Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2011

Phúc âm Lễ Chúa Nhật II Mùa Chay (20/03/2011)


Nguồn : www.40giayloichua.net

Mời nghe bài giảng với chủ đề " "ĂN CHAY HÃM MÌNH" của Linh Mục Micae Nguyễn Trường Luân, CSsR



Mời nghe bài giảng tĩnh tâm mùa chay với chủ đề " "THA THỨ TỘI LỖI" của Linh Mục Phê Rô Bùi Quang Tuấn, CSsR



HÀNH TRÌNH THEO CHÚA
Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái

1. Hành trình và phiêu lưu

Muốn đi theo tiếng Chúa gọi, Abraham đã phải bỏ quê hương và những người thân

Muốn đi theo Chúa, các môn đệ phải "từ bỏ mình và vác thập giá hàng ngày"

Để đi loan báo Tin Mừng, các tông đồ phải chịu biết bao gian khổ.

Họ đã bỏ rất nhiều. Bù lại họ được gì ? Abraham nhận được lời Chúa hứa ban cho một dòng dõi đông đảo, các môn đệ được Đức Giêsu cho thoáng thấy vinh quang ở cuối cuộc hành trình, và người tông đồ được hứa "tên các con được ghi trong sổ trời". Tin theo những lời hứa về một tương lai xa vời như thế đúng là phiêu lưu.

Thông thường, người khôn ngoan không nên phiêu lưu, thà giữ lấy cái hiện tại tuy bình thường nhưng chắc chắn, còn hơn bỏ nó để theo đuổi một tương lai chi mới có trong lời hứa. Nhưng đó là lối cư xử giữa loài người với nhau vì loài người thì rất khó tin. Nhưng đối với Thiên Chúa thì rất đáng phiêu lưu như vậy, vì đã có nhiều bằng chứng cho thấy lòng trung tín thực hiện lời hứa của Ngài. Hơn nữa, Ngài có kêu gọi chúng ta từ bỏ để phiêu lưu theo Ngài cũng chỉ vì Ngài muốn đưa chúng ta trở về hạnh phúc thuở ban đầu mà thôi. Thực ra phiêu lưu theo Chúa không phải là phiêu lưu, chỉ cần có đức tin vào lòng trung tín của Chúa là có bảo đảm.

Rất nhiều người đã dám phiêu lưu như vậy : Abraham (2 lần : bỏ quê hương, giết con một), Đức Maria (khi thưa vâng với Thiên thần), các môn đệ (lập tức bỏ thuyền, bỏ lưới và gia đình để theo Đức Giêsu)

Hình ảnh con rùa : nếu nó cứ rụt đầu rút chân vào vỏ thì xem ra an toàn đấy nhưng nó cứ mãi ở lì một chỗ, không bao giờ tiến đến đâu cả. Chỉ khi nào nó dám thò đầu thò chân ra để bước thì, tuy có thể gặp nguy hiểm đấy, có thể bị đau đấy, nhưng có thế nó mới tiến được.

2. Đức tin lên đường

Chuyện tổ phụ Abraham cho ta thấy được điều quan trọng này : đức tin là một cuộc lên đường.

- Tại sao ? Vì "đạo" là đường, con đường Thiên Chúa dẫn dắt để chúng ta từ tối tăm tới ánh sáng, từ cõi chết đến cõi sống. Trong Thánh Kinh, mỗi lần Chúa gọi ai thì Ngài đều bảo họ lên đường đi theo Ngài.

- Mà muốn lên đường thì phải từ bỏ, vì hành trang càng gọn nhẹ thì bước hành trình càng nhanh. Thiên Chúa đã bảo với Abraham : "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi".

- Hành trình đức tin luôn bao hàm ý nghĩa phiêu lưu : Abraham hành trình lên đường nhưng không biết mình sẽ đi tới đâu, ông chỉ biết mình đang đi theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa : "đến đất mà Ta sẽ chỉ cho ngươi".

- Rất nhiều tín hữu chỉ lo gìn giữ những tín điều giáo lý và các lễ nghi. Đó chỉ là "giữ đạo" chứ không phải "sống đạo".

3. Cuộc biến hình và cuộc hấp hối của Chúa

Linh mục Mark Link (trong quyển Sunday homilies, Year A) đã so sánh việc Đức Giêsu biến hình và việc Ngài hấp hối :

- Cả hai việc cùng diễn ra trên núi : biến hình trên núi Tabor, hấp hối trên núi Cây Dầu.

- Ở hai nơi, Đức Giêsu đều biến hình : trên núi Tabor Ngài biến từ hình dáng loài người thành hình dáng Thiên Chúa ; trên núi Cây Dầu, từ hình dáng Thiên Chúa vinh quang thành hình dáng con người yếu đuối. - Hai việc biến hình đều xảy ra lúc Đức Giêsu đang cầu nguyện.

- Và cả hai biến cố này đều xảy ra trước mắt 3 nhân chứng Phêrô, Giacôbê và Gioan.

Dáng vẻ yếu đuối của Đức Giêsu là hình ảnh của Ađam cũ, còn dáng vẻ uy nghi sáng láng là hình ảnh của Ađam mới. Thân phận của chúng ta cũng thế : Có những lúc chúng ta sốt sắng ngất ngây, như Đức Giêsu trên núi Tabor. Khi ấy chúng ta cảm thấy mến Chúa yêu người quá ; chúng ta muốn ở mãi trong tình trạng ngây ngất đó ; Nhưng rồi lại có những lúc chúng ta suy sụp trầm trọng, như đang ở núi Cây Dầu. Khi ấy, phần Ađam cũ trong ta nổi dậy mãnh liệt. Chúng ta cảm thấy chán nản, không ai thương mình và mình cũng không muốn thương ai. Hình như Thiên Chúa cũng xa lánh mình.

Nhưng có một chi tiết quan trọng là Đức Giêsu đã luôn cầu nguyện trong cả hai biến cố đó. Chính sự cầu nguyện đã liên kết thống nhất 2 phương diện ngược hẳn nhau trong cùng một con người của Ngài.

Mark Link đã kết thúc bài suy gẫm của mình bằng lời kinh sau đây (dịch thoáng) :

Lạy Thiên Chúa, xin cho con được nếm những giây phút ngất ngây như Đức Giêsu trên núi Tabor. Trong những lúc đó xin cho con biết làm như Đức Giêsu xưa : con sẽ hướng về Chúa để cầu nguyện, và con sẽ được nghe lời Chúa nói "Con là con yêu dấu của Cha".

Lạy Thiên Chúa, khi con gặp những lúc suy sụp, xin cũng cho con biết làm như Đức Giêsu xưa : con cũng hướng về Chúa để cầu nguyện. Và khi đó con cũng được bàn tay Chúa an ủi, nâng đỡ và xoa dịu con. Amen"

4. Mảnh suy tư

a/ Biến hình

Không phải chỉ có một lối biến hình, mà có hai : biến hình nên tốt hơn và biến hình thành xấu hơn, tuỳ vào tác nhân gây nên sự biến hình ấy.

Trong các môn đệ Đức Giêsu, Gioan là thí dụ của lối thứ nhất và Giuđa là thí dụ của lối thứ hai.

Những tác nhân ảnh hưởng giúp biến hình nên tốt là những gì ta yêu, những gì nâng tâm hồn ta lên cao, những gì làm ta thức tỉnh, những gì kêu gọi ta bước tới, những gì mở rộng cửa lòng ta ra…

b/ Hiếu động

Phêrô là một con người hiếu động, luôn cần làm một cái gì đó.

Trên núi biến hình, thay vì thinh lặng chiêm ngưỡng, ông lại muốn dựng 3 chiếc lều.

Không phải mọi thời trong cuộc sống đều phải dùng để làm một cái gì đó.Cần có thời gian phải yên tĩnh

- để nghỉ ngơi
- để suy nghĩ
- để lắng nghe
- để kinh ngạc
- để chiêm ngưỡng
- để tôn thờ

Lạy Chúa, Đức Giêsu Kitô Con Chúa đã chuẩn bị cho các tông đồ khỏi hoang mang trước mầu nhiệm thập giá, nhưng luôn vững tin vào sự tất thắng của Người. Xin cũng ban cho chúng con một niềm tin sắt đá, để chúng con có thể đứng vững trước mọi giông tố phũ phàng của cuộc đời. Amen.

Thánh Ca : Sám Hối


CHIÊM NGẮM VINH QUANG THẦN TÍNH CHÚA TIỀN PHỤC SINH
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long

Trận siêu động đất và sóng thần hôm 11.3 vừa qua đã làm cho Nhật Bản, một đất nước từng thịnh vượng thứ hai thế giới, phải chao đảo. Nhiều thành phố hoang tàn đổ nát; một số thị trấn bị xoá sổ; nhiều người mất nhà cửa, tài sản, người thân, lang thang trong vô vọng. Chỉ trong phút chốc tất cả đều bị thuỷ thần cuốn phăng ra biển.

Các bản tin liên tục cập nhật con số thương vong theo chiều hướng ngày một tăng làm cho nhiều người choáng váng. Đặc biệt là tin tức dự báo về các dư chấn mạnh sẽ còn xảy ra nhiều trong thời gian sắp tới, cũng như tin về mức độ phát tán chất phóng xạ nguy hiểm trong không khí từ các lò phản ứng hạt nhân bị nổ hay bị hư hỏng… Tất cả đã tạo ra một bầu khí hoang mang và ảm đạm bao trùm toàn thể nước Nhật, kể cả thủ đô Tokyo, một thành phố hiện đại bậc nhất của xứ sở Hoa Anh Đào. Đối diện với hiểm nguy rình rập từ các vụ dư chấn, nhất là phóng xạ hạt nhân, các du học sinh sinh viên và kiều bào nước ngoài sinh sống tại Nhật đã phải tìm cách tháo chạy khỏi nước Nhật càng sớm càng tốt. Còn người dân bản xứ cảm thấy hoang mang và lo sợ não nề.

Trước lời loan báo về viễn tượng đen tối của cuộc thương khó Chúa Giêsu, tâm trạng của các môn đệ có lẽ cũng hoang mang và lo sợ não nề không kém người dân Nhật hiện nay. Lo sợ vì khi Chúa Giêsu cho biết Ngài sẽ phải đương đầu với sự bắt bớ, bách hại, các ông không còn nhìn thấy được đâu là đấng cứu tinh mà muôn dân đang trông đợi. Hoang mang vì khi sắp sửa phải đối mặt với thập giá Chúa Giêsu, các ông chẳng còn nhận ra được đâu là thần tính của đấng mà các ông nhiều lần gọi là Chúa. Não nề vì khi chạm trán với viễn tượng chết chóc, các ông chẳng còn hình dung được đâu là sự sống đời đời mà Thầy mình đã từng cao rao.

Hiểu rõ nỗi lòng của các môn sinh, Chúa Giêsu đã khéo léo đưa họ lên núi để họ được chiêm ngưỡng một biến cố đặc biệt đầy ý nghĩa, biến cố mở ra cho họ một viễn tượng mới tràn đầy hy vọng : Biến Cố Hiển Dung.

1. Hiển dung, biến cố chứng thực cho sự sống sau cái chết.

Quan niệm của người Dothái về sự sống lại, và sự sống sau cái chết vẫn còn có nhiều bất đồng và mơ hồ. Thậm chí nhóm Sađốc còn chủ trương không tin là có sự sống lại. Tuy nhiên, trong biến cố hiển dung, sự xuất hiện rạng ngời vinh hiển của hai nhân vật quá cố thời Cựu ước xa xưa là Môisê và Êlia, như một bằng chứng hiển nhiên và chắc chắn nói cho các môn đệ rằng có sự sống lại và sự sống sau cái chết. Nói cách khác, qua biến cố hiển dung, Chúa Giêsu muốn nói với các môn đệ rằng các ông cứ tin tưởng có thế giới bên kia, nơi mà hai vị đại ngôn sứ đang sống hạnh phúc ngập tràn. Và rằng các ông cứ an tâm Thầy của họ có chết thì cũng sẽ phục sinh vinh quang.

2. Hiển dung, biến cố biểu lộ vinh quang thần tính của Đức Kitô.

Trong cuộc sống thường nhật, Chúa Giêsu thường chỉ biểu lộ nhân tính của Ngài là một con người như mọi người, ngoại trừ tội lỗi. Còn thần tính của Ngài vẫn còn ẩn dấu, ẩn dấu trong một thân xác nghèo hèn dân dã.

Thế nhưng, qua biến cố hiển dung, vinh quang Thiên Chúa, tức thần tính của Đức Giêsu tỏ hiện rõ nét và rạng ngời. Rõ nét đến độ, thánh Mathêu mô tả là các môn đệ choáng ngợp, té sấp mặt xuống đất: “Dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, y phục Ngài trắng sáng như tuyết”. Rạng ngời đến nỗi các môn đệ chỉ còn muốn sống mãi trên núi với Chúa mà thôi. Chính thánh Phêrô xác nhận điều này : “Lạy Thầy, chúng con ở đây thì tốt lắm lắm. Nếu Thầy muốn, con xin làm 3 lều”. Trong một bài suy niệm của mình, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt cũng đã viết : “Thần tính Chúa Giêsu biểu lộ chứng thực Người là Thiên Chúa ẩn mình. Thì ra manh áo đơn sơ của bác thợ mộc che dấu cả một nguồn ánh sáng chói lọi. Tâm thân dân dã nghèo hèn lại là chiếc bình chứa đựng Ngôi Hai Thiên Chúa cao sang”.

3. Hiển dung, biến cố khích lệ niềm tin cho các môn đệ trước viễn tượng cuộc thương khó của Thầy mình.

Chúng ta thấy rằng khi Chúa Giêsu bị bắt, ít là có hai trong ba môn đệ (Phêrô, Giacôbê và Gioan) đã từng chứng kiến biến cố hiển dung đã không bỏ trốn như các môn đệ khác. Điều này chứng tỏ niềm tin của ba môn đệ này được củng cố rất nhiều, nhờ thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu. Đối tượng cụ thể của niềm tin đó chính là Đức Kitô, Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha trên trời. Và vì tin vào Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Con Thiên Chúa, các ông cần phải lắng nghe lời dạy của Ngài : “Đây là Con Ta yêu dấu. Các Ngươi hãy nghe lời Ngài”. “Lời Ngài” mà Chúa Cha muốn nói ở đây là lời Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó tử nạn và phục sinh của Người. Lời Ngài ở đây là lời tiên báo về sự bắt bớ, tra tấn, đánh đập và bị giết chết nhục nhã trên Thánh Giá. Nghe để không bị chao đảo, nghe để không bị mất đức tin trước những thử thách nặng nề như thế.

ĐTC Bênêdictô XVI, trong Sứ điệp Mùa Chay 2011, đã nói: “Tin Mừng về cuộc Hiển Dung của Chúa đặt trước mắt chúng ta vinh quang của Chúa Kitô, báo trước cuộc phục sinh và loan báo sự thần hóa con người Kitô hữu. Ngài mời gọi chúng ta hãy ý thức mình cũng được dẫn lên núi cao như các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, để tái đón nhận món quà Ân Sủng của Thiên Chúa là Chúa Kitô” (số 2). Trong ý nghĩa đó, một khi đối diện với những bế tắc, nghiệt ngã trong cuộc sống vô thường ở đời này, chúng ta được mời gọi hãy chiêm ngắm biến cố Hiển Dung để hy vọng, để cậy trông vào một cuộc sống vĩnh phúc đích thực mai sau, cuộc sống mà Chúa đã hứa ban cho tất cả những ai tin vào Người. Hơn nữa, chúng ta còn được gọi mời khi gặp những đau thương thử thách của thập giá, hãy hướng lòng trí lên Đức Kitô vinh quang trên núi Taborê để được khuyến lệ, để được vấn an hầu có thể vượt qua được những thử thách đau thương ấy trong đời. Amen.

Thánh Ca : Con Đường Chúa Đã Đi Qua


Xin cùng cầu nguyện với 3 phút bằng thánh vịnh đáp ca



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét