Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2011

Phúc âm Lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay (03/04/2011)


Nguồn : www.40giayloichua.net

Trước tiên , xin cùng cầu nguyện với 3 phút bằng thánh vịnh đáp ca



Mời nghe bài giảng tĩnh tâm mùa chay với chủ đề " "THA THỨ TỘI LỖI" của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn, CSsR



THEO CHÚA SẼ TỚI ÐƯỢC ÁNH SÁNG
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Con đường đi tới ánh sáng

Con đường đi tới ánh sáng của người mù gồm nhiều bước. Nhưng đáng chú ý là đó không chỉ là những bước đi của con người mà còn là những bước đi của Ðức Giêsu: Ngài đi những bước trước, người mù bước theo, và bước sau cùng cũng là của Ngài:

- Bước 1 "Ðức Giêsu nhìn thấy" (câu 1): Cuộc hành trình bắt đầu bằng cái nhìn này, cái nhìn của Chúa đi trước cái nhìn của con người.

- Bước 2 "Ðức Giêsu thoa vào mắt người mù" (câu 7): sự tiếp xúc giữa Ngài với bệnh nhân chính là thần dược.

- Bước 3 "Ngài bảo: Hãy đi rửa ở hồ Silôê" (câu 7a): Ðức Giêsu sai ta đi đến một nơi đã có sẵn từ lâu trước khi ta cần đến nó, và nơi này thực ra chỉ có năng lực cứu chữa nhờ Ngài mà thôi.

- Bước 4 "Người mù đi đến đó" ( (câu 7b): Bước đầu tiên của con người là sự vâng phục và phó thác. Ðây là bước rất cần thiết.

- Bước 5 "Tôi đã nhìn thấy" (câu 11), "Ngài là một ngôn sứ" (câu 17): Liền theo sau hồng ân nhận được là việc làm chứng cho Ðấng mà ta tin, cho dù việc này dẫn đến cái giá phải trả là bị đuổi ra ngoài (câu 34).

- Bước 6 "Ðức Giêsu đến gặp anh" (câu 35): Ðến đây Ðức Giêsu ban cho anh một thị giác còn quý hơn thị giác của cặp mắt anh, đó là thị giác của đức tin: anh tuyên xưng "Lạy Chúa, con tin".

Ðó cũng là những bước mà chúng ta phải cùng đi với Ðức Giêsu trên cuộc hành trình của chúng ta.

2. Những cái làm cho ta mù

Ðể thấy rõ, chỉ một đôi mắt sáng chưa đủ, bởi vì không chỉ có mỗi một thứ bệnh mù là mù đôi mắt, mà còn nhiều thứ bệnh mù khác do nhiều nguyên nhân khác:

Tính ích kỷ làm ta mù không thấy nhu cầu của tha nhân
Tính vô cảm làm ta mù không thấy những việc ta đã làm đau lòng tha nhân.
Tính tự phụ làm ta mù không thấy tha nhân cũng có nhân phẩm như mình.
Tính kiêu căng làm ta mù không thấy khuyết điểm của mình.
Những thành kiến làm ta mù không thấy sự thật.
Sự hối hả làm ta mù không thấy vẻ đẹp của vũ trụ chung quanh.
Khuynh hướng duy vật làm ta mù không thấy những giá trị thiêng liêng.
Sự hời hợt làm ta mù không thấy giá trị thật của con người và khiến ta hay lên án.

3. Những thứ thị giác

"Người phàm chỉ nhìn thấy ngoài mặt, còn Chúa thì thấy tận cõi lòng" (Bài đọc 1): Ðối diện với người mù, các môn đệ chỉ thấy đây là một kẻ có tội nên bị phạt; các người Pharisêu tìm đủ mọi ngõ ngách để trốn thoát khỏi phải nhìn nhận sự thật về người mù; dân chúng thì không thể tin nổi sự việc mà họ vừa nhìn thấy. Còn Ðức Giêsu, Ngài nhìn thấu cõi lòng của từng hạng người kể trên. Ta hãy tìm hiểu kỹ hơn cái nhìn của Ðức Giêsu.

- Một cái nhìn ưu ái: Ngài không nhìn người mù bằng ánh mắt bàng quan, mà nhìn với lòng thương.

- Một cái nhìn không bị che mờ bởi những thành kiến (như các môn đệ), những hoài nghi (như dân chúng), những đố kị (như Pharisêu), những định chế xã hội xếp loại giai cấp con người.

- Một cái nhìn phát sinh hiệu quả: Ngài nhìn người mù và làm cho anh được thấy.

Chúng ta cần có cái nhìn của Chúa, như lời Thánh Phaolô trong bài đọc thứ 2: "Anh em hãy xem xét điều gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ðừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, nhưng hãy vạch trần những việc ấy ra mới phải".

4. Mảnh suy tư

Cách nay nhiều năm, vào một đêm kia có hiện tượng nguyệt thực toàn phần.
Ai nấy đều bàn tán về nó. Rất nhiều người đứng ngoài sân chờ nhiều tiếng đồng hồ để cuối cùng được nhìn ngắm nó trong một số phút ngắn ngủi.

Tôi tự hỏi: sao người ta lại quá chú ý đến sự biến mất của mặt trăng mà không chú ý đến sự xuất hiện của nó? Và tôi nhớ đến một lời của Emerson:

"Người ngu ngạc nhiên trước sự bất thường
Còn người khôn ngạc nhiên trước sự bình thường" (Flor MacCarthy)

5. Chuyện minh họa

a/ Ðãng trí

Một học giả kia rất thông thái nhưng cũng rất đãng trí. Một hôm ông cỡi lừa đi thăm một người bạn. Dù đang cỡi lừa, ông vẫn cứ dán mắt vào quyển sách, tay buông lỏng dây cương. Do đó con lừa sau khi đi một đoạn đường đã quay trở lại chính ngôi nhà của ông. Ông tưởng đó là ngôi nhà của người bạn. Ông nhìn ngôi nhà từ trên xuống dưới, từ trước tới sau, và kết luận: "Ông bạn của ta cẩu thả quá, nhà hư gần sập tới nơi mà không sửa sang gì cả." Vợ ông bước ra tiếp lời: "Ông nhận xét đúng đấy. Nhưng đây là ngôi nhà của chính ông". Nhiều người rất sáng về chuyện người khác, nhưng rất mù về những khuyết điểm của chính mình. (Ernst Wilhelm Nusselein).

b/ Làm sao phân biệt ngày với đêm

Một đạo sư hỏi các môn đệ họ có thể xác định như thế nào cái giây phút mà đêm chấm dứt và ngày bắt đầu.

Một người nói:
- Khi người ta thấy một con vật ở đàng xa, và người ta có thể nói đó là con bò hay con ngựa.

Ðạo sư bảo:
- Không phải vậy.

- Khi nhìn một cây ở đàng xa và người ta có thể nói đó là cây mận hay cây xoài.

Ðạo sư vẫn bảo:
- Vẫn không phải.

Rồi ông nghiêm nghị nói:
- Khi các ngươi nhìn thẳng vào mặt một người đàn ông và các ngươi có thể nhận ra nơi ông ta một người anh em của mình; khi các ngươi nhìn thẳng vào mặt một người phụ nữ và các ngươi có thể nhận ra nơi bà ta một người chị em của mình. Nếu các ngươi không làm được như vậy thì dù mặt trời có mọc tới đâu cũng vẫn còn là đêm. (Anthony de Mello, "Lời kinh của con ếch")

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con sống như con cái sự sáng, mà theo Thánh Gioan tông đồ, sống như con cái sự sáng là sống bác ái yêu thương. Vậy xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn tình với Chúa và vẹn nghĩa với anh em. Amen.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa


BÂY GIỜ TÔI ÐÃ THẤY
Lm Mark Link, S.J.

Vào thập niên 1960, John Howard Griffin ngụy trang thành một người da đen đi chơi vòng quanh miền Nam. Oâng muốn trực tiếp cảm nghiệm được sự kiện phải làm người da đen trong những năm ầm ĩ về vấn đề chủng tộc này. Griffin mô tả lại cảm nghiệm của mình trong một cuốn sách nhan đề Black Like Me (da đen như tôi). Cuốn sách này về sau được dựng thành phim.

Tuy nhiên còn một khía cạnh khác trong cuộc đời của John Howard Griffin mà rất ít người biết đến: trong thế chiến thứ hai, John đã bị mù trong một vụ nổ máy bay suốt 12 năm sau đó, ông không trông thấy gì cả. Một hôm, trong khi bước xuống con phố cạnh nhà bố mẹ ông ở Texas, thình lình John bỗng thấy được "cát đỏ" (red sand) trước mắt ông. Thị giác của ông đã phục hồi trở lại mà chẳng hề báo trước. Về sau, một bác sĩ chuyên khoa mắt cắt nghĩa cho ông là vết máu tụ thần kinh thị giác do vụ nổ gây ra được khai thông, vì thế thị giác ông phục hồi trở lại. Khi bình luận về kinh nghiệm này, Griffin đã kể lại cho một phóng viên báo chí như sau:

"Quí bạn không cảm nghiệm được những gì mà một ông bố cảm nghiệm khi nhìn thấy con cái mình lần đầu tiên đâu. Cả bố với con đều tuyệt vời hơn tôi nghĩ rất nhiều"

Giai đoạn bi đát trong đời Griffin giúp anh ta đánh giá sâu sắc hơn câu chuyện của bài Phúc âm hôm nay, nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn cảm giác người mù từ lúc mới sinh khi anh ta được Chúa Giêsu chữa lành thật kỳ kiệu như thế nào.

Tuy nhiên, trong câu chuyện người mù trên còn có một phép lạ thứ hai. Phép lạ này còn tuyệt diệu hơn: đó là đức tin hay còn gọi là ánh sáng thiêng liêng mà Ðức Giêsu ban cho người mù ấy, chính phép lạ thứ hai này tức ân sủng đức tin đã khiến cho anh quì gối xuống nói với Ðức Giêsu với tư cách là "Chúa". Thánh Gioan đã nhấn mạnh phép lạ thứ hai này tức ân sủng đức tin một cách thâm thuý trong bài Phúc âm hôm nay.

Chúng ta hãy xem xét kỹ hơn về điểm này.

Ðiều đầu tiên chúng ta để ý đến trong phép lạ này là phép lạ ấy diễn ra từ từ không xảy ra ngay tức khắc. Chẳng hạn, phản ứng đầu tiên của anh mù đối với Ðức Giêsu là anh ta xem Ðức Giêsu cũng giống như người bình thường khác. Vì thế, khi vài người hỏi anh ta về sự lành bệnh của mình, anh liền trả lời: "Cái ông có tên là Giêsu ấy lấy một ít bùn bôi lên mắt tôi và bảo tôi tới hồ Silôê rửa mặt. Thế là tôi đi và ngay khi rửa xong tôi liềân được trông thấy."

Ðầu tiên gã mù chỉ coi Ðức Giêsu như một người tuy khá đặc biệt nhưng dầu sao cũng chỉ là một con người. Thế rồi anh ta bước qua nhận thức thứ hai về Ðức Giêsu khi đám Pharisêu điều tra anh: "Mày bảo ông Giêsu chữa cho mày khỏi mù à! Vậy mày cho rằng ông ấy là ai?" anh ta liền đáp: "Ông ấy là một tiên tri". Câu trả lời trên đây chứng tỏ rõ ràng nhận thức của anh mù về Ðức Giêsu đã nhảy vọt một bước vọt khổng lồ về phía trước. Càng suy nghĩ đến sự kiện xảy ra, gã ta càng xác tín Ðức Giêsu không chỉ là một người như những người khác mà Ngài còn là một vị tiên tri. Ðiều này dẫn chúng ta đến nhận thức sau cùng của anh mù về Ðức Giêsu.

Cuối ngày anh mù mới được gặp mặt đối mặt với Ðức Giêsu, vì khi anh mù đi rửa mắt ở hồ Silôê về, thì Ðức Giêsu, không còn quanh quẩn đó nữa. Lúc này, khi gặp lại anh mù, Ðức Giêsu nhìn thẳng vào mắt và nói: "Anh có tin vào CON NGƯỜI" không? Anh ta trả lời: Thưa Ngài, xin nói cho tôi biết vị ấy là ai để tôi tin. Ðức Giêsu trả lời: "Anh đã thấy vị ấy rồi, vị ấy chính là kẻ hiện đang nói chuyện với anh". Anh đáp ngay: "Lạy Chúa, con tin!" vừa nói anh vừa quì gối xuống trước mặt Ðức Giêsu.

Như thế, nhận thức của anh về Chúa Giêsu đã nhảy bước cuối cùng về phía trước. Anh nhận ra Ðức Giêsu không phải chỉ là một người bình thường hoặc một vị tiên tri, mà Ngài còn là Thiên Chúa, vị Chúa mà "muôn loài trên trời dưới đất, cả trong địa ngục phải quì gối" (Pl 2: 10). Ân sủng đức tin, hay "ánh sáng tâm linh" mà Ðức Giêsu ban cho anh mù còn kỳ diệu hơn sự phục hồi thị giác cho anh nữa.

Không cần bàn bạc quá nhiều về ân sủng đức tin nơi anh mù nọ, chúng ta nên nhớ lại chúng ta cũng đã nhận được ân sủng đức tin này do Ðức Giêsu ban cho trong bí tích rửa tội.

Trước khi thanh tẩy trong nước rửa tội, chúng ta cũng bị "đui mù tâm linh" như anh mù trong Phúc âm hôm nay. Nhưng sau khi được rửa tội, Ðức Giêsu trở nên quí báu hơn nhiều đối với chúng ta. Ngài trở thành một kẻ hết sức thân mật đối với chúng ta.

Ðiều này dẫn đến điểm tương tự thứ hai giữa chúng ta và anh mù trong Phúc âm hôm nay. Ngoài việc nhận lãnh ân sủng đức tin, nhận thức của chúng ta về Chúa Giêsu cũng dần dần lớn lên giống như nơi anh mù ấy. Chẳng hạn khi còn rất bé chúng ta thường mường tượng Ðức Giêsu là một con người phi thường. Ðến lúc lớn lên. Nhận thức của chúng ta về Ngài cũng trưởng thành hơn. Cuối cùng nhận thức ấy đạt được hình thức viên mãn nhất: chúng ta nhận ra Ngài đúng như bản chất thực sự về Ngài, là Con Thiên Chúa. Ðiều thú vị là khi chúng ta càng học hỏi về Ðức Giêsu thì Ngài càng trở nên cao cả hơn đối với chúng ta. Thông thường, có sự kiện đáng buồn trong các mối tương giao khác là càng tìm hiểu về kẻ khác chúng ta càng nhận khiếm khuyết của kẻ ấy. Nhưng trong trường hợp Ðức Giêsu thì không như thế. Càng hiểu biết về Ngài, chúng ta càng thấy Ngài tuyệt diệu và vinh hiển hơn.

Ðể kết thúc, chúng ta hãy trích lại lời Albert Schweitzer ở cuối cuốn sách của ông nhan đề The Quest for The Historical Jesus (Tìm kiếm Chúa Giêsu Lịch sử) Schweitzer từng là nhạc sĩ dương cầm thính phòng ở Âu Châu. Ông đã từ bỏ nghề nghiệp âm nhạc của mình để trở thành một bác sĩ, và ông đã đến sống ở Phi châu với tư cách một thừa sai. Schweizer viết: "Chúa Giêsu đến với chúng ta như một người vô danh, chẳng khác nào thủơ xưa người đến với các tông đồ trên bờ biển. Ngài nói với chúng ta cũng chính những lời Ngài đã từng nói với họ: "Hãy theo Ta!". Và bất cứ ai chấp nhận lời mời gọi của Ngài thì dù họ thông thái hay tầm thường, trẻ trung hoặc già nua, Chúa Giêsu đều mạc khải chính Ngài cho họ ngay trong những truân chuyên và đau khổ của họ. Và qua kinh nghiệm riêng của mình, họ sẽ biết được "NGÀI là ai?". Amen.

Thánh Ca : Chúa Thương Con


TẠI SAO? TẠI SAO?
Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Ba ngày sau thảm hoạ động đất ở Nhật Bản, tôi nhận được lá thư điện tử của một người giáo dân Việt Nam sinh sống tại đó với mấy dòng chia sẻ sau đây làm tôi suy nghĩ: “…Đứa con gái của con học bên Mỹ gọi điện về khóc sướt mướt; nó nói nó không tin Chúa, nó không đi nhà thờ nữa; tại sao Chúa không cứu vớt mà lại để cho thảm hoạ này xảy ra như vậy? Con chẳng khuyên nó được. Thôi, thì giờ nó đang bị sốc nên cứ để cho nó suy nghĩ như thế, rồi từ từ nó sẽ nghĩ lại, Bố nhỉ?”

Cách cư xử của bà mẹ rất khôn ngoan. Lúc này phải là lúc tỏ lòng yêu thương, cảm thông hơn là dạy bảo nhất là la mắng con. Tôi cũng tin rằng phản ứng của cháu gái là tự nhiên nghĩa là bộc phát trong một nỗi xúc động quá mãnh liệt thôi, và rồi đây cháu sẽ tìm lại được sự bình an và niềm tín thác vào Thiên Chúa mà lâu nay cháu vẫn có. Chắc trước vụ động đất và sóng thần khủng khiếp này nhiều người khác trong cuộc và thậm chí ngoài cuộc cũng đã nêu câu hỏi như cháu: Tại sao Chúa không ra tay cứu giúp, nghĩa là ngăn chặn không để cho tai hoạ xảy ra? Thắc mắc này có thể cho thấy một điều là: dù tin hay không tin, người ta vẫn nghĩ rằng một Đấng là Thiên Chúa thì phải là Đấng toàn năng và nhân từ đối với con người. Mà đã là toàn năng và từ bi thì Ngài không thể để cho một thiên tai như thế xảy ra khiến con người phải khốn khổ và phải chết một cách vô lý. Vậy là sao? Thắc mắc này là một thử thách thật sự, có thể làm lay chuyển đức tin của bao người Kitô hữu, không loại trừ có kẻ đã thất vọng và chối bỏ Chúa vĩnh viễn. Còn đối với người vô thần thì đây là bằng chứng Thiên Chúa chỉ do con người tưởng tượng ra chứ làm sao mà có được, vì rõ ràng “ngài” chẳng làm chi được cho con người?

Tôi nghĩ vấn nạn mà cháu gái người Nhật gốc Việt nêu lên là “rất thật” và rất “người”, -- ý tôi muốn nói là chắc hẳn nó gắn liền vào bản tính con người một cách nào đó. Con người từ bao giờ vẫn nêu những câu hỏi căn bản: Tại sao đau khổ? Tại sao chết? Cuộc đời có ý nghĩa gì không?... Và các tôn giáo là những cách trả lời khác nhau cho những thắc mắc đó. Những người có lòng tin thường có tâm lý chờ đợi nơi Đấng linh thiêng một sự che chở phù hộ riêng khi gặp gian nan thử thách, thậm chí nhiều khi họ còn cảm thấy mình có quyền chờ đợi sự can thiệp đặc biệt của Đấng mình tôn thờ…Tâm tình đó là tự nhiên. Và cả khi vì lòng tin tưởng và hy vọng của mình không được thần linh đáp ứng theo ý mình mà sinh ra phàn nàn trách móc, thì đó vẫn là chuyện bình thường, miễn là không đi xa hơn đến chỗ chối bỏ đức tin. Cũng không khác chi người Việt Nam tin Trời nên hễ gặp khó khăn nào, như nghèo đói, bệnh tật, thất bại trong nghề nghiệp, trong tình duyên, trong học hành, hay tai nạn rủi ro, là có phản ứng tự nhiên “kêu trời” hoặc “trách trời”: Trời ơi Trời ở không cân, Kẻ ăn không hết, người lần không ra. Hoặc: Lá vàng thì ở trên cây, Lá xanh rụng xuống, Trời hay chăng Trời? Hoặc: Bắc thang lên hỏi Ông Trời, Sao không bố thí cho tôi tí chồng? (Ca dao).

Có một điều tôi thấy hơi lạ, là khi mọi chuyện xuôi chảy thuận lợi hoặc khi gặp điều may mắn thì ít ai nghĩ tới Ông Trời hoặc Thiên Chúa nhưng hễ gặp thử thách (kể cả do chính mình gây ra) là ngay lập tức trách Trời, trách Chúa. Ngày xưa thánh Âu-tinh đã nhận xét: Thiên hạ thường dựa vào sự hiện diện của điều xấu, sự ác để kết luận là không có Thiên Chúa, nhưng ngài đặt câu hỏi ngược lại: Nếu không có Thiên Chúa thì bạn giải thích thế nào sự hiện diện của sự lành, điều thiện nhan nhản khắp nơi và ngay trong bản thân bạn?

Trên đây tôi đã nhìn phản ứng của cháu gái Nhật-Việt như một việc bình thường, nhưng thật ra tôi biết cháu nêu một vấn đề lớn và không dễ trả lời: tại sao Thiên Chúa không ngăn cản các thiên tai có thể gây tai hoạ cho con người?

Thiên tai là những tai họa do thiên nhiên gây ra. Nhưng thiên tai thật ra chỉ là những hiện tượng tự nhiên, những hoạt động bình thường của thiên nhiên theo quy luật mà thôi, chẳng qua vì không may mà có tác động xấu tới con người ở một mức rộng lớn nên ta mới gọi đó là thiên tai. Những hoạt động theo quy luật của thiên nhiên thì cứ liên miên xảy ra, hằng giây hằng phút trong vũ trụ bao la và trên trái đất ta ở, chúng to hay nhỏ, lợi hay hại, bình thường hay bất thường…, đó là đánh giá của con người, không phải chuyện của thiên nhiên trời đất; nếu muốn nói thiên nhiên mù quáng không đếm xỉa chi tới con người chúng ta cả -- thì vẫn rất đúng. Nhưng biết sao được, không lẽ thiên nhiên cứ phải làm theo ý của ta sao?

Đại thi hào Ấn Độ Tagore có lần nhận định rằng con người ta rất mâu thuẫn khi đòi hỏi thiên nhiên phải hoạt động theo theo ý của họ (mà đòi hỏi thiên nhiên là gián tiếp đòi hỏi Thượng Đế), ông nêu ví dụ: một bà mẹ tập đi cho đứa con nhỏ của mình sẽ vô cùng hạnh phúc khi thấy con bước đi được những bước đầu tiên trong đời, và được vậy tất nhiên là nền nhà phải cứng vững (như bình thường là thế), nhưng khi con té ngã bà lại trách tại sao nền nhà không mềm như tấm nệm cho con mình khỏi đau? Nền nhà không thể khi cứng khi mềm liên hồi theo ý ta được. Đòi Thiên Chúa dùng quyền phép mình chế ngự thiên nhiên trong mọi trường hợp Ngài biết là sẽ gây tai hoạ cho con cái Ngài thì cũng gần như thế. Bạn thử nghĩ xem: giả sử Ngài liên tục can thiệp vào hoạt động của thiên nhiên theo ý con người thì hậu quả sẽ ra sao? Đơn giản là thiên nhiên sẽ không thể tồn tại và do đó con người cũng vậy.

Chúa đã dựng nên thiên nhiên vạn vật cùng với các quy luật chi phối chúng – chúng ta gọi là định luật tự nhiên. Ngài cai quản chúng qua các định luật ấy. Nhờ các định luật đó mà mọi vật mọi loài tồn tại và phát triển. Nhưng người công giáo biết thêm nữa rằng Chúa cũng đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, có trí khôn và tự do và “đặt làm chủ mọi thọ tạo trên trái đất, để cai quản và sử dụng chúng” (Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 12. xem sách Sáng Thế, 1, 20.-28). Như thế, Thiên Chúa cũng chia sẻ cho họ một phần quyền sáng tạo của Ngài. Quả thực, nhờ không ngừng hiểu biết được các định luật tự nhiên, con người vừa có thể sử dụng thiên nhiên cho lợi ích của mình, vừa hạn chế được các tác hại của thiên nhiên và góp phần hoàn thiện trái đất nơi họ sinh sống. Nhưng cũng hiển nhiên là chính con cũng người phá hoại công trình tạo thành của Chúa khi lạm dụng quyền làm chủ của mình vượt quá ý muốn của Chúa Tạo Hoá, nhất là từ vài thế kỷ nay, với tiến bộ phi thường của khoa học kỹ thuật, con người đã hành xử như một bạo chúa, tự cho mình quyền muốn làm gì với thiên nhiên cũng được, không ngừng can thiệp sâu vào thiên nhiên đến độ phá hủy sự thăng bằng của môi trường tự nhiên, và hậu quả là biết bao đe doạ và thảm hoạ con người phái hứng chịu. Ngày nay nhiều thiên tai thật ra là nhân tai, như những trận lũ lụt ngày càng nhiều và dữ dội hơn tại miền Trung nước ta chẳng hạn. Ngày hôm nay, nhiều công trình của con người quay lại chống con người.

Đau khổ và sự chết là vấn nạn muôn thuở của con người. Công đồng Vaticanô II dạy: “Nếu thiếu căn bản là Thiên Chúa và thiếu niềm hy vọng vào đời sống vĩnh cữu thì phẩm giá con người sẽ bị tổn thương cách trầm trọng như thường thấy ngày nay, và những bí ẩn về sự sống, sự chết, về tội lỗi và đau khổ vẫn không giải đáp được, như thế con người nhiều khi rơi vào tuyệt vọng.” (Hiến chế đã dẫn, số 21). Giáo Hội xác tín rằng “nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm. Chúa Kitô đã sống lại nhờ sự chết của mình. Người đã huỷ diệt sự chết và Người đã ban cho ta dồi dào sự sống…” (nt, số 22).

Tuy đã có lời giải đáp, nhưng người tin Chúa không vì thế mà hết lo âu, sợ hãi khi đối diện với đau khổ và sự chết. Và nếu trong những lúc ấy, họ có thốt lên: Chúa đâu rồi? Chúa bỏ con sao?, thì cũng tự nhiên, không có gì sai lỗi, bởi vì chính Chúa Giêsu cũng đã cảm thấy “hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,33) và “mồ hôi như những giọt máu rơi xuống đất” trước khi đi chịu nạn (Lc 22,44); rồi trên thập giá, trong đau khổ tột cùng Ngài còn kêu lên: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Đó là phản ứng của con người tự nhiên, nhưng mau chóng lòng tin tưởng của người con nơi Ngài đã vượt lên trên tất cả. Trước lúc tắt thở, Ngài đã thưa với Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Thánh Ca : Tình Yêu Thiên Chúa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét