loan báo Tin Mừng cho đúng nghĩa, chính người loan báo phải biết Tin Mừng là gì, phải cảm thấy Tin mình loan báo là điều đã làm mình hạnh phúc, vui tươi, làm cho đời sống mình trở nên có ý nghĩa. Nếu không như thế, thì mình chỉ làm công việc "mù mà lại dắt mù", và kết quả là "cả hai sẽ lăn cù xuống hố" (Mt 15,14; Lc 6,39).

Thật vậy, nếu chính mình chưa cảm thấy Tin Mừng đã ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống mình, chưa thật sự thay đổi đời sống mình, mà mình lại đi rao giảng Tin Mừng, muốn Tin Mừng ảnh hưởng tốt đẹp trên đời sống người khác, thì có khác gì "cho đi cái mình chẳng có"? Như thế thì người nhận sẽ nhận được gì?

Vì thế, chúng ta cần phải năng học hỏi về Tin Mừng, chia sẻ Tin Mừng, để Tin Mừng thấm sâu vào tư tưởng, lời nói, việc làm và đời sống của ta. Có như thế, việc loan báo Tin Mừng của ta mới có sức thuyết phục.

c/ Loan báo Tin Mừng

Một trong những sứ mạng của Ðức Kitô tại trần thế này là loan báo Tin Mừng về Thiên Chúa Cha, làm sao để mọi người nhận biết và yêu mến Thiên Chúa Cha, để nhờ đó được sự sống đời đời hay hạnh phúc vĩnh cửu: "Sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Ðấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô" (Gioan 17,3).

Và Thiên Chúa Cha đó chính là Tình Yêu (xem 1 Gioan 4,8), Ngài yêu thương chúng ta vô bờ bến: "Chính Chúa Cha yêu mến anh em" (Gioan 16,27); "Chính Cha đã sai Con và đã yêu thương họ như đã yêu thương Con" (Gioan 17,23).

Và Thiên Chúa Cha đó ở ngay trong nội tâm mỗi người chúng ta, chúng ta có thể gặp gỡ Ngài bất kỳ lúc nào chúng ta muốn: "Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Ðền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?... Ðền thờ ấy chính là anh em" (1 Cr 3,16-17; x. 1 Cr 6,19; 2 Cr 6,16; Ep 2,20-22). Thiên Chúa đó lại là một Thiên Chúa quyền năng, có thể làm cho ta tất cả những gì Ngài muốn. Do đó, ta có thể yên tâm hoàn toàn khi phó thác tất cả mọi sự trong tay Ngài, Ðấng vừa yêu thương ta, vừa quyền phép vô biên.

Nội dung Tin Mừng đối với chúng ta còn là sự nhập thể, là đời sống, là giáo huấn, là cuộc khổ nạn và phục sinh của Ðức Kitô, Con Một của Thiên Chúa Cha nữa. Ðức Kitô cũng là người yêu thương chúng ta như Thiên Chúa Cha đã yêu ta: "Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và yêu thương họ đến cùng" (Gioan 13,1). "Yêu đến cùng" là yêu đến nỗi sẵn sàng hiến mạng sống mình một cách đau khổ và nhục nhã nhất (x. Gioan 15,13).

5. Chuyện minh họa

a/ Không đến nỗi nào đâu!

Có một chuyện kể rằng khi Ðức Giêsu về trời, Tổng lãnh Thiên thần Gabriel ngạc nhiên vì Ngài trở về sớm quá. Gabriel biết rằng công việc Chúa Cha giao cho Ðức Giêsu rất nhiều, không thể kết thúc trong thời gian chỉ có 3 năm như thế. Bởi vậy Tổng lãnh Thiên Thần hỏi:
- Sao Chúa về sớm vậy?
- Ờ, Ta cũng muốn ở dưới đó lâu hơn. Nhưng mà họ đã đóng đinh Ta.
- Ðóng đinh Chúa ư? Vậy là Chúa thất bại rồi!
- Không hẳn vậy. Trước đó Ta đã kịp lập một nhóm tín hữu. Từ nay về sau, họ sẽ tiếp tục công việc của Ta.
- Nhưng nếu họ cũng thất bại nữa thì chắc là tiêu tùng luôn rồi!
- Không đến nỗi vậy đâu, vì một đàng Ta đã hứa sẽ ở cùng họ cho đến ngày tận thế, và đàng khác Ta còn phái Thánh Thần đến giúp họ nữa.
- À ra thế. Chắc là sẽ không thất bại nữa.

b/ Mặt trước

Một đêm, cô bé đi bên cha dưới bầu trời đầy sao. Nhìn lên, em nói với cha: "Ba ơi, con đang nghĩ rằng nếu như mặt sau của thiên đường mà còn đẹp thế kia, thì mặt trước phải đẹp biết chừng nào!"

c/ Ðường về

Một tù trưởng đã khéo léo lãnh đạo bộ lạc trong nhiều năm. Cuối cùng, ông chuẩn bị cái chết của mình cách rất bình thản. Người ta hỏi: "Sao ông bình thản vậy? Ðau khổ và cái chết có gì vui đâu?" Ông đáp:

"Con cá sinh ra trong con lạch nhỏ này, rồi xuôi dòng Missisipi, nhưng mùa xuân về, nó lại về đây như là về dòng sông quê hương. Con chim làm tổ trên kia, mùa ông nó vỗ cánh bay cả ngàn dặm về phương nam, nhưng khi xuân đến, nó lại tìm về tổ ấm ngày xưa

Làm sao các con vật đó biết đường quay về, trong khi chẳng có bản đồ, không người hướng dẫn? Vì Thánh Linh đã đặt vào lòng chúng con đường trở về. Và Ngài cũng không quên đặt vào lòng mỗi người chúng ta con đường cuộc sống và con đường trở về. Tôi đang chuẩn bị cho đường về của tôi. Vậy làm sao tôi lại không vui chứ?"

Hôm nay Ðức Kitô lên trời ngự bên hữu Chúa Cha để mở đường cho người kitô hữu bước vào thiên quốc. Lạy Chúa Giêsu, khi đã lãnh bí tích Thánh Tẩy và Thêm sức, tất cả chúng con đều là những người được sai đi. Xin Chúa cho chúng con luôn sống trọn vẹn ơn gọi thừa sai của mình.Amen.

Thánh Ca : Chúa Không Lầm



SỰ UỶ THÁC CỦA CHÚA GIÊSU
Cha Mark Link, S.J.

Một buổi sáng kia, bé Jenny bẩy tuổi ngồi ăn điểm tâm trên chiếc bàn nhỏ trong bếp. Ngay lúc đó, cha em bước vào. Ông vội vã đến cạnh bé để lấy món đồ gì đó.

Bé Jenny đứng dậy, đi theo ông, nắm lấy cánh tay ông, và nói, “Bố ơi, bố có quên một điều. Bố quên nói ‘good morning’ với con”.

Ông ôm lấy bé, và nói, “Xin lỗi con. Bố đang nghĩ đến những khó khăn ở sở làm.”

Sau đó, tay vẫn ôm lấy cánh tay của bố, bé Jenny nói, “Bố ơi, sáng nay bố có cầu nguyện không?” “Không,” ông bố thú nhận một cách ngượng ngùng.

Bé Jenny nói, “Đến đây với con. Chỉ mất có vài phút thôi.” Bé kéo ông ra khỏi phòng ăn và đi vào phòng của nó. Dẫn bố đến góc phòng mà bé thường cầu nguyện, Jenny nói, “Bố ơi, nhắm mắt lại.” Ông vâng theo.

Sau đó, bé Jenny cũng nhắm mắt và nói nhỏ, “Chúa Giêsu nói, ‘Đừng sợ. Ta luôn ở với con.’”

Sau khi im lặng đôi chút, bé mở mắt ra và nói, “Bố hãy suy nghĩ về điều đó, và bố sẽ thấy an tâm.”

Tôi thích câu chuyện này vì hai lý do. Thứ nhất, chính là điều mà em gái này thi hành. Thứ hai, chính là điều mà ông bố của em Jenny cần đến vào lúc đó.

Ông cần nhớ đến lời Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ trong những lời sau cùng, như được chép trong Phúc Âm Mátthêu. Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ luôn ở với anh em cho đến tận thế.”

Điều đúng với ông bố của bé Jenny thì cũng đúng với tất cả chúng ta.

Chúng ta có khuynh hướng quá bận rộn với những khó khăn ngày này sang ngày khác trong cuộc sống, chúng ta cần tạm ngưng hàng ngày, và nhớ lại điều mà bé Jenny đã nắm vững và diễn tả thật hay.

Chúng ta cần nhớ rằng Chúa Giêsu luôn hiện diện với chúng ta ngay bây giờ, như khi Người hiện diện với các môn đệ khi còn sống ở thế gian.

Chúng ta hãy nhìn kỹ hơn vào ngày lễ Thăng Thiên hôm nay khi Chúa Giêsu lên trời. Đó là một ngày lễ quan trọng nhất của năm phụng vụ và bao gồm hai sự cử hành.

Thứ nhất, lễ này mừng sự chiến thắng của Chúa Giêsu trên tội lỗi và sự chết và sự trở về vinh hiển với Chúa Cha trên thiên đàng.

Ở đó Người ngự ở bên hữu Chúa Cha, với tư cách là đầu của Thân Thể, là Hội Thánh, và là vua của mọi tạo vật.

Điều này đưa chúng ta trở về với câu chuyện của bé Jenny. Lễ Thăng Thiên không mừng sự vinh hiển tột cùng của sự hiện diện bằng thân xác của Đức Giêsu trong thế gian.

Đúng hơn, lễ này mừng sự tiếp tục hiện diện của Chúa Giêsu giữa chúng ta trong sự vinh hiển mầu nhiệm qua một phương cách hoàn toàn mới và mạnh mẽ hơn.

Lễ này vui mừng với sự kiện rằng Chúa Giêsu không còn hiện diện với chúng ta qua thân xác con người trong một phương cách vật chất.

Đúng hơn, Người hiện diện với chúng ta qua thân thể mầu nhiệm của Người trong một phương cách thiêng liêng.

Và vì thế điều đầu tiên chúng ta cử hành trong ngày lễ trọng đại này là sự lên trời vinh hiển của Chúa Giêsu; và Người tiếp tục hiện diện với chúng ta như đầu của thân thể Người, là Hội Thánh.

Điều này đưa chúng ta đến chiều kích thứ hai của việc mừng lễ Thăng Thiên.

Chúng ta vui mừng với sự uỷ thác mà Chúa Giêsu trao cho chúng ta, các môn đệ của Người. Điều đó được nói rõ trong bài đọc một và bài phúc âm hôm nay.

Trong bài đọc một, Đức Giêsu nói với các môn đệ:
Khi Thánh Thần ngự trên anh em, anh em sẽ được đổ đầy sức mạnh, và sẽ trở nên nhân chứng cho Thầy… cho đến tận cùng trái đất. CVTĐ 1:8

Trong Phúc Âm, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng sau khi Người lên trời, họ phải trở về Giêrusalem để cầu nguyện và chuẩn bị đón Chúa Thánh Thần đến.

Khi Chúa Thánh Thần đến, họ sẽ được đổ đầy sức mạnh để ra đi và trở nên nhân chứng cho đến tận cùng trái đất.

Chúng ta có thể so sánh lễ Thăng Thiên như người chạy đua tiếp sức chuyền lại cây gậy nhỏ cho người khác.

Nói về thực tế, điều này có nghĩa gì cho chúng ta đang quy tụ ở đây?

Nó có nghĩa chúng ta được mời gọi để tiếp tục công việc mà Đức Giêsu đã khởi sự ở trần gian, khi Người hiện diện trong thân xác.

Có phải điều này có nghĩa rằng chúng ta phải ra đi và thực sự rao giảng về Chúa Giêsu như Thánh Phêrô và các môn đệ khác đã thi hành hay không?

Thí dụ, có phải điều này có nghĩa là dựng lên một trạm thông tin trong trung tâm thương mãi nào đó, và mời người ta đến uống nước và giải thích những gì chúng ta đang thi hành và tại sao chúng ta lại thi hành điều ấy không?

Có lẽ đối với một số người điều này có nghĩa đúng như vậy, nhất là khi chúng ta về hưu, có tài chánh bảo đảm, và thuộc về một nhóm nào đó.

Nhưng, với hầu hết chúng ta, có lẽ nó có nghĩa một điều gì đó ít gây ấn tượng hơn. Tối thiểu, nó có nghĩa sống Phúc Âm trong đời sống hàng ngày.

Tối thiểu, nó có nghĩa trở nên nhân chứng cho Chúa Giêsu trong chính gia đình mình, như bé Jenny.

Chỉ khi nào chúng ta bắt đầu nghiêm trọng nói về ơn gọi Kitô Hữu của mình, sứ điệp của Chúa Giêsu sẽ có ảnh hưởng trong thế giới chúng ta.

Và, nếu chúng ta bước đi trong đức tin và sống đức tin ấy, nó sẽ tạo nên sóng lăn tăn trong thế gian. Và nếu nhiều người chúng ta thi hành điều ấy, sóng lăn tăn sẽ trở nên một ngọn sóng lớn.

Và ngọn sóng ấy – được thêm sức bởi Chúa Thánh Thần – sẽ canh tân bộ mặt trái đất trong một phương cách mà chúng ta không bao giờ dám mơ tưởng.

Đây là điều chúng ta cử hành trong ngày lễ hôm nay.

Trước hết, chúng ta cử hành sự hiện diện mầu nhiệm của Chúa Giêsu giữa chúng ta trong thân thể thiêng liêng của Người, là Hội Thánh.

Thứ hai, chúng ta nhớ đến sự uỷ thác mà Chúa Giêsu đã trao cho chúng ta là làm chứng cho Người – tối thiểu – bởi chính đức tin và gương mẫu của mình, như bé Jenny đã làm.

Thánh Ca : Cho Con Vững Tin



CHÚA KHÔNG NGỪNG HIỆN DIỆN
Pt Giuse Trần Văn Nhật

Có câu chuyện vui của một người khách đến thăm nhà thương điên. Ông này tò mò hỏi vị bác sĩ giám đốc: "Làm thế nào để xác định một người có bị điên hay không?" Bác sĩ trả lời: "Chúng tôi đổ đầy nước vào một bồn tắm. Sau đó chúng tôi đưa cho người ấy ba đồ vật gồm có một cái muỗng, một cái ly và một cái thùng, rồi nói người ấy làm sao cho bồn tắm cạn hết nước." Nghe đến đây vị khách reo lên có vẻ hiểu biết, "Ô, tôi biết rồi. Một người bình thường thì sẽ dùng cái thùng múc nước đổ đi chứ gì!" Bác sĩ giám đốc trả lời, "Không. Người bình thường sẽ kéo cái nút đậy để nước thoát ra ở đáy bồn." Câu chuyện vui cho thấy ngôn ngữ có thể làm cho chúng ta hiểu lầm, và trong lễ Thăng Thiên hôm nay, qua bài đọc một chúng ta cũng có cảm tưởng là Chúa Giêsu bay lên trời, ở một nơi nào đó ngoài không gian, vì thế khi phi thuyền đầu tiên của nước Nga bay ra ngoài trái đất thì Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Nga là Khrushchev đã nhân cơ hội này để chế diễu Thiên Chúa Giáo. Ông huênh hoang, "Phi hành gia Yuri Gagarin bay vào không gian nhưng không thấy có Chúa nào cả. Do đó chúng tôi không tin có đời sau!" Lời tuyên bố của Khrushchev tiêu biểu cho những người vô thần. Họ không tin vào thế giới siêu hình bởi thế họ không hiểu được thế nào là lên trời. Chữ "lên" ở đây tương tự như chữ "lên lớp", hay "lên lương" để nói lên một tình trạng tốt hơn trước. Ngược lại, chúng ta nói, "bị giáng cấp", "xuống hỏa ngục", để nói một điều tệ hơn trước, chứ "xuống hỏa ngục" không có nghĩa là chui vào lòng đất, và "lên trời" không có nghĩa là ở trên không trung. Lễ Thăng Thiên, "Chúa lên trời" có nghĩa Chúa Giêsu chấm dứt cuộc sống giống như chúng ta ở trần gian và hiện thời Người đang sống trong một trạng thái khác hơn trước. Bởi thế ngay cả trước khi chịu chết, Chúa Giêsu đã hứa là sẽ "không để chúng ta mồ côi" (Gioan 14:18), nhưng Chúa sẽ ở với chúng ta "mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28:20). Qua lời của Chúa Giêsu và qua cảm nghiệm của những người được gọi là "chết đi sống lại", chúng ta biết có hai thế giới: thế giới đời này thì hữu hình và hữu hạn, và thế giới đời sau thì vô hình và vô hạn. Điểm quan trọng chúng ta cần nhớ là cả hai thế giới đều có thật. Vì loài người đang sống trong thế giới hữu hình nên chúng ta có khuynh hướng cho rằng, những gì không trông thấy, không nhận biết được bằng giác quan thì không có thật. Nhưng trong lịch sử Hội Thánh có những người được thấy thế giới bên kia, tỉ như ba trẻ ở Fatima được thấy Đức Mẹ và thấy cả hỏa ngục; hoặc Thánh Faustina (Lòng Thương Xót Chúa) được thấy Chúa Giêsu. Và nhiều khi chính chúng ta cũng được nghe kể những câu chuyện người chết hiện về. Tất cả chứng tỏ rằng có thế giới vô hình mà chúng ta gọi là siêu nhiên--vượt lên trên sự tự nhiên. Tại sao Thiên Chúa không để mọi người chúng ta đều có thể thấy được thế giới vô hình mà chỉ cho một vài người được Chúa chọn mà thôi? Thứ nhất, trong vũ trụ có những quy tắc do Thiên Chúa đặt ra (vì Người dựng nên vũ trụ) và Người không muốn đi ngược lại các quy tắc đó—Thiên Chúa thì không mâu thuẫn. Thế giới vật chất có những quy tắc của nó, tỉ như "có sinh thì có tử": mọi vật chất đều có giới hạn của nó, con muỗi sống được 36 giờ đồng hồ, con người có thể thọ tới 100 năm; hoặc quy tắc "có sung sướng thì có đau khổ": nhờ có miệng lưỡi, có răng để chúng ta ăn biết ngon thì nhiều khi chúng ta cũng phải khổ vì đau răng, đau miệng, v.v. Thế giới vô hình cũng có quy tắc của nó, tỉ như "vô hình thì vô hạn": vì không có thể xác nên không bị chi phối bởi các quy tắc vật lý, vì thế chữ đời đời, vĩnh viễn mới có ý nghĩa. Điểm thứ hai, Chúa không cho chúng ta thấy được những gì ở thế giới vô hình là vì sự công bằng của Thiên Chúa. Để hiểu điều này, hãy giả sử ngược lại là nếu Chúa cho chúng ta được nhìn thấy những gì ở thế giới vô hình thì điều gì sẽ xảy ra? Có người cảm thấy sung sướng vì sẽ được nhìn thấy Chúa, thấy Đức Mẹ, v.v. Nhưng ngược lại, nhiều người sẽ than phiền là họ không có tự do. Thử tưởng tượng lúc nào cũng nhìn thấy thiên thần bản mệnh ở bên cạnh, hay nhìn thấy qủy dữ ghê gớm thì còn ai dám phạm tội? Nói cách khác, điều qúy giá nhất mà Thiên Chúa ban cho loài người là sự tự do lựa chọn thì không còn nữa—loài người bị "ép buộc" phải lên thiên đường! Đã bị ép buộc thì không còn tự do. Và nhờ sự tự do lựa chọn chúng ta mới thấy được sự công bằng của Thiên Chúa. Hiện tại, tuy không thấy Chúa, nhưng vì yêu Chúa và vâng theo lời Chúa, chúng ta cố gắng sống tốt lành, không gian tham, không dâm ô, không cướp giựt, chỉ vì chúng tin rằng sự hy sinh đó sẽ được đền bù ở thế giới bên kia. Nói cách khác, chúng ta tự ý sống đức tin mà không ai ép buộc, kể cả Thiên Chúa. Trái lại, những người không muốn tin vào Thiên Chúa, không muốn thay đổi đời sống phù hợp với phúc âm thì Thiên Chúa cũng không ép buộc họ, và rồi họ sẽ phải chịu hậu quả của đời sống đó. Cả hai trường hợp, con người đều có tự do lựa chọn, từ đó đưa đến phần thưởng hay hình phạt và đó là sự công bằng của Thiên Chúa, đó là giá trị của đời sống đức tin. Ngoài sự hiện diện trong thế giới siêu nhiên, Chúa Giêsu còn hiện diện với chúng ta ở đâu? Chúng ta có thể xác định sự hiện diện của Thiên Chúa nói chung, và của Chúa Giêsu nói riêng qua ba cách cụ thể: 1. Chúa hiện diện với chúng ta trong các bí tích, tỉ như rửa tội, thêm sức, thánh thể, v.v. Khi nói Chúa hiện diện trong các bí tích có nghĩa chính Chúa là người hành động qua bàn tay, lời nói của các thừa tác viên chức thánh. Chính Chúa là người tha tội, chính Chúa là người thêm sức, chính Chúa là người biến đổi bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Qua các bí tích, chúng ta được lãnh nhận ơn sủng nên có thể nói là Chúa hiện diện trong ơn sủng của Người. 2. Chúa hiện diện trong lời Chúa, cụ thể là trong các bài đọc, bài phúc âm khi được công bố trong Thánh Lễ, do đó, sau khi công bố xong, thừa tác viên đọc sách hay linh mục, phó tế nói "Đó là lời Chúa". Chữ công bố ở đây có ý nghĩa quan trọng, vì những gì được in trong sách thì chỉ là chữ, nhưng khi được công bố qua miệng thừa tác viên thì lúc đó mới là lời. Bởi thế, chúng ta cần lắng nghe vì chính lúc đó lời Chúa tác động trên người nghe. Và cũng vì thế sau khi công bố xong, thừa tác viên không nên nâng sách lên mà nói "Đó là lời Chúa", bởi vì lời Chúa đã qua rồi, bây giờ, trong sách thánh chỉ còn là chữ. Chúng ta còn có thể cảm được sự hiện diện của Chúa trong các bài giảng của giáo sĩ trong Thánh Lễ hay trong buổi tĩnh tâm. Khi được nghe bài giảng đánh động tâm hồn, tôi thấy mình tham dự Thánh Lễ cách sốt sắng hơn. Ngoài ra, khi chúng ta nói về Chúa Giêsu cho người khác một cách hăng say, một cách xác tín thì người nghe cũng cảm được sự hiện diện của Chúa. Đây là lúc chúng ta đóng vai trò ngôn sứ của mình. 3. Chúa hiện diện khi chúng ta họp nhau cầu nguyện trong gia đình, trong nhóm, trong khi tham dự Thánh Lễ. Người Mỹ có câu nói rất phổ thông và rất đúng, "Family prays together, stays together." Gia đình nào cầu nguyện chung với nhau thì bền vững. Do đó, nếu gia đình chúng ta chưa cầu nguyện chung mỗi tối thì chúng ta nên bắt đầu thực hành. Cầu nguyện có thể là đọc kinh và cũng có thể là đọc sách thiêng liêng. Theo kinh nghiệm gia đình tôi, cha mẹ đừng bắt con cái ê a đọc kinh lần chuỗi lâu giờ mà thay vào đó, nên mua các sách báo Công Giáo phù hợp với lứa tuổi để các em đọc. Các em còn nhỏ, không cầm trí được lâu, và cũng chẳng cần suy nghĩ các mầu nhiệm như người lớn chúng ta. Hơn nữa, sách báo Công Giáo có hình ảnh, có chủ đề phù hợp với lứa tuổi nên hấp dẫn các em hơn, và vì vậy các em học hỏi được nhiều hơn là chỉ đọc kinh. Một điểm tế nhị khác trong sinh hoạt đạo đức của gia đình là đừng làm cho con cái "sợ theo đạo". Có những cha mẹ bắt con cái phải đi lễ mỗi ngày, phải lần chuỗi mỗi ngày mà các em không muốn, hoặc không có thời giờ vì bài làm ở trường quá nhiều. Nên nhớ rằng, khi bị ép buộc, dù là việc đạo đức đi nữa nó sẽ có ấn tượng xấu. Vả lại, đời sống gương mẫu của cha mẹ ảnh hưởng nơi con cái nhiều hơn là kinh kệ. Chúng ta ép buộc con cái đọc kinh nhiều mà chính chúng ta sống giả dối, dèm pha, nói xấu người khác thì con cái sẽ thấy chúng ta là những người giả hình, từ đó chúng sẽ thấy lời Chúa không có giá trị, vì nếu có giá trị thì tại sao cha mẹ lại không tuân theo?—và rồi các em sẽ mất đức tin. Một lợi ích khác nữa của việc cầu nguyện trong gia đình, đó là cơ hội để mọi người trong nhà nói chuyện với nhau. Ở Hoa Kỳ, cơ hội gia đình sum họp để ăn bữa tối ngày càng hiếm. Có người đi làm hay đi học chưa về nên bữa tối không bao giờ đầy đủ. Chỉ còn phần cầu nguyện chung buổi tối hy vọng là đầy đủ mọi người để nói chuyện, để thảo luận về vấn đề quan trọng trong gia đình và từ đó đưa đến tình thân trong gia đình. "Family prays together, stays together." Ngoài sự cầu nguyện chung trong gia đình, chúng ta còn cầu nguyện chung trong các nhóm và nhất là trong Thánh Lễ. Ngày xưa chúng ta thường gọi là xem lễ, nhưng ngày nay, đúng nghĩa phải nói là tham dự Thánh Lễ. Có nghĩa đóng góp phần của mình vào Thánh Lễ--đối đáp, ca hát, tuyên xưng, v.v. Trong Thánh Lễ còn có một ý nghĩa thầm kín nhưng rất có giá trị là cùng với Chúa Giêsu, chúng ta cũng có thể trở nên lễ tế--đó là những hy sinh trong đời sống--để dâng lên Thiên Chúa Cha. Và đó là lý do tại sao trong các ngày lễ trọng, phó tế xông hương giáo đoàn, một phần là để chúc tụng sự hiện diện của Chúa trong giáo đoàn, và một phần là vì chính giáo đoàn là của lễ. Cũng như chủ tế xông hương lễ vật trên bàn thờ thì phó tế cũng xông hương "lễ vật sống động" là giáo dân. Khi Chúa Giêsu về trời, Người chấm dứt công việc của Người ở trần thế và khởi đầu công việc của Hội Thánh là chúng ta, những người theo Chúa Kitô. Khi mừng lễ Thăng Thiên là khi chúng ta nhìn lại bổn phận của mình đã được nói rất rõ trong bài phúc âm hôm nay, "Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em." Đó là lý do chúng ta đem con đi rửa tội, đó là lý do chúng ta cầu nguyện trong gia đình để con cái biết đến giới răn của Chúa, và quan trọng hơn cả là đời sống nhân chứng cho Chúa Kitô. Khi Chúa Giêsu "lên trời", Người từ trạng thái tự nhiên đi sang trạng thái siêu nhiên, từ thể xác thăng hoa lên thần khí—quyền lực hơn, vinh hiển hơn và vì vậy Chúa có thể hiện diện với mỗi người chúng ta ở bất cứ đâu, bất cứ giờ phút nào. Đó là niềm vui cho những người theo Chúa Kitô. Trong niềm vui đó chúng ta hãy tin tưởng rằng một ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ được lên trời như Chúa Giêsu. Thánh Ca : Tình Yêu Thiên Chúa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét