Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 2, 2011

Phúc âm Chúa Nhật thứ 7 MTN (20/02/2011)

Nguồn : www.40giayloichua.net Mời nghe bài giảng với chủ đề " "LÒNG NHÂN TỪ CỦA THIÊN CHÚA" của Linh Mục Đa Minh Nguyễn Phi Long, CSsR Mời nghe bài giảng với chủ đề " "MẮT ĐỀN MẮT" của Linh Mục Micae Nguyễn Trường Luân, CSsR SỐNG BẰNG YÊU THƯƠNG Lm.Carôlô Hồ Bạc Xái 1/ Thế nào là thánh ? Trong các bài đọc hôm nay, chúng ta nghe được hai lời kêu gọi nên thánh như Thiên Chúa : "Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh" (bài đọc I) ; "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành" (Bài Tin Mừng). 2/ Thánh là thế nào ? Người ta thường hình dung vị thánh là một người khổ hạnh, xa lánh thế gian, chuyên chăm đọc kinh cầu nguyện… Vì hình dung như thế, người ta ngưỡng mộ các vị thánh nhưng không thích làm thánh. Bài đọc I và bài Tin Mừng hôm nay hình dung vị thánh một cách rất dễ thương, dễ thích : Thánh là người cố gắng giống Chúa. Mà vì Chúa là tình yêu cho nên thánh là người sống yêu thương, chẳng những yêu thương những người thân cận với mình, mà còn yêu thương cả những kẻ thù ghét mình. Một vị thánh như thế, ai mà không thích ? Hình ảnh một vị thánh như thế, ai mà không muốn trở thành ? Và những người thánh như thế, xã hội nào mà không cần đến ? 3/ Mắt đền mắt, răng thế răng" Toàn văn của khoản luật trả đũa được ghi trong sách Xuất hành (Xh 21,24) như sau : "Mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, phỏng đền phỏng, bầm đền bầm, sưng đền sưng". Mục đích của khoản luật này là tuy cho phép trả đũa nhưng giới hạn sự trả đũa đúng mức bị gây hại : kẻ thù làm mình hư một mắt, mình có thể trả đũa làm cho nó hư lại một mắt (không được hai) ; nó đánh mình bầm, mình có thể đánh nó bầm lại (không được hơn)… Một điều đáng buồn là ngay trong thời đại Tân Ước này, nhiều người chẳng những chưa giữ được giới hạn tối thiểu của luật Cựu Ước mà còn tệ hơn thế nhiều. Họ sống theo luật "Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại". Hãy nhìn tình hình xung đột bên Trung Đông giữa Palestine và Israel : một người của bên này bị bắn tỉa chết là liền sau đó một làng của bên kia bị máy bay bên này ném bom. Trên bình diện nhỏ hơn : hai đứa trẻ đánh nhau kéo theo hai gia đình xung đột với nhau ; khi hai người cãi nhau, người này chửi một câu thì người kia đáp lại ba câu ; người này nói "Cha mầy" thì người kia đáp lại "Tổ tiên sư mầy"… Làm thế nào để chấm dứt xung đột ? Cách giải quyết "Mắt đền mắt răng đền răng" rất khó dừng lại ở giới hạn hợp lý mà thường có khuynh hướng leo thang trả đũa. Còn nếu giải quyết bằng cách "Hòn đất ném đi hòn chì ném lại" thì xung đột càng leo thang nhanh hơn. Đến đây chúng ta mới thấy giáo huấn của Đức Giêsu rất khôn ngoan. Xung đột chỉ chấm dứt được khi một bên chịu nhường nhịn. Nhường nhịn không có nghĩa là mình yếu, mình thua, nhưng là mình đang cố gắng nên thánh như Thiên Chúa ở trên trời là Đấng thánh. Yêu thương kẻ thù không phải là thiện cảm, mà là thiện chí Martin Luther King là một mục sư da đen, người đã đấu tranh để người da đen không còn bị người da trắng ngược đãi. Ông có một cách hiểu rất dễ chấp nhận về lời Chúa Giêsu dạy "Hãy yêu thương kẻ thù", như sau : "Trong Tân Ước, chúng ta thấy từ Agapè được dùng để chỉ tình yêu. Đó chính là tình yêu dồi dào không đòi một đáp trả nào hết. Các nhà thần học nói đó là tình yêu Thiên Chúa được thực hiện nới tâm hồn con người. Khi vươn lên một đỉnh tình yêu như vậy, chúng ta sẽ yêu hết mọi người, không phải vì chúng ta có thiện cảm với họ, cũng không phải vì chúng ta đánh giá cao lối sống của họ. Chúng ta yêu thương họ vì Thiên Chúa yêu thương họ. Đó chính là ý nghĩa lời Đức Giêsu dạy "Anh em hãy yêu thương kẻ thù". Phần tôi, tôi sung sướng vì Ngài đã không nói "Anh em hãy có thiện cảm với kẻ thù của anh em" bởi vì có những người mà tôi khó có thiện cảm nổi. Thiện cảm là một xúc cảm. Tôi không thể có xúc cảm với người đã ném bom vào gia đình tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người bóc lột tôi. Tôi không thể có thiện cảm với người đè bẹp tôi dưới sự bất công. Không, không thể có một thiện cảm nào đối với người đêm ngày đe dọa giết tôi. Nhưng Đức Giêsu nhắc tôi rằng tình yêu còn lớn hơn thiện cảm, rằng tình yêu là thiện chí biết cảm thông, có tính sáng tạo, cứu độ đối với hết mọi người" (Trích bởi Fiches dominuicales, Năm A, trang 201) 4/ Mảnh suy tư Khi đọc lịch sử người ta rất buồn, không phải buồn vì những tội ác mà những kẻ ác đã phạm, cho bằng vì những sự trừng phạt mà người lành phải gánh chịu ; và một cộng đoàn trở nên hung ác không phải do những tội ác thỉnh thoảng xảy ra cho bằng do thói quen xử dụng hình phạt. (Oscar Wilde) Tha thứ giống như cái gì ? Giống như mùi hương mà bông hoa tỏa ra khi nó bị giẫm nát. 5/ Chuyện minh hoạ a/ Trả thù Một thanh niên trong làng bị lăng mạ cách thậm tệ. Anh vội vàng đến mục sư kể cho ông nghe và muốn đi trả thù ngay. - Tốt hơn, con nên về nhà. - Nhưng con bị nhục mạ. - Vậy thì con càng nên về nhà ngay lúc này. Sự nhục mạ cũng giống như bùn. - Đúng thế. Con sẽ làm sạch nó. - Này con, có một điều con có thể học hỏi tốt ngay bây giờ và sau này : Bùn được gạt sạch dễ dàng khi nó khô. b/ Tiêu diệt kẻ thù Một hoàng đế Trung hoa tuyên bố sẽ tiêu diệt hết các kẻ thù. Nhưng ít lâu sau, thần dân thấy nhà vua đi lại, ăn uống với kẻ thù trước kia. - Chẳng phải ngài đã từng nói là sẽ tiêu diệt hết kẻ thù ? - Đúng, ta đã tiêu diệt hết kẻ thù, vì ta đã biến họ thành bạn bè của ta. Lạy Chúa , mỗi ngày khi chúng con đi ngủ là đi vào một cái chết nho nhỏ để chịu một cuộc phán xét nho nhỏ về một ngày vừa qua. Ước gì khi đó từng điều lầm lỗi của chúng con đều đã được tha thứ, và từng điều không thánh thiện của chúng con đều đã được thánh hóa.Xin đừng để còn một điều gì đi theo chúng con vào giấc ngủ mà chưa được tha thứ và thánh hóa. Có như thế chúng con mới luôn sẵn sàng cho cuộc tái sinh vào cõi đời đời, chúng con dám nhìn về phía trước với ánh mắt chan chứa tình yêu và hy vọng và có thể đứng vững trước mặt Chúa là Đấng vừa là quan tòa vừa là Đấng cứu độ chúng con, một quan tòa thánh thiện và một đấng cứu độ yêu thương. Amen(Đức Giám Mục Appleton) ĐI HAI DẶM Lm Mark Link, S.J. Một bệnh nhân bước vào phòng mạch của chuyên gia tâm thần nổi tiếng, Bs. Smiley Blanton, ông nhận thấy có cuốn Kính Thánh ở trên bàn của bác sĩ. Bệnh nhân nói, “Tôi không nghĩ rằng vị y sĩ đại tài Blanton lại đọc Kinh Thánh”. Bs. Blanton trả lời, Không những tôi đọc Kinh Thánh mà còn suy gẫm những điều trong đó. Kinh Thánh là một cuốn sách giáo khoa rất tốt về lối đối xử của con người hơn cuốn nào khác. Nếu người ta tuân theo các chỉ dậy trong Kinh Thánh, nhiều chuyên gia tâm thần có thể đóng cửa phòng mạch và đi câu cá. Bs. Blanton muốn nói gì? Làm thế nào Kinh Thánh lại là sách giáo khoa về lối đối xử của con người? Làm thế nào sự giảng dậy trong Kinh Thánh lại là một hướng dẫn cho sức khoẻ tâm thần? Trong bài phúc âm hôm nay có một sự hiểu biết sâu sắc khi Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Đừng trả thù người đối xử xấu với anh em. Là một thầy dậy nhân lành, sau đó Đức Giêsu tiếp tục đưa ra thí dụ về điều vừa nói. Người nói, Nếu có người trong đội quân xâm lăng ép buộc anh em phải vác ba lô của họ đi một dặm, hãy vác đi hai dặm. Để hiểu thí dụ của Đức Giêsu, chúng ta cần biết một vài điều về hoàn cảnh ở Palestine trong thời kỳ của Đức Giêsu. Các lực lượng của đế quốc La Mã xâm lăng và kiểm soát vùng Palestine. Họ duy trì một loại quyền lực sinh tử trên người dân Do Thái. Thí dụ, nếu một sĩ quan La Mã dùng gươm vỗ vào vai một người Do Thái, người này phải thi hành bất cứ gì mà sĩ quan này ra lệnh. Nói cách khác, các sĩ quan La Mã có thể sai khiến người Do Thái giống như cảnh sát sai khiến chiếc xe của chúng ta ngày nay, nếu cần. Thí dụ, một sĩ quan La Mã có thể ra lệnh một người Do Thái mang vác đồ vật gì đó trong một quãng đường dài một dặm. Hãy nhớ lại ông Simon ở Xirênê. Một sĩ quan La Mã đã ra lệnh cho ông vác đỡ thập giá của Đức Giêsu. Mc 15:21 Khi đối diện với luật lệ của La Mã, Đức Giêsu nói với các môn đệ, Nếu có người trong đội quân xâm lăng ép buộc anh em phải vác ba lô của họ đi một dặm, hãy vác đi hai dặm. Tại sao Đức Giêsu lại có lời khuyên kỳ quặc này? Để trả lời câu hỏi này chúng ta hãy nhớ lại lời nói của Bs. Blanton về Kinh Thánh. Ông nói, Nếu người ta tuân theo các chỉ dậy trong Kinh Thánh, nhiều chuyên gia tâm thần có thể đóng cửa phòng mạch và đi câu cá. Khi Đức Giêsu nói với các môn đệ hãy đi “hai dặm”, Người muốn nói rằng, Bất cứ khi nào người La Mã bắt anh em phải phục vụ, đừng để điều đó làm anh em tức giận. Đừng để điều đó làm anh em oán hận. Tại sao Đức Giêsu lại nói điều này? Câu trả lời thật hiển nhiên. Khi người ta ghét kẻ thù và phẫn nộ, rốt cuộc người ta gây thiệt hại cho chính mình hơn là thiệt hại cho kẻ thù. Một tác giả giải thích câu nói đó như thế này: Khi chúng ta oán ghét kẻ thù, chúng ta đã cho họ sức mạnh trên chúng ta – sức mạnh trên giấc ngủ… ,sức mạnh trên áp huyết máu, sức mạnh trên sức khoẻ và hạnh phúc của chúng ta. Kẻ thù sẽ vui mừng nhảy múa khi biết rằng sự oán ghét đã xé nát chính chúng ta. Sự oán ghét không làm kẻ thù bị thiệt hại một chút nào. Nó chỉ biến những ngày và đêm của chúng ta trở nên một xáo trộn khủng khiếp. Nói cách khác, phương cách duy nhất mà viên đạn oán ghét có thể gây thiệt hại cho kẻ thù là hãy để nó xuyên qua thân thể chúng ta. Thật không ngạc nhiên khi người Hy Lạp xưa thường nói, Người khôn ngoan sẽ luôn luôn chịu đựng sự đau khổ cách sai lầm hơn là thi hành điều sai lầm. Nói cách khác, phản ứng tử tế đối với người xấu với chúng ta, không những nó giúp ích cho chúng ta mà còn cho chính họ. Ông Bruce Larson kể một câu chuyện vui về chính ông để minh hoạ điều này. Vào một buổi chiều tối khi mọi người vội vã về nhà lúc tan sở, ông cũng nhanh chân đứng xếp hàng đón xe buýt. Bỗng dưng có một bà to béo chen vào đứng trước ông. Bà xô ông như muốn ngã xuống đất. Ông Larson chế nhạo bà bằng câu mỉa mai, Xin lỗi bà nhé! Tôi không cố ý va vào bà như vậy đâu. Với cử chỉ mỉa mai của ông Larson, bà này phản ứng một cách thật kinh ngạc. Bà thực sự nghĩ rằng ông ta muốn nói như vậy. Khuôn mặt bà thay đổi, và mọi nếp nhăn trên khuôn mặt thay đổi vị trí. Bà ấp úng nói, Tôi xin lỗi ông. Không hiểu làm sao ông có thể lại tử tế với cử chỉ thô lỗ của tôi như vậy? Bây giờ thì đến lượt ông Larson bối rối. Ông không biết nói gì. Người phụ nữ này đã phản ứng với sự tử tế giả dối của ông như thể điều đó có thật. Tối thiểu, trong một giây phút, bà đã thay đổi. Ông Larson trấn tĩnh lại và lầu bầu, Không thiệt hại gì khi tử tế với người khác. Sau đó, ngồi trên xe buýt về nhà, ông cảm thấy thẹn thùng và xấu hổ về thái độ nhỏ nhen và thiếu thành thật của mình. Ông im lặng cầu nguyện, Lậy Chúa, Chúa muốn dậy con điều gì? Và sau đó ông nghe như có tiếng trả lời, Này Larson, Ta đã từng cố gắng nói với con, và với những người của biết bao thế kỷ giống như con, rằng tình yêu luôn luôn kéo theo một chuỗi phản ứng tình yêu. Ông bắt đầu thấy rằng phản ứng nhân ái đối với những người đối xử xấu với chúng ta sẽ có lợi cho cả hai hơn là phản ứng bằng sự oán ghét. Khi chúng ta phản ứng với lòng nhân ái, chúng ta lan toả tình yêu ở những chỗ cần đến nó nhất. Chúng ta chặn đứng phản ứng xấu xa và đưa nó vào vị trí của chuỗi phản ứng tình yêu. Và vì vậy chúng ta hãy trở lại với câu nói của Bs. Blanton: Nếu người ta tuân theo các chỉ dậy trong Kinh Thánh, nhiều chuyên gia tâm thần có thể đóng cửa phòng mạch và đi câu cá. Chúng ta có thể tóm lược sự giảng dậy của các bài đọc hôm nay với những lời của Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma: Đừng để sự dữ đánh bại anh chị em; thay vào đó, hãy chiến thắng sự dữ bằng sự thiện. Chúng ta hãy kết thúc bằng lời nguyện xin Chúa Cha ban cho chúng ta ơn sủng và sự can đảm để sống những lời của Đức Giêsu trong Tám Mối Phúc: Hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm điều tốt cho những ai ghét bỏ anh em, hãy chúc lành cho những ai nguyền rủa anh em, và hãy cầu nguyện cho những ai xử tệ với anh em…. Hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót… Đừng kết án người khác, và Thiên Chúa sẽ không kết án anh em; hãy tha thứ cho người khác, và Thiên Chúa sẽ tha thứ cho anh em. Luca 6:27-28, 36-37 Xin cùng cầu nguyện với 3 phút bằng thánh vịnh đáp ca

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét