Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Phúc âm Lễ Chúa Nhật Thứ III Phục Sinh ( ngày 08/05/2010 )



Lời Chúa trong Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ III Phục Sinh :


Nguồn : www.40giayloichua.net

CUỘC SỐNG MỚI CỦA KẺ TIN VÀO ÐỨC GIÊSU PHỤC SINH
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Làm thế nào để có được cảm nghiệm của hai môn đệ Emmau

Mong sao độc giả Tin Mừng hiểu được rằng câu chuyện này nhắm đến họ. Ðến lượt mình, họ tự hỏi làm sao thấy được Ðấng phục sinh. Câu trả lời là: mắt trần hoàn toàn vô dụng. Sự hiện diện của Ðấng phục sinh khác hẳn sự hiện diện của Ðức Giêsu Nadarét. Ðây là một sự hiện diện mới mẻ, chỉ tỏ hiện với con mắt đức tin được nuôi bằng kinh thánh và việc chia sẻ bữa ăn với Ðức Giêsu.

Nếu muốn thấy và sống sự hiện diện của Ðấng phục sinh, các tín hữu phải trang bị cho mình hai điều kiện ấy vì họ luôn sẵn có trong tay Thánh Kinh và Thánh Lễ. (M. Sevin, trích dịch bởi Fiches dominicales, trang 135)

2. Ðể khỏi rơi vào sự đơn điệu của đời thường

Lễ Phục sinh đã trôi qua 15 ngày. Chúng ta dễ buông mình rơi lại vào sự đơn điệu của đời thường, trở về với những lỗi phạm quen thuộc.

Nhưng đức tin không phải chỉ để dự lễ, mà là để sống cả đời. Ðức tin là một ơn gọi phải theo suốt đời.

Bởi thế, trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phêrô đưa ra rất nhiều chỉ dẫn để chúng ta luôn sống niềm tin vào Ðức Giêsu phục sinh:

- Ðừng tự ru ngủ bằng ý tưởng mình đã là con cái Thiên Chúa: "Thiên Chúa không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mà xét xử". Phải biết "sợ" Cha mình, một nỗi sợ hiếu thảo và đầy tình yêu mến.

- Hãy luôn vui mừng vì mình là những con người tự do, tự do vì "được giải phóng khỏi lối sống phù phiếm do cha ông để lại", để hướng tới sự thánh thiện. Nếu không hướng tới sự thánh thiện, chúng ta sẽ rơi lại nếp sống nô lệ cũ.

- Ý thức mình đã được cứu chuộc bằng giá máu của Ðức Giêsu. Ngài đã yêu thương ta đến thế, lẽ nào ta đành phụ bạc Ngài.

3. Một cách hiện diện mới

Cách viết của Luca chứa đựng một ngụ ý thần học sâu sắc: Khi hai môn đệ đang đi trên đường, mặc dù Ðức Giêsu đang ở bên cạnh họ nhưng họ không nhận ra "vì mắt họ còn bị ngăn cản" (câu 16). Ðến khi Ðức Giêsu bẻ bánh thì "mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Ngài" (câu 31). "Nhưng Ngài lại biến mất" (câu 31).

Ngụ ý thần học của cách viết này là: Ðức Giêsu phục sinh vẫn hiện diện ngay bên cạnh ta, nhưng theo một cách mới. Chúng ta không thể nhận ra cách hiện diện mới ấy vì cặp mắt thể xác của ta như "bị ngăn cản" bởi một bức màn. Chỉ khi nào Ngài muốn và cho những ai Ngài muốn thì Ngài mới cất bức màn ấy đi và khi đó mắt chúng ta mới "mở ra" và thấy được Ngài.

Vì thế, một mặt chúng ta hãy vững tin rằng Ðức Giêsu phục sinh lúc nào cũng ở sát bên cạnh chúng ta; mặt khác hãy xử dụng những phương tiện mà Ngài đã để lại hầu có thể nhận ra Ngài, đó là Lời Chúa và Thánh lễ.

4. Bức họa của Rembrandt

Trong các tác phẩm của danh họa Rembrandt, có một bức rất ấn tượng vẽ cảnh Ðức Giêsu đang ngồi cùng bàn với hai môn đệ Emmau. Ðiều gây ấn tượng là vẻ mặt sung sướng vô ngần của hai môn đệ lúc họ nhận ra Chúa. Bức họa nổi tiếng này được đặt trong một nhà bảo tàng, và có một chuyên viên phụ trách giải thích ý nghĩa của nó cho các khách tham quan.

Lần kia một cặp vợ chồng vừa có đứa con duy nhất bị chết vì tai nạn. Họ buồn quá không biết làm gì nên cùng nhau đến nhà bảo tàng ấy để giải khuây. Họ cũng được người hướng dẫn ấy dẫn đến bức họa này. Ban đầu, hai vợ chồng chẳng buồn để ý tới những lời giải thích. Nhưng dần dần họ bị cuốn hút vào. Và cuối cùng, khi người hướng dẫn dứt lời thì họ tâm sự với người hướng dẫn: "Chúng tôi đã nghe nói về bức họa này nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi được nghe người nào trình bày một cách hấp dẫn như ông. Chúng tôi thực sự xúc động."

Người hướng dẫn đáp: "Thực ra, không phải lần nào tôi cũng trình bày một cách xác tín như vậy đâu. Có lần tôi đã nói một cách rất hời hợt qua loa." Rồi ông ta kể: "Ba năm trước, vợ tôi bị ung thư, sức khoẻ cạn kiệt dần, rồi nàng chết một cách hết sức đau đớn. Tôi không thể nào chấp nhận nỗi các chết này, vì nàng là một người rất tốt, không đáng bị chết như thế. Tôi tưởng như cả thế giới sụp đổ. Tim tôi như vỡ tan. Nhưng vì bổn phận, tôi vẫn phải đến làm việc ở nhà bảo tàng này. Tôi giải thích ý nghĩa các bức họa một cách hết sức máy móc, vô hồn. Thế rồi một hôm, tôi chợt hiểu ra rằng bức họa này không chỉ liên can đến hai người môn đệ tuyệt vọng này, mà cả đến tôi nữa. Cũng như hai ông ấy, tôi đã tuyệt vọng và trở thành một người lữ hành cô đơn. Dù tôi là một người tín hữu, nhưng đối với tôi Ðức Giêsu chỉ là một nhân vật mờ mịt trong những trang sách Tin Mừng. Tuy nhiên hôm đó tôi cảm thấy Ngài đang hiện diện thực sự bên cạnh tôi, Ngài ở bên tôi như một người bạn hiểu rất rõ mọi nỗi khổ đau của loài người. Từ lúc đó "mắt tôi mở ra, lòng tôi cháy bừng lên" như hai môn đệ ấy. Tôi đã tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình. Bởi vậy từ đó trở đi, mỗi khi tôi kể câu chuyện Emmau là tôi kể về chính cảm nghiệm của mình."

Cặp vợ chồng không cầm được nước mắt: "Chúng tôi cũng thế. Chúng tôi đã 'mở mắt ra và thấy lòng mình cháy bừng lên'. Hôm nay chúng tôi cũng tìm lại được hy vọng và lẽ sống cho đời mình, vì biết rằng Ðức Giêsu phục sinh đang thực sự ở bên cạnh chúng tôi". (Flor McCarthy)

Niềm tin của hai môn đệ đi làng Emmau được củng cố vững chắc, và niềm vui gặp Chúa tràn ngập tâm hồn hai ông. Trong niềm hân hoan mừng Chúa đã sống lại, chúng ta cùng dâng lời cầu xin.

Lạy Chúa Kitô phục sinh, Chúa luôn đồng hành cùng chúng con trong cuộc sống. Xin cho tất cả chúng con biết nhận ra Chúa luôn hiện diện trong cuộc sống thường ngày của chúng con, để chúng con vẫn luôn vui sống giữa muôn phiền toái của cuộc đời.Amen.

Thánh Ca : Tâm Tình Phó Thác


TÌM GẶP CHÚA GIÊSU HÔM NAY
Cha Mark Link, S.J.

Regina Riley có kể một câu chuyện mà nhiều bậc cha mẹ cần lưu tâm tới. Trong nhiều năm trời bà đã từng cầu nguyện cho hai cậu con trai trở về với đức tin... Thế rồi một buổi sáng Chủ Nhật nọ, ngay trong nhà thờ, bà không thể nào tin vào mắt mình nổi khi thấy hai đứa con bà bước vào nhà thờ ngồi vào hàng ghế đối diện bà. Sau đó bà liền hỏi hai cậu con rằng điều gì đã thôi thúc chúng trở lại với đức tin. Cậu nhỏ liền kể lại câu chuyện sau đây:

Vào một buổi sáng Chủ Nhật, vào thời gian nghỉ hè tại Colorado, hai cậu lái xe đổ xuống một con đường ở dốc núi, lúc đó trời đang mưa tầm tã. Bỗng nhiên họ gặp một cụ già không dù che, người ướt sũng đang bước đi dáng điệu khập khễnh. Dù mưa to, cụ vẫn hăng hái tiến bước trên đường. Hai anh em liền dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi lễ tại một nhà thờ ở cuối con đường cách đó ba dặm (quãng 5km). Hai anh em liền lái xe đưa cụ đến đó. vì trời mưa vẫn còn nặng hạt và chẳng bíêt làm gì hay hơn, nên hai anh em quyết định chờ đợi cụ già để mang cụ về lại nhà sau khi lễ tan. Nhưng ngay sau đó hai cậu liền nghĩ nếu thế thì nên vào luôn trong nhà thờ hơn là ngồi đợi ngoài xe, thế là trong khi hai anh em lắng nghe các bài đọc Thánh Kinh và tham dự việc bẻ bánh thì có một điều đã làm họ xúc động sâu xa. Về sau họ chỉ có thể cắt nghĩa với bà mẹ như thế này: "Mẹ ơi! Mẹ biết không, lúc bấy giờ giống như là chúng con trở về nhà sau một chuyến đi dài đằng đẵng đầy mệt mỏi".

Câu chuyện về hai anh em và việc họ gặp gỡ cụ già xa lạ trên con đường vùng Colorado nêu bật được nét tương đồng sâu sắc chứa đựng trong bài Phúc Âm hôm nay.

Hai người môn đệ trên đường Emmau, đã từng một thời theo Chúa Giêsu với bao niềm hy vọng và nỗi vui mừng. Họ thực sự tin rằng Ngài được Thiên Chúa sai đến để thiết lập Vương quốc Thiên Chúa. thế rồi những giờ phút bão tố của thứ sáu tuần thánh đã xảy đến. Mọi niềm hy vọng và mộng mơ của họ tan thành ngàn mảnh vụn. Hoàn toàn thất vọng bỏ mặc Chúa Giêsu nơi nấm mồ cô quạnh và trở về nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh này, họ đã gặp người khách lạ trên đường đi Emmau vào buổi sáng Phục Sinh. Các môn đệ lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị này bẻ bánh và một điều gì đó xảy ra đã khiến họ xúc động sâu xa. Vị khách lạ này có xa lạ tí nào đâu mà chính là Chúa Giêsu Phục Sinh đang sống động trước mắt họ.

Hầu như một chuyện giống y như vậy đã xảy ra cho hai anh em nọ trên đường ở Colorado. Có một thời gian họ đã từng theo Chúa Giêsu mật thiết, từng tin thực Ngài là Con Thiên Chúa, được Chúa phái đến cứu chuộc thế gian. Thế rồi những ngày giông bão của tuổi thanh niên đã đến. Mọi hy vọng và mộng mơ của họ cũng tan thành ngàn mảnh vụn. Hoàn toàn thất vọng, họ bỏ mặc Chúa Giêsu nơi nấm mồ hiu quạnh để bước đi theo lối riêng của mình. và chính trong bối cảnh này họ đã gặp cụ già xa lạ trên con đường ở Colorado vào buổi sáng Chủ nhật trời mưa nọ. Cụ già đã nói với hai anh em về Chúa Giêsu không phải bằng lời mà bằng một hành vi gương mẫu đầy anh hùng. Ngay khi hai anh em lắng nghe, tâm hồn họ bắt đầu bừng cháy lên từ bên trong. Thế rồi trong lúc bẻ bánh nơi giáo đường, họ đã khám phá ra Chúa Giêsu mà họ đã đánh mất.

Câu chuyện các môn đệ trên đường Emmau và câu chuyện của hai anh em nọ trên đường Colorado cũng chẳng khác gì câu chuyện riêng của chúng ta. Chúng ta cũng từng gặp những giai đoạn bão táp trong đời khi mà đức tin chúng ta bị tan thành ngàn mảnh vụn. Trong những giai đoạn giông bão này, có lẽ chúng ta đã phạm tội chống lại Hội Thánh, có lẽ chúng ta đã hoàn toàn thất vọng đối với Hội Thánh, thậm chí còn đã từ bỏ Hội Thánh. thế nhưng một ngày nọ chúng ta gặp được một kẻ nào đó... Có thể là một khách lạ -- và qua người khách lạ này chúng ta tìm lại được Chúa Giêsu giữa lòng Hội Thánh Ngài trong nghi thức bẻ bánh.

Và như thế bài Phúc âm hôm nay chứa đựng một sứ điệp quan trọng đối với chúng ta ngày nay -- đặc biệt đối với những người đang tìm kiếm hoặc những người đã đánh mất Chúa Giêsu.

Thỉnh thoảng chúng ta nghe có người nói: "Tôi tin vào Thiên Chúa, tin vào Chúa Giêsu, nhưng tôi không tin vào Giáo hội". bất cứ lúc nào nghe lời nói này, chúng ta hãy nhớ lại vị khách bộ hành khác đang cùng đồng hành với chúng ta trên đường. Chúng ta hãy nhớ lại trường hợp thánh Phaolô trên đường đi Damas. Sách Công vụ tông đồ ghi lại : "Bỗng nhiên một tia sáng từ trời loé lên quanh ông. Ông liền té xuống đất và nghe có tiếng nói: "Saolô, Saolê, tại sao người bắt bớ Ta?". Phaolô liền hỏi: "Thưa Ngài, Ngài là ai?" Tiếng nói liền đáp lại: "Ta là Giêsu mà ngươi đang truy nã" (Cv 9: 3-5). Phaolô hoàn toàn bối rối. Ông nào có bắt bớ Chúa Giêsu, mà bắt bớ các môn đệ Ngài thôi! Thế rồi Phaolô chợt hiểu ra, Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài là một. Cái này ở đâu thì cái kia ở đó giống như đầu và thân mình. chia cắt Chúa Giêsu khỏi Hội Thánh Ngài, tức cộng đồng các môn đệ Ngài, thì cũng giống như tách rời chiếc đầu ra khỏi thân mình vậy.

Nhiều năm sau, Phaolô đã diễn tả mầu nhiệm này trong thư gởi tín hữu Côlôsê như sau: "Chúa Giêsu là đầu thân thể Ngài, tức Hội Thánh, Ngài là nguồn sống cho thân thể" (Cl 1: 18). Ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn tìm gặp Chúa Giêsu Phục Sinh thì chúng ta phải tìm Ngài theo lối các môn đệ đã tìm được gặp Ngài trên đường Damas, theo lối hai anh em nọ tìm được Ngài trên con đường Colorado tức là tìm gặp Ngài giữa lòng Hội Thánh, tìm gặp Ngài trong nghi thức bẻ bánh.

Lạy Chúa Giêsu, xin nhân từ nhìn đến những kẻ đã bỏ Ngài nơi nấm mồ hiu quạnh.

Xin đến với họ như Ngài đã đến với các môn đệ trên đường Emmau.
Xin cắt nghĩa Thánh Kinh cho họ lần nữa,
Xin khơi dậy ngọn lửa đức tin vẫn còn leo lét trong tim họ.
Xin ngồi xuống đồng bàn với họ,
Xin biểu lộ Ngài ra cho họ lần nữa, giữa lòng Hội Thánh Ngài, và trong nghi thức bẻ bánh.Amen.

Thánh Ca : Ánh Lửa Phục Sinh


CÓ CHÚA LUÔN ĐỒNG HÀNH
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Có lẽ ai đã từng thất bại trong tình yêu hôn nhân hay trên đường sự nghiệp sẽ hiểu được tâm trạng chán nản ưu phiền của hai môn đệ trên đường Emmaus. Bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu hy vọng bỗng chốc tan thành mây khói. Đúng như linh mục nhạc sĩ Thành Tâm đã viết trong một ca khúc của mình: “Mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót chân buồn đường dài”. Những năm tháng theo Thầy bôn ba rao giảng Tin Mừng, họ đã trọn niềm tin và niềm hy vọng vào Người. Tin Người là Ðấng Thiên Sai, Ðấng đã được các tiên tri loan báo từ ngàn xưa, và nay đã đến lúc Người sẽ ra tay giải thoát dân Ít-ra-en khỏi ách thống trị ngoại bang. Người sẽ đem lại sự ấm no và thịnh vượng cho dân tộc. Đồng thời Ngừơi sẽ thiên lập vương quốc và sẽ lên ngôi trị vì dân tộc. Còn họ sẽ là những nhân vật có chức cao quyền trọng.

Khát vọng vinh quang trần thế này cho dẫu không đúng thiên ý của Chúa Cha, nhưng lại là động lực thúc đẩy các môn đệ dấn thân theo tiếng gọi Giêsu. Bởi đó, họ đã sẵn sàng bỏ lại tất cả để theo Ngài : gia đình, nghề nghiệp và cuộc sống quen thuộc xưa nay của mình.

Song le giờ đây, Ðức Giêsu đã bị giết treo trên Thập giá một cách nhục nhã như thể một kẻ tử tội. Thầy của họ đã thất bại hoàn toàn! Tương lai sự nghiệp, tất cả đều đặt dấu chấm hết! Trước đây theo Chúa, hoài bảo lớn lao của họ là, nếu không được làm thủ tướng thì ít ra cũng là “bộ trưởng bộ giáo dục” hay “bộ trưởng bộ thương mại”…. Vậy mà bây giờ về làm … “tổ trưởng tổ dân phố” hay “công an khu vực” cũng không xong. Còn mặt mũi nào mà nhìn bà con lối xóm nữa vì lỡ lên mặt, lỡ to tiếng, lỡ nghêng ngang với họ rồi. Đau buồn hơn nữa là chính đức tin của họ đặt nơi Thiên Chúa cũng bị lung lay, lung lay đến tận gốc rễ trước cái chết tức tưởi của Thầy mình.

Chính lúc ưu sầu tuyệt vọng, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện đến như người bạn đồng hành. Ngài không an ủi họ kiểu “đừng tuyệt vọng tôi ơi, đừng tuyệt vọng”. Nhưng Ngài chăm chú lắng nghe họ trút bầu tâm sự, kể lể nỗi buồn đau. Ngài đốt lên ngọn lửa bừng cháy trong tim họ khi giải thích cho họ hiểu các mầu nhiệm. Lời Ngài soi sáng, sưởi ấm cõi lòng u tối và lạnh giá của họ. Và rồi khi được Ngài mạc khải qua việc bẻ bánh, họ đã nhận ra Ngài. Lòng họ bừng sáng, trí họ tràn ngập hân hoan, tâm hồn họ rộn lên niềm vui khôn tả. Họ đã phục hồi được niềm tin, đã tìm lại được Chúa lòng của mình, Đấng Hằng sống. Cuộc đời họ được biến đổi từ đây.

Con đường dẫn đưa những người lữ khách từ Giêrusalem đến làng quê Emmau sao xa xôi vạn lý, thế mà giờ đây lúc trở về Giêrusalem lại hoá nên gần gũi thân quen, bởi vì Tin mừng đang cháy bỏng trong tim và trên môi của họ. Họ gặp các Tông đồ và kể lại cuộc gặp gỡ diệu kỳ với Đấng Phục Sinh.

Chúa Giêsu vẫn luôn đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường, người sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời. Người vẫn hiện diện với chúng ta trong mọi Thánh lễ được cử hành hằng ngày, hiện diện trong Lời của Người và trong Bí tích Thánh Thể. Người sẽ biến đổi tâm trí và cõi lòng chúng ta như đã biến đổi hai môn đệ xưa hầu giúp ta nhận ra Người. Phần chúng ta, chúng ta có để cho Chúa bước vào tâm hồn mình hay không ? Và nhất là chúng ta có tha thiết mời Chúa ở lại với chúng ta vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn hay không ?

Thánh Ca : Chúa Thương Con

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét