Trang

Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2011

Phúc Âm Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay (10/04/2011)



Lời Chúa trong Lễ Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay :


Nguồn : www.40giayloichua.net

THEO CHÚA SẼ TỚI ÐƯỢC SỰ SỐNG
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Sự sống của thể xác:

- Hầu hết những quan tâm của chúng ta đều là lo cho cuộc sống thể xác: ăn uống, tiền bạc, thuốc men, sung sướng. Và rất nhiều tội ta phạm cũng vì quá lo cho cuộc sống thể xác này.

- Thánh Phaolô nói sự sống thần khí quan trọng hơn sự sống thể xác; và chúng ta vẫn tuyên xưng "Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại". Nhưng hình như ta không sống đúng theo niềm tin ấy. Nếu ta thực sự tin như thế thì:
Ta đâu có quá sợ chết
Ta đâu có quá bám víu vào những thứ nuôi cuộc sống thân xác này

- Ðức Giêsu nói "Ai dám liều bỏ sự sống (thể xác) thì sẽ được sự sống đời đời".

2. Sự sống thần linh:

- Ðược ban ngày ta lãnh nhận bí tích Rửa tội.

- Ðược lớn dần lên nhờ cầu nguyện, nhờ Thánh Thể, nhờ kết hợp với Chúa hàng ngày.

- Ta có lo bồi dưỡng nó không?

3. Lời cầu nguyện của Ðức Giêsu trước mồ Ladarô đáng ta bắt chước:

- Thông thường, thứ tự của lời ta cầu xin là: a/ Trình bày nhu cầu của mình; b/ Xin Chúa giúp; c/ Nếu được Chúa ban thì ta cám ơn. Thứ tự lời Ðức Giêsu cầu nguyện ngược hẳn lại: a/ Tạ ơn "Lạy Cha, con cảm tạ Cha" (c 41a); b/ Không cần trình bày yêu cầu (vì hiểu ngầm Chúa Cha đã biết); c/ Tin chắc lời xin của mình đã được nhậm lời "vì cha đã nhậm lời con" (c 41b).

- Tại sao? Ðức Giêsu và Chúa Cha kết hợp mật thiết nên một: Ðức Giêsu muốn cũng là Chúa Cha muốn, người xin cũng là người ban, nên chắc chắn lời xin sẽ được thực hiện.

- Chúng ta có được như thế không? Ðược, nếu như ta cũng kết hợp mật thiết với Ðức Giêsu và qua Ngài với Chúa Cha, và do đó ta chỉ muốn điều Chúa muốn.

* Mùa Chay chuẩn bị chúng ta chia sẻ cuộc phục sinh của Ðức Giêsu. Cuộc sống thần linh của chúng ta có thể đã chết hay chưa sống dồi dào. Ta hãy kết hợp với Ðức Giêsu mà xin được phục sinh. Và hãy tin chắc ta sẽ được, miễn là ta thực sự muốn mình phục sinh.

4. Một người bạn đặc biệt

Ðức Giêsu là bạn thân thiết của Ladarô. Ðiều này hiển nhiên vì chính Ngài đã khóc trước mồ Ladarô, và dân chúng hôm đó đã xác nhận như thế ("Kìa xem, ông ta thương Ladarô biết mấy").

Nhưng dù vậy, Ngài đã không làm gì để ngăn chận Ladarô khỏi chết: "Sau khi được tin ông Ladarô lâm bệnh, Ngài còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở". Thái độ của Ngài đã khiến Matta phiền trách: "Nếu có Thầy ở đây thì em con đã không chết". Chúng ta cũng giống Matta: khi gặp gian nan, thử thách, khổ đau, chúng ta bị cám dỗ phiền trách Chúa, thậm chí nói phạm tới Ngài.

Tuy nhiên, không ngăn chận Ladarô khỏi chết không có nghĩa là để cho ông đi vào ngõ cụt, không có nghĩa là không cứu sống ông. Bài đọc I hôm nay cho thấy Thiên Chúa cũng hành xử như thế đối với dân Israel: Ngài không ngăn chận những diễn biến tất nhiên phải đến theo lôgic lịch sử cứu độ: họ đã bất trung, đã băng hoại nên đất nước họ sụp đổ, họ phải đi lưu đày. Thế nhưng con đường đó không phải là con đường dẫn đến ngõ cụt mà là con đường cứu độ: cuối cùng thì Israel đã được hồi hương và Ladarô được sống lại. Khoảng thời gian "chết" của Israel và của Ladarô chính là thời gian người ta học được rất nhiều bài học quý giá. Tác giả Tv 116 đã hiểu thế nên đã hát lên: "Quý thay trước mắt Yavê, cái chết của những ai thành tín với Ngài" (Tv 116,15).

5. Chết và sống

Chết và sống liên đới chặt chẽ với nhau: Ðức Giêsu đã làm cho Ladarô sống lại. Nhưng chính sự sống lại của ông lại là cớ khiến Ðức Giêsu phải chết (x. Ga 11,47-50: sau chuyện này, Thượng Hội Ðồng Do Thái quyết định giết Ðức Giêsu).

Chúa chết để chúng ta được sống.
Phần tội lỗi trong con người chúng ta phải chết để cho phần thần linh sống mạnh.

"Ai muốn cứu mạng sống mình (mạng sống thể xác) thì sẽ mất mạng sống (mạng sống thần linh); còn ai liều mất mạng sống mình (mạng sống thể xác) vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống (mạng sống thần linh)" (Mt 16,25).

6. Giêsu là ai?

Là một nhà diễn thuyết hấp dẫn: "Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư" (Mc 1,21).

Là một vĩ nhân đầy quyền phép: "Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: Thế nghĩa là gì?.. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh" (Mc 1,27).

Nhưng không phải chỉ có thế, bài Tin Mừng này cho ta biết thêm Ngài chính là sự sống: "Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù có chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin Ta thì sẽ không phải chết bao giờ" (câu 25-26). Sau khi tuyên bố như thế, Ðức Giêsu hỏi Matta: "Con có tin như thế không?" (câu 27). Ðó cũng chính là câu Ngài hỏi chúng ta.

7. Tôi tin vào sự chết

Tôi tin vào sự chết
Tôi tin rằng sự chết là một phần của sự sống
Tôi tin rằng chúng ta được sinh ra để chết, chết để có thể sống trọn vẹn hơn.
Tôi tin rằng chúng ta được sinh ra để chết, mỗi ngày chết một phần: một phần ích kỷ, một phần tự phụ, một phần tội lỗi.
Tôi tin rằng mỗi khi chúng ta bước từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của cuộc đời, thì đều có một cái gì đó chết đi và một cái gì đó mới sinh ra.
Tôi tin rằng chúng ta nếm mùi sự chết trong những lúc cô đơn, phiền muộn, thất vọng, thất bại, bị ruồng bỏ.
Tôi tin rằng mỗi ngày chính chúng ta tạo ra cái chết cho mình bằng cung cách chúng ta sống.

Với đức tin của người tín hữu, tôi tin rằng cái chết không dập tắt được ánh sáng, mà chỉ là tắt đèn đi ngủ (Anon, "I believe in death")

Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương nhân loại, Chúa đã hiến thân chịu khổ hình thập giá. Xin ban ơn trợ giúp để chúng con biết noi gương Chúa mà hết lòng yêu thương anh chị em chúng con. Amen.

Thánh Ca : Bờ Đá Xanh Tạ Tội


NIỀM TIN TÍN THÁC
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Cuộc đời có đau khổ, có hạnh phúc. Đau khổ và hạnh phúc hoà quyện vào nhau làm thành một cuộc đời đầy thi vị và ý nghĩa. Tựa như chanh và đường có vị ngọt vị chua. Cuộc đời cũng có ngọt ngào của hạnh phúc và có cả chua cay của khổ đau. Thế nhưng, nhiều người lại sợ hoà những vị chua, vị cay vào kiếp người. Họ sợ đau khổ. Họ sợ bất hạnh. Họ sợ nghi nan. Đối với họ, Thiên Chúa là lá bùa hộ mệnh để đảm bảo cho họ một cuộc đời an vui hạnh phúc. Họ cho rằng, dấu chỉ sự hiện hữu của Thiên Chúa là đẩy lùi sự dữ ra khỏi cuộc đời của họ. Có Chúa thì không thể có bất hạnh, không thể có khổ đau.

Đó là điều mà Matta và Maria đã từng nghĩ như thế! Các bà đã trách Thầy “nếu Thầy ở đây thì em con không chết”. Thế nhưng, Lagiaro đã chết! Phải chăng hai bà cũng ngầm trách Chúa, lúc đó Thầy ở đâu? Lúc mà Lagiaro đang ốm nặng? Lúc mà tình thế có thể được cứu vãn? Nếu Thầy đến nhanh hơn một chút thì có lẽ đã chẳng có thảm cảnh hôm nay.

Thực vậy, khi Chúa Giê su đến nhà Matta và Maria thì Lagiaro đã chết và đã chôn cất được 4 ngày rồi. Một thời gian đủ để thân xác có thể bắt đầu tan rã để hoà trộn với bùn đất. Dầu vậy, ở đây chúng ta thấy đức tin trổi vượt của Matta, một đức tin không lay chuyển trước thử thách để có thể thưa lên với Chúa rằng: “nhưng bây giờ con biết. Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho”. Quả là một đức tin tinh tuyền, tuyệt đối, không lay chuyển trước sóng gió cuộc đời. Matta là một con người thật chân thành, bộc trực. Bà trách Chúa nhưng lòng bà vẫn tin vào quyền năng của Chúa. Trong đau khổ bà vẫn không tuyệt vọng. Thế nên, Chúa đã nói cùng bà: “Em con sẽ sống lại”. Matta ngạc nhiên hơn là cảm động. Bà không hiểu nổi và chỉ ú ớ tuyên xưng: “Con biết em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Lúc này Chúa Giê su làm nổ tung một bí ẩn, chiếu sáng đức tin và đòi hỏi một lòng tin tín thác: “Thầy là sự sống và là sự sống lại. Ai tin Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống lại, chị có tin được như thế không? Matta thưa: “Thưa Thầy con tin. Con tin Ngài là Đức Ky tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”.

Cuối cùng, Chúa đã nói với Matta và Maria và những người đang đứng đó: “nếu tin, thì sẽ thấy vinh quang Thiên Chúa”. Và rồi Ngài đã gọi Lagiaro trong mồ bước ra trước sự ngỡ ngàng, sửng sốt của gia đình Matta, của dân chúng làng Bêtania.

Trong cuộc sống đầy bon chen để kiếm miếng cơm manh áo, chúng ta thấy cuộc đời sao khổ quá! Nhất là trong thời kỳ gạo quế củi châu, lạm phát gia tăng, kiếm đồng tiền đổi lấy chén gạo bát canh đã khó lại càng khó khăn hơn. Rồi cuộc đời đâu mấy khi bình yên. Sóng gió tư bề. Đau khổ bệnh tật. Thiên tai lũ lụt , hạn hán hoành hành. Năm nay, Việt Nam còn hứng chịu cái lạnh kéo dài khiến cho hàng trăm con trâu bò bị chết cóng, hàng trăm ngàn hecta đất không thể trồng cấy đúng mùa. Dịch bệnh lan tràn. Người dân nghèo lại càng nghèo thêm. Cái lạnh của trời đất hoà với cái lạnh của tình người khiến cho cái đói, cái khổ cứ lận vào cả một kiếp người. Đặc biệt là trân động đất gây nên sóng thần tại Nhật Bản đã khiến hơn 10 ngàn người thiệt mạng, hàng trăm ngàn người không có nhà cửa và biết bao khu phố phồn thịnh nay chỉ còn là đống hoang tàn.

Đứng trước một viễn cảnh đầy những khổ đau như thế, nhiều người đã thầm trách Chúa, Chúa ở đâu sao để cuộc đời luôn giăng đầy những sầu đau? Chúa có nhìn thấy những bất hạnh mà con đang gặp phải trong cuộc đời vốn dĩ lắm nổi trôi lại nhiều phiền muộn này? Bài phúc âm hôm nay, mời gọi chúng ta đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn luôn quan tâm đến chúng ta. Người luôn đi bước trước để an ủi, nâng đỡ chúng ta. Người cũng đang mời gọi chúng ta đặt niềm tin vào Chúa như Matta để trong những biến cố đau thương nhất của cuộc đời chúng ta vẫn có thể thưa lên cùng Chúa. Con tin rằng: Chúa có thể làm những điều tốt đẹp nhất cho con.

Đau khổ là một sự dữ. Bất hạnh của cuộc đời là đêm tối của đức tin. Tuy nhiên qua những biến cố này, niềm tin lại toả sáng trong cuộc đời chúng ta. Chính trong những bất hạnh đó, chúng ta mới thấy con người thật nhỏ bé, tầm thường, chúng ta mới thấy sự bất toàn của kiếp người để đặt niềm tín thác vào Thiên Chúa. Con người luôn bất lực trước sự dữ, nhưng nếu Thiên Chúa muốn, Ngài có thể giải thoát chúng ta ngay bây giờ khỏi mọi điều sự dữ. Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn biết đặt niềm tin tưởng cậy trông vào Chúa ngay giữa những gian nan của dòng đời và ngay giữa những bất hạnh của cuộc đời chúng ta. Amen

Sống và chết là hai việc hoàn toàn mâu thuẫn, chống đối nhau. Tâm lý con người ai cũng muốn sống và không muốn chết : ham sống sợ chết là tâm lý tự nhiên của con người. Lòng ham sống thúc đẩy con người phải bám vào nhiều thứ, nhất là của cải, tiền bạc, chẳng hạn như ông nhà giàu trong Tin Mừng : thâu hoạch lúa thóc đầy tràn, ông phải xây thêm nhà kho, tự cho đời sống mình như thế thật là bảo đảm, tha hồ ăn chơi sung sướng. Nhưng Chúa bảo ông : thật là hạng khờ dại, vì đêm nay ông chết, của cải có bảo đảm được mạng sống ông không ? Ông còn nắm giữ được của cải không ? và quả thực ông đã vỡ mộng khi đối diện với cái chết. Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 30 ngàn người chết, bao nhiêu người bị Chúa cho là “hạng khờ dại”, vì lúc chết, tay buông xuông, người ta không còn có thể bám vào một vật gì cả : “Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng, chết xuống âm phủ chẳng mang được gì”. “Trăm năm nào có gì đâu, chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười”.

Nếu nghèo là không có, hoặc có rồi mà mất đi, như không có tiền bạc là nghèo vật chất, mồ côi cha mẹ là nghèo tình thương, dốt nát là nghèo về trí thức, bệnh tật là nghèo về sức khỏe, thì cái chết đưa người ta đến cái nghèo cùng cực. Người khoẻ mạnh hay còn trẻ chưa cảm thấy rõ điều này. Nhưng chúng ta cũng biết cái chết nói lên sự bất lực của y khoa, của mọi thứ khả năng tự vệ trên cõi đời này : quyền hành nhất trần gian cũng chết, giàu có nhất nhân loại cũng chết, sung sướng tất cả đời cũng chết. Mọi người đều bó tay trước cái chết.

Trước định luật nghiêm khắc ấy, con người lo âu, bồn chồn, và người ta cố níu kéo sự sống lâu chừng nào hay chừng ấy, dẫu vẫn biết là bất lực. Bởi thế mới có những quảng cáo về thuốc “trường sinh” hay “bất tử”. Có một câu chuyện như sau : Thời chiến quốc, có một người đem dâng vua nước Sở một vị thuốc “bất tử”. Người ấy mang vị thuốc này vào hoàng cung, viên quan canh cửa quát hỏi : “Vị thuốc này có ăn được không ?”. Người ấy đáp : “Dạ, ăn được”, tức thì viên quan giật lấy vị thuốc và ăn. Truyện đến tai vua, vua truyền bắt viên quan đó đem giết. Viên quan xin vào gặp vua và kêu van rằng : “Tâu hoàng thượng, hạ thần đã hỏi người đem dâng thuốc, người ấy nói : ăn được, nên hạ thần mới dám ăn, thế là hạ thần vô tội mà lỗi ở người dâng thuốc, hơn nữa, người đem thuốc nói là thuốc bất tử, ăn vào thì không chết nữa, thế mà hạ thần mới ăn, đã sắp phải chết. Vậy là thuốc tử chứ sao gọi là bất tử được ? Hoàng thượng giết hạ thần thực là bắt tội một người vô tội, trong khi thiên hạ dối gạt hoàng thượng mà hoàng thượng vẫn tin”. Nhà vua nghe nói có lý nên tha tội chết cho viên quan ấy.

Hiện nay các nhà bác học đang cố tìm ra một thứ thuốc làm cho con người khỏi chết. Được chăng ? Chúng ta cứ hy vọng. Đó là vấn đề còn trong giả thuyết, nhưng theo Kinh Thánh thì không thể nào có được, vì Chúa đã phán với ông bà nguyên tổ : “ngươi sẽ trở về bụi đất”. Từ đó, chết là một định luật Chúa ra cho loài người, loài người không thể phá nổi định luật này. Nói khác đi, con người đã mắc phải một chứng bệnh nan y không thể nào chữa khỏi, đó là bệnh chết. Cái án chết áp dụng cho hết mọi người : hữu sinh hữu tử : có sinh có chết là một điều tất yếu.

Nhưng qua cái chết và sự sống lại của Ngài, Chúa Giêsu đã loan báo cho con người một tin mừng : cái chết không còn là một ngõ cụt hay tận cùng nữa mà là cửa ngõ dẫn vào một cuộc sống mới, một cuộc sống trong Đức Kitô và cùng với Đức Kitô trong cõi vĩnh hằng. Vì thế, thánh Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu đã nói : “Nếu một mai bạn thấy tôi nằm chết, bạn đừng buồn, vì chính Cha chung của chúng ta là Thiên Chúa đã đến đón tôi đi, đơn giản vậy thôi”. Hoặc như thánh Phaolô đã nói : “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”. Làm thế nào để được như thế ? Chúng ta hãy sống theo câu nói của một bà mẹ kia đã khuyên bảo đứa con trai sắp bước vào đời : “Con ơi, ngày con mở mắt chào đời, mọi người đều tươi cười, còn con thì khóc. Con hãy sống thế nào đề ngày cuối đời, một mình con tươi cười, mà mọi người lại tràn lệ”. Amen.

Thánh Ca : Chúa Thương Con


Mời nghe các bài giảng tĩnh tâm mùa chay giới trưởng thành ở nhà thờ Ba Chuông Đa Minh của Linh Mục Giuse Phạm Quốc Văn với chủ đề “Hãy xé lòng đừng xé áo” :

" Bài 1 : "Giã từ con bò vàng"

Mượn hình ảnh con bò vàng, cha Giuse đã phân tích thái độ tích cực của dân Do Thái chính là thái độ khao khát, mong ước bám lấy một biểu hiện sức mạnh để giải thoát chính mình. Thế nhưng, đây cũng chính là chiếc bẫy cho dân sa vào. Vì đam mê mù quáng, vì tín thác vào thế lực bên ngoài cách mù quáng mà dân đã phản bội Chúa.

Qua đấy, cha mời gọi mọi người hãy nhìn lại chính mình: có thể, trong sâu thẳm của mỗi người ẩn khuất đâu đó tồn tại hình dáng của người anh cả hung hăng trong dụ ngôn “người cha nhân hậu”, tồn tại trong đó một người biệt phái kiêu ngạo trong câu truyện “hai người lên đền cầu nguyện” và dáng vẻ anh thanh niên mê tiền, không dám từ bỏ của cải theo Chúa…

Xé lòng chính là từ bỏ những thói tật hời hợt, thiếu quan tâm đến tha nhân, là không tôn trọng những trật tự trong tự nhiên, như nạn phá thai tràn lan… Xé lòng chính là vượt qua thái độ tủi thân, mặc cảm, để tin tưởng vào tình thương của Chúa, để thay đổi cuộc sống, và để Chúa chữa lành.



" Bài 2 : "Hoàn thành giờ của mình"

Mượn ý của đoạn Tin mừng Gioan 7, 1-20, Chúa Giêsu bí mật lên đền thờ, người ta tìm cách bắt Người nhưng không được vì “giờ” của Người chưa đến; cha giảng phòng hướng cộng đoàn hiểu “giờ” với ba nghĩa : “giờ” tôn vinh của Đức Giêsu ; “giờ” tăm tối của thế gian ; và “giờ” riêng biệt của chính mỗi người.

“Giờ” của Đức Kitô chính là thời điểm Chúa Giêsu chuẩn bị uống chén đắng, giờ Chúa Giêsu phải đối diện với sự cô đơn, với sự ruồng bỏ … vì vâng phục Thánh Ý. Giờ này còn được hiểu là giờ của lòng trắc ẩn khi ánh mắt nhân từ nhìn Phêrô và giờ của sự thứ tha cho tên trộm, vào phút cuối cùng còn mở được khoá cánh cửa Nước Trời.

“Giờ” đen tối của thế gian là thời khắc của những tiếng la ó, những cánh tay vung lên đòi đóng đinh Đấng Cứu thế. Đó cũng là giờ Philatô rửa tay trong sự thoái thác và vô trách nhiệm; và phải nói thêm là giờ tuyệt vọng khi Giuđa thắt cổ tự vẫn.

“Giờ” của mỗi người khi mỗi người tự nhận ra gương mặt của mình qua những nhân vật trong Kinh Thánh : có thể là đám đông gào thét hùa theo tiếng nói bất công thách thức Thiên Chúa, có thể đó là Philatô, cũng có thể là Mađalêla và thậm chí là Giuđa ; khi nhìn nhận ra bản chất của mình, đó chính là giờ của hồi tâm, của sám hối…



Thánh Ca : Dấu Ấn Tình Yêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét