Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Phúc âm Lễ Chúa Nhật III Mùa Chay (27/03/2011)


Nguồn : www.40giayloichua.net

Trước tiên , xin cùng cầu nguyện với 3 phút bằng thánh vịnh đáp ca



Mời nghe bài giảng tĩnh tâm mùa chay với chủ đề " "THA THỨ TỘI LỖI" của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn, CSsR



THEO CHÚA SẼ TỚI ÐƯỢC NGUỒN NƯỚC HẰNG SỐNG
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Những nỗi khát khao

Chúng ta khao khát rất nhiều điều:
- Khao khát chân lý vì cuộc sống nhiều gian dối
- Khao khát tự do trong một xã hội nhiều trói buộc
- Khao khát công bình trong một môi trường đầy dẫy bất công
- Khao khát yêu thương trong cuộc đời nhiều thù hận
- Khao khát hạnh phúc trong cảnh sống bất hạnh
- Khao khát niềm tin giữa cảnh đời nhiều nghi kỵ v.v.

Tất cả những khao khát đó đều là biểu hiện của một khát vọng thâm sâu: "Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống".

2. Chiếc vò nước được bỏ lại

"Bên bờ giếng, có một khách bộ hành mỏi mệt dừng chân. Chân lý đã vọt lên từ những lời ông ta nói. Cũng bên bờ giếng đó, người phụ nữ nọ đã để lại cái vò nước của mình, bởi từ nay nó chẳng giúp gì cho chị đón nhận hồng ân Thiên Chúa ban. Cái vò nước bỏ quên đó sẽ mãi mãi nói với chúng ta về một người phụ nữ mà số phận từng bị giam hãm trong đủ thứ công việc hằng ngày, trong những quan hệ chẳng tới đâu với một loạt đời chồng, nay bỗng tìm thấy ý nghĩa cho đời mình qua cuộc gặp gỡ với Ðức Giêsu, qua những trao đổi với Người (...)

Như thế, chính qua những chuyện của đời thường như ăn, uống, cuộc sống chung với một người đàn ông, cố gắng quay về với Thiên Chúa... mà con người nghe được tiếng nói của Thánh Thần. Nhưng ở đây và lúc này, Người lại đến như một ân ban qua những bất trắc khôn lường của lời nói, qua thái độ chân thành của các bên đối thoại, qua những khoảnh khắc thinh lặng để cho chân lý lên tiếng nói" (J.Cl. Giroud, được trích dịch bởi Fiches dominicales, năm A, trang 86).

3. Thờ phượng trong thần khí và sự thật

Những người Samari thờ phượng Thiên Chúa trên núi Garizim. Những người Do Thái thờ phượng Thiên Chúa trên núi Sion. Và hai bên tranh cãi với nhau, thù ghét nhau.

Phải chăng đó là những chuyện đời xưa? Không. Ngày nay vẫn có những người chỉ muốn dự Thánh lễ ở nhà thờ này chứ không phải nhà thờ nọ; và có rất nhiều người chỉ thờ phượng Thiên Chúa trong nhà thờ mà thôi.

Ðức Giêsu nói với người phụ nữ Samari: "Ðã đến giờ - và chính là lúc này - những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng trong thần khí và sự thật". Thờ phượng "trong thần khí" là thờ phượng theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; thờ phượng "trong sự thật" là thờ phượng với tâm tình kết hợp với Ðức Giêsu, Ðấng đã xưng mình là đường, là sự thật và là sự sống.

4. Nước

Nước vô cùng thiết yếu cho sự sống. Không có nhà cửa, áo quần, người ta vẫn có thể sống. Không có ăn, người ta vẫn còn sống một thời gian khá dài. Nhưng không có nước, người ta sẽ chết sau một vài ngày.

Bởi thế, khi nói về Thiên Chúa, Thánh Kinh thích dùng hình ảnh nước: Sách Sáng thế mô tả vườn địa đàng có một con sông tỏa ra 4 nhánh mang nước đi nuôi sống các sinh vật ở 4 phương trời. Tổ tông loài người sống trong khu vườn dồi dào nước ấy đã rất hạnh phúc. Nhưng rồi khi nguyên tổ phạm tội và bị đuổi khỏi vườn địa đàng thì cuộc sống vô cùng vất vả trên đất đai khô cằn sỏi đá. Ngụ ý của tác giả đoạn sách Sáng thế ấy là: khi con người sống trong tình thân với Thiên Chúa thì cũng giống như sống bên nguồn nước tươi mát; còn khi họ tách rời Thiên Chúa thì phải khốn khổ như đang ở trong sa mạc khô cằn. Vì thế sách Khải huyền khi muốn diễn tả hạnh phúc thời cứu độ đã vẽ lên hình ảnh một thành Giêrusalem mới, trong đó cũng có một dòng sông hằng sống, nước sông tưới mát một cây hằng sống làm cho nó trổ sinh hoa quả suốt 12 tháng quanh năm, trái cây cho người ta ăn, và lá cây dùng làm thuốc chữa hết mọi chứng bệnh.

5. Những thứ nước

Người thiếu phụ xứ Samari mặc dù đang ở bên giếng nước nhưng cõi lòng vẫn khát khao. Nàng thèm khát một tình nghĩa đậm đà. Nàng tưởng rằng tình đời sẽ thỏa mãn được cơn khát ấy nên nàng đã lăn xả vào những cuộc phiêu lưu tình ái. Nhưng đã trải qua 5 đời chồng rồi, nay đã là đời chồng thứ 6 mà nàng vẫn còn khát. Chỉ sau khi gặp được Ðức Giêsu, trò chuyện với Ngài và được Ngài ban cho thứ nước siêu nhiên là tình nghĩa với Chúa thì nàng mới hết khát. Nàng còn chạy vào làng rủ thêm nhiều người đến với Ðức Giêsu, nguồn nước hằng sống đích thực.

6. Thánh vịnh 42

"Như nai rừng mong mỏi
Tìm về suối nước trong
Hồn con cũng trông mông
Tìm đến Ngài, lạy Chúa"

7. Chuyện minh họa

Ngày xửa ngày xưa có một người ăn mày ngồi bên vệ đường để ăn xin, bên cạnh ông là một túi vải đựng vỏn vẹn vài hạt lúa. Bỗng ông thấy chiếc xe chở Nhà Vua đang đi tới. Ông mừng lắm, tự nhủ rằng thế nào Nhà Vua cũng bố thí nhiều tiền cho ông. Ông chạy ra đón đường
- Muôn tâu bệ hạ, xin dủ lòng thương xót bố thí cho kẻ thần dân nghèo khổ này một ít tiền để sống qua ngày.

Nhà vua xuống xe, đến gần người ăn mày, và nói một câu khiến ông hết sức ngạc nhiên và thất vọng:

- Ông có thể dâng cho hoàng thượng của ông một món quà gì không?

Không cách nào từ chối được, người ăn mày lục lọi trong túi vải một hạt lúa nhỏ nhất đưa cho nhà vua.

Khi nhà vua đi rồi, người ăn mày tiếc rẻ mở túi vải ra đếm lại số hạt lúa của mình. Lạ thay, thay vào chỗ hạt lúa đã cho đi là một hạt vàng sáng lóng lánh, cũng bằng y hạt lúa ấy. Lúc đó người ăn mày vô cùng tiếc rẻ: phải chi mình cho hết những hạt lúa đi thì bây giờ mình đã có một túi đầy những hạt vàng!

Ý nghĩa chuyện này:

- người xin trở thành người cho và người cho trở thành người nhận, như Ðức Giêsu và người phụ nữ Samaria vậy.
- chính lúc cho đi là lúc nhận lãnh; chính khi xẻ chia là khi trở nên giàu có.

Chúa ban cho chúng ta những phương thế tuyệt hảo để chữa lành vết thương tội lỗi trong tâm hồn: đó là ăn chay hãm mình, siêng năng cầu nguyện và chia sẻ cơm áo cho những anh chị em nghèo khổ bất hạnh. Tin tưởng vào ơn Chúa trợ giúp, chúng ta cùng dâng lời cầu nguyện.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con phải thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật. Xin cho tất cả chúng con biết thờ phượng Chúa cho phải đạo làm con. Amen.

Thánh Ca : Bao La Tình Chúa


HAI PHÉP LẠ
Lm Mark Link, S.J.

Vào năm 1887 một cô gái bảy tuổi tên là Helen Keller sống ở Alabama. Nhưng cô không phải là một cô bé bình thường. Cô bị mù, điếc, và câm.

Helen bị mất thị giác và thính giác vì một căn bệnh khi cô được khoảng một năm tuổi rưỡi. Vì không thể nghe thấy, cô mất đi khả năng bắt chước các âm thanh và nhờ đó có thể nói chuyện.

Cô ấy giống như một động vật hoang dã nhỏ bé, không có cách nào để giao tiếp với thế giới.

Tuy nhiên, trước khi Helen chết, cô ấy tốt nghiệp đại học với các vinh dự, trở nên một tác giả nổi tiếng, và là một vị khách của Toà Bạch Ốc của tất cả các tổng thống Mỹ từ Grover Cleveland cho đến John F. Kennedy, và trở nên nguồn cảm hứng cho những người khuyết tật trên toàn thế giới.

Câu chuyện đằng sau thành tích tuyệt vời ấy bắt đầu từ một ngày mùa xuân năm 1887 khi một người phụ nữ 20 tuổi tên là Annie Sullivan đến Alabama để dậy học cho Helen.

Bước tiến vượt bực đầu tiên của cô Annie là có thể liên lạc với Helen sau khi đến đây một vài tuần. Helen diễn tả điều này trong cuốn tự truyện, “The Story of My Life”. Cô viết:

Cô giáo đem cho tôi cái nón, và tôi biết mình sắp sửa đi vào bầu trời ngập nắng. Ý nghĩ này… khiến tôi nhảy lên vì vui thích.

Chúng tôi đi dọc theo căn nhà có bụi hoa kim ngân thơm ngát. Có ai đó múc nước và cô giáo đặt bàn tay của tôi dưới vòi nước. Khi dòng nước mát tràn qua tay tôi, cô giáo viết chữ nước trên bàn tay kia… Tôi đứng im lặng, tập trung tư tưởng vào cử động của ngón tay cô giáo.

Bỗng dưng… cái bí ẩn của ngôn ngữ được tỏ lộ cho tôi. Và rồi tôi biết rằng ‘n-ư-ớ-c’ có nghĩa điều gì đó mát tuyệt vời chảy qua tay tôi. Chữ sống động ấy đã thức tỉnh linh hồn tôi, nó đem lại ánh sáng, niềm hy vọng, niềm vui, sự tự do!...

Tôi rời căn nhà ấy với niềm hăng hái muốn học hỏi. Mọi thứ đều có tên, và mỗi tên phát sinh một tư tưởng mới. Khi chúng tôi trở về nhà, mọi thứ mà tôi chạm đến dường như run rẩy với sự sống. Đó là vì tôi nhìn thấy mọi sự với một thị lực mới, lạ lùng xảy đến với tôi.”

Cảm nghiệm của Helen vào một ngày mùa xuân ấy đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời của cô.

Câu chuyện của Helen Keller tại giếng nước tương tự như câu chuyện trong bài phúc âm hôm nay.

Nó cũng xảy ra tại một giếng nước. Nó cũng bao gồm một thầy dậy và một môn sinh. Trong đó, thầy dậy cũng dùng nước để chuyển đạt một ý nghĩa quan trọng cho môn sinh. Và ý nghĩa đó đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời môn sinh.

Cũng như trong trường hợp của Helen Keller, nó đã nâng người phụ nữ Samaritan ra khỏi thế giới tăm tối và đưa bà vào một thế giới ngập tràn ánh sáng.

Cũng như cuộc đời của Helen Keller, đời sống của người phụ nữ Samaritan cũng đã thay đổi mãi mãi.

Trong thời tiên khởi của Kitô Giáo, người phụ nữ Samaritan trở thành một hình ảnh quen thuộc của người dự tòng. Họ là những người đang tìm hiểu để trở nên Kitô Hữu và chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội vào Đêm Phục Sinh.

Họ cũng gặp Đức Giêsu tại giếng nước. Nước cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự gặp gỡ ấy. Đời sống của họ cũng thay đổi mãi mãi.

Điều này đưa chúng ta trở về giáo xứ và với chính mình.

Trong giáo xứ vào Đêm Phục Sinh, người dự tòng sẽ đứng chung quanh một giếng nước. Và, như trong trường hợp của người phụ nữ Samaritan và Helen Keller, nước của giếng ấy sẽ vĩnh viễn thay đổi họ.

Tương tự, vào Đêm Phục Sinh, chúng ta cũng quy tụ chung quanh giếng rửa tội để lập lại lời thề hứa khi rửa tội.

Điều quan trọng là hãy để ý đến điều mà người phụ nữ Samaritan đã làm sau khi bà gặp Đức Kitô tại giếng nước. Phúc Âm kể:

Người phụ nữ để vò nước lại, đi trở về thành, và nói với những ta rằng, “Hãy đến mà xem người đã nói với tôi về tất cả những gì tôi đã làm.”

Phúc Âm nói thêm rằng người ta ra khỏi thành và đến gặp Đức Giêsu.

Và vì thế người phụ nữ này, từng là một người tội lỗi, đã trở nên nhà truyền giáo đầu tiên. Sau khi bà gặp Đức Giêsu tại giếng nước, bà ra đi chia sẻ tin mừng về Đức Giêsu với các bạn hữu và láng giềng của bà.

Ở đây có một ý nghĩa thực tế trong bài phúc âm hôm nay cho mỗi người chúng ta.

Chúng ta cũng phải đáp ứng với sự gặp gỡ Đức Giêsu ở giếng nước rửa tội như phụ nữ Samaritan đã làm.

Chúng ta cũng phải làm giống như Helen Keller đã làm. Chúng ta cũng phải chia sẻ với người khác về sự sống mới mà Thầy chúng ta đã giúp thực hiện. Chúng ta cũng phải ra đi và chia sẻ tin mừng về Đức Giêsu với người khác.

Để tôi minh hoạ một phương cách thi hành.

Trong 70 triệu người Công Giáo ở Hoa Kỳ, 15 triệu người thụ động. Trung bình mỗi giáo xứ có 600 người không sống đức tin của mình.

Thống kê cho thấy hai phần ba người Công Giáo trở về với Hội Thánh là vì bạn hữu hay thân nhân đã mời họ trở lại.

Thống kê cũng cho thấy rằng người tuyển mộ tốt nhất là chính những người Công Giáo mà trước đây họ thờ ơ.

Tôi tin rằng ở điểm này tiềm tàng một lãnh vực hoạt động truyền giáo mà trong đó mọi người Công Giáo trong giáo xứ ngày nay có thể thi hành và phải tiếp tay.

Tất cả chúng ta biết rằng người Công Giáo thụ động có thể tìm về với Hội Thánh, qua sự hy sinh của chúng ta trong mùa Chay và sự mời gọi thân tình,.
Đức Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng thiên đàng sẽ vui mừng vì một người ăn năn trở lại hơn là một trăm người không cần đến ơn cứu độ.

Chúng ta hãy kết thúc với lời cầu nguyện:

Lậy Chúa, cũng như Helen Keller, cô đã khám phá ra sự sống mới ở một giếng nước, và cũng như người phụ nữ Samaritan, là người đã khám phá sự sống mới tại một giếng nước tương tự, xin Chúa giúp chúng con chia sẻ với người khác sự sống mà chúng con cũng đã lãnh nhận tại giếng rửa tội. Đó là điều tối thiểu mà chúng con có thể thi hành để đáp trả ơn sự sống mà Ngài đã ban cho chúng con. Amen.

Thánh Ca : Chúa Thương Con


NHÂN VỤ THIÊN TAI KHỦNG KHIẾP TẠI NHẬT BẢN
Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

Trận động đất ngày 11.3.2011 vừa qua tại Nhật Bản với quy mô 8,9 độ richter là trận động đất mạnh nhất trong 140 năm qua, nó kéo theo những đợt sóng thần cao tới 10 mét ập vào đông bắc nước này và gây ra một cảnh tàn phá và chết chóc thật khủng khiếp. Liền sau thảm hoạ động đất-sóng thần, nước Nhật lại phải đương đầu với hiểm hoạ phóng xạ do một số nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố. Người ta nhận định rằng hậu quả của thảm hoạ động đất-sóng thần là hết sức to lớn, mặc dù Nhật Bản là nước có khả năng đối phó với loại thiên tai này hiệu quả nhất thế giới: trên 10.000 người chết và mất tích, và ít nhất khoảng 100 tỉ đô-la về thiệt hại vật chất, nhưng nếu một thiên tai tương tự xảy ra ở một nước khác, con số thương vong và thiệt hại về vật chất sẽ còn kinh khủng hơn rất nhiều. Một điều làm cho cả thế giới khâm phục là tinh thần đoàn kết, nhân ái, bình tĩnh, kỷ luật và lòng tự trọng của người dân Nhật; không có cảnh chen lấn, lộn xộn trong các trung tâm cứu nạn, hay dành giật, la ó khi nhận đồ cứu trợ hoặc lúc chờ cửa hàng mở cửa; nhất là không có cảnh cướp bóc hay hôi của mà người ta thường thấy ở nước ta và nhiều nơi khác trong những hoàn cảnh tương tự, ngay như ở Anh, Mỹ, New Zealand. Nước Nhật không chỉ phát triển cao về kỹ thuật nhưng cả về văn hoá, nhân bản và đạo đức nữa. Thật đáng khâm phục!

Một câu chuyện rất cảm động do một cảnh sát Nhật gốc Việt Nam kể lại trên báo Tuổi Trẻ hôm qua 18.3, có thể minh hoạ cho một nền giáo dục đạo đức và công dân thành công ở nước châu Á này.

“Tối hôm qua tôi được phái tới một trường tiểu học phụ giúp hội tự trị ở đó phân phát thực phẩm cho các người bị nạn. Trong số những người rồng rắn xếp hàng, có một em nhỏ chừng 9 tuổi, trên người chỉ có chiếc áo thun và quân đùi. Trời rất lạnh mà cậu lại xếp hàng cuối cùng, sợ đến phiên của em thì chắc chẳng còn thức ăn nên tôi lại hỏi thăm. Cậu bé kể đang học ở trường trong giờ thể dục thì động đất và sóng thần xảy ra, cha của cậu làm việc gần đó chạy đến trường. Từ ban công lầu 3 của trường cậu nhìn thấy chiếc xe và người cha bị nước cuốn trôi, chắc chắn ông đã chết rồi. Hỏi mẹ ở đâu, cậu bé nói nhà nằm ngay bờ biển, mẹ và em của mình chắc cũng không chạy kịp. Đứa nhỏ quay người lau vội dòng nước mắt khi nghe hỏi đến thân nhân. Nhìn thấy cậu bị lạnh, tôi cởi cái áo khoác cảnh sát trùm lên người cậu. Vô tình bao lương khô khẩu phần ăn tối của tôi bị rơi ra ngoài, tôi nhặt lên đưa cho bé và nói: " Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".

Đứa bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn. Tưởng cậu sẽ ăn ngấu nghiến ngay lúc đó nhưng không phải, cậu ôm bao lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm và để bao lương khô vào thùng thực phẩm đang phân phát rồi lại quay lại xếp hàng. Ngạc nhiên vô cùng, tôi hỏi tại sao con không ăn mà lại đem bỏ vào đó? Bé trả lời: “ Bởi vì còn có nhiều người chắc còn đói hơn con. Bỏ vào để các cô chú phát chung cho công bằng, chú ạ.”

Đến lúc này tôi phải quay mặt đi chỗ khác khóc để mọi người không nhìn thấy. Thật cảm động. Không ngờ một đứa nhỏ 9 tuổi mới học lớp 3 đã có thể dạy một bài học làm người trong lúc khốn khó nhất. Một bài học vô cùng cảm động về sự hy sinh.

Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại…” (tr. 11)

Anh cảnh sát Nhật gốc Việt Nam cảm động và thán phục còn tôi thì không chỉ thán phục và chạnh lòng nhưng còn chột dạ nghĩ đến đất nước mình, và tự hỏi nền giáo dục của chúng ta biết khi nào mới theo kịp người Nhật? Chúng ta đang quyết tâm tiến đến một xã hội văn minh hiện đại, nhưng thế nào là hiện đại và văn minh?

Nghe chuyện cậu bé Nhật 9 tuổi, tôi chợt nhớ tới chuyện một nhóm học sinh ở Tp Hồ Chí Minh, trong dịp tới thăm cô giáo của chúng tại nhà, được cô kể cho nghe về cái chết anh dũng của thánh Maximilianô Kôlbê. Ngài là một linh mục Ba-lan bị Đức Quốc Xã bắt giam năm 1941 và đang chờ ngày bị đưa vào lò thiêu. Hôm ấy trong trại giam có một tù nhân trốn thoát. Viên cai tù tập trung tù nhân lại và tuyên bố 10 người sẽ phải chết thay; anh ta còn hăm doạ: lần sau số người chết thay sẽ gấp đôi. Nói rồi, anh ta đưa tay chỉ lần lượt vào 10 tù nhân bất kỳ trong đám tù nhân đang phập phồng chờ đợi. Bỗng một người trong số những người bị chỉ định khóc to và kêu lên: “Ôi vợ tôi, các con tôi!” Lúc ấy, người ta bất ngờ thấy cha Kôlbê ra khỏi hàng ngũ và dơ tay tự nguyện xin chết thay cho người cha gia đình ấy. Được viên cai tù hỏi vì lý do nào, ngài trả lời đơn giản: “Tôi là linh mục công giáo, đời tôi ở đây không còn giúp ích mấy cho ai nữa, trong khi ông này còn có một gia đình để gánh vác.” Về sau, ông này sẽ còn có mặt trong lễ phong chân phước của cha Maximilianô Kolbê tại đền thờ thánh Phêrô ở Rôma ngày 17.10.1971. Câu chuyện thật cảm động và cô giáo chúng ta cứ tưởng rằng nó sẽ gợi lên lòng thán phục nơi đám trẻ, vì cô nghĩ tuổi trẻ thường thích “làm anh hùng”, nhưng không ngờ vừa nghe xong, một đứa trong bọn đã trơ trẽn thốt lên: “Đồ ngu!”.

Từ lâu lắm khi còn trẻ, tôi thường được nghe nhắc tới Nhật Bản như là mẫu mực phát triển cho các nước chậm phát triển, đặc biệt cho Việt Nam. Người Nhật, ngay từ thế kỷ 19, đã có chủ trương mở cửa để đổi mới đất nước họ bằng cách học tập khoa học kỹ thuật của phương Tây nhưng kiên quyết giữ vững nền văn hoá cổ truyền của mình.

Ngày hôm nay, Việt Nam ta cũng muốn làm như họ, nhưng nhìn vào thực tế, chúng ta thấy dường như càng “phát triển” về vật chất, xã hội càng băng hoại, tuổi trẻ càng mất phương hướng, càng dễ mất gốc, lai căng. Văn hoá Tây phương đang xâm nhập ào ạt vào nước ta; nó có nhiều điều rất hay cho ta học hỏi, nhưng nhận ra và thực hiện những giá trị đích thực của một nền văn hoá đâu phải dễ, trong lúc đó thì những mặt trái của nó lại quá hấp dẫn đối với người trẻ, vốn thích tự do và muốn hưởng thụ ngay những gì vừa tầm tay. Các nhà lãnh đạo đất nước cũng từng tuyên bố phải giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc ; ngành giáo dục những năm gần đây cũng chủ trương “tiên học lễ hậu học văn”, “học làm người trước khi học chữ nghĩa”, nhưng tình trạng giáo dục chẳng thấy chuyển biến gì đáng kể, trước sau vẫn là dạy và học nhồi nhét, vẫn là học thêm, dạy thêm và nặng nề về thi cử, bằng cấp. Trong đầu đại đa số học sinh, sinh viên sớm hình thành tư tưởng rằng: phải học, phải có bằng cấp để có việc làm, có tiền bạc, có cuộc sống thoải mái, đầy đủ tiện nghi hưởng thụ, và không tiền bạc thì không thể “khá” được!…Nhưng đừng vội trách móc chúng, chính cha mẹ chúng thường cũng không nghĩ khác hơn, vẫn cho là chỉ có học mới mong đổi đời được. Nhìn vào thực tế xã hội Việt Nam hiện nay,chẳng phải là vật chất và tiền bạc đang đứng đầu bậc thang giá trị sao? Chẳng phải là tính ích kỷ đang lấn lướt lòng nhân ái, vị tha sao?

Thay đổi tình hình nói trên là hết sức khó khăn, hơn nữa dường như nan giải trong thực tế xã hội Việt Nam. Vì sao? Vì –để nói mau- không biết làm sao người ta có thể vừa duy trì nền đạo lý dân tộc vừa ra sức xây dựng một mô hình xã hội theo một học thuyết mà trong căn bản là ngược lại với nhiều giá trị căn bản của nó như lịch sử đã cho thấy?

Sau hết, nhân đây tôi muốn nêu lên một vấn đề với các nhà giáo dục đức tin trong Giáo Hội: chúng ta có thực sự xác tín rằng giáo dục nhân bản là phần không thể thiếu trong giáo dục đức tin không? Tôi biết là vẫn có giáo dục nhân bản, giáo dục những đức tính tự nhiên trong các lớp giáo lý, nhưng liệu chúng ta có làm một cách bài bản, kiên quyết, nhẫn nại và liên tục không? Thấy tỉ lệ người Nhật theo Kitô giáo hết sức nhỏ nhưng họ sống tốt như thế, tôi xin nêu thêm câu hỏi mang tính lý thuyết hơn: người ta có thể là một người Kitô hữu tốt (như Chúa muốn) mà lại thiếu những đức tính căn bản tự nhiên không?

(Lễ thánh Giuse 19-03-2011)

Thánh Ca : Tình Yêu Thiên Chúa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét